Những nấm mồ hoang lạnh của các Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa tại Bình Thuận
Một số chị em đang thắp nhanh cho các Chiến Sĩ VNCH tại nghĩa trang Bảo An, Bình Thuận trước khi được cải an
Khu nghĩa trang của dân và chiến sĩ VNCH tại Đồng Tiến, Bình Thuận.
Đúng 45 năm sau khi Miền Nam Tự Do không may mất vào tay cộng sản bắc việt ngày 30/4/1975, rất nhiều Chiến Sĩ Việt Nam Cộng Hòa tử trận vẫn còn nằm lại đâu đó nơi rừng sâu, núi thẳm, dưới chân đèo, khe suối hoặc bị lãng quên theo năm tháng trong những khu nghĩa trang hoang vu, vắng vẻ.
Xúc động trước hình ảnh những nấm mồ hoang lạnh không còn bia, không còn mộ, bị trâu bò giẫm nát, thậm chí có những người vô tâm xúc cát làm nhà xới cát làm lòi các áo quan, các sọ người, xương cốt, tại nghĩa trang Đồi Hoa Sim, Hiệp Hòa, Bảo An ở Lagi, Bình Thuận, mà Soeur Nguyễn Thị Thanh Mai, Dòng Mến Thánh Giá, phụ trách cộng đoàn Đồng Tiến, đã xin phép cải táng các hài cốt bị lãng quên đưa về chôn tại đất thánh thuộc giáo xứ Đồng Tiến từ nhiều năm qua.
Lặng lẽ làm việc trong âm thầm lặng lẽ, các Soeur, những người không thân thích đang chăm sóc những ngôi mộ màu xanh giữa một khu nghĩa trang mênh mông. Đó là những mộ phần của những người Chiến Sĩ VNCH đã anh dũng ngã xuống “Vị Quốc Vong Thân” vì trọng trách “Bảo Quốc An Dân” của người trai thời ly loạn.
…
Soeur Thanh Mai nhớ lại là vào tháng Báo Hiếu năm 2003, các Soeur đi viếng nghĩa trang. Lên đến nghĩa trang Đồng Tiến thấy có những ngôi mộ bị lãng quên trong hoang lạnh rất cảm thương, từ đó mình phát tâm để chăm sóc các phần mộ đó. Bước đầu xin tiền xây được 38 mộ cho những người bị quên lãng.”
“Sau đó nhờ người dân mách bảo, tôi đến nghĩa trang Hiệp Hòa ngày 5 Tháng Mười Một, 2003, tôi rất đau lòng khi thấy đồi cát lòi lên những bộ xương khi người xúc cát đến lấy cát xây nhà, lòi lên những áo quan.” Soeur Thanh Mai kể tiếp.
Kế đó, được sự đồng ý của cha xứ, hơn 100 ngôi mộ tiếp tục được các Soeur cải an về giáo xứ Đồng Tiến. Theo lời của những người dân địa phương thì da số những ngôi mộ này là mộ của những người dân bị trúng đạn pháo kích của cộng sản chết trong lúc chạy di tản.
Tiếp theo đó, theo lời Soeur Thanh Mai, “được người dân mách bảo,” các soeur lại đến nghĩa trang Bảo An và chứng kiến cảnh “những ngôi mộ đã 30, 40 năm không người ghé thăm, bị nước xói mòn, trâu bò giẫm lên, người qua kẻ lại giẫm lên, nhìn thấy rất đau lòng!”
Trong quá trình cải táng những ngôi mộ ở nghĩa trang Bảo An, Soeur Thanh Mai lại được người dân địa phương cho biết thêm là đây là nơi chôn cất một số chiến sĩ thuộc Sư Đoàn 18 Bộ Binh VNCH, bị chết do đạn pháo kích của bọn việt cộng ở Cù Mi năm 1972.”
“Khi cải lên thấy có những cái áo bị cháy đen, có những bộ xương, có những thẻ bài, có những nắm tro, có mũ, có giày, có nịt.” Vị nữ tu cho biết.
Sau nghĩa trang Bảo An, người dân lại đưa Soeur Thanh Mai tới nghĩa trang Đồi Hoa Sim là nghĩa trang của Tiểu Khu Bình Tuy. Ở đây cũng có rất nhiều ngôi mộ, nhiều ngôi mộ còn nguyên hài cốt, còn thẻ bài khi được đào lên để cải an. Theo như một số người dân nói lại với Soeur Thanh Mai thì đây là hài cốt của những người lính của Sư Đoàn 22 Bộ Binh trước kia.
