Đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ đối lập của bà Aung San Suu Kyi đang giành số ghế áp đảo trong quốc hội Myanmar và sẽ tạo ra một sự chuyển dịch quyền lực đáng kể.
Ngày 8/11 vừa qua, Myanmar đã trải qua cuộc tổng tuyển cử lịch sử với hơn 32 triệu cử tri đi bỏ phiếu. Đây là cuộc tổng tuyển cử đầu tiên kể từ khi nước này tiến hành cải cách mở cửa sau khi chính quyền dân sự thay thế chính quyền quân sự cách đây 4 năm.
Bà Aung San Suu Kyi – thủ lĩnh đảng đối lập ở Myanmar trở thành một biểu tượng gìn giữ hòa bình quốc tế sau hơn 15 năm tích cực hoạt động.
Theo Ủy ban bầu cử liên bang Myanmar (MUEC) thông báo, kể từ 9/11, kết quả cuộc tổng tuyển cử ở nước này sẽ được công bố 6 lần trong ngày từ 9/11 cho đến ngày 15/11.
Tuy nhiên, theo kết quả thăm dò sơ bộ, đảng Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (NLD) đối lập của bà Aung San Suu Kyi đang giành số ghế áp đảo trong quốc hội, và dự đoán trong tương lai sẽ tạo ra một sự chuyển dịch quyền lực đáng kể.
Người phụ nữ 70 tuổi đã trải qua quãng thời gian bị quản thúc tại nhà nhiều lần trong năm 1989 đến 2010 vì những nỗ lực đòi dân chủ.
Một năm sau khi đảng NLD có chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử 1991, bà San Suu Kyi được trao giải Nobel Hòa bình. Tuy nhiên, chiến thắng của đảng NLD không được công nhận kết quả, Myanmar tiếp tục duy trì chính quyền quân sự. Trong khi đó bà San Suu Kyi cũng bị cấm vận động tranh cử chức tổng thống vì hai con trai bà mang quốc tịch Anh.
Chồng và 2 con trai nhận giải Nobel Hòa bình cho San Suu Kyi trong thời gian bà bị quản thúc.
Aung San Suu Kyi là con gái của anh hùng dân tộc – Tướng Aung San – người thành lập quân đội Miến Điện. Ông bị ám sát trong suốt giai đoạn chuyển tiếp vào tháng 7/1947, khi bà mới lên 2 tuổi.
Năm 1960, bà tới Ấn Độ với mẹ là bà Daw Khin Kyi, lúc bấy giờ được chỉ định là đại sứ Myanmar tại Delhi. 4 năm sau, bà tới Đại học Oxford ở Anh, học về ngành tâm lý học, kinh tế và chính trị.
Sau khi làm sống và làm việc tại Nhật Bản và Bhutan, bà ở lại Anh để nuôi dưỡng hai đứa con trai của mình. Khi bà quay trở lại Rangoon vào năm 1988 để chăm sóc mẹ già bị đau ốm, Myanmar đang trong giai đoạn bị đẩy tới bờ vực cách mạng sau cuộc nổi dậy 8888. Hàng ngàn sinh viên, công nhân viên chức và nhà sư xuống phố đòi cải cách dân chủ.
Được truyền cảm hứng các chiến dịch nói không với bạo lực của các nhà hoạt động nhân quyền Martin Luther King và Mahatma Gandhi, bà tổ chức các buổi diễn thuyết vòng quanh đất nước, kêu gọi cải cách dân chủ hòa bình và bầu cử tự do.
Bà Suu Kyi gặp gỡ người ủng hộ trong ngày bà được thả tự do sau 6 năm bị quản thúc tại gia.
Nhưng những buổi diễn thuyết của bà Suu Kyi không may bị quân đội đàn áp vào năm 1988 và bà phải chịu án quản thúc tại gia trong 6 năm, trước khi được thả vào tháng 7/1995. Trong những năm về sau, bà cũng bị quản thúc một vài lần nữa. Trong giai đoạn chịu án phạt, bà Suu Kyi vùi mình trong việc học và luyện tập. Bà học thêm tiếng Pháp và Nhật, cũng như nâng cao kỹ năng chơi piano. Thi thoảng, bà có thể tổ chức các buổi gặp mặt với các quan chức thuộc đảng NLD để họp bàn các vấn đề cũng như đưa ra ý kiến chỉ đạo.
