Tinh thần những vong nô tôn thờ Tập Cận Bình với giọng điệu kính cẩn Tập Bá Bá trên đất nước ta ngày nay cũng không khác gì biểu tượng Trần Ích Tắc ngày xưa. Ích Tắc là hoàng tử nhà Trần có tham vọng làm vua (1). Khi nhà Nguyên xâm lược nước ta năm 1285, ông đã dẫn gia quyến xin hàng và được cải phong làm An Nam quốc vương. Tuy nhiên, quân đội nhà Nguyên liên tiếp thất bại khiến Trần Ích Tắc tan vỡ kế hoạch và phải sống lưu vong ở Đại Nguyên.
Khí phách Trần Quốc Toản thì vang vọng trong dân gian (2). Năm 1282, vua Trần Nhân Tông mở hội nghị Bình Than, họp vương hầu và trăm quan cùng bàn kế chống quân Nguyên. Trần Ích Tắc thấy Hoài Văn Hầu Trần Quốc Toản còn trẻ tuổi, không cho dự bàn. Quốc Toản trong lòng hổ thẹn, phẫn khích, tay bóp nát quả cam lúc nào không hay. Sau đó Quốc Toản lui về, huy động hơn nghìn người thân, sắm vũ khí, đóng chiến thuyền, viết lên cờ sáu chữ: “Phá cường địch, báo hoàng ân”. Khi đối trận với giặc, Quốc Toản tự mình xông lên trước quân sĩ và rồi chết ở trận Vân Đồn năm 1285.
Lịch sử đất nước ta phần lớn là chuyện chống xâm lăng và chống ảnh hưởng từ Trung Hoa. Thời nào cũng có mâu thuẫn giữa bọn bán nước và những người yêu nước. Những người yêu nước thường là toàn dân với đại đa số dân gian mang trên vai khí phách Trần Quốc Toản. Bọn bán nước được biết đến với nhiều tên, như giặc nội gián, gián điệp, bọn khuynh loát và buôn bán ảnh hương Tàu, và nhiều tên khác nữa. Bọn bán nước trung thành với Tập Bá Bá, Mao Bá Bá hay các bạo chúa khác.
Kể từ khi lên nắm quyền năm 2012, Tập Cận Bình (TCB) đã giám sát sự thay đổi rõ rệt đối với chủ nghĩa độc đoán ở trong nước và tăng cường sự bắt nạt ở nước ngoài (3). TCB đã thiết lập kiểu thống trị cá nhân, gần như sùng bái đối với Đảng Cộng Sản Trung Quốc (ĐCSTQ) chưa từng thấy kể từ thời Mao Trạch Đông. Y cai trị bằng sự sợ hãi, xảo quyệt chính trị và bạo lực.
Mục tiêu cuối cùng của TCB là giấc mơ Trung Hoa – sự tái lập vị thế của đất nước Trung Hoa vĩ đại (4). Các bạo chúa khác trong lịch sử TC cũng chia sẻ mục tiêu này. Chiến lược mà TCB đã và đang theo đuổi là: 1) tập trung mạnh mẽ quyền lực dưới lãnh đạo của cá nhân; 2) sự thâm nhập mạnh mẽ của đảng vào nhà nước vào xã hội; 3) tạo ra bức tường ảo để kiểm soát chặt chẽ các luồng ý tưởng, văn hóa và vốn đầu tư vào và ra khỏi TC; và 4) tuyên cáo đáng kể về quyền lực của TC với các nước khác. Chiến lược của TCB thể hiện sự khẳng định lại địa vị của đảng trong đời sống chính trị và kinh tế ở trong nước, cũng như vai trò mở rộng và tham vọng hơn của TC ở nước ngoài. Từ Ấn Độ, Hàn Quốc, Malaysia, Indonesia, Philippines, Úc và Việt Nam, TCB dấy động một chính sách nghiệt ngã về sự đe dọa, trừng phạt và gây hấn với các nước ở Châu Á và Thái Bình Dương.
