Có rất nhiều phước lành để kể đến, từ chính trị, xã hội đến kinh tế. Nhưng, tôi sẽ chỉ đề cập ở đây một vài cách tích cực mà Tổng thống Donald Trump đã thay đổi Đảng Cộng Hòa và thế giới.
Từ khiếp sợ đến thanh thản
Năm 2016, trong tôi ngập tràn nỗi sợ hãi. Tôi nghĩ rằng TT Trump không thể thắng và những người theo chủ nghĩa bảo thủ xã hội sẽ bỏ phiếu trắng, mở đường cho một cuộc đổ bộ của bà Clinton vào Nhà Trắng như hầu hết các khảo sát đã dự đoán.
Tôi nghĩ một chính quyền dưới thời Hillary Clinton sẽ để mặc cho tự do tôn giáo bị tăng cường tấn công, và tư tưởng “đúng đắn chính trị” hay còn gọi là “thức tỉnh” (đánh thức năng lực tự nhận thức chính trị) sẽ tiếp tục là những quy tắc cưỡng ép trong khuôn viên trường học và lan rộng ra những miền văn hoá khác. Nạo phá thai, vốn là một bí tích (sacrament) của Đảng Dân Chủ và là điều kiện thiết yếu để một người có thể nắm giữ vị trí lãnh đạo trong đảng này cũng như được bổ nhiệm vào Tối cao Pháp viện, sẽ tiếp tục con đường chuyển biến từ một điều “cần thiết tội lỗi” trong mắt đảng viên Dân Chủ trở thành một thứ được tôn vinh. Trái tim của Hoa Kỳ sẽ tiếp tục bị tàn phá khi xuất khẩu việc làm và nhập khẩu lao động giá rẻ xảy ra một cách không thể kiểm soát ở cả hai đảng.
Vì vậy, phản ứng của tôi với kết quả bầu cử khi nó đến, khi chứng kiến khuôn mặt thất vọng của những chuyên gia truyền thông và những kẻ hận thù Trump đến tận xương tuỷ, là một cơn sóng của sự thanh thản. Tôi chưa bao giờ hạnh phúc hơn khi nhận ra mình đã sai. Không phải tôi hy vọng nó sẽ kéo dài. Tôi chỉ đơn giản biết ơn khoảng thời gian nhẹ nhõm ngắn ngủi này.
Tôi hiểu rằng những người sùng bái chủ nghĩa dân túy và mị dân sinh ra từ sự thất vọng sâu sắc của những người dân thường trước sự độc đoán của giới tinh hoa quan liêu và lợi ích của họ. Những người này có thể thành công trong một thời điểm nhưng hiếm khi lâu dài. Giới tinh hoa kiểm soát các tổ chức hàng đầu quá mạnh mẽ và lâu đời. TT Trump đã trải qua một khoảng thời gian khó khăn để tìm người lấp đầy các vị trí trong nội các, bởi hầu hết những các công chức liên bang là những người theo chủ nghĩa tự do, họ coi thường ông và cho rằng giữ một vị trí cấp cao trong chính quyền của ông đồng nghĩa với hình thức tự sát chính trị đầy ô nhục.
Tôi thậm chí còn đánh giá thấp mức độ bất trung trong đội ngũ lãnh đạo của ông ấy, như cựu Đại sứ Liên Hợp Quốc Nikki Haley đã từng cáo buộc, cũng như sự “phản kháng” trong bộ máy hành chính thường trực của bang.
Thành tựu của Tổng thống Trump
Để hiểu TT Trump đã thay đổi Đảng Cộng Hoà thế nào trong nhiệm kỳ của mình, hãy xem xét những thành tựu phi thường của ông trong 4 năm qua. Ông đã phải vượt qua biết bao nhiêu trở ngại trên con đường đạt được những mục tiêu đó, không chỉ từ truyền thông cánh tả, giới học thuật, Big Tech mà còn từ bản thân chính quyền của ông.
