Trung tuần tháng 6/2021, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden công du châu Âu, chuyến công du quốc tế đầu tiên kể từ khi nhậm chức. Trái ngược với chủ trương “Nước Mỹ trên hết”, của người tiền nhiệm Donald Trump, tổng thống thứ 46 của nước Mỹ chủ trương siết chặt hợp tác với đồng minh truyền thống bên kia Đại Tây Dương, với mục tiêu chống lại ảnh hưởng gia tăng của mô hình độc tài toàn trị Trung Cộng.
“Liên minh công nghệ số” giữa Liên Âu (EU) và Mỹ được coi là một lĩnh vực mà Washington và Bruxelles muốn thúc đẩy, như một cột trụ của kế hoạch siết chặt hợp tác. Gần nửa năm sau khi ông Biden lên nắm quyền, dự án xây dựng Liên minh công nghệ số Âu – Mỹ đang trong tình trạng nào, và đâu là những thách thức chính? RFI tổng hợp một số thông tin báo chí Âu – Mỹ, và giới thiệu dưới dạng hỏi đáp.
1) Dự án lập liên minh công nghệ số Âu – Mỹ hiện đang trong tình trạng nào?
Dự án lập liên minh Âu – Mỹ trong lĩnh vực công nghệ số là một đề xuất từ phía Liên Âu, được Ủy Ban Châu Âu công bố hồi đầu tháng 12/2020, chỉ ít tuần sau cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ. Dự án đặt hy vọng vào việc “các giá trị chung” mà Hoa Kỳ và Liên Âu cùng chia sẻ (quyền cá nhân, các nguyên tắc dân chủ, phẩm giá con người) khiến Mỹ và EU “có thể cùng nhau khai thác được các cách tân công nghệ nhanh chóng và hóa giải được các thách thức đặt ra từ các hệ thống điều hành kỹ thuật số mang tính đối địch (ngụ ý đến hệ thống kiểm soát kỹ thuật số theo mô hình Trung Cộng)”. Dự án của Ủy Ban Châu Âu nhấn mạnh là hai bên có “một cơ hội chưa từng có để xác lập một chương trình hợp tác công nghệ chung“.
Ủy Ban Châu Âu đề xuất thành lập một Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU – Hoa Kỳ (EU-US. Trade and Technology Council, gọi tắt là TTC), được đưa ra trong chương trình “New EU-US Agenda for Global Change”, công bố đầu tháng 12/2020. Đây có thể coi là bước khởi đầu giúp cho việc đặt các nền móng hợp tác. Dự án liên minh công nghệ số, bao gồm nhiều lĩnh vực như thương mại điện tử, an ninh mạng, nằm trong hướng hợp tác chung này.
Đã nửa năm trôi qua từ đó. Tổng thống Joe Biden lên nắm quyền từ hơn 5 tháng nay, có chủ trương ưu tiên tái lập quan hệ với các đồng minh, cùng chia sẻ các giá trị dân chủ, đặc biệt là các đồng minh châu Âu, vốn đã bị rạn nứt trong thời kỳ ông Trump cầm quyền. Đầu tháng 5/2021, tổng thống Biden và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu Ursula von der Layen đã có cuộc điện đàm, với dự án liên minh công nghệ là chủ đề trọng tâm, theo trang mạng Science Business, chuyên về lĩnh vực chính sách công nghệ, công nghiệp châu Âu.
Trung tuần tháng 6/2021, tổng thống Mỹ Joe Biden có chuyến công du quốc tế đầu tiên, và châu Âu được chọn làm đích đến. Bài “US and Europe to forge tech alliance amid China’s” của mạng Politico hôm 09/06, dẫn hai nguồn tin là giới chức cao cấp của Liên Âu, cho biết, trong khuôn khổ chuyến công du của nguyên thủ Mỹ, Liên Âu và Hoa Kỳ sẽ công bố một dự án hợp tác quy mô lớn về công nghệ và thương mại, nhằm “đẩy lùi Trung Cộng và cổ vũ cho các giá trị dân chủ”. Các chi tiết của dự án sẽ được tổng thống Mỹ và chủ tịch Ủy Ban Châu Âu công bố tại Bruxelles ngày 15/06.
