“Giọng hát Mai Hương là giọng hát nguyên chất dân tộc. Bởi vì, nghe nàng hát là thấy vùng đời cũ hiện ra. Nghe nàng hát là nhớ từng miếng nắng, từng hàng cây, từng viên gạch, từng khúc sông, từng ngọn suối… Như thế, Mai Hương, con chim họa mi ngậm hồi tưởng, đậu trên ngọn cao lưu vong, mỗi ngày mỗi hót “Giấc Mơ Hồi Hương”. Có lần, giọng hát truyền cảm tột độ của nàng đã làm tôi xao xuyến khôn cùng. Cơ hồ tôi trở về quê hương tuổi nhỏ và cổ tích của tôi vào một đêm xuân. Tôi đứng ngoài vườn giữa đêm trăng. Ngẩn ngơ…”
Danh ca Mai Hương, một trong những giọng hát đẹp nhất của tân nhạc Việt Nam, vừa qua đời vào ngày 29-11 ở tuổi 79.
Từ năm 12 tuổi, cô đã tham gia một cuộc thi hát do Đài Phát Thanh Pháp Á tổ chức. cô được vào vòng chung kết với bản Xuân Và Tuổi Trẻ (nhạc La Hối, lời Thế Lữ). Cô kể lại, mỗi lần thi hát, ban tổ chức phải bắc một cái ghế để cô đứng cho vừa với cái micro vừa cao lại vừa to che hết cả mặt mũi!
Vừa qua khỏi lứa tuổi nhi đồng, cô đã bắt đầu hát với những ban hợp xướng, chung với những danh ca thượng thặng nhất bấy giờ như ca sĩ Anh Ngọc, Ngọc Long, Thái Thanh, Châu Hà, Mộc Lan, Kim Tước, Duy Trác…
Cô nổi tiếng về khả năng vừa đọc bản nhạc đã hát ngay, không cần tập dượt. Cô kể lại:
“Có nhiều hôm vừa ăn cơm tối xong, được điện thoại trên đài gọi đi thu thanh gấp. Tôi và Quỳnh Giao vừa lên đến nơi thì anh Minh Nhật dúi vào tay một bài hát mới toanh, bảo thu ngay bây giờ để phát thanh liền. Thế là chúng tôi mở to con mắt ra để mà nhìn, mà đọc, mà hát. Không có thì giờ để tập vì phải về nhà trước giờ giới nghiêm. Tôi chưa về đến nhà thì bài hát mình vừa thâu đã được phát ra rồi .Tôi vừa bước chân vào nhà, me tôi đã nói: “Me vừa nghe con hát trên đài.”
Sau khi sang hải ngoại vì biến cố 1975, cô làm việc cho ngân hàng Bank Of America, và đều đặn ra những tape nhạc, CD nhạc, mà những thính giả khó tính nhất cũng phải hết lời khen ngợi. Và dĩ nhiên, chỉ những thính giả khó tính mới thưởng thức được những bản nhạc hiếm quý, được cô trân trọng thu âm lại.
Nếu không có Mai Hương, sau 1975, người ta sẽ không còn ai nghe hát lại Đoàn quân đi của Việt Lang, Mùa hoa nở của Cung Tiến, Nhớ trăng huyền xưa của Nguyễn Văn Quỳ, Cô hàng hoa của Thẩm Oánh, Tiếng hát quay tơ của Tử Phác…
Cùng với Kim Tước và Quỳnh Giao, cô đã góp phần làm hiển lộ những viên ngọc quý giá của dòng nhạc tiền chiến bị bụi thời gian phủ lấp, bằng những album nhạc hiếm hoi, đầy giá trị nghệ thuật.
Báo chí Việt Nam tháng trước có nhắc lại một biến cố kinh hoàng trong đời cô:
Thời xưa, Khánh Ly quản lí một số phòng trà tại Sài Gòn, quy tụ nhiều nghệ sĩ nổi tiếng tới hát. Trong lúc công việc đang suôn sẻ, bỗng một sự việc kinh hoàng xảy đến, khiến cô không thể quên. Tại chương trình Bước chân dĩ vãng, Khánh Ly kể lại:
“Ngày trước, tôi làm quản lí tại một phòng trà ở Sài Gòn, quy tụ nhiều anh chị em nghệ sĩ. Một ngày nọ, phòng trà xảy ra một vụ nổ lớn, làm chết 13 người, máu văng tung tóe.
Lúc xảy ra vụ nổ, tôi cũng ngồi trong phòng trà và chị Mai Hương đang hát. Chính tôi là người đã mời chị Mai Hương đi hát phòng trà. Chị Mai Hương vốn không bao giờ hát phòng trà và tôi cũng không nghĩ có thể mời được chị ấy. Tôi phải năn nỉ mãi, chị ấy mới chịu nhận lời đến hát cho phòng trà của tôi.
Lúc đó, chị Mai Hương đang hát trên sân khấu, còn tôi ngồi ở ngoài nói chuyện với Tuấn Ngọc. Đúng lúc chị Mai Hương gần xong tiết mục của mình, tôi cũng đang ngồi nói chuyện cùng Tuấn Ngọc thì nghe một tiếng nổ kinh khủng. Tôi không nhớ tiếng nổ đó ra sao nữa và khi ấy cũng không còn nhìn thấy gì.
