Trên chiếc phi cơ loại L 20, do phi công Ðài Loan lái. Ðại tá Hồ Tiêu, và một Ðại tá Mỹ ngồi băng giữa; băng sau tôi, và Nguyễn thái Kiên; khoan sau là 2 túi dù, đựng hành trang của 2 đứa. Nguyễn thái Kiên mặt mày buồn so. Chắc có lẽ sau hơn 1 năm, từ Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù đổi về Sở Liên Lạc, sống gần gia đình. Nên bữa nay xa nhà, nhớ vợ con chăng?
Sau khi tôi học xong khóa 58 B nhảy dù (chỉ có tôi từ Biệt Ðộng Quân về, chưa có bằng dù phải đi học thôi), chúng tôi 5 SQ gồm: Văn Thạch Bích, Nguyễn Thái Kiên, Nguyễn Văn Thụ, Phạm Văn Hy và tôi, lên Trung tâm huấn luyện Long-Thành để nắm toán trưởng.
Cũng nên nói rõ là: các toán viên đã được huấn luyện thuần thuc rồi. Mỗi toán có 3 quân nhân Mỹ, 9 Việt nam (hoặc Nùng). Các toán dùng tên các Tiểu bang Mỹ để đặt. Nhưng chúng tôi dùng tên toán 1, 2, 3, 4, 5 v…v… Mấy tuần sau Thiếu uý Phan Nhựt Văn lên nắm toán 6. Tôi nắm toán 5.
Về huấn luyện, chúng tôi chỉ cần học kỹ thêm về các loại mìn bẫy, và phá hoại; cùng xử dụng các loại vũ khí của nước khối cộng-sản. Học điều không tiền tuyến, hướng dẫn phi cơ, chỉ điểm oanh kích. Câu dây trực thăng. Riêng về các bài học liên quan đến thám sát, thì cũng không có gì đặc biệt; như thủ lệnh, xóa bỏ dấu vết, v…v…; thì căn bản cũng giống như các bài học chiến thuật, dạy tại các quân trường.
Riêng phần tôi đã qua 2 khóa : Căn-bản Biệt động quân, và Hành-quân Biệt-động-Rừng Núi Sình Lầy rồi, thì khóa Thám sát này, coi như học ôn lại thôi .
Chúng tôi cũng được thực tập hành quân vùng sông Lá buông, mổi chuyến 7 ngày, để các thành phần trong toán ăn khớp với nhau. Về đi hình di chuyển hay vị trí, và xữ dụng vũ khí của mổi người trong toán, thì chúng tôi cùng đồng ý, không có ý kiến gì dị biệt giửa các cố vấn toán. Nhưng theo tổ chức cuả Mỹ, thì 3 cố vấn Mỹ: được gọi là one-zero ( Team-Leader ) one-one ; one-two.
Ðội hình nếu hành quân 6 người thì toán trưởng đi thứ hai, sau tiền đạo; nếu hành quân 12 người thì toán trưởng đi thứ ba sau 2 tiền đạo. Ðiều này cũng không trở ngại, vì mấy chuyến thực tập, tôi vẫn ở vị trí như vừa nêu. Các toán trưởng khác cũng làm như thế, nhưng có điều khi liên lạc với phi cơ, thì one-zero của toán liên lạc. Ðiều này cũng dễ hiểu thôi, vì không có người VN ngồi tiền-không-sát.
Nghiễm nhiên người cầm ống liên hợp, điều khiển và chỉ huy luôn. Và lấn cấn bắt đầu từ đây. Phe ta muốn được quyền chỉ huy, phía Mỹ thì muốn nắm quyền điều động.
