Cuộc khủng bố kinh hoàng vừa qua tại Paris đã khiến tôi có rất nhiều suy tư khi nghĩ đến những thân phận đang bị khủng bố tại quê nhà. Một sự khủng bố không bằng súng đạn, không máu đổ thịt rơi. Nhưng di hại của nó thật tàn khốc. Nó có thể khiến con người ta trở nên độc ác, khiến con người ta muốn sống sống không được, muốn chết chết không xong. Nhìn thảm cảnh của Paris hôm nay, tôi nhớ đến những cuộc pháo kích hôm nào. Những cái chết đến thật nhanh, thật bén, không kịp nhận ra tầm bay của đạn pháo. Người ra đi như một giấc ngủ dài, không thắc mắc, không sợ hãi, không đớn hèn. Còn dân tôi, biết bao triệu con người phải sống suốt đời trong một dạng khủng bố đúng với bản chất của bạo lực, hăm dọa, sỉ nhục. Mẹ Việt Nam rướm máu, đớn đau nhìn những đứa con của mình cạn dần dòng sinh lực trước sự hung tàn của loài quỷ đỏ đang hút máu dân lành.
*****
Xóm tôi nằm bên cạnh một con sông của nhiều nhánh sông đổ ra biển. Ký ức về tuổi thơ chỉ đủ để tôi nhớ đến một vài con mương nhỏ, lao xao những thân thể trần truồng tắm mưa, bắt cá để rồi sau đó cùng nhau khoe khoang những chiến lợi phẩm. Trò chơi tuổi thơ mà tôi thích nhất là môn bóng đũa chuyền, được đặt cược bằng dây thun. Học thì tôi rất dốt, nhưng nói về môn bóng đũa chuyền thì tôi thuộc dạng chơi có hạng. Tất cả dây thun trong xóm đều thua hết vào tay tôi. Thời ấy mà lấy dây thun xếp từng mười sợi đan thành một dây dài để chơi trò nhảy dây là oai lắm. Mỗi chiều bọn con nít chúng tôi tụ lại chơi nhảy dây, đứa nào nhìn thấy ghét là tôi cho đứng chầu rìa… mặt buồn hiu. (Sau đó tôi lại hối hận).
Cuộc chiến leo thang ngày càng khốc liệt. Mẹ tôi đang mang thai, tay cầm xâu chuỗi đi tới, đi lui lần hạt. Hé cửa sổ nhìn ra bên ngoài, tất cả đều vắng hoe và yên lặng. Sự yên lặng của chết chóc, của tang tóc vì nghe nói đâu Việt cộng pháo kích vào Khu Trại Gia Binh. Nhà tôi nằm bên phía ngoài trại, dành cho các gia đình nghèo của lính thuộc diện đông con. Từ nhà tôi nhìn về hướng Khu Trại Gia Binh, không thấy gì ngoài biển lửa, khói bay ngụt trời.
Một tiếng nổ long trời lở đất… phản ứng tự nhiên của một đứa bé, tôi chạy nép mình sau cánh cửa bếp. Có tiếng gõ cửa thúc giục…
– Thiếm ơi… sao giờ này còn ở đây, trời ơi người ta chạy hết trơn rồi, Má con biểu qua kiu thiếm chạy chung.
– Tôi phải chờ nhà tôi chị ạ.
Giọng chị Gái đã khuất, tôi nhìn sang Mẹ mếu máo…
– Mẹ ơi… ai cũng đi hết, sao mình không đi vậy Mẹ?
– Bố chưa về, đi lỡ Bố về không thấy mình Bố biết đâu mà tìm.
Mẹ tôi thế đấy, suốt đời chỉ biết chung thành với Bố.
Tiếng bom đạn vẫn không ngưng, ngày một gần hơn, nhiều hơn. Mẹ bắt đầu lo lắng. Cuối cùng Mẹ kêu tôi dắt các em cùng Mẹ quang gánh đem theo một số đồ cần dùng để chạy giặc.
