Nến và hoa trên quảng trường Cộng Hòa (République) tưởng niệm các nạn nhân vụ khủng bố 13/11/2015.REUTERS/Christian Hartmann |
Trong năm nay, tính tới ngày 13/11/2015, nước Pháp đã bốn lần là mục tiêu tấn công khủng bố. Sau vụ thảm sát tại tòa soạn của tờ báo trào phúng Charlie Hebdo và vụ tấn công nhắm vào một siêu thị của người Do Thái ở Vincennes hồi tháng Giêng, đến tháng 06/2015 tại vùng Isère, miền trung nước Pháp, một doanh nhân bị chặt đầu, hai người bị thương. Vào mùa hè vừa qua, suýt nữa đã xảy ra tai họa trên chuyến xe lửa cao tốc Thalys từ Amsterdam đến Paris. Thứ Sáu vừa qua, máu lại đổ ngay giữa lòng thủ đô Paris. Mỗi đợt tấn công đó đều có bàn tay của tổ chức Nhà nước Hồi giáo-Daech.
Có nhiều yếu tố giải thích vì sao Pháp liên tục phải đối mặt với các vụ tấn công nói trên. Thứ nhất, Pháp đã bước lên tuyến đầu chống quân thánh chiến tự nhận là « Nhà nước Hồi giáo ». Tổ chức này đã chiếm giữ Raqqa, miền bắc Syria và Mossoul, thành phố lớn thứ nhì của Irak, mở rộng địa bàn hoạt động tại hai nước này.
Từ tháng 09/2014, dưới sự chỉ huy của Hoa Kỳ, Pháp đã cùng với Anh, Úc, Canada, Jordani, Maroc và nhiều quốc gia trong vùng Vịnh tham gia liên minh quốc tế tấn công vào Daech. Cho đến cuối tháng 8/2015, Paris không còn giới hạn các phi vụ oanh kích nhắm vào tổ chức này tại Irak, mà đã mở rộng chiến dịch quân sự sang Syria.
Về phần Daech, từ hơn một năm nay đã đề rõ mục tiêu : sát hại bằng mọi phương tiện công dân của những quốc gia nào chống lại tổ chức Hồi giáo cực đoan này. Pháp không phải là quốc gia duy nhất trên thế giới tham gia hủy diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo, và cũng không năng động như Mỹ hay một số quốc gia khác trong khu vực vùng Vịnh, thế nhưng về mặt địa lý, Pháp ở trên đất liền, không như Anh Quốc, nên dễ bị tấn công hơn. Còn Mỹ thì ở quá xa những điểm nóng Syria hay Irak.
Ngoài Trung Đông, quân đội Pháp còn đang có mặt tại nhiều nơi ở Châu Phi như Mali hay Trung Phi, với nhiệm vụ duy nhất : bài trừ tận gốc rễ các nhóm Hồi giáo cực đoan. Nói tóm lại, trong mắt Daech, Pháp là kẻ thù số 1 trong cuộc chiến chống những kẻ « phản đạo ».
Lý do thứ hai được các chuyên gia nêu lên để giải thích vì sao nguy cơ của Pháp cao hơn so với các quốc gia khác cũng tham gia liên minh chống Daech, đó là vì Pháp có một đội ngũ tham gia thánh chiến đông đảo hơn cả bất cứ quốc gia nào khác. Theo thống kê của bộ Nội vụ, có hơn 520 thanh niên quốc tịch Pháp, hay thường xuyên cư ngụ trên lãnh thổ Pháp, đã sang Irak và Syria để được huấn luyện và chiến đấu trong hàng ngũ của Daech. Khoảng một nửa trong số đó, sau một thời gian, đã trở về. Hiện vẫn còn có khoảng 700 thanh niên Pháp tìm đường sang Syria hay Irak.
Theo giới điều tra chống khủng bố, thủ phạm vụ khủng bố hụt trên chuyến tàu cao tốc Thalys hồi tháng 8 vừa qua đã từng được huấn luyện tại Syria, tương tự như trường hợp của Mehdi Nemmouche, thanh niên mang quốc tịch Pháp đã nổ súng tại bảo tàng Do Thái ở Bruxelles vào tháng 05/2014, làm 4 người chết. Cảnh sát Pháp cũng tin chắc là Amedy Coulibaly, thủ phạm vụ bắt con tin và thảm sát ở siêu thị của người Do Thái tại Vincennes, sát cạnh Paris hồi tháng 01/2015, cũng từng được Daech huấn luyện. Bạn gái của Coulibaly hiện đang ẩn náu tại Raqqa, cứ địa của tổ chức Nhà nước Hồi giáo ở Syria.
Sau cùng, Paris là « kinh đô ánh sáng », là địa điểm du lịch nổi tiếng và hấp dẫn nhất thế giới,. Đánh vào Paris là đánh vào một biểu tượng của cả một nền văn minh Tây phương. Mục tiêu của quân khủng bố là gây chú ý, bàng hoàng trong công luận. Đó là chưa kể, hình ảnh của một nước Pháp tự do, tôn trọng nguyên tắc của một Nhà nước thế tục, không có những cấm kỵ về tôn giáo, hình ảnh của một xã hội cởi mở, với những phong cách sống phóng khoáng, là những gì mà các phần tử cực đoan Hồi giáo không thể chấp nhận được.
Thanh Hà