“Các ngôi mộ ở nghĩa trang Bảo An và Đồi Hoa Sim khi bốc lên thì còn thẻ bài rất nhiều, còn dây chuyền, còn thánh giá, răng vàng,… Tất cả tôi đều để lại trong tiểu, và chôn tại nghĩa trang Đồng Tiến.”
Ngoài những ngôi mộ đã được bốc về cải táng tại đất thánh Đồng Tiến ở Lagi, Bình Thuận, theo Soeur Thanh Mai, “còn có nhiều ngôi mộ của người chết vào Tháng Tư, 1975 đã và đang được bốc.”
Soeur Thanh Mai cho hay, “Người dân huyện Hàm Tân kể lại vào Tháng Tư, 1975, những người lính VNCH chạy qua cầu Láng Gòn thì bị bọn việt cộng giật sập cầu, nhiều người lính bị dồn lại phía sau rồi bị bọn cộng sản tập trung pháo kích vào đoàn người nên những người lính VNCH chết rất nhiều. Hiện giờ có nhiều ngôi mộ chôn tập thể, lính nằm từng hàng không có mồ mà người ta chỉ lấp đất lên thôi. Các sơ có đến chụp hình, có một vị là Đại Tá chết vào Tháng Tư, 1975 tại Ngã Ba 4-6 đã được người dân đem chon cất tử tế.”
“Chúng tôi không lấy tiền của các gia đình nghèo, dù rất cần nguồn tài trợ để tiếp tục công việc,” bà chia sẻ. “Có một ông từ Canada về tìm được tung tích người thân, sau đó tài trợ chút đỉnh cho trung tâm để tiếp tục thực hiện việc cải an các ngôi mộ hoang. Chỉ có các bà sơ và trẻ con thì đâu có thể làm được.”
Soeur cho biết thêm, hiện nay, ở các khu vực xa hơn còn nhiều nghĩa trang cũ nằm trong khu các dự án bất động sản, đang được phân lô bán nền nên cần được cải an, như khu nghĩa trang Quân Đội Việt Nam Cộng Hoà tại Quân Y Viện Đoàn Mạnh Hoạch thành phố Phan Thiết, Bình Thuận. Khu nghĩa trang này có khoảng 600 ngôi mộ và có rất nhiều ngôi mộ không có thân nhân nên bị bỏ hoang nhiều năm qua.
Những con người đã ra đi trong một cuộc chiến phi lý, oan khiên tàn khốc và kinh hoàng, mà tất cả đều do các thế lực ngoại bang sắp xếp, các anh đã anh dũng hy sinh trong bom đạn, trong khói sung để bảo vệ Tự Do cho Miền Nam thân yêu. Bây giờ, cuộc chiến đã tàn, sau khi được các soeur và người thân tìm kiếm hài cốt đưa về một chốn bình an tươm tất, các anh mới thực sự được an nghỉ bên những đồng đội thân thương của các anh, những chiến hữu đã từng nằm gai, nếm mật chia ngọt sẻ bùi với các anh trong tình ”huynh đệ chi binh”.
Giờ đây, các anh lại được bên nhau, giữa bốn bề cây cối trong lành và thanh tịnh, có núi đồi chở che chung quanh. Các anh hãy yên nghỉ, hãy rũ bỏ những ân oán của cõi dương gian tạm bợ năm xưa và có lẽ từ nay, những kẻ may mắn nhờ ngoại bang mà chiến thằng nhưng lòng dạ tiểu nhân hẹp hòi sẽ không còn quấy rầy nơi yên nghỉ ngàn thu của các anh nữa.
“Tôi mong một ngày mồ mả của các ngài hết cảnh hoang phế, điêu tàn và được phép mang các ngài về đây trước khi người ta san ủi. Nhìn mồ mả hoang tàn, không ai thắp cho một nén nhang, rất đau long!” Soeur nói.
Hận thù vẫn còn ở lại
Chiến tranh Việt Nam, gọi đúng chữ nghĩa thì đó là một cuộc chiến xâm lược Miền Nam Việt Nam của cộng sản bắc việt, và là một trong những cuộc chiến tranh xâm lược thảm khốc nhất thế kỷ XX, để lại mất mát cho tất cả các bên. Ngoài các quân nhân tử trận ở tất cả các bên thì vẫn còn rất nhiều người mất tích, nằm lại đâu đó nơi rừng sâu, núi thẳm, dưới long sông, khe suối hoặc xác thân chỉ được vùi lấp đơn sơ vội vàng dưới những nấm mộ vô danh.