Người tôi nhớ đến duy nhất chỉ là chị Mai Hương. Tôi chạy vội vào phòng thay đồ ca sĩ hay ngồi kêu chị Hương mãi nhưng chị ấy không trả lời.
Tôi gạt tiếp cánh cửa bị sập xuống để chạy ra sân khấu thì thấy chị Mai Hương đang đứng bất động như trời trồng, máu vương lấm tấm tà áo của chị ấy. Tôi mừng lắm vì chị ấy không bị làm sao, nên kéo vội chị ấy vào.
Tuấn Ngọc với tôi không làm sao vì lúc vụ nổ xảy ra, chúng tôi ngồi ở quầy bar nói chuyện với anh chàng pha rượu.
May mắn hơn nữa, khi ấy có một viên đạn bay thẳng qua mặt anh Tuấn Ngọc và tôi, bắn vào mắt anh pha rượu, khiến anh ấy bị mất một mắt. Cả tôi và anh Tuấn Ngọc đều thoát chết, nhưng xe của tôi để ngoài bị cháy rụi.
Vợ của nhạc sĩ Lê Văn Thiện đã mất trong vụ nổ đó, đầu một nơi mình một nẻo.”
Vụ đánh bom, dĩ nhiên, do lực lượng biệt động Sài Gòn thực hiện. Và sau đó Mai Hương không bao giờ xuất hiện ở các phòng trà, vũ trường lần nữa.
Nhà văn Duyên Anh thường than thở: “Nghe Mai Hương phải đi hát phòng trà, anh thương Mai Hương quá! Giọng ca ấy không thể đứng trên bục hát, trong lúc thực khách ăn uống ồn ào bên dưới được.”
Tháng 2, 1987, Duyên Anh đã viết Mai Hương, Thiên Đường Tìm Lại, đăng trên tạp chí Ngày Nay của Lê Hồng Long, để ca tụng giọng hát Mai Hương:
“…Giọng hát của Mai Hương đôn hậu, thuần khiết. Không hề có làm dáng trong cách truyền đạt ca khúc của nàng. Chất lãng mạn ở giọng hát Mai Hương bảng lảng lãng mạn dân tộc. Ngay cả lối tỏ tình qua lời ca cũng là tình tự dân tộc. Đừng mất công tìm kiếm sự rã rượi ở Mai Hương. Quê hương Việt nam đau khổ thì có, nhưng rã rượi thì không…Giọng hát Mai Hương là giọng hát nguyên chất dân tộc. Bởi vì, nghe nàng hát là thấy vùng đời cũ hiện ra. Nghe nàng hát là nhớ từng miếng nắng, từng hàng cây, từng viên gạch, từng khúc sông, từng ngọn suối… Như thế, Mai Hương, con chim họa mi ngậm hồi tưởng, đậu trên ngọn cao lưu vong, mỗi ngày mỗi hót “Giấc Mơ Hồi Hương”. Có lần, giọng hát truyền cảm tột độ của nàng đã làm tôi xao xuyến khôn cùng. Cơ hồ tôi trở về quê hương tuổi nhỏ và cổ tích của tôi vào một đêm xuân. Tôi đứng ngoài vườn giữa đêm trăng. Ngẩn ngơ…”
Nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn từng viết lại lời một nhạc sĩ nhận xét về giọng ca Mai Hương, rằng: “Nỗi đau trong tình khúc mình là một vết thương thật sự, nhưng hình như nó đã thành sẹo. Vậy mà nhiều khi nghe các ca sĩ hát, ông tưởng chừng như nó còn đang ở trên bàn giải phẫu, đang chảy máu. Sai lầm đó không có ở Mai Hương”.
Ông nói: “Nếu ví giọng hát Mai Hương như một đoá hoa thì đoá hoa ấy đã đạt đến độ mãn khai. Nếu ví giọng hát ấy như một thứ trái, trái ấy đã chín mùi, hương vị có thể hiến dâng đã trọn vẹn.”
Dư âm tiếng hát đã lắng, giòng nhạc đã dứt, nhưng người nghe còn vương vấn mãi trong tâm tưởng một hình ảnh của quê hương Việt Nam những ngày chưa khói lửa chiến tranh. Xin cảm ơn tất cả những nhạc sĩ tài hoa, và những người làm nghệ thuật nói chung, đã đem đến cho đời những bông hoa đầy hương sắc. Và cảm ơn Mai Hương, vì qua giọng hát điêu luyện của mình, chị đã nhắc lại cho chúng ta những nét đẹp tuyệt vời của nhạc Việt Nam. Tiếng hát của Mai Hương luôn đem đến cho người yêu nhạc những giây phút thật ấm lòng, và nếu ngày nào còn người Việt ly hương với nỗi sầu ưu quốc, ngày ấy tiếng hát của chị, như tiếng mẹ ru ta vào đời khi còn thơ dại, sẽ theo chúng ta trên các nẻo đời, sẽ mãi mãi bay cao “như thông đầu non. Vời cao trông mây buồn đứng. Muôn kiếp cô liêu, ngàn năm còn reo. “