Mưu đồ về Trung Hoa vĩ đại
Vấn đề ngoại giao của TC là từ bộ Ngoại giao TC. Nhưng một cơ quan chủ chốt khác chủ trì vụ việc đối ngoại của TC thì thường ít được nhắc đến (5). Một trong những cơ quan chủ chốt được giao nhiệm vụ quản lý mối quan hệ giữa đảng với đảng là Vụ Quốc tế của Ủy ban Trung ương ĐCSTQ. Vụ Quốc tế điều hành một chương trình thăm viếng lớn nhằm thúc đẩy các cuộc gặp gỡ với các quan chức của hơn 400 đảng phái tại 160 quốc gia trên toàn thế giới. Vụ Quốc tế thường xuyên gặp gỡ các đối tác nước ngoài và hỗ trợ các chương trình đào tạo và tổ chức trao đổi.
Khoảng 10 thực thể trên thế giới nổi bật trong tương tác chặt chẽ với Vụ Quốc tế (Bảng 1). Việc Vụ Quốc tế lựa chọn các đối tác quốc tế quan trọng thể hiện sự quan tâm mạnh mẽ của ĐCSTQ trong việc hợp tác với các bên tương đồng về hệ tư tưởng hoặc có ảnh hưởng ở các nước mà TC có lợi ích chính sách đối ngoại chiến lược (6). Trong mười đối tác hàng đầu của ĐCSTQ, Vụ Quốc tế liên lạc đối tác nhiều nhất với Đảng Cộng Sản Việt Nam (ĐCSVN) trong việc thực thi chính sách mà ĐCSTQ cần áp đặt lên VN.
Trong các vụ việc lớn ở VN, có thể là ĐCSTQ lãnh đạo, ĐCSVN quản lý, nhà nước VN thực thi, dân VN bị đô hộ và bóc lột. ĐCSTQ dùng phương pháp tiếp cận đa chiều để thu phục tầng lãnh đạo của ĐCSVN, trong đó đã tích hợp tín hiệu cưỡng chế, đòn bẩy kinh tế và trao đổi rộng rãi giữa hai đảng ở các cấp lãnh đạo (7). Chính sách chiến lược của ĐCSTQ là đô hộ VN về mọi mặt chính trị, kinh tế và văn hóa (tuy trên hình thức vẫn giữa tên nước là VN). Chính sách của TC là dần dần biến VN là một “đô hộ phủ” với một đảng bảo hộ nhận chỉ thị từ trung ương ĐCSTQ cho mọi vụ việc trong một lãnh địa mà ĐCSTQ có quyền sở hữu – một cái “phủ” VN, tương tự như các tỉnh mà ĐCSTQ sở hữu, như Tây Tạng và Tân Cương. ĐCSTQ muốn biến ĐCSVN thành cơ quan hành chính cao nhất ở VN và chịu trách nhiệm trực tiếp trước “triều đình” trung ương – ĐCSTQ.
Theo tư tưởng Tập Bá Bá (7), ĐCSTQ chỉ đạo ĐCSVN triển khai âm mưu bảo hộ của TC lên VN bao gồm các “cải cách” sau đây: 1) KHÔNG cho phép các ứng cử viên ngoài ĐCSVN ứng cử vào Quốc hội; KHÔNG để Quốc hội tích lũy quyền lực chính trị thực sự để thách thức các quyết định của đảng và nhà nước; 2) KHÔNG phân cấp quyền lực giữa bốn chức vụ cao cấp là chủ tịch nước, thủ tướng, tổng bí thư ĐCSVN và chủ tịch quốc hội; 3) KHÔNG để công việc điều hành của nhà nước thoát khỏi sự kềm chế của ĐCSVN; 4) KHÔNG khoan dung tương đối (so với TC) về sự hình thành và hoạt động của xã hội dân sự.
Tư duy nô lệ của ĐCSVN
Dưới chính sách bảo hộ của ĐCSTQ, đầu những năm 1950, Hồ Chí Minh đề nghị Mao Trạch Đông giúp đỡ để đào tạo cán bộ (8). Từ đó, Khu học xá Trung ương được thành lập năm 1951 ở thành phố Nam Ninh, Quảng Tây, còn được gọi là Trường Dục Tài. Năm 1954, trường chuyển về trường Đại học Quảng Tây và đến năm 1957 thì chuyển về Việt Nam. Theo báo lề phải, VN trực tiếp quản lý và đào tạo, TC giúp đỡ về cố vấn và công tác hậu cần (8). Theo báo lề trái, TC cung cấp một lượng lớn giảng viên để giảng dạy cho các học sinh VN (9).
