TRẦN HUY BÍCH: PHÁT BIỂU TRONG TANG LỄ NHÀ VĂN, NHÀ THƠ, NHẠC SĨ NGUYỄN ĐÌNH TOÀN (Westminster, California 12/17/2023)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

 

Kính thưa các bậc trưởng thượng

Kính thưa toàn thể quý vị

Nhà văn, nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn và tôi có một điểm giống nhau. Chúng tôi là bạn cùng tuổi: cùng sinh năm Bính Tý 1936, năm nay 87 tuổi.

Chúng tôi rất vui trong tình thân và thấy có những điểm có thể bổ túc cho nhau. Ông là một nhà văn, nhà thơ, một nhạc sĩ vô cùng tài hoa, được rất nhiều người mến mộ. Tôi không có văn tài như thế nhưng may mắn biết yêu những áng văn hay, những lời thơ đẹp, những nhạc khúc có giá trị, do đó luôn luôn mang tâm trạng biết ơn, đưa tới thái độ trân trọng đối với tác giả những thơ văn tao nhã, nhạc khúc diễm tuyệt ấy. Tôi học được nhiều từ cách viết, cách dùng từ ngữ của ông. Mặt khác, những khi trò chuyện với nhau, việc tôi nhắc đến những tác phẩm giá trị của ông mà tôi yêu thích hẳn cũng đã có lúc làm ông vui.

Tôi may mắn có ba người bạn cùng tuổi (Bính Tý 1936) theo nghiệp cầm bút: các nhà văn Thảo Trường, Nhật Tiến, và Nguyễn Đình Toàn.

Anh Thảo Trường với tôi là bạn từ Trung học Đệ Nhất cấp, những năm Đệ Lục, Đệ Ngũ, Đệ Tứ trước 1954. Anh Nhật Tiến là bạn từ những năm dạy học đầu thập niên 1960. Tôi gặp anh Nguyễn Đình Toàn sau, nhưng ngay từ lần gặp đầu đã thấy quý và trở nên thân thiết ngay. Anh hiền hòa, thành thật, vui vẻ, ai cũng cảm mến.

Tuy có những đóng góp vô cùng lớn lao cho văn học, anh Nhật Tiến không thể dành trọn thời giờ cho việc sáng tác. Anh còn là một nhà giáo, phải bỏ ra một số lượng rất lớn thời giờ cho việc dạy học. Đóng góp về văn học của anh Thảo Trường rất phong phú và giá trị, nhưng anh cũng không thể chuyên tâm với việc viết. Anh là một quân nhân.

Chỉ có anh Nguyễn Đình Toàn là dành được nhiều thời giờ hơn cho văn chương, nghệ thuật. Anh viết truyện, làm thơ, viết kịch, soạn nhạc, soạn ca từ cho nhạc, phụ trách chương trình nhạc trên đài phát thanh. Anh sống trọn vẹn với văn chương nghệ thuật, thuần túy là một “văn nghệ sĩ.” Sự ra đi của anh đã gây xúc động rất rộng rãi. Một cô em họ thân của tôi, rất yêu bài “Tình khúc thứ nhất” bàng hoàng, ngơ ngẩn trong rất nhiều ngày.

Nhà văn, nhà thơ Nguyễn Đình Toàn đến với thế gian đúng ngày Trung Thu, ngày trăng đẹp nhất trong năm. Do đó, nhân những câu của anh:

Thần tiên

gẫy cánh đêm xuân

bước lạc sa xuống trần

  

Tôi đã muốn đổi mấy chữ của câu ấy để đọc thành:

Thần tiên

xuống thế đêm thu

đem trăng thanh soi cõi mịt mù.

 

Chúng ta sống với ánh trăng đẹp ấy trong rất nhiều năm. Nay nguồn sáng ấy đột nhiên vụt tắt. Làm sao không hụt hẫng, nhớ tiếc, không đau xót, bàng hoàng … cho được?

 Nhìn lại các nhà văn cùng tuổi Bính Tý 1936, tôi có chút nhận xét như sau:

 –Nhà thơ Thanh Tâm Tuyền mất năm 2006, hưởng thọ 70 tuổi

–Nhà văn Thảo Trường mất năm 2010, hưởng thọ 74 tuổi

–Nhà văn Dương Nghiễm Mậu mất năm 2016, hưởng thọ 80 tuổi

–Nhà văn Nhật Tiến và hiền nội là nhà văn Đỗ Phương Khanh mất năm 2020, hưởng thọ 84 tuổi

–Và năm nay, nhà văn, nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn từ giã chúng ta, hưởng thọ 87 tuổi.

 Ông đã ở với chúng ta lâu hơn nhiều bạn cùng tuổi. Nhưng sau khi ông ra đi, số lượng các văn nghệ sĩ của Miền Nam giai đoạn 1954-1975 lại thưa thớt, trống vắng thêm.

 Tuy thế, tác phẩm của các vị sống mãi với thời gian, đúng như hai câu thơ của Lý Bạch khi so sánh văn chương của Khuất Nguyên với lâu đài, cung điện của vua nước Sở:

 Khuất Bình từ phú huyền nhật nguyệt

Sở vương đài tạ không sơn khâu

 (Văn chương, từ phú của Khuất Bình [một tên khác của Khuất Nguyên] treo cao với mặt trời, mặt trăng, [trong khi]

Lâu đài cung điện của vua nước Sở không còn gì giữa đám núi gò).

 Hai câu ấy có thể dịch thoát như sau:

 Khuất Nguyên trang gấm truyền lâu

Điện đài vua Sở chìm sâu lớp gò.

 Trong tình trạng hầu hết lớp bạn cùng tuổi đã ra đi, tôi không thể không cảm thấy cô đơn, như cụ Nguyễn Khuyến thuở trước:

 Bạn già lớp trước nay còn mấy

 Nhưng cũng hiểu được rằng:

 Bác chẳng ở, dẫu van chẳng ở

Tôi tuy thương, lấy nhớ làm thương.

 Sinh và tử là luật của cõi thế này. Chúng ta có thể tự an ủi bằng cách nhớ ra rằng anh Toàn nay gặp lại chị Thu Hồng. Tôi xin chân thành cầu nguyện, chúc anh ra đi bình an.

 Tôi tin rằng trong đời sống này, những người khi mới gặp nhau đã có ngay mối thiện cảm và sự tin cậy, nhiều phần đã có tình thân từ một đời sống trước. Nếu trong kiếp sống này có sự quý mến sâu đậm dành cho nhau, rất có thể sẽ gặp lại nhau trong một kiếp sống sau. Tôi xin chân thành chia buồn, và xin chia sẻ những suy nghĩ ấy tới các anh chị Thức, Phượng Uyển, Tri, và Thư cùng toàn thể tang quyến.

 Xin thành thật cám ơn sự lưu tâm của toàn thể Quý vị.

  TRẦN HUY BÍCH