1.Ngọn đuốc thiêng của dân tộc
Bạn có thể khiến mọi người rời bỏ quê hương họ, nhưng bạn không thể cướp mất quê hương trong trái tim họ.
Dos Parsons (Mỹ)
40 năm qua, trong trái tim của hàng triệu người Việt, vì tự do phải biền biệt lưu vong, không ai mà lòng không quặn thắt khi nghĩ đến quê nhà. Từ ngày dựng nước đến nay, biết bao nhiêu anh hùng không tên, không tuổi mà máu xương họ đã thấm sâu vào lòng đất Mẹ. Họ là ai? *Họ là kẻ tự nghìn muôn thuở trước – đã phá rừng xẻ núi lấp đồng sâu. Họ là những anh hùng vô danh đã vì đồng bào dân tộc mà vĩnh viễn nằm xuống để làm nên Tổ quốc.
Đằng Phương là một chiến sĩ tư tưởng, một chính khách khoa bảng, một nhà cách mạng lỗi lạc, bằng hành động và ngòi bút, suốt đời ông đã hy sinh cho lý tưởng tự do của dân tộc. Các sử gia, học giả, bình luận gia đã viết quá nhiều về cuộc đời ông .
Xuân về, lòng người vọng về cố quốc, bùi ngùi đọc lại những vần thơ “Anh hùng vô danh của Đằng Phương -Nguyễn Ngọc Huy,” chúng ta lại càng thấm thía thêm nỗi nhớ nước, thương quê.
Anh hùng vô danh là ngọn đuốc thiêng không bao giờ tắt trên quê hương đất Việt.
2. Từ những nắm tro tàn của người chết làm nên tổ quốc (Lamartine)
Có thể nói: Tổ quốc bất diệt. Dân tộc hiển linh là nhờ anh linh của biết bao nhiêu thế hệ hiền tài, và cùng hòa quyện với biết bao tro tàn của anh hùng chiến sĩ vô danh. Anh linh của anh hùng đã cho ta niềm tin, sức mạnh; cũng như bất hạnh của họ làm ta đau đớn xót xa. Tất cả đã nuôi dưỡng tinh thần và lòng yêu nước suốt cả chiều dài lịch sử của dân tộc.
Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mông mênh
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh,
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước (*)
Những câu thơ xót xa trên đây là khởi đầu của bài “Anh hùng vô danh” theo lối thơ tám chữ, là tên một bài thơ trong tập thơ Hồn Việt của Đằng Phương, xuất bản năm 1950, tại Paris. Trước 1975, bài thơ được in trong sách giáo khoa, để học trò học, khoảng thập niên 50- 60 nhiều học sinh Trung học đều thuộc. Đằng Phương tên thật Nguyễn Ngọc Huy, Ông là một cựu chính khách Việt Nam Cộng hòa, một nhà cách mạng mà đức và trí, cùng tấm gương hy sinh cho đất nước đã lưu danh muôn thuở. Ông nằm xuống trong luyến tiếc của biết bao nhiêu người. Và để nhớ ơn ông, hiện nay từng lớp người đứng lên làm tiếp những công việc tranh đấu cho Tự do dân chủ Việt Nam, mà ông và những người đi trước đã làm đang còn dang dỡ. Như nhà cách mạng Phan Bội Châu, thơ văn ông xuất phát từ lòng yêu nước, tư tưởng sâu sắc và nghệ thuật. Thơ văn đó được gắn chặt vào hành động cách mạng và đánh mạnh vào cảm xúc của người đọc.
Ông làm thơ, không phải để than mây khóc gió, và ông cũng không muốn người đời gọi ông là thi sĩ:
Tôi chẳng phải là một nhà thi sĩ
Dùng thì giờ để thét gió, gào mây,
Tiếc mảnh tình tan vỡ, khóc hơi may,
Thơ chan chứa tuôn thành muôn suối lệ (*)
Thơ ông thúc đẩy lương tâm người đọc, và làm bùng vỡ lòng yêu nước, để có hành động cứu nước.
