30. VỤ ÁN SÔNG GIANH

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

HỒI KÝ THÉP ĐEN – ĐẶNG CHÍ BÌNH

Cũng vì buổi sáng hôm Chủ Nhật đó, tôi nói chuyện với Hoàng Thanh nên đã quên buổi hẹn với Lê Văn Kinh. Chiều hôm ấy, tuy Kinh và tôi có gặp nhau nói chuyện ở hội trường, nhưng Kinh tiếp tôi như một sự gắng gượng, thiếu hẳn nét cởi mở của những ngày trước. Tôi hiểu rằng, cái nguyên nhân chính cũng chỉ vì cái buổi nói chuyện của tôi với Hoàng Thanh khi sáng. Chính vì thế, tôi biết nội dung sự việc của Lê Văn Kinh chỉ sơ lược, nhưng sau tôi đã gặp đám thủy thủ cùng vụ với Kinh. Trong đám thủy thủ này lại có nhiều người đã đưa tôi ra Bắc trước đấy mấy tháng nên vụ án sông Gianh lại tương đối có chi tiết. Nội dung chính như sau:

Đây là một trong những kế hoạch đầu tiên, trong chủ trương dùng Người Nhái bất ngờ xâm nhập bờ biển miền Bắc của cộng sản để phá hoại những công trình quân sự, để trả đũa phía cộng sản đã thành lập Mặt trận giải phóng và càng ngày càng gia tăng quấy phá miền Nam.

Do những tin tức tình báo và do những tấm không ảnh chụp được của máy bay Mỹ, nên đã nhìn rõ về dòng sông Gianh. Dòng sông đã đi vào lịch sử của dân tộc, nó đã làm mốc ngăn chia đất nước trong giai đoạn chúa Trịnh và chúa Nguyễn phân tranh.

Cơ quan Tình báo Trung ương của miền Nam phát giác, phía sâu trong nội địa hàng chục cây số, trên dòng sông Gianh có một số tầu thuộc Hải quân miền Bắc. Từ căn cứ sâu hiểm này, những chiếc tầu đó lén lút chuyển vũ khí vào miền Nam qua những mật cảng trong khu vực ranh giới của Việt Nam và Kampuchia. Để triệt hạ tại gốc, Tình báo miền Nam hoạch định một công tác đặc biệt: dùng Người Nhái bí mật đột nhập vào sông Gianh, dùng hải mìn đánh chìm những chiếc tầu này.

Sau nhiều ngày nghiên cứu tuyển lựa, Tình báo Sài Gòn đã chọn được 4 Người Nhái quả cảm và có nhiều kinh nghiệm:

1/ Lê Văn Kinh, dân sự, cao 1 mét 82, nặng 73 kg. Anh đã đạt nhiều thành tích trong những công tác thủy chiến ở miền Nam.

2/ Nguyễn Văn Tâm, quân sự, cao 1 mét 78, nặng 70kg. Một huấn luyện viên Người Nhái đã tình nguyện tham gia công tác đặc biệt này.

3/ Nguyễn Văn Thảo, quân sự, cao 1 mét 78, nặng 68kg. Một con rái biển của Biệt hải miền Nam.

4/ Võ Chuyên, quân sự, cao 1 mét 75, nặng 70 kg. Một hung thần xung kích. Do truyền thống gia đình đã có nhiều hận thù sâu nặng với cộng sản, anh đã có nhiều lần tử chiến với quân cộng sản. Ngực anh đã xâm hai chữ “sát Cộng”, thề không đội trời chung với kẻ thù là lũ Cộng khát máu.

Trong số 4 người quả cảm, ưu tú của Người Nhái được tuyển chọn này, có hai anh Tâm và Chuyên những năm trước đấy đã được đi dự khóa huấn luyện đặc biệt đầu tiên về Biệt hải ở Đài Loan. Khi đó các anh còn trong Liên đội Quan sát I do Thiếu tá Phạm Văn Phú làm Liên đội trưởng và Đại úy Lê Văn Tất làm Liên đội phó, trực thuộc Sở khai thác địa hình do Đại Tá Lê Quang Tung chỉ huy.

