*** Quân Trường Cũ – Chiến Trường Xưa
Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế Nha Trang
Một buổi lễ tốt nghiệp tại Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế Nha Trang
Lễ khai giảng Khóa 8/68B tại Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế Nha Trang
Lễ mãn khóa 10A72 tại Trường Hạ Sĩ Quan Đồng Đế Nha Trang
Ðồng Ðế, điạ danh nằm trên cao cách thị xã Nha-Trang khoảng 4 km về phía Bắc, Ðông là bờ biển Nam Hải, Tây song song quốc lộ 1 và thiết lộ xuyên Việt, Nam tiếp giáp thắng cảnh Hòn Chồng, Bắc giáp mỏm núi Hòn Khô. Hòn Chồng và Hòn Khô như hai cánh tay giang ra ôm eo biển Ðồng Ðế vào lòng.
Không rõ ai đặt tên Ðồng Ðế cho nơi nầy có ý nghĩa của nó ? Vùng đất nầy trước năm 1954 ít người lai vãng, dân cư thưa thớt, đặc biệt dọc theo núi Hòn Khô, dân chài lướI chiều từ biển đi vào phải đi từng nhóm và đề phòng ..,vì ông “Ba Mươi” khi chiều xuống thỉnh thỏang hay ra chào đón hoặc rình rập bắt gia súc.
(*** Cho đến những năm giữa thế kỷ XX, vùng đất Vĩnh Hải ngày nay vẫn còn là đất rừng, đồi trải dài khá hoang vu, dân cư thưa thớt. Dưới thời Pháp thuộc, Vĩnh Hải vẫn là vùng đất hoang vu, nằm ở rìa phía Bắc thị xã Nha Trang với rừng rậm và đồng cỏ đế mênh mông nên gọi là Đồng Đế; dân cư thưa thớt, nằm từng cụm từ 5 đến 10 hộ gia đình, chủ yếu là dân di cư từ các tỉnh phía Bắc vào. – Sài Gòn trong tôi)
(***Cỏ đế là loại cỏ thân cao (có thể cao đến 3m), lớn bằng ngón tay út, có đốt. Cỏ đế thường mọc thành bụi rậm hoặc thành trảng ở miền Trung – Sài Gòn trong tôi)
Sau Hiệp Định Geneve 1954, Ðồng Ðế trở nên nhộn nhịp, đồng bào Ba Làng (gốc Thanh Hóa) đến định cư chiếm một chiều dài khoảng ¾ km và chiều rộng ¼ km trên bờ biển, phần phía sau Ba Làng là một trại binh thô sơ do quân đội Pháp để lại.
Cuối năm 1954 quân trường Commando của Pháp (Ecole de Commando) tại Vạt Cháy, Hòn Gai được thu vén di chuyển vào Nam theo Quy Ứớc Geneve. Sau một thời gian ngắn tạm trú tại Suối Dầu (Khánh Hòa) tháng 2-1955 được di chuyển về trại binh Ðồng Ðế với danh xưng “Ecole de Commando Et Education Physique” tiếp theo chuyển giao cho Quân Ðội VNCH và đổi tên là “Biệt Ðộng Ðội Thể Dục Ðinh Tiên Hoàng Ðồng Ðế”.
Lấy Ðồng Ðế làm trung tâm huấn luyện thật là một chọn lựa tối ưu. Từ các căn cứ quân sự Không, Hải, Lộ Vận và Hỏa Xa đều gần trung tâm huấn luyện.Các xạ trường, mục tiêu cố định, di động, biến hiện, các bãi tập mìn bẫy, dây tử thần, đoạn dường chiến binh, thao trường v.v…đều nằm dưới chân núi Hòn Khô hay thung lũng ở giữa chân núi Hòn Khô và đèo Rù Rì.
Bao bọc chung quanh không xa địa điểm toạ lạc của trường có biển, sông, núi cao, rừng rậm trùng điệp rất thuận tiện cho việc huấn luyện như: Nhảy dù đêm trên mọi địa thế, xâm nhập ven biển, vượt sông, tác chiến sình lầy, phục kích, tấn công , phòng thủ nơi núi cao hay rừng rậm đều có sẵn địa thế và trường hợp muốn có địa thế rộng rãi hơn nữa để phối họp hành quân thực tập cấp Ðại Đội, Tiểu Đòan, Liên Đòan thì khu Ðồng Bò trong lãnh thổ Diên Khánh cách đó cũng không bao xa.
