TẠI SAO NGƯỜI DÂN VIỆT NAM PHẢI NỘP THUẾ?

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

25/10/2015 Tạ Phong Tần Sự kiện và bình luận

Mức thuế người Việt Nam phải nộp quá cao so với các nước trong khu vực

Người dân Việt Nam chen chúc đi nộp thuế

Theo báo điện tử Vietnamnet ngày 03/12/2014 cho biết:

Báo cáo “Tổng quan môi trường thuế Việt Nam 2014” của Công ty Vietnam Report cho biết mức thu thuế, phí của Việt Nam vẫn cao hơn hẳn so với các nước trong khu vực.

Cụ thể vào năm 2007, tỷ lệ thu thuế, phí của Việt Nam nằm ở mức 26,2% cao hơn hẳn so với các nước trong khu vực như Thái Lan 16,1%, Philippine 13,5%, Indonesia 12,4%, Malaisia 14,3%…

Từ năm 2009, nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, Chính phủ đã chủ trương kích cầu đầu tư và tiêu dùng, tháo gỡ khó khăn cho DN, tiến hành giảm thuế GTGT và một số loại phí, giúp cho tỷ lệ thu thuế, phí nói chung giảm khoảng 1%.

Tuy nhiên sau đó thuế phí lại tăng cao vào năm 2010.

Đến giai đoạn 2011-2013, khi hàng loạt các giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn và hỗ trợ thị trường của Chính phủ được đưa ra, trong đó có chính sách thuế, tỷ lệ thuế mới có sự giảm đáng kể, còn 21,4% vào năm 2013.

Tuy nhiên, so với các nước trong khu vực vẫn cao bởi huy động từ thuế, phí của các nước gần như ổn định, mức từ 10%-16%.

Với thu nhập bình quân đầu người của Việt Nam chỉ ở mức trung bình so với khu vực, nhưng tỷ lệ thu thuế phí cao hơn hẳn, rõ ràng người dân đang phải chịu gánh nặng thuế phí rất cao.

Không những thế, với chính sách bảo hộ và thuế chồng lên thuế, đang khiến mỗi người dân Việt Nam phải gánh chịu tỷ lệ thuế, phí/GDP cao gấp từ 1,4 -3 lần so với các nước trong khu vực.

Với các DN, qua khảo sát, lấy ý kiến khoảng 300 DN về thuế thu nhập DN, có đến 70% cho biết vẫn còn cao. Mặc dù thuế TNDN đã được giảm từ 25% xuống còn 22% và được đánh giá là thay đổi tích cực nhất về thuế trong thời gian qua, nhưng các DN cho biết thuế thu nhập DN cao vẫn là quan ngại lớn nhất với họ. Đây dường như chưa phải là mức thuế suất hài lòng với các DN, đặc biệt trong tình hình kinh tế “đi ngang” như hiện nay”. (Hết trích dẫn)

Người dân Việt Nam được hưởng quyền lợi gì sau khi đã thực hiện nghĩa vụ thuế?

Quá tải ở Bệnh viện Chấn Thương Chỉnh Hình Sài Gòn

Tiếp tục vào Google, bạn đọc sẽ thấy người dân Việt Nam được hưởng thụ những “tiện ích” do nhà nước CSVN Việt Nam đem lại như sau:

– Học sinh đi học phải đu dây vì không có cầu. Báo điện tử VnExpress ngày 25/3/2014 viết: “Việc chúng ta còn thiếu nhiều nghìn cây cầu ở vùng sâu, vùng xa lâu nay chưa đủ sức làm trong khoảng thời gian ngắn tới đây cũng là nỗi buồn của các ngành, các cấp và là mong muốn của nhân dân, trong đó có trẻ em, những chủ nhân tương lai của đất nước quả là điều cần suy tính”.

– Bệnh viện cả nước đều quá tải, Trường học cả nước quá tải và chưa có hồi kết; Báo Sức khỏe – Đời sống ngày 02/4/2014 cho hay:

“Rất thiếu bệnh viện và rất thiếu trường học! Hàng vạn người bệnh trong cả nước phải chen chúc, nằm cả dưới gầm giường, vỉa hè, lối đi trong các bệnh viện, chưa kể các máy móc, thiết bị điều trị cho bệnh nhân đã quá thiếu, lại rất lạc hậu. Bao nhiêu cuộc quyên góp cứu trợ người nghèo, với số tiền vài chục nghìn tỷ, mà vẫn như muối bỏ bể. Bao nhiêu chương trình từ thiện xúc động lòng người, như “Nhà tình nghĩa”, “Vượt lên chính mình”, “Lục lạc vàng”, “Đèn đom đóm”, v.v… Bao nhiêu trẻ em ở vùng sâu, vùng xa, miền núi không có “trường học”- theo đúng nghĩa- mà chỉ là những “phòng học” tranh tre nứa lá trống hơ trống hoác, mặc cho mưa dập gió vùi và những cuộc vượt sông sâu suối dữ đến trường đe dọa tính mạng trẻ em. Ngay cả giữa thủ đô Hà Nội mà còn thiếu trường học (trường phổ thông và mẫu giáo), nói gì đến những nơi xa xôi, hẻo lánh?!”.

Tiền thuế thu được chạy đi đâu?

Xin thưa, đang ở những chổ này:

– Báo Quân Đội Nhân Dân ngày 20/10/2012 cho biết:

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tại buổi lễ khởi công xây trường Đại Học bên Lào

“Ngày 19-10, tại Vientiane, Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh và Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Lào đã phối hợp tổ chức lễ bàn giao Dự án nâng cấp Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Lào giai đoạn II từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Việt Nam dành cho Lào.