Trường Dục Tài đã đào tạo khoảng hơn 7 ngàn cán bộ, giáo viên và học sinh, trong đó nhiều người sau này đã trở thành những cán bộ lãnh đạo, như nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng ban Tổ chức Trung ương Trần Đình Hoan; nguyên Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Vũ Khoan; nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại Quốc hội Vũ Mão, nguyên Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng, nguyên Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng, nguyên Thủ tướng và Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, nguyên Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, cùng nhiều người khác (10). Năm 2005, khi Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng về thăm trường Dục Tài, các báo lề phải hãnh diện về việc ông Dũng là một trong những học sinh Dục Tài (10). Năm 2016, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tới thăm trường Dục Tài mà theo ông là một bằng chứng lịch sử cho mối quan hệ “vừa là đồng chí vừa là anh em” giữa TC và VN (8).
ĐCSVN dâng đất cho Tập Bá Bá
Trong những lúc có đánh đấu trong nội bộ ĐCSVN, các nguồn tin từ “thâm cung” của đô hộ phủ có dịp lan truyền trên báo lề trái (11). Về lãnh thổ, hầu hết những khu vực xung yếu về an ninh – quốc phòng của VN đã bị TC chiếm cứ dưới vỏ bọc các dự án kinh doanh. Dọc biển thì từ Quảng Ninh (Nhiệt điện Mông Dương 2 tại Cẩm Phả, khu công nghiệp Texhong Hải Hà tại Móng Cá), Hải Phòng (Nhiệt điện Thủy Nguyên), Hà Tĩnh (khu công nghiệp Formosa gồm cảng Vũng Áng và cảng nước sâu Sơn Dương tại Kỳ Anh), Quảng trị (Công ty chăn nuôi tại Cửa Việt), Thừa Thiên – Huế (Khu du lịch mũi Cửa Khẻm ở chân đèo Hải Vân), Đà Nẵng (các khu doanh nghiệp TC ven biển), Bình Định (Khu kinh tế Nhơn Hội), Bình Thuận (Nhiệt điện Vĩnh Tân), Ninh Thuận (Nhà máy titan tại Sơn Hải), Trà Vinh (Nhà máy nhiệt điện Duyên Hải), và Tây Nguyên (Nhà máy khai thác bauxite tại Nhân Cơ).
Thêm vào đó, dự án đặc khu kinh tế là ý kiến định hướng của Bộ chính trị ĐCSVN với sự chỉ đạo của ĐCSTQ về việc thành lập các đặc khu hành chính – kinh tế tại Vân Đồn (Quảng Ninh), Bắc Vân Phong (Khánh Hòa) và Phú Quốc (Kiên Giang) để tạo điều kiện chính danh cho thuê đất dài hạn trong 99 năm (12). Trước phản đối của xã hội dân sự, ĐCSVN lùi lại việc thúc đẩy quốc hội để phê chuẩn luật đặc khu. Tuy vậy, ĐCSVN vẫn không hoàn toàn tháo lui. Ngày 14/11/2019, VN ban hành nghị quyết về việc thí điểm thành lập Ban Quản lý khu kinh tế Vân Đồn với thời gian thí điểm là 3 năm.
