Bình luận gia, Nhà báo LÝ ĐẠI NGUYÊN (1930-2017)
Link Live Stream Lễ Tưởng Nguyện
https://www.facebook.com/13taman052013/videos/546860815679619/?hc_ref=ARTgXLakQ3cFUFk5mDfMzmZ5CNkhbEsvJ-vrPR_1xVLRlO7QhCunLsp4Fe5maILURGw&pnref=story
******************
ĐẤU TRANH KIÊN CƯỜNG
MÀ KHÔNG THÙ HẬN
(Trích từ “Việt Nam Dân Tộc Bị Đọa Đầy”, tác giả Lý Đại Nguyên, Văn Nghệ xuất bản, 1998, Hoa Kỳ)
Trước năm 1963, dưới mắt các nhà quan sát. Kể cả nhà cầm quyền miền Nam Việt Nam lúc bấy giờ, nếu có nhắc tới Phật Giáo, thì cũng chỉ thấy rằng, đó là những tập thể dân chúng nhỏ hiền lành tu đạo từ bi, cho là rất đông nhưng không được tổ chức chặt chẽ, đến với nhau hoàn toàn có tính cách tự nguyện. Chưa bao giờ là những tổ chức có kỷ luật. Chính vì lối nhìn chủ quan kiêu ngạo đó mà Tổng Thống Diệm đã mắc sai lầm khi ra lệnh không được treo cờ Phật Giáo vào mùa Phật Đản 63. Chẳng ai ngờ được rằng: Chỉ vì một cái lệnh nhỏ bé, ngắn gọn đó, lại là bản án tử mà Tổng Thống Diệm đã tự tuyên cho mình và cho chế độ của ông.
Rõ ràng Phật Giáo đã bị đẩy lên lãnh đạo một cao trào đấu tranh chống độc tài, đòi tự do và bình đẳng tôn giáo của đại đa số người dân miền Nam. Thật là bất ngờ và làm sững sờ toàn thể nhân loại. Khi mà Phật Giáo vào cuộc chỉ có hai bàn tay trắng, nhưng với tinh thần vô úy, tự hy sinh mình để thắp sang ngọn lửa đấu tranh. Bằng lửa từ bi, Bồ Tát Quảng Đức đã mở ra cho thế giới một trang sử đấu tranh mới đó là “Đấu tranh kiên cường mà không thù hận”. Đây đích thực là thế cách đấu tranh văn minh giữa người với người.
Nếu Tổng Thống Diệm là một nhà lãnh đạo sang suốt biết quan tâm tới khát vọng tinh thần của dân chúng Việt Nam thì ông thật dễ dàng đưa ra sự nhân nhượng trước đòi hỏi chính đáng của Phật Giáo, không hề phương hại gì tới uy quyền lẩn an ninh quốc gia, đó là hủy đạo Dụ Số 10, đặt Phật Giáo và các tôn giáo khác (ngoại trừ Thiên Chúa Giáo) là những hiệp hội. Đây vốn là sản phẩm bất công của thời thực dân để lại. Đồng thời các tôn giáo được tự do treo cờ trong các dịp lễ Tết cho vui vẻ cả nước.
Nhưng khổ nỗi là, ông Diệm chỉ tin vào thiên mệnh của mình. Còn ông Nhu thì cho rằng: cả nước không ai tài giỏi bằng ông. Gia đình ông là một gia đình sản sinh ra các nhà lãnh đạo kiệt xuất. Chính vì sự tự đánh giá như vậy, rồi được những kẻ xu nịnh chung quanh tán tụng vào, nên hai anh em nhà họ Ngô đã phạm vào những lỗi lầm chiến lược tai hại là tự giết mình và làm cho đất nước vốn yếu lại càng thêm điêu linh cùng cực.
Đến ngày hôm nay, sau khi vở tuồng đã kết thúc, sân khấu được kéo màn thì hầu như cả thế giới đều đã thấy rõ là chính Hoa Kỳ chứ không phải là ai khác, đã chọn hai nhân vật Việt Nam sắm vai trò “múa may” trong chiến lược toàn cầu của Mỹ. Một là Hồ Chí Minh, hai là Ngô Đình Diệm. Một người sắm vai tuồng “chống Mỹ”, một người sắm vai “thân Mỹ”, mà hai người phải nhìn nhau bằng con mắt thù địch. Không có điểm nào hòa đồng được.
Hồ Chí Minh là người tinh quái, nhạy bén, là bồi tàu, thợ chụp ảnh, và được coi là tuyệt đối trung thành với lý tưởng cộng sản. Ngô Đình Diệm đôn hậu, nghiêm chỉnh, là quan lại, có tham vọng đế vương, một con chiên ngoan đạo, tuyệt đối tin vào ơn Trên, có thù với Cộng Sản vì đã giết anh ruột và cháu của ông.
Hồ Chí Minh, trong thời chiến tranh Nhật – Đồng Minh tại Á Châu, đã được tướng cọp bay, chỉ huy quân báo Mỹ tại viễn đông, chọn làm nhân viên OSS của Mỹ. Đây là tổ chức tiền thân của CIA trong thời chiến. Hồ Chí Minh là điệp báo Mỹ, được Mỹ huấn luyện và giúp vũ khí cho để cướp chính quyền tại Việt Nam, nhưng Mỹ lại lờ đi không trả lời những thông điệp của họ Hồ yêu cầu Mỹ nhìn nhận sự cai trị của chính phủ nước Việt Nam Dân Chủ Cộng Hòa. Mặc dù họ Hồ vẫn chứng tỏ là người làm đúng chiến lược Mỹ lúc đó là “Diệt Phát xít, chống thực dân”, và muốn tỏ ra là làm Cách mạng, họ Hồ đã thêm vào cái đuôi nữa đó là “Diệt Phát xít, chống Thực dân và bài Phong kiến”.
