TÌNH THIÊN THU (Phạm Hữu Huê)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

 

May be an image of 8 people, people standing and text

May be an image of 3 people, people standing and outdoors

Để tưởng nhớ người bạn cùng lớp, cùng trường tại trung học Thiên Hữu, Huế niên khóa 64-71. Người viết bài này là bạn cùng lớp và cùng khóa quân trường Chiến Tranh Chính Trị Đà Lạt.
Ôi! sự nghiệp đang công đeo đuổi
thôi đành gián đoạn nửa đường.
Chí tang bồng hằng mong thực hiện
thôi cũng đành ôm hận ngàn thu
Tình Thiên Thu
NT4 Phạm Hữu Huê
******
Một ngày của tháng 2/2014 nhân tham dự ngày hội ngộ cựu học sinh Thiên Hữu tại Santa Ana-CA tình cờ được gặp anh Diệp Nguyên Hùng, em Diệp nguyên Hòa thì nhớ đến thằng bạn cùng lớp, cùng khóa, cùng đơn vị quân trường là Diệp Nguyên Dũng và câu chuyện về mày mới lộ ra.
Dũng ơi! hơn 40 năm rồi, tưởng mày an giấc ngàn thu sau ngày đền nợ nước tại Kiên Bình, Kiên Giang – ngờ đâu mày vay nợ ân tình nhiều quá làm có người cũng hơn 40 năm vì mày… họ thương, họ nhớ, họ quay quắt, họ khóc, họ cười, họ điên đảo giữa cuộc đời nầy.
Trái đất tròn, tròn thật mày ơi nên nhân duyên khép lại trong vòng tròn cho dù tử sanh hai bờ cách biệt. Từ nay, mày sẽ an giấc ngàn thu – không còn về báo mộng nữa. Bên kia, mày chắc hạnh phúc vì giữa cõi đời trầm luân nầy, có người thủy chung với mày, dù đang sống với chồng và con.
Trên đường về đơn vị thuộc TK Kiên Giang, chiếc GMC do một sĩ quan trưởng ban 5 tiểu đoàn hướng dẫn chở các SVSQ/CTCT gồm Nguyễn Chãnh, Bùi đức Cường, Phạm đình Bằng và Diệp Nguyên Dũng trực chỉ vùng quê giữa tiếng cười vui, vô tư của các chàng trai trẻ khi sắp nhận đơn vị mới. Khi xe tới một ngã tẻ, Dũng được lệnh xuống xe và chờ ở đây do đi nhờ vì đơn vị không cử người đến đón ở tiểu khu. Nơi điểm hẹn đây theo dự trù sẽ có sẵn toán mở đường của đơn vị anh sẽ trình diện, nhưng họ chưa đến. Anh lặng người, cố cười chào các bạn đang tiếp tục di chuyển về tiểu đoàn bằng đường bộ vì hết đường xe. Chỉ mới chia tay được một đoạn ngắn thì Dũng vừa chạy theo vừa hổn hển la lớn:
– Tụi bay bỏ tao một mình sao?
Rồi Diệp Nguyên Dũng đứng nhìn mãi cho đến khi bạn mình đi dần khuất. Đám bạn bè khóa 4 ngoái nhìn anh bối rổi rồi bổng dưng xót xa bịn rịn như một linh cảm… và đó là phút cuối gặp nhau. Mãi khi về lại căn cứ ở Cần Thơ sau tròn 1 tháng công tác, mới bàng hoàng khi đọc bản tin trên nhựt báo Sóng Thần báo anh đã anh dũng đền nợ nước!
