Tặng bà con mùa Giang Sinh
Trái cấm vốn được coi là ngưỡng cửa từ thiên đường an lạc bước vào trần thế khổ đau. Thật vậy, nguyên thủy cây cấm được gọi là “cây biết lành biết dữ”, nằm giữa vườn địa đàng như một mời gọi sự thèm khát và tự do lựa chọn giữa sống và biết, cảm và thức, lành dữ, thiện ác. Adam và Eve sống an nhiên, vui hưởng những ân huệ trời đất như hoa thơm trái ngọt, hoàn toàn bằng tâm cảm vượt ngoài tri thức và tra vấn của triết lý về người đời và đời người. Nhưng từ khi ông bà đưa trái cấm lên miệng thì tâm cảm nhường bước cho tri thức, sống mở đường vào biết. Kết qủa là địa đàng khép lại, trần thế mở cửa đón con người trần truồng bước vào chốn bụi hồng khổ lụy.
Ý nghĩa triết lý của trái cấm là thế. Nhưng trong thi ca, hình ảnh trái cấm thường được sử dụng để diễn tả tình yêu như “hoa hồng có gai”, “dao sắc bọc nhung” hay như “mật ngọt chết ruồi”, đưa con người vào dây oan hơn là cõi phúc.
Mờ đầu bài thơ “Trái cấm”, Khang Lang đã cảm thương cho Adam, con người nguyên thủy, chỉ vì “thắm men tình” tỏa ra từ hương tóc mây của mỹ nhân, một phần thân thể của mình, mà đưa tay hái trái cấm, khởi đầu cuộc trầm luân bể dâu:
Từ buổi hồng hoang đầy phấn bụi
Địa đàng còn trái cấm trên cây
Người trai nguyên tổ – Adam –hái
Vì thắm men tình hương tóc mây
Thắm men tình chỉ vì yêu, vị nể và chiều chuộng, nhắm mắt nghe theo tiếng gọi con tim, nên mới đưa trái cấm lên môi, bất chấp cả lời dặn của Thượng Đế. Thế mới biết tình yêu có mãnh lực vô song. Nói một cách nôm na, men tình luôn luôn là một cám dỗ, làm cho con người thèm khát đến nỗi không cưỡng lại được. Thật vậy, bản chất tình yêu là một sự thèm khát. Thèm cảm giác để lâng lâng nếm mùi mật ngọt. Thèm cơn say để lảo đảo ngất ngây. Thèm hơi ấm để sưởi đời lạnh giá. Thèm mộng mơ để chạy trốn hiện thực phũ phàng. Khang Lang thèm rất nhiều, nếu không nói là thèm tất cả:
Cám dỗ bắt ta thèm trái cấm
Như thèm đời có những cơn say
Như thèm cảm giác, thèm hơi ấm
Thèm để con tim đổ mộng đầy
Cái bi đát của tình yêu là khởi đầu bằng thèm khát mãnh liệt đến nỗi con người phải khuất phục, chấp nhận bị sai khiến. Nhưng thật trớ trêu. Mới bước vào đường tình thì tất cả đều cháy bỏng như cuộc đời bốc lửa. Thế mà chẳng bao lâu, tất cả thành nhàm chán, nguội lạnh như thể tro tàn. Vũ Thành An đã tôn vinh “tình yêu vĩnh cửu”. Nguyễn Văn Khánh “yêu ai yêu cả một đời” Ở đây, Khang Lang trái lại, đã cảm nhận tính các bi đát, dòn mỏng và vụt thoáng của tình yêu bị thời gian xói mòn, sớm trở nên đồng điệu nhàm chán:
Cũ mốc, cũ meo, đời cũ mèm
Tình ta đã cũ, quá hơi quen
Thời gian cũng cũ, đi mòn lối
Cũ cả lời yêu: anh với em
Hẵn nhiên, trong giòng thời gian cuốn trôi nhận chìm, con người thường cố ngoi lên, cưỡng lại như Lamartine đã thảng thốt kêu lên: “Hỡi thời gian hãy xếp cánh lại”. Nhưng theo Khang Lang, dù có phản kháng hay níu kéo, thì thời gian vẫn hờ hững, tàn phá, xói mòn, biến cuộc đời thành hư ảo, đưa tình yêu vào khói sương:
Vẫn cũ, dù em thường đổi áo
Tô son, đánh phấn bao nhiêu lần
Dù thu đã bắt đầu thay lá
Mời đón thời gian, gợi ý xuân.
