VONG ƯU THẢO (Quyên Di)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

(Nhân ngày Từ Mẫu)

No photo description available.

Khi Nhung về đến nhà thì trời đã tối mịt. Nàng gõ cửa rất lâu mới thấy tiếng bà cụ ho sù sụ rồi tiếng lách cách mở cửa. Bước vào nhà, đóng cửa lại cho thật kín, nàng trách nhẹ mẹ:
– Con đã thưa với mẹ nhiều lần, trước khi mở cửa, mẹ phải hỏi xem ai đã. Thời buổi này phải cẩn thận mẹ ạ.
Bà cụ cười hiền lành:
– Ừ nhỉ, mẹ quên. Thôi thế từ bây giờ chắc chắn là mẹ nhớ.
Rồi bà cụ xích lại gần bếp lửa, thu mình co ro, hai tay hong lên ngọn lửa hồng cho ấm.
Nhung đặt mấy bị quần áo cũ xuống góc nhà rồi cũng đến ngồi cạnh mẹ. Hai mẹ con yên lặng một lúc lâu. Chợt nhớ ra điều gì, Nhung đứng lên lục cái giỏ để gần mấy bị quần áo, lấy ra một túi giấy dầu nhỏ. Nàng đem túi giấy lại gần mẹ, mở ra cho bà cụ thấy ba cái bắp luộc trong ấy, rồi nói:
– Mẹ chịu khó dùng tạm vậy nhé. Bắp non luộc chín, ăn ngon và lành lắm.
Bà cụ ngước nhìn con gái, đôi mắt hấp háy. Bỗng nhiên bà nắm lấy tay con, sụt sùi:
– Mẹ không ngờ có năm sáu đứa mà bây giờ chỉ nhờ được có con. Các anh con không biết bây giờ ra làm sao rồi…
Những giọt lệ nóng giàn giụa trên đôi má nhăn nheo của bà. Nhung thương mẹ quá, nàng vuốt đôi bàn tay xương xẩu gầy guộc của mẹ, an ủi:
– Thôi mẹ, đừng lo nghĩ nhiều thêm nữa. Chúa sẽ phù hộ cho các anh con.
Rồi nàng ép mẹ ăn bữa tối đạm bạc. Bà cụ trệu trạo ngồi nhai bắp luộc. Nhung nhường cho mẹ hai chiếc, mình ăn một. Sức nàng đủ để ăn một lúc hết veo ba cái bắp con con này, nhưng vì muốn nhường mẹ, nàng nói dối là mình đã no, ra chợ có bạn mời ăn bánh.
Ngoài trời, gió vẫn thổi rít từng cơn, rừng thông ở dưới thung lũng reo lên những tiếng trầm và buồn. Những cây thông xanh tươi trải dài trên khắp vùng cao nguyên này hình như không hề biết thông cảm với cái lạnh lẽo mà con người phải chịu trong những tháng cuối năm.
Nghe tiếng thông reo, Nhung mơ màng nghĩ đến căn phòng của nàng ở ngôi nhà cũ. Ngôi nhà đẹp nhất nhì của thị xã Đà Lạt, nằm biệt tịch trên một ngọn đồi thấp. Ngôi nhà mà những người bạn của anh Nhu, mỗi dịp Giáng Sinh hay Hè từ Sài Gòn lên chơi đều trầm trồ khen ngợi.
Đó là một ngôi biệt thự quét vôi màu trắng, xây cất theo lối Pháp, vừa kiên cố lại vừa thanh lịch. Phòng khách rộng với bộ đèn chùm từ trên trần tỏa xuống một thứ ánh sáng vàng, trong trẻo và ấm cúng. Lò sưởi trong phòng khách, vào những ngày mùa Đông, ánh lửa bập bùng làm ấm cả căn phòng. Nhung rất thích những buổi tối có các anh bạn của anh Nhu từ Sài Gòn lên chơi. Các anh ngồi chung quanh lò sưởi nói chuyện, đôi khi tranh luận về một tư tưởng triết học, có lúc bình thơ và cũng thỉnh thoảng cùng nhau hát những bài tình ca thời thượng. Tiếng đàn “guitar” của anh Hưng sao mà gợi cảm và xúc động lòng người đến thế. Một vài lần các anh uống rượu mạnh, nhưng thường thường thì trong những buổi tối như thế, các anh uống rượu nho mua của một nhà dòng gần đó. Nhung ngồi yên lặng ngoan ngoãn như một con mèo, không có ý kiến gì, vả lại cũng không ai hỏi nàng. Nhung còn bé quá, mới chỉ là cô bé lớp Mười trường Bùi Thị Xuân. Thỉnh thoảng anh Nhu liếc trước liếc sau xem có bố mẹ đâu đó không, rồi khi thấy an toàn, anh trao vội cho Nhung ly rượu nho của mình. Nhung kề môi vào miệng ly, nhấp một chút. Đôi môi nàng tê dại, còn toàn thân thì nóng ran. Hình như lúc đó, đôi môi Nhung mọng chín, đỏ tươi như một trái anh đào, má nàng hồng lên, còn đôi mắt thì long lanh rạng rỡ. Có vài anh nhìn Nhung đăm đăm, và Nhung thừa biết rằng: trong thâm tâm, các anh đang thầm khen Nhung đẹp quá.
