Sau 30/04/1975, tôi mới được gặp nhà thơ Cung Trầm Tưởng (CTT) tại trại tù Suối Máu, Biên Hòa. Trước đó, tôi chỉ biết tên Ông qua tạp chí Sáng Tạo và tập Tình Ca, bìa do Ngy Cao Uyên vẽ (Trung Tá KQ), nhạc sĩ Phạm Duy phổ nhạc một số bài thơ của thi sĩ.
Do cơ duyên, chúng tôi trải qua 6 năm sống với nhau trong các trại tù Suối Máu, Liên trại 6 Hoàng Liên Sơn và trại Hà Tây.
Năm 1985 và 1988, CTT và tôi lần lượt ra tù.
Cùng hoạn nạn đã thấy thân nhau, huống hồ cùng màu cờ sắc áo. Chỉ mấy câu thơ chào sân của Cung tiên sinh đã đi vào tiềm thức của tôi từ năm 1976 cho đến bây giờ:
Nắng nhói như kim khêu thương tích/ Thuyền mây từng mảng vỡ lênh đênh
Trên trăm ngàn mảnh trời kia vỡ/ Có một đời ta trôi bấp bênh.
(CCT – Một Hành Trình Thơ (MHTT) – 2019, Xuân Trên Đồi Bão Cát, trg 137)
Giao thừa năm 1976, khi nghe chuông nhà thờ Tam Hiệp gióng lên, CTT nhỏ lệ vì thân phận tù đày và Ông viết bài Lệ Chuông để thân tặng tôi, như là một cánh chim sập bẩy:
Trời nuôi giông bão chim không biết/ Ngơ ngác bay vào lưới bủa vây
Chim vốn là tim trời là máu/ Không máu tim nào chẳng héo rơi?
(CTT-MHTT- Lệ Chuông, trg 138)
Lệ Chuông ngân nga tình đồng đội trong tù từ đó.
Sau Tết 1976, cai tù cộng sản (CS) đóng hộp tù Suối Máu đưa xuống tàu Sông Hương chuyển ra các trại giam thâm sơn cùng cốc tại Hoàng Liên Sơn. CTT “biên chế” * vào đội nông nghiệp (*tiếng CS, nghĩa là xếp vào), còn tôi vào đội cưa xẻ. Đội cưa xẻ được phép “cải thiện”* sắn (*tìm kiếm thêm thức ăn). Hằng ngày, tôi dành vài củ sắn (khoai mì) hoặc vài bánh sắn (chế biến từ củ sắn) cho KQ CTT và KQ Nguyễn Minh Công. KQ Công được chèo (là phường chèo: cán bộ CS) phân công về trại nhận phần trưa để chuyển cho các đồng tù đang lao động cách xa trại từ 3 đến 6 cây số. Trên đường chuyển phần trưa, KQ Công thường ghé toán cưa xẻ để nhận thêm chút “tình tù” ngoài tiêu chuẩn quá khiêm tốn của trại.
Một hôm, đội nông nghiệp chuyển hom sắn lên đồi để trồng (thân cây sắn cắt thành từng đoạn dài khoảng 4 tấc). Trên đường đến địa điểm, đoàn tù phải vượt qua một con suối xiết. Mọi người tìm đủ cách để vượt qua ngọai trừ CTT vẫn lóng cóng với gánh sắn bên bờ. KQ Công đã cõng bạn qua suối và bài thơ Chim Công ra đời:
Cám ơn chim công/ Cõng ta qua sông
Mấy mùa nước lũ/ Lận đận mưa ròng
Công bay lên Trời/ Vẫn nhìn nhớ Đất
Công chuyền cành quấc/ Vẫn không quên Trời
(CTT – MHTT- Chim Công, trg 191)
Trung Tá Nguyễn Minh Công, cựu Giám Đốc Trường Mưu Sinh Thoát Hiểm thuộc Trung Tâm Huấn Luyện Không Quân Nha Trang, ra tù năm 1988, mất năm 1989 vì hậu quả của 13 năm lao nhục khổ sai trong trại tù CS.