Thơ Đằng Phương không phải để giải trí, trà dư tửu hậu, mà để nghiền ngẫm suy tư những gì cần làm cho tổ quốc cho dân tộc. Thơ ông để nhận thức về nỗi đau thương cùng vận nước. Thơ xoáy vào tim, để tâm can nung nấu lòng báo ân đối với biết bao anh hùng tử sĩ vị quốc vong thân. Đọc thơ ông để không thờ ơ, không vô cảm trước vận nước Việt điêu linh.
Cả một đời đấu tranh, nhưng đôi lúc ông cũng có cảm giác tủi hổ khi nhìn gương tranh đấu của tiền nhân.
Tôi thấy mình vô dụng, lấy thơ văn
Ghi nỗi tủi một cuộc đời trống rỗng.(*)
Qua con người cách mạng và những gì ông viết trong “Thay Lời Tựa” của Tập Thơ Hồn Việt, người đọc dễ dàng nhận ra “Tuyên ngôn Thi ca” của Đằng Phương- Nguyễn Ngọc Huy, Tuyên ngôn này đã được xác quyết trong đoạn thơ xé lòng sau đây:
Tôi chỉ là một người dân nước Việt
Cảm nỗi lòng của kẻ mất quê hương,
Nỗi nhục nhằn, nỗi khổ cực đau thương
Của nòi giống nghẹt trong cùm lệ thuộc.
Lúc đường sống mịt mù chưa thấy được,
Tôi mượn thơ để tỏ nỗi căm hờn,
Nỗi u buồn chán nản kẻ cô đơn (*)
…….
Và từ “Tuyên ngôn Thi ca” này đã làm người đọc cảm lòng, ray rức xót xa vì nỗi khổ cực, đau thương của dân tộc, và thúc đẩy đồng bào cần phải làm một cái gì đó cho quê hương, cho Đất Mẹ đang bị đoạ đày.
Đằng Phương nói ông không phải là Thi sĩ, nhưng sự thật con người và thơ ông là một, bình dị, chân thật rung động. Thơ ông đầy tính chuyên nghiệp chứ không phải là thơ tài tử. Từ cách chọn chữ đầy thi tính, nhịp điệu trong ngôn ngữ réo gọi lòng người, nhất là tính tư tưởng thâm sâu, thơ chân thật bởi thoát thai từ lòng yêu nước thiết tha. Thơ Đằng Phương tràn đầy xúc động và dễ đọng lại sâu kín trong lòng người đọc. Anh hùng vô danh đã tác động sâu sắc trong trái tim của nhiều thế hệ. Đó là bài học yêu nước. Bài thơ đã sống vượt thời gian, tác động sâu và rộng, thì làm sao không thể nói Đằng Phương không phải là một Thi sĩ tên tuổi của đất nước, mà đó còn là ngọn đuốc thi ca yêu nước, thương nòi. Dễ gì một bài thơ đã hơn sáu mươi bốn năm qua mà biết bao thế hệ vẫn thuộc nằm lòng, và mỗi lần đọc lên càng sục sôi trước hiểm họa mất nước. Và trên hết, qua những dòng thơ đó con cháu đã biết cúi đầu tưởng niệm tổ tiên, biết trân quí và biết ơn các bậc cha ông đã hy sinh vô bờ bến để làm nên Quốc Tổ. “Thông điệp anh hùng vô danh” thúc giục con cháu đừng quên ơn Quốc tổ và đứng lên bảo vệ đất Mẹ ViệtNam.
Họ là kẻ muôn nghìn năm thuở trước
Đã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu
Và làm cho những đất cát hoang vu
Biến thành một giải sơn hà gấm vóc. (*)
Khi Tổ quốc gọi, họ đứng lên đáp lời sông núi. Đồng lòng cùng đi hy sinh tiếc gì thân sống, như tiếng Quốc ca.
