Ấy thế là cuộc đời của tôi gắn liền với cái trạm xăng Amoco, có hơn chục vòi bơm, có ga-ra sửa xe và có máy rửa xe hút bụi. Tôi bầu bạn với Mỹ Trắng, Mỹ Đen, Cuba, Mễ-Tây-Cơ thuộc đủ tầng lớp xã hội, đủ mọi thành phần già trẻ nam nữ.
Quanh quẩn bên mình là các máy đo bình điện, máy xạc bình ắc-quỵ, dầu nhớt mỡ, lốp xe, kìm búa, mỏ lết, kích, giây điện, bu-gi. Trang bị bản thân với chiếc quần màu xanh, cái áo sơ-mi trắng cộc tay có nhãn hiệu Amoco, túi sau nhét chiếc khăn lau nhỏ màu cam tòng teng, tôi chạy qua chạy lại lạch bạch như con vịt bầu. Thân hình đã thấp bé, lại đa mang cái tuổi già tóc ngả muối tiêu, nom mình chả giống ai thì chắc bạn bè có ai trông thấy mình hẳn cũng động lòng trắc ẩn. Đành rằng ở cái xứ người văn minh tân tiến, một anh trước rửa bát, hoặc chăn bò, hoặc đóng phim xi-la-ma mà sau nhờ chí lớn, gặp thời cơ vẫn có thể thành nguyên thủ quốc gia và lấy làm hãnh diện về cái thuở thiếu thời, thuở hàn vi với những thành tích lẹt đẹt như thế. Nhưng mình là người phương Đông, sau lại học cái học bên Tây cho nên đầu óc bao giờ cũng phân ngôi thứ hạng sĩ, nông, công, thương, binh rất là lớp lang rành rẽ. Những giai cấp xã hội đã minh định phân miêng, không thể lộn xộn.
Ngẫm trước kia, dẫu gì mình cũng ngạch ngỗng như ai, mần việc chính phủ đình huỳnh, kẻ đưa người đón, vẫy vùng một cõi biên thùy, đến nay qua một cuộc bể dâu, những điều trông thấy mà đau đớn lòng, đang thày xuống thợ, đang ông xuống thằng, đang làm công dân Việt Nam Cộng Hòa bỗng thành kẻ tỵ nạn ngơ ngơ ngẩn ngẩn. Mọi chuyện đảo lộn tùng phèo. Gia đình ly tán, bè bạn trôi dạt như bèo như mây, như gió thoảng.
Dẫu làm thân mất nước vẫn ôm khư khư cái dĩ vãng tô màu vàng son rực rỡ lung linh, cho nên khổ. Và không muốn để ai coi mình hèn mọn nên đã thổi phồng, đã đánh bóng cái tôi để lừa dối mình, để mong người khác kính nể, để tự mãn tự hào trong giây lát.
Thế nên, gặp Mỹ hỏi han ba điều bốn chuyện về Việt Nam thì tôi khoa chân múa tay diễn tả thời cuộc, chính trị, quân sự như một chính khứa. Mỹ hỏi về nghề nghiệp, thì tôi có sẵn “résumé” trong đầu, phóng ra nào là Phó Tổng Giám Đốc Ngân Hàng, Giáo Sư Đại Học, cố vấn cho Hội Sư Tử, Chủ Tịch đoàn thể XYZ… Một lô com-pa-nhi chức tước khiến Mỹ nghe xong cũng phải giây phút ngậm ngùi. Các nhà thờ, trường học, hội “Li-ông”, Thanh Thương Hội, tòa báo địa phương cứ quấn quít mời đến cơ sở họ để nói chuyện. Tất nhiên là tôi rất lịch sự từ chối. Bởi nếu tôi mà tới nói chuyện cho Mỹ nghe thì chắc chắn Mỹ sẽ vỡ mộng thiên đường, còn đâu là huyền thoại một anh cu-li bơm xăng mình đầy chữ nghĩa, hiểu biết và danh vọng ở Việt Nam!
Gặp đồng hương lạ hoắc, tôi vẫn tự nhận mình là dân nhà binh, cấp bậc Trung Tá cho nó hách xì xằng. Này nhé, cái hồi đi Thủ Đức, sau ba năm tôi đã đeo hai bông mai vàng. Nếu ở lại ngành cho đến khi mất nước, vị chi sơ sơ tám năm, thế nào mà chả lên ít ra Thiếu Tá? Mấy thằng bạn đồng khoá, chúng nó đeo mai bạc gần hết đấy chứ!
