VIẾT VỀ… BIỆT HẢI – NHỮNG ANH HÙNG KHÔNG TÊN TUỔI

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Để tưởng nhớ đến các bạn bè đang sống cùng cực lây lất tại quê nhà. (Thời gian đã trôi qua trên 40 năm, nên trí nhớ phần nào mai một theo tuổi tác, bài nầy viết theo sự chứng kiến của một số bạn bè trong cuộc và chính “tác giả” tuy nhiên về vấn đề giờ giấc có phần xê dịch, mong các bạn sẵn lòng tha thứ và giúp bổ khuyết, thành thật cám ơn).

Trên bàn những đĩa đồ mồi nóng hổi còn bốc khói tỏa mùi thơm phức, cạnh một cái ly thủy tinh lăn lóc bên lít rượu đế đã vơi hết hai phần chai, chứng tỏ những người trong bàn đã uống khá nhiều. Buổi sáng hôm đó mấy anh em chúng tôi họp mặt tại nhà anh Châu tổng cộng tất cả 5 người. Ngoài tôi và Châu, 3 người còn lại cũng thuộc bạn bè thân quen và hiện đang phục vụ trong các toán thuộc LL/Biệt Hải, vào dịp cuối tuần thế này hầu như chúng tôi, ai nấy đều luôn rảnh rỗi trừ trường hợp bị trực hay bận đi công tác mà thôi. Nên có thói quen anh em hay cứ rủ nhau về nhà anh Châu tụ họp, xem như thông lệ của những thằng vô gia cư đám con dì phước chúng tôi, hơn nữa Châu lại là tay làm đồ nhậu có hạng không thua kém ở ngoài hàng quán, xét về mặt tuổi tác mặc dầu anh lớn hơn chúng tôi và có khá nhiều năm thâm niên hoạt động công tác xâm nhập (bắt đầu từ năm 63) cộng với bản tính xuề xòa ham vui, gia đình cũng tỏ ra quí mến bạn bè mỗi khi chúng tôi có dịp lui tới, nên đa số anh em dù tuy không ở chung cùng toán, nhưng ai nấy đều tỏ ra thích thú mỗi lần có dịp họp mặt nhà anh. Còn nhớ buổi trưa lúc 11 giờ Chúa Nhật Ngày 8. 4. 1972. Bất chợt một chiếc xe Jeep do tài xế Hs / I Tư chạy tới, dừng lại trước cổng nhà xuống xe vội vã đi vào, lúc ấy mọi người đang ngồi vui vẻ nhưng khi nhìn thấy bóng dáng của Tư tất cả lấy ngạc nhiên, cứ ngỡ anh nầy cũng thuộc về diện vô gia cư nên đi tìm vui cuối tuần nơi đám bạn bè, trong số có người mau mắn kéo ghế mời ngồi nhưng anh vội vàng từ chối, đồng thời cho biết lệnh trên gọi riêng tôi và Châu xuống trình diện Bộ Chỉ Huy gấp, để nhận công tác và chính anh sẽ đích thân chở hai chúng tôi, nghe xong mọi người bàng hoàng, riêng tôi nghĩ thầm không hiểu lần nầy đi đâu mà gấp đến thế, vì nguyên ngày hôm qua trong trại chẳng nghe tin tức gì cả. Dù vậy tôi, Châu và số bạn bè vẫn nán lại cạn ly cuối cùng trước khi chia tay từ giã, cùng lúc ý nghĩ vẩn vơ bất chợt thoáng qua biết đâu đây là lần… nên cảm thấy hơi sợ. Vì trước đây vài lần có dịp chứng kiến tương tự một vài thằng bạn thân thương, đã ra đi đột ngột vĩnh viễn không ngày trở lại. Sự chết sống mong manh của những thằng đi toán “Chiều còn, tối mất” nào ai hay biết. Riêng Châu vẫn còn ít nhiều bịn rịn vợ con, dù thế nào cũng phải trấn an đánh tan sự lo âu gia đình, hơn nữa giờ phút này đang sum họp vui vẻ tại nhà. Thử hỏi người vợ nào yên lòng khi tận mắt chứng kiến cảnh chồng con chia ly trong thời chinh chiến. Còn tôi không thuộc diện trên xem ra đi đứng có phần dễ dàng, phút giây bịn rịn của Châu qua mau cả hai đứa ngoan ngoãn nối gót theo người tài xế leo lên xe Jeep cùng nhau ngồi ở phía sau.

Giây phút suy tư trôi nhanh tôi xoay người qua Châu hỏi nhỏ, anh có biết công tác thuộc loại nào không? Châu bắt đầu thuật lại cho tôi từ đầu câu chuyện. Cách đây mấy ngày trong đêm tổ chức mãn khóa Biệt Hải tại Camp Fay, khi tiệc vừa nửa chừng có lẽ vì quá vui nên tao thấy Đ/ úy Thọ đứng dậy nói lớn “Lần nầy thằng nào muốn chết theo tao ngoại trừ thằng Châu” (Châu lúc ấy phụ trách huấn luyện cả hai khoá Biệt Hải 70 & 72. Trong số khóa sinh có cả Đ/ úy Thọ và K) khi tiệc sắp tàn, tao tìm cách gặp Đ/ úy Thọ để hỏi? Và được ông cho biết sơ qua sẵn đó tao giới thiệu mầy cùng đi với tao chuyến này. Còn ngày giờ khởi hành không hề hay biết, vả lại vì ngại an ninh nên tao không muốn đề cập. Nghe xong tôi lặng người giây lát, mọi thắc mắc của tôi kể như hoàn toàn được Châu hóa giải, nghĩ đến thân tình bạn bè từ lúc anh em quen biết đến nay, mọi vui buồn đều chia nhau san sẽ khiến tôi cảm mến anh nhiều hơn. Tôi và Châu có mặt tại phòng họp BCH / của Trại 9 đúng 12 giờ trưa. Lúc nầy hầu hết mọi người đã có mặt trước ngoại trừ hai đứa tôi tới trễ, trình diện Đ/úy Thọ xong chúng tôi tự đi tìm ghế để ngồi, lúc này Tr/ toán Thọ đứng trước tấm bảng đen thuyết trình đồng thời giải thích nhiệm vụ thi hành trong công tác ngày mai. Theo lời ông đây thuộc loại công tác xâm nhập tìm cách giải thoát một số phi công Hoa Kỳ đang bị mắc kẹt trong vùng do địch kiểm soát, các máy bay của họ đã bị phòng không địch bắn rớt trên không phận cực bắc Quảng Trị hơn 10 ngày qua. Tất cả phi công Hoa kỳ đều nhảy dù đáp xuống đất an toàn, và tìm cách ẩn trốn chung quanh địa điểm dọc quốc lộ 9, phía Bắc sông Cam Lộ thuộc Quảng Trị, hiện vùng đất nầy đã hoàn toàn do địch quân kiểm soát, các phi công vẫn tìm cách liên lạc với thám thính “L 19” trên không vào mỗi đầu giờ, bởi thế nên có những phi vụ bí mật đã thả những thùng đồ ăn C,ration xuống đất tiếp tế. Tr/ toán Thọ còn nhấn mạnh và ân cần nhắc nhở anh em hãy tránh xa mỗi khi trông thấy những thùng C,ration đó. Lý do có một số hộp được gài chất nổ rất nguy hiểm (chỉ riêng phi công mới biết được ám số an toàn các loại thực phẩm) mục đích đề phòng trường hợp khi cán binh Cộng sản tìm cách thu nhặt. Kế đến Tr/ toán Thọ cầm trên tay cây thước gỗ chỉ vào bản đồ cho mọi người biết, về vị trí đóng quân của cả hai phía địch & bạn trong phạm vi trách nhiệm hoạt động của toán. Hiện nay ở điểm Lô cốt đang có một Đ/đội thuộc SĐ3/BB/QLVNCH đóng quân, tính từ điểm lô cốt trên quốc lộ 9 ngược về Khe Sanh và phía Bắc bên kia sông Cam Lộ nhìn thẳng ra hướng Cửa Việt (Duyên đoàn 16 Hải Quân trước kia, nay đã bỏ) chúng tôi thấy rất nhiều ngôi sao tô đậm mực đỏ, mọc lên san sát biểu tượng chỗ đóng quân của các Sư đoàn Bắc Việt, còn lại những ngôi sao màu xanh nằm hướng Đông Nam dấu hiệu QLVNCH thuộc Sư Đoàn 3/BB trấn đóng có phần thưa thớt, đã làm cho tinh thần một số anh em có phần căng thẳng khi được trông thấy.