Nhật đầu hang, Phát xít đã bị diệt, giờ đến nhiệm vụ chống Thực dân. Lúc đó thực ra Nga ở xa, còn Tàu thì vẫn trong tay Quốc Dân Đảng, mà họ Hồ và đảng của ông phải đối đầu với thực dân Pháp thì quả là cam go. Vốn là người khôn lanh quỷ quyệt, họ Hồ đã dấu biến lý tưởng cộng sản đi, để lập chính phủ hòa hợp dân tộc, triệt để lợi dụng tinh thần Dân tộc Độc lập của toàn dân để bước vào cuộc kháng chiến chống xâm lược Pháp.
Đến đây thì phải thừa nhận rằng sức mạnh tinh thần Độc lập của Dân tộc Việt chống ngoại xâm quả là một sức mạnh thần thánh, không một thứ gì có thể cản nổi. Chính nhờ đó mà thực dân Pháp bị thua, đồng thời toàn thể hệ thống thực dân trên thế giới bị cáo chung. Nếu không có cuộc chiến tranh Việt Pháp và sự hiện diện của đồng chí Hồ Chí Minh ở đây để làm cái nút chặn sự thừa thắng tràn xuống của quân Trung Cộng, khi Mao Trạch Đông đuổi được Tưởng Giới Thạch ra Đài Loan, thì tình thế Đông Nam Á sẽ ra sao?
Vì ngay sau khi chiếm được Hoa Lục thì Trung Cộng đã nhảy vào chiến trường Cao Ly để đụng đầu với Mỹ. Theo truyền thống chiến lươc Trung Quốc xưa là lấy chiến tranh bên ngoài để giải quyết những khó khăn bên trong. Nhờ có cuộc chiến Việt Pháp và lá bài Hồ Chí Minh mà Mỹ đã nhử Trung Cộng vào chiến trường riêng biệt tại Cao Ly, để làm cho chiến thuật biển người biết thế nào là lợi hại, khi phải đụng độ với kỹ thuật chiến tranh của Mỹ.
Sau khi Trung Cộng nếm mùi lợi hại của võ khí mỹ tại Triều Tiên, thì nhiệm vụ cuộc chiến ở đó chấm dứt. Triều Tiên chia đôi. Cộng ở phía Bắc. Quốc ở phía Nam, lúc đó Trung Cộng mới có thì giờ quay về phương Nam giúp cho ông Hồ làm nên chiến thắng Điện Biên, chia đôi Việt Nam. Hầu như tiếng nói của Mỹ là tiếng nói chung cho cuộc mặc cả cắt đôi Việt Nam, nhưng người Mỹ nhất định không chịu ký vào Hòa Ước 1954 đó. Ông Ngô Đình Diệm được Hoa Kỳ ủng hộ công khai để về tiếp thu hoàn toàn miền Nam Việt Nam do Pháp trao lại cho người Việt Nam. Ông Diệm về nước cùng với khẩu hiệu chiến lược của Mỹ là Diệt Thực dân, chống Cộng sản và rồi vì muốn đoạn tuyệt với quá khứ, ông cũng thêm vào cái đuôi như ông Hồ, đó là “Diệt Thực dân, chống Cộng sản, bài Phong kiến”.
Đến đây thì đã thấy đủ là hai quân bài chiến lược của Mỹ đã thành hình. Hiệp định Genève quy định rằng sau hai năm, hai bên Nam Bắc Việt Nam phải bầu cử để tiến tới thống nhất. Hoa Kỳ không có chữ ký trong bản hiệp định đó, nên chẳng có nghĩa vụ yêu cầu ông Diệm tiến hành bầu cử. Còn Tổng Thống Diệm thì chẳng tốn hơi phải thi hành bản hiệp định mà mình chẳng hề được dự phần quyết định.
Muốn thống nhất thì ông Hồ phải đánh mà lấy. Đây được nằm trong sự tính toán chiến lược của Mỹ. Mỹ chỉ cần ông Hồ gây chiến với miền Nam, để ông Ngô chính thức yêu cầu Mỹ đưa chiến tranh vào Việt Nam, nhằm đạt mục tiên chiến lược của Mỹ, là vừa tạo áp lực với Trung Cộng, vừa hỗ trợ Trung Cộng chống Nga. Để phòng khi Trung Cộng bắt tay với Mỹ, mà Nga phản ứng hoảng.
Ông Hồ đã làm đúng yêu cầu chiến lược của Mỹ, là đánh miền Namđể bắc cầu cho Mỹ nhảy vô. Nhưng ông Diệm vì tinh thần yêu nước ở trong Nhà Nho Thiên Chúa Giáo còn quá nặng, đã không chịu làm tròn sứ mạng chiến lược mà Mỹ đã chọn để trao cho ông. Chẳng những ông không yêu cầu quân Mỹ vào, mà ông lại cho ông Nhu làm công việc chống lại với chiến lược của Mỹ, là nhờ Pháp làm trung gian cầu hòa với Cộng sản Việt Nam.
