Thiết Thạch Tâm Can Cô Nguyễn Thị Giang (1906–1930), (“thiết thạch tâm can” chữ đặt của nhà cách mạng Phan Bội Châu)
“Tiếng ai rao lụa in là chị Giang,
Ôi, một thân đầy gian nan, để cứu nước dân lâm cảnh khốn cùng. Vậy ta đồng theo kịp bước, báo tin cho chị tường tri. Cùng chồng cho chị tạng mắt. Kẻo đớn đau phút giây lìa tan…
– Chị Giang… – Chị Giang…!”
(Trên đây là khúc ca trước 1975, rất cảm động, xin lỗi, người viết không nhớ tên tác giả)
Thơ của Cô Giang: Tuyệt Mệnh Thi
Thân không giúp ích cho đời!
Thù không trả được cho người tình chung!
Dẫu rằng đương độ trẻ trung,
Quyết vì dân chúng thề lòng hy sinh.
Con đường tiến bộ mông mênh,
Éo le hoàn cảnh buộc mình biết sao!
Bây giờ hết kiếp thơ đào,
Gian nan bỏ mặc đồng bào từ đây!
Dẫu rằng chút phận thơ ngây,
Sổ đồng chí đã có ngày ghi tên;
Chết đi dạ những buồn phiền,
Nhưng mà hoàn cảnh truân chuyên buộc mình!
Đảng kỳ phấp phới trên thành,
Tủi thân không được chết vinh dưới cờ.
Cực lòng nhỡ bước sa cơ,
Chết sầu chết thảm có thừa xót xa!
Thế ru! Đời thế ru mà?
Đời mà ai biết? Người mà ai hay?
Nguyễn Thị Giang
Thơ của người biên soạn:
Cô Giang Tuẫn Tiết
Cây Đề quán nước chỗ… trùng hoan
Uống bát trà xanh vọng… Thổ Tang
Phát súng tuẫn thân: tia chớp đỏ
Hương linh liệt phụ: ánh sao vàng
Tình nhà tha thiết niềm cao cảm
Nợ nước ngậm ngùi nỗi ngổn ngang
Dân, Quốc lầm than… cam vĩnh biệt
Ân cần đồng chí… gắng chu toàn…!
Nguyễn Minh Thanh khấp tác
Lũ Khốn Kiếp,
Quần áo tử thi chẳng mặc vào
Khám xong chúng để… thế là sao?
Tóc tai rũ rượi đàn ruồi đậu
Thân thể hanh hao lũ kiến cào
Khốn kiếp pháp y bầy dã thú
Ác đồ mật thám bọn ung bào
Thương luân bại lý đời nguyền rủa
Hậu bối xem xong bỗng nghẹn ngào!
Nguyễn Minh Thanh khấp tác
Cô Giang (1906–1930), tên đầy đủ Nguyễn Thị Giang, là một nữ lưu cách mạng. Cô tham gia chống thực dân Pháp và là vợ của Ông Nguyễn Thái Học – Đảng Trưởng Việt Nam Quốc Dân Đảng. Cô là người tỉnh Bắc Giang, con của Ông Nguyễn Văn Cao và Bà Nguyễn Thị Lưu, em ruột Nguyễn Thị Bắc, tức Cô Bắc.
Gia nhập đội ngũ kháng Pháp:
Cô Giang (1909-1930) Sau khi học xong lớp Nhất, Cô Giang cùng chị ruột là Cô Bắc (Nguyễn Thị Bắc) được nhà ái quốc Nguyễn Khắc Nhu kết nạp vào tổ chức, và rồi gia nhập Việt Nam Quốc Dân Đảng của Ông Nguyễn Thái Học.
Vào một buổi chiều từ Phú Thọ về xuôi, sau khi hội họp xong với các đồng chí, hai người đã ghé Đền Hùng, Cô Giang và Ông Nguyễn Thái Học vào đền thờ Tổ để cùng thề hẹn…
Theo Nhượng Tống, thì trong buổi ấy, Cô Giang đã xin Nguyễn Thái Học trao cho một khẩu súng lục, và hứa rằng:
“Nếu Học chẳng may chết vì tổ quốc, thì Giang cũng xin lấy khí giới này mà chết theo chồng!”
Trong Việt Nam Quốc Dân Đảng, Cô Giang giữ chức Tổng Thư Ký của đảng. Cô cùng chị là Cô Bắc phụ trách việc tuyên truyền, làm binh vận và liên lạc giữa các cơ sở Đảng ở Bắc Giang, Bắc Ninh, Phú Thọ, Vĩnh Yên, Yên Báy… Và bất cứ ở nơi đâu, hai chị em đều hoàn thành nhiệm vụ một cách xuất sắc.
Khi công cuộc chuẩn bị Tổng Khởi Nghĩa chưa hoàn tất, thì cuối năm 1929 tại Bắc Giang, một cơ sở chế bom bị tai nạn phát nổ. Và đầu năm 1930 giặc Pháp lùng bắt giữ nhiều đảng viên đồng thời khám phá ra rất nhiều cơ sở chế tạo vũ khí khác.