Nhớ lại quãng thời gian năm 1970, tôi có dịp tham dự công tác gỉai cứu người lính đơn vị LL/Đặc Biệt Mỹ ở Mật khu U-Minh tại Cà Mau, dẫn toán vào tận sào huyệt Tiểu đoàn Rạng Đông do tên thủ lãnh biệt danh Tư Lưới chỉ huy. Nhưng lần đó không làm tôi cảm thấy ưu tư như chuyến đi này, lý do vì cuộc chiến “mùa Hè đỏ lửa 72” bây giờ khác xa lúc đó. Vã lại chuyến này được cấp trên chỉ định tôi tiền sát dẫn toán xâm nhập mục tiêu (mỗi lần xâm nhập đường biển hoặc đường bộ tiền sát viên có bổn phận đi trước dò đường) Chức vụ này đã lắm phen làm tôi hú vía (ban đêm bất cứ vật gì cũng đều đáng sợ) nó cứ theo bám như hình với bóng trong mỗi lần công tác, nên cây tiểu liên gắn nòng giảm thanh luôn hiện hữu trong các ngăn tủ, đến nỗi hàng số khắc trên báng súng đã thuộc nằm lòng tựa như ngày sinh tháng đẻ của tôi. Thời gian còn ở toán Mercury thỉnh thoảng gặp lúc tr/toán Miễn vui vẻ tôi nói bông đùa, bộ ông muốn thấy thằng em mau sớm gặp bạn bè bên kia thế giới hay sao? Chuyến nào cũng vậy không hề thay đổi, chẳng những không giải quyết ông còn trả lời vắn gọn. Tao nghĩ số mầy sống lâu dẫn toán đi đầu mát tay nên chuyến nào cũng về đầy đủ, từ đó về sau miệng tôi cứng hẳn mỗi lần có dịp gặp ông, nghĩ vì “Lệnh phải thi hành” có nói ra cũng chẳng đến đâu. Buổi họp công tác sắp kết thúc lúc này tâm trí từng người hơi phần căng thẳng, sau giờ thuyết trình bất ngờ nghe Tr/ toán Thọ lên tiếng, anh em ai có ý kiến gì không? tất cả trả lời không, kế đến ông nhắc anh em đi tới bàn bên cạnh ghi lại địa chỉ tên họ thân nhân cho rõ ràng khi cần cấp báo, đồng thời đứng chờ lãnh một số quân trang cần thiết cho chuyến công tác gồm có: 2 bộ kaki màu xanh cứt ngựa (loại chính quy Bắc việt thường mặc) 2 dây lựu đạn Mini (nhỏ) giày bata, flaregun (loại hỏa châu 6 viên đeo ở cổ) còng tay và C, Ration đựng trong bịch Aluminum màu nâu đủ dùng 4 ngày. Ngoại trừ khẩu Ak 47 và 4 băng được lắp đầy đạn, áo phao chân nhái v.v… Nguyên một buổi chiều mọi người đã chuẩn bị xong xuôi mọi thứ, tới giờ kéo nhau xuống phòng ăn tối và trở lại về phòng nghỉ ngơi lấy thêm tinh thần cho sáng sớm ngày mai.

4 giờ 30 sáng ngày hôm sau tất cả nhân viên công tác có mặt đầy đủ chờ trước sân cờ BCH /Trại 9 (tức thứ hai ngày 9. 4. 72) Hai chiếc Trực thăng do phi hành đoàn người Hoa kỳ không biết từ đâu bay tới đáp xuống sân cờ bốc toán, mọi người tuần tự leo lên ngồi vào vị trí các dãy ghế trong máy bay được phi công phụ tới kiểm soát kỹ lưỡng giây an toàn từng người, trong số có cả 2 Cố vấn là Tr/ tá Anderson cơ quan tiếp cứu (JPRC) thuộc phòng 2 MacSog 80 từ Saigòn ra và Đ/úy Tom Norris (UDT seal, hiện đang làm Cố vấn cho các toán Biệt Hải) đã có mặt từ trước trên một trong số 2 chiếc Trực thăng. Cả hai máy bay cùng đồng loạt cất cánh bay lên không trung lúc 5 giờ sáng. Khi Trực thăng ở trên cao độ, mọi người cảm thấy hơi lạnh vì cơn gió đầu ngày sáng sớm tinh sương thổi xuyên qua cánh cửa máy bay hắt vào ngay mặt làm tê buốt thái dương, ngồi trong lòng máy bay giờ này có dịp nhìn xuống dưới đất thấy mọi cảnh vật vẫn chìm đắm trong sự yên tĩnh giả tạo của thời loạn ly chiến tranh, đó đây lưa thưa vài ngọn đèn đường ẩn hiện một màu vàng nhạt, giống những cặp tình nhân trong cô đơn tuyệt vọng. Đâu ngờ phút giây nầy có nhiều người cùng cảnh ngộ, đang sắp sửa âm thầm đối diện hiểm nguy bởi chiến tranh đưa tới, trong số có cả anh em chúng tôi.