Phá chiến lược toàn cầu của Mỹ như thế thì đến chính vị Tổng Thống của Mỹ cũng không còn mạng, kể gì đến mạng của ba anh em ông Diệm. Anh em nhà Ngô thật là sai lầm quá lắm. Trong thì không hiểu được LÒNG DÂN. Ngoài thì không nắm được THẾ NƯỚC. Nói ông Diệm là người yêu nước thì đúng, nhưng là người cứu nước thì sai. Đau đớn mà phải nhận rằng, ở vị thế chiến lược như Việt Nam, thì THẾ NƯỚC là thế mạnh hơn LÒNG DÂN. Muốn cứu nước thì phải nắm được thế nước, để nương vào đó mà giúp dân tự do phát triển, chịu sự chống đối của dân nếu cần. Bản chất của ông Diệm và Nhu vốn không phải là bản chất dân chủ, nên đụng với phong trào đấu tranh quần chúng do Phật Giáo đi đầu, dù là với phương pháp bất bạo động thì anh em ông Diệm vẫn không chịu nổi. Chế độ của ông đã trả lời cuộc đấu tranh đó bằng hạ sách, là đàn áp. Càng đàn áp, phong trào đấu tranh càng dâng cao, đến độ làm cái cớ rất chính đáng để cho Mỹ bỏ chế độ Diệm. Kể từ đón cuộc chiến Việt Nam thành cuộc chiến kiểu Mỹ, của Mỹ, do ổng Thống Mỹ nắm quyền Tổng tư lệnh. Nhưng Tổng Thống Mỹ thời ấy là Kennedy với lập trường dứt khoát (bí mật cũng như công khai) đều khẳng định rằng: “Cuối cùng người Nam Việt Nam phải tự mình tiến hành cuộc chiến, Mỹ không thể làm việc đó thay họ”. Xem ra ông không phải là người thích hợp để lãnh đạo cuộc chiến quái dị tại Việt Nam. Thế là đúng 20 ngày sau khi ông Diệm bị giết tại Việt Nam, đến lượt Tổng Thống Kennedy bị ám sát chết tại Dallas.
Phó Tổng Thống Johnson lên kế vị, Đúng, Tổng Thống Johnson mới là người nắm được nguyên tắc chiến lược toàn cầu của Mỹ, nên có những quyết định đúng để điều khiển cuộc chiến tranh bí hiểm của Mỹ tại Việt Nam. Chiến tranh gì mà không được thua và không được thắng. Thấy địch không đủ sức thì phải làm sao để địch hồi phục, mà tiếp tục chiến đấu. Bắt một binh đội nhà giàu được trang bị tối tân cùng mình, đi đối đầu với dăm ba chú du kích bắn lén. Một viên đạn bắn sẻ đủ kết liễu một người lính Mỹ trẻ tuổi. Nhưng hàng chục tấn dạn trút xuống một khu rừng có khi chẳng làm bị thương một tên du kích nào. Nào là pháo đài bay trải thảm, nào là hàng rào điện tử Mc Namara nhằm ngăn quân Bắc Việt xâm nhập miền Nam. Vậy mà miền Nam vẫn tràn đầy quân bắc Việt. Để rồi sợ có sự xung đột Bắc Nam trong hàng ngũ Cộng Sản nên các tay trùm Đỏ Hà Nội đã quyết định đẩy quân của Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam mở chiến dịch tấn công các đô thị miền Nam vào Tết Mậu Thân năm 1968. Kết thúc chiến dịch thảm hại này, hầu như tất cả các đơn vị chủ lực của Mặt Trận Giải Phóng đã bị quân Việt Nam Cộng Hòa đánh cho tan nát. Quân Bắc Việt hoàn toàn khống chế chiến trường, có vậy nhóm lãnh đạo đảng ở Hà Nội mới yên tâm bước vào bàn đàm phán với Mỹ.
Sau năm năm Tổng Thống Johnson đã đẩy cuộc chiến Việt Nam tới đúng tầm cần thiết. Trung Cộng đã tiến hành cuộc Cách mạng Văn hóa đúng như họ Mao muốn, là phải tiêu diệt cho bằng hết những đảng viên thân Liên Xô và những kẻ không tuyệt đối tin vào sự lãnh đạo của Mao, làm cho lời nói của Mao trở thành tiếng nói duy nhất và tối hậu, không kẻ nào trong hơn một tỷ người Trung Hoa dám nói khác. Lời đó là: “TRUNG MỸ ĐỀ HUỀ”. Johnson quyết định không tái tranh cử nhiệm kỳ II.
Mục tiêu phải đạt tới bằng bất cứ giá nào, mà chiến lược toàn cầu của Hoa Kỳ tại Việt Nam là câu nói từ Mao Trạch Đông: “TRUNG MỸ ĐỀ HUỀ” và bức hình chụp chung giữa Mao + Nixon và bên cạnh đó là Chu Ân Lai và Kissinger vào năm 1972.