Công bằng mà nói: chúng tôi lên Long thành, từ chỗ ăn, chỗ ngủ, cũng có người lo, quân trang quân dụng đều do phía Mỹ lo hết. Bây giờ họ không được quyền chỉ huy, thì họ đâu có chiụ. Thật sự thì các cố vấn của toán rất tốt, nhưng những cố vấn ở các phòng ban, thì thật khó ưa. Làm như những gì trại phát cho toán, là của riêng cuả nó cho vậy. Tôi nhớ lại lúc ở Biệt-động-quân, mấy tên cố vấn dễ thương kể gì. Sợ sĩ quan chúng tôi ra phết. Ở đây nhìn chung mọi người hình như rất nể tụi Mỹ. Các toán trưởng chúng tôi đưa vấn đề này lên Trung-úy Trần-thụy-Ly, sĩ quan liên lạc, hướng dẩn, để trình bày lên thượng cấp. Không biết phải do vấn đề nêu trên không, mà vài ngày sau, tất cả chúng tôi được lệnh rút về. Và kết quả là bây giờ, tôi và Nguyễn thái Kiên đang ngồi trên phi cơ tháp tùng với Ðai-tá Hồ-Tiêu để đi qua Lào .
Ðược biết Sở-liên-lạc có nhận yểm trợ cho Phân khu Tchépone, nơi này có 1 Tiểu đoàn của Hoàng-gia Lào. Không biết tôi và thằng Kiên qua Lào làm trò gì đây? Lúc ở phi trường Tân sơn nhất, tôi có nghe Ðại tá Hồ Tiêu nói chuyện với phi hành đoàn, là phi cơ sẽ ghé Ðà nẳng, để cho vị Ðại tá Mỹ xuống, và đổ xăng luôn. Xong, ra Ðông Hà đón 1 sĩ quan Lào, sau đó phi cơ sẽ đáp ở Khe-sanh, và vị sỉ quan Lào này sẽ hướng dẫn phái đoàn qua Tchépone.
Phi cơ theo bờ biển bay về hướng bắc, vì bay thấp nên chúng tôi nhìn thấy nước biển trong xanh, tàu thuyền qua lại rất rõ. Tiếng phi cơ rì rì êm tai, nên tôi thấy Nguyễn Thái Kiên đang ngáy khò khò. Hai ông Ðại-tá vẫn rì rầm nói chuyện. Lúc này tôi bỗng nhớ lại đơn vị BÐQ xưa quá. Ðường đi Lào chắc còn xa, vậy quý vị cho tôi nhớ về đơn vị cũ một chút nhé!
Lúc tôi nhận được công điện của Bộ Tổng Tham Mưu về Sở Liên Lạc. Tôi nghĩ chắc có lẽ do ông NQT, tham mưu trưởng SÐ dù xin đây. Thôi thì phen này, sẽ giã từ vũ khí, về đi liên lạc thôi. Năm 1964 các đại đội biệt lập BÐQ tuy là đã sát nhập lại thành Tiểu đoàn rồi. Nhưng các đại đôi vẫn còn biệt phái cho Tiểu khu, Chi khu, ít khi nào gom lại hành quân chung cấp Tiểu đoàn. Tiểu đoàn chưa đưa sĩ quan xuống bàn giao. Nên tôi vẫn phải chờ khoảng gần tháng sau khi nhận được lệnh thuyên chuyển. Tiểu đoàn tôi bị một trận phục kích, thiệt hại rất nặng. Tiểu đoàn mở đường từ Bình Long xuống Lai-khê. Ðại đôi tôi vừa ra khỏi quận Chơn thành hơn 1 cây số thì bị phục kích. Các đại đội đang đóng ở Tân Khai, Tàu ô, vi đi tiếp viện, liền bị chiến thuật ’công đồn đã viện’ của địch. Kết quả Tiểu đoàn trưởng bị bắt, cố vấn Tiểu khu chết; tiểu đoàn chết mất 5 sĩ quan, đại đội tôi, 1 SQ chết 1 SQ bị thương; phần binh sĩ chết và bị thương rất nhiều. Ðại đội tôi sau trận này, quân số khiển dụng chưa được 60 người. Không có sĩ quan xuống bàn giao thay thế. Suốt ngày nghe vợ con binh sĩ khóc than, chồng vừa chết, đại đội như còn chưa ổn định tinh thần. Ở hoàn cảnh này, tôi bỏ đi sao đành. Ðại đội trưởng bị thương, Thiếu úy Tùng trung đội trưởng trung đội 1 chết. Ðại đội chỉ còn tôi là sĩ quan; nên kiêm luôn Ðại đội trưởng. Do đó tôi về trình diện SLL trễ hơn 3 tháng. Một phần tôi dùng dằn không muốn rời đại đội, vì đại đội này, là đơn vị đầu tiên, tôi phục vụ khi mới ra trường sĩ quan. Và trận bị phục kích vừa rồi, 1 đệ tử ruột của tôi bị chết: Binh nhất Chắt. Tôi nhớ đêm đầu tiên ở hậu cứ đại đội, vì lạ chỗ, tôi trằn trọc đến khuya, cũng chưa ngủ được. Bỗng nghe tiếng ca vọng cổ rất to ngoài vọng gác: Khoan khoan bớ Nguyệt thu Nga tên em 6 năm qua đã đơm bông nở nhụy trong quả tim này .. .. ..sau đó, là vô vọng cổ môt đoạn dài. Suốt đêm hễ lúc nào tôi thức giấc đều nghe quen thuộc có bấy nhiêu câu hát đó. Sáng hôm sau tôi hỏi Thượng sĩ Khiêm, thường vụ, xem ai hát, mà sao hát hoài suốt đêm cũng chỉ có 1 câu đó thôi.