Trong ngày di quan, CTT chép tay bài Chim Công để tiễn biệt bạn tù. Bà quả phụ Công đã đón nhận bài thơ và đặt lên bàn thờ của người bạn đời yêu dấu của mình.
Cám ơn con công/ Cho Tâm gặp Ý
Đời lấp chân không/ Cho Tâm, Ý đồng (trg 192)
Năm 1979, tù Hoàng Liên Sơn được chuyển về trại Hà Tây vì đàn anh Phương Bắc nhận thấy 16 chữ vàng bị bốc mùi, nên ra tay dạy đàn em một bài học. CTT “biên chế” vào đội mộc, tôi đội rau xanh. Hai đội cách nhau một ao nuôi cá. Lợi dụng xuống ao để rửa phân xanh (phân Bắc, phân tươi), tôi lẻn vào đội mộc để nhặt từng võ bào của CTT:
Bằng vai giạng đứng thế chân/ Bào cho lên nước đường vân của lòng (trg 183).
Tôi như con nghiện, khi lên cơn là muốn được chích vào tĩnh mạch đường vân ma túy có tên gọi là Kỳ Cùng:
Có sông nhưng mà người không nước/ Nước bán son rồi, bán lấy chi
Một núi hư vô lầm chủ thuyết/ Bốn bên mây phủ kín màu chì
Nó cõng vua Lê và chúa Mác/ Về quê cha giết mẹ hiền lành
Tang sô bạc trắng đầu con trẻ/ Cỏ ngút sân trường, chợ vắn tanh.
(CTT – MHTT – Kỳ Cùng, trg 205-206)
Ngoài chính sách bạo ngược và sự hung hãn của cai tù, người tù còn phải đối đầu với những thứ bệnh gắn bó như kiết lị, ghẻ chóc và lao phổi, Tôi may mắn được CTT chia sẻ một số thuốc tây trị bệnh kiết lị. Không biết bằng cách nào mà Văn Bút Thụy Điển đã tìm cách gởi quà vào trại tù cho Cung tiên sinh.
Nhưng liều thuốc cần thiết nhất cho tôi và bạn tù vượt qua uất nghẹn và thụ động, chính là những vần thơ phản kháng của CTT mà Giáo Sư Nguyễn Ngọc Diễm (San Jose’) gọi là “nộ thi” qua bài Cấp Số Nhân:
Một quắm. Hai tông. Ba phạt núi/ Bốn tông. Năm quắm. Sáu băng rừng
Từng ấy rừng băng chân cứng đá/ Mai về đạp vỡ cửa lao lung! (1)
(Cấp Số Nhân, trg 167).
Nộ Thi là tạc đạn do CTT tự chế để tự vệ ngay trong lòng ngục tù của quỷ qua bảng hiệu cải tạo treo đầu heo bán thịt chó.
Song hành với nộ thi là trữ tình. Tính trữ tình là đa sinh tố, không những bồi bổ sinh lực cho người tù mà còn cho cả “tù phụ” nữa. Thử đọc qua “Đường Vào Thiên Thu”, CCT viết vào năm 1984 tại Trại Hàm Tân để “tặng vợ”, trg 211:
Nhớ em trông ngóng hằng đêm/ Màn lay tưởng tóc gối mềm tưởng da.
…
Em vào lấp lánh sương sa/ Và mang ơn phước nguy nga từ trời
…
Mai sau ngủ gốc cây sồi/ Làm thiên thu chiếc miếu ngồi thờ em.
Các nàng Tô Thị sau 30/04/1975, đã được Thánh Hóa bởi lòng sắt son, sức chịu đựng và tính quyền biến của quý tù phụ qua bài Kỳ Cùng, trang 207. (Kỳ Cùng cũng là tên một con sông ở tỉnh Lạng Sơn).