Sự việc rõ ràng như thế mà nhóm lãnh đạo Hà Nội vẫn u mê, đòi hết thứ này đến thứ khác, để rồi bom Mỹ phải trút xuống Hà Nội mới chịu ký vào Hiệp ước Hòa Bình Paris. Ký rồi mà vẫn không chịu tôn trọng, vẫn cứ tiến hành việc lấn chiếm miền Nam. Hòa Bình ký rồi mà máu vẫn còn chảy nhiều. Lính Mỹ thì thu dọn hành trang về nước. Nixon vì muốn ra đi trong danh dự, nên tích cực chủ trương Việt hóa chiến tranh. Chủ trương này phải chăng đã phá hoại giai đoạn chót của chiến lược toàn cầu của Mỹ là “Dùng Cộng diệt Cộng” nên Nixon đã bị cay đắng bỏ ngang nhiệm kỳ cuối, chỉ vì vụ “nghe lén” chẳng đáng gì, nhưng nó lại được làm rùm beng đến độ một vị Tổng Thống Mỹ phải từ chức. Biến cố chính trị này của Mỹ thật là vô tiền khoáng hậu. Trước khi Nixon buộc phải ra đi, thì Phó Tổng Thống Agnew đã bị tội trốn thuế mà mất chức, để rồi Chủ tịch Hạ Viện Ford vào làm chủ nhà trắng, và ra lệnh rút lính Mỹ về nước, trao đồng minh bé nhỏ của mình là Nam Việt Nam vào tay Cộng Sản.
Trên 58 ngàn thanh niên Mỹ đã nằm xuống tại chiến trường Việt Nam. Máu của họ đã hòa vào hàng triệu hàng triệu người Việt đã đổ ra trên mảnh đất này. Trước lúc nhắm mắt có người nghĩ rằng: mình đang làm sứ mệnh bảo vệ tư do, có người tưởng rằng: mình đi giải phóng. Người còn sống sót thì đã bừng con mắt dậy thấy rặt một loài Cộng Sản khoác lác, nào là chủ nghĩa Mác Lê bách chiến bách thắng, chủ nghĩa Cộng Sản vô địch, Đảng Cộng Sản là nơi tập trung trí tuệ loài người, Việt Nam là lương tâm thời đại, v.v… Chúng quên khuấy đi rằng: có thời Đảng Cộng Sản Đông Dương đã tự phải giải tán để núp bóng Dân tộc chống xâm lăng, thì Cộng Sản đã bị Pháp bóp chết trong thời kháng chiến rồi. Không có khẩu hiệu GIẢI PHÓNG DÂN TỘC thì còn lâu Cộng Sản mới huy động được nhân dân miến Nam trường kỳ đánh Mỹ.
Cứ tưởng là toàn thắng rồi thì còn sợ ai mà không dám vỗ ngực xưng tên và triệt để thi hành chính sách vô sản chuyên chính, bắt bớ tù đày người của chế độ miền Nam, trí thức, văn nghệ sĩ, tôn giáo, phát động phong trào đánh tư sản. Có nghĩa là ăn cướp của người miền Nam, buộc nhân dân miền Nam phải sống bần cùng ngang tầm với nhân dân miền Bắc. Bọn người lãnh đạo ngu si thiển cận nghĩ rằng bần cùng hóa được người dân, nắm hủ gạo trong tay để điều khiển bao tử thì nhân dân phải cúi đầu làm nộ lệ. Chúng đã lầm. Nhân dân vẫn còn thứ võ khí cuối cùng của nhân dân là “ì ra đó”. Làm để nhận khẩu phần gạo ư? Thì làm hết giờ chứ không hết việc, để rồi chẳng việc nào xong cả. Mặc dầu là thế, nhưng cán bộ vẫn phải báo cáo tốt, hoàn thành chỉ tiêu, vượt mức kế hoạch. Thực tế là vượt mức kế hoạch đi xuống. Sau 10 năm tiến lên Xã Hội Chủ Nghĩa thì mức sống và kinh tế Việt Nam đã tụt xuống hàng cuối cùng của bảng xếp hạng những nước nghèo nhất trên thế giới.
Thế giới lại một lần nữa chứng kiến được sự can đảm phi thường của người Việt Nam. Đó là, hết đợt thuyền nhân này chết chìm giữa biển cả, đến đợt thuyền nhân khác kế tiếp ra đi. Đi mười chết 5, 6 mà vẫn cứ đi, miễn sao thoát được bàn tay của bọn Cộng Sản tham lam ngu xuẩn càng xa càng tốt.
