Gia nhập TPP: Cơ hội, khó khăn và khả năng thoát Trung cho Việt Nam

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
Cát Linh, phóng viên RFA
2015-10-08
                                                            Nghe Audio
Phần âm thanh
000_Was8970858-622.jpg

12 nước thành viên Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt TPP tại Atlanta, Mỹ ngày 5/10/2015.

AFP PHOTO/PAUL HANDLEY
Sau 8 năm với nhiều vòng đàm phán, thứ Hai ngày 5 tháng 10 vừa qua, Hiệp định đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương, gọi tắt TPP đã đạt được thảo thuận giữa 12 nước thành viên.
Nếu như với giới truyền thông và các chuyên gia thì đây là một nỗ lực đầy tham vọng của Tổng thống Barack Obama, thì với Việt Nam, đây lại là 1 thời điểm lịch sử đúng 20 năm kể từ năm 1995, quan hệ bang giao giữa Hoa Kỳ và Việt Nam được thiết lập. Hiệp định này không những là một cơ hội lớn cho nền kinh tế Việt Nam mà với một số doanh nhân và chuyên gia, đây là khả năng thoát Trung cho Việt Nam.
Cơ hội cho ngành hàng sản xuất 100% nội địa
Những ngày qua, có nhiều ý kiến cho rằng sẽ là hơi sớm nếu chúng ta nói về kết quả gia nhập TPP của Việt Nam. Thế nhưng, với những doanh nghiệp có sản phẩm nội địa xuất khẩu sang thị trường châu Âu, châu Mỹ, hoặc 12 nước thành viên TPP, và nhất là khi những doanh nghiệp đó có chuẩn bị tốt thì thảo thuận lịch sử này là một cơ hội lớn cho phát triển kinh tế. Ngược lại, những doanh nghiệp, cơ sở nhỏ nếu không có sự chuẩn bị kỹ thì sẽ có nguy cơ đóng cửa. Đây là nhận xét của ông Nguyễn Hữu Hoàng, một doanh nhân rất thành công về các sản phẩm đất sạch làm từ xơ dừa và hiện có nhiều sản phẩm cung cấp cho Walmart ở Hoa Kỳ. Chia sẻ chi tiết hơn, ông đưa ra giải thích như sau:

Khi vào TPP thì 1 số doanh nghiệp tư nhân nghĩ rằng sân chơi sẽ bình đẳng hơn bởi vì nó có công đoàn tự do. Mà công đoàn tự do thì nó sẽ được cất tiếng nói, vì dân họ có quyền lôi ông chính quyền ra tòa nếu anh có sự thiên vị. 
-Ông Nguyễn Hữu Hoàng

“Bởi vì khi anh vào sân chơi với người ta, anh không chuẩn bị tốt, mà lâu nay anh mua hàng, lắp ráp của Trung Quốc, những nguyên liệu nhập từ của Trung Quốc thì anh sẽ không thể vào thị trường lớn được. Một số doanh nghiệp quốc doanh sẽ có khả năng phải đóng cửa hoặc phải tự thân sắp đặt lại. Vì lâu nay họ ỷ lại vào nhà nước, vào vốn nhà nước, vào sự bảo trợ.”
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh trong lần trả lời phỏng vấn của Mặc Lâm, Đài Á châu tự do cũng nêu rõ quan điểm của ông:
“TPP muốn Việt Nam xuất khẩu hàng do Việt Nam sản xuất chứ không phải xuất khẩu hộ hàng của Trung Quốc. Vì vậy Việt Nam đang cố gắng nâng cao hàm lượng nội địa, thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài và đấy là những thách thức, nhưng thách thức dó nếu được xử lý tốt thì có thể trở thành thuận lợi để thúc đẩy tăng trưởng của Việt Nam.”
TPP là một sân chơi bình đẳng cho các quốc gia thành viên. Những sản phẩm làm ra, nếu xuất khẩu vào thị trường của 12 nước thành viên thì phải đảm bảo tỷ trọng nguyên liệu cấu thành nên sản phẩm đó là bao nhiêu phần trăm nằm trong khối TPP.
Theo lời ông Hoàng, nếu không đạt được đúng tỷ trọng đó, thì doanh nghiệp sẽ không được hưởng thuế suất là 0%.
Trong một tài liệu về những điều căn bản của hiệp định TPP có nhắc đến rằng với hiệp định TPP, các công ty, tập đoàn nước ngoài và quốc tế sẽ có khả năng mang chính phủ của các quốc gia thành viên ra tòa án đặc biệt của TPP khi các quốc gia này đặt ra các luật lệ, chính sách đi ngược lại với chỉ tiêu của TPP. Tòa án này có toàn quyền bắt chính phủ đền bù không những cho các thiệt hại đã xảy ra, mà còn cho những mất mát về cơ hội trong tương lai của các tập đoàn, công nghiệp quốc tế. Giải thích chi tiết về điều này, ông Hoàng đưa ra những nhận định của mình:
“Khi vào TPP thì 1 số doanh nghiệp tư nhân nghĩ rằng sân chơi sẽ bình đẳng hơn bởi vì nó có công đoàn tự do. Mà công đoàn tự do thì nó sẽ được cất tiếng nói, vì dân họ có quyền lôi ông chính quyền ra tòa nếu anh có sự thiên vị.”
Theo sự giải thích này, thì chúng ta có thể hiểu rằng các doanh nhân cũng như các ngành hàng sản xuất của Việt Nam sẽ được luật chơi quốc tế sẽ bảo vệ mạnh mẽ.
Khó khăn
000_Hkg987465-305B.jpg
Đoàn xe chở hàng hóa qua biên giới Việt Nam – Trung Quốc tại cửa khẩu Tân Thanh, tỉnh Lạng Sơn, ảnh minh họa chụp trước đây.
Bên cạnh những cơ hội và thuận lợi cho kinh tế, thị trường Việt Nam cũng không tránh được những khó khăn sẽ xảy ra, mà theo ông Hoàng dẫn dụ về ngành nông sản:
“Hiện nay có một số ngành hàng, chẳng hạn như nông sản, chăn nuôi. Chẳng hạn như trứng gà Mỹ, và thịt gà Mỹ rất rẻ, và Mexico và 1 số nước đang phát triển thì thực phẩm rất rẻ. Hiện nay Mỹ đang bán gà đông lạnh chỉ khoảng 20 đến 25.000 đồng/kg. Ở Việt Nam, giá gà đông lạnh là 50.000 đồng/kg, gà ta thì hơn cả trăm ngàn đồng/kg.”
Theo nguồn tin trích dẫn từ báo mạng vnexpress trong nước vào ngày 29 tháng Bảy vừa qua, Hiệp hội chăn nuôi Đông Nam Bộ lên tiếng rằng gà Mỹ nhập vào Việt Nam với giá 19.000 đồng/kg và bán ra thị trường TP HCM với giá là 23.000 đồng/kg, rẻ bằng 1 nửa giá gà trong nước.
“Không vào TPP, không thể nào thoát Trung Quốc”