Các anh được huấn luyện bổ sung và thực tập công tác ở một doanh trại đặc biệt bên Mỹ Khê, Đà Nẵng. Ngoài những huấn luyện về chuyên môn, người trực tiếp chỉ huy là ông Phan và ông Lý (ông Phan cũng là người đưa tôi đi ở Đà Nẵng, ông Lý tôi cũng đã nói tới nhiều lần khi tôi còn ở Đà Thành), và một người cố vấn Mỹ tên là Robert, cũng là một con cá kình của Người Nhái Mỹ.

Vào một ngày cuối tháng 10 năm 1962. Khoảng 10 giờ sáng tại một bến hẻo lánh bên biệt khu hải quân gần Sơn Trà, Đà Nẵng, cả ông Phan, ông Lý và Robert cố vấn đã hân hoan, niềm nở cùng 4 chúng tôi (từ đây là lời Lê Văn Kinh) sắp xếp, chuẩn bị với những vật dụng trang bị từ vũ khí đến hải mìn. Chiếc hải thuyền đưa chúng tôi đi, trang bị như nhiều thuyền đánh cá khác ở những vùng ven biển. Thủy thủ đưa chúng tôi gồm 10 người, trong đó có bác Vương Tiến An làm thuyền trưởng và anh Nguyễn Dụ là thợ máy. (Anh Dụ này cũng là thợ máy trong chuyến đầu tiên của tôi đổ bộ hụt ở ranh giới 2 huyện Kim Sơn và Nga Sơn). Khi đó tôi chỉ biết tên anh là Tarzan theo Phan gọi.

Đặc biệt trên hải thuyền có một chiếc thuyền gỗ con. Chiếc thuyền gỗ này làm giống hệt theo kiểu những chiếc thuyền con dùng để đánh đáy ở các cửa sông ngoài miền Bắc. Theo kế hoạch, khi hải thuyền đến ngang cửa sông Gianh sẽ lảng vãng ở ngoài khơi chừng 15 hay 20 cây số. Thả chiếc thuyền con xuống biển, bên trên vờ có 2 người ngồi chèo thuyền, nhưng thực tế, thuyền lắp ngầm một máy cực mạnh, có thể chạy 10 – 12 hải lý giờ.

Chiếc thuyền con sẽ tùy theo hoàn cảnh của từng đoạn đường, lúc dùng máy, lúc dùng chèo len lỏi vào cửa sông, lẫn vào những thuyền đánh đáy khác. Cứ thế rồi tiến sâu dần vào mục tiêu để thực hiện công tác. Theo quy định đã được phân nhiệm rõ ràng khi còn ở trong phòng hành quân ở Mỹ Khê thì:

Anh Võ Chuyên là toán trưởng. Anh Nguyễn Văn Tâm là toán phó. Khi đến mục tiêu thì cả 4 người, mỗi người sẽ ôm một hải mìn nổ chậm. Loại mìn này có chỗ điều khiển, bấm nút để điều chỉnh thời gian mìn nổ. Mỗi hải mìn nặng trên 3 kg. Sau khi quan sát tại chỗ, anh Võ Chuyên chỉ định từng mục tiêu cho mỗi người. Cuối cùng chính anh cũng phải ôm một hải mìn đến đặt, để phá một chiếc tầu mà chính anh đã tự nhận.

Sau khi ông Phan, Lý và Robert đã kiểm tra lại đầy đủ mọi vật dụng cho chuyến đi là những cái bắt tay nồng nhiệt, những lời chúc thành công và hẹn ngày mai, cũng vào giờ này sẽ ra đây đón những người trở lại. Chúng tôi rời bến Hải khu lúc 11 giờ, cái lúc mặt trời đang mở to mắt, quắc lên từ trên cao nhìn thẳng xuống hải thuyền. Trên hải thuyền còn lại tất cả 14 người gồm, 10 thủy thủ và 4 chúng tôi. Con thuyền rẽ sóng âm thầm ra khơi, hướng về phía Bắc.

10 giờ 15 phút tối hôm đó, bác An thuyền trưởng báo cho chúng tôi biết là thuyền đang ở ngoài khơi cách cửa sông Gianh từ 15 đến 20 cây số. Chúng tôi khẩn trương chuẩn bị hành trang, đồ nghề. Cuối cùng, chúng tôi hè nhau đẩy chiếc thuyền con từ trên thuyền lớn xuống biển.

Đã được phân công từ trước, 3 người thủy thủ to khỏe, nhanh nhẹn tháo vát sẽ chèo và lái thuyền con đưa chúng tôi đến mục tiêu. Ba anh thủy thủ, sau này chúng tôi được biết tên là Hoàng Bài, Trịnh Văn Truyện và Nguyễn Dụ là thợ máy. Thuyền con rời hải thuyền lúc 10 giờ 35 phút.

3 thủy thủ, 4 chúng tôi gồm tất cả là 7 người trên chiếc thuyền con, mở máy lầm lủi, tiến sâu vào cửa sông Gianh. Hơn 1 giờ sau, trong cái lấp loáng mờ ảo giữa nước với trời, chúng tôi đã nhìn thấy những ánh đèn đầu le lói của những chiếc thuyền đánh đáy ngoài cửa sông. Chúng tôi cùng bảo nhau, một mặt tắt máy đi, mặt khác cũng thắp lên ngọn đèn con như những thuyền của họ.

Len lỏi qua những bè đáy, có lúc rất gần, chúng tôi trông thấy cả những bóng người ngồi trên những con thuyền nhỏ đánh đáy. Theo những hoạch định ngay từ ngoài khơi, 4 chúng tôi và anh Hoàng Bài nằm sát xuống sạp thuyền, che bạt ở trên. Như vậy, trông xa chỉ có anh Nguyễn Dụ và Truyện chèo thuyền. Tuy chúng tôi nằm, mà lòng vẫn bồn chồn, hồi hộp, căng thẳng trong những giờ phút đã tiếp cận với kẻ thù. Thậm chí, có lần chúng tôi còn nghe thấy cả giọng Quảng Bình nặng chịch hỏi ré lên:

– Sao về sớm rứa!

Tiếng hỏi thọc sâu vào tiếng sóng rầm rì; chúng tôi đều bảo nhau là hãy im lặng không trả lời. Qua được vùng đáy, thuyền chúng tôi đã vào hẳn bên trong cửa sông. Mập mờ, hai bên bờ sông, cảnh vật thấp thoáng chìm trong màn đêm và sương đục. Cửa sông Gianh rộng đến hàng cây số, nhưng càng sâu vào trong, càng hẹp lại. Vắng lặng, chỉ có tiếng gió thì thầm nói chuyện với tiếng sóng đêm, chúng tôi ngồi hết cả dậy, mở máy tiến vào mục tiêu. Trong cái mờ ảo của bóng đêm trên mặt sông, xa xa, chúng tôi đã nhìn thấy một vài ánh đèn lấp ló trên cao, khoảng ngang mái nhà. Kinh nghiệm cho chúng tôi biết, đấy là những chiếc đèn canh đêm trên chòi lầu.

Lúc này đã 12 giờ 15 phút, thuyền chúng tôi giảm ga, giảm tốc độ, cho tới khi chúng tôi đã nhìn rõ những chiếc tầu thân xám sậm đang nằm say sưa ngủ trên mặt sông. Nước thủy triều đang dâng lên cao, tắt hẳn máy, dùng chèo, chúng tôi tiến sát gần những chiếc tầu. Trong một cái hủng sông phía bờ trái, có nhiều cây dại mọc trùm xuống mép nước, chúng tôi lần mò, lách thuyền vào. Thuyền chúng tôi chỉ cách những chiếc tầu của địch từ 100 đến 150 mét là cùng. Trong màn sương đêm, chúng tôi đều trố mắt quan sát toàn bộ khu vực có thể nhìn được, không kể những chiếc thuyền gỗ nhỏ, chỉ có 6 chiếc tầu, 3 chiếc khẳm xuống hẳn, vì chứa đầy hàng bên trong.

Khi đã hiểu rõ tình hình và điều kiện tại chỗ, anh Võ Chuyên đã phân công rõ ràng: Lê Văn Kinh và Nguyễn Văn Tâm có nhiệm vụ gắn mìn, phá 2 chiếc tầu chéo phía trong cách khoảng 150 chục mét. Nguyễn Văn Thảo và chính anh Chuyên sẽ phá 2 chiếc ngay phía trước mặt, chỉ cách 90 đến 100 mét. Hai chiếc này thật to, mỗi chiếc dài đến 30 mét, lại chở nặng khẳm.

Theo quy ước đã đồng ý với nhau khi mọi người rời thuyền con: sau khi dùng chuyên môn gắn hải mìn vào nơi thân tầu đã quy định. Để thời gian nổ chậm là 2 giờ rồi bấm nút, rời mục tiêu, bơi ngay về chỗ thuyền con. Phòng hờ một vài trục trặc bất ngờ, nên đã đều nhất định để thời gian mìn nổ là sau 2 tiếng đồng hồ. Thực ra, thời gian bơi đến mục tiêu, gắn mìn, rồi trở về thuyền con, thuyền con chạy ra thuyền mẹ là hải thuyền đang chờ ở ngoài khơi chỉ hết khoảng 1 giờ 30 phút đến 1 giờ 40 phút là cùng. Nghĩa là khi hải mìn nổ, thì cũng là lúc hải thuyền đang trên đường trở về Đà Nẵng rồi.

Tính ở trên là tính theo cái lẽ thông thường của cuộc đời. Tính nước chảy xuôi theo dòng, mà cuộc đời lại vẫn có cái lẽ không thường của nó và những dòng nước chảy ngược lại thì ít ai tính được. Bởi vậy, (từ đây theo lời của các anh Truyện, Hoàng Bài và Nguyễn Dụ- ba người thủy thủ còn lại trên chiếc thuyền con. Sau này, 1972, tôi gặp ở trại chính Phố Lu thuật lại) khi các anh Kinh, Tâm và Thảo đã xuống nước bơi đi đến 5 – 10 phút rồi, anh Võ Chuyên mới đeo các đồ nghề Người Nhái, ôm mìn tụt xuống nước.

Sau khi anh Chuyên đã xuống nước rồi, bơi được hơn một chục mét, không hiểu nghĩ thế nào, anh lại bơi quành trở lại thuyền, ra hiệu cho anh Truyện trao cho anh khẩu tiểu liên ở trên thuyền mà anh muốn mang theo. Anh Truyện vừa trao khẩu súng cho anh Chuyên, thình lình một ánh sáng vàng chóe, loáng lên trong đêm đen. Rõ ràng, anh Truyện nhìn thấy chiếc tầu lớn phía trước mặt được phân công cho anh Thảo đặt mìn phá, bỗng dưng nhẩy chồm lên khỏi mặt nước, một tiếng nổ tưởng xé màng tai. Một làn hơi ép xô mạnh đến làm quay ngang chiếc thuyền con đang ở cách chiếc tầu đến 90 mét. Cả một khoảng sông sóng cuộn lên. Chúng tôi nhớn nhác mất cả tinh thần, vội vàng kéo anh Chuyên lên thuyền. Nhìn về phía anh Tâm và Kinh, trời tối đen kịt, không thấy bóng dáng các anh đâu. Nước lại chảy xiết, lúc này khắp nơi vang lên tiếng kêu, gọi nhau, tiếng quát tháo inh ỏi rồi tiếng còi hụ báo động ong ỏng rên lên. Thấp thoáng đã có những vệt đèn pin vạch kẻ màn đêm chằng chịt thành nhiều nét. Chúng tôi trên thuyền con đã hơi chợt hiểu. Có thể anh Thảo, trong lúc chìm sâu dưới đáy nước tinh thần lại căng thẳng nên đã điều chỉnh, bấm nút nhầm từ 2 giờ như đã quy định thành 1 phút hay 2 phút. Và như vậy, hẳn rằng thân xác của anh cũng đã tan theo quả mìn định mệnh, không những phá được tầu của địch mà còn giết cả người đặt mìn.

Do chúng tôi suy đoán như vậy, cho nên chúng tôi chỉ hướng về nơi các anh Tâm, Kinh đón các anh rồi tẩu vi thượng sách. 5 phút, 10 phút tình thế nước sôi, lửa bỏng, nhưng vẫn bặt dáng các anh. Chúng tôi suy đoán, có lẽ vì nước chảy quá mạnh, các anh khó bơi ngược trở lại thuyền con, vì vậy, chúng tôi chèo thuyền con về phía các anh để đón. Nhưng trong đêm tối mịt mù, lúc này khoảng gần 2 giờ đêm. Thời gian như căng trên sợi chỉ, không thể cho phép chúng tôi chờ chực được nữa. Nhất là khi đã có vài tràng súng AK đanh đanh thọc vào sông nước, vắt vào đêm trường, kết hợp với những tiếng máy ca nô khởi động rú lên. Bốn chúng tôi quay mũi thuyền trở ra và mở hết tốc độ…chuồn.

Trên đường tháo chạy, đã có những chiếc ca nô rượt theo bắn đuổi. Do sự bắn trả quyết liệt của anh Chuyên, nên chúng nó đuổi rất chậm. Chúng tôi lại không có súng (đến đây là lời tường thuật của anh Truyện, thủy thủ). Khoảng 3 giờ 30 sáng, thuyền con của chúng tôi chạy ra tới thuyền mẹ. Lúc này, rất nhiều tầu và ca nô từ trong bờ, vừa tiến ra bao vây vừa bắn xối xả. Cả đại liên lẫn tiểu liên, đạn réo lên ào ào về phía thuyền của chúng tôi. Chúng tôi vừa bắn trả, vừa mở máy tối đa chạy về hướng Nam. Dọc đường, gặp những ca nô và thuyền từ trong bờ xông ra chẹn đường chúng tôi về. Với một ý chí quyết tử, chúng tôi mở máy xông bừa vào thuyền chúng. Trước sự dũng mãnh thà chết của chúng tôi, chúng phải tránh dạt để thuyền chúng tôi đi.

Trời sáng dần, rồi mặt trời ngoi lên nhìn rõ cảnh và vật. Phía sau chúng tôi, lổm nhổm nhiều tầu và ca nô biên phòng của cộng sản đuổi theo. Thuyền chúng tôi chỉ có 4 khẩu tiểu liên của 4 Người Nhái. Ba khẩu của các anh Tâm, Kinh, Thảo để lại thuyền, chúng tôi là thủy thủ, hầu hết là dân sự, chỉ chuyên nghề chài lưới, vì thế, anh Chuyên đã chỉ bảo cấp tốc cách xử dụng tiểu liên để chiến đấu trong giờ phút ngồi trên nồi rang này.

10 giờ, rồi 11 giờ, lù lù, một đoàn tầu 4 chiếc của Hải quân cộng sản từ Đồng Hới tiến ra chận đường của chúng tôi. Nhìn chiếc hải thuyền nhỏ bé, với những chiếc tầu to nhỏ phía trước, phía sau, tôi có cảm tưởng chiếc hải thuyền như con nai tơ đơn độc bị một đàn sói thèm thịt bao vây trên thảo nguyên bao la hoang vắng, không còn một hướng, một phương nào cho con nai vàng chạy thoát.

Vòng vây càng lúc càng siết chặt dần, nhất là lúc này trên hải thuyền đã có 3 – 4 người bị thương. Anh Chuyên đã bị một viên đạn đại liên gẫy nát cánh tay trái. Tôi (tức Truyện) bị một viên đạn AK bắn rách hông, xuyên vào ngực phía phải anh Hùng đang đứng phía sau. Tầm viên đạn oan nghiệt sau khi vào tôi đã yếu đi, nên đến ngực anh Hùng nó không đủ sức xuyên qua. Hải thuyền đã bị vỡ nát nhiều chỗ, vì vậy, chúng tôi đành đau đớn nhìn nhau để mặc cho đời trôi theo dòng nước chảy ngược.

Lúc những tên cộng sản đầu tiên bước lên hải thuyền, cũng là lúc một phát súng chát chúa giật lên, làm choáng hồn mọi người. Những tên cộng sản thụt lùi lại mấy bước, mặt nhớn nhác. Chúng tưởng chúng đã bị lọt ổ phục kích. Nhưng đó chỉ là phát súng cuối cùng của anh Chuyên đã tự kết liễu đời anh. Anh đã thực hiện đến cùng lời thề thiêng liêng của dòng họ: không đội trời chung với cộng sản.

(Xin nghiêng mình, cúi đầu trước anh linh của anh. Anh đã quyết tử để làm vẻ vang, sáng chói lý tưởng tự do bất khuất trước bè lũ cộng sản khát máu.. Nhớ xưa (1958), cái ngày nền đệ nhất Việt Nam Cộng Hòa của chúng ta trăm hoa còn rộ nở khắp nơi nơi ở miền Nam, anh đã chiếm giải nhất trong một cuộc thi lực sĩ đẹp, và người nữ sinh hoa khôi của miền cát trắng hiền hòa Nha Trang đã e ấp choàng vòng hoa danh dự vào cổ người trai hùng. Rồi những sắp xếp của duyên đời để anh và giai nhân ấy đã nên duyên chồng vợ, làm xôn xao lòng ngưỡng mộ của miền Thùy Dương một thời. Anh chị đã có hai mặt con. Ngày nay, sau gần ba chục năm dài, chị và hai cháu đang ở đâu? Còn sống hay thế nào? Chị và hai cháu có biết rằng anh Chuyên đã anh dũng nằm xuống cho quê hương? Chị và hai cháu hãy ngửng mặt lên với lòng tự hào đã có một người cha, một người chồng sống bất khuất xứng đáng nhưng khi anh phải nằm xuống còn làm cho kẻ thù kinh hồn, run sợ.)

Chúng trói giật cánh khuỷu từng người, rồi đưa chúng tôi vào trong bờ. Khi vào đến bờ thì anh Hùng đã chết rồi, có lẽ viên đạn đã lọt vào phổi của anh. Như vậy, anh Hùng cũng đã thực hiện được ý định của anh trước đây. Anh là người vượt tuyến vào Nam năm 1960. Khi anh đã đến được bờ của đất Tự Do, anh có tự hứa rằng: rồi đây, thà anh chết cho tự do, còn hơn sống trở lại chế độ cộng sản. Những năm, tháng trước đây, mỗi khi anh thổ lộ tâm sự anh thường nói với mọi người như thế.

Chúng đưa chúng tôi về trại giam Quảng Bình, giam riêng mỗi người mỗi nơi. Riêng tôi, có lẽ phần vì bị thương, phần khác tôi chỉ là một người đưa thuyền nên chấp pháp chỉ xuống buồng hỏi sơ 4 -5 lần về lý lịch cũng như sự việc. Mãi hơn 2 tháng sau tôi được đưa ra xử trước Tòa án nhân dân ở Quảng Bình tôi mới gặp lại anh Tâm và anh Kinh.

Đến đây về phía Lê Văn Kinh tường thuật lại:

Sau khi tôi nhận hải mìn, tôi và Nguyễn Văn Tâm bơi về phía 2 chiếc tầu mục tiêu của chúng tôi. Khi gần tới chiếc tầu, tuy chẳng cần ai phải nói với ai. Do những kinh nghiệm qua nhiều lần công tác, chúng tôi đều im lìm lặn xuống nước, vì sợ bất ngờ người canh gác ở trên tầu nhìn thấy. Mục tiêu của tôi và Tâm tuy cùng một hướng nhưng cũng ở cách xa nhau hàng 5 chục mét, trong khi chỉ cần 5 mét đã không nhìn thấy người rồi. Khi tôi bơi đến sát con tầu mục tiêu của tôi, tôi lặn xuống phía đáy. Tôi đang chuẩn bị gắn hải mìn vào chiếc tầu thì đột nhiên như có người dùng cái vồ dầm, phang mạnh vào đầu tôi. Tôi không thở được nữa, tay tôi buông rơi cả hải mìn và hồn tôi dật dờ, lãng đãng lạ lùng, rồi tôi không biết gì nữa. Một lúc, tôi mơ màng mở mắt ra, trời đen kịt, tôi không biết đâu là phương hướng. Tay tôi sờ thấy bờ đất và tôi tỉnh dần. Trong cái hỗn mang của sự sinh tồn, tôi thấy cần phải bơi về phía chiếc thuyền con, điểm hẹn sau khi đã gắn mìn.

Khi tôi bơi về đến nơi thì thuyền con mất hút, tôi hoang mang, mất tinh thần. Tôi bơi khắp đây đó mò mẫm trong bóng đêm để tìm con thuyền cứu mệnh. Nhưng nỗi lòng của tôi cũng đen tối như đêm đen lúc này. Trong bóng đêm, tiếng hò hét, tiếng quát tháo xen lẫn tiếng máy tầu nổ râm ran. Thỉnh thoảng xa xa vài tràng súng AK ré lên, vọng lại, càng làm cho hồn tôi kinh đảm tái tê. Tôi lạc lõng, bơ vơ nhìn vào đêm tối. Tôi thấy rõ đời mình đang lăn đi bằng ánh mắt não nề, xót xa. Người tôi rã rời, đầu tôi tê dại, bồng bềnh. Tôi tấp mình nằm im trong một hốc cỏ dại mé sông. Trời càng sáng thì đời tôi càng đen thẫm lại. Chúng đã tìm thấy tôi, chúng hè nhau lôi tôi lên bờ. Chúng nó đạp, đá; chúng nó lấy báng súng phang tôi lia lịa, cuối cùng tôi ngất đi. Đến khi tôi tỉnh lại thì chúng đã trói gô giật 2 tay về phía sau từ bao giờ rồi, chúng giong tôi về trại giam Quảng Bình. Tôi nhớ rõ, khi tôi tỉnh lại, tôi thoáng thấy anh Tâm cũng đang bị một đám đông vây lại đạp, đánh. Rồi mỗi người mỗi hướng từ đấy. Vì có nhiều người cùng bị bắt trong một vụ, nên chúng khai thác chả khó khăn gì. Không thể che giấu được gì khi chúng lấy người này để khai thác, gài bẫy người kia. Cuối cùng ai cũng phải khai thực hết. Chính vì vậy, chỉ hơn 2 tháng sau, chúng đã đem vụ án sông Gianh ra xử. Phần khác vì lý do chính trị chúng muốn đưa những tội phạm ra xử sớm để trấn an lòng người và tranh thủ lẽ phải đối với dư luận thế giới.

Phiên tòa chúng tuyên truyền rầm rộ, mời nhiều phóng viên ngoại quốc và dân chúng tham dự đông đảo. Sau một ngày, qua những thủ tục, hình thức xỉ vả, huênh hoang đe dọa, nâng lên, đập xuống của lũ vẹt không hồn, không tim chúng kết án:

Nguyễn Văn Tâm, chung thân. Vì đã gài xong mìn, mà chúng đã tháo gở kịp trước thời gian.

Lê Văn Kinh, 20 năm.

Nguyễn Dụ, thợ máy, 12 năm.

Hoàng Bài, Trịnh Văn Truyện, mỗi người 6 năm.

Bác Vương Tiến An già, 5 năm.

Thủ, Hoàng, Thiêm v.v… mỗi người 3 năm.

Xử xong, chúng chuyển cả nhóm về Hỏa Lò, rồi chuyển lên trại Mỏ Chén, Sơn Tây. Đến năm 1966, chúng lại chuyển anh em thủy thủ và Tâm lên trại Yên Thọ, thuộc tỉnh Phú Thọ. Riêng Lê Văn Kinh thì được chuyển về phân trại E thuộc trại Trung ương số I, Phố Lu, Lào Cai này.