Tư duy nô lệ không hẳn là quán triệt hoàn toàn trong ĐCSVN, cụ thể là việc quản lý vấn đề bành trướng của TC ở Biển Đông. Việc TC đặt giàn khoan ở Biển Đông chỉ là một phần trong các chiến thuật của TC, bao gồm việc xây dựng đảo trên diện rộng và sử dụng các lực lượng dân quân hàng hải để khẳng định yêu sách lãnh thổ của TC (13). Phản ứng chính thức tương đối nhẹ nhàng của ĐCSVN đối với phán quyết năm 2016 về vụ kiện trọng tài Biển Đông tại Tòa Trọng tài Thường trực ở La Hay, nơi bác bỏ các yêu sách rộng lớn của TC về các quyền lịch sử đối với hầu hết Biển Đông, một phần có thể là do mối quan hệ được xây dựng thông qua các sàn giao dịch giữa ĐCSTQ và ĐCSVN (Gitter). Đặc biệt ĐCSVN đã không hề có lá đơn nào khởi kiện TC ra tòa án quốc tế trong khi TC không ngừng bồi đắp các đảo và bãi đá ngầm chiếm được của VN ở biển Đông thành các căn cứ quân sự, liên tục cho tàu thuyền đâm chìm các tàu thuyền của ngư dân VN và mới đây nhất, liên tục xâm phạm không phận của VN.
Nô lệ kinh tế và tư duy đầy tớ của ĐCSVN
ĐCSVN tự trói buộc hai tay đằng sau lưng để VN phụ thuộc về kinh tế vào TC, cho phép TC thực hiện quyền kiểm soát đáng kể đối với hành vi kinh tế của VN. VN lệ thuộc vào TC hầu như toàn bộ. Năm 2020 (14), TC là đối tác thương mại hàng đầu của VN với tổng giá trị xuất nhập khẩu là 106.7 tỷ USD, chiếm 22.2% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của cả nước (đứng thứ hai là Hàn Quốc với 65.7 tỷ USD (chiếm 13.7%); đứng thứ ba là Hoa Kỳ với 60.3 tỷ USD (chiếm 12.6%)). (Econ). Đại đa phần các dự án kinh tế trọng điểm quốc gia như công trình điện, khai khoáng, dầu khí, luyện kim, hóa chất đều nằm trong tay các nhà thầu TC. Việc đồng tiền TC Nhân dân tệ hiện khuynh đảo thị trường tài chính VN chỉ là hệ quả tất yếu của tình trạng phụ thuộc này. Sự phụ thuộc này đã khiến VN khó thách thức TC khi chủ quyền của VN bị đe dọa.
ĐCSVN và lối sống tạm bợ trên thảm họa môi trường
Về mặt môi trường, VN bị hủy hoại nghiêm trọng vì các dự án của TC sử dụng các kỹ thuật công nghệ gây ô nhiễm, đã bị đào thải ở ngay TC (15). Thảm họa môi trường biển do việc xả thải của Formosa đứng đầu danh sách và những người bị ảnh hưởng nhiều nhất là ngư dân (BBC). Việc xây đập, đào giếng khơi và canh tác chuyên sâu đang làm hủy hoại vùng đồng bằng sông Mekong. Khói bụi làm ô nhiễm bầu trời Hà Nội. Các nguồn nước thải công nghiệp chảy xuống sông hồ hay một số làng mạc có tỷ lệ ung thư cao bất thường, mà nguyên nhân có thể là do nguồn nước bị ô nhiễm. Biến đổi khí hậu cũng là một vấn đề môi trường khác mà VN không đương đầu có hiệu quả. Một số ý kiến cho rằng 1/5 địa bàn thành phố Sài gòn có thể sẽ bị chìm xuống nước vào cuối thế kỷ này. Khí hậu ngày càng khắc nghiệt và ngập lụt có thể sẽ đánh vào các khu dân cư ven biển. ĐCSVN hoàn toàn thất bại trong việc đương đầu với biến đổi khí hậu bởi vì lãnh đạo lo phục vụ ĐCSTQ hơn là lo cho tương lai VN.
