TRUNG CỘNG CÓ GIÚP CHO NGA TRONG CUỘC CHIẾN UKRAINE ? (Lê Thành Nhân)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Valdimir Putin khủng hoảng

Từ khi Nga đưa quân xâm lược Ukraine, xem như đã lọt vào vào cái bẫy của Mỹ. Từ những tháng ngày trước khi Nga xâm lăng Ukraine, cả thế giới nghĩ rằng Nga không tấn công Ukraine mà chỉ gây sức ép để chiếm lợi thế trên bàn hội nghị với khối NATO. Trong khi đó tình báo Mỹ đã đặt cược ngược lại. Ngày 24/02/2022 Putin ra lệnh quân đội Nga tấn công vào Ukraine, Washington đã chứng minh cho thế giới sự chính xác của tình báo Mỹ là đáng tin cậy. 

Đến hôm nay, còn 2 ngày nữa là đầy 1 tháng, Nga đang bị sa lầy tại chiến trường Ukraine trong thế “tiến thối lưỡng nan”:

– Nếu Nga tiến tới chỉ bằng cách dội bom và phóng hoả tiễn tầm xa bừa bãi vào thành phố giết chết dân lành và trẻ thơ vô tội… Điều này sẽ làm dày thêm hồ sơ “tội ác chiến tranh” của Vladimir Putin trước toà án quốc tế!
Dĩ nhiên Putin say máu quân thù sẽ chiến thắng trên sức mạnh bom đạn. Chiến thắng trong hoang tàn đổ nát, loang lổ máu xương của dân Ukraine! Sau khi chiến thắng, Putin thấy rùng mình kinh sợ nhận ra Nga đang đứng bên bờ vực thẳm kinh tế; Bị thế giới cô lập; Nga trở thành nhà nước khủng bố; Một Ukraine thua trận nhưng quân du kích trỗi dậy đánh “trường kỳ kháng chiến” khắp nơi, Nga muốn cai trị Ukraine phải gia tăng quân số gấp đôi, gấp ba để đáp ứng. Trước viễn cảnh như vậy, chúng ta hình dung ra sớm muộn gì Nga cũng bị xuất huyết, tự rút quân về nước không điều kiện. Do đó “Putin có thể thắng trận mà thua cuộc chiến ở Ukraine”!

– Nếu hiện nay Nga tự thối quân, đồng nghĩa Nga đã chấp nhận thua trận ở Ukraine! Vladimir Putin đã huỷ hoại huyền thoại của một nước Nga hùng mạnh từ thời Nga Hoàng và là cường quốc nguyên tử số một hiện nay, Putin còn mặt mũi nào để nhìn người dân Nga và đối diện với quốc tế. Kéo theo hậu quả vô lường là vũ khí Nga, xem như loại “thứ cấp” không thắng một Ukraine nhỏ bé, các khách hàng vũ khí của Nga xoay qua mua vũ khí của Mỹ, Hoa Kỳ trở thành trùm lái súng số một trên thế giới. Putin bị toà án quốc tế kết án “tội ác chiến tranh”; Một nước Nga bị chèn ép hằng thập niên làm cho nền kinh tế khó ngóc dậy được; Ảnh hưởng của nước Nga không còn có uy tín trên chính trường quốc tế về kinh tế, quân sự cũng và tư cách chính trị. Thế là hết, Putin đánh một trận để chôn vùi nước Nga nhiều thế hệ mai sau!

Dù tiến hay thối, Putin đều thua! Đang bí lối, Putin hành động “cuồng vọng”. Rất tiếc, trên thế giới từ cổ chí kim, những lãnh tụ có hành động cuồng vọng thì tự chuốc lấy bi thảm cho bản thân, đưa đất nước đến chỗ phá sản! Putin không thoát khỏi quy luật lịch sử ấy, mà nó đã ứng nghiệm chỉ sau vài tuần, Nga đã bị cô lập, thế giới xa lánh, tương lai giới trẻ Nga vô định… Nền kinh tế Nga rồi đây như một lớp mây mù bao phủ, người dân Nga đang trực diện với những ngày thống khổ tồi tệ của thời “vô sản chuyên chính”. Còn Putin thì bị nhân loại cho là kẻ máu lạnh, sát nhân vượt lên trên đồ tể Stalin.

