LIÊN MINH NATO RẠN NỨT TRÊN TRẬN TUYẾN ĐỐI ĐẦU VỚI NGA ! (Lê Thành Nhân)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Càng ngày càng thấy một số cường quốc khối NATO có khuynh hướng đu dây hai bờ Washington và Moscow (thủ đô Nga). Chả trách thế gian này có câu: “Lúc gian nan mới biết ai là bạn, khi hoạn nạn mới biết bạn là ai”. Các lãnh đạo Hoa Kỳ cần suy gẫm thấu đáo câu nói trên, nó là bài học nhãn tiền cho nước Mỹ hôm nay và thế hệ mai sau.

Cộng Đồng Châu Âu còn gọi European Union (EU) có 27 nước, thì 22 nước là thành viên của khối NATO còn 5 nước đứng ngoài (Áo, Phần Lan, Thụy Điển, Cyprus và Malta). Trên thực tế chỉ có 3 nước Pháp, Đức, Ý, thường quyết định phần lớn chính sách của EU. Trước đây có nước Anh, nay Anh qua Brexit không còn liên hệ với EU nữa. Như vậy cho thấy EU và NATO là hai thực thể khác nhau trên danh nghĩa – việc của Liên Minh NATO là phải có Mỹ tham dự, còn việc của EU thì không cần sự hiện diện của Mỹ.

Khi hoạn nạn mới biết bạn là ai, rất đúng:

Trong biến cố Ukraine, Anh là một thành viên của khối NATO đang đồng hành với Mỹ, một quốc gia đứng đầu Liên Minh NATO. Anh đang có những tuyên bố và hành động cùng với Mỹ. Nước Anh hoàn toàn độc lập quyết định vì họ không còn vướng bận đến EU.

Nước Pháp như “Con gà trống Gô-loa”, năm 2022 là Chủ Tịch luân phiên EU, muốn nhảy lên hàng rào cao đứng gáy để diễu võ dương oai.

Nước Đức, ngoài miệng tuyên bố vững tay đồng minh với Mỹ nhưng trong bụng lại lừng khừng. Một mắt nhìn qua Washington và mắt kia lại nhìn về Moscow.

Nước Ý im lặng vô tuyến, không nghe nói năng gì đến Ukraine. Tình hình Ukraine đối với Ý chỉ là câu chuyện thời sự. Chính phủ Ý không bày tỏ lập trường nào cả. Điều này, chẳng lấy làm lạ, vì trước đây Ý đã gia nhập dự án chiến lược “Vành đai, con đường” của Trung Cộng, nay Tập và Putin là cặp bài trùng, Ý “mở miệng mắc quai”.

Những đòn bất  ngờ Pháp được Đức âm thầm yểm trợ đâm sau lưng Mỹ

(Trái) Putin – (phải) Macron tại điện Kremlin ngày 7 tháng 02, 2022

Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron là vị tổng thống trong các quốc gia EU “đàm thoại” với Putin nhiều nhất từ khi có căng thẳng ở Ukraine bắt đầu. Nói chuyện qua điện thoại chưa đủ, ngày 7/02/2022, TT Macron thân hành đến điện Kremlin gặp Putin. Trước khi đi, Macron hé lộ cho tuần báo Le Journal du Dimanche biết rằng: “Tôi luôn đối thoại sâu sắc với Tổng Thống Putin và trách nhiệm của chúng tôi là xây dựng các giải pháp lịch sử. Tôi nghĩ rằng có một sự cởi mở từ Tổng thống Putin để đạt được điều này”.

Qua nội dung tiết lộ trên có hai điểm quan trọng đáng chú ý “trách nhiệm của chúng tôi” (chúng tôi đây là Macron và Putin) là “xây dựng một giải pháp lịch sử” – Giải pháp lịch sử này là một Châu Âu có Nga mà không có Mỹ trên danh nghĩa EU. Điều này Eurasia Group đã nói rõ  (https://vietquoc.org/nga-xam-lang-ukraine-phap-va-my-co-toan-tinh-rieng/#more-35231).