Tháng 6 năm 1974, Diệp Nguyên Dũng được điều về Tiểu Khu Kiên Giang nơi đơn vị là một đại đội biệt lập thuộc chi khu Kiên Binh. Chỉ sau mấy tuan trình diện thì chiến sự xảy ra, cộng quân huy động hỏa lực đánh tốc đồn. Đêm đó dài như vô tận, tiếng nổ ì ầm vang vọng đến cả nơi xa. Tiểu đoàn 653 ĐPQ có 3 SVSQ là Chãnh, Cường, Bằng đóng quân cùng vùng trách nhiệm chi khu Kiên Bình, giáp ranh với Chương Thiện nghe được nhiều tiếng súng lớn nhỏ nên không khỏi ưu tư hồi hộp vì chắc chắn có bạn mình đang công tác ở đó và khắp vùng tỉnh Kiên Giang. Dũng được ghi nhận là mất tích và phải mất vài ngày sau mới có hành quân tái chiếm nhưng không tìm được xác. Gia đình quá thương tiếc mất một người con rất trung hiếu và khóa 4 vĩnh biệt một tài năng đầy triển vọng. Diệp nguyên Dũng là SVSQ / CB / liên đoàn phó, lại là hầu tá toán quốc quân kỳ LĐ / SVSQ.
Qua tháng sau, 3 SVSQ Ngô Chi, Nguyễn văn Long, Trần văn Thanh bắt thăm trúng công tác đợt 2 là TĐ651 ĐPQ Kiên Giang và được điều về đơn vị đang đóng quân tại Kiên Bình. Chính nơi vùng nầy, Diệp nguyên Dũng đã hy sinh và oan hồn anh hình như vẫn lẩn quẩn quanh đây. Hằng đêm, Dũng về báo mộng cho các bạn mình với gương mặt tươi cười nhưng mình đầy máu. Cứ mỗi lần qua một giấc mơ, Trần văn Thanh ngồi dậy, lay các bạn mình và kể lại chuyện gặp Dũng. Tại đây, một hôm đơn vị trưởng bỗng nhiên đưa 3 anh em ra ngoài đại đội do thiếu úy Sơn làm đại đội trưởng, cách xa Bộ chỉ huy cả 5 cây số. Ngay đêm đó, Công quân dùng beta nổ xé hàng rào kẽm gai và cho đặc công dùng chiến thuật biển người đánh úp đồn. Thiếu tá Hiệp – tiểu đoàn trưởng điều quân chống trả rất kiên cường nhưng sau đó tử trận cùng ban tham mưu tiểu đoàn.
Đó là diễn tiến bước đầu của chiến dịch Hiệu Năng và Cải Tiến Đơn Vị của phòng 5 BTTM/QLVNCH với mục đích đến từ thực tế đơn vị để năng cao tinh thần chiến đấu binh sĩ cũng như thấu rõ tình trạng quân số khiển dụng, tiếp liệu, đạn dược, tiêp tế, trang bị trong tình trạng chiến tranh leo thang khi mức viện trợ tụt giảm mà chúng ta phải đương đầu sau hiệp định Paris 27/1/1973.Trường ĐH/CTCT ĐàLạt được giao trọng trách nầy với một đội ngũ khóa NT4 được đưa vào đơn vị chiến đấu, thế các đại đội phó đang được đi thụ huấn về khóa cán bộ hướng dẫn. Trong 4 đợt công tác, mỗi SVSQ sẽ đảm nhận 4 đơn vị trong vai trò một cán bộ chính trị trong đơn vị đang ở chiến trường khắp trọn 16 tỉnh miền Tây gồm 16 tiểu khu và 3 sư đoàn 7, 9, 21.
Diệp Nguyên Dũng người Quảng Trị, trong một gia đình Hoa Việt tiếng tăm nhất nhì thành phố. Anh được gởi vào trường Tư Thuc Thiên Hữu, Huế, cùng 5 anh em trai: Hùng, Tuấn. Dũng, Hòa, Thạnh. Cả mấy anh em ở nội trú từ lớp đầu đến lớp cuối trung học. Thiên Hữu là một lò luyện thép cho học sinh bằng một kỷ luật sắt đá để mỗi học sinh ra đời không thành công thì cũng thành nhân với phương châm một tinh thần minh mẫn trong một thân thể tráng kiện. Bảy năm trời trãi dài trong nội trú nên từng góc tường, sân chơi, từng viên gạch đều rõ mồn một dù bao năm tháng đi qua.