Sau mấy giờ bay hai chiếc trực thăng nhanh chóng đua nhau bỏ lại Đà thành dấu yêu, vượt qua khỏi thành phố Huế lần lượt lượn quanh mấy vòng trên bầu trời thuộc Thị xã Quảng Trị khoảng 7 giờ 30 sáng, như đang tìm chỗ an toàn trước khi đáp xuống sân cờ BTL/ Tiền Phương trong. Ngồi trên cao độ lúc này có dịp nhìn xuống thấy rõ cảnh điêu tàn của làng xã kế cận, hằng trăm hằng ngàn hố bom lớn nhỏ đua nhau đào xới trên nhiều thửa ruộng khiến tất cả trở thành hoang phế, những làn khói đen tỏa mùi khét lẹt bốc cháy dở dang từ các căn nhà đổ nát do pháo của địch tàn phá đêm qua, đủ cho biết tình hình ở đây hiện đang chịu nhiều áp lực nặng nề của phía Bắc quân. Chúng tôi vội mang tất cả dụng cụ súng đạn rời khỏi trực thăng đi vào một nơi góc sân ở phía đằng trước mặt Bộ Chỉ Huy Tiền Phương tìm chỗ ngồi chờ đợi, còn Tr/ tá Anderson, Đ/ úy Tom Norris và Tr/toán Thọ cả 3 đi thẳng vào phòng hành quân họp với Tư lệnh phụ trách trấn vùng hỏa tuyến. Tất cả những hình ảnh vừa trông thấy, đã mau chóng giúp các nhân viên hình dung được mọi điều hiểm nguy những giờ kế tiếp, vài anh em lấy thuốc ra hút hầu giúp trấn an tinh thần, có lẽ thói quen mỗi khi đối diện nghịch cảnh. Tuy lúc này cả 4 anh em cùng ngồi sát kề nhưng mỗi người mang một suy tư khác nhau. Trước mặt cổng BCH là con đường quốc lộ I chạy thông vào Huế, phía bên kia đường hằng trăm lều vải màu trắng của cơ quan Hồng Thập Tự dựng lên san sát thứ tự, nơi dùng làm chỗ tạm trú nhiều ngàn dân tỵ nạn khắp thôn quê chạy về ẩn tránh. Trong thời gian anh em ngồi chờ Tr/ toán vào họp chợt thấy một vị Tướng lãnh ngang qua không hiểu sao ông dừng lại rồi hỏi, các anh có phải chiêu hồi hay không? (có lẽ vì thấy lối ăn mặc các nhân viên giống như cán binh cộng sản) Tất cả chúng tôi đứng dậy chào tay đồng loạt trả lời không. Ông vội hỏi tiếp thế đơn vị các anh ở đâu ra đây với nhiệm vụ gì? Thưa Ch/Tướng, chúng tôi thuộc LL/Biệt Hải/ SPVDH/ NKT, xuất phát từ Đà Nẵng được lệnh ra đây cứu các Phi công Hoa Kỳ lâm nạn. sau khi nghe chúng tôi trả lời, thấy ông lắc đầu tỏ dấu hiệu hoài nghi công tác. Và ông tiếp tục kể sơ tình hình của mấy Phi công Hoa kỳ hiện nay đang gặp khó khăn và lắm phức tạp, mấy ngày trước đây nhiều đơn vị đã dồn hết nỗ lực đi tìm cứu cấp, nhưng không thành công ngược lại còn mang khá nhiều tổn thất, như để muốn kết thúc câu chuyện (vài anh em đến nay vẫn còn nhớ tên “H” của ông tướng trên túi áo) theo ông các viên Phi công Hoa Kỳ này giống những xác chết không hồn, người ta muốn làm rùm beng cốt khích lệ những người còn sống hầu giúp giữ vững tinh thần chiến đấu đó thôi, chứ thật ra người chết rồi thì làm sao biết người sống hiện đang làm gì. Đồng thời ông cho anh em biết trong giờ tới một chiếc thiết giáp M- 113 sẽ chạy tới đón Toán đến điểm công tác, ngoài ra phương tiện trực thăng không thể xử dụng vì phòng không cộng sản rất nhiều, vả lại hiện tình hình quanh vùng khá phần nguy hiểm. Trước khi chia tay ông không quên cầu chúc tất cả mau sớm thành công và an bình trở về. Cùng lúc thấy Tr/toán Thọ và 2 Cố vấn Hoa Kỳ từ phòng hành quân đi ra (khoảng 10 giờ sáng) lại gặp chúng tôi cho biết sẵn sàng chuẩn bị chờ Thiết giáp M-113 tới chở. Trước đó 10 phút lên xe Lê Thanh Tất may mắn gặp được người bà con, và cùng bạn bè với tôi lúc trước theo học khóa Biệt Hải, nhưng anh bị đánh rớt vì không vượt nổi tuần lễ Địa ngục, hiện có mặt tại đây phục vụ trong đơn vị Kỵ-Binh (thiết giáp) trấn đóng vùng địa đầu Quảng Trị như anh cho biết. Cả 3 chúng tôi được gặp lại nhau trong mấy phút ngắn ngủi không kịp nói lời thăm hỏi, Định nhanh nhẹn mở đầu câu chuyện, Tao biết bọn bây sắp sửa ra vùng công tác, vì mấy thằng bạn M-113 cho tao hay chính bọn nó sẽ chở toán Biệt Hải ra vùng hoạt động, nghe đến Biệt Hải tao vội tìm tới không ngờ gặp được hai thằng mầy, rồi không bỏ lỡ Định lại thao thao bất tuyệt, hiện nay tình hình quanh vùng hết sức sôi động áp lực Cộng quân càng ngày trở nên nặng nề. Bọn mầy đi chuyến này phải ráng cẩn thận đề phòng, nãy giờ tôi đứng lặng thinh bây giờ có dịp lên tiếng, thế mầy ra đây lâu chưa? Định trả lời vắn tắt từ lúc rời Biệt Hải, trước khi chia tay từ giã Định xoay lại bồi thêm “Đ.m” không hiểu sau lần nầy tao còn cơ hội gặp lại 2 thằng mầy nữa không? rồi dặn dò Tất (người bà con) lần cuối phải hết sức cẩn thận xem chừng lần nầy khó nuốt, lúc đó ngoài hai đứa tôi còn có Châu cũng đứng cạnh đó.

Câu chuyện qua lại có thế thôi nhưng đã vô tình tác động tâm lý cho người nghe không ít nhất là những người trong cuộc. Khuôn mặt Tất cảm thấy đăm chiêu, nhưng rồi mọi ám ảnh cũng nhanh tan biến khi tiếng động cơ chiếc M 113 chạy tới càng lúc càng gần đã mau chóng đưa mọi người vào vị thế sẵn sàng. Khoảng 11 giờ trưa, Ngày 9. 4. 72 anh em nhận lệnh ra xe kể cả hành trang được chất gọn phía trong thiết vận, hai cánh cửa sắt đằng sau nặng nề đóng kín do người lính thiết kỵ đứng chờ cẩn thận khóa chặt. Tiếng động cơ M 113 nổ dòn phun ra những cụm khói màu đen khét lẹt, từng vòng xích xoay tròn nghiến chặt mặt đường, chiếc Thiết giáp từ từ di động chạy khỏi cổng BCH/ Tiền Phương hết sức mệt nhọc, hình như cả khối sắt cũng đang dỗi hờn bởi cuộc chiến dai dẳng chưa một lần nghỉ ngơi để được tu bổ. Trên chặng đường dài khúc khủyu lồi lõm do những hố bom rải rác, con cua sắt vẫn miệt mài băng đồi vượt dốc khiến đôi lúc nhả ra cát bụi bay lên mịt mùng, cuối cùng dừng lại phía sau hông Tiền đồn vào lúc 4 giờ chiều cùng ngày.

Mọi người lần lượt rời khỏi phòng thiết vận M- 113, trước mặt thấy cảnh tượng hết sức thê lương thật đúng nghĩa vùng đất đã bị chiến tranh hoàn toàn tàn phá, chung quanh gần xa không thấy bóng làng mạc ruộng vườn hoặc dấu chân người qua lại, cả đến những loài súc vật, hằng ngàn hố bom cũ-mới đào xới khiến từng góc cây ngọn cỏ nằm bật ngổn ngang khô héo khắp nơi, nhìn cảnh tang thương dâu bể hiện lên khiến lòng mọi người ít nhiều tê tái, đủ biết nỗi niềm cơ cực mà người dân miền Trung gánh chịu do chiến cuộc đưa đến chưa kể thiên tai bão lụt hằng năm cơ hàn biết bao! Ngay trung tâm đỉnh đồi thấy một cái Lô-cốt của Pháp để lại được xây kiên cố theo hình bát giác, chung quanh trổ nhiều lỗ châu mai giúp người đứng trong có thể chiến đấu hoặc quan sát địa thế phía ngoài một cách dễ dàng, nghe anh em kể lai lịch cái Lô-cốt nầy là dấu tích của những người lính Pháp để lại, sau Điện Biên Phủ thất trận tất cả cuốn gói ra đi. Hiện được một Đ/ đội thuộc Sư Đoàn 3 BB. QLVNCH, dùng làm Tiền đồn án ngữ đóng chốt kiểm soát đoạn đường huyết mạch quốc lộ 9, từ ngã Lào ngược về.