Mừng cho những người đến được bờ tự do, thế nhưng trên 70 triệu người Việt vẫn phải sống kiếp đọa đày dưới bàn tay Cộng Sản thì sao đây? “Ì ra đó” chỉ là phương pháp phá đám nhất thời, vì nước nghèo thì người đói đầu tiên là dân, chứ bọn cầm quyền Cộng Sản tham nhũng đâu có đói. Cũng may lúc đó những đồng đô la và những gói quà của những người thân từ miền Tự do gởi về kịp thời cứu đói. Kẻ được quà cùng với những người mua bán qua lại, đã tạo thành một thị trường “Chợ Trời” đủ giúp nhau sống qua ngày, đó là đô thị miền Nam. Còn đối với nông thôn toàn quốc, thì bọn cầm quyền thấy rằng chế độ hợp tác xã sẽ không làm ra đủ lương thực để nuôi dân, buộc chúng phải áp dụng biện pháp khoán sản phẩm, nghĩa là trao ruộng đất lại cho nông dân, nông dân phải đóng thóc cho Nhà Nước ở mức ấn định. Rồi nhờ vào chính sách đổi mới của quan thầy Liên Xô, Cộng đảng Việt Nam cũng theo mẫu đó mà đổi mới. Không phải tự nhiên mà Liên Xô đổi mới, mà vì bị rơi vào ảo tưởng là “Việt Nam thắng Mỹ”. Mỹ đã thua Cộng Sản, Mỹ bị suy thoái, Mỹ bị vết thương quá đau tại chiến trường Việt Nam, không dám can thiệp vào phong trào cách mạng toàn thế giới Cộng Sản nữa, nhân đó mà Liên Xô đã trực tiếp đem quân vào Afganistan và đã gánh chịu một cuộc chiến tranh du kích dài vộ tận của người Hồi Giáo. Chưa hết, Liên Xô còn phải chi tiền cho Cuba làm các cuộc chiến tranh ở Trung Mỹ và Phi Châu. Bỏ tiền ra thuê Việt Cộng làm nghĩa vụ quốc tế để đánh nhau với Khờ Me Đỏ thân Tàu nữa.
Hầu như bao nhiêu vốn liếng kể cả ngân khoản dành cho các chương trình chạy đua võ khí chiến lược, cũng đã được các lãnh tụ Liên Xô đổ vào bốn cuộc chiến tranh dài vô vọng. Để rồi Gorbachev phải đi đến quyết định là đổi mới, tài giảm binh bị, rút quân, thôi yểm trợ cho tất cả các chư hầu Cộng Sản. Cuối cùng buông luôn Đông Âu và giải thể Liên Xô, thay vào đó bằng một Liên Minh lỏng lẻo. Để rồi bị phía Cộng sản Nga đảo chính, nhưng chính quyền lại rơi vào tay thủ lãnh Yelsin Dân Chủ, người được Mỹ đứng đằng sau. Hệ thống cộng sản toàn cầu sụp đổ, chiến tranh lạnh kết thúc. Chiến lược toàn cầu mà Mỹ chủ trương 50 năm đã hoàn tất. Phát xít bị diệt, Thực dân đã tàn, Cộng sản cũng tan, tất cả mục tiêu chiến lược Mỹ đều đã đạt.
Nhưng vết thương tâm lý của Mỹ về chiến tranh Việt Nam vẫn chưa lành lại, mà cũng chính nhờ vết thương đó, Mỹ đã hội đủ điều những kiện để giúp dân chúng Liên Bang Xô Viết cũ đào huyệt chôn đi cái thây ma tàn ác của con quái vật được gọi là Cộng Sản. Thế giới thở ra nhẹ nhõm khi không còn bị những quả bom nguyên tử treo lơ lửng trên đầu. Thế giới biết ơn những chiến binh Mỹ đã bỏ mình tại chiến trường Việt Nam và ghi công những người đã từng tham chiến tại đó.
Cuộc chiến Việt Nam thật tàn nhẫn độc địa, nhưng hiệu quả của nó đối với hòa bình thế giới thì cũng không nhỏ. Đáng thương nhất vẫn là bảy mươi bảy triệu người Việt Nam còn bị mắc kẹt dưới sự cai trị của đảng Cộng Sản đã biến chất. Từ chủ trương vô sản chuyên chính tàn độc đang biến thành ô lậu chuyên chính bẩn thỉu. Ai dám đứng ra biện minh cho chế độ Hà Nội hiện nay không phải là chế độ tham nhũng từ trên xuống dưới. Lý tưởng không còn thì lấy quyền lợi ra để mua sự trung thành của đảng viên. Quyền lợi phải được bảo chứng bằng cái tội tham nhũng nữa mới thật là chắc ăn. Ở bất cứ nơi nào trên thế giới văn minh. Hiện nay, nếu một người theo lý tưởng Cộng Sản mà bị kết án tù chỉ vì họ theo Cộng Sản thì chắc là các hội nhân quyền sẵn sàng can thiệp. Nhưng nếu người đã phạm tội tham nhũng hay là buôn lậu thì quả là đáng đời chẳng ai thèm bênh.
Thế là hiện nay nhóm lãnh đạo đảng Cộng Sản Việt Nam đã kết chùm các đảng viên lại bằng hai nguồn lợi bất chính đó là tham ô và buôn lậu. Bất cứ lúc nào Đảng mất quyền lãnh đạo đất nước, thì từ trên xuống dưới đảng viên kéo nhau ra hầu tòa. Vậy đúng là việc bảo vệ quyền lãnh đạo của đảng hiện nay đối với những người theo đảng là bảo vệ chính sinh mạng mình. Sự biến chất này thật là độc và cũng thật tai hại cho hiện tại và tương lai của Việt Nam. Cộng Sản hy vọng rằng với chính sách đổi mới và theo kinh tế thị trường kiểu tư bản, thì sẽ nhận được sự đầu tư của tư bản thế giới. Rồi nhờ vào sự làm ăn và liên doanh giữa tư bản và nước ngoài với hệ thống kinh tài đặc biệt của Đảng, sẽ đưa Đảng lên địa vị các nhà tài phiệt, để dùng tiền chi phối chính trị, lúc đó mới chịu đổi mới về mặt chính trị.