Có chồng mà tưởng như chồng mất/ Hương nhan đã cháy ở trong lòng
Em đứng ôm con bồng mưa nắng/ Sắt son dũng cảm đến Kỳ Cùng.
Quả vậy, thơ tù của CTT là cây gậy của Phùng Quán giúp người tù trung nghĩa, vịn câu thơ mà đứng thẳng uy nghi trong lao nhục đọa đày.
Vừa ra khỏi tù năm 1985, CTT viết Bài Ca Níu Quan Tài (BCNQT), một Tâm Sử Thi thu âm tiếng khóc, chụp lại hình ảnh vô cùng nghiệt ngã và bi thiết của cái gọi là Xã Hội Chủ Nghĩa sau 30/04/1975. BCNQT được viết tay trong một tập vở học trò. Tác phẩm là một quả bom nghìn tấn, lưu giữ tại lầu 3 chung cư Trần Hưng Đạo, ngay trung tâm Saigon:
Kinh bang sao chép Nga Tàu/ Bình quân là chặt cái đầu cao hơn
…
Một bầy tán tận lương tâm/ Ăn hồ ăn giẻ ăn vần ngày công
Ăn tranh trẻ đói lọt lòng/ Ăn lường tiếng khóc khép vòng tử sinh
…
Ngón đòn lý lịch ly kỳ/ Cha là Ngụy, phạm trường quy con rồi
…
Mẹ xưa khóc níu quan tài/ Nàng giờ ai vãn lại lời mẹ xưa
Tôi ra tù năm 1988, sau CTT hai năm. Không lâu sau, được dịp đọc nguyên bản BCNQT và tôi nghĩ ngay đến chuyện lớn, là tìm mọi cách để giúp đưa đứa con tinh thần này vượt biên. Vào thời điểm đó, có chương trình HO và ODP, thuận cho người cựu tù và thân nhân có đủ điều kiện đi định cư và đoàn tụ gia đình ở Mỹ.
Là chuyện điên rồ nếu nhờ các bạn sắp ra đi mang theo BCNQT!
Tôi nghĩ ngay đến các bộ nhớ xuất sắc trong tù, sắp ra đi theo hai chương trình trên, là học thuộc lòng tập thơ trên 600 câu. (Mở ngoặc, bộ nhớ xuất sắc thường kể chuyện sau khi tù vào chuồng, khóa cửa. Chuyện kể như chuyện kiếm hiệp, chuyện phim, chuyện lịch sử, chuyện văn học, v.v…. Kể chuyện như vậy được gọi là chiếu phim. Đóng ngoặc).
Cuối cùng, cựu Thiếu Tá Không Quân LTN, Trưởng Phòng Quân Báo Sư Đoàn 4 KQ, nhận lời một tháng trước ngày gia đình anh đi HO vào năm 1989.
Năm 1993, gia đình Cung thi nhân mới định cư ở Minnesota, Mỹ quốc.
KQ CTT và KQ LTN gặp nhau không lâu sau đó và BCNQT được chào đời ở Mỹ năm 2001.
Thơ tù CTT, một di sản văn hóa của dân tộc, đã được đồng đội cưu mang trong tình nghĩa như vậy đó.
CTT quy tiên ngày 9 tháng 10 năm 2022 tại xứ Vạn Hồ.
Một bất ngờ, khi từ giả dương thế, CTT nhận Pháp Danh là Quảng Văn. Một tình cờ, Quảng Kiến là Pháp Danh của tôi từ thời Trung Hoc.
Bất ngờ và tình cờ là vì, bình sinh, thi sĩ “tự nhận mình là con Trời giáng thế” (trg 644):
Một Tiếng Nói khai tâm từ Tĩnh Lự/ Hóa điệu đà một thế ngữ tinh anh,
Khúc giao thoa âm sắc đượm ân tình/ Chàng thi lữ cất lên lời hiếu tử. (2)
Cung Trầm Tưởng ra đi, để lại cho dân tộc “Một Hành Trình Thơ” trong suốt 70 năm Ông sống chết với Thơ.