Khi tân khóa sinh khóa NT4 chào trường, tháng 12/1972, danh sách phân chia nêu ra và đầu tiên ĐĐ A có Vũ ngọc Anh. À, một thằng bạn học đây rồi và khi đến ĐĐ D thì có Diệp Nguyên Dũng. Tôi thì thầm, thế là Thiên Hữu Huế có 3 con nhạn lọt vào đây. Cả Vũ ngọc Anh và Nguyên Dũng đều đủ 3 điểm son là đep trai, con nhà giàu và học khá giỏi.
Tháng 1 năm 1973, khi vừa gắn Alpha, tất cà các SVSQ NT4 gốc miền Trung đều được theo chân đàn anh-các SVSQ khóa NT3 tham gia chiến dịch Quảng Ngãi với mục đích nói rõ và phân tích về hiệp đinh ngưng bắn và vãn hồi hòa bình vừa được ký kết. Như những con chim xổ lòng được chắp cánh bay xa dưới sự bảo bọc của các niên trưởng để tung vào các địa phương xa xôi và tiếp xúc, thuyết trình với quần chúng. Thời gian nầy đúng vào dịp Tết nên giữa đêm giao thừa ở tâm trạng xa nhà lần đầu ai nấy cũng mủi lòng nhớ gia đình. Trong căn nhà lá cạnh quận Nghĩa Hành, khi giữa cơn say của bữa tiệc, Dũng mơ làm người Quang Trung, ước vọng sau nầy quân trường ta sẽ có cấp tướng. Anh nắm tay như Trần quốc Toản” Mình sẽ làm đơn vị trưởng!…và tràn nước mắt ước hẹn cho binh nghiệp một ngày mai… Đêm đón xuân dần qua khi giọng đọc ngọt ngào của niên trưởng Vũ Trọng Khảo trong câu chuyện Hình Như Là Tình Yêu của Hoàng ngọc Tuấn ru ngủ ngọt ngào toán đàn em Hân, Duyệt, Huê, Dũng, Điệp khi đang mơ màng giữa không khí thiêng liêng ngày đầu một năm. Sáng hôm sau mồng một TẾT, các niên trưởng khóa 3 tuy chưa học khóa dù nhưng bung cánh thật đẹp về Huế, lướt thật tuyệt qua trạm kiểm soát quốc lộ 1 tại Bình Sơn nơi có Thiếu tá liên đoàn trưởng Nghiêm Viết Thành cùng toán quân cảnh tiểu khu đứng làm chốt chận. Nhiều niên trưởng lọt ổ phục kích và phải nằm connex ăn tết nơi quân trấn Quảng Ngãi. Các niên trưởng Phạm Cấn, Phạm tấn Bàng quá kết đàn em Diêp Nguyên Dũng nên kéo theo nhảy biểu diễn “dù”về Đà Nẳng, qua tới Huế với một chiêu lả lướt lần đầu viếng thăm đền đài lăng tẩm cố đô. Sau nầy khi ra trường, các niên trưởng ưu ái gởi thư về thăm nhắn Dũng và các bạn nhớ học kỷ về khóa đối chứng, đặc lệnh truyền tin, ngụy âm vì biết rõ giấc mơ làm người Quang Trung khi ra trường.
