HỘI CHỢ SÁCH TIẾNG QUÊ HƯƠNG: 17 NĂM GIỮ GÌN TIẾNG VIỆT (Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Nhà văn Uyên Thao, sáng lập viên tủ sách Tiếng Quê Hương, tâm tình. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

WESTMINSTER, California (NV) – Tủ sách Tiếng Quê Hương vừa tổ chức hội chợ sách Tiếng Quê Hương lần đầu tiên sau 17 năm hoạt động, tại Westminster Civic Center, Westminster, vào trưa Chủ nhật, 18 Tháng Sáu.

Nhà văn Trần Phong Vũ, trưởng ban tổ chức, cho biết lý do có buổi tổ chức này bởi vì ban tổ chức muốn ngoài phần giới thiệu sách, độc giả ở Little Saigon còn biết được những sinh hoạt của tủ sách Tiếng Quê Hương trong suốt 17 năm qua.

Khi nhắc đến nhà văn Uyên Thao, sáng lập viên của tủ sách này, ông Vũ nói: “Nhà văn Uyên Thao luôn quan tâm đến những sinh hoạt văn học của miền Nam Việt Nam trước đây. Hơn nữa, ông biết rõ người trong nước có những tác phẩm nhưng không thể ra mắt với độc giả. Vì vậy, Tiếng Quê Hương muốn là một nơi để nói lên tiếng của những người Việt vào giai đoạn khốn cùng trong chế độ Cộng Sản. Và đó cũng là lý do mà chúng tôi muốn cho độc giả ở miền Nam California nhìn thấy nỗ lực mà anh em chúng tôi đã làm trong hơn 17 năm qua.”

Nhà văn Uyên Thao tâm sự: “Mục đích của tủ sách này là không phải in sách, bán sách để kiếm cái gì cả. Như tên gọi của tủ sách, chúng tôi cố gắng giữ lại những tiếng nói của quê hương mình, tiếng nói đó như thế nào và cần nói những cái gì, thì đấy là điều mà tủ sách Tiếng Quê Hương cố làm. Và bây giờ, chúng tôi đến gặp mọi người cũng chỉ mong đưa tiếng nói đó đến càng nhiều người càng tốt.”

Hội chợ sách Tiếng Quê Hương: 17 năm giữ gìn tiếng Việt
Quan khách và đồng hương tham dự. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

“Trong tủ sách này, chúng tôi đã in được 80 cuốn, hầu hết là của những người ở trong nước viết mà không được in, chúng tôi mang ra nước ngoài để in, chẳng hạn như sách của các ông Bùi Ngọc Tấn, Tạ Duy Anh, Vũ Cao Quận… Ngoài ra, chúng tôi cũng có in một số sách của những người ở nước ngoài viết mà có nội dung phù hợp với chủ trương của chúng tôi,” ông cho hay.

Ông nhận định: “Giai đoạn lịch sử mà chúng ta đang sống, theo quan niệm của tôi, là giai đoạn oan nghiệt của đất nước và dân tộc của chúng ta. Trong giai đoạn oan nghiệt đó, rất nhiều điều mà chúng ta cần phải nghe, cần phải biết, và cần phải làm.”

“Trong nỗ lực của mình, chúng tôi cố thu góp một số sự kiện để chuyển đến mọi người, để mọi người lưu giữ và truyền bá lẫn nhau để mình cùng nhìn vào những cái đó, thì mình sẽ thấy rõ thực tế mà giai đoạn mình đang sống cái nào là trắng, cái nào là đen, cái nào là những tai họa, và cái nào là những con đường mình cần phải đi tới,” ông nói thêm.

Chia sẻ với mọi người về tuyển tập “Cộng Sản và Tôi” của 70 tác giả, dày 615 trang, do Tiếng Quê Hương in ấn và phát hành năm 2015, nhà văn Bùi Bích Hà nói: “Nói về tội ác của Cộng Sản, chúng tôi không biết đây là hồ sơ thứ bao nhiêu làm chứng cho những gì Cộng Sản đã gây ra trên quê hương, đã hành xử với những ai không theo họ và cả những ai từng cống hiến nhiệt tình thanh xuân, từng đổ máu xương để nuôi dưỡng họ trước khi bừng tỉnh và muốn họ thay đổi.”

Hội chợ sách Tiếng Quê Hương: 17 năm giữ gìn tiếng Việt
Đồng hương ủng hộ mua sách. (Hình: Lâm Hoài Thạch/Người Việt)

Tiếp theo, nhà báo Mặc Lâm nói về cảm xúc của mình khi đọc những bài thơ trong cuốn “Thơ Lính Chiến Miền Nam” gồm 152 bài thơ của nhiều tác giả, do ông Nguyễn Hữu Thời chọn lọc; ông Phan Lê Dũng nói về cuốn “Việt Nam Cuộc Chiến Leo Dốc” của Frank Scotton (chồng của nữ tài tử điện ảnh Kim Vui), do ông chuyển ngữ; ông Bùi Tín đọc bài thơ “Đất Nước Mình Ngộ Quá Phải Không Anh” của cô giáo Trần Thị Lam; nhà văn Uyên Thao nói về cuốn “Việt Nam, Mãnh Hổ hay Mèo Rừng” của tác giả Phạm Văn Thuyết,…

Trong hội chợ sách Tiếng Quê Hương, Tiến Sĩ Nguyễn Bá Tùng, điều phối viên Mạng Lưới Nhân Quyền Việt Nam, bày tỏ: “Những quyển sách hay tác phẩm do người trong nước viết mà không được xuất bản ở trong nước, thì nếu được xuất bản ở đây, chắc chắn có một số sách sẽ được lọt vào trong nước, và những tư tưởng của những anh em trong nước cũng như ở hải ngoại, rồi cũng được chuyển tải đến tay của đồng bào trong nước.”

“Riêng về tủ sách này tôi thấy đây là một công trình rất lớn lao, đối với những người đã bỏ công sức để tạo nên, là vì nó ghi lại một chặng đường lịch sử của những người xa quê hương viết, cũng như người còn ở lại viết, và họ đã ghi lại nhiều ẩn tích trong giai đoạn đen tối nhất của đất nước,” ông nói.

“Chắc chắc những tác phẩm này sẽ còn được giữ lại hoài hoài để cho con cháu của chúng ta sau này hiểu được thế nào là Cộng Sản và tại sao có rất nhiều người rời xa quê hương vì không chấp nhận sống chung với Cộng Sản. Khi đất nước mình được độc lập, tự do và dân chủ thật sự, thì giai đoạn này cũng là một giai đoạn lịch sử về văn học, rất đáng ghi lại để cho văn học sử Việt Nam được thêm phong phú hơn,” ông khẳng định.