MỸ: “CHỦ NGHĨA TRUMP” SẼ TỒN TẠI

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Cuộc vận động tranh cử của TT Donald Trump tại phi trường Arizona tháng 8/2020 (AFP)

Điểm báo Pháp về cầu cử tại Mỹ: Còn Donald Trump hay không thì “chủ nghĩa Trump” vẫn tồn tại ở nước Mỹ. Đó là xác quyết của báo chí Pháp ngày 06/11/2020 bên cạnh hai hồ sơ khẩn cấp khác đang gây lúng túng tại châu Âu là khủng bố và đại dịch virus Vũ Hán.

Biden cận kề chiến thắng, Trump nổi cáu. Ứng cử viên đảng Dân Chủ trong thế thượng phong trên đường vào Tòa Bạch Ốc, tổng thống mãn nhiệm bày trận pháp lý. Joe Biden chỉ cần thắng ở một trong những tiểu bang cuối cùng như Nevada hay Georgia hay Pennsylvania là hội đủ số Đại Cử Tri Đoàn. Phe Donald Trump, với một đạo binh luật sư, chuẩn bị hàng loạt đơn khiếu nại và phản công trên mặt trận tư pháp. Trên mạng xã hội, tổng thống Trump và người ủng hộ phát tán vô tận lời cáo buộc “cuộc đầu phiếu bị đánh cắp”. Trận bầu cử và trận khiếu nại. Đó là những tựa chính của Le Monde về thời sự Hoa Kỳ. Tình hình ngày càng căng thẳng, nước Mỹ đứng trước thử thách, tựa của Les Echos.

Donald Trump ghi dấu ấn lâu dài

Nhận định chung của báo Pháp là Joe Biden đang trên đà chiến thắng, nhưng dù Donald Trump có thua, thì “chủ nghĩa Trump” (Trumpisme) vẫn tồn tại lâu dài. Với tựa: “Trumpisme chứng tỏ khả năng bền bỉ”, Le Monde dẫn chứng với bản đồ bầu cử đỏ rực ở trung tâm nước Mỹ, những tiểu bang bầu cho Donald Trump.

Phần xanh dương của Joe Biden chỉ tập trung ở các tiểu bang miền viễn tây và đông bắc. Chiến dịch tranh cử của Trump khẳng định khả năng của chủ nhân Tòa Bạch Ốc, các trào lưu ý thức hệ khác nhau trong phe bảo thủ. Chiến lược gia của “chủ nghĩa Trump” là Stephen Bannon đã giải thích: Sử dụng chiến lược can thiệp duy ý chí vào kinh tế để thu hút lực lượng công nhân hội nhập vào các hệ khác trong đảng Cộng Hòa. Kết quả bầu cử 2020 cho thấy tính chính xác của dự án chính trị của Stephen Bannon và trực giác bén nhạy của Donald Trump.

Tuy “phong trào ủng hộ Trump” không đủ sức tạo chiến thắng cho lãnh tụ nhưng Trump đã thu thêm 5 triệu phiếu so với 2016 và nhất là cảm tình của các sắc dân thiểu số gốc Nam Mỹ và Phi châu. (Joe Biden thêm 6 triệu so với Hillary Clinton).

Qua hai trang báo, La Croix dự phóng “Trumpisme” sẽ kéo dài, pha trộn thông điệp chống hệ thống chính trị với chủ nghĩa dân tộc và tôn giáo bảo thủ. Nhưng với sự tham gia đông đảo lịch sử của cử tri trong cuộc đầu phiếu là một bằng chứng “nền dân chủ Mỹ” vững chắc.