Sau 6 giờ nói chuyện trong phòng kín giữa Putin-Macron tại điện Kremlin vào ngày 7/02/2022, TT Macron bay thẳng đến thủ đô Kyiv để thuyết phục Tổng Thống Ukraine Volodymyr Zelensky. Tại đây, vở kịch “giải pháp lịch sử” của TT Macron đã vén màn khá rõ là Macron đi gặp Putin để tìm một giải pháp cho Ukraine dựa trên thỏa thuận Minsk (Minsk Agreement).

Vùng Donbass

Thỏa thuận Minsk là một thỏa thuận được ký bới 4 nước Nga, Ukraine, Pháp và Đức còn gọi là Normandy Four tại thủ đô Minsk của Belarus vào năm 2016 để giải quyết chiến tranh ở vùng Donbass gồm hai tỉnh Donetsk và Luhansk của Ukraine bị Nga xúi dục quân nổi dậy cướp chính quyền. Nếu còn nhớ một tai nạn máy bay khủng khiếp năm 2014 của hãng hàng không Malaysia chở 249 hành khách bị hỏa tiễn bắn rơi, chết không sót một ai, thì đó chính là vùng trời Donbass. Vùng này là một khu công nghiệp nặng khai thác than đá và luyện kim, là vùng kinh tế huyết mạch của Ukraine. Năm 2014, chiến tranh giữa quân nổi dậy do Nga xúi dục và quân chính phủ Ukraine kéo dài đến nay gây nhiều chết chóc và hằng triệu người tị nạn, nên cần một giải pháp để giải quyết, từ đó là thỏa thuận Minsk ra đời gồm 4 nước Nga, Ukraine, Pháp, Đức.

TT Macron đến gặp Putin để bàn giải pháp Minsk tức là muốn loại Hoa Kỳ ra khỏi bàn cờ Ukraine hiện nay. Cuộc gặp gỡ Macron-Putin “hai bên cùng muốn, hai lòng cùng ưa” như báo chí đã đưa tin “Nguyên thủ Pháp và Nga nhấn mạnh tôn trọng thỏa thuận Minsk để giải quyết khủng hoảng Ukraine”

Còn gì sung sướng hơn đối với Putin khi loại đối thủ nặng ký Hoa Kỳ ra khỏi ván cờ Ukraine hiện nay. Vắng bóng Mỹ thì Nga dễ dàng chủ động di chuyển nước cờ kế tiếp. Còn chú gà trống Gô-loa thì hả hê gáy cho dân Pháp biết là chúng ta trả thù được Mỹ đã phổng tay trên thương vụ bán tàu ngầm với Úc vào tháng Bảy năm ngoái. Điều này thể hiện được tính cách tự hào dân tộc đối với người Pháp để Macron hốt phiếu trong cuộc chạy đua vào điện Elysee năm này. 

Nước Đức, đang có thái độ lừng khừng, từ những ngày đầu chính phủ Đức từ chối gửi quân viện cho Ukraine mà chỉ tuyên bố cung cấp một bệnh viện dã chiến và viện trợ 5000 mũ bảo hiểm. Như vậy là vũ khí tối hậu của Đức đối với Nga xâm lăng Ukraine là đường ống dẫn khí đốt Nord Stream II chạy từ Ust-Luga của Nga đến tỉnh Greifswald nước Đức.