Ðược biết đó là binh I Chắc, sỡ dĩ hát suốt đêm, là vì các binh sĩ khác vì muốn gần vợ con, nên mướn hạ sĩ Chắt gác thế. Nó người Sông-ông-Ðốc, (Cà Mau), tướng tá vạm vỡ; nhưng hiền lành chất phác.
Trong đại đội nó tải đạn cho súng trung liên. Tôi để ý, đạn nó giữ luôn sạch sẽ, ba lô ngoài đạn trung liên ra, chỉ có võng; một cái khăn rằn lớn, vừa dùng để làm mền, vừa dùng để làm khăn tắm; còn lại toàn gạo sấy. Tuy nó không phải ‘tà lọt’, nhưng mỗi lần đóng quân, tôi đều gọi nó đến gần, chia sớt đồ ăn cho nó. Một kỷ niệm khác mà tôi suốt đời chẳng bao giờ quên. Buổi chiều hôm đó sau khi đi mở đường về hậu cứ, tôi đang ngồi đọc báo, thì thấy nó đi qua, đi lại, nhiều lần như muốn hỏi điều gì. Tôi bèn gọi hỏi xem nó cần gì. Chù chừ mãi một hồi lâu nó mới mở miệng:
-Thiếu-úy, Phải con gái tụi nó có 2 lổ,1 lổ tiểu, và một lổ lửa. Nếu không biết…nhằm vào lổ lửa thì phỏng …cu phải không ?
Tôi định cười thật to, vì sự khù khờ của nó, vi kềm lại được, bèn hỏi: “Ai nói với Anh như thế”
Nó đáp Thượng sĩ Khiêm. Tôi bảo Thượng sĩ Khiêm gạt anh đó. Mà mỗi lần đại đội về Bình-long, sao anh không đến Hàng-Keo, đi chơi cho biết. Tôi nghĩ hôm nào đại đội về Bình-Long chắc tôi phải dẫn nó đi một chuyến quá. Tôi bèn giải thích thật cặn kẽ cho nó biết.
Khoảng vài tháng sau, nó cho biết là nó sắp lấy vợ. Nó cưới con Lài, có gánh bán bánh canh; trước một tiệm hủ tiếu duy nhứt ở quận Chơn Thành. Con Lài con nhà lao động, mà nước da trắng bóc, thân hình nẩy nở, thật cân đối. Tôi thấy các HSQ Biệt-động-quân, HSQ Chi khu, có cả một vài SQ chi khu, cũng thường tán tỉnh. Nhưng lù-khù có ông Cù độ mạng. Nó lại thương thằng Chắt mới lạ. Và từ đó mỗi chiều, nếu đại đội không hành quân xa, thì nó ra nhà con Lài giúp đỡ, những gì nó làm được. Nhìn nó 2 tay xách 2 thùng nước chạy, chớ không phải đi, thì phải biết nó khoẻ như thế nào. Ngày cưới Ông gìa nó từ Cà Mau lên, xách theo 2 con vịt xiêm thật to. Ðàng trai duy nhứt chỉ có Ba nó, và đại đội 2 chúng tôi. Quần áo của tôi đưa, nó chỉ mặc vừa được cái áo, mà gài nút còn không muốn được. Ðành phải quần ‘treilli’, giày ‘bốt-đờ-sô’. Ðám cưới thật vui, nhậu hơn 10 lít rượu đế . Tôi thấy con Lài mặt mày hớn hở, chạy tới chạy lui, mời mọc mọi người, còn thằng Chắt chỉ biết đứng cười. Dì hai của con Lài cảm động, thỉnh thoảng đưa khăn chậm nước mắt .