Khi vào lính, mấy đứa chưa có cuộc tình nào. Mỗi lần xuất trại, đi đâu cũng có nhau nên bộ bốn Dũng, Song, Cư, Hân không rời nhau nửa bước. Bao năm nội trú Thiên Hữu chỉ việc học và chơi thể thao nên khi vào lính, lòng cũng nao nao khi thấy các bạn nhận thư tình, dẫn người yêu đi dạo phố hay đêm ngày ngoài giờ sinh hoạt, thao luyện, thấy họ dệt cho nhau những mộng ước qua những lá thư viết bất kể khoảng khắc nào có được. Hằng đêm sau một ngày thao trường tập luyện, có bạn như Trương Xuân Hùng, Phạm Tiến Đức, Nguyễn văn Lân nằm bên cạnh, trùm mền viết thư, không ngủ. Cũng có đứa to, cao đẹp trai nhưng chậm”đào hoa”… nên thường ra phố một mình trong ngày phép để viếng một vòng phố quen thuộc: sáng chè dốc Minh Mạng, trưa qua phở Bằng, chiều xuống rạp Ngọc Lan hay xa hơn, tạt qua vội vàng hẻm Phan đình Phùng hay khu Tăng bạt Hổ trước khi hết những giờ phép đáng yêu và về lại trường. Nhớ những lần tập họp điểm danh sau ngày phép thường được các niên trưởng nhắc nhở và săn sóc rất tận tình. Một buổi chiều đi phép dạo phố về thì gặp phiên trực của niên trưởng cán bộ ĐĐT đại đội B Trương văn Vấn. Ông chấn chỉnh một câu để đời:
– Các anh không được phung phí sức khỏe, đường còn dài, phải chân cứng đá mềm và nên nhớ là đi mưa thì phải mặc áo mưa!
Trong hàng quân có đứa nín cười thật lộ liễu trong khi mấy thằng “nai tơ dân nội trú” thì tròn con mắt: Mình đi phép có thấy mưa đâu mà mặc áo mưa!
Nay đã qua hơn 40 năm ngày nhập khóa mà thần tượng niên trưởng nầy không phai với hình ảnh oai phong, kiến thức uyên bác trong nghệ thuật chỉ huy tuyệt vời.
Cho đến một ngày vào đầu năm thứ hai, Dũng nhập viện ở bệnh viện TK Tuyên Đức. Thời gian điều trị cũng khá lâu vì phải giải phẩu một bộ phận cơ thể. Cùng phòng có một sĩ quan nằm điều trị khá lâu ở đây, tuy độc thân nhưng anh ta có thân nhân là cô em gái xinh xắn thường hay bới xách thăm nuôi. Khi tò mò hỏi thì người anh cho biết Dũng như con bà phước không ai thăm.Tuy không dạn dĩ làm quen nhưng cố gái thấy thương thương làm sao ấy nên hằng ngày khi mang thức ăn vào cho ông anh, cô gái – Vàng Kim Khôi – mang thêm và nhờ người anh mời nhận. Được ăn uống bồi dưỡng quý quá rồi thế nhưng hai cặp mắt cứ âm thầm đá lông nheo với nhau để kết cuộc đẻ sinh một mối tình đầu và dần sau có đủ những rộn ràng yêu thương thơ mộng, thi vị, hứa hẹn cùng những ước nguyện cuộc đời.
Thời gian không lâu cho những buổi hẹn hò dù trái tim đang vỡ òa bao yêu thương do rung động sự đẹp đôi giữa hai người tình mà tạo hóa khéo ghép. Anh trả lại vội vàng người yêu nơi phố thị, tiếc nhớ những lần hẹn hò dưới đồi thông có tiếng rì rào reo gió như thì thầm ru êm giấc mộng tình yêu, bên đồi Cù những buổi chiều nhạt nắng gió hờn ghen đôi má hồng người con gái Đà Lạt và dốc Thung Lũng Tình Yêu in dấu cặp đôi với những thổn thức hai con tim đập vội. Đà lạt có ngày Chủ Nhật thật đẹp với nét điểm tô những chàng sinh viện sĩ quan Võ Bị và Chiến Tranh Chính Trị trong những bộ đồ phép thật oai phong và không thiếu những cảnh dập dìu lứa đôi của những cặp tình nhân đẹp như hoa mộng trong” ngày của riêng mình” sau những ngày thử thách ở thao trường.