Ðồng Ðế khí hậu lại tốt, gió biển thổi ngày đêm. Tôi biết Ðà Lạt vì xuất thân từ trường Võ Bị Liên Quân và cũng là Huấn Luyện Viên taị trường Bộ Binh Thủ Ðức. Theo tôi, địa thế huấn luyện Ðồng Ðế có nhiều đặc điểm tốt hơn hẳn hai quân trường trên .
– Ðà Lạt có rừng thông trùng điệp, khí hậu tốt, nhưng đến giai đoạn thực tập tác chiến trên mọi địa thế, đặc biệt sông rạch sình lầy …phải về vùng Bình Thủy – Cần Thơ.
– Trường Bộ Binh Thủ Ðức nằm trên đồi Tăng Nhơn Phú, phía sau có nhiều sông rạch, không có núi đồi cao, chỉ có một ít rừng … nhưng toàn là cây cao su, nên Thủ Ðức ít thích ứng cho quân trường về nhiều mặt. Nếu làm một Trung Tâm hay Ðại Học dân sự thì tốt hơn.
Ðịa thế cùng với lối huấn luyện đặc biệt của Quân Trường Ðồng Ðế đã nổi tiếng khắp nước, nên dù là thư sinh hay kẻ đã khoác áo chiến y vẩn e ngại về Ðồng Ðế. Những tin loan truyền về Ðồng Ðế không ai ngoài những khóa sinh đã từng bước qua cửa. Thêm vào đó, những người thích văn thơ lại sang tác những câu truyền tụng một thời trong nhân gian như:
“Rớt Tú Tài anh đi Trung Sĩ
Dây Tử Thần Ðồng Ðế đợi anh…”
Quả thật, không gì cay hơn thi rớt, cha mẹ buồn phiền, người yêu tìm cách lánh mặt, tương lai như ngõ cụt …, ghét dây Tử Thần Ðồng Ðế cũng chẳng đáng trách là “phản chiến” !
Nhưng khi đã được lệnh gọi trình diện nhập ngũ đi vào Quân Trường Ðồng Ðế thì …một liều ba bảy cũng phải liều để rồi “Ðồng Ðế đêm ngày nghe sóng vỗ, dây Tử Thần không làm nhụt chí nam nhi ..” .Rồi chẳng mấy chốc trở thành “trang thanh niên hùng dũng, người chiến sĩ oai hung của tiền tuyến và của lòng em …”. Quân Trường Ðồng Ðế trở thành .. dễ thương, dễ nhớ …
Kẻ viết bài nầy khi nhận lệnh đi thụ huấn ở Quân Trường Ðồng Ðế cũng mang tâm trạng chán nản, bất mãn, nhưng hôm nay lại thấy vinh dự khi nhắc lại những buồn vui nơi quân trường. Thật vậy, từ Trường Ðaị Học Quân Sự về Sư Đoàn với nhiều ước vọng, nhất là Tiểu Đoàn cũ còn đó, một ghế Trung Đoàn Trưởng chưa người điền khuyết …
Nhưng khi trình diện Tư Lệnh Sư Đoàn, Trung Tá Nguyển Văn Vĩnh (biệt danh Vĩnh hèo)* với nét mặt nghiêm nghị, ông ta ra lệnh :”Anh về đúng lúc, trong khi chờ đợi lệnh thuyên chuyển chẳng lẽ “ngồi đuổi ruồi” (chứng tật nói năng đối với cấp dưới chẳng phải giận ghét), anh đã là Tiểu Đoàn Trưởng, anh đã qua Ðại Học Quân Sự, nay anh “đại diện” Sư Đoàn đi học nốt Biệt Ðộng Ðội Thể Dục 3 tháng tại Ðồng Ðế, nó sẽ giúp anh khi nhận nhiệm vụ mới. Khóa khai giảng tuần qua, xuống nhận Sự Vụ Lệnh đi ngay cho kịp” .
Tôi định hỏi kỹ về lệnh của ông, nhưng chợt nghĩ .. có hỏi thì cũng như “hèo” thôi, nên tuân lệnh chào và đàng sau quay .