Nếu không mất nước, ba, bốn năm nữa làm chi chả lên Trung Tá, Đại Tá mấy hồi. Tôi cứ trung dung chi đạo, nhận Trung Tá là nhũn nhặn. Chả bù với bà cụ già cùng tỉnh Lakeland, mới gặp cụ ấy đã khoe rằng con rể bà cụ là Mỹ, nó mần việc với “ông tướng có hai ngôi sao” tức là thân cận, làm lớn lắm. Sau lòi ra hắn là trung sĩ hầu cận cho ông tướng chứ lớn lao cái khỉ mốc gì. Ấy, chỉ hù nhau như thế cho đời mua vui và hy vọng một chút an ủi. Chưa bằng thằng bạn học cũ của tôi, hồi ở Việt Nam làm sở Mỹ mà khi qua Mỹ gặp nhau, nó bảo bây giờ vẫn làm cho sở Mỹ lớn lắm, trong hãng có cả ngàn người mà nó đứng hàng thứ tư, thứ năm cơ mà! Tôi nghe, quả thực là hãi và phục nó sát đất. Sau mới biết rằng nó vẫn làm cái chân lèng tèng phiên dịch chứ có làm ông làm cha ai đâu.
Có nhẽ khi hãng chụp hình, nó đứng ở hàng thứ tư, thứ năm trong đám nhân viên của hãng chăng? Nếu vậy thì nó vẫn tự trọng, nói đúng. Chỉ có tôi hiểu nhầm vì đầu óc sẵn tối mò mò ám ảnh.
Mình đã là thằng chuyên môn phóng đại tô màu, thế mà có bữa đụng ông bạn đồng hương, bà vợ ổng khoe hồi ở Việt Nam, nhà có mấy cái bin-đinh cho Mỹ thuê, còn gia đình ở vi-la đường Cách Mạng. Ông chồng khoe làm việc sát Tổng Thống, coi ra vẻ rất trịnh trọng, ác liệt. Bẵng một dạo, tình cờ tôi lại nghe về gia đình ông bà này lộn xộn, thiên hạ bới chuyện kể cho vui mới tiết lộ rằng họ ở thuê trong hẻm Trương Tấn Bửu gần phở gà Nam Xuyên, chồng làm tống thơ văn phủ Tổng Thống.
Những cảnh hù nhau như thế đã chẳng giữ được bao lâu, cũng chẳng no béo vinh hoa gì mà chỉ làm trò cười cho thiên hạ. Rất may, Mỹ không có khoản thuế nào đánh thuế những đứa nói khoác, chứ không ngân sách Mỹ biết đâu chả nhờ thế mà trang trải hết nợ nần.
Sau này, sống trên đất Mỹ lâu hơn, tôi hiểu rằng cái thang giá trị của người nó khác của ta. Xứ người, có đủ điều kiện, đủ sức khoẻ, đủ tiêu chuẩn, đủ khả năng, và có thêm chút may mắn là bắt được “dóp”. Dóp tốt hay xấu, nặng hay nhẹ, lương cao hay thấp tùy nơi, tùy việc, tùy người. Người có việc đều đặn, nhiều “crê-đít” tốt là người ấy được nhiều nơi chiếu cố mời-mua nhà, mua xe, mua đồ đạc, máy móc, mua cả ngàn thứ tiện nghi tân kỳ tưởng chừng như chỉ có trong thần thoại.
Thời gian thấm thoát như thoi đưa khung cửi, như bóng ngựa phóng qua mành, mới quay đi mà ngoảnh lại đã ba, bốn năm quê người lủi thủi tấm thân, một tháng đôi ba kỳ tôi vẫn cứ mơ về chốn cũ để nhớ để thương để buồn để tủi. Trong cơn mê, chập chờn bóng dáng cha già còm cõi hắt hiu, ba mươi năm chưa thấy mặt thằng con bất hiếu. Khi mộng mị, gặp những bóng ma leo đèo lội suối phá rừng thi đua cải tạo, thấp thoáng đây đó những ánh mắt quen thuộc, hình như ngày xưa cùng đơn vị, cùng nhiệm sở với mình mà nay thân tàn ma dại tù đầy lao tác lầm than. Lúc thoát hồn, nhìn rõ những đứa nằm vùng, những tên công an, những thằng đi dò la rình mò bắt bớ giam cầm, những vùng mang tên “kinh tế mới” của chế độ có tên “kinh tế thụt lùi”, những khoai sắn bo bo thế chân gạo nàng hương, gạo tám thơm, gạo nanh chồn, gạo dự. Cuộc sống được bủa vây bằng một bức màn tre đầy chông gai, hầm bẫy và bao trùm bởi một tấm màn đen vĩ đại rợn người.
Có lần, tôi mơ bị Cộng Sản lùa vào trại cải tạo hành hạ sỉ nhục không xong, chúng nó lôi tôi ra bãi đất dùng mã tấu chém đầu…
Thanh mã tấu vừa dơ cao, tôi vùng vẫy hét lớn và tỉnh mộng. Mồ hôi trên trán nhỏ giọt. Vừa lúc thức dậy đi làm.