Valdimir Putin là ác quỷ (hình minh hoạt trong cuộc biểu tình)

Putin đi tìm lối giải thoát

Nhìn từ Kremlin, Putin thanh trừng các viên chức tình báo cao cấp của Nga về đánh giá sai về tình hình Ukraine, nhiều tướng chỉ huy cao cấp bị quân Ukraine sát hại trên chiến trường, dù Nga đã dùng hoả lực tối đa nã vào thành phố nhưng mức độ tiến quân rất chậm chạp, thậm chí nhiều nơi bị quân Ukraine phản công chiếm lại chiến trường đã mất. Nhưng việc đáng chú trong mấy ngày qua là Nga tổ chức một cuộc biểu tình tại Moscow huy động 200 ngàn người đến tung hô Putin, để cho Putin tuyên truyền đàn áp những ai chống cuộc chiến của Nga hiện nay là phản quốc! Điều này cho thấy Putin đang lo sợ ngươi dân Nga đứng lên lật đổ ông ta, nên ra tay đàn áp nội bộ. Thứ hai là Nga cho phóng hỏa tiễn siêu thanh vào thành phố Lvis gần biên giới Ba Lan, điều này xẩy ra có thể trong kho hoả tiễn của Nga đã cạn nên phải dùng đến loại hoả tiễn đời mới này, cũng có thể Nga đang trả đũa Mỹ về khoản viện trợ vũ khí tối tân cho Ukraine trị giá 800 triệu USD đang di chuyển qua tuyến đường của vùng Lviv.
Đây là những việc làm vá víu, không giải quyết được bế tắc toàn diện! Câu hỏi đặt ra là Putin không lẽ ngồi chờ thần chết đang tiến tới trước mặt? Nên đang đi tìm đường giải cứu. Hai con đường mà Putin nhắm tới là cầu viện nước ngoài và tự cứu.

1) Cầu viện:

Putin cầu viện “bạn vàng” Tập Cận Bình người cầm đầu Trung Cộng (TC), một nước đông dân nhất và cũng nhiều lính nhất địa cầu, có nền kinh tế hạng hai trên thế giới… Theo tin từ đài CNN (1) thì Putin và Tập Cận Bình có những “cable” qua lại (cable đây là những điện tín hay đường dây liên lạc bí mật). Không biết những “cable” đó có lọt vào tai mắt của tình báo Mỹ hay không mà mấy tuần nay Washington đặc biệt chú trọng đến vấn đề này. Thứ Hai tuần trước (14/03) Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Jake Sullivan đã bay đến Roma nước Ý để gặp Dương Khiết Trì (Yang Jiechi) Uỷ Viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Văn Phòng Ủy Ban Công Tác Đối Ngoại Trung Ương của Trung Cộng, hai bên đã họp liên tục 9 giờ. Tin lộ ra là Sullivan đã cảnh cáo Dương “những hậu quả” mà Trung Cộng phải đối diện nếu hỗ trợ Nga. Không ai trong buổi họp tiết lộ “Những hậu quả (consequences)” đó có chi tiết như thế nào?
Bốn ngày sau trong cùng một tuần lễ (18/03), TT Joe Biden gặp Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình qua trực tuyến 2 giờ cũng đề cập đến “những hậu quả” mà theo website của Toà Bạch Ốc (2) có đoạn: “TT Biden xem xét hành động của Putin và những tính toán sai lầm. Biden cũng nhắc đến sự thống nhất của Mỹ và các Đồng minh châu Âu NATOẤn Độ và các đối tác có sự phối hợp chưa từng có ở vùng Ấn Độ-Thái Bình Dương, và sự thống nhất trên toàn cầu một cách bao trùm về ủng hộ cho Ukraine cũng như lên án cuộc xâm lược của Nga. TT Joe Biden cũng hàm ý nói rõ cho Trung Cộng biết nếu Trung Cộng hỗ trợ cho Nga trong cuộc chiến với Ukraine thì Trung Cộng sẽ lãnh hậu quả (consequences) không những đến từ Hoa Kỳ mà còn đến từ các nước trên thế giới… rất rộng lớn”

Trong mấy ngày qua phóng viên báo chí Mỹ và quốc tế cố gắng moi tin tức của cuộc họp trực tuyến Biden-Tập từ Phát Ngôn Viên Tòa Bạch Ốc Jen Psaki và Bộ Quốc Phòng John Kirby nhưng không lấy được tin tức chính xác nào ngoài những suy đoán.