Phía Tây Bắc dưới chân ngọn đồi có cây cầu bắc qua trên con rạch nhỏ nối liền 2 đầu quốc lộ, anh em Bộ binh cho biết Công binh phe ta đã cố tình giật sập trong mấy ngày trước, mục đích cản ngăn tiến quân và tăng T 54 xâm lăng ồ ạt của các Sư Đoàn Bắc Việt, cách đó không xa khoảng mấy trăm thước hướng Tây Nam chúng tôi trông thấy 6 & 7 chiếc T 54 -ổ 72, của con cháu “bác” Hồ đã bị các đơn vị QLVNCH dùng M. 72 bắn trúng, hiện nằm ngổn ngang như những đống sắt vụn, anh em cho biết thêm nhiều xạ thủ Bắc quân bị xiềng chân vào các ổ súng, bị chết cháy trông như những con heo quay thấy thật tội nghiệp, đồng thời cho chúng tôi xem một số thư từ sách báo gửi cho Cán binh do đảng Cộng sản và hội mẹ yêu nước “bác” Hồ tâng bóc, kể cả lương khô anh em tịch thâu sau cuộc lục soát.

Nói về quân số phụ trách đóng chốt tại tiền đồn đó, gồm một Đại đội với cấp số tổng cộng trên dưới 80 người, Chỉ huy bởi một Tr/ úy Đại Đội trưởng (Thiếu Sinh Quân) thuộc Sư Đoàn 3 BB, ngoài ra Đ/ đội còn được tăng phái thêm 2 chiếc tăng loại M 48 ngụy trang rất kỹ đậu phòng thủ quanh gần lô cốt. Khi anh em Bộ Binh trông thấy toán Biệt Hải có cả 2 Cố vấn Hoa Kỳ đi theo hầu như tất cả đều vui mừng phấn khởi, xóa tan sự cô đơn trước bối cảnh hiểm nguy hiện tại, theo mọi người trường hợp bất trắc xảy đến đã có 2 người cố vấn sẵn sàng gọi máy bay đến để yểm trợ cho tiền đồn một cách dễ dàng. Qua mấy phút gặp nhau chào hỏi anh em Bộ Binh vội hối thúc chúng tôi nhanh chóng chuyển các dụng cụ vào trong Lô cốt, vì sợ đề lô cộng sản trông thấy nghe nói hằng ngày bọn nó vẫn bám sát theo dõi. Một vài người vui miệng kể cho chúng tôi biết tình hình mỗi ngày ở đây, những giờ địch quân thường pháo kích, vào mỗi sáng sớm khi anh em vừa thức dậy ra ngoài làm vệ sinh cá nhân, buổi trưa nấu ăn, và xế chiều. Ngoài ra còn nhiều đợt pháo khác trong ngày nếu chúng cảm thấy khả nghi.

Sau khi Đ/ úy Tom Norris thấy nhân viên sắp xếp xong chỗ nghỉ ngơi, ông đề nghị với Tr/ toán Thọ muốn cho toán xuất phát (lúc 5 hoặc 6 giờ chiều) không hiểu Tr/ toán Thọ suy nghĩ thế nào xoay qua hỏi ý kiến Châu (Châu cho biết) Có lẽ nghĩ anh là người hiện thâm niên nhất trong số chúng tôi. Châu liền góp ý các hoạt động Biệt Hải xưa nay chỉ chuyên xâm nhập về đêm, thành công hay không đều dựa vào yếu tố bất ngờ. Nhưng với tình hình hiện nay cũng như lộ trình di chuyển xem ra không mấy dễ dàng nhất là đang lúc ban ngày, một điều cũng đáng quan ngại hiện quân Bắc việt quá đông cả mấy S/ Đoàn chính quy từ Bắc mới vào, chúng đang kiểm soát từ tuyến Khe sanh dọc về Quốc lộ 9 và có thể còn lan sang những vùng lân cận, sợ sẽ phát giác nhanh chóng bởi các trạm gác hoặc những chốt của chúng trước khi toán chưa đến được mục tiêu. Nghe sự giải thích hợp lý Tr/ toán Thọ mau mắn bỏ ngang ý kiến do Tom Norris đề nghị, đồng thời quyết định cho toán khởi hành tối nay, riêng anh em còn lại không có ý kiến, vội tìm cách lo giải quyết bao tử trước khi mặt trời sắp lặn. Ăn uống xong xuôi kiểm kê lại các trang cụ cần thiết mang theo tối nay đặc biệt súng đạn đầy đủ, mặt trời hướng Tây thật sự đã ẩn trốn sau những dãy núi nhấp nhô. Nghe anh em nhắc đến Khe Sanh hiện chúng đang dùng làm chỗ để giam giữ các đơn vị QLVNCH khá đông, thỉnh thoảng vẫn thấy nhiều nhóm nhỏ quân ta tìm cách vượt trốn về, và được anh em tiền đồn đón tiếp. Đúng 7 giờ tối toán chuẩn bị khởi hành, bỗng dưới chân đồi cách lô cốt khoảng độ hơn 1000 thước (ước tính theo tầm mắt, trông khá rõ ràng vì hiện đang là mùa hè cho dù mặt trời đã tắt vẫn còn nhìn được) thấy xuất hiện một đoàn xe Tăng T 54 và Molotova của Cộng quân không biết bao nhiêu cái, tất cả đều bật đèn lên sáng trưng nối đuôi nhau chạy trên quốc lộ 9 hướng thẳng về Tiền đồn của Đại đội và toán trú đóng, hầu như chúng không biết sợ máy bay oanh tạc hoặc pháo binh QLVNCH, tác xạ khi sắp gần tới cây cầu đơn vị công binh giật sập trước đó, lập tức đoàn xe Tăng T 54 chuyển hướng băng qua nhiều ngọn đồi chạy thọc sâu vào địa giới Quảng Trị. Thấy vậy tất cả nhân viên lầm bẩm chửi thề mẹ kiếp toán sắp sửa xuất hành, đã bị cô hồn Bắc quân đến áp đảo tinh thần. Và ngày hôm sau cũng vậy, lúc 2 giờ chiều từng đoàn Molotova phát xuất từ hướng cửa Việt cũng lần lượt tiến vào, chúng băng qua nhiều cánh đồng hoang sát nách tiền đồn không xa một cách thản nhiên chẳng hề kiêng sợ làm cát bụi bay lên mịt mờ. Nói tóm lại trong khoảng thời gian này quân Bắc Việt vẫn liên tục thường xuyên di chuyển. Nhất là những ngày toán Biệt Hải có mặt tại đây, điều làm mọi người ngạc nhiên không ít, ngày lẫn đêm không hề nghe tiếng máy bay hoặc pháo binh phe ta bắn tới yểm trợ tiền đồn. Vì thế tình hình quanh vùng ngày càng trở nên căng thẳng đến mức tồi tệ. Vào giờ phút linh cảm không vui thế nầy, đa số đều nhờ hơi thuốc “Bastos” xanh giúp trấn an tinh thần. Cho đến hôm nay, dù cuộc chiến đã trôi qua trên 30 năm kể từ tháng 4, 72. Nhưng mỗi lần có dịp nghĩ tới chuyến công tác Biệt Hải ngày đó, cá nhân tôi không khỏi hết lòng cảm phục biết ơn sự hy sinh cao độ của anh em Đ/ Đội thuộc Sư Đoàn 3 B/B trấn đóng trên Lô cốt tuyến đầu quốc lộ 9 Cam lộ (sông Miếu Giang) Quảng Trị năm nào. Phải công nhận sự dũng cảm gan dạ các anh, dù phải chiến đấu trong giây phút cô đơn tuyệt vọng nhưng lòng vẫn sắt son quyết tâm ở lại để bảo vệ vùng địa đầu của miền Nam trong những giờ phút nguy ngập.

