Rajini Vaidyanathan
BBC News, Mizoram
Trong một số cuộc phỏng vấn của BBC với những cảnh sát Myanmar vượt biên giới trốn sáng Ấn Độ, hơn một chục người nói với chúng tôi rằng họ đã bỏ trốn, vì lo sợ bị bắt buộc phải giết hoặc làm hại người dân thường.
Những cảnh sát viên này nói họ phải trốn đi sau khi từ chối thi hành mệnh lệnh của quân đội Myanmar giành quyền sau cuộc đảo chính hồi tháng trước.
“Tôi được lệnh phải bắn người biểu tình. Tôi bảo rằng tôi không làm được”.
Trong chín năm, Naing – người BBC đã đổi tên để bảo vệ sự an toàn – từng là một cảnh sát ở Myanmar, còn được gọi là Miến Điện.
Giờ đây, chàng trai 27 tuổi này đang lẩn trốn ở bang Mizoram, đông bắc Ấn Độ.
Tôi đã gặp anh, cùng một nhóm cảnh sát và những người phụ nữ ở độ tuổi hai mươi, họ nói đã từ bỏ công việc nơi quê nhà sau khi từ chối thi hành mệnh lệnh. “Tôi sợ rằng mình sẽ bị buộc phải giết hoặc làm hại những người vô tội đang biểu tình phản đối quân đội”, một cảnh sát nói.
“Chúng tôi cảm thấy việc quân đội lật đổ một chính phủ dân cử là sai.”
Kể từ khi quân đội Myanmar, được gọi là Tatmadaw, lên nắm quyền vào ngày 1/2, hàng nghìn người biểu tình ủng hộ dân chủ đã xuống đường.
Lực lượng an ninh bị cáo buộc đã sát hại hơn 50 người.
Naing, một cảnh sát cấp thấp của một thị trấn ở phía tây Myanmar, cho biết các cuộc biểu tình trong vùng của anh bắt đầu leo thang vào cuối tháng Hai.
Naing nói anh đã bỏ trốn, sau hai lần từ chối bắn vào người biểu tình.
“Tôi đã nói với sếp mình rằng tôi không thể làm điều đó, và tôi sẽ đứng về phía người dân.”
“Quân đội đang bực dọc. Họ ngày càng trở nên tàn bạo hơn.”
Khi chúng tôi trò chuyện, Naing lấy điện thoại ra và cho tôi xem hình gia đình mà anh bỏ lại – vợ cùng hai đứa con gái chỉ mới 5 tuổi và 6 tháng.
“Tôi lo lắng rằng có thể sẽ không bao giờ gặp lại vợ và các con,” Naing nói với tôi.
Tôi đã gặp Naing và những người còn lại của nhóm ở một địa điểm bí mật, nhìn ra những ngọn đồi và thung lũng của bang Mizoram, nơi chúng tôi trò chuyện chỉ cách Myanmar – quê hương của họ ít hơn 16 cây số.
Các cảnh sát mà chúng tôi gặp là một trong những người đào tẩu đầu tiên tường thuật về những gì đang xảy ra trong nước.
Họ nói họ là một phần trong nhóm ngày càng tăng các quan chức tham gia phong trào ủng hộ dân chủ, bất tuân dân sự (CDM) trong nước.
BBC đã không thể xác minh một cách độc lập bất kỳ lời kể nào của các cảnh sát đã nói chuyện với chúng tôi.
LHQ, Mỹ và một loạt quốc gia khác đã lên án việc sát hại dân thường trong cuộc trấn áp những người biểu tình chống đảo chính ở Myanmar, đồng thời kêu gọi chính quyền kiềm chế. Quân đội Myanmar bác bỏ những lời chỉ trích hành động của mình và nói họ sẵn sàng chịu các lệnh trừng phạt và cô lập sau khi giành được chính quyền.
Theo các quan chức địa phương, hơn 100 người đã trốn khỏi Myanmar đến Mizoram kể từ cuộc đảo chính quân sự.