Có lần, tôi mơ được trở lại thăm nơi chôn nhau cắt rốn là cái tỉnh nhỏ bé Hải Dương, ra bờ sông leo lên đê đi tới tận Bến Bè, Cống Trắng, cầu Phú Lương, vườn hoa Bảo Đại, phố Khách… Rồi thoắt cái có mặt tại Hải Phòng, lượn qua đường Cát Dài, phi trường Cát Bi, ăn kem Thủy Tinh, ra vườn hoa Con Cóc.
Theo quốc lộ số 5, tôi ghé Bần Yên Nhân, đến Gia Lâm, vượt cầu Long Biên bắc ngang sông Hồng Hà vào thủ đô ngàn năm văn hiến Hà Nội. Cái chợ mà tôi thích nhất là Chợ Đồng Xuân, quà bánh ngon số một. Khu Hàng Đường, Hàng Đào, Hàng Ngang tấp nập bán buôn. Khu bờ Hồ Hoàn Kiếm có cầu Thê Húc, đền Ngọc Sơn, Tháp Rùa, có xe điện chạy leng keng khắp nẻo đô thành. Vùng Bách Thảo, Hồ Tây có bánh tôm, có bơi thuyền, có chùa Một Cột, có đền Quan Thánh. Hà Nội có nhà hát lớn lâu lâu lại tuyển lựa ca sĩ, lại diễn kịch “Bến Nước Ngũ Bồ”, “Vân Muội”, “Tiếng Trống Hà Hồi”, sau có Ban Thăng Long trình diễn ca nhạc vui như ngày hội lớn. Hà Nội có tới năm cửa ô xưa, có đến ba mươi sáu phố phường, có cả trăm ngàn cô gái đẹp nõn nà, đài các kiêu sa. Hà Nội có trường Chu Văn An, trường Nguyễn Trãi, trường Trưng Vương, trường Puginier, trường Albert Sarraut. Hà Nội có Tháp Bút, Văn Miếu, gò Đống Đa oai linh hiển hách…
Tôi được sống trong mơ với những kỷ niệm học trò bát ngát hương hoa, với những tham lam quấn quít vấn vương của thời trẻ dại. Những hình bóng xa xưa ấy cứ nương náu tiềm tàng trong vô thức để những lúc sắp quên hay những chiều tưởng nhớ thì kỷ niệm lại ồ ạt tuôn ra tựa thác lũ mưa ngàn, nhất là khi thu tới, đông về, khi hoa cúc hoa đào chúm chím môi chào chờ đón chúa xuân sang…
Để diễn tả nỗi nhớ nhung vời vợi ấy, tôi nẩy nòi ý định làm thơ. Và căn cứ -vào câu nói “mỗi người Việt Nam là một thi sĩ”, nên tôi luận lý học theo tam đoạn luận rằng: “Tôi là người Việt Nam. Vậy tôi đích thực у boong là một thi sĩ.” Bèn phóng bút moi vần chờ điệu ra cái điều ta đây cũng văn nghệ văn gừng.
Nhân dịp năm con Ngựa sắp qua, năm con Dê tựu chức – tức năm 1979 – tôi thừa thắng xông lên mần một bài “phú” kể lể cà kê dê ngỗng như mang nặng tâm tư chất ngất u hoài, phong kín nỗi buồn ảo não, tang thương. Sợ rằng bài phú không đúng khuôn phép, vi phạm các điều cấm cản, tôi gọi đó là “Phú… Tự Do”để tiện đường vi vút, vẽ vời. Lại lựa vận “A” cho dễ dàng ê а hợp điệu.
Và đây là bài “Phú… tự do” của tôi sau bốn năm tỵ nạn, với tựa đề:
Xuân Viễn Phương
Ngựa dọt đấy a?
Dê sang đó hả?
Trộm nhớ thuở giang sơn
có bốn ngàn năm lịch sử gấm hoa.
Nghe rằng xưa dòng dõi Rồng Tiên,
toàn liệt nữ hùng anh chí cả.
Đất nước mến yêu, này đây:
Huế, Saigon, Hà Nội,
Thiên Mụ, Lăng Tả Quân,
Chùa Một Cột, Chùa Hương…
Cơ đồ báu vật, ô kìa:
Hương Giang, Trà Khúc, Cửu Long, Đồng Nai,
Kinh Cái sắn, Sông Hồng, Sông Mã…
Chả biết tại “nàm thao ’’chiến chinh cứ mù mịt rối bời
Đâu có hiểu “thế lào” tang thương còn nát tan vất vả.