Trên đường đi, tôi thấy một số xác chết nằm dọc bên đường, bất chợt hình ảnh chị Gái, em trai và Mẹ chị đầy máu me đập vào mắt. Tôi thét lên chỉ kịp nghe tiếng Mẹ…
– Giê Su Maria Ju-Se
Tôi như người mất thần, mặc cho Mẹ lôi kéo. Hình ảnh chị Gái với mái tóc thề phủ qua eo ngồi cạnh người lính Dù bên cầu hôm nào, sẽ mãi theo tôi cho đến suốt cuộc đời.
Đó là lần đầu tiên tôi hiểu đúng nghĩa thế nào là “Việt cộng pháo kích”.
Khủng Bố
Trước năm 1975, tôi chưa bao giờ nghe nói đến hai từ “Khủng bố”. Ngay cả từ Cộng sản tôi cũng chỉ biết qua trong lời kinh nguyện hằng ngày. “Chúng con quyết không theo thuyết cộng sản vô thần”. Cho đến khi trở thành người lưu vong, qua tìm hiểu sách vở, tôi mới biết đến thế nào là cộng sản, thế nào là khủng bố.
Tối thứ sáu ngày 13 tháng 11 năm 2015. Cả nước Pháp cũng như tất cả mọi người trên thế giới cùng hướng về Paris để chia sẻ những nỗi đau mất mát mà người Pháp gọi đó là một cuộc chiến tranh giữa bọn khủng bố và nước Pháp. 129 mạng người ngã xuống cùng với 352 người bị thương. Trong đó 99 người vẫn còn trong tình trạng nguy kịch (Tin cập nhật từ Yahoo News).
Nước Pháp đã khiến tôi nhiều lần đau đớn khi đọc về lịch sử. Trải qua gần một trăm năm đô hộ, có biết bao con người đã ngã xuống vì Độc Lập của nước nhà. Những trang sử hào hùng ấy đã nuôi dưỡng tâm chí tôi trên bước đường đi tìm một lẽ sống mới cho dân tộc. Cho đến một lúc nào đó, tôi đành phải dừng lại và chấp nhận ở hai chữ “định mệnh”. Tôi tự hỏi… trong những người nằm xuống vì nền độc lập của nước nhà ấy, có hay không những bàn tay của người đồng chủng máu đỏ da vàng? Người Pháp đã đem đến cho dân tộc tôi biết bao tang thương, nhưng họ cũng để lại đất nước tôi một nền Văn minh, phát triển thêm cho nền Văn hiến của nước nhà, tích lũy thêm nhiều những tri thức đã bị bôi xóa bởi một ngàn năm nô lệ từ giặc phương Bắc. Tha thứ là một điều không khó, nhưng quên thì không.
Tôi cho rằng ân-oán cần phải được phân minh. Lịch sử có lúc thịnh lúc suy. Điều quan trọng là người Việt Nam rút ra được những gì qua những tang thương đó?“Biết bao con người” đã từng bỏ hết tâm huyết và mạng sống dành cho được độc lập, nhưng rồi sao… đất nước có thật sự độc lập hay đó chỉ là nguyên cớ cho một âm mưu Hán hóa dòng giống Việt?. Dòng sông Bến Hải đã một thời trầm mình trong nỗi đau đứt ruột nhìn cảnh chia lìa của những người con cùng bọc Mẹ sinh ra. Hai mươi năm chiến tranh tàn phá khắp Miền Nam. Bốn mươi năm “thống nhất” để cuối cùng đi đến họa diệt vong. Độc lập và thống nhất… ôi thật mỉa mai và chua xót.
