“….TÔI ĐÃ MẤT BÀ RỒI…!”

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Không đêm nào ông ngủ tròn giấc…
Cứ vài tiếng, là ông phải dậy để lấy thuốc giảm đau cho bà uống…
Dạo này sức khỏe của bà yếu hẳn, nhất là sau khi mổ. Bởi thế, giấc ngủ ông cứ chập chờn, ngủ không ra ngủ, vì lòng ông luôn phập phồng…!
Bà nằm bên cạnh, hơi thở nhè nhẹ, đôi khi thở dốc, lúc đứt quãng…
Có khuya, ông giật mình tỉnh giấc vì hình như không nghe bà thở…!Choàng dậy, ông ghé sát tai vào mũi bà. Hơi thở bà nghe như muỗi kêu…
Bà liệt đôi chân đã gần 13 năm nay. Trăm sự đều nhờ một tay ông. Ban ngày con cái đi làm cả. Căn nhà quá rộng, chỉ mỗi ông và bà quạnh vắng. Công việc mỗi ngày quen thuộc đến nỗi cứ nghe tiếng chuông đồng hồ treo trên tường điểm mấy tiếng thì ông biết giờ này phải làm gì cho bà…!
Sáng sớm, ông vất vả đưa bà lên chiếc xe lăn, thân bà nặng nề vì bao nhiêu năm nằm một chỗ không vận động. Đẩy nhẹ từ giường ra phòng ăn.
Trên bàn, ông đã dọn sẵn đĩa trứng, vài miếng xúc xích và ly cà phê pha loãng. Lúc mới liệt đôi chân, bà còn tự ăn. Khoảng vài năm trở lại đây, ông phải đút cháo cho bà…
Ông tất tả việc chăm lo, từ bữa sáng đến cơm chiều. Sức khỏe bà yếu dần, ăn không thấy ngon nên có lúc bà không muốn ăn. Ông phải dỗ dành và đút cho bà được mấy muỗng cháo lót dạ để uống thuốc chứ không ăn hết bữa sáng như những năm trước.
Lát sau, ông đẩy xe đưa bà ra trước sân đón nắng. Ngọn gió sớm mai vờn trên lọn tóc rối pha sương, lòng ông dịu lại khi nhìn khuôn mặt bà tràn ngập nắng bình minh. Tuổi ông và bà đi vào hoàng hôn đã từ lâu. Nhưng thật may, ông vẫn còn đủ sức để tận tụy chăm sóc bà…!
Buổi trưa êm ả. Bà ngủ gà ngủ gật trên chiếc sofa. Dọn dẹp bếp núc xong, ông đến ngồi cạnh bà.
Căn nhà yên ắng chỉ nghe tiếng thở của bà thều thào như muốn trối trăng điều gì. Bà đọc kinh theo ông cầm chừng vì người mau mệt. Đôi lúc bà trở mình thở dốc, ông vội đỡ lấy bà, đưa tay vuốt ngực cho bà thở…!
Thời tiết cuối năm lúc ấm lúc lạnh thất thường, nên sức khỏe của bà cũng bồng bềnh như mây. Có lúc bà ngủ thiếp trên ghế đến nỗi ông ngỡ tim bà đã ngừng đập. Trong tĩnh lặng của buổi trưa hiu quạnh, ngồi nhìn bà vật vờ trên ghế, ông cảm nhận thật rõ ràng hơn bao giờ là sức khỏe bà mong manh quá…!
Nhìn lên cây thánh giá, ông lẩm nhẩm cầu xin Chúa cho ông sức khỏe để tiếp tục chăm nom bà. Hơn mười năm nay, ông chưa hề than van mệt nhọc, ông chỉ nghĩ đến cái tình, cái nghĩa mà thôi…!
Bây giờ có ai hỏi ông có yêu bà không thì ông lắc đầu bảo cả đời tôi chỉ biết thương nhà tôi, chứ có biết yêu là gì…? Như thuở ban đầu cha mẹ dạm bà cho ông ở cái làng xa,  có luỹ tre xanh và con sông quê quanh năm lượn lờ chảy hai dòng ngược xuôi….
Truyền thống cha mẹ đặt đâu con ngồi đấy vẫn là một khuôn phép gia thế được gìn giữ qua bao nhiêu đời. Ông chỉ biết bà là con gái ông bà Thư, được cha mẹ ông hỏi về làm dâu. Thế nhưng ông thương bà ngay từ lúc bà bước về nhà chồng.
Người ta bảo về già vợ chồng sống với nhau vì nghĩa hơn là vì tình. Nghĩa đây là nghĩa vụ, là trách nhiệm, là bổn phận. Ông nghĩ nếu không còn thương nhau thì cái nghĩa sẽ trở thành một cực hình…
