Đã từ lâu lắm, tôi muốn viết về nhạc vàng; không phải là dưới góc nhìn của những ‘chứng-nhân-lịch-sử’ (những con người sinh ra, lớn lên và trưởng thành, yêu, chia tay, nhớ thương và ghét hận cùng với những lời ca, giai điệu ấy), mà bằng góc nhìn của một người trẻ chào đời khi đất nước không còn trong cơn binh loạn, chỉ biết đến dòng nhạc ấy qua những băng, đĩa, tài liệu còn sót lại.
Tôi không hẳn là say mê nhạc vàng như cách mà tôi say mê các dòng nhạc khác, nhưng những giai điệu quen thuộc của nhạc vàng đã đi cùng tôi, từ khi tôi còn nhỏ xíu, nghe bập bõm tiếng được tiếng mất những câu ca, tiếng nhạc ấy từ chiếc cát-xét cũ kĩ cùng mớ đĩa thu lậu của ba. Dù biết còn nhiều thiếu sót, nhưng tôi cũng xin gắng viết bài gì đó về nhạc vàng, để tri ân những nhạc sĩ, ca sĩ, những người đã cống hiến cả đời cho nền âm nhạc quê hương, và cũng để trả nợ những hồi ức đẹp đẽ vẫn đã, đang và sẽ mãi đi cùng tôi.
Trong các ca sĩ nhạc vàng, tôi mê nhất là Duy Khánh. Thật ra, Duy Khánh không phải là ca sĩ nhạc vàng tôi nghe đầu tiên. Các đĩa nhạc phổ biến ở miền Nam những năm 90 là của Tuấn Vũ, Trường Vũ, Randy… những giọng ca được ưa chuộng vào lúc đó. Sau này, khi tôi được coi là tạm lớn để hiểu chút-gì-đó – thứ mà sách giáo khoa nhà trường, thầy cô giáo chưa bao giờ dạy tôi – về nỗi buồn đau đáu của người xa quê cha đất mẹ, về nỗi buồn của sự phân ly vì thời cuộc, của mẹ già tiễn con, vợ trẻ chờ chồng… và có chút kiến thức để tìm kiếm, để đọc và hiểu, tôi mới nghe và cảm được Duy Khánh.
Duy Khánh được xem như một trong những ca nhạc sĩ tài hoa bậc nhất của nền tân nhạc Việt Nam trong thập niên 60. Người ta vẫn có tâm lý xem thường giọng hát của các ca sĩ nhạc vàng, vì cho rằng nhạc vàng là thứ nhạc dễ hát. Điều này là hoàn toàn sai lầm. Lấy trường hợp của Duy Khánh làm điển hình. Ngày đó, ở Sài Gòn các ca sĩ hát được giọng Ténor khá hiếm, giọng Ténor của Duy Khánh còn đặc biệt bởi độ ngân vượt quá sự tưởng tượng của mọi người. Theo lời kể lại của các nhạc sĩ danh tiếng như Phạm Duy, Trầm Tử Thiêng thì giọng của Duy Khánh có thể ngân dài đến 21 nhịp và chuyển từ thấp lên cao, vượt hai bát độ một cách nhẹ nhàng. Lại lấy thêm bản Vọng Ngày Xanh của Khánh Băng làm ví dụ, bản này vốn được xem là rất khó hát ngày đó (ngoài lề xíu, bản này đã được nữ văn sĩ Françoise Sagan viết lại lời bằng tiếng Pháp). Vọng Ngày Xanh nổi tiếng nhất qua tiếng hát cao vút của Thái Thanh. Các giọng nam thì cũng chỉ có Hùng Cường và Thanh Hùng (cũng là hai giọng Ténor khác) và Duy Khánh mới ‘dám’ trình bày. Nghe kể lại, Duy Khánh có lần trình bày bản “Vọng Ngày Xanh” đã ngân đoạn kết lâu đến nỗi khán giả vỗ tay tán thưởng đến lần thứ tư mà tiếng ngân của ông vẫn còn nhẹ nhàng, dần dần mới đi vào tan biến.
Duy Khánh – tiếng thông reo trên đồi Vọng Cảnh
Trong ngày tiễn đưa Duy Khánh đi về phía bên kia của thế giới, nhạc sĩ Phạm Duy từng phát biểu “Trong giọng ca Duy Khánh, nghe âm hưởng tiếng trống cổ thành, tiếng thông reo trên đồi Vọng Cảnh”. Quả thật, có thể xem Duy Khánh như là ca nhạc sĩ của miền quê sông Hương núi Ngự, của miền Trung nghèo khổ, khó khăn. Vài chục năm đi hát, từ ngày đầu vào miền Nam lập nghiệp, đi lưu diễn cùng các đoàn nhạc hội của Hoàng Thi Thơ khắp các tỉnh miền Tây, cho đến sau này trình diễn ở hải ngoại, Duy Khánh vẫn luôn dùng giọng nói đặc rệt Quảng Trị, dù khó nghe. Bản thân ông chưa từng chối bỏ xuất thân, trái lại còn yêu thương quê hương với một tình yêu đầy hãnh diện. Hãy thử nghe ông trong một nhạc phẩm do chính ông sáng tác: “Tôi sinh ra giữa lòng miền Trung, miền thùy dương, ruộng hoang nước mặn đồng chua, thôn xóm tôi sống đời dân cày” (Tình Ca Quê Hương).
Ngự Viên có bướm hoa vàng
Hay là hài xưa yêu dấu
Đưa người đẹp ấy sang ngang
Xin anh còn giữ vẹn câu thề
Dù gió mưa về vẫn một lòng yêu mến quê
Ngày mai ta xa nhau rồi nhưng tin trong đời anh sẽ còn gặp tôi
Quê cũ mừng vui
Bao nhiêu đêm anh nằm không ngủ
Nhớ quá Mẹ hiền, nhớ quá anh em
Vẫn thấy trong tim canh cánh đường về
Vẫn thấy nơi đây chỉ là đất tạm
Thầm hẹn ngày về chết giữa quê hương
Cũng xin mượn bài hát để làm tiêu đề, và cũng làm kết thúc cho bài viết về Duy Khánh của tôi – như một nén nhang tri ân dâng lên người nghệ sĩ, đã sống, đã hát, và đã sống… với tình cảm dạt dào giành cho quê hương, cho đất nước.