2) Liên minh công nghệ số nhằm đối phó với Trung Cộng này có những mục tiêu chính nào?
Xác lập “các tiêu chuẩn chung” trong lĩnh vực công nghệ số, thương mại kỹ thuật số là mục tiêu hàng đầu của dự án hợp tác Âu – Mỹ này. Mạng Politico dẫn lời phó chủ tịch Ủy Ban Châu Âu phụ trách kỹ thuật số, bà Margreth Vestager, tuần trước, nhấn mạnh : “Mục tiêu chắc chắn là gây áp lực để đạt được các tiêu chuẩn toàn cầu thực sự, các tiêu chuẩn dựa trên việc tôn trọng đời sống riêng tư, bảo vệ phẩm giá con người …”. Đầu tuần này, cố vấn an ninh quốc gia của Nhà Trắng, ông Jake Sullivan, giải thích rõ : tổng thống Biden và các lãnh đạo Liên Âu “sẽ tập trung vào việc phối hợp các tiếp cận về thương mại và công nghệ với mục tiêu để cho các nền dân chủ, chứ không phải là các thế lực nào khác, không phải Trung Cộng hay các chế độ độc tài nào khác, ấn định được các quy tắc thương mại và công nghệ của thế kỷ 21”.
Washington và Bruxelles dự kiến tập trung vào ba lĩnh vực căn bản, vẫn theo thông tin từ hai giới chức cao cấp châu Âu xin ẩn danh. Đó là quy tắc kinh doanh, chíp điện tử, và đầu tư nghiên cứu.
Lĩnh vực khẩn cấp đầu tiên là, thông qua việc hợp tác xuyên Đại Tây Dương về các tiêu chuẩn thương mại và công nghệ quốc tế, chống lại ảnh hưởng gia tăng của Trung Cộng, cũng như hợp tác để giải quyết các thách thức liên quan đến “chuỗi cung ứng toàn cầu”, trở nên gay gắt hơn nhiều với đại dịch Covid, đặc biệt trong lĩnh vực linh kiện bán dẫn hay chíp điện tử, vật liệu căn bản của kỷ nguyên công nghệ số. Theo bản dự thảo thượng đỉnh Âu – Mỹ, mà Politico có được, Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU – Hoa Kỳ (TCC) sẽ được giao phó phụ trách việc thiết lập các chính sách nhằm hướng đến việc “tái cân bằng các chuỗi cung ứng toàn cầu về linh kiện bán dẫn”, nhằm bảo đảm để Liên Âu và Hoa Kỳ có đủ nguồn lực sản xuất linh kiện bán dẫn “tiên tiến nhất” và “tiết kiệm nguyên liệu nhất”.
Lĩnh vực hợp tác căn bản thứ hai là các “giá trị dân chủ” trong lĩnh vực kỹ thuật số. Cụ thể là, hợp tác để ấn định các luật về thị trường kỹ thuật số, tạo điều kiện cho sự phát triển “các thị trường mở, công bằng”, “đẩy lùi áp lực của các chế độ độc tài” trong lĩnh vực internet. “Chống độc quyền” trong lĩnh vực kỹ thuật số là một định hướng căn bản trong lĩnh vực này. Đây là một nội dung mà khối G7 sẽ phải làm rõ trong những tháng tới.
Lĩnh vực hợp tác thứ ba là tạo điều kiện cho các cách tân công nghệ và đầu tư tại Liên Âu và Hoa Kỳ. Hoa Kỳ và Liên Âu có thể lập “các công ty liên doanh đặc biệt” thúc đẩy các nghiên cứu – phát triển liên quan đến các công nghệ mũi nhọn, như tin học lượng tử.
3) Đâu là các thách thức, trở ngại chính cần vượt qua?
Dự án liên minh công nghệ số Âu – Mỹ phải đối mặt với rất nhiều trở lực. Chủ trương đổi mới quan hệ Âu – Mỹ, tái lập hợp tác tuy được lãnh đạo hai phía ủng hộ nhiệt liệt, trên thực tế hoàn toàn không phải là việc “ngon ăn” (một “slam dunk” hay “cú úp rổ”, thuật ngữ trong môn bóng rổ để chỉ cú ghi bàn chắc ăn 100%), theo như ghi nhận của Politico trong bài “US and Europe to forge tech alliance amid China’s”.