Với bạn tù, thơ Ông là cây gậy. Với độc giả, khách nòi tình, thơ ông là “chiếc quán che mưa gió”
Mai sau về nghỉ gốc cây phần/ Xin làm chiếc quán che mưa gió/ Cho khách nòi tình đến trú chân (CTT-MHTT, trg 453) .
Tôi tham dự Lễ Tang của Ông, một Niên trưởng, một bạn tù và một thi sĩ của Dân Tộc. Tôi thành kính cầu nguyện chư Phật tiếp dẫn hương linh Phật tử Quảng Văn, sớm về an nghỉ Cõi Tây Phương Tịnh Độ.
Dù hướng theo bất cứ tâm linh nào, tôi vẫn nghĩ, Cung Trầm Tưởng là thi sĩ của Việt Nam Tự Do Nhân Bản. Qua đó, tôi xin ghi lại vài câu trong bài Vạn Vạn Lý, trg 162 do Ông viết khi đi chôn bạn tù ở trại Hoàng Liên Sơn ngoài Bắc, xa lắc năm xưa:
Gió lên như địch thổi/ Đưa ai qua trường giang
Nay cô liêu bạt ngàn/ Tiễn ta vào bất tử
…
Đã đi trăm hùng vĩ/ Xông pha lắm đoạn trường
Về làm đá hoa cương/ Gởi đời sau tạc tượng.
Bài Vạn Vạn Lý đã được chiến hữu Bùi Kim Cương, thành phố Saint Louis, tiểu bang Missouri cảm nhận và phổ nhạc vào năm 1996. Tù khúc Vạn Vạn Lý đã được các bạn trẻ vùng Đông Bắc trình diễn trong buổi Ra Mắt Sách “Lời Viết Hai Tay” của thi sĩ CTT tại thủ đô Hoa Thịnh Đốn vào khoảng cuối thập niên 90 và được Ban Tù Ca Xuân Điềm trình diễn nhân dịp ra mắt tác phẩm “Cung Trầm Tưởng – Một Hành Trình Thơ – 1948-2018” vào tháng 11/2019 tại Little Saigon.
Với bộ ba Tâm Sử Thi gồm: Lời Viết Hai Tay, Bài Ca Níu Quan Tài và Những Dấu Chân Ngang Trên Một Triền Phiếm Định, thi sĩ Cung Trầm Tưởng xứng đáng được đời sau tạc tượng qua lập trường Quốc gia Dân tộc và tính thần Nhân bản qua Thơ của Thi Nhân…
Tưởng niệm 2 năm ngày mất của thi sĩ Cung Trầm Tưởng.
(10/ 09/2022 – 10/09/2024)
Bắc Đẩu Võ Ý
(1) Dụng cụ được rèn bằng sắt thép để chặt cây phá rừng.
(2) Thi nhân là “con cách riêng của Thượng Đế”. “Thi nhân báo hiếu Thượng Đế bằng những vần linh thi ưu lương, diễm lệ, uyên áo và huyền vĩ mình sáng tác để ngợi ca Chúa Cha vinh hiển”. (Một Độc Thoại Huyền Ngôn, trg 645 – Ghi chú (2) là của CTT.
Tập Thơ Bài Ca Níu Quan Tài ra mắt cộng đồng Người Việt Hải Ngoại năm 2001. Trang 6, tác giả ghi “Tri ân V.Y., L.T.N., N.T.C., và H.T.A, đã bất chấp nguy hiểm để giấu giữ và tìm mang tập thơ ra khỏi Việt Nam”.
Trong Lời Bạt của tác giả in ở bìa sau, có câu cuối: “Vì thế là một thiếu sót đáng trách nếu nghệ thuật dững dưng khi nói đến cái ác”.
Võ Ý
Westminster, CA, Thu 2024
*********************
Trang báo Chiến Sĩ Cộng Hòa số 183 11/2024