Trong ngôi biệt thự màu trắng đó, Nhung có một căn phòng riêng, cạnh phòng mẹ. Phòng của nàng nhỏ xíu, chỉ kê vừa một chiếc giường, một cái bàn học với hai cái ghế, nhưng Nhung yêu quý căn phòng vô cùng. Đi đâu về, vào phòng, đóng cửa lại, nằm trên chiếc giường con êm ái của mình, Nhung thấy an toàn quá. Nàng cảm thấy hạnh phúc trong cái thế giới bé nhỏ riêng biệt của nàng.
Phòng có cửa sổ bằng kính nhìn ra vườn sau, và xa hơn nữa, phía bên kia hàng rào trắng là một vùng xanh tươi ngát mắt của một ngọn đồi kế tiếp, ngọn đồi không có nhà cửa, chỉ có toàn cỏ lau! Nhung thường đứng ở cửa sổ kính phòng nàng nhìn sang đồi cỏ ấy, và nàng khám phá ra rằng bông cỏ lau bình thường thì màu trắng ngả sang xám, nhưng nếu nhìn cả một đồi cỏ lau thì đồi đó mang một màu tím nhạt, một màu tím êm đềm và có chứa đựng trong đó một nỗi buồn kín đáo. Nhung gọi đó là “nỗi buồn cỏ lau” và thích cái chữ mình đặt ra ấy lắm, đến độ có lần suýt nữa nàng làm được một bài thơ mang tựa đề “Nỗi buồn cỏ lau”, rất tiếc là nàng chỉ làm được đến câu thứ ba thì không tài nào gieo vần tiếp sang câu thứ tư nữa. Bài thơ “dang dở” ấy được cất kỹ trong ngăn kéo của Nhung cả năm trời. Nhung cũng thường so sánh màu tím buồn buồn ấy với màu xanh tươi quanh năm của đồi thông. Trên cùng một diện tích, mà phía bên trên là màu xanh tươi mát yêu đời, phía bên dưới lại là màu tím u buồn tĩnh mặc. Nhung linh cảm rằng cuộc đời cũng có nhiều mặt, cũng phiền toái như thế. Và với ý nghĩ đó, Nhung cho rằng mình đã nảy sinh một tư tưởng triết học! Nàng định mùa Giáng Sinh năm tới, khi những người bạn của anh Nhu lên chơi, và khi họ ngồi uống rượu nho, bàn luận triết học chung quanh lò sưởi, nàng sẽ rụt rè đưa quan niệm của mình ra xem sao.
Thế nhưng, từ khung cửa kính nhìn ra bên ngoài, không phải Nhung chỉ nhìn thấy đồi cỏ và những ngọn cây thông. Gần hơn, ngay cạnh bờ tường là một luống hoa. Đó là giống hoa vàng, hình dáng như hoa huệ. Luống hoa này bắt đầu từ bờ tường phía bên phòng mẹ, lan qua tận phía bên phòng Nhung. Màu vàng của hoa đủ tươi tắn để người nhìn cảm thấy yêu đời vui vẻ, nhưng không rực rỡ đến độ trở thành màu vàng của vua chúa hay những bậc quyền thế. Nhiều lần Nhung ra vườn sau, ngồi xuống bên cạnh luống hoa, cúi mình trên bông hoa và quan sát từng sợi gân nhỏ li ti trên từng cánh. Cái màu vàng của bông hoa thật tuyệt vời, Nhung nghĩ khó mà có họa sĩ nào pha màu cho thật giống được. Một chút phấn, màu vàng nhạt hơn bám nhẹ trong lòng hoa, và từ lòng hoa ấy, những nhụy đực nhụy cái vươn dài ra như râu của những con bướm vẫn thường rủ nhau bay rợp vườn nhà nàng những ngày nắng ráo. Nhung đắm mình trong sự quan sát bông hoa, nàng muốn học ở bông hoa vẻ tươi tắn một cách khiêm nhường và bình dị của nó; và nàng thấy rằng khám phá, học hỏi về nó cũng kỳ diệu và thích thú không kém khám phá, học hỏi về những hành tinh trong thái dương hệ.