Muốn thì như vậy đó, nhưng thực tế thì chỉ mới có những nhà đầu tư hạng ba, hạng tư mới thử vào làm ăn tại Việt Nam thôi, còn các nhà đại tư bản thì thấy rằng: luật pháp Việt Nam còn quá lôi thôi. Đảng vẫn còn cho phép mình đứng trên luật pháp, thay đổi luật bất cứ lúc nào. Luật có rồi nhưng các cấp không thi hành, trung ương vẫn phải chịu. Vì Điều 4 Hiến Pháp đã trao quyền lãnh đạo không giới hạn, không trách nhiệm cho Đảng. Mà đảng đâu phải mấy ông ở Trung Ương. Các chi bộ lãnh đạo đảng ở địa phương vẫn có quyền lãnh đạo mà chẳng cần đến luật pháp.
Hiện trạng Việt Nam ngày nay, Đảng làm vì lợi Đảng, người có quyền thì kiếm tiền bằng cách tham ô, buôn lậu. Dân làm ăn thì tìm cách hối lộ để trốn thuế, và áp dụng bất cứ mánh nào mà thị trường cho phép. Trộm cướp, giết người, đĩ điếm tràn ngập khắc nơi. Trẻ em thất học ngổn ngang đường phố. Những người có học vị bác sĩ, kỹ sư tốt nghiệp ra trường không có chỗ làm, quay sang học mấy câu tiếng Anh để đi phục vụ nhà hàng hay làm cho người nước ngoài. Tụt dốc khắp mặt, cả đạo đức, văn hóa lẫn thực tế. Chính quyền ngoài hai mục tiêu chính là ô lậu, mục tiêu quan trọng khác là bắt bớ những người đối lập với Đảng. Mà Cộng Sản càng bắt cầm tù những người đối kháng thì sự đối kháng càng lên cao và lan rộng. Cho đến lúc nào giới trẻ Việt Nam nhận ra rằng: những người đang lãnh đạo họ rặt là một phường ô lậu chỉ biết lo cho bản thân, chẳng nghĩ gì tới tương lai tuổi trẻ, tương lai đất nước, thì cái gương của ông Ngô Đình Diệm vẫn còn đấy. Cộng Sản Việt Nam đừng tưởng rằng về thế ngoại giao đã đi được với Mỹ, đã được nhận vào ASEAN, đối nội thì đã có quân đội công an được vỗ béo bằng ô lậu là đã vững được đâu?
Cộng sản Việt Namđã phạm phải sai lầm chiến lược đầu tiên, đó là suốt 20 năm cầu cạnh để được Mỹ thừa nhận. Khi Mỹ vừa mới thiết lập bang giao, tiếng nói của Tổng Thống Mỹ Bill Clinton vừa ra khỏi môi rằng: “Hoa Kỳ thiết lập bang giao với Việt Nam, là đưa ánh sang tự do dân chủ tới cho Việt Nam như đã làm ở Nga và các nước Đông Âu”. Ngoại trưởng Mỹ mới ký lập tòa đại sứ tại Hà Nội mực còn chưa ráo, thì cộng sản đã dằn mặt dân chúng Việt Nam và cả các nhà lãnh đạo Mỹ bằng việc đem ra xử thầy Quảng Độ và các Thầy khác trong vụ Phật Giáo Thống Nhất đi cứu trợ tại miền Tây. Sau đó kết án vụ dự định tổ chức Hội Thảo Quốc Tế tại Việt Nam của ông Nguyễn Đình Huy, có sự trợ giúp của chính giới Mỹ. Hai vụ án này cộng sản Việt Nam chứng tỏ họ vi phạm nhân quyền ra mặt, không cần che dấu.
Đấy là ấn tượng xấu đối với dân chúng Hoa Kỳ và dư luận toàn thế giới về bộ mặt thật của Việt Cộng. Bộ mặt đó đối với dân chúng Việt Nam vốn đã dễ ghét rồi, rồi đây đối với thế giới lại càng khó thương hơn. Trong ghét ngoài không thương mà gặp đúng lúc cần phải thay đổi cho phù hợp với tình thế thì sẽ gặp cảnh của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm rồi vậy. Thật sự người viết mong cho Việt Cộng rớt đài bởi cuộc đấu tranh của những người có tinh thần đấu trang kiên cường mà không thù hận. Ngược lại nếu bị trả giá bởi cuộc đấu tranh Răng đối Răng, Máu gọi máu, thì thật là vô phúc lớn đối với Dân tộc đã có quá nhiều khổ đau này vậy!