Văn hóa – xã hội trên đô hộ phủ việt nam
Văn hóa xã hội dưới sự tha hóa của ĐCSVN bên dưới là theo miêu tả của cô Hân Phan, 42 tuổi, tốt nghiệp ngành Luật (16). Theo bài “Người việt nam hèn hạ”, phải chăng chúng ta đang sống trong một xã hội mà người ta đang sẵn lòng thuốc chết nhau đi từng ngày bởi tiền bạc bất kể lương tri. Làm quan thì chỉ lo vơ vét, tham nhũng, quỳ gối trước ngoại bang để duy trì sự thống trị trước nhân dân. Gần 40 năm thống nhất, VN có hơn gì thời chiến ngoài đống xe máy chạy đầy đường và trong túi ai cũng có một cái điện thoại di động? Dù nhà ở không có, đất đai không có, bảo hiểm không có, tương lai cho con cái không có,… nhưng bia rượu chảy tràn lan mỗi ngày trong quán nhậu. Người ta được ru giấc suốt 40 năm bằng niềm ước mơ cháy bỏng “cơm no, áo ấm”. Hạnh phúc chỉ thế thôi! Muốn hạnh phúc hơn thì hãy làm giàu, làm giàu, làm giàu! “Doanh nhân là chiến sĩ thời bình”. Cứt! Tôi ỉa vào cái khẩu hiệu sặc mùi con buôn, đầy phân chợ trời đó!
Cũng theo cô Hân, tiếng súng không còn nổ ngoài đường (16). Một cuộc chiến khác đậm chất mafia, côn đồ, đảo Sicily chắc còn phải chào thua nhà cầm quyền VN trước khả năng dùng “luật im lặng” của họ với dân mình. Cuộc chiến đó là rình mò, là theo dõi, là cấm cản, là kiểm duyệt, là vu cáo, là bắt bớ, là dùi cui, là tù đày, là chết không lý do, là bị bịt miệng tại tòa, là con cháu theo lời lãnh đạo cầm gậy gộc ra ngoài đồng ức hiếp ông bà cha mẹ chòm xóm của mình vì họ đang giữ đất. Trong khi họ giữ đất cho ai? Những đứa thanh niên đó nó đang nghĩ gì khi quay lưng lại với dân tộc mình? Đơn giản thôi. Nó tin rằng nếu trung thành với cái thể chế mà nó đang phục vụ, thể chế đó sẽ cho nó công việc ổn định, đặc quyền, đặc lợi hơn người. Vậy là nó nhắm mắt làm theo, coi nhân dân là cỏ rác, cũng vì lợi ích cá nhân và gia đình nó – nếu nó có nghĩ tới. Chứ ngoài ra, liệu còn cái lý tưởng cao đẹp nào có thể tin vào lúc này? Đừng nói với tôi là “lý tưởng Hồ Chí Minh” hay “lý tưởng cộng sản” nhé!
ĐCSVN khai triển tư duy Tập Bá Bá
Tư duy số 1 – KHÔNG cho phép các ứng cử viên ngoài ĐCSVN ứng cử vào Quốc hội (QH): Đảng bắt anh Lê Trọng Hùng ngày 27/3/2021 mà “…, có vợ mù, hai con thơ, nhà rất nhỏ ở Hà Nội, đồ đạc đơn giản, không lo làm giàu cho vợ con lại đi lo “cho Dân cho Nước”, còn ứng cử đại biểu QH, lo lập Tòa Bảo Hiến!”(17). Đảng bắt chị Nguyễn Thúy Hạnh ngày 7/4/2021. Năm 2016 cô Hạnh tự ra ứng cử QH là vì thực sự thấy trách nhiệm công dân, muốn là đại diện thực sự của dân, cất tiếng nói của lòng dân. (18) Trước đó vào ngày 10/3, Đảng bắt facebooker Trần Quốc Khánh ngày 10/3/2021 tại Ninh Bình khi ông tuyên bố tự ứng cử Đại biểu QH khóa XV (19).
Tư duy số 2 – KHÔNG phân cấp quyền lực giữa bốn chức vụ cao cấp là chủ tịch nước, thủ tướng, tổng bí thư đảng và chủ tịch quốc hội: Nguyễn Phú Trọng là Tổng Bí thư ĐCSVN, Bí thư Quân ủy Trung ương, nguyên Chủ tịch nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Tư duy số 3 – KHÔNG để công việc điều hành của nhà nước thoát khỏi sự kềm chế của ĐCSVN: Nguyễn Phú Trọng giữ một số chức vụ khác gồm Ủy viên Thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng, chống tham nhũng, Đại biểu Quốc hội Việt Nam khóa XIV nhiệm kì 2016 – 2021. Đầu tháng 6/2021, giữa đại dịch đang hoành hành, đảng lại lo bổ nhiệm 10 người trong Ban thường vụ Đảng ủy Công an Trung ương nhiệm kỳ 2020 – 2025, trong đó có Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Thủ tướng Phạm Minh Chính (20).