Nhung không biết hoa tên gì, nhưng thấy hoa được trồng ở nhiều nơi, có khi mọc dại cả ở chân đồi hay trên bờ những đường nhỏ trong thành phố. Nàng hỏi các bạn, nhưng những đứa bạn vô tư ấy cũng không biết nốt, thấy Nhung thắc mắc mãi, chúng chê Nhung là “con bé lẩm cẩm”, Nhung chỉ cười, im lặng, nàng biết mình không lẩm cẩm, vì linh cảm rằng loài hoa vàng này có một cái tên gì khác với những bông hoa vàng thường thấy.
Cho đến một ngày, khi hai mẹ con đi dạo ngoài vườn sau, chợt nhìn thấy những bông hoa vàng đó, Nhung nắm cánh tay mẹ, hỏi:
– Mẹ, hoa này tên gì?
Mẹ cười hiền lành:
– Có người gọi nó là Huệ Vàng. Nhưng thật ra nó là Cỏ Huyên đấy con ạ.
Nhung ngơ ngác:
– Nó là hoa mà mẹ, đâu phải là cỏ.
Mẹ lại cười:
– Cây cối có loài mộc và loài thảo. Loài mộc có thân gỗ cứng cáp như cây thông. Những loài thân mềm ẻo lả thì là thảo. Hoa cũng thuộc loài thảo, cỏ cũng thuộc loài thảo. Người xưa dịch tên hoa này từ chữ Hán ra tiếng Việt, gọi là Cỏ Huyên, nhưng nếu con không thích thì cứ gọi là Hoa Huyên cũng đâu có sao.
Nhung mường tượng như nàng đã nghe thấy hai chữ Cỏ Huyên ở đâu rồi. Nàng nói với mẹ về sự mường tượng ấy. Mẹ bảo:
– Thì chắc chắn là con đã nghe về hai chữ này rồi chứ còn mường tượng gì nữa. Trong văn chương cổ, cây Xuân được dùng để chỉ người Cha, cây Cỏ Huyên được dùng để nói về người Mẹ. Ngày xưa con cái thường trồng Cỏ Huyên trước phòng của Mẹ để cầu mong cho mẹ được sống lâu và vui vẻ…
Nhung liến thoắng ngắt lời mẹ:
– Con nhớ rồi. Thơ cổ có câu “Xuân Huyên hai cội đã già”, ý muốn nói Cha Mẹ đều đã trọng tuổi…
Và nàng lại thắc mắc:
– Nhưng con chẳng biết tại sao trồng cây cỏ Huyên trước phòng mẹ lại có ý chúc cho Mẹ được sống lâu và vui vẻ…
Mẹ nàng trả lời thật rành rẽ:
– Bởi vì theo sách, Cỏ Huyên còn có một tên nữa là Vong Ưu Thảo, có nghĩa là thứ cỏ làm quên đi nỗi buồn phiền. Không buồn phiền thì sẽ vui vẻ, mà vui vẻ thì sống lâu.
Mẹ cười, Nhung cũng cười. Nụ cười của mẹ trong nắng sao mà tươi tắn quá. Trong chốc lát, Nhung mong sao luống Cỏ Huyên ở bên bờ tường phòng Mẹ xanh tốt mãi, hoa vàng nở thêm nhiều mãi, và mẹ sẽ tươi trẻ mãi, sống thật lâu với bố, với anh em nàng.
Thế nhưng, Nhung vẫn chưa hết thắc mắc, nàng rụt rè hỏi mẹ:
– Nhưng mà, mẹ có biết tại sao người ta lại gọi Cỏ Huyên là Vong Ưu Thảo không?
