Một trong những dấu hiệu rõ nhất là sự kiện Nhà Trắng Mỹ, sau khi hoài công khuyên bà Pelosi từ bỏ ý định thăm Đài Loan, vào hôm qua 01/08 đã lên tiếng cảnh báo Trung Quốc là không nên có những hành động khiêu khích quân sự nhằm đáp trả chuyến thăm Đài Loan của bà Pelosi, và không nên biến chuyến công du này thành “một cuộc khủng hoảng”.
Đối với Washington, đây không phải là lần đầu tiên mà một chủ tịch Hạ Viện Mỹ công du Đài Loan, hơn nữa, chuyến đi đó cũng không đại diện cho bất kỳ thay đổi nào trong chính sách của Mỹ đối với khu vực.
Trong cuộc điện đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần trước, tổng thống Mỹ Joe Biden đã giải thích rằng ông không kiểm soát được bà Pelosi và ông tôn trọng quyền tự quyết định của bà. Ngày 01/08, ngoại trưởng Mỹ Antoy Blinken đã nhấn mạnh trở lại nguyên tắc tam quyền phân lập tại Mỹ, với cơ quan lập pháp độc lập với hành pháp và quyết định thăm Đài Loan hoàn toàn tùy thuộc vào bà chủ tịch Hạ Viện.
Theo ông Blinken, việc các thành viên Quốc Hội Mỹ ghé thăm Đài Loan không phải là mới lạ, “kể cả vào đầu năm nay (2022)”. Trong bối cảnh đó: “Nếu chủ tịch Hạ Viện quyết định đến Đài Loan, mà Trung Quốc lại tìm cách gây nên một loại khủng hoảng nào đó hoặc làm leo thang căng thẳng, thì trách nhiệm hoàn toàn thuộc về Bắc Kinh.”
Đối với ông Blinken, nếu bà Pelosi kiên quyết đến thăm Đài Loan, thì Washington sẽ “hành động có trách nhiệm và tránh mọi động thái khiến cho tình hình leo thang”.
Điều được giới quan sát ghi nhận là bà Pelosi sẽ không phải là chủ tịch Hạ Viện Mỹ đầu tiên ghé thăm. Người tiền nhiệm của bà là ông Newt Gingrich đã từng đến Đài Bắc vào năm 1997. Tuy nhiên, phản ứng của Bắc Kinh thời đó không dữ dội như hiện nay. Một trong những nguyên nhân chính là vì bà Pelosi là một chính khách Mỹ được mệnh danh là “diều hâu” chống Trung Quốc, một nhân vật bị Bắc Kinh căm ghét vì đã không ngừng phê phán chế độ độc tài Trung Quốc kể từ ngày xảy ra vụ thảm sát Thiên An Môn vào năm 1989 cho đến nay.
Vinh danh người biểu tình ngay tại Thiên An Môn
Sinh năm 1940, bà Nancy Pelosi đã gia nhập hàng ngũ đảng Dân Chủ. Năm 1986, bà lần đầu tiên được bầu làm dân biểu tại bang California, và liên tiếp được tín nhiệm trở lại từ đó đến nay.
Pelosi đã nổi tiếng với lập trường phê phán Trung Quốc khi vào năm 1991, cùng với hai dân biểu khác, bà đã vượt qua được sự theo dõi của an ninh Trung Quốc, đến tận quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh và trưng ra một biểu ngữ nhỏ tôn vinh những người biểu tình đã thiệt mạng.
Trên tấm hình được đăng lại trên mạng Twitter, người ta thấy bà Pelosi cùng với một biểu ngữ nhỏ, màu đen vẽ bằng tay mang hàng chữ tiếng Anh và tiếng Hoa có nội dung: “Gửi những người đã chết vì nền dân chủ ở Trung Quốc (To those who died for democracy in China)”.
Công An Trung Quốc đã nhanh chóng ập đến, bắt giữ các phóng viên có mặt tại chỗ và đuổi các dân biểu Mỹ ra khỏi quảng trường. Bộ Ngoại Giao Trung Quốc sau đó đã tố cáo vụ việc là một “trò hề được dự mưu”.