Trong sự việc này chúng ta có thể thấy rằng Putin cầu cứu Tập Cận Bình, giả sử Bắc Kinh giúp cho Moscow thì trong hai lãnh vực: giúp kinh tế để Moscow vượt qua các sắc lệnh trừng phạt, và giúp quân sự để cho Nga có khả năng kéo dài cuộc chiến mà một mình Nga không kham nổi đường dài.

Về lãnh vực 1: Giả sử Bắc Kinh đồng ý giúp Moscow để “lách” những lệnh trừng phạt của Mỹ và Tây Phương hiện nay. Thử hỏi rằng Bắc Kinh có đủ khả năng để cứu nước Nga ra khỏi lệnh trừng phạt của Mỹ và Tây Phương hay không hay chỉ đắp đổi phần nào? Để rồi Trung cộng phải nhận “những hậu quả” to lớn như Mỹ đã cảnh báo. Như vậy thì “lợi bất cập hại”, Trung Cộng mất mười mà được một – điều này chúng ta có thể chứng minh dựa trên những con số của nền giao thương Trung Cộng trong năm 2021: TC – EU là 828.1 tỉ đô-la (3), TC-Mỹ 657.5 tỉ đô-la (4), tổng cộng gần 1483 tỉ đô-la, cũng trong năm 2021 giao thương giữa TC-Nga chỉ có 147 tỉ đô-la (5). Nhìn vào 2 con số 1483 so với 147 thấy rằng Trung Cộng mà hỗ trợ Nga thì  “mất mười được một”. Bắc Kinh chắc đã có câu trả lời là “không muốn ôm Nga cùng nhau nhảy xuống vực sâu”.

Về lãnh vực thứ 2: Giả sử Bắc Kinh đồng ý giúp Moscow về quân sự, trong lãnh vực này cũng có hai cách giúp, thứ nhất là lén lút trong bóng tối như chia sẻ tin tức tình báo, viện trợ lương khô cho quân đội Nga, ngoài dán nhãn “made in Russia”, phụ giúp những linh kiện điện tử để bảo trì vũ khí… cách giúp như vậy rất khó phát hiện, và với sự giúp đỡ như vậy cũng chẳng giúp cho Nga duy trì cuộc chiến xâm lăng Ukraine được bao lâu. Mặt khác, nếu Trung Cộng ra mặt cung cấp quân đội (lính), máy bay không người lái, vũ khí trang bị cá nhân, xe tăng, hoả tiễn, đạn dược hà hơi tiếp sức cho Nga kéo dài cuộc chiến ở Ukraine thì Trung Cộng sẽ lãnh “những hậu quả” trừng phạt nặng nề không thua gì Nga. Không biết Trung Cộng có vung tay quá trán để bước vào Đại Chiến Thứ III hay không? 

2) Putin tự tìm giải pháp để giải thoát

Gần đây, phóng viên John Simpson của đài BBC qua tiến sĩ Ibrahim Kalin, Phát Ngôn Viên của Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ- Recep Erdogan cho biết trong những ngày gần đây Putin có gọi điện thoại cho Erdogan nói về những giải pháp ngưng chiến với Ukraine, theo tiết lộ của Kalin thì Putin có đề nghị như sau:
– Ukraine phải chấp nhận tình trạng trung lập và sẽ không xin gia nhập NATO,
– Ukraine phải thực hiện chương trình giải giáp vũ khí để không có sự đe dọa đối với Nga,
– Ukraine phải duy trì tiếng Nga tại nước Ukraine.
– Ukraine phải “phi phát xít hóa”.
Hoặc:
– Ukraine phải công nhận hai nước cộng hòa tự xưng Donetsk và Luhansk tại vùng Donbass là hai nước độc lập.
– Ukraine phải thừa nhận bán đảo Crimea là thuộc chủ quyền của Nga.