Htut – không phải tên thật – nhớ lại cái đêm mà quân đội lật đổ chính phủ, sau khi internet bị cắt và một trạm quân đội được dựng lên gần nơi đóng quân của anh.
“Vài giờ sau, chúng tôi được biết quân đội đã đảo chính.”
Htut, 22 tuổi, nói anh và các cảnh sát khác đã được ghép cặp với các thành viên của quân đội lúc đi tuần tra trên đường phố. Những người biểu tình đập nồi xoong chảo để ủng hộ phong trào dân chủ một cách ôn hòa đã bị đe dọa bắt giữ.
Htut, đến từ một thành phố lớn ở Myanmar, nói rằng anh cũng đã được lệnh nã súng vào những người biểu tình, một mệnh lệnh mà anh đã từ chối thi hành.
“Sĩ quan phụ trách quân đội ra lệnh cho chúng tôi bắn những người xuống đường tụ thành nhóm hơn năm người. Tôi biết rằng họ bị đánh đập. Tôi đã mất ngủ nhiều đêm.
“Khi tôi nhìn thấy những người vô tội đổ máu, lương tâm của tôi sẽ không cho phép mình nhúng tay vào những hành vi tàn ác như vậy.”
Htut nói rằng anh là người duy nhất ở đồn cảnh sát của mình chạy trốn, thực hiện cuộc hành trình bằng xe máy. Anh nói đã vô cùng sợ hãi khi đi từ làng này sang làng khác để đến được biên giới với Ấn Độ.
Những người chúng tôi đã nói chuyện, đến Ấn Độ qua sông Tiau, nơi chúng tôi đã đến gặp. Đoạn sông dài hơn 400 km tạo thành một phần ranh giới giữa Ấn Độ và Myanmar.
Nhóm người mà chúng tôi phỏng vấn nói họ dự đoán sẽ có thêm nhiều cảnh sát vượt biên sang Ấn Độ trong những ngày tới.
Grace (đã đổi tên) là một trong hai cảnh sát nữ đã đào tẩu mà chúng tôi gặp.
Grace nói rằng cô đã thấy quân đội sử dụng gậy và đạn cao su để vây bắt những người biểu tình, và trong một lần hơi cay đã được bắn vào một nhóm có cả trẻ em.
“Họ muốn chúng tôi giải tán đám đông và bắt giữ những người bạn của mình, nhưng chúng tôi không thể làm điều đó”, Grace nói.
“Chúng tôi yêu thích ngành cảnh sát, nhưng bây giờ hệ thống đã thay đổi, chúng tôi không thể tiếp tục công việc này.”
“Cha mẹ tôi đã già, và họ cũng sợ hãi. Nhưng những người trẻ chúng tôi không có lựa chọn nào khác ngoài việc chạy trốn và bỏ lại họ.”
Các nhà chức trách Myanmar đã yêu cầu Ấn Độ trao trả bất kỳ kẻ nào vượt biên, để “duy trì quan hệ hữu nghị”.
Bộ trưởng Mizoram Zoramthanga nói những người đã đến được Ấn Độ nên được cung cấp nơi trú ẩn tạm thời, trong khi chính phủ quyết định phải làm gì tiếp theo.
Các nhóm địa phương nói với chúng tôi rằng họ mong sẽ có thêm nhiều người sẽ lên đường vượt biên sang Ấn Độ trong những ngày tới.
Không phải chỉ có cảnh sát bỏ trốn. Chúng tôi đã gặp một chủ cửa hàng chạy đến Mizoram, sau khi chính quyền Myanmar ra lệnh truy nã ông về việc tập hợp những người ủng hộ trên mạng tham gia phong trào vì dân chủ.
“Tôi không trốn chạy một cách ích kỷ,” ông nói và giải thích lý do tại sao lại mạo hiểm tất cả để ra đi.
“Mọi người trong nước đều lo lắng.
“Tôi ở đây vì sự an toàn, và sẽ tiếp tục làm những gì có thể để hỗ trợ phong trào, từ phía này.”