Hồng Hạnh (theo BBC)
Nguồn : Tin Tức, 10/11/2015
Thiên Hà
————————————
Aung San Suu Kyi : Con gái của vị anh hùng dân tộc
thành “Mẹ” của quốc gia (Một Thế Giới, 10/11/2015)
Theo kết quả bầu cử hiện nay tại Myanmar, đảng của bà Aung San Suu Kyi đã thắng cử. Hành trình của nữ chính trị gia này là con đường của một người con gái của vị anh hùng dân tộc trở thành “mẹ” của quốc gia.
Đáng ra, bà Aung San Suu Kyi đã trở thành một người nội trợ chứ không phải chính trị gia, nếu năm 1988 bà không trở về thăm mẹ và bị “cuốn” vào con đường chính trị, từ con gái của vị anh hùng dân tộc trở thành mẹ của quốc gia.
Bà Aung San Suu Kyi là con gái của vị anh hùng vĩ đại, tướng Aung San, người đã đấu tranh đưa Myanmar khỏi ách thống trị của thực dân Anh và phát xít Nhật. Tướng Aung San đã bị ám sát khi bà Suu Kyi chỉ có hai tuổi. Bà đã được mẹ nuôi dạy với một ý thức mạnh mẽ về ước vọng chưa hoàn thành của cha bà.
Năm 1964, bà được mẹ gửi đi du học để nghiên cứu về Chính trị, Triết học và Kinh tế tại Đại học Oxford (Anh). Tại đây, bà được ông Gore-Booth, người giám hộ của gia đình, giới thiệu với Michael Aris, người trở thành chồng của bà sau này.
Ông Michael Aris là một sử gia người Anh. Ông đã cầu hôn với bà Suu Kyi trên một đỉnh núi tuyết trắng tại Bhutan. Kể từ khi hai người lấy nhau (1972), trong suốt 16 năm sau đó, bà Suu Kyi đã trở thành một người nội trợ, người phụ nữ của gia đình.
Sự nghiệp chính trị của bà chỉ khởi đầu khi mẹ của bà bị đột quỵ vào năm 1988. Khi bà trở về nước, Myanmar đang bị chia rẽ trong một cuộc chiến giữa một bên là chính quyền quân sự, bên còn lại là các sinh viên, trí thức. Bà Suu Kyi đã chứng kiến biến cố vào ngày 8.8.1988, khi hàng ngàn người biểu tình bị giết.
Cuối tháng 8.1988, trước nửa triệu người ủng hộ tại quảng trường chùa Shwedagon Pagoda, bà tuyên bố cần phải có một chính quyền dân chủ. Sau đó, bà đã đứng ra thành lập chính đảng mang tên Liên đoàn Quốc gia vì Dân chủ (National League for Democracy – NLD) với chủ trương đấu tranh ôn hoà, bất bạo động.
Chưa đầy một năm sau đó, bà bị chính quyền áp đặt lệnh quản thúc tại gia thời hạn 3 năm. Bà đã không thỏa hiệp sự phóng thích của chính quyền với điều kiện phải lưu vong ở nước ngoài.
Tại cuộc tổng tuyển cử năm 1990, NLD thắng lớn, được 59% số phiếu bầu và 80% số lượng ghế trong Quốc hội Myanmar. Nhưng giới quân phiệt Myanmar không giao lại quyền lực mà tiếp tục giam bà tại gia.
Thời điểm đó, bà bắt đầu được người dân Myanmar trìu mến gọi là “mẹ Suu”, bà mẹ của cả quốc gia dù bà bị quản thúc tại gia suốt 14 năm trời.
Tháng 5.2003 diễn ra “Cuộc thảm sát Depayin” tại ngôi làng Depayin, nhiều ủng hộ viên của bà bị thảm sát, bà mất tích trong 3 tháng nhưng thực ra là bị giam bí mật ở nhà tù Insein ở Rangoon.
Giới chức quân đội Myanmar không thể tiếp tục giấu khi bà phải đi bệnh viện để chữa trị. Lệnh quản thúc kéo dài đến 5.2007, để sau đó cứ đến tháng 5 lại gia hạn một năm.
Chồng bà bị chuẩn đoán mắc ung thư vào năm 1997 và qua đời vào hai năm sau ở tuổi 53. Trong suốt thời gian đó bà Suu Kyi không được gặp chồng, vì chính quyền quân sự của Myanmar không cấp thị thực cho Michael Aris và bà Suu Kyi biết nếu bà sang Anh thăm chồng, bà sẽ không thể quay trở về Myanmar.
Thiên Hà
(theo The Australian)