Với tư cách khóa sinh, tôi đến trình diện Quân Trường Ðồng Ðế. Ban huấn luyện quân trường ngạc nhiên và lúng túng vì cơ hữu lúc bấy giờ chỉ có vài Ðại Úy, Trưởng Khối khóa sinh là một Trung Úy, trong khi khóa sinh đeo cấp bậc Ðại Úy. Ðế giải quyết vấn đề, Ban Huấn Luyện đặt tôi là “Khóa Sinh Cố Vấn” (không phải cố vấn khóa sinh).
Tôi không bị ràng buộc vấn đề huấn luyện, nhưng hằng ngày tôi cũng sinh hoạt theo Ðại Đội 21 mà Ðại Đội Trưởng là Trung Úy Danh. Chương trình huấn luyện vào lúc nầy không có gì đổi mới ngọai trừ huấn nhục để người khóa sinh chịu đựng cam go khó nhọc gian khổ. Buổi sáng ra khỏi trại, trên đường đi đến thao trường vừa chạy vừa la .. Ðại đội trưởng hô “Biệt động đội”, khóa sinh đáp “À” .
Sau 3 tháng học tập, tôi có lệnh thuyên chuyển chính thức về quân trường, nhận Trưởng Khối Quân Huấn thay cho Ðại Úy BVS lên chức Chỉ Huy Phó.
Trường Biệt Ðộng Ðội & Thể Dục Ðồng Ðế chuyển mình. Ðầu năm 1957 Ðại Tá Nguyễn Thế Như (nguyên Tư Lệnh Sư Đoàn Khinh Chiến 15) và Tư Lệnh Lữ Đoàn Liên Minh Phòng Vệ Tổng Thống Phủ về thay thế Ðại Tá Trần Vĩnh Ðắc trong chức vụ Chỉ Huy Trưởng quân trường, hàng loạt sĩ quan tốt nghiệp ở Mỹ và Mã Lai được đưa về.
Võ Sư Thiếu Tá Nguyển Văn Minh (cấp đồng hóa) và một võ sư khác (huyền đai) người Nhật Bản (nguyên Trung Úy đào ngũ ở lại VN sau khi Nhật Hoàng tuyên bố đầu hàng Ðồng Minh) được Bộ Tổng Tham Mưu gởi tới. Cố vấn quân sự Mỹ cũng được thay thế bởi một Ðại Úy tốt nghiệp Ranger và đã có kinh nghiệm huấn luyện cho Biệt Kích Mã Lai Á.
Hướng đi của Bộ Tổng Tham Mưu cho quân trường lúc đó là:
A .Huấn luyện tăng thêm hiệu năng tác chiến nghành Biệt Ðộng Ðội & Thể Dục trong đó có cả Thể Dục Cận Chiến và chuyển mình hình thành một binh chủng.
Song song với việc huấn luyện Biệt Ðộng Ðội & Thể Dục chuẩn bị phương tiện (doanh trại, thao trường, tài liệu huấn luyện) để đào tạo hàng Hạ Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, đồng thời chuẩn bị doanh trại đón tiếp Liên Ðoàn 77 Lực Lượng Ðặc Biệt, quân số khoảng chừng 300 người mà hầu hết là Sĩ Quan hay Hạ Sĩ Quan với chương trình huấn luyện đặc biệt dành cho họ.
Quân Trường cũng được lệnh đổi danh xưng từ “Biệt Ðộng Ðội & Thể Dục” thành “Trường Hạ Sĩ Quan Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa” và khuyến khích sáng tác huy hiệu quân trường. Ðại Úy Vũ Phi Hùng, trưởng ban Vũ Khí đã vẽ huy hiệu trường Hạ Sĩ Quan và được Bộ Tổng Tham Mưu chấp thuận.
Khởi đầu chưong trình tu nghiệp là bổ túc quân sự cho khoảng 400 HSQ chuyên nghiệp có B1 hoặc B2, đồng thời tiếp nhận các HSQ từ các đơn vị gởi về tu nghiệp theo nhịp độ 3 tháng 1 khóa, sĩ số khóa sinh tùy theo khả năng quân trường.
Ngoài ra, cuối năm 1957 quân trường phải tiếp nhận thêm 1 khóa tu nghiệp đặc biệt cho khoảng 900 Hạ Sĩ Quan của các giáo phái (Bình Xuyên, Cao Ðài, Hòa Hảo) vừa mới sát nhập vào Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa .
Số khóa sinh nầy là một khó khăn và nhức đầu của quân trường lúc bấy giờ, ngơài việc học tập không mấy ai tích cực mà thỉnh thoảng cuối tuần anh em lại kéo ra sân cờ đòi về Nam!
Cuối năm 1957, một loạt Sĩ Quan khác sau khi tốt nghiệp các khóa ở nước ngoài về cũng được thuyên chuyển tới Ðồng Ðế; trong đó có Ðại Úy ÐVT tốt nghiệp Bộ Binh Cao Cấp ở Mỹ thay tôi trong nhiệm vụ Trưởng Khối Quân Huấn, còn tôi trách nhiệm Khối Khóa Sinh .
Cùng lúc đó, một số Sĩ Quan của Quân Trường kể cả Chỉ Huy Trưởng cũng được thay nhau đi thăm quan các Trung Tâm Huấn Luyện của các Sư Đòan Bộ Binh Mỹ đồn trú tại Hạ Uy Di . Ðặc biệt, quân trường lúc nầy cũng được sự chú tâm theo dõi của Tổng Thống Ngô Đình Diệm, nên khi danh sách phái đoàn thăm quan đầu tiên được trình lên TT (thời điểm nầy tất cả danh sách người đi xuất ngoại đều phải trình lên TT) gồm có Ðại Tá Như, tôi, Oanh và Chánh cùng đang có mặt tại Sàigòn để chuẩn bị hành trang lên đường.
Khi thấy tên Ðại Tá Như, ngay tức khắc Tổng Thống ra lệnh Bộ Tổng Tham Mưu chỉ thị Thiếu Tướng Tôn Thất Ðính Tư Lệnh Quân Ðoàn II chọn một Sĩ Quan khác thay thế Ðại Tá Như đi thăm quan và sẽ nhận nhiệm vụ Chỉ Huy Trưởng Trường Hạ Sĩ Quan sau khi đi thăm quan về. Trung Tá Ðoàn Văn Quảng thuộc Bộ Tư Lệnh Quân Ðoàn II được chọn..,và phái đoàn lên đường ngay sau khi Trung Tá Quảng có mặt tại Sài-gòn .
Tổng Thống và Bộ TTM quan tâm đến trường HSQ là điều dễ hiểu, vì hàng ngũ Hạ Sĩ Quan Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa thời kỳ phôi thai rất phức tạp, một phần được đào tạo từ địa phương và đã có thâm niên công vụ, đa số rất giỏi cả chiến đấu lẫn tham mưu. Chính họ thường xuyên được trám vào các chức vụ khi chưa có Sĩ Quan điền khuyết.
Một số lớn khác được thăng cấp tại hàng vì công trạng hay nhu cầu của các lực lượng giáo phái, số khác thuộc lực lượng phụ binh của Pháp để lại, đa số chiến đấu rất giỏi và gan lì, đụng địch là húc như trâu điên …
Nhưng .. hiểu biết tổng quát kém, môn bản đồ chưa được học qua, địa bàn, vũ khí, truyền tin hay nghệ thuật lãnh đạo tất cả đều chưa có căn bản. Việc tu nghiệp để nâng cao trình độ cho Hạ Sĩ Quan trong quân đội tân tiến là một vấn đề thiết yếu. Sự lưu tâm của Tổng Thống Ngô Đình Diệm cũng là một vinh dự cho hàng Hạ Sĩ Quan Quân Ðội Việt Nam Cộng Hòa và cho quân lực.
Cuối năm 1958, sau khi việc huấn luyện song hành của Biệt Ðộng Ðội, Thể Dục và Hạ Sĩ Quan có kết quả cụ thể, việc quản trị tiếp vận đã hoàn chỉnh, chương trình huấn luyện Biệt Ðộng Ðội và Thể Dục cũng chuyển dần sang việc thành lập binh chủng Biệt Ðộng Quân thì một lần nữa quân trường Ðồng Ðế lại có thêm một nhiệm vụ mới đó là chuẩn bị phương tiện để đón nhận và đào tạo Sĩ Quan Hiện Dịch.
