MỸ KHÔNG NÊN ẢO TƯỞNG KHI HỢP TÁC VỚI TRUNG CỘNG

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Doanh nhân Mỹ lạc quan khi đầu tư tại Trung Cộng!

Cách đây nhiều năm tại Bắc Kinh, tôi đã phỏng vấn giám đốc điều hành của một công ty kỹ thuật công nghệ sạch châu Âu, lúc đó đang là công ty dẫn đầu thị trường tại Trung Cộng. Tôi hỏi vị giám đốc điều hành rằng ông thấy công việc kinh doanh tiến triển như thế nào, ông ấy trả lời rằng cảm thấy lạc quan, công ty sẽ ở vị trí thứ tư trong vòng 5 năm tới. Tôi giật mình. Tại sao tụt từ vị trí dẫn đầu xuống vị trí thứ tư là một tin tốt? Và làm thế nào ông ấy có thể biết chính xác như vậy về tương lai? Đó là bởi vì theo vị giám đốc điều hành, đây là điều mà các nhà lãnh đạo Đảng Cộng Sản Tàu đã nói với ông ấy là sẽ xảy ra khi các đối thủ cạnh tranh địa phương tiến vào thị trường.

Đó là một trong nhiều khoảnh khắc trong hai thập niên qua, khiến tôi tự hỏi tại sao các nhà hoạch định chính sách và lãnh đạo doanh nghiệp Mỹ từng nghĩ rằng Trung Cộng sẽ đơn giản chấp nhận vị trí của mình trong hệ thống cạnh tranh thương mại và trật tự thế giới hiện có. Tại sao một quốc gia rộng lớn, với lịch sử lâu đời, nền văn hóa phong phú, hệ thống chính trị độc đáo và thị trường khổng lồ lại không tạo ra các quy tắc riêng của mình?

Tất nhiên, Trung Cộng đã làm như vậy. Có lẽ điều tốt đẹp duy nhất mà chính quyền Donald Trump đã làm về mặt kinh tế là ngừng giả vờ rằng vấn đề “một thế giới, hai hệ thống” không tồn tại. Dù vị cựu Tổng Thống thiếu một chiến lược chặt chẽ để chống lại sự trỗi dậy của Trung Cộng và những luận điệu thiếu thân thiện với đồng minh của ông không giúp ích được gì cho nước Mỹ, bốn năm qua ít nhất Mỹ cũng đã chấm dứt được tình trạng mù quáng cố ý của Trung Cộng. Cho dù sự tăng trưởng tương lai ở thị trường Trung Cộng có thể hấp dẫn như thế nào đối với các giám đốc điều hành doanh nghiệp, không có gì bảo đảm rằng sân chơi sẽ công bằng hoặc các quy tắc sẽ không bị thay đổi bất cứ lúc nào – đặc biệt là trong các lĩnh vực tăng trưởng và mang tính chiến lược cao nhất.

Đây là thực tế mà chính quyền Hoa Kỳ của Joe Biden hiện tại phải ghi nhớ khi đưa ra chính sách Trung Cộng của mình. Như giáo sư khoa học chính trị Minxin Pei gần đây đã nói trong một cuộc họp của Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, lập trường chính sách đối ngoại của Trung Cộng đối với Mỹ dựa trên ba điều: nhận thức cho rằng Mỹ đang suy yếu, nhận thức cho rằng Trung Cộng có cơ hội phát triển kinh tế và chính trị, và tham vọng khổng lồ của Chủ tịch Tập Cận Bình. Những điểm này sẽ giúp cung cấp thông tin cho chiến lược của Mỹ đối với Trung Cộng.

Đầu tiên, điều quan trọng là Tổng Thống Joe Biden phải thực tế trong kỳ vọng về hợp tác với Trung Cộng. Trung Cộng của ông Tập sẽ không làm bất cứ điều gì mà không vì lợi ích của họ. Điều đó khiến hai nước có ít lĩnh vực lợi ích song trùng. Vấn đề lớn nhất là biến đổi khí hậu. Trong một thế giới lý tưởng, kỹ thuật công nghệ của Mỹ và châu Âu sẽ kết hợp với sản xuất quy mô lớn, chi phí thấp của Trung Cộng để đưa thế giới thoát khỏi nhiên liệu hóa thạch.