Điều khá ngạc nhiên là trong cuộc họp báo chung của của nguyên thủ hai nước Mỹ-Đức tại Washington DC ngày 7/02 vừa rồi, khi trả lời báo chí, Tổng Thống Biden khẳng định là nếu Nga xâm lăng Ukraine thì không thể có đường ống dẫn khí Nord Stream II, dù ông không nói chi tiết làm như thế nào. Còn thủ tướng Đức Olaf Scholz thì phát lờ câu hỏi, thậm chí không nhắc đến tên của Nord Stream II! Thêm nữa, sau chuyến thăm Washington trở về thì Thủ Tướng Đức Scholz lại đến thăm Nga (tin báo chí cho bết là tuần tới)

Ngày 08/02, ba nguyên thủ quốc gia Pháp, Đức và Ba Lan có gặp nhau ở Berlin để bàn về tình hình Ukraine. Tại đây, một lần nữa Macron khẳng định rằng “thỏa thuận Minsk là con đường duy nhất cho một giải pháp chính trị tại Ukraine”. Ngày 9/02 cố vấn chính trị của 4 nước Pháp, Đức, Nga, Ukraine của Minks có cuộc họp mở Berlin để dọn đường cho một hội nghị thượng đỉnh.

Những chuyến ngoại giao con thoi mà TT Pháp tuyên bố sẽ không nổ súng chừng nào các đối thủ còn ở trên bàn đàm phán”. Nghe qua có tính thuyết phục dùng biện pháp đàm phán để câu giờ hầu tìm giải pháp ngoại giao tránh chiến tranh. Hãy nhìn vào mặt trái của nó là Pháp đi vận động giải pháp là “chuyện của EU thì để người Châu Âu giải quyết” và loại Mỹ ra khỏi việc giải quyết khủng hoảng Ukraine hiện nay.

Một số vấn đề nguy hiểm cho nền an ninh của EU tương lai

Đi theo những vận động của Macron thì người hưởng lợi nhiều nhất là Putin vì giải pháp Minks là Nga sẽ chiếm phần lợi ở vùng Donbass, đổi lại Putin không đưa quân tấn công Ukraine thì tây phương không lấy cớ gì để có biện pháp trừng phạt kinh tế, do đó Đức vẫn tiếp tục mở ống dẫn khí Nord Stream II. Nước Pháp và Đức được EU hoan nghênh vì đã giải quyết hòa bình cho Châu Âu. Biết đâu năm nay giải Nobel Hòa Bình có thể trao cho Macron-Scholz-Putin. Nếu đúng vậy thì nó khác gì giải Nobel trao cho Lê Đức Thọ-Kissinger năm 1973!

Nhìn trên phiến diện Nga nhượng bộ, Pháp, Đức thành công ngoại giao giải quyết được khủng hoảng Ukraine. Nhưng thắng lợi lớn nhất là loại Mỹ ra khỏi chính trường Ukraine – Đây có phải là điều mà Putin đang nằm mơ hay sao!

Pháp, Đức có biết rằng việc làm của họ hiện nay là đang đuổi một con hổ Mỹ hiền lành mà rước một con sói Putin tinh quái vào nhà. Khi không còn có Mỹ thì Putin tự do múa kiếm ở Ukraine, rồi lan rộng các nước Đông Âu và đem hỏa tiễn đặt ngay trước cửa ngõ các nước Tây Âu. Đến lúc này liệu Pháp, Đức và EU có khả năng chống đỡ hay không? Hãy tự suy nghĩ.

Lần này mà căng thẳng Ukraine được thực hiện theo đồng thuận Minsk như Macron-Putin tuyên bố thì Âu Châu chẳng khác nào đang đu dây giữa Nga và Mỹ. Làm tiền đề cho con đường ngoại giao đu dây Mỹ-Trung Cộng trong những ngày tới.

Nếu tình hình thế giới diễn ra như vậy thì nó đang đưa cả thế giới đi vào khủng hoảng toàn diện – Emmanuel Macron nợ nhân loại một câu trả lời là tại sao ông dùng lợi nhỏ để đẩy cả thế giới bị Cộng Sản Tàu-Nga khống chế toàn diện. Không biết Washington gỡ ván cờ bí này như thế nào? 

Ngày 10 tháng 02, năm 2022

Lê Thành Nhân