Mẹ lặng yên, suy nghĩ một chút rồi trả lời:
– Cái này thì mẹ không biết chắc lắm, nhưng cũng nói cho con nghe theo sự suy đoán của mẹ. Cỏ Huyên, khi ngắt đem về, phơi khô, trở thành một món ăn có dược tính, đó là món Kim Châm, cái sợi vàng vàng nâu nâu mà mỗi khi mẹ nấu món hầm hay món tiềm thường cho vào đấy. Sách thuốc nói rằng Kim Châm ăn rất mát, giải nhiệt. Mà khi người ta ăn Kim Châm vào, nhiệt được giải, trong người mát mẻ thoải mái, thì người ta tất quên đi được những mối buồn phiền.
Hai mẹ con lại cười. Nhung không ngờ mẹ biết nhiều quá. Mẹ cắt nghĩa còn rành rẽ hơn cả cô giáo Quốc văn trong lớp. Kim Châm, cái món ăn ngon, không ngờ lại có sự tích kỳ bí như thế. Và Nhung nghĩ: “Được rồi, mùa Giáng Sinh năm nay, khi các anh lên chơi, ngoài câu chuyện triết học cuộc đời nhiều mặt và phiền toái như ngọn thông xanh và màu tím cỏ lau, ta còn có chuyện để góp về Cỏ Huyên, Vong Ưu Thảo và Kim Châm, nếu các anh đọc thơ cổ rồi, các anh sẽ thấy ta không còn là trẻ con nữa. Ta đã thành người lớn.” “Người lớn”, đây thật là một thế giới hấp dẫn mà Nhung hăm hở muốn bước vào.
* * *
Nhưng mùa Giáng Sinh như Nhung dự liệu đã không bao giờ xảy ra. Thời gian thì vẫn đem Giáng Sinh đến, nhưng những diễn tiến và khung cảnh mà Nhung tưởng tượng ra thì không hề có. Tháng Tư năm ấy, khi những con người từ miền Bắc tràn vào miền Nam và chiếm trọn cả mảnh đất này thì mọi sinh hoạt, mọi khung cảnh đều thay đổi. Bố tử trận ngay trong trận đánh tại thị xã Đà Lạt. Những ngày sau đó, gia đình phân tán. Anh Nhu và hai người anh kế Nhung vào Sài Gòn. Sau đó có tin ba anh em đã vượt thoát ra nước ngoài. Có tin như vậy thôi, chứ cho đến nay, bao nhiêu năm tháng trôi qua, hai mẹ con Nhung vẫn không nhận được một tin tức trực tiếp nào của ba người. Người anh thứ, sĩ quan cấp tá bị đưa ra ngoài Bắc “học tập cải tạo,” hai mẹ con Nhung chưa hề ra thăm được lần nào. Cuộc sống thật khổ cực lam lũ và thiếu thốn, từ ngày gia sản bị tịch thu và hai mẹ con bị đuổi ra khỏi ngôi biệt thự màu trắng.
Khi hai mẹ con gom góp một ít quần áo cũ để ra khỏi nhà, trước những con mắt ốc nhồi trừng trừng của cán bộ và công an, Nhung cắn chặt môi để không bật ra tiếng khóc, và nhất quyết không để cho giọt lệ nào được phép lăn trên đôi má nàng. Nhung rất dễ khóc, nàng khóc tự nhiên cũng như khi nàng cười, nói. Nhưng trong lúc này, nàng cả quyết không để cho mình rơi lệ trước mắt những con người này. Nàng muốn tỏ cho họ biết nàng xứng đáng là con của Bố, một sĩ quan cao cấp trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, khóc bây giờ là hèn, là sỉ nhục vong linh Bố.
Nhung bước vào phòng mình một lần cuối. Nước mắt nàng chỉ chực trào ra khiến Nhung phải cắn chặt môi đến rướm máu. Căn phòng nhỏ yêu quý, căn phòng thế-giới-riêng của nàng, căn phòng giữ cho nàng biết bao nhiêu kỷ niệm, niềm vui và nỗi buồn. Chiếc giường con xinh xắn này, biết bao lần nàng đã nằm trên ấy, mơ những giấc mơ tuyệt vời của tuổi mới lớn, những giấc mơ có hoa và bướm, có nàng công chúa ngủ trong rừng và chàng hoàng tử xinh trai. Cái bàn học và chiếc ghế con con này, biết bao lần nàng đã ngồi ở đây, học bài làm bài, đọc những bức thư tình ngây ngô của mấy cậu con trai trường bạn, và tập làm thơ. Khung cửa kính nhìn ra vườn sau kia, khung cửa mà biết bao lần Nhung đã đứng ở đó, nhìn sang ngọn đồi bên cạnh, ngắm nhìn màu tím nhạt dịu dàng của bông cỏ lau và màu xanh ngát mắt của những ngọn thông hùng vĩ; biết bao lần cũng từ đó nàng cúi nhìn luống hoa Vong Ưu Thảo màu vàng tươi tắn. Vong Ưu Thảo… Nhung lại muốn khóc, từ nay đến hết cuộc đời, biết bao giờ Mẹ quên được nỗi buồn của Mẹ?