Khác với trường Võ Bị Ðà-Lạt, tài nguyên SVSQ được chọn từ hàng HSQ xuất sắc, họ phải là những người có chiến công, hạnh kiểm tốt, trình độ văn hóa Trung Học Phổ Thông. Tuy nhiên, ứng viên phải qua một cuộc thi tuyển do Bộ Tổng Tham Mưu tổ chức
Trong thời gian quân trường chuẩn bị tài liệu huấn luyện, phương tiện tiếp vận và đợi danh sách các SVSQ được tuyển chọn của Bộ TTM, thì tờ báo “Chiến Sĩ Quân Ðội VNCH”, tiếng nói duy nhất của Quân Đội do Nha Chiến Tranh Tâm Lý Bộ Quốc Phòng phát hành dành nguyên một số đặc biệt nói về tường HSQ và vai trò của HSQ trong QLVNCH. Tôi được phòng Chiến Tranh Tâm Lý yêu cầu viết bài qua cái nhìn thực tế lúc ở ngoài đơn vị và lúc ở quân trường.
Tháng 6 năm 1959 khóa hiện dịch đầu tiên được khai giảng với sĩ số trên 350 người Về sinh hoạt hằng ngày như quân phong quân kỷ, nghệ thuật dẫn đạo lấy khuôn mẫu từ trường Võ Bị Ðà Lạt. Cán bộ điều hành từ Tiểu Đoàn Trưởng và Ðại Đội Trưởng hầu hết xuất thân từ quân trường nầy.
Về chương trình huấn luyện 9 tháng tại quân trường, vì tất cả các SVSQ đã có kiến thức căn bản quân sự kể cả cá nhân và tiểu đội tác chiến, nên dành nhiều thì giờ cho việc huấn luyện các khoa chuyên môn theo phương pháp Mỹ, phần tác chiến chú trọng huấn nhục, tháo vát, quen chịu đựng gian khổ trong mọi hoàn cảnh và khả năng điều quân cấp trung đội & đại đội.
Sau đó 3 tháng phân bổ thực tập trong các đơn vị chiến đấu, việc theo dõi thực tập, phê phán khả năng thuộc quyền của các đơn vị trưởng thực tập, quân trường chỉ đóng vai trò liên lạc . Với tư cách là Tiểu Đoàn Trưởng Tiểu Đoàn SVSQ, được quân trường phái xuống các đơn vị để ghi nhận ý kiến của cả hai bên.
Gần cuối năm 1959, công việc đang bình thường thì quân trường lại thay đổi Chỉ Huy Trưởng. Trung Tá Ðoàn Văn Quảng đi, Trung Tá Ðặng Văn Sơn đến thay thế. Sau mỗi lần thay đổi Chỉ Huy Trưởng, việc huấn luyện cũng thay đổi ít nhiều.
Nhưng phải thành thực nhận định, dưới thời Trung Tá Sơn từ việc huấn luyện cho tới quản trị tiếp vận, chỉnh trang và thiết trí thao trường, xạ trường….chu tất nhất, không những thế, từ trạm xá, phòng xã hội dành cho trại gia binh cũng được kiến tạo.
Ðầu tháng 7 năm 1960, tất cả SVSQ đi thực tập trở về trường để tham dự trắc nghiệm cuối cùng để chuẩn bị mãn khóa. Sau hơn một năm tròn tôi luyện, ngày 23 tháng 7 năm 1960 Khóa 1 Sinh Viên Sĩ Quan làm lễ mãn khóa dưới sự chủ tọa của Tổng Thống VNCH.
Sau lễ mãn khóa, TT Diệm đích thân đi thăm các thao trường và rất hân hoan khi nhìn tận mắt một toán khóa sinh với trang bị cá nhân tác chiến đang thực tập vượt sông Cả (Nha Trang) mà một Sĩ Quan huấn luyện viên mang khẩu đại liên 30 với đầy đủ đạn dược lắp ngay vào chổ Tổng Thống và quan khách đang đứng.
Hoặc là màn huấn luyện của một toán khóa sinh từ đỉnh đồi cao bám vào dây cáp vượt qua sườn núi, phía dưới là ghềnh đá lởm chởm (nếu yếu bóng vía chỉ có thể nhắm mắt chờ chết) cuối cùng rơi xuống hồ nước, biết bơi thì vào bờ, không biết thì …uống một ít nước rồi có người cứu ngay, được gọi là “dây tử thần”!