(Những ngày sang đây may mắn đọc được tài liệu công tác “BAT-21” giúp biết nhiều chi tiết và tên tuổi của những người phi công một thời được toán Biệt Hải giải cứu gồm: Đại úy phi công Mark Clack và Trung Tá phi công Hambleton. Theo tài liệu viết khi xác định được điểm Tr/ tá Hambleton ẩn trốn, vào lúc 9 giờ tối ngày 2. 4. 72. Không Quân Hoa kỳ đã lập một vùng “Cấm hỏa lực” (No fire zone) quanh vị trí phi công Tr/ tá Hambleton bị hỏa tiễn SAM bắn rơi với đường kính 27 cây số. Vùng cấm hỏa lực này bao trùm hầu hết các vị trí QLVNCH đang bị địch tấn công, nên vì thế các Đơn vị QĐVNCH không còn được máy bay và pháo binh yểm trợ như thường lệ. Đây là cơ hội bằng vàng đã giúp Bắc Việt chuyển quân vào các tỉnh của tuyến đầu lãnh thổ miền Nam một cách rầm rộ nhanh chóng mà không e sợ. Như đã viết ở trên, Khiến các điểm đóng quân của Sư Đoàn 3 BB sau đó không lâu đã bị cộng quân tràn ngập)

Gần 8 giờ tối, màn đêm bắt đầu buông xuống sắp phủ kín cảnh vật chung quanh, nhường chỗ cho những sinh vật sở trường hoạt động về đêm, trong đó có toán Biệt Hải. Tối nay toán áp dụng đội hình di hành hàng dọc mỗi người cách nhau 3 thước theo thứ tự chỉ định ở phòng thuyết trình: Tiền sát dẫn toán đi đầu gồm có: Tôi và Tất, cách 15 thước Tr/ toán Thọ, Tom Norris, còn Châu đến K đi sau hậu vệ. Riêng Tr/ Tá Andy Anderson nhận nhiệm vụ ở lại tiền đồn làm trục 3 liên lạc giữa thám thính L 19 với toán công tác cùng các phi công Hoa kỳ đang ẩn trốn trong vùng đất địch.

8 giờ 20 tối, toán bắt đầu rời khỏi tiền đồn dưới sự hướng dẫn của người lính gác, vượt qua nhiều vòng kẽm gai mìn bẫy phòng thủ quanh căn cứ. Nhờ vào buổi chiều lúc vừa tới tôi có dịp nhìn sơ địa thế. Nên giờ này tìm hướng lộ trình dẫn toán đi xuống bờ sông Miếu Giang cảm thấy không mấy khó khăn (sông Miếu Giang khoảng cách đôi bờ cách nhau ước chừng 800 hoặc 900 thước, ban ngày đứng bên này bờ Nam có thể trông thấy hơi rõ từng gốc cây ở phía bên kia bờ Bắc) Sông được chia thành nhiều nhánh đặc biệt dòng nước được chạy cực mạnh theo nhịp độ thủy triều lên xuống, đứng dưới bờ sông nhìn lên quốc lộ 9 mọi người không thể biết khoảng cách bao xa? Lý do trời tối nên tầm nhìn giới hạn, hơn nữa nhiều cây to cao mọc lên san sát nên đã che khuất phía trước, những lúc thinh vắng anh em vẫn nghe rõ được từng tiếng ho hoặc tiếng khua động từ chỗ Sư đoàn đóng quân bộ đội cộng sản dội lại. Bầu trời về khuya cảnh vật trở nên tịch mịch thinh vắng lạ thường, ngoại trừ tiếng côn trùng rên xiết, tựa như oan hồn “sinh Bắc tử Nam” làm mọi người trong cuộc cảm thấy len lén nỗi buồn cô đơn khi nghĩ đến thần chết vẫn quanh quẩn đâu đây? Một vài loài chim đậu yên ngủ trên các nhành cây vụt bay tán loạn khi bị đánh thức. Vô tình làm cả toán giật mình nằm lại vì tưởng bị địch phát giác theo dõi, di hành ban đêm cảm thấy có nhiều khó khăn bất cứ tiếng động nào cũng có thể tạo ra cảm giác lo sợ, bởi bị hạn chế tầm nhìn duy chỉ tin tưởng vào thính giác giúp mọi người phán đoán sự việc xảy ra cấp thời, những lúc như vậy đã làm hai tiền sát viên hết sức phân vân, tưởng tượng những sự không may có thể đưa tới bất ngờ. Giúp tôi nhanh chóng nảy sinh ý kiến vội vàng thay đổi lộ trình dẫn toán đi xuống dọc theo mé nước sâu ngang đầu gối đôi lúc gặp phải chỗ trũng lên tận tới ngực, tuy có phần chậm hơn nhưng chắc chắn không gây tiếng động hoặc không để lại dấu vết giúp chúng dễ dàng theo dõi.

Đúng 12 giờ 30 (nửa đêm) tất cả đến được mục tiêu không biết toán đã đi được vào sâu bao nhiêu cây số. Sau khi tìm các bụi cây gần đó ẩn núp đồng thời chú ý nghe ngóng về hướng trên quốc lộ 9 mà hiện cộng sản đóng quân cũng như phía dưới dòng sông. Vì trước giờ khởi hành Tr/ toán cho biết tối nay một trong hai người phi công sẽ từ chỗ ẩn trốn thả trôi ra theo dòng sông, trong khoảng thời gian từ 12 giờ đến 3 giờ sáng, mọi người cố để mắt quan sát và nhanh chóng tìm cách đón họ một khi phát giác. Đêm nay cả vùng trời tối đen (giống đêm 30 tết) một vài vị sao lưa thưa lấp lánh tựa như ánh sáng của loài đom đóm lẻ loi bay đêm, trên các đọt cây lớn nhỏ không hề lay động chứng tỏ thời tiết miền Trung sắp sửa bước sang hè nóng nực oi bức, khiến cảnh vật chung quanh tịch mịch một cách đáng ngại. Ngoại trừ hơi thở nhè nhẹ từ người đồng đội nằm kế cận hòa lẫn tiếng nước róc rách của dòng thủy triều đang hồi chảy xiết ra hướng đại dương. Bỗng chính giữa dòng sông tôi bất chợt phát giác có chấm đen trôi xuống rất nhanh mỗi lúc một gần, bập bềnh theo dòng nước đang chảy cuồn cuộn chỉ vài phút sau đã thấy chấm đen trôi ngang chỗ tôi và Tất (sở dĩ thấy trước vì hiện đang nằm vị trí đầu trong cùng) kể cả tiếng thở phì phào khá rõ xuất phát từ chính vật đen nhưng có phần hơi yếu. Thấy vậy tôi vội ra dấu cho Tất bò nhanh tới thông báo Tr/ toán Thọ biết để kịp thời quyết định, ít phút sau Tom Norris mang chân nhái nhanh nhẹn một mình phóng xuống lội theo, độ 20 phút thấy ông lội trở lại vị trí của toán, có lẽ vì dòng nước trên đà chảy mạnh đã cuốn vật đen đi xa nên không theo kịp. Tất cả sự việc xảy ra trong khoảnh khắc nên anh em chẳng ai đủ thời gian để kịp hành động. Dù vậy vẫn án binh bất động chờ đợi lệnh lạc, tuy không nói ra nhưng mọi người đều nghi ngờ vật đen lúc nãy có thể một trong hai viên phi công nương theo dòng nước trôi ra, không may vuột khỏi tầm tay chờ đợi của toán. Coi như cơ hội hiếm hoi đã bị đánh mất, lúc này mọi người lại nghe rõ tiếng đối thoại giữa Tom Norris và Tr/ tá Anderson, có lẽ đề cập vấn đề diễn biến vừa mới xảy ra. Kể từ lúc phát hiện vật đen đã gần 30 phút trôi qua, Tr/ Toán Thọ cho lệnh anh em rút lui, nhìn mặt đồng hồ dạ quang điểm hơn 2 giờ sáng. Trên đường đi ra toán vẫn theo lộ trình cũ đi dưới mực nước, nhưng vẫn hết sức cảnh giác đề phòng nhất là những chỗ nghi ngờ, điều đã làm mọi người quan tâm không ít hiện giờ trời quá tối hơn nữa cây cối rậm rạp thế này, lỡ lọt vào điểm kích của chúng chắc chắn hoàn toàn lãnh đủ. Theo như tin một số dân trong vùng di tản về cho biết, bọn chúng đang tung ra nhiều nhóm truy tìm gắt gao các phi công Hoa Kỳ ẩn trốn trong vùng. Phần tôi từ lúc phát giác vật đen và nghe tiếng thở giống người trôi ra, đầu óc luôn ám ảnh thắc mắc và tự hỏi không biết vật đó phải người hay không? Nên bụi cây nào sắp sửa đi ngang tôi càng để tâm chú ý quan sát, tuy biết niềm hy vọng lúc này hết sức mong manh. Kể từ khi toán nhận lệnh rời điểm kích đến giờ thời gian đã gần một tiếng, thoạt nhiên thấy có bụi cây phía trước nằm sát mé sông cách chỗ tôi từ 8 đến 10 thước cả thân cây lung lay khiến mặt nước quanh đó giao động, lạ lùng hơn nữa những cây kế cận vẫn đứng yên tĩnh nên làm tôi giật mình hoảng sợ. Với giác quan nhạy cảm tôi ra dấu Tất biết cả hai đồng loạt nằm xuống nấp sau mô đất, cùng lúc Tất nhanh nhẹn chuyền cho người kế tiếp để kịp thời cùng dừng, trở lại cả 2 cùng chăm chú nhìn về hướng bụi cây khả nghi lắng nghe theo dõi, 10 phút hồi hộp trôi qua nhận thấy ngay điểm phát giác tình hình vẫn một mực yên tĩnh.