Họ là kẻ không nài đường hiểm hóc,
Không ngại xa, hăng hái vượt trường sơn
Để âm thầm chuẩn bị giữa cô đơn
Cuộc Nam Tiến mở giang sơn lớn rộng (*)
Thơ ông là Hùng Ca Sử Việt, là chính khí ca, mãi mãi nằm sâu trong lòng mọi người con dân bất khuất. Chính khí ca khơi lên ngọn lửa hồng yêu nước. Bất cứ quân xâm lược nào cũng thất bại trước lòng yêu nước. Yêu nước là yêu Đất Mẹ. Đừng quên rằng mỗi người chúng ta đều có hai người Mẹ. Một người mẹ sinh ra ta, và người Mẹ kia là Đất Mẹ, là Tổ Quốc. 90 triệu người Việt là con cùng một bọc Mẹ Âu Cơ. Mẹ Âu Cơ đã dạy con rằng: Gà cùng một Mẹ chớ hoài đá nhau. Nhưng thật đau đớn trong lịch sử Việt, con Mẹ đã xẻ da thịt Mẹ, đã chém giết đồng bào để mưu bá đồ vương. Đau đớn nhất và ngập tràn bất hạnh là con của Mẹ nhưng lại mang chủ nghĩa vô thần về chém giết anh em, đồng bào mình. Con của mẹ nhưng lại cắt đất, tùng xẻo thân Mẹ để bán cho giặc ngoại xâm.
Không có người Mẹ Việt Nam vĩ đại thì lấy đất nào cho chúng ta sống, nhưng khi Mẹ bị quân xâm lược Bắc phương hiếp đáp, thì một số con Mẹ quay lưng không hành động gì để cứu Mẹ, kể cả không nói lên được một tiếng căm thù quân bán nước và xâm lược. Chúng ta lưu vong vì chúng ta mất Đất Mẹ nên đã tứ tán khắp nơi. Đàn con Mẹ xa lìa tổ, và bơ vơ trên đất khách quê người. Đời sống dù có thành đạt sung sướng nhưng đàn con Mẹ Việt Nam vẫn có cảm giác bơ vơ vì đứng ngoài Tổ quốc. Tổ quốc đã bị đọa đày dưới ách cọng sản nên con Mẹ phải lià xa. Thật đau đớn, sống thì ly cách quê hương, nhưng khi chết, nắm xương tàn vẫn hoài vọng về cố quốc, nắm xương, và cả tro tàn vẫn muốn nằm sâu trong lòng Đất Mẹ, thì phải biết Đất Mẹ thiêng liêng cở nào.
Marie Curie (Pháp) nói:
Tổ quốc quan trọng hơn sinh mệnh, là cha mẹ của chúng ta, là đất đai của chúng ta.
40 năm người Việt lưu vong, chúng ta có nỗi đau chung là đang xa Mẹ ViệtNam, đang mất Mẹ ViệtNam. Có người biết Mẹ mất nhưng vẫn quay lưng và còn thông đồng với kẻ bán đứng Mẹ. Nhưng Tổ Quốc vẫn còn may mắn, đất nước vẫn còn những người con ngày đêm vẫn miệt mài hành động cho dân tộc.
Tổ quốc vẫn còn những người con của Mẹ biết sống.
Những người sống là những người biết sống;
Là những người không chịu đứng khoanh tay
Phó đời mình cho cuộc thế dần xoay;
Là những người không để ngày mình trống,
(Tâm sự Tố Như. Đằng Phương)
Đàn con Mẹ vẫn còn biết bao nhiêu người vẫn ray rức khôn nguôi và luôn luôn nghĩ:
Dù tôi không làm gì cũng luôn nghĩ, nếu tinh thần và sức lực cho phép, tôi chỉ muốn phục vụ cho tổ quốc mình trước tiên. Pavlov (Nga).