Thế mà, 2 tuần sau, thắng Chắt bị tử trận. Con Lài muốn chôn thằng Chắt tại Chơn-thành, không đưa về Càmau. Sáu chiếc hòm được quàn trong hậu cứ. Các bà vợ tử sĩ khác, lăn lộn khóc lóc, tôi thấy con Lài ngồi bất động, mắt nhìn vào khoảng không hàng 15, 20 phút. Tôi nghĩ, cử chỉ này, chứng tỏ một niềm đau thương rất sâu đậm. Tội nghiệp thằng Chắt, hay những tuổi trẻ VN ở nông thôn như nó.
Chiến tranh đã cướp mất đi tuổi thơ. Chưa từng có người yêu, dẫn đi dạo phố. Chưa từng có một thời làm học trò, biết ghi lưu bút ngày xanh … . Còn, còn rất nhiều mất mát thiệt thòi khác nữa. Chả bù với chúng tôi, lớp thanh niên thành phố. Nứt mắt 16, 17 tuổi đã là thân chủ thường xuyên, của chị Dậu chị Tình, ở xóm mới Gò vấp từ khuya rồi.
Xin lỗi, đã làm quý vị vài giây dao động, xin quay lại theo tôi qua thăm xứ Lào.
Phi cơ đáp phi trường Khe-sanh, sau khi đón vị sĩ quan Lào tại Ðông hà, đã thấy Trung uý Trần Thụy Ly, qua trước đó mấy hôm, đang chờ sẵn rồi. Khe sanh cách Ðông Hà không xa, mà thời tiết, và cảnh vật thật là cách biệt. Cây cối xanh tươi, khí hậu mát mẻ, tuy mới quá trưa, mà không gian bao trùm một màn sương mỏng. Không khí thật dễ chịu. Phi trường Khe sanh cũng là phi trường cuả trại LLÐB.
Khe sanh nằm trong quận Hương Hoá, nơi đây trồng rất nhiều cà phê. Từ trại theo quốc l 9, qua quận Hương Hoá, qua Lao Bảo (nơi này có 1 trại tù Chính trị thời Pháp thuộc) qua Làng Vây; rồi mới đến biên giới 2 nước .
Ðại tá Hồ Tiêu được vị Ðại tá Lào phân khu Tchépone niềm nở đón tiếp, và đưa vào phòng thuyết trình. Doanh trại đều là nhà tranh, vách đất, phòng thủ sơ sài. Vị sĩ quan ban 3 thuyết trình bằng tiếng Pháp. Tôi phải lôi vốn liếng Pháp Văn, từ lúc học trường Lycée Franco-Chinoise ra để theo dõi buổi thuyết trình. Về tình hình địch, thì cũng không có đơn-vị địch nào xuất hiện gần. Về tình hình bạn, thì chỉ có duy nhất Tiểu đoàn 33 này mà thôi .
Xong buổi thuyết trình. Ðại tá Hồ Tiêu quay về Khe sanh, và trở về Sàigòn cùng buổi chiều hôm đó.
Buổi tối, không biết là có dịp lễ nào cuả Lào không, nhưng họ nói là có buổi tiếp tân tiếp đón phái đoàn. Máy phát điện được chạy lên sáng khắp doanh trại. Tôi thấy có làm 1 con bò. Và cư dân Lào quanh vùng tập trung về tham dự rất đông. Nghe nói có người ở sát biên giới cũng về tham dự.