Trong bài xã luận “Trumpisme, di sản lâu dài tại Hoa Kỳ”, Le Monde không lạc quan như đồng nghiệp. Cho dù Joe Biden có thể là tổng thống của Mỹ nhưng Donald Trump không hoàn toàn thất bại. Tổng thống mãn nhiệm thu hút được 68 triệu phiếu, hơn lần trước 5 triệu. Đó là một thực tế. Donald Trump đắc cử năm 2016 không phải là một “tai nạn” của lịch sử Mỹ, cũng không phải là “một màn giúp vui” ở Tòa Bạch Ốc. Dù ai là người ngồi vào văn phòng bầu dục vào tháng 01/2021, “chủ nghĩa Trump” sẽ tác động lâu dài trong sinh hoạt chính trị Mỹ.

Joe Biden thắng thì cũng phải phối hợp với trào lưu biến đổi này. Trong lúc tranh cử, ông đã phải thay đổi đường hướng chú tâm hơn vào nguyện vọng của thành phần công nhân và mối ưu tư kinh tế của họ. Joe Biden cũng phải dựa vào Thượng Viện trong tay đảng Cộng Hòa và tương quan lực lượng tại Hạ Viện, nơi mà phe Dân Chủ vẫn còn đa số nhưng mất một số ghế.

Le Monde không tin là Donald Trump, dù ở tuổi 74, sẽ về hưu. Sức nặng, vai trò cá nhân của nhân vật khác thường này rất lớn. Sức thu hút và ảnh hưởng đối với tầng lớp cử tri nòng cốt là một trong những yếu tố quan trọng củng cố uy tín Donald Trump trong giới bình dân. Thăm dò ý kiến trước phòng phiếu cho thấy đa số cử tri da trắng ủng hộ Trump ưu tư cho đời sống kinh tế hơn là đại dịch virus Vũ Hán và rất ghét phong trào cánh tả chống bạo lực cảnh sát.

Từ 1999, khi bắt đầu tính chuyện dấn thân vào sân khấu chính trị, tỷ phú Donald Trump đã thấy không một ứng cử viên nào quan tâm đến “quần chúng lao động” ở miền trung nước Mỹ. Dựa vào thành phần nòng cốt này để đắc cử vào năm 2016, Donald Trump chưa bao giờ phản bội cử tri của mình trong bốn năm qua mà còn nới rộng điểm tựa cơ bản này, chinh phục một phần không nhỏ người Mỹ gốc châu Mỹ Latinh (hơn một phần ba).

Vấn đề là nếu Donald Trump chinh phục được 50% cử tri Mỹ bằng chiến thuật tuyên truyền dân tộc chủ nghĩa, bằng gây căng thẳng thường trực, bằng thái độ khinh thường các định chế và nói dối không hổ thẹn thì điều đáng lo là mô hình này vang động ra ngoài biên giới nước Mỹ .

Chưa nói lời vĩnh biệt

Hai bài tham luận trên Le Figaro gần như có cùng nhận định: “Nếu cuộc cách mạng Trump chỉ mới bắt đầu ?” và “Donald Trump đã làm phe hữu Hoa Kỳ thay đổi tận gốc“. Sử gia Ran Halevi dự phóng “Tổng thống sắp mãn nhiệm chưa nói lời sau cùng”.

Trước mắt, tác giả cho rằng đảng Cộng Hòa đã “chết não”, hoàn toàn lệ thuộc vào Donald Trump. Hôm nay, đảng bảo thủ củng cố được thế lực tại hai viện lập pháp cho dù không có một cương lĩnh hành động vận động cử tri thì đó là nhờ ai ?

Với hai bài báo khác, Le Figaro đưa đến độc giả một số phản ứng từ Nga và Trung Quốc. Matxcơva chế nhạo màn bầu cử tại Mỹ. Điện Kremlin tuyên bố chờ “thông báo chính thức” nhưng để cho các nhân vật thân cận phản ánh quan điểm của thượng tầng: nếu bầu cử tổng thống trên thế giới đều diễn ra như thế thì liệu Washington có tố cáo hay không ?

Còn Bắc Kinh, theo Le Figaro, rất thích thú với tình thế hỗn loạn tại Hoa Kỳ. Châu Âu thì lên cơn sốt theo tình trạng rối ren căng thẳng của đồng minh.

Theo Tú Anh RFI