*****************************************
MẤY NÉT VỀ NHÀ BÁO, BÌNH LUẬN GIA LÝ ĐẠI NGUYÊN
( Việt Dương)
Bình Luận Gia Lý Đại Nguyên lúc còn trẻ
Chúng tôi có duyên được gặp ông Lý Đại Nguyên từ những năm cuối thập niên 1950, khi đến tham dự những buổi nói chuyện về những vấn đề văn hóa, chính trị và văn nghệ vào những ngày chủ nhật tại Đàm Trường Viễn Kiến (nhà ông Nguyễn Đức Quỳnh trong hẻm cạnh chùa Giác Minh của thượng tọa Thích Tâm Châu, đường Phan Thanh Giản). Khi nhập vào Đàm Trường này, chúng tôi còn là học sinh đệ tứ, đệ tam trường Chu Văn An, nhưng được nghe nhiều nhà văn, nhà báo thuyết trình đủ thứ đề tài , trong đó tôi còn nhớ là thường gặp luật sư Nghiêm Xuân Hồng, nhà văn Mặc Đỗ, nhà báo Hồ Nam, nhạc sĩ Phạm Duy, mấy nhà văn nhóm Sáng Tạo, và mấy người trẻ lớp tuổi tôi như Phan Lạc Giang Đông, Phạm Thiên Thư, Lê Triều Quang… Nhà văn hóa Nguyễn Đức Quỳnh, chủ nhà và người chủ trương Đàm Trường Viễn Kiến, với bộ bà ba nâu, trán cao, dáng thanh thoát thường góp nhiều ý kiến trong những buổi nói chuyện, và người thứ nhì là Lý Đại Nguyên, dáng thư sinh, mặc bộ bà ba trắng thường tổng kết những đề tài thảo luận. Trong những buổi nói chuyện, tôi thường hỏi ông Nguyên nhiều điều nên kết thành tình thân. Từ cái duyên của tình huynh đệ với ông Lý Đại Nguyên, tôi xin ghi lại đây ít điều về cuộc đời của ông, như là lời tiễn biệt khi ông từ giã trần thế.
1.Viết sách Tổng Thức Vận khi còn trẻ:
Từ năm 1958, 59, khi tới Đàm Trường, tôi đã được nghe ông Lý Đại Nguyên thuyết trình về nhiều đề tài trong bộ Tổng Thức Vận mà ông nói là sẽ in thành sách. Tôi ngạc nhiên tự hỏi sao một người trẻ chưa tới 30 mà lại có thể trình bày và tổng kết những hệ thống tư tưởng đông tây một cách rộng, sâu và khúc chiết. Không phải chỉ ở tư tưởng triết học mà khi nói chuyện về chính trị, ông cũng thông suốt hệ thống chế độ dân chủ tư bản Âu Mỹ, và Cộng Sản Nga Tàu. Chưa tới 20 đã đi vào kháng chiến chống Pháp thì ông học ở đâu và giờ nào đọc sách.
Năm 1962 bộ Tổng Thức Vận được in bằng ronéo, dày trên ngàn trang. Rất khó đọc. Tôi cố gắng đọc nhiều lần, nên cũng hiểu được một số vấn đề về Dung hoá, Điều hợp và Nhân chủ… Sau này, những cuốn khác ông viết đơn giản dễ đọc như Dòng Sinh Mệnh Văn Hóa Việt Nam (1967), Dòng Vận Động Cách Mạng Việt Nam (1967), Nền Nhận Thức Nhân Chủ Toàn Triển (1967), tôi thấy tất cả đều có gốc từ Tổng Thức Vận. Như thế là ông đã xây dựng một nền tảng lý luận nhất quán về Văn hoá, chính trị.
Gần đây năm 2017, nhân nói chuyện với ông về tập Văn Hoá Tính, tôi hỏi lại điều ngạc nhiên từ những năn 58, 59 là anh đi kháng chiến từ năm 16, 17 tuổi, rồi vào Nam tiếp tục đấu tranh và làm báo, thì cách nào đọc để viết Tổng Thức Vận từ cuối thập niên 50. Ông cười trả lời: Anh không học trường nào, nhưng đọc những sách căn bản, rồi rút ra những phần cốt tủy để đưa vào nhận thức của mình.
- Một chính trị gia có tầm hiểu biết rất rộng về thế giới và và một nền tảng tư tưởng xây dựng đất nước:
Năm 1967, ông Lý Đại Nguyên lập liên danh với một ông tên Mạnh (tôi quên họ) để tranh cử tổng thống với liên danh Nguyễn Văn Thiệu, Nguyễn Cao Kỳ. Tôi hỏi ông là mình không có tiền, ít chiến hữu, không có một đảng lớn làm hậu thuẫn từ thành thị tới nông thôn và quân đội thì làm sao thắng cử. Ông đáp: Không thắng được, nhưng cho dân Việt và Mỹ thấy đường thắng Cộng Sản và xây dựng Việt Nam. Từ đó lấy thế và đà để phát triển hoạt động sau bầu cử rồi chờ cuộc bầu cử khác.
Liên danh của ông Nguyên đã bị Hội Đồng Bầu Cử bác, vì không hội đủ những điều theo luật bầu cử. Nhưng từ đó, khi làm báo ông Nguyên đã quảng bá những chính sách ông đã đề ra trong chương trình tranh cử: xây dựng dân chủ để chống cộng. Đáng tiếc là ông đã không có cơ hội tham chính để thực hiện chính sách của mình.
Năm 1972, mùa hè đỏ lửa, nhờ những bài phân tích thời sư về thế mạnh của Việt Nam Cộng hòa và thế yếu của Cộng Sản mà báo Sóng Thần đã được quân đội và dân chúng tìm đọc. Thời gian này tôi ở mặt trận Thừa Thiên, Quảng Trị, và thấy Sóng Thần đã đi xuống tận nông thôn như chợ Hương Điền, chợ Sịa, Quảng Điền, Phò Trạch, Phong Điền… Sau này tôi biết là trong năm 1972, Sóng Thần đã đạt kỷ lục về lượng phát hành.