Có điều rất ngạc nhiên là 7, 8 chục phần trăm là các cô. Quần áo đều rất tươm tất, loại áo quần bó sát, mà ta thường trông thấy qua những hình ảnh nước Lào. Trang sức nữ trang bằng bạc. Các cô tuổi khoảng từ 17, 18 hoặc quá 25 là cùng. Sắc đẹp thì trên trung bình; chỉ có các bà vợ cuả các sĩ quan, và binh sĩ ,thì da dẻ trông trắng trẻo , có lẽ họ là người thành phố, vì ít lao động chăng. Các cô ở điạ phương, thì phần nhiều mập, và lùn. Chắc đã có chỉ thị, nên các cô vây quanh chúng tôi mời mọc, ăn uống. Có một món như là bê thui. Chắm một thứ nước gì sền sệt bỏ vào muỗng, rồi khum người lại mời chúng tôi ăn, vừa ngậm miệng lại, chúng tôi không dám nhai, cũng không dám nuốt; bèn bước lui ra ngoài hè nhà để nhổ.
Món nước chấm này, là phần bên trong ruột non của bò, pha với một loại nước mắm của Lào, do đó để không bị các cô mời, tôi phải có một món khác ngậm trong miệng, để các cô thấy, khỏi mời. Sau buổi tiệc là khiêu vũ. Ðiệu nhảy cũng giống như vũ điệu của Thái-Lan và Cao-Miên. Các cô cũng lôi chúng tôi ra. Có điều chỉ bước tới, đi ngang, 2 tay cứ xoay xoay, cũng dễ. Không biết có phải phong tục Lào theo mẫu hệ hay không, mà các cô tự do vui chơi đến sáng.
Thời tiết lạnh lạnh, không khí thật dễ chịu. Mặc dù hôm qua trải qua một chặng đường xa, sáng nay dậy chúng tôi thấy thật khỏe, không thấy mệt. Trung-úy Ly cho biết, nhiệm vụ cuả chúng tôi là nằm ở một tiền đồn, với binh sĩ Hoàng gia Lào, để quan sát 1 đoạn đường xâm nhập cuả địch bằng quân xa mỗi đêm (Thời gian này quân xa địch chưa dám chạy ban ngày). Phát hiện báo cáo, số lượng, và mức độ xâm nhập cuả địch mỗi đêm. Tuy nhiên cách nay 4 hôm, đoạn đường này vừa bị phi cơ Mỹ oanh-kích dữ dội. Không còn nghe tiếng xe địch hằng đêm nữa. Chúng tôi chờ lúc nào địch hoạt động trở lại ,thì chúng tôi thi hành công tác. Toán chúng tôi gồm Trung-úy Ly, Kiên, tôi và 2 HSQ truyền tin.
Nhưng mỗi lần gửi công điện cần quay đầu bò (B phận phát điện) bên phía Lào, đều tăng phái 2 binh sĩ qua làm công tác này. Hai nhân viên truyền tin của ta ngồi chơi khoẻ ru. Mỗi buổi sáng, bên Bộ-chỉ-huy Tiểu-đoàn Lào đều mang qua cho bên Việt-nam, một rổ xôi. Xôi họ thổi khô, nhưng rất mềm, và dẻo. Nơi đây không có chợ búa gì cả. Ngày nào ngán xôi, thì mấy HSQ truyền tin rang cơm nguội ,ăn với cá mòi Sumaco. Buồn qúa, tôi rủ thằng Kiên ra ngoài làng chơi. Nó không chiụ đi, cứ ngồi chửi là nó bị ‘Ðì ’,nên đày nó qua đây. Vì lúc cả nhóm đòi phải được quyền chỉ huy, nếu không được; tôi và nó, xin được trở về đơn vị cũ. Tôi không cho là điều nó nghỉ là đúng. Tánh thằng Kiên là vậy; nó nóng nảy nhưng trực tính, việc gì nó cho là không đúng, là nó chưởi toáng cả lên. Bất kể là quan lớn, hay bé. Phần tôi có việc gì nó không đồng ý là nó chữi ‘’Số ngày mày đi lính, không bằng ngày tao bị lậu ‘’.