Nhưng chúng ta không sống trong một thế giới lý tưởng. Nếu xét hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ của Trung Cộng, việc các công ty bên ngoài không có khả năng tiếp cận thị trường một cách công bằng trong các lĩnh vực tăng trưởng cao nhất và thực tiễn lao động đáng lo ngại của Trung Cộng, việc hợp tác tích cực hơn về kỹ thuật công nghệ sạch là điều không khả thi. Điều tốt nhất có thể hy vọng là cả hai bên đồng ý sẽ không tìm cách ngáng đường các nỗ lực của nhau và cùng nhau thực hiện các mục tiêu chung về phát thải và tiêu chuẩn kỹ thuật công nghệ.

Sẽ dễ dàng hơn nếu Mỹ và châu Âu có cùng một cách tiếp cận chung đối với Bắc Kinh. Không đưa Đức tham gia vào các lệnh trừng phạt thương mại chống lại Trung Cộng là một trong những sai lầm kinh tế lớn nhất của chính quyền Trump (và điều đó nói lên rất nhiều). Cả châu Âu và Mỹ đều chia sẻ nhiều quan ngại về chủ nghĩa trọng thương của Trung Cộng, vốn tạo ra một sân chơi không công bằng, cũng như các vấn đề nhân quyền.

Các nước châu Âu có thể hiểu được là đã thất vọng vì sự mất lòng tin và hợp tác trong những năm cầm quyền của Trump. Nhưng thỏa thuận đầu tư gần đây của EU với Trung Cộng, vốn làm ngơ trước sự không tương thích giữa chủ nghĩa tư bản do nhà nước giám sát của Trung Cộng và nền dân chủ tự do kiểu châu Âu, là một hành động tồi. Việc Tổng Thống Pháp Emmanuel Macron mới đây xích lại gần Nga cũng vậy. Do mối quan hệ lịch sử giữa Châu Âu và Châu Á, không khó để hình dung mối quan hệ chặt chẽ hơn giữa hai khu vực này. Nhưng điều đó sẽ đi kèm với một cái giá quá lớn đối với các giá trị mà châu Âu theo đuổi.

Brussels biết điều này và Biden nên tiếp tục thúc đẩy việc thiết lập lại mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương, cũng như một “liên minh của những quốc gia sẵn lòng”. Tại châu Á, các nước như Ấn Độ, Australia và Nhật Bản có thể hợp tác với Mỹ và EU để định hình lại chuỗi cung ứng và giảm đòn bẩy của Trung Cộng đối với Đài Loan – nơi ngành công nghiệp bán dẫn đã là một điểm xung đột – cũng như đối với Biển Đông.

Có lẽ quan trọng nhất, Mỹ nên đối mặt với thách thức Trung Cộng bằng cách tăng cường năng lực ở trong nước – về giáo dục, cơ sở hạ tầng, các ngành kỹ thuật công nghệ cao và các bộ phận của hệ sinh thái công nghiệp. Ngành chế tạo không chỉ quan trọng trong vai trò một giải pháp cho tình trạng việc làm của tầng lớp trung lưu (vì robot sẽ đảm nhận ngày càng nhiều công việc nhà máy hơn), mà bởi vì việc sở hữu các bộ phận quan trọng trong các ngành công nghiệp phổ biến là rất quan trọng đối với sự đổi mới, sáng tạo. Việc bản thân Trung Cộng đang ngày càng tập trung vào việc duy trì chiến lược của riêng mình trong lĩnh vực chế tạo ngay cả khi dịch vụ đóng một vai trò lớn hơn trong nền kinh tế cũng nói lên nhiều điều.

Như Biden đã phát biểu tại Hội nghị An ninh Munich vào tháng trước, Mỹ sẽ “làm việc với Bắc Kinh khi điều đó phù hợp với lợi ích của Mỹ”, nhưng sẽ “cạnh tranh từ vị thế sức mạnh bằng cách xây dựng lại mọi thứ tốt hơn ở trong nước”. Phương Tây sẽ không thể định hình lại Trung Cộng. Nhưng chúng ta cần thay đổi cách thức ứng phó với thách thức này.

Nguồn: Rana Foroohar, “Wishful thinking on China will not serve American interests”, Financial Times, 07/03/2021.

Biên dịch: Phan Nguyên