Tôi thầm thì với Tất hãy chú ý theo dõi và yểm trợ nếu cần. Tao tìm cách bò sát mục tiêu xác định lại vị trí, không thể nằm chờ đây mãi vì trời sắp sáng đến nơi. Cùng lúc tôi xoay nòng súng Ak.47 nhắm thẳng hướng mục tiêu, ngón trỏ sẵn sàng lãy cò nếu xảy ra đột biến. Khi khoảng cách hai bên thâu ngắn, nhận thấy bụi cây hồi nãy lại rung lên mỗi lúc một mạnh, đồng thời nghe tiếng người phát ra yếu ớt “No, No” bằng (English) từ dưới góc cây, làm tôi không còn phân vân nghi ngờ gì nữa, đích thực viên phi công Hoa kỳ mà chúng tôi đang vượt mọi hiểm nguy tìm kiếm để cứu, hiện tại đang ôm gốc cây cách xa tôi 5 thước, ngược lại lúc này người phi công Hoa Kỳ đã thực sự trông thấy cả hai đứa tôi, nhưng vì hình ảnh những toán bộ đội cộng sản tìm bắt đã in sâu tâm trí khiến ông tỏ ra hoảng sợ, một phần đói khát lâu ngày trong thời gian ẩn trốn nên tinh thần sa sút. Khi xác định mục tiêu có phần chắc chắn tôi nằm lại chỗ cốt để mắt theo dõi hành động, không dám kinh động vì sợ viên phi công hốt hoảng trở lại buông khỏi gốc cây lần nữa trốn theo dòng nước, hoặc bản năng tự vệ có thể dùng súng colt trong người bắn trả lại. Hiện tôi đã trông thấy lờ mờ viên phi công, phía trên đỉnh đầu dùng khăn quàng cổ ngụy trang phủ kín đến cổ, hai tay ôm chặt lấy góc cây lom khom dưới mức nước sâu đến lồng ngực, mấy phút sau tôi ra dấu Tất trở lại phía sau trình Tr/ toán biết gấp sự việc, không lâu Tr/ toán và Tom Norris cả hai tiến lên. Tôi chỉ vào chỗ bụi cây phát hiện viên phi công đang đứng, khi Tom Norris định được vị trí vội vàng lên tiếng, bất ngờ người phi công từ trong bụi cây nhanh nhẹn bò ra cùng lúc cả hai quỳ xuống ôm chầm lấy nhau, giống như đôi bạn cách xa lâu ngày bỗng nay gặp lại hết rức mừng rỡ, tiếng đứt quãng từ người phi công nghẹn ngào thốt ra “Thank, Thank” làm mọi người hết sức phấn khởi. Có lẽ ông quá xúc động sau 10 đêm ngày đói khát phần bị bộ đội cộng sản truy bức, tưởng sớm muộn gì cũng sẽ bị bắt không ngờ nay được cứu sống qua sự hy sinh của bạn bè và Đồng Minh chiến tuyến. Nỗi vui mừng nào có thể sánh bằng hai chữ Tự do, tưởng đã vĩnh viễn mất đi bỗng nay tìm được, riêng toán Biệt Hải đây là phần thưởng tinh thần vô giá, đã vượt tất cả khó khăn nguy hiểm hoàn thành công tác đêm đầu, càng gây niềm tin cho những chuyến kế tiếp. Dù vậy thời gian không thể cho phép ở lâu tại đây, Tr/ toán cho lệnh tất cả rời khỏi chỗ nầy càng sớm càng tốt, quanh đây hiện vẫn trong phạm vi đóng quân của S/ Đoàn bộ đội cộng sản. Khiến mọi người không dám coi thường còn bổn phận phải bảo vệ đưa người phi công ra chỗ an toàn.

Vào lúc 7 giờ sáng. Ngày 11. 4. 1972 tất cả toán cùng người phi công Hoa kỳ về được dưới triền đồi Lô cốt thuộc vùng đất Tự do. Hiện thời sức khỏe của ông bết bát không thể tự đi, nên anh em kẻ trước người sau thay phiên cõng ông chạy thẳng lên dốc tiền đồn, vì sợ đề lô Cộng sản trông thấy sẽ pháo kích tới, đến nơi thì hầu như tất cả đều cảm thấy thấm mệt vì suốt đêm không ngủ. Khi tất cả bình an ở ngoài cổng gác một số anh em Đại đội đầu tiên trông thấy vội chạy ra phụ dìu người phi công đặt vào trong Lô cốt tránh sự dòm ngó của địch. Vài nhân viên mau mắn đi tìm những gói cafe trong các hộp C, Ration lấy pha nước nóng đưa cho viên phi công Hoa kỳ thể hiện tình chiến hữu, cầm ly cafe trên tay thấy hai mắt ông đỏ hoe rơi lệ, có ở hoàn cảnh nầy mới biết tình chiến hữu nghĩa đồng đội hết sức thắm thiết.