Người biết sống là lòng son không biến chuyển. Tấm lòng son thủy chung với nước. Từ nỗi lòng đau khổ của kẻ mất quê hương, khi nòi giống nghẹt trong cùm nô lệ, bằng hành động cứu nước họ xông vào vòng khói lửa. Không thành công cũng thành nhân. Anh hùng vô danh đã ngẫng cao đầu, cười hiểm nguy bất chấp nỗi gian nan, dẫu phải thịt nát xương tan, khi sa cơ thất thế.
Họ là kẻ khi quê hương chuyển động
Dưới gót giày của những kẻ xâm lăng
Đã xông vào khói lửa quyết liều thân
Để bảo vệ Tự Do cho Tổ Quốc
Trong chiến đấu, không nài muôn khó nhọc
Cười hiểm nguy, bất chấp nỗi gian nan,
Người thất cơ thành thịt nát xương tan
Nhưng kẻ sống lòng son không biến chuyển. (*)
Lòng son không biến chuyển vì thương Đất Mẹ, vì Đất Mẹ là máu huyết tâm can của mình. Mảnh Đất Mẹ dù khô cằn sỏi đá nhưng trong cuộc Nam tiến biết bao người đã hy sinh. Con dân nước Việt luôn luôn tin rằng: Nơi điạ ngục tù đày của anh hùng vô danh, hồn tổ quốc là ngọn lửa thiêng mãi mãi sống còn ở đó. Người thất cơ quằn quại trong chốn lao tù, nhưng họ vẫn ngẫng cao đầu, và chấp nhận uống đau thương vì dân tộc. Uống đau thương là uống: Chén tân khổ nhấp ngon mùi chính khí (Văn tế).
Thấm thía câu Văn tế này, lại càng thấm thía, liên tưởng đến thơ Đằng Phương. Chén tân khổ của cuộc đời hoạt động cách mạng của ông làm cho thần khí thơ ông mạnh mẽ.
Đốt lòng mình bằng ngọn lửa thiêng, khi thất cơ đành thịt nát xương tan. Trước khi đầu rơi, và ngay trong phút giây co giật của thân mình để trở về lòng Đất Mẹ, con Mẹ vẫn hô to tên Mẹ Việt Nam.
Họ thản nhiên lần lượt bước lên đài
Và dõng dạc buông tiếng hô hùng dũng:
“Việt Nam muôn năm!” Một đầu rơi rụng.
“Việt Nam muôn năm!” Người kế tiến lên.
Và Tử thần kính cẩn đứng ghi tên
Những liệt sĩ vào bia người tuẫn quốc.
(Đằng Phương- Ngày tang Yên Bái)
Thơ Đằng Phương là thơ nói về tình yêu và sự hy sinh đối với Tổ quốc Dân tộc. Thơ nói về sự chiến đấu kiên cường dưới gót giày xâm lược. Người đọc thấy các trận đánh quân Tàu xâm lược đã rền vang suốt cả tập thơ Hồn Việt.
Nhân loại, không ai mà không thương yêu đất nước mình. Trước tình yêu Tổ quốc, không có quân xâm lược nào chiến thắng nổi.
Hal, người Mỹ nói:
Tôi chỉ nuối tiếc một điều: tôi chỉ có một sinh mệnh hy sinh vì tổ quốc.
Với tinh thần vô ngã vị tha. Quên mình lo cho người, lo cho nước, đó là đạo lý của dân tộc Việt. Và khi công thành thì thân thối, khước từ lợi lộc vinh hoa. Vô danh là trọn nghĩa của anh hùng.
Và đến lúc nước nhà vui thoát hiểm,
Quyết khước từ lợi lộc với vinh hoa,
Họ buông gươm quay lại chốn quê nhà
Để sống lại cuộc đời trong bóng tối.
