Bà Nguyễn Thị Nhuận, một điều dưỡng viên hiện đang làm việc tại Nam Úc, đã kể lại một câu chuyện trên VnExpress, nghe đến nát lòng!
Bà được bệnh viện gửi đến nhà một người Úc khuyết tật, bị bại liệt hai chân, để giúp chăm sóc thường ngày, giúp ông tắm rửa, ăn sáng, dùng máy nâng ông vào ghế tắm và đặt lại giường nằm. Vừa làm, bà vừa giải thích cho ông biết, nhân viên ngày thường đến chăm sóc ông hôm nay bị bệnh nên bà được cơ quan y tế cử đến thay thế.
Bỗng nhiên bà nghe ông hỏi, bà đến Úc lâu chưa?
Bà trả lời:
-Thưa ông, mới hai năm nay và tôi đến từ Việt Nam!
Nghe chưa dứt hai tiếng Việt Nam, ông già Úc bỗng giận dữ quát to, một cách thô lỗ:
-Mày ra khỏi nhà tao ngay! Ra ngay!
Người điều dưỡng viên trong câu chuyện này ấp úng:
-Nhưng, ông đang trong nhà tắm…
-Không! Ra ngay, ra ngay!
Bà Nhuận nhẫn nhục để ông trên ghế tắm, khoác cái áo choàng cho ông và đi ra gọi điện báo về văn phòng. Họ bảo bà cứ yên tâm ra về, họ sẽ cử người đến làm tiếp và an ủi bà:
-Đừng coi đó là chuyện của riêng bà!
Bà Nguyễn Thị Nhuận kể lại: “Tôi cảm thấy tủi thân, trào nước mắt. Tôi mới từ Việt Nam qua với tâm trạng tuy mình còn kém tiếng Anh, nhưng người Việt Nam cũng ‘nổi tiếng anh hùng, dũng cảm, thông minh, sáng tạo…’ Bà cũng chẳng có tội tình gì với ông già, được đến để chăm sóc ông, và cũng tự đánh giá mình là người tử tế. Nhưng tại sao lại bị đối xử như vậy? Chẳng lẽ chỉ vì bà là người Việt Nam?”
Lẽ cố nhiên người điều dưỡng viên trong câu chuyện này không được bệnh nhân cao niên kia giải thích vì sao ông lại khinh miệt một người Việt đến như thế! Có thể trước đây, một người Việt Nam nào đó đã làm những điều xấu xa, hay đối với ông tồi tệ thế nào, khiến giờ đây ông ghét tất cả người Việt.
Cơ quan y tế cử bà Nguyễn Thị Nhuận đến giúp đỡ cho người đàn ông Úc cao niên kia đã an ủi bà: “Đừng coi đó là chuyện của riêng bà!”
Phải, câu chuyện này không phải là của riêng bà, một người Việt đang làm việc tại Úc mà của tất cả thanh danh của người Việt đang ở nước ngoài. Người ta cũng mường tượng ra, một người Việt Nam nào đó đã đối xử xấu xa hay làm một điều gì đó khiến cho một người Úc căm giận đến thế?
Du học ở Úc, bà Nguyễn Thị Nhuận cũng đã được bạn bè, ngay cả những người Châu Á, than phiền về lối sống vô trách nhiệm của sinh viên Việt tại đây, biết đến những thanh niên Việt Nam đang can dự vào các tội buôn bán ma túy tại nơi đã cưu mang họ, và bà cũng mới nghe tin hai người Việt bị bắt vì tội trộm cắp ở Thụy Sĩ.
Cũng như chúng ta, bà Nguyễn Thị Nhuận lâm vào hoàn cảnh này hẳn phải tức giận và xấu hổ, trăn trở tự hỏi: “Ai đã làm cho đất nước chúng ta lâm vào cảnh trái ngang này?”
Câu kết luận của bà Nguyễn Thị Nhuận là: “Có lẽ mỗi ngày tôi và các bạn nên nhìn thẳng vào tấm gương thực (chứ không phải những tấm gương nịnh mặt) để thấy những vết nhọ của mình.” Khi mà mặt mình mang nhọ, đừng nghĩ là không ai thấy, có ra đường thì chớ vênh váo thêm nhục!
Bạn thử đứng vào vị trí một nhân viên quan thuế tại phi trường Changi, Singapore, khi cầm sổ thông hành của một cô gái Việt mới đến đây, mà không thể không liên tưởng đến chuyện tối nay, anh có thể gặp cô này trên con đường Joo Chiat Road tấp nập của Singapore. Hay một nhân viên phi trường Nhật nào đó cầm một cái sổ thông hành Việt Nam trong tay, mà không nghĩ đến bao nhiêu người Việt, kể cả các quan chức là lũ ăn cắp, buôn lậu. Không phải không có lý do hay phát biểu hồ đồ mà Tổng Giám Mục Tổng Giáo Phận Hà Nội Ngô Quang Kiệt đã phát biểu: “Chúng tôi đi nước ngoài rất nhiều, chúng tôi rất là nhục nhã khi cầm cái hộ chiếu Việt Nam, đi đâu cũng bị soi xét, chúng tôi buồn lắm chứ!” Thay vì nhìn nhận sự thật, “soi gương” thì chính quyền Hà Nội, thông qua truyền thông Việt Nam, đã bắt bẻ, đặt vấn đề về lòng yêu nước của ông, cuối cùng áp lực cho ông được về hưu sớm hơn so với kế hoạch.