Còn một chút nữ trang cất giấu, và với sự giúp đỡ ít nhiều của họ hàng, hai mẹ con kiếm được một căn nhà nhỏ tồi tàn. Nhung không buồn, không mặc cảm. Nàng và gia đình nàng chưa hề làm điều gì xấu, và dù bọn người này có gọi Bố bằng bất cứ danh từ xấc xược nào đi nữa, Bố vẫn luôn luôn là hình ảnh cao quý, đáng trọng đáng yêu trong trái tim nhỏ bé của Nhung. Nhung chỉ thương cho Mẹ. Mới ít lâu mà Mẹ già đi trông thấy. Tuổi tác không có tác dụng nguy hại cho bằng những đớn đau đè nặng trên người Mẹ. Mẹ trở nên ít cười, trên khuôn mặt già nua ấy, nụ cười thỉnh thoảng có xuất hiện thì cũng chỉ là một nụ cười héo hắt, như một bông hoa tàn úa. Trông mẹ già hơn tuổi thực của mẹ đến cả hai mươi năm.
Nhung thích ứng với cuộc đời rất sớm. Nàng không ngờ mình quen với những vất vả thể xác nhanh đến như thế. Đôi tay ngọc ngà trắng muốt của Nhung trước kia chỉ để cầm bút và đánh dương cầm, bây giờ đã biết chẻ củi, bưng vác những vật nặng. Và đôi vai thon “như cánh vạc bay” của nàng bây giờ đã biết đưa ra khiêng gạo khiêng khoai. Lũ người ấy vẫn lẩn quất chung quanh căn nhà mới của mẹ con nàng, nơi nàng buôn bán, giương mắt ra nhìn hình ảnh Nhung trong những công việc nặng nhọc ấy một cách thích thú. Họ có cái thích thú của một người cầm chiếc vợt đập cho một con chim yến đang bay rớt xuống đấy, hay người lấy kim nhọn đâm vào con chuột bạch cho nó kêu rít lên. Nhưng Nhung không kêu, không than thở. Nàng chấp nhận hoàn cảnh mới một cách thản nhiên và thách thức.
Hai mẹ con sống trong tình trạng bị giam lỏng. Không bao giờ họ xin được giấy phép ra khỏi thị xã. Buổi tối họ không được bước chân khỏi nhà, và Nhung chỉ được ra chợ sau sáu giờ sáng. Kể ra thì có gò bó thật, nhưng Nhung không sợ, nàng chỉ lo cho Mẹ. Càng ngày Mẹ càng già đi, da Mẹ nhăn nheo và tính tình đã có triệu chứng của sự lẫn cẫn. Nhiều lúc nhìn Mẹ ngồi ủ rũ bên cạnh lò sưởi, Nhung thấy thèm quá nụ cười trong nắng của Mẹ vào một ngày xa xưa trong vườn sau, khi Mẹ nói chuyện cho nàng nghe về một loài hoa có tên là Vong Ưu Thảo.
Dù có lên án, có cấm đoán thì khắp nơi chợ trời đã mọc lên như nấm. Lúc đầu những chợ trời còn bị đuổi lên đuổi xuống, bị tịch thu “tang vật,” người mua kẻ bán bị giải ra trụ sở công an phường; nhưng riết rồi người ta phải coi đó như một thực thể không thể không có trong cái xã hội càng ngày càng tồi tàn rách nát. Nhung là một “thành viên” tạo nên sự sầm uất của một trong những khu chợ trời đó. Nàng mua đi bán lại những quần áo cũ. Bạn bè thuở còn đi học của Nhung cũng không thiếu mặt ở những khu chợ trời như thế, họ chỉ vẽ cho Nhung đủ kiểu đủ cách để làm ăn buôn bán. Và cứ như thế, Nhung nuôi mẹ sống qua ngày. Buổi tối, về nhà, tuy mệt đừ người, Nhung vẫn dành ra thì giờ thủ thỉ chuyện trò với mẹ. Bà cụ ở nhà thổi cơm nấu nước. Ngày nào nhà hết gạo, bà cụ chỉ chờ xem con gái có mang được món nào ăn được từ chợ về không. Bà không than thở, không kêu trách, nhưng lúc nào trông bà cũng ủ dột.