Trong một “báo cáo mổ xẻ” cuộc bầu cử thảm họa năm 2012, Đảng Cộng Hòa đã vạch cho mình một đường lối rõ ràng. Nhưng việc ông Trump đắc cử tổng thống đi ngược lại với những gì đảng này quyết định sẽ theo đuổi. Theo “trí tuệ thông thường” của phe toàn cầu hoá tân tự do (neoliberal globalist) thống trị trong đảng này, đảng cần phải từ bỏ chủ nghĩa bảo thủ xã hội và phủ nhận chủ nghĩa dân tộc kinh tế, và ít nhiều phải mở cửa biên giới và miễn thuế trong thương mại.
Nhưng thay vào đó, TT Trump ủng hộ chủ nghĩa bảo thủ xã hội – đấu tranh cho quyền được sống của một đứa trẻ chưa chào đời, và bổ nhiệm những thẩm phán duy trì nguyên tắc: một thẩm phán phải diễn giải luật như những gì đã được viết ra chứ không phải thay đổi nó theo thời đại và ý muốn của bản thân.
TT Trump theo đuổi các chính sách bảo vệ và thúc đẩy một xã hội dân sự (civil society) – chú trọng gia đình và sự lựa chọn của cha mẹ; đẩy mạnh các tổ chức có nền tảng là đức tin và các hiệp hội tình nguyện; khuyến khích tự do tôn giáo và quyền tín ngưỡng. Ông theo đuổi lợi ích của quốc gia mình, như những gì ông nghĩ lãnh đạo quốc gia khác vẫn làm hoặc nên làm, như chống lại các chính sách hạ giá tiền lương gây bất lợi cho người lao động thông qua xuất khẩu việc làm từ những vùng trung tâm công nghiệp của Hoa Kỳ sang Trung Quốc và nhập khẩu lao động giá rẻ từ các nước khác mà không màng đến lợi ích việc làm của người Mỹ.
Ông bác bỏ các chính sách kiếm lời từ chênh lệch giá lao động quốc tế, vốn luôn bị tầng lớp lao động phản đối nhưng lại được lòng của hai đảng. Ông tìm cách khôi phục lại quyền của Hoa Kỳ, như tất cả các quốc gia khác, trong việc kiểm soát biên giới của mình.
Khi TT Trump theo đuổi chính sách “Nước Mỹ trên hết”, nó đối nghịch với những người mong muốn áp đặt ý chí, niềm tin, hay hệ thống của Hoa Kỳ lên phần còn lại của thế giới. Ông không cố gắng “xuất khẩu dân chủ” hay tham gia vào kế hoạch “kiến tạo đất nước” ở những quốc gia khác. Ông phản đối chủ nghĩa toàn cầu, mà theo đó chủ quyền đất nước phụ thuộc vào ý chí của các quan chức không được dân bầu trong các tổ chức xuyên quốc gia.
Ông đòi hỏi giao dịch thương mại bình đẳng và công bằng với các quốc gia khác, không thỏa hiệp để bị bòn rút. Ông muốn kết thúc “những cuộc chiến tranh bất tận” mà Hoa Kỳ đã chiến đấu mà không mang lại lợi ích trực tiếp cho quốc gia hay mở ra lối thoát nào. Ông suy nghĩ và yêu cầu những nhà lãnh đạo khác, ví dụ như NATO, phải trả phần tiền cho việc bảo vệ họ và không phụ thuộc hoàn toàn vào Hoa Kỳ. Ông muốn làm ăn với Trung Quốc và các quốc gia khác, nhưng không phải dựa trên những điều khoản bất công tạo điều kiện cho việc đánh cắp quyền sở hữu trí tuệ.
