TỔNG Y VIỆN CỘNG HÒA NHỮNG NGÀY CUỐI CÙNG (Tpb Phạm Trinh Viên)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

tongyvienconghoa

Lời nói đầu.

Dưới đây, là một lá thư của một cựu quân nhân thương binh Việt Nam Cộng Hòa (ở Úc) gửi cho một người bạn lính cùng khóa 4/72B SQTB Đồng Đế (đang ở Hoa Kỳ).

Một lá thư bình thường như hàng ngàn lá thư khác. Duy có điều mà tác giả muốn kể lại; chứng kiến tận mắt, nghe tận tai, những thảm cảnh bi thương, của các thương bệnh binh QLVNCH bị đuổi ra khỏi Tổng Y Viện Cộng Hòa, sáng ngày 01/05/1975, sau khi Bắc quân cưỡng chiếm Sài Gòn.

Tổng Y Viện Cộng Hòa, ngày cuối cùng 30/4/1975
TỔNG Y VIỆN CỘNG HÒA, NGÀY CUỐI CÙNG 30/4/1975

Sydney, cuối tháng 11 năm 2013.

Cường Dù thân.

Cái số tao với mày có “cái duyên” gặp gở nhiều lần, mặc dù hai thằng ở hai đơn vị khác nhau, cách xa nhau hàng trăm cây số.

Lần gặp gỡ đầu tiên ở quân trường Đồng Đế, một trung tâm huấn luyện thép, lúc đó, chỉ biết nhau thôi vì mày ở trung đội 1, còn tao thì trung đội 4, một trung đội luôn được “vinh dự” vác súng nặng, cho đến khi hai đứa được lệnh vác ba lô súng đạn đi công tác chiến tranh chính trị Chiến Dịch Hòa Đàm Ba Lê, tháng 11 năm 1972 đợt 1 tại Chi Khu Phan Lý Chàm, một quận lỵ của tiểu khu Bình Thuận, tình cờ được sắp xếp trong cùng nhóm, đến lúc đó mới thật sự chơi thân với nhau. Khi còn trong “quân trường đổ mồ hôi, chiến trường bớt đổ máu”, thì mày mang cái tên là Cường “Pilot”, vì cái mộng “lơ lửng trên không” của mày. Nhưng mộng không thành, cuối khóa mày đành tình nguyện về Nhảy Dù, cho có chút hơi hám của AIR.

Thế rồi, thời gian trôi qua mau, ngày tụi mình gắn “quai chảo” cũng tới, các tân sĩ quan bùi ngùi chia tay, mỗi đứa về đơn vị mà mình đã chọn. Riêng cái nhóm tụi mình còn có thể gặp nhau tại Sài Gòn, mỗi đứa có 15 ngày phép ngắn ngủi. Sau đó, tao về trình diện trường Công Binh Bình Dương. Còn mày thì về Bộ Tư Lệnh Dù, Hoàng Hoa Thám, học khóa nhảy dù trước khi về trình diện Tiểu Đoàn 8 Nhảy Dù.

Kể từ đó, tao cứ đinh ninh rằng, tao và mày rất khó mà có cơ hội gặp lại. Nhưng tại “cái duyên” nên tao và mày lại gặp nhau vài lần nữa cho đến cái ngày đen tối nhất của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa. Ngày cuối cùng, 30 tháng 4 năm 1975.

Gặp mày lần thứ hai, tao đang theo học Công Binh ở Bình Dương, vì cũng gần Sài Gòn nên cứ hai tuần được cho về phép cuối tuần.Tao thật bàng hoàng khi nhận được tin mày bị thương. Một mảnh sơn pháo 130 ly chém vào đầu gối chân phải ở mặt trận Thường Đức. Tao vội đến nhà thăm mày. Cứ như thế tao và mày vẫn còn gặp nhau hai, ba lần nữa, cho đến khi tao tốt nghiệp khóa căn bản Công Binh về trình diện tiểu đoàn 7 Công Binh của sư đoàn 7 Bộ Binh, bộ Tư Lệnh đóng tại căn cứ Đồng Tâm, Mỹ Tho, tỉnh Định Tường, do Thiếu Tướng Nguyễn Khoa Nam làm Tư Lệnh. Kể từ đó, tao và mày cũng như các bạn cùng trang lứa, mỗi đứa một phương trời, đi làm nhiệm vụ của người trai thời chiến chinh, rất khó có cái cơ hội gặp gỡ lại nhau tại Sài Gòn.

Tháng 2/1975 tao bị thương nặng, trong khi trung đội tao làm nhiệm vụ mở đường, tiếp tế đạn pháo binh cùng các quân cụ cho miền sâu, nằm sát biên giới Việt Miên. Được trực thăng tản thương về Tổng Y Viện Cộng Hòa, Sài Gòn điều trị.

Lúc đó, tình hình chiến sự ngày càng bi đát, các thương bệnh binh từ khắp nơi đổ về Tổng Y Viện ngày càng nhiều. Rồi tin tức được báo chí, đài phát thanh đăng tải và thông tin về cuộc triệt thoái của quân đoàn 2, tức là vùng cao nguyên Pleiku, Ban Mê Thuột rơi vào tay địch quân, tiếp theo là mất vùng 1. Tất cà các đơn vị thiện chiến, chủ lực của Việt Nam Cộng Hòa lần lượt di chuyển xuôi về phía Nam.

