Tình thầy trò giữa tôi và giáo sư Nguyễn liên Dung bắt đầu ngày khai trường vào năm Đệ Nhị (lớp 11). Chúng tôi, ba cây kim, Kim Dung, Kim Khanh, Kim Loan không có dịp gặp nhau trong mấy tháng hè nên tíu tít trò chuyện. Đã vậy, lại chọn ngay bàn đầu, nghĩ bụng, ngồi mé bên này, không thẳng bàn giấy của cô nhìn xuống chắc là an toàn, tha hồ mà nói. Vừa nghĩ đến đấy, tôi bỗng nghe giọng vang lên, “Ba em kia, tên là gì mà cười nói như ong vỡ tổ… Mặt cứ đỏ bừng bừng như là tăng-xông.” Câu mắng dễ thương quá làm cả ba tuy hãm lại không dám cười to mà vẫn còn khúc khích… Tôi âm thầm xin lỗi, “Cô ơi em xin lỗi. Kiểu mắng của cô sao dễ thương quá !!!
Tôi không có dịp về thăm trường sau khi tốt nghiệp năm 1971. Đến khi gặp lại cô trong buổi họp mặt TV ở tư gia của cô Đức, đón mừng cô Phương Chi từ Úc qua Mỹ chơi, tôi gợi chuyện, “Cô ơi, em đây! Ba con bé cười nói huyên thuyên ngay ngày đầu niên học, át cả tiếng của cô nên bị cô mắng: mặt lúc nào cũng đỏ như là tăng-xông.” Cô còn nhớ không? Cô vui vẻ nhận, “Cô nhớ chứ!”
Trường trung học La Quinta, nơi tôi làm việc, ở gần nhà cô nên ngày ngày, cứ sau giờ tan học, tôi phóng xe thẳng tới nhà cô thăm viếng hàn huyên chuyện cũ mới. Trong một lần kể chuyện ngày xưa, tôi biết tin thầy Bùi Thái Trừu, giáo sư toán tại Nguyễn Trãi lại là thầy của chồng tôi nên tình thầy trò càng thêm thắm thiết. Có lần tôi hỏi thêm về đời sống Trưng Vương của cô bắt đầu như thế nào, cô kể cô đã học Trưng Vương thời trung học. Trong thời gian đó, có những năm gián đoạn vì phải chạy tản cư về làng Dị Sử, huyện Mỹ Hào, thuộc tỉnh Hưng Yên. Đến năm hai mươi tuổi, cô theo gia đình về thành và tiếp tục Trung Học Đệ Nhị cấp ở Đỗ Hữu Vị, xong Tú Tài toàn phần cô lên Cao Đẳng Sư Phạm.
Sau khi vào nam, cô dạy tiểu học trước, sau đó chuyển lên dạy ở Trưng Vương. Khóa đầu tiên là 1953-60, và cô tiếp tục học đại học Văn Khoa, ngành Sử Địa rồi tốt nghiệp Cử Nhân Sử Địa năm 1968. Năm 1978 cô chuyển qua dạy học tại Petrus Ký.
Đó là những nét chính về cuộc đời mô phạm của cô Liên Dung. Khi gặp nhau trên đất Mỹ, thầy trò không chỉ nhắc đến kỷ niệm cũ. Cô Liên Dung lưu tâm nhiều đến xã hội, và giáo dục nên đề tài trao đổi mở rộng hơn, kể cả việc tôi và cô trao đổi sách đọc rồi cùng thảo luận. Hai tác phẩm chúng tôi điểm nhiều nhất là “The Naked Communist” by W. Cleon Skousen, liên quan trực tiếp đến sự thay đổi của xã hội Mỹ và “The Power of Presence”, vấn đề của tâm linh, by Kristi Hedges.
Cô Liên Dung rất yểm trợ tôi khi tôi mở những Khóa Hội Thảo Giáo Dục cho Cộng Đồng (Educational Seminar), huấn luyện phụ huynh cách nuôi dạy con trên đất Mỹ. Cô không bỏ buổi nào cả. Tôi rất quý những ghi nhận và đóng góp xây dựng của cô nên giữ làm kỷ niệm. Khi nghe tin cô mất, tôi lần mở những mẩu thư cô gửi, bùi ngùi đọc lại …
Cô Liên Dung không ốm vặt và rất thích nấu nướng. Ngày nào tan trường ghé cô được, tôi kềnh ra Sofa, đánh một giấc. Tỉnh dậy, có khi cô hâm cho cái bánh ngọt Givral, khi thì cô cho ăn bắp luộc… Cô ăn chay trường nên thức ăn của cô thanh đạm nhưng không nhạt nhẽo. Cô làm món trứng chiên bắp tươi bào ngon tuyệt!!! Biết cô ăn chay nên mỗi năm gói bánh chưng ăn tết, tôi không quên gói riêng cho cô một cái bánh chưng chay. Lâu lâu có thì giờ, tôi bày vẽ làm bánh dầy đậu và bánh gai biếu cô. Cô thích lắm.
Sở thích của cô đơn sơ như vậy đó. Bên trong con người nhỏ bé, mỏng manh như cô, tôi tìm thấy cả một kho tàng kiến thức tổng quát nên thầy trò cứ nói chuyện hoài mà không bao giờ hết đề tài. Có khi hai thầy trò đi chợ, lăng quăng xem món này món nọ …hoặc ra Sunset beach ngắm trời đất bao la rồi nghĩ đến ngày mai…
Khi cô vào ở boarding home của một người quen tôi, tôi thường xuyên ghé thăm cô, đem biếu cô tàu hũ nóng và những món bánh tôi làm. Có năm, vườn nhà nở nhiều hoa thiên lý, tôi hái hoa đem vào cài lên tóc cô và các cụ ở chung… Tình thầy trò cứ thế tiếp nối trong khung cảnh sống mới.
Cô cứ nói hoài, “Em ơi, cô muốn về với các cụ. Sống đã đủ rồi…” Mỗi khi nghe như thế, tôi lại gạt đi, “Cô ơi đừng nghĩ đến nó. Nó sẽ đến vì mỗi người đã cầm trên tay cái vé từ lúc chào đời. Chỉ có khác nhau trước sau thôi cô ạ.
Vâng, cái vé định mệnh của cô đã đến giờ khởi hành. Trong những món cô để lại, chắc chắn có tình thầy trò của đại gia đình Trưng Vương và của tôi nữa, người học trò được cô bảo là “thương nhất và gần gũi với cô nhất”.
Khi ghi lại cảm tưởng của mình về người thầy kính yêu của thời trung học, tôi xin kèm theo những dấu kỷ niệm của giáo sư Nguyễn Liên Dung và tôi, học trò Đặng Thị Kim Dung, TV 64-71, với lời cầu nguyện chân thành, “Xin cho linh hồn cô Nguyễn Liên Dung sớm được tiêu diêu Miền Cực Lạc.”
Đặng Thị Kim Dung, TV 64-71 (aka Trịnh Kim Dung)
Cô cài hoa Thiên Lý
Cô cài hoa Thiên Lý
Đặng Thu Hằng, em gái Kim Dung (TV65-72), GS Nguyễn Liên Dung, Kim Dung, Đàm Thu Phương (TV 64-71. Canada)
Cô ăn tàu hũ nóng
Cô ăn tàu hũ nóng
Dr. Weber, Professor, Fullerton University, Kim Dung, GS Liên Dung, Ngọc Dung+Bùi Thị Nhơn (TV64-71) & Nha Sĩ Mai Loan (Nữ Trung Học Gia Long). Hội Thảo Giáo Dục 2012.