3.Sống giản dị, an nhiên tự tại:
Cả một đời, ông Nguyên chỉ làm báo, nhưng có lẽ tiền viết báo chẳng được bao nhiêu , nên trong thập niên 60, tôi thường gặp ông trên những căn gác xép ở vùng Gia Định, Phú Nhuận. Sống rất thanh đạm, nhưng lúc nào cũng bộ ba ba trắng và lần nào gặp cũng nghe ông nói không mệt về chuyện thế sự, Việt Nam và thế giới.
Năm 1985, khi ông mới ra tù, tôi tới thăm ông ở một căn gác trong một hẻm ở phía trước chợ Trương Minh Giảng. Có điều lạ là hai ông bà và hai cháu Trí Anh và Tuệ Anh ở trên căn gác nhỏ, nhưng muốn lên căn gác đó phải đi bằng một cái thang gỗ (hay tre) bắc từ sân. Cái thang vắt vẻo oằn cong mỗi lần lên xuống. (Phải dùng thang như thế vì không thể đi ngang qua tầng dưới của gia đình khác). Tuy vậy gặp lại ông sau 10 năm tù, tôi thấy ông vẫn hồn nhiên với bộ bà ba trắng và vẫn nhìn suốt thế sự đông tây và cộng sản Việt Nam.
Ở Mỹ tôi gặp một nhà báo đã ở tù với ông Nguyên và được ông cho biết là ông Nguyên ở tù cũng thản nhiên như ở nhà. Chẳng bao giờ nghe ông nói chuyện đói, no, buồn phiền. Ông nhà báo nói: Ở tù mới biết bản lãnh, nhân cách của một con người. Ông kính trọng ông Nguyên và chê một số lãnh tụ, chính khách trở thành hèn và mất nhân cách khi ở trong tù.
- Viết rất nhanh:
Năm 1972, tôi từ Huế vào Sài Gòn, ở lại nhà ông bà Lý Đại Nguyên, ở phía sau chợ Trương Minh Giảng. Đây là lần đầu tiên tôi gặp ông Nguyên ở một căn nhà thuê khang trang và rộng. Vì ở lại đây mấy ngày, nên tôi mới thấy cách ông viết bài quan điểm cho Sóng Thần. Mỗi sáng sớm, ông ngồi uống cà phê với mấy điếu thuốc 3 số 5, rồi bắt đầu đánh máy liên tục chừng 20 hay 30 phút. Khi ngừng tiếng lạch cạch, ông lấy bài viết đưa cho bà Mai Tuyết An, ngồi ở gần đó để bà đọc lại và sửa lỗi chính tả. Thấy ông viết quá nhanh, tôi nói: Em mà viết một bài như thế, sửa đi, sửa lại phải mất cả buổi. Ông cười: Anh ít khi sửa và mỗi ngày có thể viết 3, 4 bài khác nhau, nếu phải viết cho vài tờ báo. Anh đánh máy nhanh nên để sót nhiều lỗi chính tả. An chịu trách nhiệm sửa, từ bài ngắn, dài đến cả một cuốn sách. Anh có thể viết nhanh là do đã nghĩ và thấy sự việc. Chuyện Việt Nam là chuyện mình sống với nó hàng ngày, còn chuyện thế giới thì chiến lược của những cường quốc Mỹ, Nga, Tàu và Tây Âu đều có hướng chính. Nắm được hướng của họ thì có thể luận về những diễn biến.
- Viết báo một mình:
Sau khi qua Mỹ được chừng nửa năm (1995) ông nói với tôi là anh bắt đầu viết lại. Sau lời loan báo này, ông viết Việt Nam Dân Tộc Bị Đọa Đày, Văn Nghệ xuất bản năm 1998. Rồi tới năm 2000 in Tổng Thức Vận, Văn Nghệ phát hành. Và mỗi tuần ông viết một bài Nhận Định Thế Sự như thời viết cho Sóng Thần, gửi cho các báo và cho thân hữu.
Cách đây mấy năm bị bệnh, người yếu đi, ông loan báo ngừng viết. Nhưng sau đó, ông viết bằng cách nói. Vì thế trên đài IBC mỗi tuần có chương trình chuyện thế sự với ông Cao Minh Hưng. Vẫn cách nhìn sắc sảo với ngôn ngữ đơn giản, ông luận về những sự việc trên thế giới và Việt Nam, giúp khán thính giả có thể nhìn vào những sự việc phức tạp.
Cao Minh Hưng và BLG Lý Đại Nguyên trong chương trình Nhận Định Thế Sự Hàng Tuần-Đài IBC
Năm 2017, tuy bị bệnh, nhưng ông vẫn viết xong và xuất bản tập Văn Hóa Tính với thể văn gọn và dễ hiểu, tuy vẫn rút từ nguồn Tổng Thức Vận.
Chúng tôi, trên nửa thế kỷ, may mắn kết được tình huynh đệ với ông Lý Đại Nguyên. Nhìn lại đời sống và hoạt động một đời của ông, tôi có thể nói rằng ông là tấm gương của một kẻ sĩ trước vận nước, một chiến sĩ có lập trường quốc gia, dân tộc vững chắc và một nhà văn hóa có tâm bình, lòng nhân và trí sáng. Ông sống bình dị, an nhiên, khi ra đi cũng nhẹ nhàng, an nhiên.
Vĩnh biệt anh Lý Đại Nguyên. Cầu mong anh sớm về miền tịnh thổ.
Việt Dương (12/31/2017)