Mà sự thật: Năm 1954 nó có tham dự trận Ðiện biên phủ. Những người cùng thời với nó bây giờ, đều mang lon ‘quan ba ‘ ‘quan bốn ‘, còn nó vẫn làm ‘ quan một ‘dài dài. Với nó, mà đem chuyện ‘’thi hành trước,khiếu nại sau ‘’thì còn khuya, nó mới làm. Vì tính khí nó như thế, nên sau này nó bị đổi ra bộ binh, làm việc ở Phòng 2 , Quân đoàn I . Thỉnh thoảng có đi công tác về Ðà Nẵng, tôi có ghé khu phòng vãng lai Sĩ Quan độc thân thăm nó. Bây giờ nó bất mãn còn dữ nữa. Cho là đuổi nó ra khỏi ‘nhảy dù’ là làm nhục nó. Thời gian sau, nghe nói nó tình nguyện vào Sở Bắc. Kinh-Kha lúc sang Tần, là thanh niên trai tráng. Còn thằng Kiên thì một vợ 4 , 5 con rồi. Mà nghĩ cũng lạ, thanh niên trai trẻ tình nguyện thiếu gì. Sao lại chọn nó làm chiến sĩ vô danh. Biết rằng, ra đi sẽ không có ngày trở lại. Bị tù gần 20 năm. Vượt biên qua Mỹ, đang lo thủ tục bảo lãnh vợ con. Chưa qua được Mỹ đoàn tụ với nó, thì vợ nó đã mất ở Việt-nam. Các bạn nào chưa quen biết nó, mà thấy nó hơi hơi chạm điện, thì hãy thông cảm.
Chúng ta mà va vào trường hợp như nó, sợ bây giờ chắc đã theo ông bà, ông vải từ lâu. Rồi thì Ông Trời cũng có mắt. Sau này nó cũng có ở với một bà. Bà sau này, chìu chung, và lo cho nó hết mình. Ðền bù lại những ngày tù đày của nó. Con gái riêng của bà, cũng kính trọng thằng Kiên như cha ruột. Chắc bà sau này, kiếp trước còn mắc nợ nó bây giờ phải trả đây. Giờ thì tính nóng của nó cũng giảm được 5 , 7 phần rồi.
-Kiên ơi ! Nếu mày có đọc tới đây, thì tụi mình bây giờ, còn gì nữa đâu :‘’Chiều xuống êm đềm’’nghe Kiên .
Thằng Kiên không đi thì tôi đi một mình. Làng Husane chỉ cách trại khoảng 1 cây số,nằm cạnh sông Tchépone, dưới bóng rợp mát của của những tàng dừa. Ðường làng thật sạch sẻ, phần nhiều là nhà sàn, khác với người Miên và người Thượng, họ không nuôi trâu bò, và gia súc dưới sàn. Dân làng thật cởi mở, hiếu khách, vui vẽ, mời tôi leo thang, lên nhà uống nước. Phần đông việc đồng áng do thanh niên, con gái đều ở nhà; làm việc nhà, hay dệt vải. Khung dệt được đặt dưới sàn nhà. Các cô quỳ, và dùng tay để phóng con thoi qua lại. Phần nhiều mọi nhà đều tự dệt vải để dùng. Vải dệt có những hình hoa văn rất đẹp. Ngồi nhìn các cô dệt suốt buổi, chỉ biết cười, và làm điệu bộ ra dấu thôi, có biết tiếng Lào đâu mà nói. Buổi chiều tôi theo mấy HSQ truyền tin đi tắm sông. Ðoạn sông Tchépone chảy ngang qua làng không sâu, và bờ sông lài lài, nên rất dễ dàng lên xuống. Các cô cũng không e thẹn, khi tắm chung với người khác phái. Có điều theo phong tục, họ phải đứng trên dòng nước chảy. Khi các cô muốn xuống nước, thì họ đi từ từ, bên trong cạn, ra sâu, rồi ngồi hụp xuống thật nhanh, cùng động tác, nâng khăn lên, và ném khăn vào bờ. Có nhanh mấy đi nữa, thì tụi tôi cũng nhìn thấy đủ hết rồi.