Con người cảm thấy bất lực trước sự xói mòn của thời gian. Dù có tô son điểm phấn, người đổi áo, thu thay lá, thì xuân tình vẫn tàn phai héo úa. Đức Huy đã lạc quan tìm thấy màu hồng của tình yêu với sức mạnh cảm hóa“ Và con tim đã vui trở lại, tình yêu đến cho tôi ngày mai”. Khang Lang bi quan hơn, đã phải chào thua thời gian tàn phá, dù đã dốc hết tâm can, hóa kiếp tim mình để đổi mới tình yêu, nhưng mãi vẫn cảm thấy bất lực. Ái ân đã từng da diết thuở nào, nay chỉ còn lại rong rêu mục nát, như thể tất cả đã rệu rã hư không. Hình như con người càng cố níu kéo tình yêu thì tình yêu càng trôi xa. Con người càng ghì siết tình yêu tình yêu càng vỡ vụn như thể dã tràng xe cát:
Vẫn cũ, dù tim anh hóa kiếp
Để tình yêu đổi mới toanh toanh
Ái ân cũng đến hồi da diết
Rồi đám rong rêu bám cuộc tình
Lỗi tại ai? Ngọc Vân và Thương Linh trả lời “Không phải tại em cũng không phải tại anh.Tại Trời xui khiến nên chúng mình thương nhau.”. Ở đây, Khang Lang cũng không trách mình hay trách em. Adam không trách Eve. Có trách là trách con rắn cám dỗ con người. Thật ra, con rắn dù bị Thượng Đế cảnh cáo sẽ bị một người nữ đạp giập đầu, cũng không hẳn đáng trách, bởi lẽ bản chất trời sinh con rắn để cắn gót chân người? Thế thì trách ai? Chỉ còn trách tình yêu chính là bản chất con người. Tình yêu có ngọt có đắng, có nhung mềm và gai nhọn, có thương và hận. Tình yêu đã đưa con người vào cơn say điên đảo như Vũ Hoàng Chương: “Bốn tường nghiêng điên đảo bóng giai nhân”. Nhưng chính trong cơn say chếnh choáng đó, con người lại hé thấy cuộc đời hư ảo khói sương
Cám dỗ bắt ta thèm trái cấm
Như thèm đời có những cơn say
Từ trong nguyên tổ, và nguyên tội
Con rắn nằm khoanh trên nhánh cây
Vườn địa đàng. Trái cấm và con rắn. Adam và Eve. Tất cả chỉ nói lên một chân lý bất diệt. Đó là chân lý của Tình Yêu và Tự Do. Vì tự do, Eve mới đưa tay hái trái cấm trái lời căn dặn của Thượng Đế. Vì tình yêu, Adam mới chiều ý Eve, đưa trái cấm lên miệng, thưởng thức hương vị ngọt đắng, mà nào hay đã nuốt vào những ngụm oan khiên của kiếp người. Nhưng điều đáng nói là tình yêu và tự do đều mang tính cách lưỡng giá. Có tự do, nên mới có lựa chọn thiện ác, hạnh phúc và khổ đau, thiên đàng hay trần thế. Cũng thế, có tình yêu, con người mới thỏa thuê với những cơn say cho đã thèm. Nhưng cũng vì tình yêu, con người rước lấy khổ lụy, vướng vào dây oan. Tình yêu đúng là trái cấm, như một cám dỗ triền miên. Nhưng trái cấm lại là hình ảnh của tội phúc. Có trái cấm mới có sa ngã. Nhưng chính nhờ trái cấm, mới có Tin Mừng cứu rỗi, mới có Ngôi Hai xuống thế làm người. Tội ăn trái cấm là tội phúc. Có tình yêu trái cấm,con người mới thật sự là con người với con tim rung động, với làn môi trao thương. Tội lụy tình cũng chính là tội phúc, là thú đau thương, đúng như Xuân Diệu cảm nhận “yêu là chết trong lòng một ít”. Ngụp lặn trong tình yêu trái cấm là một mạo hiểm kỳ thú. Làm người với tình yêu trái cấm chẳng là một vinh dự, một ân huệ đất trời đó sao?
Ngô Quốc Sĩ