Tư duy số 4 – KHÔNG khoan dung về sự hình thành và hoạt động của xã hội dân sự: Tháng 1/2016, đảng kết án Blogger Nguyễn Hữu Vinh (5 năm tù) và cộng sư bà Nguyễn Thị Minh Thúy (3 năm tù), chủ trang Ba Sàm với các mục “Bá quyền Trung Quốc”, “Chủ quyền Hoàng Sa – Trường Sa”, sau hơn 20 tháng giam cầm họ (21). Tháng 1/2021, đảng kết án các nhà báo Phạm Chí Dũng (15 năm tù), Nguyễn Tường Thụy (11 năm) và Lê Hữu Minh Tuấn (11 năm), thành viên của Hội Nhà báo Độc lập Việt Nam chỉ vì họ làm báo (22). Tháng 10/2020, đảng bắt bà Phạm Đoan Trang, người hoạt động xã hội của Nhà Xuất Bản Tự do (23). Giữa năm 2020, đảng đã áp lực để đóng cửa trang mạng của Nghiệp Đoàn Sinh Viên Việt Nam, thành lập tháng 07 năm 2017 (24).
Những việc ĐCSVN triển khai tư duy Tập Bá Bá liệt kê ở trên chỉ là tiêu biểu của một thực tế rất phức tạp, cũng tương tự như chỉ đụng đến một điểm đỉnh của một tảng băng ngầm khổng lồ, giới hạn bởi khả năng hạn hẹp của tôi.
Khí phách yêu nước Trần Quốc Toản
Dự án 88 thu thập tin tức liên quan đến vi phạm nhân quyền vào tháng 6/2021 cho thấy có 264 người hoạt động xã hội có nguy cơ bị bắt và 235 người hoạt động xã hội đang bị cầm tù (25), bao gồm những người trẻ dấn thân trong khí phách Trần Quốc Toản. Đảng kết án anh Đặng Hoàng Minh, 28 tuổi ở Hậu Giang bảy năm tù vì viết về sự thật về Hồ Chí Minh (25). Đảng kết án anh Lê Hữu Minh Tuấn 31 tuổi 11 năm tù vì anh nhận thức được bất công trong xã hội từ rất sớm (22). Đảng bắt giữ anh Will Nguyễn Anh Duy, 32 tuổi vì tham gia biểu tình ở Sài gòn khi anh về thăm quê hương (26). Đảng giam chị tù nhân lương tâm Nguyễn Đặng Minh Mẫn 36 tuổi 8 năm tù (27). Đảng bắt giữ nhà hoạt động xã hội Nguyễn Anh Tuấn, 31 tuổi, từng là sinh viên đỗ thủ khoa và tốt nghiệp hạng ưu của Học Viện Hành Chính Quốc gia, từ chối lời mời để trở thành đảng viên (28). Cuối cùng nhưng không kém phần quan trọng, cô Hân Phan đã hết sức can đảm vượt qua nỗi sợ hãi để nói thật về vũng lầy hiện tại của đất nước (16). Còn hàng ngàn ngàn người trẻ dấn thân khác mà tôi chưa thể kể hết, bởi theo Bình Ngô Đại Cáo (29) thì
Việc nhân nghĩa cốt ở yên dân
Quân điếu phạt trước lo trừ bạo
…
Tuy mạnh yếu có lúc khác nhau
Song hào kiệt thời nào cũng có.
Góp ý với Xã hội Dân Sự
Xác suất của một biến cố cách mạng màu ở VN hay TC có thể là rất thấp bởi guồng máy thống trị tàn bạo có hệ thống ở cả VN và TC. Nhưng điều này không có nghĩa là xã hội dân sự ở VN hoàn toàn không có hy vọng cho tương lai đất nước. Vì sao? Vận mệnh đất nước có thể sẽ gắn liền với kết quả của cuộc chạy đua cạnh tranh giữa ĐCSTQ và các liên minh các nước tự do dân chủ. Nếu ĐCSTQ thắng cuộc cạnh tranh này, đất nước và dân ta có thể sẽ vào ngàn năm Bắc thuộc lần nữa. Nếu ĐCSTQ thua và thay đổi ở TC, dân ta có cơ hội để giành độc lập.