Giữa tháng 6/1974-anh cùng các bạn lên đường đi chiến dịch. Giã biệt ĐàLạt, giã biệt người yêu và cũng là vĩnh biệt tất cả.
Còn lại ở Đà Lat ngập tràn kỷ niệm với bao ngày tháng đợi chờ, người yêu Vàng Kim Khôi mỏi mòn chờ đợi. Đã lâu lắm từ ngày đi mà không có tin gì về và cũng không biết ai quen trong khóa mà hỏi thăm. Vàng Kim Khôi cứ ngỡ rằng thời gian đã làm phôi pha làm chàng đổi thay một cuộc tình. Cô tìm quên bằng những oán hờn trách móc người yêu khiến trái tim lạnh cứng như hồn vọng phu qua từng cuốn lịch. Trả hết thương nhớ cho cuộc tình sau 5 năm vô vọng, năm 1979.
Vàng Kim Khôi lên xe hoa, gom kỷ niệm để cố tìm quên lãng mối tình đầu trong hôn nhơn với một người mới.
Năm sau, cô sanh một đứa con gái kháu khỉnh nhưng không ngờ nó lại giống Diệp Nguyên Dũng.
Hôn nhân tan vỡ vì chồng quá ghen tuông, nhẫn tâm la mắng do cô lẩn thẩn một bóng dáng nào, cái thân xác thì ở đây mà tâm hồn thì nơi đâu. Mặc đứa con gái mới 6 tháng tuổi, cô bồng con ra khỏi nhà, hành trang có 2 chỉ vàng và đi lang thang như không biết đi đâu, khi đầu đường, khi xó chợ.
Hai mẹ con trôi dạt về Sài Gòn, hết tiền bạc rồi xin ăn cho đến một ngày nhận ra đang ở miền Tây.
Nơi đây, quận Kiên Bình, tỉnh Kiên Giang – những người dân địa phương thấy hai mẹ con Vàng Kim Khôi hiền lành, dịu dàng lại đùm bọc nhau sống nên họ thấy thương và cất một căn lều lá nhỏ cho hai mẹ con sống. Tạm ổn đinh, cô quay qua nghề làm thuê và ngày tháng tiếp nối đi qua. Tuy khổ, nhưng còn phảng phất những nét kiều diễm và quyến rủ nên một người đàn ông cụt chân góa vợ trong làng đem lòng yêu thương và sống vợ chồng với nhau.
Một ngày giữa năm 1998, cháu gái lên Đà Lạt thăm bà ngoại thì nhận được mẫu tin nhắn từ báo Thanh Niên là gia đình Diệp Nguyên từ Mỹ muốn tìm liên lạc. Số là trước khi đi chiến dịch, Dũng có viết thư về nhà, tâm sự có người yêu đầu lòng và cũng ở địa chỉ ngay Dalat. Cháu gái liền liên lạc với mẹ dưới miền Tây và hai bên đều ngỡ ngàng bắt chuyện khi nhận ra nhau. Gia đình thông báo là Dũng đã qua đời và đang truy tìm hài cốt vì Dũng cứ hằng đêm về báo mộng hoài.
Sau mấy mươi năm biền biệt mà nay trong muộn màng tức tưởi, Vàng Kim Khôi mới biết được, cô lăn ra khóc thảm thiết, khóc ngon lành. Tệ hại nhất cho cô là quá trách oan cho Dũng đã mau quên và vội bạc tình. Cô khóc như từng chưa được khóc.
Trước đó không lâu, người chị dâu của Dũng và em trai Diệp nguyên Hòa trở về VN tìm hài cốt Dũng như lời giới thiệu của nhiều người bằng sự giúp đỡ của một nhà ngoại cảm ở Đà Nẵng là cô Huệ. Trước bàn thờ Phật, Hòa em của Dũng thành tâm thắp hương và nói lên ý nguyện:
– Tôi là em của anh Diệp Nguyên Dũng, là SVSQ tử trận tại Kiên Giang tháng cuối tháng 6 năm 1974, thành tâm xin được biết nơi chôn cất để cải táng đem về quê hương khói.