Trên Le Grand Continent, trang mạng châu Âu chuyên về địa chiến lược, chuyên gia về chính sách công nghiệp, công nghệ, ông Andre Loesekrug-Pietri, tỏ ra hết sức dè dặt trước triển vọng hợp tác Âu – Mỹ, theo đề xuất của Ủy Ban Châu Âu, với sáng kiến Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU – Hoa Kỳ (TCC). Theo tác giả, để có được một hợp tác giữa các “đối tác” (chứ chưa ở mức “đồng minh“) trong lĩnh vực này, Liên Âu cần phải xác lập được một “chính sách công nghệ” đủ khả năng cân bằng với Hoa Kỳ trong tương quan lực lượng, bởi “nếu tương quan lực lượng quá bất lợi, thì các điểm đồng thuận về lý thuyết có thể tìm thấy với Washington (ví dụ như trong việc xác định các tiêu chuẩn về những công nghệ mới như trong lĩnh vực “trí tuệ nhân tạo” hay công nghệ lưu trữ và truyền tải thông tin Blockchain), trên thực tế, sẽ trở thành các lĩnh vực có lợi nhiều hơn cho các tác nhân Hoa Kỳ”.
Chuyên gia Andre Loesekrug-Pietri cũng đặc biệt nhấn mạnh đến việc, để cho hợp tác xuyên Đại Tây Dương không trở thành một mối nguy từ bên trong đối với Liên Âu, Hoa Kỳ cần phải từ bỏ việc cho phép cơ quan An ninh Quốc gia NSA đặt “các cửa hậu” trong các phần mềm tin học Mỹ, cũng như cần tách bạch nghiêm ngặt hai lĩnh vực, một là hoạt động của các nhà mạng cung cấp dịch vụ internet, kỹ thuật số và và hai là các cơ sở hạ tầng Internet của chính quyền Mỹ (như cáp ngầm dưới biển…).
Trong khi đó, đối với nhiều chính trị gia Liên Âu, lĩnh vực liên minh công nghệ số là “quan trọng”, nhưng chưa hẳn đã là điều ưu tiên hàng đầu với Liên Âu hiện nay. Theo Science Business, “khôi phục những cây cầu hợp tác” (vốn đã bị hủy hoại nhiều dưới thời Donald Trump, với nhiều quyết định đơn phương), cho phép thúc đẩy các hợp tác kinh tế, công nghệ, thương mại, xuyên Đại Tây Dương nói chung mới là thách thức khẩn cấp hiện nay. Một nhà ngoại giao xin ẩn danh cho Politico biết “các thương lượng về thuế là điều quan trọng nhất”.
Các bất đồng trong nội bộ Liên Âu về chiến lược quan hệ với Trung Cộng cũng là một thách thức, một ẩn số khác với dự án liên minh công nghệ số Âu – Mỹ. Một số lãnh đạo châu Âu, như thủ tướng Đức Angela Merkel, ít có xu hướng hy sinh quan hệ kinh tế quan trọng với Trung Cộng, để dấn mình với thế đối đầu quyết liệt với Bắc Kinh.
Dù sao, nhìn chung, việc Liên Âu và Hoa Kỳ chậm trễ trong việc thúc đẩy các hợp tác về công nghệ số rõ ràng là để ngỏ sân chơi cho đà lấn tới của Trung Cộng, như cảnh báo của bà Luisa Santos, phó tổng giám đốc Business Europe (Hiệp hội của giới chủ châu Âu), trên mạng Science Business. “Hợp tác được là điều tốt !”, theo lãnh đạo Business Europe. Hồi tháng Giêng 2021, Hiệp hội của giới chủ châu Âu và Phòng Thương mại Mỹ đã ra tuyên bố chung, ủng hộ sáng kiến thiết lập Hội đồng Thương mại và Công nghệ EU – Hoa Kỳ (TCC).