Đến nỗi đời trai bỏ thây chiến địa
Để cho má đào tàn một kiếp hoa
Đàn trẻ nhỏ lạc loài thiếu nơi nương tựa
Lũ em thơ thui thủi không chỗ vào ra .
Rồi bỗng một ngày chướng khí âm u,
quân Cộng tràn về bắn vào thành phố
Té ngửa ra rằng bọn chúng chính là
lũ quỷ hiện hình ôm súng A-Ka.
Tháng Tư Đen, Việt Nam chìm trong ngục tối
Bốn năm buồn, đoàn người lê gót bôn ba.
Những tưởng qua đây văn dốt vũ dát
ngây ngô như mán xá gà tồ
Ai ngờ thấm thoát đã vi vút tiếng Mỹ tiếng Tây ăn đong quá xá!
Người lớn đi làm thì chủ mến xếp yêu lương tăng cái rụp
Trẻ còn học hành được thày nựng cô chiều chiếm độc hạng A.
Tìm bạn tri âm, đó đây thanh niên thiếu nữ
Họp bạn lão niên, nọ kia hà cả ông già
Chợ búa Á Đông mọc lên còn mau hơn nấm
Sách báo An Nam phát hành đẹp tựa muôn hoa
Các mợ, các em nấu nướng đan may, thảy đều số dách,
Nhiều bác, nhiều bà tứ đức tam tòng liệt phụ khả gia
Đến nay, dân tỵ nạn ta:
Vẫn nghe nhạc Phạm Duy nỉ non lời ru Việt Nam ngàn năm bất diệt,
Thường khóc cùng Thái Thanh ngậm ngùi tiếng hát muộn phiền cay đắng thiết tha
Vẫn ăn cơm nước mắm
Vẫn rau muống quả cà
Đau niềm đau ruột thịt
Xót tình mẹ tình cha.
Ngoài kia Xuân, trời đất cỏ cây đẹp như tranh vẽ
Trong lòng Sầu, gió trăng mây nước
buồn tựa sân ga
Tuy sống ấm no
Vẫn vọng tưởng quê nhà
Vẫn tâm tư buồn bã
Thương mấy chục triệu đồng bào đói rách ốm đau
Nhớ bao nhiêu vạn con người lầm than tơi tả
Tìm ‘‘Tự Do”, vẫn có kẻ thuyền mành hát khúc viễn du
Gọi “Nhân Quyền”, chả thấy ai chỉ toàn bóng chim tăm cá
Nghĩ lắm lúc miệng hộc máu tươi, đầu óc nát như tương
Lại suy ra tay đứt ruột mềm, lệ đầm rơi lã chã
Ngán nhỉ?
Cuộc đời đôi ngả
Dâu bể phong ba
Sao không nghĩ trăm năm là mấy,
để rắc reo tình thương, xoá bỏ hận thù
Mà cứ hành thân xác ốm o,
rồi đấu tố tùm lum hỡi quân Hà Bá?
Chả có nhẽ, mãi tang thương ngẫu lục
để khiến cho cả nước căm hờn
Đã hay rằng, dù vật đổi sao dời
thì cứ biết toàn dân sẽ khá
Nay dịp Xuân sang
Xin gửi nhớ thương chất ngất nghẹn ngào về nơi đất tổ quê cha
Xin bình an lặng ru những tấm lòng héo hon tàn tạ.
Xin gửi các chiến sĩ Phục Quốc Quân
Thêm cảm mến kính yêu vào niềm tin sắt đá
Bởi chính các anh
Là những thành trì xây dựng giang sơn đấy ạ!
Xin khẩn cầu Thượng Đế
Nam Mô Phật Thích Ca
Ban ân phước độ trì chúng con
Đám con dân vẫn ước mơ
có một ngày về bến cũ cây đa
Có con đò êm ái triền miên
trên dòng sông ơ hờ đầy tôm đầy cá
Xin đoàn tụ yên vui đến với
những người chờ mẹ mong cha
Xin vợ chồng anh em
nâng chén men say bên cạnh ông bà
Xin vì tình yêu nhân loại đậm đà
Phổ hiến “nhân quyền” như quảng cáo Coca
Xin cho nhau tình thương,
hởi tình thương rộng rãi thiết tha
Và hai nữa, bởi nó lại còn rẻ hơn nước lã
Chỉ ước mơ niềm ước mơ nhỏ bé thế thôi
Tràn vào Việt Nam từng bao nhiêu năm lầm than
vì bị chiếu sao quả tạ
Để ấm no, đoàn tụ, tình thương về dưới mái nhà
Và cuối cùng
Xin ơn trên phù hộ chúng ta…
CÒN TIẾP /Kỳ12
Lê Văn Phúc