10 giờ sáng cùng ngày, một chiếc thiết vận M 113 xuất hiện không biết từ đâu chạy đến đậu sẵn phía sau Lô cốt dùng làm phương tiện chở người phi công Hoa Kỳ về vùng an toàn. Kể như chuyến đầu toán đã hoàn thành nhiệm vụ. Sau khi người phi công thật sự rời khỏi địa điểm Lô cốt, mọi người tìm khẩu phần cá nhân C, Ration ăn uống qua loa, đi tìm giấc ngủ hầu mong lấy sức tiếp tục cho chuyến đêm nay. Phần tôi tìm nằm ở góc phía trong Lô cốt, cảm thấy mệt mỏi nhưng không tài nào chợp mắt vì những ám ảnh của tối đêm qua. Đến 2 giờ 30 chiều (không nhớ chính xác) nghe loạt đạn đầu do địch pháo tới phát nổ rền vang chung quanh vòng tuyến những trái còn lại trúng rãi rác trên các miệng hầm cá nhân (bunker) khiến cả lô cốt rung chuyển liên hồi sau mỗi đợt nổ, mọi người đang ở phía trong kể cả tôi xách súng hốt hoảng chạy ra ngoài hầm phòng thủ vì sợ Cộng sản kéo tới tấn công ban ngày. Cùng lúc mấy người lính bộ binh dìu Tr/ tá Andy Anderson và Tr/ toán Thọ từ ngoài đi vào đặt trong Lô cốt tìm cách băng bó vết thương, trên áo quần cả hai lúc này thấm ướt đầy máu, ở góc Lô cốt Tom Norris liên lạc máy vô tuyến tìm phương tiện di chuyển chở các thương binh trở về hậu cứ.

(Theo lời thuật của một số anh em B/ Binh cho biết, khoảng 2 giờ chiều họ thấy hai người đứng trên miệng hầm phòng thủ (Banker) cầm ống nhòm quan sát địa thế, có thể đề lô cộng sản trông thấy nên chúng kêu pháo tới)

4 giờ chiều hôm đó một chiếc thiết giáp M 113 khác chạy tới chở hai người bị thương rời khỏi tuyến công tác thể theo lời đề nghị của Tr/ toán Thọ muốn Châu cùng theo giúp săn sóc vết thương. Như vậy kể như tối nay toán mất hết hai nhân viên cộng thêm người trực máy liên lạc là Trung Tá Anderson, còn lại tất cả 4 người. Không ngờ sự việc xảy ra ngắn ngủi chiều nay đã làm thay đổi hoàn toàn chương trình công tác như toán dự liệu, riêng cá nhân tôi thì rất phân vân cộng với hình ảnh các đoàn xe Molotova và T 54 cộng quân ngày đêm di chuyển quanh vùng đã phần nào ảnh hưởng đến mặt tâm lý. Tóm lại tình hình tại đây mỗi ngày càng trở nên tệ hại không kể nhiều đợt pháo của địch.

Tối nay 4 người còn lại tiếp tục nhận phận sự đi vào giải cứu Tr/ tá Hambleton, nghe nói ông đang bị thương khá nặng hiện ẩn trốn sâu trong vùng của địch kiểm soát thời gian đã 11 ngày qua, sức khỏe lúc này trở nên yếu kém không thể di chuyển xa được. Nên nhân viên tìm cách đi vào gần chỗ ông ẩn trốn. Đồng thời Đại úy Tom Norris sẽ thay Đại Úy Thọ quyền Trưởng toán đêm nay, đã làm tôi và Tất cả hai đi đầu giật mình tỏ ra áy náy nghĩ đến vấn đề ngôn ngữ, lỡ trường hợp xảy ra trên đường di chuyển không biết lệnh lạc ra sao? Nên càng lo sợ (không ngờ chính đây là điểm gây ngộ nhận cho Tom Norris, trong tài liệu BAT- 21 mà cả tôi và Tất không hề hay biết mãi đến bây giờ).

Ngày 11.4.72, Tối nay Tom Norris cho toán khởi hành có phần sớm hơn vào lúc 7 giờ, bên ngoài bầu trời vừa nhá nhem mọi người được lệnh sẵn sàng rời Tiền đồn, đội hình như cũ không thay đổi ngoại trừ số nhân viên lần nầy ít hơn, tiền sát đi đầu gồm: tôi, Tất, đến Tom Norris hậu vệ K, đêm nay lộ trình di hành từ điểm xuất phát xuống mé bờ sông có phần thay đổi vì e ngại mìn bẫy của chúng, nên tôi đi lệnh cách hướng tối qua 40 chục mét, suy nghĩ biết đâu qua bọn chúng chẳng theo dõi sự di chuyển của toán. Sau mấy giờ lần theo đường bờ sông tất cả 4 người tới được điểm hẹn vào lúc 11 giờ đêm, trước giờ khởi hành nghe K nói lại lời của Tom Norris, phi công Hambleton sẽ theo dòng nước trôi ra tương tự như phi công Mark Lack đêm qua. Rút kinh nghiệm của chuyến vừa rồi, nên lần nầy anh em tỏ ra cẩn trọng chú ý nhiều hơn. Thời gian 2 giờ trôi qua toán đến được địa điểm, tất cả 4 người cố nằm chờ đón, nhưng vẫn không thấy tông tích Hambleton thả theo dòng nước như đã cho biết, mặc dầu lúc nầy nước thủy triều đang hồi chảy mạnh. Bỗng Tom Norris cho biết hiện Hambleton không thể rời khỏi vị trí ẩn núp vì vềt thương quá nặng và ra hiệu mọi người rút lui, cả toán đi lần về được tới trong vòng đai tiền đồn lô cốt (lúc gần 4 giờ sáng) kể từ lúc đó tôi và Tất không còn thấy Tom Norris mà chỉ nghe qua lời K nói lại, họ sẽ đi trở ngược lại bờ sông Miếu giang tìm kiếm ghe, trong khi hai đứa vẫn ngồi lại tiền đồn chờ đợi lệnh mới, tuyệt nhiên từ đó đến sáng không thấy hai người trở lại.

Sáng hôm sau, Ngày 13. 4. 72 lúc 9 giờ. Thấy K từ ngoài đi vào gọi chúng tôi xuống bờ sông giúp cõng Hambleton lên, nhìn thấy thân hình viên phi công tương đối khá cao và gầy, ở chân bị một vết thương khá lâu không thuốc men, làm chung quanh vết thương nhầy nhụa và da thịt trở thành màu tím. Từ mé bờ sông ngược lên hướng Lô cốt đường đi khá dốc, nên ba nhân viên Việt Nam thay phiên người trước kẻ sau phụ cõng và nâng hẳn hai chân, khi đặt ông nằm được phía trong Lô cốt thì áo quần mọi người ướt đẫm do ánh nắng gay gắt của buổi sáng đầu ngày. Chiều hôm đó anh em được lệnh rời khỏi Tiền đồn trở về lại BCH/ Tiền Phương, Quảng Trị. Đầu tiên gặp lại một số anh em B/B làm việc tại các phòng nhân viên hành quân, tất cả lấy làm ngạc nhiên khi nghe tin toán Biệt Hải đạt được thành công, vì trước đó mấy ngày hầu như mọi người kể cả vị Tướng Lãnh không mấy kỳ vọng. Từ khi nhận lệnh thi hành chuyến công tác cứu các phi công Hoa Kỳ lâm nạn trên sông Miếu giang, Cam Lộ thuộc quốc lộ 9 Quảng Trị, tháng 4 năm 1972 (mùa hè đỏ lửa) Đến nay thời gian thấm thoát đã trôi qua trên 30 mươi năm, cá nhân tôi cũng như số anh em tham dự, chẳng hề để ý hoặc quan tâm tìm hiểu đến tên tuổi những người phi công mà mình có dịp giải cứu. Tự nghĩ đây là nhiệm vụ chung của người lính QLVNCH có bổn phận giúp đỡ người bạn Đồng Minh Hoa Kỳ, chẳng may gặp phải hoạn nạn trong lúc góp sức chiến đấu bảo vệ quê hương miền Nam Tự do khỏi bị rơi vào ách thống trị cộng sản. Hơn nữa chính đây là một phần của tiền đồn chống cộng “Thế giới Tự do” như một số nhân vật tên tuổi từng đề cập mỗi khi có dịp. Sau lần công tác giải cứu phi công Hoa Kỳ ở Cam Lộ Quãng Trị, chúng tôi được nghỉ phép mấy ngày trở lại đơn vị, 28 anh em trong số có tôi và Tất cùng với 3 Sĩ quan gồm Chỉ Huy Trưởng Thiếu tá Nguyễn Hữu Hùng, Đại úy Vũ Ngọc Thọ và Trung úy Trần Văn Từ (gọi Từ đen ở LĐ/ Người Nhái vừa mới thuyên chuyển ra) tất cả 32 người được lệnh về Bộ Chỉ Huy Nha Kỹ Thuật (Saigòn) trình diện, lập thủ tục An-Ninh tiếp gửi theo học khóa đặc biệt UDT seal ở Căn cứ Subic Bay, Hải Quân Hoa Kỳ tại Philippine. Chương trình huấn luyện về kỹ thuật đổ bộ vào bờ, gồm loại tàu ngầm bỏ túi mỗi cái chỉ chở được 4 người đặt trong submarine “the USS GRAYBACK” ban đêm đẩy ra ngoài sân tàu ngầm giới thiệu nhưng chưa thực tập.