Mặc dù họ biết họ đạt được thì họ phải đánh đổi cái này, đánh đổi sự đe dọa quyền lực. Mà 1 điều nữa, đó là hiện nay nếu không vào TPP thì không có cách nào thoát Trung Quốc được. Chính phủ Việt Nam đang rất muốn thoát Trung Quốc nhưng thoát bằng cách nào? 
-Ông Nguyễn Hữu Hoàng

Một trong những điều mà chính phủ Việt Nam phải đáp ứng trong hiệp định TPP, đó là không độc quyền để lãnh đạo công đoàn nữa. Chúng ta biết rằng, Tổ chức công đoàn lâu nay là do Đảng Cộng sản quản lý. Như thế, vấn đề đặt ra, có phải  nhà nước Việt Nam đã sẵn sàng cho một sự cải tổ? Hay nói cách khác, chính phủ Việt Nam đang đứng trước một thách thức lớn về bộ máy lãnh đạo? Đặt vấn đề này với ông Hoàng, ông có ý kiến rằng:
“Trong điều lệ của Đảng cộng sản Việt Nam, giai cấp công nông là giai cấp tiên phong. Trong khi đó, bây giờ giai cấp này đang bị 1 tập đoàn, nhiều nước tư bản đang kiểm soát. Đó là 1 trong những cái mà nếu không có lợi thì chính quyền Việt Nam sẽ không theo đuổi để đạt được. Mặc dù họ biết họ đạt được thì họ phải đánh đổi cái này, đánh đổi sự đe dọa quyền lực. Mà 1 điều nữa, đó là hiện nay nếu không vào TPP thì không có cách nào thoát Trung Quốc được. Chính phủ Việt Nam đang rất muốn thoát Trung Quốc nhưng thoát bằng cách nào?”
Đề cập đến vấn đề này, chuyên gia kinh tế Nguyễn Xuân Nghĩa, trong cuộc trò chuyện với Nguyên Lam của Đài Á Châu Tự Do có nói rằng:
“Một thí dụ thiết thực là trong hệ thống TPP, Việt Nam sẽ có hậu phương lớn của 11 nước để từ bông vải qua dệt sợi mà tiến vào thị trường áo quần may mặc hoặc từ các phụ kiện điện tử mà lên tới trình độ chế biến cao hơn, có giá trị hơn. Với một hậu phương mới, kinh tế Việt Nam sẽ bớt lệ thuộc vào nguồn cung cấp nguyên vật liệu của Trung Quốc nên khó bị Bắc Kinh khuynh đảo. Các thị trường quốc tế đều đánh giá là từ hệ thống TPP, Việt Nam có lợi nhất và Trung Quốc bị thiệt hại nhất. Việt Nam phải mau chóng cải sửa để biến dự phóng ấy thành hiện thực. Lãnh đạo mà không dám hay không muốn thì người dân phải làm vì đấy mới là tương lai xứng đáng của mình.”
Như đã nói, kết quả đạt được của Việt Nam sau khi gia nhập TPP hãy còn là chuyện phía trước. Thế nhưng, qua chia sẻ của các thính giả gửi đến Đài Á Châu Tự do thì có vẻ như có rất nhiều hy vọng vào một nền kinh tế phát triển, và nhất là cơ hội thoát Trung Quốc về cả kinh tế lẫn chính trị trong tương lai không xa.