So với đòi hỏi lúc đầu, giờ này Putin dịu giọng một trời một vực. Từ chỗ Putin ra “tối hậu thư” cho NATO đòi hỏi chấp nhận bằng văn bản giấy trằng mực đen là không bao giờ nhận Ukraine là thành viên khối NATO, đến việc xem Ukraine là một vùng lãnh thổ của Nga, thì nay luận điệu đó không còn nữa. Những yêu cầu của Putin qua trung gian của Tổng Thống Thổ Nhĩ Kỳ Erdogan để giải quyết cuộc chiến Ukraine không còn giọng điệu kẻ cả, ra mệnh lệnh như trước vì biết mình “đã sa lầy”.
Phía Ukraine cũng thấy sự tàn phá của chiến tranh càng ngày càng khủng khiếp, lính chết thì ít mà dân thường và trẻ em chết thì nhiều, lại có cả 10 triệu người Ukraine (gần ¼ nhân lực nước Ukraine) chạy ra nước ngoài tị nạn, nếu chiến tranh kéo dài thì đất nước Ukraine chỉ là bãi chiến trường bị bom đạn Nga tàn phá thành sa mạc. Cho nên Tổng Thống Volodymyr Zelensky cũng đã đưa một tín hiệu “không tha thiết gia nhập khối NATO nữa” và có ý định muốn ngồi vào đàm phán ngang hàng với Putin.

Hôm thứ Hai (21/03), một người đàn ông đứng nhìn khu shopping Retroville phía Tây Bắc thủ đô Kyiv đang bốc cháy khi bị trúng hoả tiễn cực mạnh của Nga. (Hình: Messinis / AFP / Getty)

3) Trung Cộng học được gì từ chiến Tranh Ukraine?

Từ chiến tranh ở Ukraine nhìn sang Châu Á, Bắc Kinh đang có một bài học giá trị:

Thứ nhất: đừng coi thường sự trừng phạt của Tây Phương, hơn bất cứ quốc gia nào, sự phát triển của nền kinh tế Trung Cộng dựa trên hàng xuất khẩu mà có – do đó Bắc Kinh tính toán rất cẩn thận trong việc giúp Nga.
Thứ hai, Trung Công giờ đây cũng không dám xem thường sự đoàn kết của các nước dân chủ Tây Phương. Khi đã quyết định lệnh trừng phạt thì họ tự động đứng về hành lang bên này và thi hành lệnh trừng phạt một cách nghiêm chỉnh với tinh thần trách nhiệm rất cao.
Thứ ba những “vở tuồng” mà trước đây Trung Cộng đã xâm lăng các tỉnh miền Bắc năm 1979 với luận điệu “dạy cho Việt Nam một bài học” hoặc rồi đây tự vẽ kịch bản để tấn công Đài Loan, Việt Nam, Ấn Độ thì Ukraine là một bài học mà Bắc Kinh phải nhớ nằm lòng để đừng rơi vào tình trạng của Putin hiện nay.

Có một điều xin những người yêu tự do dân chủ và các nước dân chủ tây phương đừng quên rằng bản chất của Cộng Sản là xâm lược và không ngừng xâm lược. Nhưng sau vụ xâm lược của Putin vào Ukraine, có thể Trung Cộng sẽ thay đổi hình thức xâm lăng để chiếm đất, cướp đảo mà không bị thế giới trừng phạt. Cho nên, phe dân chủ cần suy tìm cách đối phó hữu hiệu nhằm chặn đứng xâm lăng cướp nước kiểu mới của Trung Cộng.

Hoa Kỳ ngày 22 tháng 3 năm 2022
Lê Thành Nhân


(1)  https://www.cnn.com/2022/03/14/politics/us-china-russia-ukraine/index.html -By Kevin LiptakNatasha BertrandKatie Bo LillisKylie Atwood and Jennifer Hansler, CNN

(2)  https://www.whitehouse.gov/briefing-room/press-briefings/2022/03/18/background-press-call-by-a-senior-administration-official-on-president-bidens-call-with-president-xi-jinping-of-china/

(3)  https://www.chinadailyhk.com/article/258250

(4)  https://www.census.gov/foreign-trade/balance/c5700.html#2021