Người Pháp đã rời khỏi Việt Nam gần sáu mươi năm. Ngày hôm nay khi nhìn lại lịch sử, nhất là khi đã có dịp sống và tìm hiểu về Văn hóa của người Pháp, cho tôi thấy ít nhiều họ cũng là những con người Văn minh và có Nhân bản. Với tôi…“Chủ nghĩa thực dân” chỉ là nhu cầu cần thiết cho một giai đoạn lịch sử được nối tiếp từ “Chủ nghĩa đế quốc” trong đó nước Anh, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha và sau này là Nhật Bản. Thế nhưng cuối cùng họ cũng phải trả lại nền độc lập cho những nước bị đô hộ một khi chủ nghĩa ấy không còn phù hợp với thời đại. Việt Nam cũng không ngoại lệ. Muốn hiểu thêm về giai đoạn lịch sử khi Nhật đầu hàng quân Đồng Minh và bàn giao chính quyền lại cho Chính phủ Trần Trọng Kim, sau đó bị Hồ Chí Minh cướp chính quyền và đưa người Pháp trở lại Việt Nam qua nhiều hiệp ước do chính Hồ Chí Minh đã ký. Xin mời quý vị đọc thêm bài viết của tác giả Phan Châu Thành đăng trên trang nhà Dân Làm Báo để biết thêm chi tiết.
Đến ngày hôm nay, chúng ta có thể nhìn thấy một loại chủ nghĩa “Xâm thực” nguy hại gấp vạn lần đang xảy ra trên đất nước Việt Nam. Từ Văn hóa – Chính trị – Kinh tế cho đến các hình thức nô lệ, bóc lột mà Trung cộng đang áp dụng đối với người dân Việt, nó còn ác độc và nham hiểm gấp vạn lần “Chủ nghĩa thực dân”. Vả lại… lịch sử cũng dạy chúng ta phải cố vươn lên cùng với sự phát triển của nhân loại. Quá khứ là nỗi đau, nhưng hiện tại người Pháp đang cưu mang đồng bào chúng ta, những người Việt Nam khốn khổ bị ruồng bỏ bởi những người đồng chủng tộc.
Cuộc khủng bố kinh hoàng vừa qua tại Paris đã khiến tôi có rất nhiều suy tư khi nghĩ đến những thân phận đang bị khủng bố tại quê nhà. Một sự khủng bố không bằng súng đạn, không máu đổ thịt rơi. Nhưng di hại của nó thật tàn khốc. Nó có thể khiến con người ta trở nên độc ác, khiến con người ta muốn sống sống không được, muốn chết chết không xong. Nhìn thảm cảnh của Paris hôm nay, tôi nhớ đến những cuộc pháo kích hôm nào. Những cái chết đến thật nhanh, thật bén, không kịp nhận ra tầm bay của đạn pháo. Người ra đi như một giấc ngủ dài, không thắc mắc, không sợ hãi, không đớn hèn. Còn dân tôi, biết bao triệu con người phải sống suốt đời trong một dạng khủng bố đúng với bản chất của bạo lực, hăm dọa, sỉ nhục. Mẹ Việt Nam rướm máu, đớn đau nhìn những đứa con của mình cạn dần dòng sinh lực trước sự hung tàn của loài quỷ đỏ đang hút máu dân lành.
Cuộc thảm sát vừa qua, nhìn bất cứ khía cạnh nào cũng không thể phủ nhận cái độc ác của những con người bệnh hoạn, vinh danh tôn giáo để giết người một cách man rợ. Nhưng ít ra trong con người họ tôi vẫn thấy đâu đó chút “nhân tính” nếu đem so sánh với Việt cộng. Họ giết người vì niềm tin tôn giáo, vì dân tộc của họ, cho dù đó là một niềm tin mù quáng. Còn Việt cộng, họ giết người vì tham vọng và vì quyền lợi của một dân tộc khác. Điều đáng khinh bỉ ở đây là họ giết hại chính đồng bào của mình.
Xin mượn bài hát “Paris Tôi Yêu”, một sáng tác mới của Đình Đại để chia sẻ cùng với nỗi đau chung của người dân Pháp. Cảm ơn Paris, cảm ơn nước Pháp đã cho tôi một chốn bình an, cảm ơn Tự Do, cảm ơn những chân giá trị về yêu thương mà người dân tôi suốt một đời chỉ được sống trong hoài bão. Ôi ước mơ… ôi khát khao… xin một lần ghé trên những thân phận gầy guộc đã mất hết tin yêu vào một ngày mai tươi sáng. Xin yêu thương hãy dừng lại chốn này.
Paris Tôi Yêu – Sáng tác và trình bày: Đình Đại
Paris 15 tháng 11 năm 2015
Hạt sương khuya