Ở Trung Đông, Tổng thống đã vận dụng kỹ năng đàm phán đỉnh cao của mình để trao một diện mạo mới cho những vấn đề tôn giáo cũ rích từ nửa thế kỷ trước. Ông bác bỏ giả định rằng hoà bình và tiến bộ không thể đạt được ở khu vực này trừ phi xung đột giữa Israel và Palestine được giải quyết trước. Trí thông minh của những nhà ngoại giao và “chuyên gia” về chính sách đối ngoại khắp mọi nơi ngoài Trung Đông đều kêu gọi Israel phải hy sinh an ninh và lợi ích quốc gia cho một nhóm khủng bố tham nhũng của người Palestine, những người sử dụng quyền phủ quyết của họ để dập tắt bất kỳ thỏa thuận hòa bình nào mà siêu việt hơn một nhà nước Do Thái ở mọi loại quy mô.
Nhưng sáng kiến của TT Trump trong sáu tuần đã tạo ra ba thoả thuận hoà bình cho khu vực này. Điều này đã khiến chúng ta phải nhìn nhận lại một cách sâu sắc. Như một nhà báo mang hai dòng máu Israel và Ả Rập có tên Khalid Abu Toameh đã tóm gọn: “Chúng ta sai rồi, chúng ta đã sai về Israel”.
Con đường phía trước
Cho dù kết quả có là gì, cuộc bầu cử này, cũng giống như thành tựu của TT Trump trong 4 năm qua, đã làm sáng tỏ và kiến tạo nên một con đường phía trước có thể định hình lại Đảng Cộng Hòa hoặc mở đường cho một sự lựa chọn bảo thủ khác.
Cuộc bầu cử, với việc bác bỏ một cách rõ ràng sự phân chia chính trị, đúng đắn chính trị và chủ nghĩa cực đoan dựa trên chủng tộc, cho thấy rằng Đảng Dân Chủ đã thắng ở mức độ nào đó, mặc dù không phải vì chính sách và khuynh hướng chính trị của họ.
Trái ngược với các khảo sát và dự đoán, rõ ràng là TT Trump đã đạt được số phiếu bầu kỷ lục từ mọi nhân chủng – bao gồm người da đen và người Tây Ban Nha – trừ những người da trắng. Nó đặt dấu chấm hết cho lằn ranh “nhân chủng là định mệnh” mà những người bảo thủ đã phải chịu đựng vì tỷ lệ cử tri da trắng ngày càng giảm. Nó cũng cho thấy tồn tại một khoảng không chính trị dành cho một đảng đa sắc tộc mà giác ngộ được lợi ích của giai cấp công nhân, gia đình, đức tin, nơi sống; và cộng đồng cũng như quốc gia.
Như triết gia và học giả pháp lý Robert P. George (không phải là người hâm mộ Tổng thống) nhận ra, TT Trump đã thay đổi Đảng Cộng Hòa thành một đảng khác: bảo thủ về mặt xã hội và dân túy về kinh tế. Nó đã đi theo hướng đó, trong khi Đảng Dân Chủ cũng đã chuyển biến và phát triển một nền tảng và thương hiệu mới, trở thành đảng của những người rất giàu và rất nghèo, của những người có danh tiếng và giàu có. Giờ đây, Đảng Dân Chủ là một đảng của ý thức hệ “đúng đắn chính trị”, của chủ nghĩa xã hội và giải phóng tình dục, của sự suy tàn trong hôn nhân và gia đình, của sự chối bỏ đất nước và lịch sử quốc gia cũng như lợi ích của công dân.
Đảng Cộng Hòa vẫn là một liên minh chính trị, nhưng sẽ ngày càng trở thành một đảng bảo thủ đa sắc tộc của tầng lớp lao động, mà như Oren Cass nói, là một đảng phản ánh quan điểm và lợi ích của hầu hết người dân.
Paul Adams là Giáo sư danh dự về công tác xã hội tại Đại học Hawaii. Ông cũng từng là Giáo sư và Phó trưởng khoa về các vấn đề học thuật tại Đại học Case Western Reserve. Ông là đồng tác giả cuốn sách “Social Justice Isn’t What You Think It Is” (tạm dịch: “Công bằng xã hội không phải như bạn nghĩ”). Ông cũng cho ra đời nhiều bài viết về chính sách phúc lợi xã hội và đạo đức nghề nghiệp.
Paul Adams
Mộc Lam biên dịch