Sau Tháng Tư, 1975, dân Bắc, ai đi Nam về cùng có chung một nhận xét “trẻ con trong Nam hầu như rất ít nói bậy và viết những điều tục tĩu lên tường nơi công cộng, đi đâu về nhà thì lễ phép cung kính vòng hai tay thưa gửi người bề trên. Đặc biệt, ngoài đường, xe cộ nếu có đụng chạm thì cũng không dẫn đến xô xát, chửi bới nhau như ngày nay.”
Sau năm 1975, “đất lành chim đậu,” nhiều đợt di dân mới ồ ạt từ Bắc vào Nam, tạo điều kiện cho Nam Bắc gần gũi nhau, nhưng cũng chính từ đó, thói hư tật xấu dễ lan tràn, đồng hóa hơn là học hỏi được điều tốt, và ngày nay cái tên “thành phố Hồ Chí Minh” cũng lấm lem không thua gì Hà Nội.
Sau Cách Mạng Tháng Mười, 1917 của Nga, nhà văn Maxim Gorki đã có nhận xét rằng “cuộc cách mạng đã có tác dụng tích cực lật đổ được chế độ phong kiến, nhưng với sự nắm quyền và quản lý xã hội của giai cấp vô sản ít học, nước Nga sẽ phải đối đầu với một tình trạng còn nguy hiểm hơn, đó là ‘lâm nguy văn hóa.’” Đó là Việt Nam ngày nay.
Muốn cải cách văn hóa, giáo dục, lối sống, cũng như của mọi công cuộc cải cách khác, trước hết phải cải cách chính trị, nói chung là thay đổi chính quyền. Từ đâu mà từ nửa thế kỷ nay vấn đề đạo đức – văn hóa – giáo dục của đất nước chúng ta trở nên tồi tệ như hôm nay, và hai tiếng Việt Nam trở thành một mối bận tậm, hổ thẹn của người Việt Nam, khi đi ra nước ngoài!
Tôi xin kể một câu chuyện nhỏ mới xẩy ra đây thôi. Ba năm nay, ở Kuala Lumpur, thủ đô Malaysia, vào dịp lễ Quốc Khánh 2 Tháng Chín, tòa đại sứ CSVN đều tổ chức một buổi tiệc “buffet” và mời đại diện đại sứ quán các nước khác và người lao động Việt Nam ở Malaysia tham dự. Buổi tiệc chưa bắt đầu, trước con mắt của quan khách ngoại quốc, dân Việt Nam đã nhào vào bàn tiệc lấy thức ăn, đến mức khách tham dự không còn gì ăn, tạo ra một khung cảnh hỗn loạn vô cùng xấu hổ.
Năm sau, rút kinh nghiệm, tòa đại sứ tổ chức hai nơi, một ngoài trời và một trong hội trường cho quan khách. Người Việt Nam sau khi đã ăn ở ngoài trời, lại nhào vào hội trường vơ vét thức ăn. Vừa xấu hổ và vì danh dự, đại diện tòa đại sứ Việt Nam tại đây phải chắp tay xin lỗi quan khách!
Câu chuyện đạo đức hôm nay không phải là chuyện đạo đức mà chúng ta trước kia đã có và đã nói tới, mà chính là thứ đạo đức được nhồi nặn trong chủ nghĩa Cộng Sản, thứ “đạo đức cách mạng” sản xuất từ ngay vận nước suy vi, mùa Thu 1955, khi mà dân tộc Việt Nam “vô phúc” nhập cảng nhầm cái chủ nghĩa độc hại, không khác gì thực phẩm độc hại giết người của Trung Cộng hiện nay, là chủ nghĩa Cộng Sản.
Đó cũng là từ ngày hai tiếng Việt Nam được kẹp đôi và gắn bó với cái tên Hồ Chí Minh, như bài hát của “đứa con bất hiếu” Phạm Tuyên, mà những tên ăn bả của Việt Cộng đã nhảy cỡn lên mà reo hò trong các đại hội “Việt Kiều:” “Việt Nam – Hồ Chí Minh!” “Việt Nam – Hồ Chí Minh!”
Chúng ta đã rõ! Cái tên Việt Nam chưa bao giờ nhận được sự bẽ bàng, khốn khổ, khinh miệt từ ngày nó được ghép theo cái tên Hồ Chí Minh!
Huy Phương