Ngoài hành động can đảm vừa kể, bà Pelosi đã góp phần đề xuất tại Hạ Viện Mỹ nghị quyết lên án vụ Thiên An Môn năm 1989, được bà gọi là một vụ “thảm sát”, và từ đó đến nay vẫn liên tục lên tiếng tố cáo Bắc Kinh.
Gần đây nhất, vào tháng 6 vừa qua, bà đã ra tuyên bố kỷ niệm 33 năm cuộc biểu tình tại Thiên An Môn, gọi đó là “một trong những hành động chính trị dũng cảm vĩ đại nhất” và đả kích “chế độ áp bức” của Đảng Cộng Sản Trung Quốc.
Lên án các vụ đàn áp tại Tây Tạng, Tân Cương và Hồng Kông
Ngoài vụ Thiên An Môn, bà Nancy Pelosi cũng thường xuyên lên án hàng loạt vụ vi phạm nhân quyền và đàn áp tự do của chế độ Bắc Kinh, từ các hành vi vi phạm nhân quyền ngày càng gia tăng ở Tây Tạng, Tân Cương và Hồng Kông, cho đến các chiến dịch đàn áp nhắm vào giới đấu tranh cho dân chủ và tự do tôn giáo.
Tại cuộc gặp vào năm 2002 với ông Hồ Cẩm Đào, phó chủ tịch Trung Quốc lúc bấy giờ, bà Pelosi đã tìm cách gửi tới ông bốn bức thư bày tỏ quan ngại về việc cầm cố các nhà dấu tranh ở Trung Quốc và Tây Tạng. Ông Hồ Cẩm Đào đã từ chối nhận những bức thư này.
Bảy năm sau, bà Pelosi được cho là đã gửi một lá thư khác cho ông Hồ Cẩm Đào – lúc này là Chủ tịch Trung Quốc – kêu gọi trả tự do cho các tù nhân chính trị, bao gồm nhà ly khai nổi tiếng Lưu Hiểu Ba, người đoạt giải Nobel Hòa bình năm 2010, nhưng bị giam giữ tại Trung Quốc và qua đời vì bệnh ung thư vào năm 2017.
Phản đối hai kỳ Thế Vận Hội Bắc Kinh 2008 và 2022
Bà Nancy Pelosi còn được biết đến như là người đã kêu gọi tẩy chay cả hai kỳ Thế Vận Hội mà Trung Quốc được quyền tổ chức tại Bắc Kinh, vào mùa hè 2008 và mùa đông 2022.
Bà Pelosi đã phản đối việc Trung Quốc đăng cai tổ chức Thế Vận Hội từ năm 1993 với lý do Bắc Kinh bị cáo buộc vi phạm nhân quyền. Thế nhưng, bà đã không thành công trong việc yêu cầu tổng thống Mỹ lúc bấy giờ là George W Bush tẩy chay lễ khai mạc Thế Vận Hội Mùa Hè tại Bắc Kinh năm 2008.
Vào năm nay, chủ tịch Hạ Viện Mỹ lại đưa ra lời kêu gọi “tẩy chay ngoại giao” với Thế Vận Hội Mùa Đông 2022, cũng diễn ra ở Bắc Kinh, do cách đối xử tàn bạo của chính quyền Trung Quốc với người Hồi Giáo Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương.
Lời kêu gọi của bà Pelosi ghi rõ: “Đối với các nguyên thủ quốc gia đến Trung Quốc trong bối cảnh một cuộc diệt chủng đang diễn ra… câu hỏi thực sự được đặt ra là, bạn có thẩm quyền đạo đức gì để nói về nhân quyền ở bất kỳ nơi nào trên thế giới ?”
Trong những năm qua, bà Pelosi cũng đã thúc đẩy việc gắn liền hồ sơ nhân quyền và giao thương với Trung Quốc, một đề nghị không mấy thành công.