Trước tình hình bất lợi, Ông Nguyễn Thái Học cho triệu tập hội nghị khẩn cấp, quyết định tiến hành khởi nghĩa tại nhiều nơi vào đêm mùng 09, rạng ngày 10 tháng 2 năm 1930.
Chị em Cô Giang nhiệm vụ vận chuyển vũ khí từ Phú Thọ lên Yên Báy bằng xe lửa. Họ giả làm người buôn bán gạo, hoa quả… với những gồng gánh cồng kềnh nhưng phía dưới là mã tấu, lựu đạn và súng ống…
Khởi nghĩa VNQDĐ thất bại:
Cuộc khởi nghĩa thất bại, Ông Nguyễn Thái Học cùng nhiều đồng chí nòng cốt của ông, trong đó có Cô Bắc đều bị giặc bắt. Nghe tin chồng bị bắt ngày 20 tháng 2 năm 1930, Cô Giang đã nghĩ đến kế hoạch táo bạo là tấn công nhà tù Hỏa Lò (Hà Nội) để giải thoát cho Ông Nguyễn Thái Học và các người khác.
Kế hoạch chưa kịp thực hiện, thì ngày 16 tháng 6 năm 1930, Cô Giang nghe tin giặc Pháp đã đưa Ông Nguyễn Thái Học và 12 đồng chí từ Hà Nội lên Yên Báy (Yên Bái ngày nay), để xử chém vào ngày hôm sau là ngày 17/06/1930.
Tức thì, Cô cải trang, giấu khẩu súng lục trong người rồi đi tàu hỏa lên đó xem xử. Xong, lặng lẽ trở về phòng trọ viết hai bức thư tuyệt mệnh trên trang giấy khổ nhỏ, bằng bút chì xanh.
Lá thư thứ nhất gửi cho cha mẹ Ông Nguyễn Thái Học. Lá thứ hai gửi cho chồng nơi chín suối.
Viết xong thư, Cô Giang ra chợ mua khúc vuông vải trắng, thắt ngang đầu để tang chồng. Rồi đáp tàu hỏa về Vĩnh Yên, làng Thổ Tang, quê Ông Nguyễn Thái Học, ngay buổi chiều tối hôm đó.
Tuẫn Tiết:
– Đêm 17 tháng 6, Cô Giang về Thổ Tang, nhưng không ghé nhà Ông Nguyễn Thái Học vì mật thám bao vây. Cô đến nhà Dì ruột của Nguyễn Thái Học. Qua người Dì, Cô nhắn với gia đình Ông Nguyễn Thái Học là Cô sẽ tuẫn tiết theo chồng. Và nhờ người Dì trao một đồng hồ quả quít có giây chuyền vàng cho gia đình Nguyễn Thái Học, rồi từ giả mọi người.
Vào sớm, ngày 18 tháng 6 năm 1930, trên đường đi Cô ghé quán trà bên gốc Cây Đề nằm ở ngã ba đường. Nơi đấy, Cô và Ông Nguyễn Thái Học từng nghỉ chân, trò chuyện. Quán trà thuộc xã Đồng Vệ, cách làng Thổ Tang chừng một cây số.
Sau khi uống bát nước trà xanh, từ biệt bà chủ quán, Cô đến đứng dưới gốc Cây Đề, mắt nhìn về hướng làng Thổ Tang và tự kết liễu đời mình qua mang tai bằng khẩu súng lục mà Ông Nguyễn Thái Học tặng Cô ở đền Hùng!
Bấy giờ, Cô mặc áo dài trắng, quần lụa thâm, đầu vấn khăn tang.
Đó là ngày 18/06/1930. Khi ấy, Cô đã có thai mấy tháng. Tên tri phủ Vĩnh Tường trình tỉnh khám qua, rồi báo về Hà Nội cho mật thám đem pháp y tới khám lại.
Trong lúc khám nghiệm, chúng thu hai lá thơ. Do tên ký “Nguyễn Thái Học phu nhân”, chúng biết là Cô Giang. Nên chúng tìm cách trả thù nơi tử thi.
Sau khi lột quần áo ra khám nghiệm xong, chúng không mặc trả lại. Và còn để thi hài bộc lộ dưới ánh nắng, dưới nước mưa, dưới sự bâu hút của ruồi, nhặng, đến hai, ba hôm, rồi mới cho mai táng! (theo Nhượng Tống Hoàng Phạm Trân).
Chuyện, giống chuyện Ông Phạm Hồng Thái. Năm 1924, sau khi vớt được thi hài Ông cặp bờ sông Châu Giang bên Tàu, giặc Pháp không cho chôn cất liền, mà để ruồi bâu kiến đậu đến mấy ngày! Bị cư dân phản đối và nguyền rủa thậm tệ, chúng mới cho mai táng!
Tới đây, hậu sinh xin kết thúc “Sử buồn Tiểu truyện” với câu đối, kính cẩn dâng vị Nữ Lưu Lẫm Liệt:
“Quí thể điêu tàn…, anh thư hy sinh trân trọng tình Tổ Quốc…!
Phương danh trường cửu…, nữ lưu tuẫn tiết thiết thạch nghĩa phu thê…!”
Viễn xứ đêm dài không ngủ… Cố quốc trùng trùng mây bay…
Nguyễn Minh Thanh kính bút
(Georgia, Mother’s Day 2021)