Dự án có nhà giảng đường chính gồm một khối nhà 5 tầng với diện tích sàn xây dựng 5.630m2 với 32 phòng học, phòng làm việc của lãnh đạo học viện, các khoa; Ký túc xá cho học viện gồm 1 khối nhà 4 tầng diện tích sàn xây dựng 2.920m2 gồm 62 phòng ở được trang bị nội thất phục vụ học viên nội trú. Ngoài ra còn có các công trình phụ trợ khác như: đường giao thông nội bộ, cây xanh, sân vườn … với diện tích gần 3.000m2”.

Tạp Chí Cộng Sản ngày 05/102012 cho biết:

“…trong suốt quá trình đặt quan hệ hợp tác nói chung, trong hai mươi năm trở lại đây nói riêng, Việt Nam đã dành cho Lào một nguồn kinh phí không nhỏ và sự hỗ trợ toàn diện ở lĩnh vực giáo dục – đào tạo, phía Lào đã gửi hàng chục ngàn sinh viên, cán bộ sang học tập, nghiên cứu tại Việt Nam với cơ cấu bậc học, ngành học đa dạng.

Nếu trong những năm 1991 – 1995 Việt Nam chủ yếu giúp Lào nguồn vốn trên dưới 1 triệu USD/năm (chiếm 69% tổng số vốn) để đào tạo nguồn nhân lực, thì giai đoạn 1996 – 2000, Việt Nam đã nâng khoản viện trợ không hoàn lại này lên gấp 4 lần và chuyển hướng sang nhiều hình thức đào tạo mới.

Những năm gần đây, bằng nguồn vốn của Chính phủ Việt Nam viện trợ, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã giúp Lào xây dựng 6 trường dân tộc nội trú; 1 ký túc xá cho lưu học sinh nước ngoài tại Đại học Viêng Chăn, 1 trường năng khiếu và dự bị đại học Viêng Chăn; 3 trường phổ thông trung học và 1 khoa dạy tiếng Việt tại Đại học Quốc gia Lào, được hoàn thành năm 2009”.

Báo Ảnh Việt Nam ngày 27/6/2012 cho biết:

“Dự án Học viện Kinh tế – Tài chính Đôngkhămxạng giai đoạn 2 có tổng vốn đầu tư hơn 120 tỉ đồng, trong đó vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam dành cho Chính phủ Lào là hơn 110 tỉ đồng, phần còn lại là vốn đối ứng của Lào. Dự án bao gồm các hạng mục: một nhà học tập 3 tầng; một đơn nguyên 3 tầng; một nhà hội thảo – phòng học đa năng 2 tầng; một thư viện 2 tầng với gần 300 chỗ ngồi đọc, một nhà ở 3 tầng, và nhiều hạng mục khác. Dự kiến, đến năm 2014, dự án sẽ được đưa vào sử dụng, đáp ứng được nhu cầu đào tạo từ 3.000 – 4.000 sinh viên và cán bộ ngành tài chính của Lào trong giai đoạn từ nay đến năm 2020”;

– Báo Công an nhân dân ngày 10/4/2014 cho biết:

“Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Bộ Bưu chính – Viễn thông Lào vừa ký kết biên bản bàn giao, tiếp nhận công trình “Trạm kiểm soát tần số viễn thông Lào” từ nguồn vốn viện trợ không hoàn lại của Chính phủ Việt Nam.

Đây là Dự án được khởi công từ đầu năm 2013 trong khuôn viên 10.000m2 với tổng kinh phí không hoàn lại Chính phủ Việt Nam là 58 tỷ đồng và vốn đối ứng của Lào”.

(Xem thêm Hiệp định không số ngày 01/9/2003 ký giữa nhà nước CSVN và Lào tại trang nhà của Văn phòng Quốc Hội nước CHXHCN Việt Nam).

– Báo điện tử Kiến thức ngày 16/7/2015 cho hay: “Hỗ trợ Campuchia gần 45 tỷ xây chợ kiểu mẫu biên giới.

Bộ Công Thương vừa có Quyết định phê duyệt Dự án xây dựng “Chợ kiểu mẫu biên giới Campuchia” tại ranh giới giữa tỉnh Tây Ninh và Tbaung Khmum, Campuchia”.

Báo Mới ngày 17/7/2015 cho hay: “Việt Nam viện trợ không hoàn lại 45 tỷ cho Campuchia xây chợ. Dự án này được thực hiện theo biên bản thỏa thuận tại Kỳ họp lần thứ 13 của Ủy ban hỗn hợp về hợp tác kinh tế, văn hóa, khoa học kỹ thuật giữa Chính phủ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và Chính phủ Hoàng gia Campuchia ký ngày 11/2/2014”.

Và còn rất nhiều những “dự án tài trợ không hoàn lại” theo kiểu đã kể trên, bạn đọc muốn tìm hiểu thêm xin hãy vào Google tìm, trong phạm vi bài viết này nế liệt kê hết thì không biết đến bao giờ mới viết xong.

Người dân Việt nghĩ gì?

Là người dân Việt Nam làm ăn chân chính, lương thiện, phải đổ mồ hôi sôi nước mắt, còng lưng kiếm tiền để nộp thuế cho nhà cầm quyền CSVN, bạn nghĩ gì về số tiền thuế bạn phải nộp mỗi tháng, mỗi ngày?

Câu trả lời dành cho các bạn!

    Tạ Phong Tần