Ngày đầu tiên toán Biệt Hải sắp sửa bước xuống tàu ra khơi thực tập được một Sĩ quan Mỹ phụ trách hướng dẫn cho biết chi tiết về chiếc “USS GRAYBACK” qua lời thông dịch Tr/ úy Đào Văn Tuyên (cựu trưởng toán Romulus) quân số thường trực trong tàu, tổng cộng 105 nhân viên gồm 97 thủy thủ và 8 Sĩ quan do một Trung tá hạm trưởng, đồng thời chỉ dẫn phòng cấp cứu (Emergency) khi tàu bị tai nạn dưới độ sâu làm thế nào thoát ra an toàn, phòng chứa các đầu đạn ngư lôi, cách thức lấy nước rửa mặt (mỗi người chỉ được một ly) và vệ sinh cá nhân sử dụng các nút bấm hơi (air) vấn đề ăn uống thì rất thoải mái nếu cảm thấy đói đồ ăn lúc nào cũng có sẵn, mọi sự di chuyển đều bị hạn chế nếu không phận sự, điều nên nói ở đây vì tàu thường xuyên di chuyển dưới độ sâu nên hay bị ảnh hưởng sức ép của nước, dù mệt mỏi ngủ mê thế nào cũng bắt buộc thức dậy lấy tay bịt mũi giảm áp nếu không sẽ bị chóng mặt nhức đầu (có thể ra máu ở mũi) hoặc gây khó thở, ngày đêm chỉ cần nhìn vào bóng đèn (vàng ngày, đỏ đêm) v.v… Những giờ về đêm nhân viên Biệt Hải thường được các UDT Seal hướng dẫn lội ra ngoài huấn luyện xuất phát từ cửa tàu ngầm được gọi phòng ướt (wet room) chia từng toán nhỏ mang bình hơi dưới quyền điều khiển huấn luyện viên của UDT Seal, lặn sâu xuống các lườn tàu của Thiết giáp hạm hoặc Khu trục hạm đậu neo trong vịnh Subic Bay, tập thám sát những vị trí đặt hệ thống bơm nước ra vào hầu giúp tránh được nguy hiểm sức hút cực mạnh của nước, vì tính tò mò muốn biết nên tôi và Châu ra dấu cho nhau, chờ cơ hội huấn luyện viên lội qua cả hai cố nán lại nối cả 4 cánh tay ôm đo ống láp chân vịt để biết lớn nhỏ thế nào, nhưng không thể hết được vì đường kính của láp quá lớn, còn 4 cánh chân vịt mỗi cánh dài hơn hai sãi tay (tức trên 10 feet).

Những ngày cuối tuần nghỉ huấn luyện tất cả Biệt Hải được UDT seal dẫn lên thăm viếng các Hàng Không Mẫu Hạm đang đậu cặp bến bảo trì, được người Sĩ quan trực trên tàu đưa chúng tôi đi khắp nơi quan sát, từ hầm máy cho đến sân đáp máy bay có nhiều sợi giây cáp (cable) bắc ngang dùng để kéo giữ máy bay lại mỗi khi đáp xuống, hầm bảo quản máy bay, nơi ăn chốn ở, cấp số thủy thủ kể cả nơi làm việc của Tư lệnh, với những chiếc ghế gắn bánh xe được điều khiển tự động chạy qua lại trên các tuyến đường rầy trong phòng điều khiển của Đại tá Hạm trưởng v.v… Thời gian theo học giữa tháng Tư đến 11. 8. 1972 dự định sau khi xong khóa tất cả sẽ được gửi trở ra lại hoạt động miền Bắc, như tin tức cho biết trước khi rời khỏi Việt Nam, theo chúng tôi nghĩ nếu lúc đó không xảy ra biến động chính trị tại Hoa Thịnh Đốn, thì chưa biết tính mạng anh em bây giờ ra sao? Vì trong thời gian này Hạm Đội Hoa Kỳ đang phong tỏa Hải Cảng Hải Phòng. Ngày mãn khóa có sự hiện diện của Đại Tá Giám Đốc Đoàn Văn Nu và một số Sĩ quan cao cấp Nha Kỹ Thuật từ Sai gòn sang dự, sau ngày đó tất cả được lệnh trở lại Việt Nam và luôn đặt trong tình trạng chờ đợi (trong thời gian anh em Biệt Hải theo học, một số các cựu Biệt Hải thuyên chuyển về Đoàn & Sở NKT trước đây, nhận được tin đã làm đơn xin tái trở lại hoạt động) Điều đáng tiếc chuyến giải cứu phi công Quảng Trị nếu đem so sánh chuyến Biệt Kích Mỹ nhảy xuống ở Sơn Tây Bắc Việt vào lúc 21 giờ 44 phút sáng, ngày 21. 11. 1970, để giải cứu tù binh Mỹ xét ra cũng không quá tệ, ít nhiều vẫn thấy thành công. Nhưng đa số nhân viên chẳng một ai nhận được mảnh giấy khen chê bỏ túi, ngược lại một số ít xem đó là của riêng cá nhân, xử sự thiếu tính chất thành thật.

Mãi đến hôm nay tình cờ đọc được tài liệu công tác ”Bat- 21″ tại sông Cam Lộ, do một vị N/Trưởng của Sở sưu tầm gởi tới, cũng như tận mắt xem được cuốn Film tựa đề BAT- 21 trình chiếu trong chương trình Cable, biết tất cả sự việc diễn tiến của chuyến công tác đều sai sự thật, đồng thời giúp anh em trong cuộc càng hiểu thêm mặt trái của một số người chỉ biết dựa vào sự hy sinh kẻ khác. Riêng những phi công anh hùng năm xưa từng được giải cứu từ vùng Cam Lộ Quảng Trị, có bao giờ để tâm nghĩ tới phút giây buồn vui ngày đó hay không? Có lẽ những người bị thua thiệt nhiều nhất vẫn là các chiến sĩ QLVNCH, đã bị bức tử bắt buộc phải thua trận hiện đang kẹt lại Việt Nam dưới dạng công dân loại 2 của chế độ bạo tàn Cộng sản.

Mục đích viết bài này chỉ muốn nói lên sự việc và những điều trông thấy, hầu làm sáng tỏ phần nào chuyến công tác bí mật “BAT- 21” Và xin thành tâm gửi lời ủi an đến bạn bè trong chuyến Cam Lộ xấu số kẹt tại quê nhà, ngoài ra không có ý tưởng gì khác. Chúng tôi vẫn xin được gói ghém trọn vẹn hai chữ “Âm Thầm” như những ngày còn trong khói lửa trước cuộc chiến 75.

P.T