Sau ngày mãn khóa 1 trên 300 “Tân Sĩ Quan nhà nghề” được tung đi bốn phương trời, các đơn vị đón nhận họ như một món quà quí giá .Võ Bị Ðồng Ðế từ đấy .. “Vua biết mặt, Chúa biết tên” nên được lệnh tiếp tục đào tạo thêm các khóa kế tiếp. Khóa 2 khai giảng ngày 27 tháng 2 năm 1961 với sĩ số 350 người .Khóa 3 khai giảng ngày 27 tháng 5 năm 1962 với sĩ số 550 người, khóa 4 sĩ số 400 người .
Ðặc biệt khóa 3 & 4 Sĩ Quan hiện dịch trước khi khai giảng khóa học độ 2 tháng, có khoảng 100 sinh viên Quốc Gia Hành Chánh thuộc các khóa 6,7 & 8 đã tốt nghiệp về Hành Chánh, theo chỉ thị của Tổng Thống Ngô Đình Diệm được gởi tới trường Hạ Sĩ Quan Ðồng Ðế để thụ huấn căn bản quân sự và sau khi mãn khóa được nhập học với khóa 3 & 4 Sĩ Quan hiện dịch .
Sau khi tốt nghiệp khoá Sĩ Quan tại Ðồng Ðế, các sinh viên Quốc Gia Hành Chánh nầy trở về nhiệm sở để tương lai theo kế hoạch của chính phủ VNCH, các sinh viên nầy sẽ được bổ nhiệm chức vụ Quận Trưởng thay thế Sĩ Quan Quân Đội trở về chỉ huy với nhiệm vụ quân sự thuần túy.
Tổng cộng, Sĩ Quan Hiện Dịch xuất thân từ Võ Bị Ðồng Ðế là 1800 người, không kể 100 Sĩ Quan nguyên là gốc là Sinh Viên Quốc Gia Hành chánh. Cuối năm 1963 quân trường chấm dứt đào tạo Sĩ Quan Hiện Dịch.
Trong năm 1961, quân trường có một số thay đổi. Ðầu năm, bộ phận Lực Lượng Ðặc Biệt (Liên Đoàn 77 Biệt Kích Dù) rút hết về Sài Gòn, sau đó bộ phận huấn luyện Biệt Ðộng Quân được di chuyển ra Dục Mỹ. Ðại Tá Sơn được chỉ định Chỉ Huy Trưởng TTHL Biệt Ðộng Quân Dục Mỹ, Ðại Tá Ðỗ Cao Trí về chức vụ Chỉ Huy Trưởng Trường Hạ Sĩ Quan Ðồng Ðế Nha Trang.
Ðầu năm 1962, vì nhu cầu quân số việc đào tạo Hạ Sĩ Quan được gia tăng mạnh mẽ cả phẩm lẫn lượng cho tới cuối năm 1963 sau khi chấm dứt đào tạo Sĩ Quan hiện dịch. Mọi nỗ lực quân trường đều dồn hết vào việc đào tạo Hạ Sĩ Quan. Ðến nửa năm 1967 thì Võ Bị Thủ Ðức vượt quá khả năng nên Võ Bị Ðồng Ðế được lệnh chuẩn bị gánh vác thêm việc huấn luyện sỉ quan trừ bị ..và từ đó tới năm 1972 sĩ số khóa sinh và Sinh Viên Sĩ Quan quá đông, doanh trại không đủ chỗ chứa phải dựng thêm lều vải.
Võ Bị Ðồng Ðế chính danh là Trường Hạ Sĩ Quan Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nhưng từ tháng 3-1955 đến 4-1975 đã đào tạo hàng vạn BÐÐ & TD và BÐQ, tu nghiệp trên 20,000 và đào tạo trên 120,000 Hạ Sĩ Quan, 1,800 Sĩ Quan Hiện Dịch, khoảng 12,000 Sĩ Quan trừ bị và tu nghiệp một số nhỏ (không đáng kể) Sĩ Quan nước bạn Cam-Bốt .