Tuy nhiên, thật là vô cùng bất công, bất nhân và bất nghĩa khi hai nhóm kia được các nhà nước của họ tổ chức kiếm tìm hài cốt với những nguồn tài lực, vật lực, công nghệ hiện đại thì những quân nhân VNCH tử trận hoặc mất tích, ở về phía bên thua cuộc và chính thể mà họ phụng sự không còn nữa, bị đẩy ra bên lề của các mối quan tâm dòng chính và những nỗ lực tìm kiếm hài cốt hoặc tung tích của họ đều gặp muôn vàn khó khăn và trở ngại.
Các cuộc tìm kiếm hài cốt những người lính VNCH tử trận hoặc cải an, sửa sang mộ phần ở các nghĩa trang bị bỏ hoang thường chỉ có thể được tiến hành trong âm thầm lặng lẽ, và lễ tưởng niệm, nếu có, cũng chỉ được tổ chức kín đáo, tránh sự để ý gây phiền phức từ phía nhà cầm quyền cộng sản.
Cho đến hôm nay, 45 năm đã trôi qua kể từ khi chiến tranh kết thúc sau ngày tang tóc 30/4/1975, những nỗi lo sợ phiền phức vẫn còn ám ảnh nhiều quân nhân, người thân trong hành trình tìm kiếm hài cốt các tử sĩ VNCH vẫn còn đâu đó rất nhiều trên khắp đất nước Việt Nam, từ vĩ tuyến 17 trở vào phía nam.
Các nỗ lực tìm kiếm và cải an những ngôi mó bị bỏ hoang phế cũng gặp rất nhiều những phiền phức, những khó khăn và những nỗi niềm. Soeur Thanh Mai đã không ngăn được những giọt lệ xúc động, ngậm ngùi khi nói về thân phận nghiệt ngã, oan khiên của những người lính trong các mộ phần bị bỏ hoang tại nhiều nơi. “Các ngài có người chết từ năm 1960, có người chết sau đó. Hơn nửa thế kỷ rồi, phải có ai chăm sóc chứ!” bà chia sẻ.
Sau Tháng Tư 1975, các nghĩa trang cũ của Quân Đội VNCH vốn là đề tài “nhạy cảm” tại Việt Nam. Những phần mộ của các Chiến Sĩ Quân Đội VNCH trong nghĩa trang bị phá hoại có chủ ý, Nghĩa Trang Quân Đội Biên Hòa trước đây đã bị nhà cầm quyền mới đổi tên thành nghĩa trang nhân dân Bình An.
Nhà máy nước chính giữa, nhà dân và cơ quan tràn ngập, chỉ còn lại khu có các mồ tử sĩ chung quanh. Nghĩa Dũng Ðài và kiến trúc công trình Nghĩa Trang, toàn khu 125 mẫu, hiện nay chỉ còn lại khoảng 58 mẫu đã chôn cất.
Nghĩa Dũng Đài trên ngọn đồi nhỏ này, Công Binh Kiến Tạo của QLVNCH xây bệ tròn, chính giữa là ngọn kiếm hướng mũi lên trời. Thân cây kiếm có bốn cánh hình chữ thập cao 43 thước. Chân của chữ thập đường kính 6 thước rưỡi và trên mũi nhọn là ba thước rưỡi, có bậc thang để leo lên đỉnh và đứng trên này sẽ nhìn thấy toàn thể thành phố Sài Gòn.
Tiếc thay, vào cuối thập niên 90, đơn vị cộng sản trách nhiệm đã phá bỏ 10 thước trên đầu ngọn kiếm nên kiến trúc mất cả chiều cao. Ðứng trên khu vực dưới chân Nghĩa Dũng Ðài nhìn xuống cả cánh đồng mộ chí bát ngát, vào thời điểm này, còn ít nhất là khoảng 10,000 tử sĩ nằm lại. Xa xa là Ðền Tử Sĩ. Quanh cảnh nghĩa trang hiện nay vẫn rất tiêu điều, hoang vu nhưng có giá trị rất cổ tích và lịch sử.
Nhưng những ngôi mộ bị bỏ hoang nằm phơi dưới nắng, những người cựu quân nhân VNCH là hiện thân bi kịch của một cuộc chiến tưởng chừng như đã trôi vào quá khứ xa lắc. Nhưng thực ra, nó như một vết chém chí mạng xẻ ngang thân thể còm cõi và tội nghiệp của Mẹ Việt Nam; và đến nay, vết thương rỉ máu của nó vẫn chưa bao giờ lành và vẫn còn hiện diện rõ nét trong mọi ngõ ngách, trên từng thân phận người Việt Nam.
(Sài Gòn trong tôi/ Nguyễn Phúc An Sơn)
Nguồn: Fabooker Brian Vũ