* * *
Bà cụ vừa ăn xong hai cái bắp, uống hết ly nước thì ngoài kia chuông nhà thờ đã đổ vang, gióng giả. Những con người kia không thể ngăn cấm được niềm tin của con chiên. Khi không ngăn cấm được, họ đành nhượng bộ, đôi khi còn ra vẻ khuyến khích con chiên tổ chức những ngày lễ cho lớn.
Tiếng chuông vang lên, theo gió bay qua các nóc nhà, các thung lũng, núi đồi, nương rẫy và rừng cây. Đêm nay là đêm Giáng Sinh, đêm của An Bình và Hồng Ân Cứu Chuộc. Nhung vừa nghe tiếng chuông, vừa nhìn mẹ. Bà cụ xoa xoa hai bàn tay vào nhau, môi bà mím lại, rồi sau một lúc lâu cầm giữ, bà không nín được nữa, bật khóc. Nhung thương mẹ quá, nàng chạy lại ôm chầm lấy mẹ và cũng khóc. Đã lâu quá rồi Nhung không khóc, nên đêm nay nàng khóc như chưa bao giờ được khóc và sẽ không bao giờ được khóc nữa. Họ cô lập mẹ con nàng, buổi tối không được ra khỏi nhà, kể cả trong đêm Giáng Sinh. Năm ngoái, hai mẹ con đã thui thủi ở nhà trong đêm Giáng Sinh, năm nay cũng vậy.
Nhung tìm lại được sự bình tĩnh trước mẹ. Nàng lấy hai bàn tay chùi nước mắt trên môi, trên má mình, rồi lau nước mắt cho mẹ. Nhung nói:
– Thôi mẹ, đừng khóc nữa. Mẹ vẫn nói với con là Chúa ở khắp mọi nơi mà, chẳng cần phải đến nhà thờ mới cầu nguyện được, mới mừng Chúa Giáng Sinh được. Chúa ở mọi nơi, Chúa ở trong nhà này… Để con đọc Sách Thánh cho mẹ nghe nhé.
Nhung vào phòng trong lấy ra quyển Tân Ước nàng giấu được. Hai mẹ con đứng lên. Nhung mở Tin Mừng theo thánh Luca, đọc thật cung kính và chậm rãi đoạn Chúa Giêsu được sinh hạ trong hang đá thành Bê Lem. Một sự an bình dần dần thấm sâu vào trái tim nàng. Nhung thấy có cái gì ấm áp, không những trong lòng nàng, mà hình như lan toả cả phòng. Đoạn Tin Mừng được đọc dứt đã lâu, hai mẹ con vẫn im lặng. Nhung ngước nhìn mẹ, hai mắt mẹ nhắm nghiền, nhưng khuôn mặt mẹ thư thái và dịu dàng. Nhung tìm lại được những đường nét thân quen trên khuôn mặt mẹ, những đường nét mà nàng đã nhìn thấy ngày xưa, một ngày có nắng trong vườn, hai mẹ con nói chuyện về Cỏ Huyên, về Vong Ưu Thảo.
Bất chợt, Nhung nắm tay mẹ nói khẽ:
– Mẹ ơi, ngày mai con kiếm Vong Ưu Thảo về trồng trước cửa nhà, mẹ nhé.
Bà cụ như đang đắm chìm trong những phút cầu nguyện , chợt giật mình vì cái nắm tay và câu nói của con gái, bà mở mắt ra:
– Tạ ơn Chúa… Cái gì, Vong Ưu Thảo à?
Bà mỉm cười, nụ cười không rạng rỡ nhưng đầy vẻ bình an. Rồi bà tiếp:
– Ừ, ngày mai con kiếm Vong Ưu Thảo về trồng cho mẹ.
Quyên Di
(Trích trong “Hoa Hồng Nhà Kín,” Thời Điểm, Garden Grove, CA, USA xuất bản năm 1995)
May be an image of flower
No photo description available.
No photo description available.
May be an image of flower
May be an image of flower
May be an image of flower