Tuy công nghiệp không ghi trong sử sách
Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên
Tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên
Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật.(*)
3. Kết.
Anh hùng Vô danh – Đuốc thiêng cháy mãi.
Thomas Jefferson vị Tổng thống thứ III của Hoa Kỳ đã nói: “Chất kết dính Quốc gia là máu trong trái tim của mỗi người dân.”
Máu anh hùng vô danh trải qua bao thế kỷ đã len vào mạch đất, hòa quyện vào trong huyết thống của dân tộc.
Nhưng máu họ đã len vào mạch đất,
Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông
Và anh hồn chung với tấm tình trung
Đã hòa hợp làm linh hồn giống VIỆT (*)
Thi sĩ Đằng Phương – Nguyễn Ngọc Huy đã một đời hoạt động cách mạng. Cuối đời trong nỗi nhục nhằn lưu vong, cảm hoài nỗi lòng của kẻ mất quê hương, Ông càng đau thương căm hờn cọng sản Việtnam dâng đất, dâng biển cho Tàu. Ông nhắc nhở con dân nước Việt phải luôn luôn ghi nhớ Di chúc của Vua Trần Nhân Tôn dặn:
-“Các người chớ quên, chính nước lớn mới làm những điều bậy bạ, trái đạo. Vì rằng họ cho mình cái quyền nói một đường làm một nẻo. Cho nên cái họa lâu đời của ta là họa Trung Hoa. Chớ coi thường chuyện vụn vặt xảy ra trên biên ải. Các việc trên, khiến ta nghĩ tới chuyện khác lớn hơn. Tức là họ không tôn trọng biên giới qui ước. Cứ luôn luôn đặt ra những cái cớ để tranh chấp.Không thôn tính được ta, thì gậm nhấm ta. Họ gậm nhấm đất đai của ta, lâu dần họ sẽ biến giang san của ta từ cái tổ đại bàng thành cái tổ chim chích.
Vậy nên các người phải nhớ lời ta dặn:”Một tấc đất của tiền nhân để lại, cũng không được để lọt vào tay kẻ khác”. Ta cũng để lời nhắn nhủ đó như một lời di chúc cho muôn đời con cháu.”
Ngày 28 tháng 7 năm 1990, Thi sĩ Đằng Phương đã hoà hợp làm linh hồn giống Việt, đã qua đời tại Paris, Pháp Quốc. Qua đời là ra đi, là trở về gặp lại những hiền tài của Dân tộc. Về gặp lại các anh hùng vì dân tộc đã hy sinh, tuẫn tiết vì sự nghiệp dựng xây đất nước. Gặp lại các bậc sinh vi tướng tử vi thần, như: Lý Thường Kiệt, Trần Hưng Đạo, Trần Bình Trọng, Nguyễn Tri Phương, Hoàng Diệu, Phan Thanh Giản, Phan Đình Phùng, Hoàng Hoa Thám. Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh… Về gặp lại các tướng lãnh miền Nam Tự do đã tuẫn tiết vì bảo vệ Tự do cho nước Việt.
Như bao anh linh của dân tộc, Đằng Phương- Nguyễn Ngọc Huy đã trở về với nguyên khí Quốc gia. Sự ra đi của ông làm cho những tấm lòng cao cả trên thế giới phải tiếc thương và ngưỡng mộ. Tổng thống Hoa Kỳ George H.W. Bush đã gửi thư chia buồn, kể về ông: “…để lại phía sau một cuộc đời phục vụ tận tụy cho dân tộc Việt Nam…xứng đáng làm gương cho các thế hệ mai sau.”
