Nhà văn Văn Quang
Người ở lại Sài Gòn.
Chỉ đọc đề tựa vài bài phóng sự của ” Văn Quang viết từ Sài Gòn”, người ta đã thấy bộ mặt trăm chiều lầm than, khốn khó của “ hiện thực xã hội” hoàn toàn không có màu tím, có chăng chỉ một màu đen:
“… Xã hội đen, xã hội đỏ „, „Người nghèo phải chết „, „Một kiểu tra tấn quái đản nhất thời đại“, „Chỉ có người dân cười không nổi“, „Án bỏ túi áo” và “án bỏ túi quần”,“ Thuế nuôi vịt“ vv..
Giữa lúc nhiều ngòi bút lặng câm, bặt tiếng hay chỉ viết vu vơ những dòng thơ, văn “ ru mình, ru đời”, giữa thời buổi báo chí, văn nghệ bị kiểm soát, canh giữ khe khắt, nhà văn Văn Quang đã không ngần ngại cầm bút viết về các đề tài “ nhạy cảm”.
“Vâng, tôi sống như vậy đấy. Chẳng có gì phải che giấu, chẳng có gì phải khiếp sợ nữa. Còn gì nữa đâu mà khiếp sợ và tôi không làm điếu gì xấu, không “phá hoại”… thì cứ lừng lững mà làm. “Danh chính ngôn thuận” và “đường ta ta cứ đi”. Cái gì có thật thì tôi viết. Không bới móc lung tung, không phao tin đồn nhảm. Quyền phê phán là của người dân. Quyền bất bình cũng là của người dân về những điều có thật đã và đang xảy ra.”
(Gió O phỏng vấn nhà văn Văn Quang-2007)“
Qua “Ngã tư hoàng hôn” độc giả hẳn phải ngạc nhiên trước sức sống bừng dậy của ngòi bút tưởng phải cạn kiệt sau 12 năm bị giam hãm chốn tù đày.
Vẫn còn đó tình người vượt lên trên lòng hận thù, đưa chút ánh sáng hy vọng đến những cảnh đời bi đát .
Nhiều nhà văn lớn Miền Nam trước 75 như Nguyễn Thụy Long, Hoàng Hải Thủy, Duyên Anh… đã viết về xã hội đen, về những mảnh đời giang hồ, về kiếp “ ngựa hoang”, đôi khi quá tàn khốc, dữ dội như khắc câu “ hận đời đen bạc” lên những trang giấy.
Qua các tác phẩm của nhà Văn Quang, dù được viết trước 75 hay sau 75, tính nhân bản, thuần lương, lương tâm, lẽ phải… luôn có trên từng trang sách, để người ta có thể tiếp tục hy vọng, tiếp tục cất bước, dù thật phân vân, không biết đi về đâu, vì như đang đứng giữa “ Ngã tư hoàng hôn”.
(Dương Hoàng Mai)
NHÀ VĂN VĂN QUANG