Có thể đến gần, miễn là vẫn ở dưới dòng, nước sông không trong lắm, nhưng những gì mình muốn thấy, thì vẫn thấy rõ rang. Họ đùa giỡn thật vô tư. Khi muốn lên bờ, thì một cô quay người ngược về chúng tôi, chạy nhanh lên bờ, choàng khăn xong, từ đó ném khăn xuống cho các bạn. Mấy thuở mà nhìn được một lần 5, 7 sơn nữ Phà-Ca cùng tắm sông một lúc, phải không các bạn .
Chưa có công tác, vẫn ngồi chờ. Tôi và thằng Kiên qua Khe-Sanh chơi. Quốc lộ 9 đoạn này còn rất tốt, chưa bị chiến tranh tàn phá. Rừng cây cổ thụ cao, to, 2 bên đường, khiến con đường mát lạnh. Dân khai thác lâm sản, thấy rừng cây cổ thụ 2, 3 người dang tay ôm không hết này, thì mê kể gì. Nếu đường sá thông thương, thì giờ này làm gì còn. Cũng trên đoạn đường này lần đầu tiên trong đời, tôi nhìn thấy chim trĩ. Lúc nhỏ xem hát bi, thấy đào kép có giắt lông trĩ trên mão, giờ đây mới thấy tận mắt. Nó thường đi từng cặp. Thấy xe đến gần ,nó chỉ bay tới một đoạn ngắn, rồi đáp xuống cây, đợi xe chúng tôi đến gần mới bay, suốt một đoạn đường dài như vậy. Nếu chúng tôi dừng xe, đứng nhìn, thì con trống xù lông điệu bộ rất đẹp. Thỉnh thoảng cũng thấy một loại chim như con công, nhưng không to và đẹp bằng .
Quận Hương-Hóa chỉ có 1 con đường độc đạo. Cũng có một vài tiệm tạp hóa, kiêm luôn bán càphê. Hàng hóa khá đắt, vì phải thồ từ Ðông hà lên. Vì là nơi sản xuất nhiều càphê, nên tôi có hỏi về cà phê cứt chồn. Ông chủ quán cho biết là: để đi nhặt những hạt cà phê do chồn ăn rồi bài tiết ra thì biết bao lâu mới được 1 ký. Riêng ông thì, vì có trồng cà phê, những cây gần nhà, ông cứ để cho thật chín rụng xuống đất, Chờ thời gian phần thịt bên ngoài hạt cà phê vữa đi , nhặt những hạt này về rửa sạch phơi khô. Vì có cùng một độ già, độ chín, giống nhau, nên hương vị khác hơn những loại khác. Thỉnh thoảng qua Khe-Sanh chúng tôi cũng mua được thịt rừng. Buổi cơm chiều đó chúng tôi được bồi dưỡng thịt tươi .
Hơn 2 tuần không có việc gì làm, bắt đầu thấy buồn; thì có công điện, 2 đứa chúng tôi phải về trình diện SLL ngay. Thằng Kiên nó mừng kể gì. Chiều ngày hôm sau, là chúng tôi có mặt ở Phòng 3 SLL rồi. Ðược biết là chúng tôi trở lên lại Long-Thành, các anh Bích , Thụ và Hy đã lên trước rồi.
Hai tuần vừa qua, xem như vừa được đi du lịch. Cám ơn dân làng Husane, cám ơn Tchépone, cám ơn những sơn nữ Phà-Ca, đã cho tôi 2 tuần lễ khó quên.
Chúng tôi lại trở về toán cũ. Bây giờ, sau khi đã được bàn cãi ở cấp cao, giữa 2 bên Mỹ-Việt. Tiếng Counterpart được thay thế tiếng Advisor. Nghiã là không có ai chỉ huy ai. Hai bên quyền hạn như nhau. Chúng tôi bắt đầu nhận công tác hành quân. Bắt đầu những chuyến đi, mà ” mười lần đi, có đôi ba lần không trở lại.”
Năm 1969 tôi có dịp hành quân trở lại vùng này .Những hố bom B 52 chi chít. Ðường quốc lộ 9 đã bị cày nát nhiều đọan. Làng mạc tiêu điều. Thật kinh khủng. Không biết những Sơn nữ Phà Ca xưa, nay còn hay mất. Trôi lạc phương trời nào.
Share Người Lính Già TQLC