Một lần nữa, tao gặp lại mày thật tình cờ, lúc mày vào tái khám vết thương cũ tại Tổng Y Viện Cộng Hòa. Cũng nhân dịp này, mày đến thăm tao, sau khi đến nhà tao hỏi thăm được biết tao đang nằm điều trị tại đây.

Chiến sự ngày càng khốc liệt, Việt cộng bắt đầu bao vây Sài Gòn, pháo vào phi trường Tân Sơn Nhất. Cũng may, không có trái nào lạc vào Tổng Y Viện. Đêm ngày 29/04 và ngày 30/04 các thương binh Việt cộng, từ các mật khu và ven đô được đem về, tràn ngập trong Tổng Y Viện. Phe ta lẫn phe địch đều nằm chật kín các hành lang bệnh viện, đau đớn, kêu la và chờ tử thần đến đưa đi, vì các bác sĩ cùng y tá, nhân viên, đều đã bỏ chạy khỏi Tổng Y Viện.

Sáng ngày 1/05/ 1975, từ trên lầu 3, khu tổng quát, tao đã chứng kiến Việt cộng chạy vào cổng Tổng Y Viện bằng hai xe Jeep treo cờ Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam, ngừng trước cửa văn phòng của Chỉ Huy Trưởng Tổng Y Viện Cộng Hòa, dẫn vị y sĩ Chuẩn Tướng (không nhớ tên) lên xe Jeep và chở đi mất tiêu. Sau một thông báo bằng loa phát thanh, tất cả các thương bệnh binh Việt Nam Cộng Hòa, đều phải rời khỏi bệnh viện trong thời hạn một ngày. Thế là một quang cảnh hoảng loạn đã xảy ra. Các thương bệnh binh Việt Nam Cộng Hòa, người còn đi được hoặc may mắn còn chút sức tàn, dắt díu các thương binh bạn, khập khiểng rời khỏi nơi điều trị.

Còn lại, là thương bệnh binh bị thương nặng, nhìn những người này ra đi mới chính là một quang cảnh thê thảm nhất mà tao đã nhìn thấy trong suốt cuộc chiến Quốc Cộng. Họ bò lê, bò lết dưới đất, bông băng dính đầy máu mủ, quét trên mặt đất, đầy bùn đất, hòa lẫn với vết thương lở lói, máu mủ vẫn còn rỉ ra ngoài. Nhưng tất cả đều cố gắng trong sự tuyệt vọng cùng cực. Họ cố bò, lết từng tấc đất ra cổng Tổng Y Viện Cộng Hòa. Đến đây, tao thật không dám nghĩ tiếp: “Cuộc sống của họ sẽ ra sao, nếu như ra khỏi được Tổng Y Viện, và sống dưới một chế độ thù địch?”

Vẫn chưa hết, tháng 6/75 theo thông báo của Ủy Ban Quân Quản, Việt cộng tại Sài Gòn, tất cả các sĩ quan Việt Nam Cộng Hòa từ Thiếu Úy trở lên đều phải trình diện, “được học tập cải tạo để trở thành công dân tốt” trong chế độ mới, chỉ là những chữ hoa mỹ, nhằm che đậy sự dối gạt bên thua trận, mở màn cho một sự trả thù khủng khiếp của bè đảng cướp cộng đối với Quân, Cán, Chính của Việt Nam Cộng Hòa trong các trại tập trung lao động khổ sai rải rác trên toàn lãnh thổ Việt Nam, từ Nam ra đến Bắc. Tại đây, phần vì tù đày khổ sai, phần vì thiếu ăn, bệnh tật không có thuốc men, ngày về với cha mẹ, vợ con, người thân càng mù mịt, vô vọng. Việt cộng, đã giết hại hàng ngàn sĩ quan, qua việc chúng bắt họ phải lao động khổ sai trên các bãi mìn chung quanh trại giam khiến nhiều người bị thương tật què cụt, đui mù, tạo thêm một “lực lượng” không nhỏ các tử sĩ và thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa sau năm 1975.

                       tongyvienconghoa_phunhanwestmoreland_thamthuongbinhdu_saubiencomauthanPHU NHÂN TƯỚNG WESTMORELAND THĂM THƯƠNG BINH NHẢY DÙ,
TẠI TỔNG Y VIỆN CỘNG HÒA SAU BIẾN CỐ TẾT MẬU THÂN (HỘI QYND)

Cường Dù thân,

Tao viết cũng đã khá dài, với mục đích nhắc mày, và nhắc ngay chính bản thân tao, dù có hơi muộn màng, các thương phế binh Việt Nam Cộng Hòa còn kẹt lại quê nhà: “Chính là những người chúng ta phải tri ân, vinh danh họ đã hy sinh một phần thân thể cho Tổ Quốc, hiện đang oằn mình trước sự sống cơ cực dưới một chế độ cộng sản, không chút quan tâm mà còn thù hận, đày ải những con người đáng thương này.”

logo_sd7cb

Thân,
TPB Phạm Trinh Viên (Sydney, Úc)