Cái gì cũng thế, theo ông, tất cả đều phát xuất từ tình thương. Như phận của ông, ở tuổi xế chiều, ông vẫn thấy thương bà đầy ắp như thuở nào. Với tình thương bền bỉ đó nên ông chẳng nề nà săn sóc bà hết lòng, hết dạ mỗi ngày…!
Vậy mà có lần…, bà bảo bà nên chết cho ông đỡ khổ. Ông giật mình, rồi rầy rà bà, bao nhiêu năm vẫn săn sóc bà, ông có phàn nàn gì đâu. Ông không hiểu bà đang dỗi hay chán sống. Bà nhìn ông với cặp mắt rơm rớm biết ơn…
-“ Tôi biết… nhưng tôi thấy ông quá khổ vì tôi, làm sao tôi đành lòng…!”
Ông gạt phăng… Ông nhỏ nhẹ:
-“Bà cứ yên tâm, tôi còn khỏe ngày nào thì vẫn lo cho bà ngày đấy…!”
Ông nói như đinh đóng cột, nhưng trong lòng ông mơ hồ thấy một chia lìa, một mất mát nào đó đang đè nặng trong tâm trí. Ông chưa hình dung được một ngày không có bà sẽ ra sao…?
Ai cũng một lần chết, ông chợt nghĩ đến sức khỏe của bà ngày càng suy sụp thấy rõ. Ý nghĩ chia lìa lại nhen nhúm lên, ông nghe nhói trong tim và lắc đầu xua đuổi mảng tối ra khỏi tâm trí. Ông thở dài nghĩ đến họ hàng thân thuộc ở hết bên kia nửa vòng trái đất, kể cả đứa con gái theo chồng sống xa ông bà. Một giọt máu đào hơn ao nước lã.
Về già, ông thấy cần gần gũi với anh em ruột thịt hơn bao giờ, như lúc các anh chị em chung sống với ông dưới một mái nhà ở làng quê xưa…!
Bật ngọn đèn đêm, ông nhìn bà chìm trong giấc ngủ bình an, thanh thản lạ lùng. Ngồi một bên, ông lay bà dậy. Không hiểu sao lay đến mấy bà vẫn nằm im…
Ông phải dỗ, bà nghe tôi dậy uống thuốc. Ông dỗ bà như thế đã nhiều lần, có khi được mấy thìa cháo, có lần được mấy viên thuốc. Lần này, bà vẫn nằm bất động…!
Ông nói nhỏ vào tai bà, bà không nghe lời tôi, thế bà còn thương tôi nữa không…? Thường khi nghe ông hỏi: “Còn thương không…?” thì bà luôn chiều lòng, vì sợ ông buồn…
Lần này, ông hỏi gặng mấy lần mà bà vẫn lặng thinh.
Sự thinh lặng khó hiểu chợt làm ông lo sợ. Ông đứng bật dậy gọi anh con trai. Người con chạy vội vào phòng, đặt tay lên mũi bà. Anh cẩn thận nắm cườm tay xem mạch…
Sau cùng, anh úp tai vào ngực bà. Đến lúc đó, nỗi lo sợ hoàn toàn choáng ngợp tâm trí ông. Vòng quay sinh tử nhiệm mầu thình lình đổ ập trên đầu, ông chỉ nghe loáng thoáng tiếng người con, mợ đi rồi ba à… để con gọi cấp cứu…!
Thảng thốt buông rơi mấy viên thuốc, ông kêu lên: Bà ơi….!
Hình như ông đã chuẩn bị giây phút chia ly từ mấy tháng nay, nhưng khi nó xảy ra như ngay bây giờ; ông vẫn loay hoay không biết đón nhận thế nào cho phải.
Ông đứng lặng người nghĩ xa hơn, bà sẽ không còn cần ông làm những việc thường ngày nữa…!
Hết thật rồi…! Ngài mai, ông nhẩn nha dậy trễ, vì không cần làm bữa sáng cho bà; trưa rảnh rỗi, ông có thể chợp mắt đi một chút; ông cũng chẳng cần đẩy chiếc xe lăn vì từ ngày mai, nó sẽ nằm yên quạnh quẽ ở góc phòng.
Tính đến lúc bà mất, ông đã 90 tuổi. Lần đầu tiên trong suốt 70 năm đời sống vợ chồng, ông mới cảm thấy thấm thía hai chữ “mất nhau…!”
Vừa nghĩ đến đó, ông lặng lẽ ngồi xuống bên bà và ôm mặt bật khóc tức tưởi…!
-“ Bà ơi…! Tôi đã mất bà rồi…!”

(Nguồn: Cuộc sống Gia đình-Đinh Trực sưu tầm)

*
*     *

Mình Ơi! Nhạc: Diệu Hương – Ngọc Hạ trình bày 

https://phailentieng.blogspot.com/2022/04/toi-mat-ba-roi.html?fbclid=IwAR1deLo5_hJOBQ93mKl_VcjTAag1DgtmY_N5__m3SPiepk_bWzfYtwbZV1o