Hiện nay, thế giới đang lên án ĐCSTQ vì tội ác diệt chủng đối với người Duy Ngô Nhĩ (30). Thế giới đang đòi hỏi ĐCSTQ phải tuân thủ một cuộc điều tra toàn diện về nguồn gốc của Covid-19. Thế giới không bao giờ quên việc ĐCSTQ vi phạm quyền tự do ngôn luận và quyền tự do báo chí và các vi phạm nhân quyền này góp phần dẫn đến lây lan khởi động đại dịch Covid-19 với hậu quả trầm trọng toàn cầu. Các liên minh của Hoa Kỳ, phương Tây và các nước tự do dân chủ ở Á Châu đã được tạo ra để bảo vệ các giá trị chung mà thành viên của các liên minh này tôn trọng. Thế giới không nghi ngờ gì rằng hành vi cưỡng ép của ĐCSTQ đe dọa an ninh và sự thịnh vượng chung, và ĐCSTQ đang tích cực làm việc để cắt giảm các quy tắc của hệ thống quốc tế và các giá trị mà các nước trong các liên minh này chia xẻ. Sự cạnh tranh của các liên minh này với ĐCSTQ sẽ khốc liệt và kéo dài trong nhiều năm tới. Kết quả của cuộc cạnh tranh đó sẽ góp phần vào triển vọng về một VN không còn hình thức nhà nước phá hoại như hiện nay.
ĐCSTQ là một hiểm họa toàn cầu, và VN là nước gánh chịu nhiều nhất những xâm hại tàn bạo từ kinh tế, chính trị và văn hóa độc hại từ phương Bắc. Khốn khó thay, xã hội dân sự ở VN là thực thể gánh chịu đầu tiên và hầu hết những yếu tố độc hại này. Nhưng trong cái rủi ro to lớn này, xã hội dân sự cũng có cơ hội để trưởng thành từ trong thử thách, đặc biệt với lịch sử của các cuộc biểu tình lớn phản đối TC năm 2011, 2014, 2016 và 2018 (31). Với nhiều tầng lớp có khí phách Trần Quốc Toản, xã hội dân sự đang duy trì hoạt động và giữ an toàn trong thời điểm rủi ro cũng như cơ hội lớn này. Lịch sử dân ta là bằng chứng hùng hồn rằng tư duy nô lệ phương Bắc của bọn bán nước sẽ có cơ bị tiêu diệt.
Tiến Sĩ Phạm Đình Bá (Đại học Toronto, Canada)
Nguồn:
Số 1. Trần Ích Tắc. https://vi.wikipedia.org/wiki/Trần_Ích_Tắc
Số 2. Trần Quốc Toản. https://vi.wikipedia.org/wiki/Trần_Quốc_Toản
Số 3. Xi’s change of heart is too late to stop China’s collision with the west.
https://www.theguardian.com/commentisfree/2021/jun/06/xis-change-of-heart-is-too-late-to-stop-chinas-collision-with-the-west
Số 4. Economy E. The third revolution: Xi Jinping and the new Chinese state. Oxford University Press; 2018.
Số 5. Julia Bader And Christine Hackenesch. Networking with Chinese Characteristics: China’s Party-to-Party Relations in Asia. In Authoritarian gravity centers : a cross-regional study of authoritarian promotion and diffusion. Edited by Thomas Demmelhuber, Marianne Kneuer. Routledge, New York 2020.
Số 6. Hackenesch C, Bader J. The Struggle for Minds and Influence: The Chinese Communist Party’s Global Outreach. International Studies Quarterly. 2020 Sep 1;64(3):723-33.