Ðể tri ân và ghi nhớ Võ Bị Ðồng Ðế từ ngày sinh cho đến ngày tử, đã lần lượt chỉ huy bởi các danh Tá, danh Tướng như sau: (ghi cấp bậc khi nhận bàn giao)
1. Tiếp nhận quân trường từ quân đội Pháp: Thiếu Tá Lê Cầm (1955-1956)
2. Ðại Tá Trần Vỉnh Ðắc (1956-1957)
3. Ðại Tá Nguyển Thế Như (1957-1958)
4. Trung Tá Ðoàn Văn Quảng (1958-1959)
5. Trung Tá Ðặng Văn Sơn (1959-1961)
6. Ðại Tá Ðổ Cao Trí (1961-1962)
7. Ðại Tá Nguyển Văn Kiểm (1962-1963)
8. Trung Tá Nguyển Vĩnh Xuân (vài tháng cuối năm 1963 để thi hành mệnh lệnh do tướng Ðôn sắp xếp).
9. Thiếu Tướng Nguyển Văn Là (1964-1965)
10. Ðại Tá Lâm Quang Thơ (1965-1966)
11. Ðại Tá Phạm Văn Liễu (1966-1967)
12. Ðại Tá Lê Văn Nhật (1967-1969)
13. Trung Tướng Linh Quang Viên (1969-1971)
14. Chuẩn Tướng Võ Văn Cảnh (1971-1973)
15. Trung Tướng Dư Quốc Ðống (1973-1974)
16. Trung Tướng Phạm Quốc Thuần (1974-1975)
Suốt 20 năm Võ Bị Ðồng Ðế đã đóng góp vĩ đại vào công cuộc xây dựng Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa lấy phương châm “TỔ QUỐC-DANH DỰ-TRÁCH NHIỆM” làm Kim Chỉ Nam.
Trước hết xin kính cẩn hoài niệm và tri ân hàng ngàn cựu khóa sinh và sinh viên, cán bộ đã giũ trọn lời thề hy sinh cho Tổ Quốc trong đó có cố Ðại Tướng Ðổ Cao Trí – nguyên Chỉ Huy Trưởng là tiêu biểu.
Kế đến xin được ca tụng hàng Huấn Luyện Viên mà Võ Bị Ðồng Ðế đã may mắn có một toán Huấn Luyện Viên như quí vị đã đưa quân trường Ðồng Ðế trở thành danh trường, cung cấp hàng vạn cấp chỉ huy tài danh và can đảm cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa.
Không phải chỉ ở quân trường, mà khi ra chiến trường quí vị cũng là những “kiện tướng”, điển hình như Tướng Phạm Văn Tất (HLV/LÐ77), Ðại Tá Cao văn Ủy (HLVCT & BÐQ), tên tuổi quí vị đã đi vào quân sử và lịch sử trên đường Quốc Lộ 7 mà sư đoàn sao vàng của bọn cộng phỉ bắc việt xâm lược không thể quên. Liên Đoàn 4 Biệt Ðộng Quân (kẻ thù số 1 của chúng) và Ðại Tá Vũ Phi Hùng (tức nhà văn Phùng Hy HLV vũ khí & BÐQ).
Sau hết, xin được ca tụng tinh thần kỷ luật, lòng trung thành của Khóa Sinh, Quân-Dân-Chính các cấp Trường Võ Bị Ðồng Ðế đối với Quân Đội cũng như Chính Phủ Việt Nam Cộng Hòa.
Trong biến cố tháng 4-75, lúc nào cũng thủ súng sẵn sàng chiến đấu. Nếu không vì tình hình biến đổi, xoay chiều quá mau chóng và nếu không có lệnh của cấp chỉ huy của quân trường cho “ai nấy tự di tản” thì khi bọn giặc cướp “nón cối dép râu” bắc việt bước qua cổng Võ Bị Ðồng Ðế cũng sẽ nếm mùi khốn đốn như lúc bọn chúng bước vào cổng Tỉnh, Tiểu Khu Chương Thiện của cố Ðại Tá Hồ Ngọc Cẩn (cựu SVSQ khóa 2 hiện dịch Ðồng Ðế Nha Trang). (Sài Gòn trong tôi/ Trương Huyền)
Ngày nay anh em cựu chiến binh Hội Ái Hữu Quân Trường Ðồng Ðế Nha Trang dù ở đâu, trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều ý thức được rằng:
Cuộc chiến đã tàn, nhưng tình chiến hữu vẫn thiết tha gắn bó…
Và luôn luôn hướng về quê hương đất nước, nhớ về nơi quân trường cũ, chiến trường xưa./ –
(Sài Gòn trong tôi)