Xuân về, lòng xót xa trong nỗi lưu vong, nhưng vẫn rộn ràng với bao niềm hy vọng về tương lai Tổ quốc, rộn ràng và biết ơn các thế hệ trẻ vì tự do, vì tương lai rạng ngời của dân tộc, họ đang tiếp bước của những anh hùng dân tộc. Họ vẫn ngẫng cao đầu chiến đấu, chẳng sợ lao tù. Và đang :
đốt lên bằng ánh lửa thiêng,
ánh lửa nung lòng dân tộc.(*)
Và dân tộc Việt vẫn luôn luôn vững niềm tin, cho dẫu :
Trong lúc sương rơi lạnh trắng đồng,
Đêm đông dày đặc phủ non sông.
Ta cùng mong đợi ngày xuân sáng
Rọi ánh bình minh vạn ánh hồng.
(Đằng Phương- Nguyễn Ngọc Huy)
Tết Ất Mùi, XuânTha Hương lại trở về. Như ước nguyện của Thi sĩ Đằng Phương, trong niềm tin ánh bình minh chiếu rọi, chúng ta vẫn mong đợi ngày Xuân sang, mỗi người Việt lưu vong là một Cánh Thiệp Đầu Xuân mới.
Với Cánh Thiệp Đầu Xuân và trái tim chân thành, chúng ta cùng Nhạc sĩ Minh Kỳ hát lên trong ước nguyện, cùng chúc nhau thanh bình và vinh quang:
Tôi chúc muôn người mọi điều ước muốn
Non nước vinh quang trong tia nắng thanh bình
Để người anh yêu dấu quay về gia đình tìm vui bên lửa ấm
Tôi chúc yên lành người người khắp chốn
Mong gió đưa duyên cho cô gái Xuân thì ước nguyện sao chóng thành rượu hồng xe duyên
Kính chúc An lành trong muà Xuân mới.
Họa sĩ Nguyễn Văn Nhớ.
Portland. Xuân Ất Mùi, 2015
* *
Chú thích: (*) Thơ Đằng Phương
Nguyên tác bài thơ
Anh Hùng Vô Danh
của Đằng Phương – Nguyễn Ngọc Huy
Họ là những anh hùng không tên tuổi
Sống âm thầm trong bóng tối mênh mông,
Không bao giờ được hưởng ánh quang vinh,
Nhưng can đảm và tận tình giúp nước
Họ là kẻ muôn nghìn năm thuở trước
Đã phá rừng, xẻ núi, lấp đồng sâu
Và làm cho những đất cát hoang vu
Biến thành một giải sơn hà gấm vóc
Họ là kẻ không nài đường hiểm hóc,
Không ngại xa, hăng hái vượt trường sơn
Để âm thầm chuẩn bị giữa cô đơn
Cuộc Nam tiến mở giang sơn lớn rộng
Họ là kẻ khi quê hương chuyển động
Dưới gót giày của những kẻ xâm lăng
Đã xông vào khói lửa quyết liều thân
Để bảo vệ Tự Do cho Tổ Quốc
Trong chiến đấu, không nài muôn khó nhọc
Cười hiểm nguy, bất chấp nỗi gian nan,
Người thất cơ thành thịt nát xương tan
Nhưng kẻ sống lòng son không biến chuyển.
Và đến lúc nước nhà vui thoát hiểm
Quyết khước từ lợi lộc với vinh hoa.
Họ buông gươm quay lại chốn quê nhà
Để sống lại cuộc đời trong bóng tối.
Họ là kẻ anh hùng không tên tuổi
Trong loạn ly như giữa lúc thanh bình
Bền một lòng dũng cảm, chí hy sinh
Dâng đất nước cả cuộc đời trong sạch.
Tuy công nghiệp không ghi trong sử sách,
Tuy bảng vàng bia đá chẳng đề tên,
Tuy mồ hoang xiêu lạc dưới trời quên
Không ai đến khấn nguyền dâng lễ vật,
Nhưng máu họ đã len vào mạch đất,
Thịt cùng xương trộn lẫn với non sông
Và anh hồn chung với tấm tình trung
Đã hòa hợp làm linh hồn giống VIỆT.
Đằng Phương- Nguyễn Ngọc Huy
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia