“Ý NGHĨA CỦA DANH DỰ” (Vũ Thái)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Tháng 11, tòa báo tổ chức cuộc thi “Người thầy danh dự”, nhằm tôn vinh những thầy cô vĩ đại nhất trên cả nước. Chưa bao giờ có cuộc thi lớn như vậy, mọi ngóc ngách của hàng chục nghìn trường lớp đều xôn xao. Người ta ví von, giải thưởng về người thầy mà đình đám cứ như giải Oscar ở xứ Hoa Kỳ.

Đến đầu tháng 1, sau sự làm việc hăng hái của hội đồng xét giải, 3 người thầy đã lọt vào danh sách cuối cùng. Ba vị này, toàn các vị đã trên 50 tuổi. Vị thì đầu bạc, vị bạc một nửa, và vị thì không có tóc mà bạc.

Cô phóng viên rất thích chủ đề này nên định tới phỏng vấn cả 3 người…

Vị giáo sư đầu tiên hẹn cô tại một quán café sang trọng. Ông mặc bộ vest hợp thời, may rất khéo, bộ râu tỉa kỹ, và chiếc kính hàng hiệu tôn lên ánh mắt trầm tĩnh sâu thẳm của ông.

Cô phóng viên bị ấn tượng mạnh bởi một người đàn ông trung niên và lịch lãm như vậy. Sau màn chào hỏi, họ bắt đầu bài phỏng vấn:

– Thưa Giáo sư, danh dự có ý nghĩa gì với ông?

– Cuộc đời tôi, danh dự là quan trọng nhất. Tôi có thể mất mọi thứ, nhưng không bao giờ để mất danh dự cả.

– Giáo sư có bao giờ thất hứa?

– Tôi đã vài lần thất hứa khi còn trẻ, và người ta bắt đầu bàn tán xôn xao. Tôi cảm thấy rất khó chịu việc người khác cứ nói xấu sau lưng mình. Từ đó, tôi quyết không bao giờ thất hứa.

– Với Giáo sư, giờ giấc có quan trọng?

– Tôi không bao giờ đến muộn trong gần 30 năm nay. Và tôi cũng không ngày nào nghỉ làm cả. Công việc với tôi là một niềm vui thú.

– Ông có được nhiều đồng nghiệp, sinh viên yêu quý?

– Tất nhiên, đó là tất cả những gì ý nghĩa với tôi (ông vừa nói, vừa cười đầy tự hào).

Cuộc trò chuyện kéo dài một tiếng. Cô phóng viên rất hài lòng. Lần đầu tiên trong đời cô gặp một người thầy mực thước như vậy. Gần ông, cô cảm giác rất ấm áp, được che chở, được quan tâm, được lắng nghe. Những ai được học ông quả thực là may mắn.

.

Vị giáo sư thứ hai hẹn gặp cô tại trường học. Khi cô đến, ông đang giảng bài cho sinh viên, nên cô được mời tham gia lớp học luôn. Cô phóng viên xin phép rằng liệu giáo sư có thể giảng về danh dự được không. Ông cười hiền và đồng ý.

Giáo sư yêu cầu cả lớp, mỗi người cầm lên một vật có ý nghĩa với mình nhất bây giờ, đứng dậy và giơ nó lên. Cô phóng viên cũng cầm cốc nước trước mặt và giơ lên.

Tiếp theo, giáo sư yêu cầu giữ càng lâu càng tốt. 10 phút trôi qua, mọi người vẫn giữ được. 15 phút, những ai cầm những vật nặng thì đã bắt đầu hạ tay xuống. Cô phóng viên đầu hàng sau 30 phút, cùng hơn một nửa lớp. Sau 60 phút, người cuối cùng cũng phải đầu hàng và buông tay xuống.

Lúc này ông giáo sư mới hỏi cả lớp:

– Ban đầu, khi cầm một vật và nâng nó trước mặt, các em cảm thấy thế nào?

– Thưa thầy, rất thoải mái ạ.

– Sau 5 phút thì sao?

– Dạ, bắt đầu mỏi tay ạ.

– Sau 30 phút?

– Dạ, đau tay đến không chịu được.

– Em nào cầm vật nhẹ thì có đau tay không?

– Dạ, em cầm mỗi tờ tiền polyme giơ lên, nhưng cũng chỉ chịu được 60 phút. Đau lắm.

Ông Giáo sư ôn tồn nói:

“Vật các em nâng lên cũng như danh dự của các em vậy. Không quan trọng là danh dự của các em nặng bao nhiêu gam, chỉ cần giữ lâu thì chắc chắn sẽ rất đau.

Không ai có thể giữ danh dự cả đời được cả. Ngay cả những người hết sức vĩ đại trên đời này cũng vậy. Ngay cả Đức Phật cũng chịu bao nhiêu lời phỉ báng từ những người đạo khác. Ngay cả Chúa Giê su cũng bị treo trên cây Thánh giá. Ngay cả ông Washington, cha đẻ của Huê Kỳ, cũng bị con cháu thời nay lôi ra đâm xỉa xem đã ngủ với bao nhiêu nô lệ da đen.

Vậy nên, đừng cố giữ danh dự làm gì cả. Hãy hành xử đúng với trái tim các em.

Đừng cố tỏ ra là người tốt trước mặt mọi người, hãy cố gắng làm điều tốt nhất cho mình và cho người khác.

Các em hãy xem trái tim mình hát ở đâu, và hãy làm theo điều trái tim mình hát.”

Ông nhấp ngụm trà chay HAPI Vegan do nhóm học trò mới tặng và nói tiếp:

“Hồi trẻ thầy cũng đã từng làm hết sức để giữ danh dự của mình. Rồi đến một ngày thầy cũng nhận ra, càng cố giữ lâu thì lại càng đau, như ta cầm cốc nước vậy.

Thầy cũng đã từng làm mọi chuyện để có được sự kính trọng từ học trò các em và đồng nghiệp. Thầy cố giảng bài thật hay, ăn mặc thật lịch lãm, thầy quan tâm tới các thầy cô giáo khác.

Ban đầu thầy nghĩ là vì học trò, vì đồng nghiệp. Rồi một ngày thầy nhận ra, sâu xa nhất thầy làm tất cả là vì mình, vì cái danh dự của mình. Thầy muốn lau nó mỗi ngày, rồi đặt nó lên cao để mọi người ngước nhìn nó và trầm trồ thán phục. Thầy đã từng sống như thế. Mọi người rất yêu thầy, nhưng thầy thấy thật mệt mỏi vì luôn phải ôm cái cục danh dự của mình.

Đến khi hiểu, thầy buông nó xuống. Chỉ đến khi đó, thầy làm mọi chuyện thật tự do. Thầy mặc những bộ đồ thầy thích, không quan tâm xem ai nói mình thế nào, chỉ chú tâm sao cho học trò được tiến bộ, giúp đồng nghiệp phương pháp giảng bài hay, giúp tất cả mọi người trong công việc và cuộc sống.

Khi không còn quan tâm tới danh dự của mình, chỉ lúc đó, thầy thấy mình thật hạnh phúc.”

Ông vừa nói dứt, cả lớp vỗ tay không dứt. Cô phóng viên rưng rưng cảm động và sung sướng. Ngày hôm nay, cô và những người sinh viên này đã học được một bài học thật đáng quý.

Cô bước ra ngoài, hít một hơi thật dài. Cái lạnh đầu đông thấm vào cổ họng, chạy thẳng xuống dạ dày mát lạnh.

Hai người thầy hai phong cách. Thầy đầu tiên mang cho cô cảm giác ấm áp của một người cha. Người thầy thứ hai mang cho cô sự thức tỉnh thật mát lành, như nước suối nguồn.

Thầy đầu tiên, cô coi như thần tượng. Thầy thứ hai giúp cô thấy có một thứ gì đó nhẹ nhàng nhưng mạnh mẽ nổi lên trong cô.

Mãi nhiều năm sau cô mới biết, người thầy thứ nhất cho cô sự ngưỡng mộ, còn người thứ hai cho cô sự hiểu biết và hiểu biết là thứ thuộc về cô, nó nảy mầm và nó sẽ lớn.

Cô đã có một ngày đầu tuần thật đẹp. Cô sống trọn vẹn ngày hôm đó mà rất hứng khởi nghĩ đến ngày gặp người thầy thứ ba.

.

Sau cuộc trò chuyện hết sức thú vị với hai người thầy với phong cách tuy trái ngược nhưng cùng rất thu hút, cô phóng viên trẻ đẹp tài năng đi tới gặp người thầy thứ ba. Lạ thay, người này chỉ có địa chỉ, chứ không có số điện thoại, mà lại chẳng ghi trường lớp nào. Cô bắt đầu tò mò…

Người thầy này sống ở Huế, gần con sông Hương êm đềm mơ mộng nên thơ. Cũng tại nơi đây, Trịnh Công Sơn đã say ngắm cô nữ sinh thướt tha tà áo trắng hàng ngày đi học dưới hàng cây long não mà làm nên tuyệt phẩm “Diễm xưa”.

Khi đến nơi, cô lần hỏi người dân xung quanh thì mới biết cái ông mà được mọi người yêu quý bình chọn này hóa ra là… một ông lái đò, nay đã tầm 70. Ông chèo đò giữa đôi bờ sông, đưa hàng trăm người qua sông mỗi ngày. Ông chèo đò sao mà lại được bình chọn là “Người thầy danh dự” nhỉ?

Thế rồi cô đến bờ sông và không khó để tìm ra bến đò. Cả một khúc sông dài chỉ có một ông lái đò. Cô trầm trồ: “Chỉ là ông lái đò thôi mà, có cần đẹp trai như vậy không chứ?”.

Cô lại gần và nói chuyện. Hóa ra, ông lái đò này chẳng biết gì về cái giải danh dự này cả. Ông hết sức điềm nhiên, không vui mà cũng không không vui khi biết tin mình được nhận giải thưởng cao quý này. Vẻ điềm nhiên này có lẽ đã tạo nên nét đẹp ở ông.

Ở người này, không hiểu sao, cô thấy sự an toàn, sự ấm áp, thân thuộc. Và rồi cô quên béng nhiệm vụ đến phỏng vấn mà thao thao kể cho ông về chính mình, về nghề báo mà cô mới tham gia, về những người cô may mắn được phỏng vấn trong những ngày chập chững vào nghề.

Ông lái đò nhìn cô phóng viên bằng ánh mắt trìu mến như nhìn đứa cháu yêu quý lâu ngày không gặp. Đợi cô dứt lời, ông nói: “Tôi cũng có chuyện này muốn kể cho cô. Tôi chắc là cô sẽ thích”…

– Cách đây mấy chục năm, tôi tốt nghiệp trường Sư phạm và về Huế làm giáo viên dạy Văn. Hồi trẻ, tôi đẹp trai lắm, lại còn tài hoa và hào sảng nên mấy cô nữ sinh mê tôi lắm. Mấy cậu nam sinh thì coi tôi như thần tượng.

Trong đó, tôi đặc biệt quý một cậu học trò. Cậu này nhà nghèo, học siêu giỏi, đĩnh đạc oai phong, đầy nghị lực. Cậu ấy học tôi 3 năm cấp 3 và lấy tôi là hình mẫu để cậu ấy cả đời vươn tới. Bây giờ, cậu ấy đã là một ông giáo sư danh tiếng, và cũng chính là người thầy đầu tiên mà cô tới phỏng vấn đấy.

Khi cậu ấy ra trường được vài năm, thì tôi gặp chuyện. Hồi đó, do đẹp trai quá mà tôi bị ông hiệu trưởng Chu Du ganh ghét, tìm cách hãm hại và đuổi tôi khỏi ngành.

Thế là tôi phải đi tìm việc và bén duyên với nghề lái đò này. Nhiều năm đầu, tôi cực kỳ oán hận ông hiệu trưởng, và dồn nén cái sự bực tức của mình lên vợ con.

Tôi chán đời nên đâm rượu chè, rồi đánh vợ đánh con. Từ một người thầy trẻ tương lai tươi sáng vậy mà đùng một phát trở thành anh lái đò thấp kém, tôi không cam tâm. Cuộc sống tôi thật đen tối trong suốt nhiều năm như vậy.

Thế rồi, mọi chuyện thay đổi trong một chuyến đò chiều cách đây 20 năm.

Hôm đó, tôi chở vài người qua sông, gồm một sư thầy nổi tiếng khắp vùng, hai đệ tử theo hầu, hai mẹ con một thiếu phụ, một cậu thanh niên ước chừng 30 đang bước đầu vào nghiệp kinh doanh, một ông thầy giáo trẻ và một ông say rượu.

Đò đến giữa sông, đứa bé mải nghịch nước mà ngã xuống, la lên inh ỏi. Bà mẹ không biết bơi nên cầu cứu mọi người trên đò cứu đứa bé. Ông say rượu kia đang lơ thơ thì tỉnh đầu tiên và quay sang hỏi vị sư danh tiếng (lúc đó đang nhắm mắt tọa thiền): “Ông có biết bơi không?”

Vị sư đáp: “Tôi có biết bơi, thưa thí chủ”.

Thế là ông say rượu đột nhiên đạp vào mông sư thầy té xuống sông rồi nói “Vậy thì cứu đứa bé đang sắp chết đuối kia đi”.

Sư thầy như chợt bừng tỉnh, vội bơi ra kéo đứa bé đưa lên đò. Hai đệ tử theo hầu thầy tức tối xông lên định đánh ông say rượu. Sư thầy quát đệ tử “Dừng lại”.

Rồi ông tới gần, cúi lạy ông say rượu một lạy: “Xin cám ơn ông, nhờ ông mà tôi đã thức tỉnh”.

Rồi ông quay sang giảng giải cho hai đệ tử đi cùng:

“Các con à, ta xưa nay quá chú trọng vào hình thức, phải đi đứng khoan thai, phải ở chùa đẹp, phòng ốc gọn gàng, bàn thờ thanh tịnh.

Do quá chú trọng mấy thứ bề ngoài như vậy nên ta quên mất đi vào sửa cái bên trong. Rồi người khác cũng chỉ nhìn thấy vẻ ngoài cao cao tại thượng của ta mà lầm ta đã đắc đạo.

Họ càng tôn thờ ta thì cái cục danh dự mà họ phong cho ta càng lớn. Ta dồn quá nhiều năng lượng trông coi cái cục danh dự ấy, luôn luôn sợ nó mất sáng mất đẹp mà quên đi mất việc chính của mình là phải tu tâm.”

Rồi ông đột ngột ném chiếc áo cà sa hàng hiệu, đính đầy đá quý của mình xuống sông. Trước sự ngạc nhiên của hai đệ tử, ông giải thích:

“Chiếc áo không làm nên thầy tu. Nhưng vì chiếc áo này mà đã ngăn ta xuống cứu đứa bé. Ta chỉ bo bo giữ thể diện, giữ cái tiếng thầy nổi tiếng của mình mà thôi, rồi ta quên mất trước mắt ta có một người đang chết đuối. Trong khi đó, vị thí chủ kia dù say rượu nhưng thấy người hoạn nạn là lập tức tỉnh ngay. Vị ấy cố tình đá vào mông ta nhằm đánh thức ta.

Hôm nay, ta đã học được một điều thiêng liêng. Bất kỳ ai trên đời nếu giúp ta nhận ra cái sai thì đều là thầy ta. Mà sai thì sửa. Con đường ta đi từ giờ sẽ là không sợ sai, nhận sai và sửa sai”.

Ba thầy trò cùng nhìn mặt sông tĩnh lặng, mặt tràn đầy hạnh phúc.

Cậu thanh niên trên đò chứng kiến từ đầu câu chuyện cũng bừng tỉnh. Cậu đã 30 tuổi, đã bước vào nghề kinh doanh một thời gian nhưng sao cứ lao đao mãi. Đến hôm nay cậu mới ngộ ra hóa ra để thành công thì cần không sợ sai. Chỉ đơn giản vậy thôi. Không sợ sai thì mới thấy cái sai của mình và sửa sai. Nhận ra càng nhanh thì sửa càng nhanh. Niềm vui thú đến quá đột ngột khiến tóc trên đầu cậu ngay lập tức bạc một nửa. Nhiều năm sau này, giới doanh thương gọi cậu là Dương Quá, một doanh nhân thành đạt cả tâm cả trí.

Thầy giáo trẻ cũng vừa quá 30. Nghe xong câu chuyện, ngay lập tức tóc cậu rụng hết. Con người cũ chỉ chăm chăm lau chùi danh dự hàng ngày, đặt nơi cao nhất cho mọi người chiêm ngưỡng đã biến mất. Từ đó, cậu sống tự do với trái tim mình, đi theo nơi nào trái tim mình hát. Cậu ấy bây giờ chính là người thầy thứ 2 mà cô đã phỏng vấn đấy.

Còn tôi, tôi thấy thật sự hạnh phúc, vì chỉ vài phút ngắn ngủi mà bao nhiêu chuyện đã xảy ra.

Người thầy tu học được cách tu tâm, chứ không tu tướng như trước đây.

Người doanh nhân trẻ học được bài học về thành công ở đời là không sợ sai.

Người thầy giáo trẻ học được cách đặt danh dự xuống và sống tự do theo trái tim mình.

Hóa ra, nghề chèo đò cũng có thể làm được nhiều điều có ích vậy.

Và tôi cũng hiểu, tôi có thể mang trái tim một ông giáo với cái vỏ là một người chèo đò.

Kể từ đó, mỗi chuyến đò, tôi kể lại câu chuyện này. Tôi tiếp tục học nhiều thứ, chia sẻ, giúp đỡ những người đi đò. Tôi dạy dỗ cả những em học sinh hàng ngày vẫn đi qua chiếc đò nhỏ này. Mỗi ngày hàng trăm người. Tôi mang trái tim của một thầy giáo tới hàng trăm người mỗi ngày, được giúp đỡ họ về mọi thứ vướng mắc trong cuộc sống của họ. Có lẽ chính họ là người bình chọn tôi trong cái giải này mà chính tôi cũng không hề quan tâm.

Vì tôi hiểu mình cho đi, nhưng mình không hề mong nhận lại bất cứ cái gì, không mong đợi lòng biết ơn, không mong ai phải tôn trọng mình, không vì giải thưởng hay cúp nào cả. Tôi đơn thuần chỉ giúp tất cả mọi người tôi có thể giúp. Tôi yêu nghề chèo đò. Tôi tự do và hạnh phúc, và gia đình tôi cũng hạnh phúc hơn rất nhiều kể từ ngày đó.

Đó là toàn bộ câu chuyện.

Cô phóng viên trẻ lắng nghe hồi lâu. Cô thấy mọi chuyện thật huyền diệu. Mọi chuyện cô thấy thích thú trong những ngày gần đây hóa ra đều xuất phát từ một chuyến đò. Và rồi cô chợt khóc. Mẹ cô vẫn hay kể lại chuyện hồi nhỏ cô nghịch nước trên đò và bị rơi xuống sông, rồi may mắn được một sư thầy cứu giúp. Đã hai mươi năm rồi. Và sứ mệnh của cô là viết lại câu chuyện tuyệt vời này cho nhiều người được biết.

Cô gạt nước mắt và quay sang hỏi ông lái đò: Ông có biết vị sư thầy và ông say rượu nọ nay ở đâu không?

Ông lái đó cười hiền từ: Tôi biết.

…..

Cô phóng viên, sau duyên tao ngộ kỳ lạ với ông lái đò, đã xin địa chỉ của sư thầy, người đã cứu mạng cô hai mươi năm về trước. Ông đang là trụ trì một ngôi chùa nhỏ ở ven hồ Tây.

Sau khi trở về Hà Nội, cô lập tức tới gặp sư thầy. Ông nay đã lớn tuổi, tóc râu bạc trắng, ung dung tự tại, điềm nhiên như mặt hồ tĩnh lặng.

Vừa trông thấy sư thầy, một sự rung động mãnh mẽ nổi lên trong lòng cô gái. Cô kể lại toàn bộ quá trình cô tìm được thầy để cảm ơn, từ cuộc bình chọn “Người thầy danh dự”, tới những cuộc phỏng vấn kỳ lạ.

Nghe xong, ông nhấp ngum trà, rồi nói với cô:

– Con gái à, tòa soạn báo các con nhọc công đi tìm người thầy danh dự, vậy con có thể cho ta biết danh dự của con đâu không, có thể lấy ra cho ta xem không?

– Dạ, ý thầy là gì ạ? – cô phóng viên trẻ ngỡ ngàng.

– Theo con, thế nào là danh dự?

– Dạ, danh dự là tất cả những gì người khác nghĩ về mình.

– Vậy thì nếu người khác nghĩ về con chính là danh dự của con thì danh dự của con nằm trong tay ai, trong tay con hay trong tay người khác?

Cô gái sững người, lặng một lúc rồi trả lời: “Thưa thầy, danh dự của con nằm trong tay người khác ạ.”

Sư thầy lại nhấp ngụm trà, bình thản nói: Danh dự của con nằm trong tay người khác, vậy con có tất cả bao nhiêu cục danh dự? Mỗi người nghĩ về con giống nhau hay khác nhau? Hoàn toàn khác nhau. Ai cũng có suy nghĩ của họ.

Nếu vậy thì mỗi người lại nắm giữ một cục danh dự của con. Vậy thì có hai vấn đề:

. Thứ nhất, danh dự của con nằm trong tay người khác nên nếu con quá coi trọng thứ gọi là danh dự đó, coi hạnh phúc của con nằm ở danh dự, thì khác nào hạnh phúc là thứ quý giá nhất với con mà con lại trao trong tay kẻ khác.

. Thứ hai, có hàng nghìn cục danh dự như vậy, con có thể nào lau chùi cho nó sạch sẽ được không. Trong khi nếu muốn, bất kỳ ai cũng có thể làm bẩn cục danh dự của con, vì nó nằm trong tay họ.

Con gái à, như vậy, cái danh dự mà các con tôn vinh liệu có thực sự cần thiết không? Mỗi người sẽ nghĩ về con với một phiên bản khác nhau. Dù con có là thiên thần, có tốt đẹp đến đâu chăng nữa, thì vẫn có một nửa thế giới coi con là ác quỷ, vì đơn giản, với một tâm xấu ác thì họ thường sẽ nghĩ ai cũng xấu ác. Họ không thể nào hiểu nổi phẩm tính mà họ không có.

. Cái ông thầy đầu tiên trong câu chuyện của con, rồi ngày nào đó ông ta sẽ phải khổ, vì cố giữ cái không thể nào giữ nổi. Ông ta chỉ sống theo cái mà xã hội muốn ông ta là, chứ không phải cái ông thực sự là. Ông ta nằm trong nhà tù của xã hội phong cho ông ta.

. Ông thứ hai, biết buông xuống có thể sống một đời nhẹ nhàng.

. Ông thứ ba, không còn nghĩ tới nó, biết giữ trái tim đẹp – không quan tâm cái vỏ, làm từng việc nhỏ theo trái tim mình hát, sẽ có một đời tự do tự tại.”

Cô phóng viên trẻ thực sự cảm động. Những lời của sư thầy đã đi sâu vào trái tim cô. Cô không kiếm tìm, nhưng cô nhận được.

Có lẽ do dòng nhân quả cứ thế trôi, nghĩ tốt sống tốt sẽ có ngày nhận được những điều tốt, gặp được những người tốt. Cô biết ơn cuộc đời đã cho mình gặp được những con người kỳ lạ, được nghe những câu chuyện sâu sắc này. Cô cảm thấy vui hơn. Cô yêu đời hơn, yêu cỏ cây, hoa lá một cách nhẹ nhàng.

Hồ Tây thật tĩnh lặng. Mặt nước thật đẹp. Lòng người cũng nhẹ nhàng hơn…

 

– Vũ Thái –