Số 7. Gitter, D. & Kania, E. (2017). The Limits of CCP Liason Work, Rift, Rap-prochement, and Realpolitik in Sino-Vietnamese Relations. Project 2049 Institute. Retrieved from: https://project2049.net/2017/05/16/the-limits-of-ccp- liaison-work-sino-vietnamese-relations/.
Số 8. Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc thăm Khu học xá Trung ương Trung Quốc. https://vov.vn/chinh-tri/thu-tuong-nguyen-xuan-phuc-tham-khu-hoc-xa-trung-uong-trung-quoc-549274.vov
Số 9. Hồ Chí Minh, một gián điệp hoàn hảo. https://danlambaovn.blogspot.com/2015/05/ho-chi-minh-mot-gian-iep-hoan-hao-ky-22.html
Số 10. Nơi lưu giữ các kỷ vật Việt Nam xuyên thế kỷ trên đất bạn Trung Quốc. https://baotuyenquang.com.vn/print/noi-luu-giu-cac-ky-vat-viet-nam-xuyen-the-ky-tren-dat-ban-trung-quoc-95887.html
Số 11. https://www.voatiengviet.com/a/thu-tuong-dung-trong-van-bai-thon-tinh-vietnam-cua-trung-quoc/3145965.html
Số 12. Dự án đặc khu kinh tế Việt Nam. https://vi.wikipedia.org/wiki/Dự_án_đặc_khu_kinh_tế_Việt_Nam
Số 13. Yamaguchi S. Strategies of China’s Maritime Actors in the South China Sea. A Coordinated Plan under the Leadership of Xi Jinping?. China Perspectives. 2016 Sep 1;2016(2016/3):23-31.
Số 14. http://bcshipping.vn/news/304-vietnams-10-biggest-trading-partners
Số 15. Ô nhiễm môi trường ‘đe dọa ổn định ở VN’. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-39043257
Số 16. Mặc Lâm. “Người việt nam hèn hạ” – Một đoản văn làm sôi mạng xã hội. https://www.rfa.org/vietnamese/news/programs/LiteratureAndArts/vn-raffish-a-passage-boiling-the-society-network-ml-05202016225455.html
Số 17. Mạc Văn Trang – https://baotiengdan.com/2021/05/30/ha-thanh-phieu-luu-ky/
Số 18. Mạc Văn Trang – https://baotiengdan.com/2021/04/17/soi-nguyen-thuy-hanh-vao-xa-hoi/
Số 19. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/arrests-of-self-nominated-people-for-the-na-a-worrying-sign-03292021125900.html
Số 20. https://cvdvn.net/2021/06/04/ba-lanh-dao-chu-chot-tham-gia-dang-uy-cong-an-trung-uong/
Số 21. https://vi.wikipedia.org/wiki/Anh_Ba_Sàm
Số 22. https://vietnamthoibao.org/vntb-nghi-quyet-cua-nghi-vien-chau-au-ve-tinh-hinh-nhan-quyen-o-viet-nam-dac-biet-la-truong-hop-cua-cac-nha-bao-nhan-quyen-pham-chi-dung-nguyen-tuong-thuy-va-le-huu-minh-tuan/
Số 23. Phạm Đoan Trang: NXBTD bị trấn áp vì muốn khai dân trí và nói sự thật. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-53133022
Số 24. https://nghiepdoansankhau.home.blog/2018/12/07/gioi-thieu-ve-nghiep-doan-sinh-vien-viet-nam/
Số 25. The 88 project. https://the88project.org/
Số 26. https://www.bbc.com/vietnamese/vietnam-44481540
Số 27. https://www.rfa.org/english/news/vietnam/vietnam-nguyen-dang-minh-man-released-08022019173355.html
Số 28. https://baotiengdan.com/2020/05/22/nha-hoat-dong-nguyen-anh-tuan-bi-bat/
Số 29. Bình Ngô đại cáo. https://vi.wikisource.org/wiki/Bình_Ngô_đại_cáo_(Ngô_Tất_Tố_dịch)
Số 30. https://www.wsj.com/articles/can-the-u-s-lead-a-human-rights-alliance-against-china-11621610176
Số 31. https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/vietnam-social-society-and-its-participation-in-anti-china-protests-in-2011-06042021220245.html