Vừa ngồi xuống bàn, nhà ngoại cảm liền nói:
– Dũng chết rồi, chết thỏa mãn, không buồn phiền, không tiếc nuối. Hiện giờ, Diệp nguyên Dũng nằm ở đồn Biện Mười, xã Thạnh Xuân, huyện Kiên Bình, tỉnh Kiên Giang là vùng đang thấp nước. Giờ là tháng 10, qua tháng Tư qua vùng đó và bốc lên.
Chị dâu Dũng và em Hòa về Mỹ chờ, đồng thời nhờ người cháu ở Đà Nẳng về vùng đó dò kiếm trước. Khi về miền Tây hỏi tên làng Biện Mười thì không ai biết, đi vòng quanh rồi cũng bất lực. Đến cuối cùng quá nản chí, khấn vái xin cố ở lại để tìm thêm 1 ngày thì gặp một ông già:
– Nơi đây nhiều nơi đã đổi tên làng, nhiều lắm, hãy lên trên huyện mà hỏi là ra ngay.
Sau khi kiên nhẫn tìm kiếm ,cuối cùng đến được nơi mong ước: Đồn Biện Minh xưa nay thuộc xã Thạnh Xuân, huyện Giồng Riềng tỉnh Kiên Giang. Nhờ đó người cháu tìm ra chỗ và chụp hình toàn vùng rồi trở lại Đà Nẵng giao lại cho nhà ngoại cảm.
Đúng ngày hẹn, cô Huệ – nhà ngoại cảm – từ Đà Nẳng vào Sài Gòn gặp gia đình của Dũng từ Mỹ về cộng với người cháu ở VN, đồng thời thông báo cho cô Vàng Kim Khôi ngày đó, ngày kia ra đón tại phi trường Kiên Giang. Theo địa chỉ đoàn người không vào nhà ai, thẳng tới mộ . Không ai ngờ trạm cuối chính nơi nầy là vùng đất Vàng Kim Khôi ở từ gần mười năm nay. Tại đây, với nắm hương huơ qua huơ lại, cô Huệ đi quanh một hồi và khi tới một nơi quanh đó, cô cắm hai cây nhang và bảo:
– Đây là đầu, đây là chân. Ra chợ mua ít vàng bạc, thuốc lá. Dũng đang sống với một số bạn ở đấy, họ nhiều lắm. Hắn muốn chia tay với họ. Hãy làm một mâm cơm cúng và đốt nhiều thuốc lá, vàng bạc.
Lễ xong thì thấy dân làng tụ lại khá đông, hiếu kỳ đứng xem. Khi người đàn ông thuê đi theo đặt xẻng xuống thì có người nói:
-Nầy! ai cho đào, ruộng nầy của tôi.
Biết ý, gia đình đưa họ chút tiền và bắt đầu đào. Nhưng không, một người khác la lên:
– Đã xin chính quyền chưa mà đào?
Tiếp tục đưa tiền mới êm. Một người dân hỏi:
-Chắc quý vị có thân nhân nằm đây? họ nằm đây lâu rồi, Tôi có biết!
Tiếp tục đào đất theo sự hướng dẫn. Mới được một thước thì nước ứ ra. Khi thêm một nhát xẻng sâu hơn thì ruồi bọng bay tới bu quanh. Đào xuống chút nữa thì thấy một hình thể màu đen, không còn chi cả. Người đào cẩn thận, được bảo cấm rờ vào hình đất vì xác tiêu.
-Sao không thấy thẻ bài, nịt, nón.?
Một người dân làng nói to:
– Thẻ bài lấy cạo gió đã mấy chục năm rồi. Hồi đóng quân ông thiếu úy nầy hay ra quán mua bánh kẹo cho lính, ông”đời” lắm!.
Đất đó, là xác tiêu hủy được gói gọn trong một bọc ny lông, bỏ vào ba lô. Xong đứa cháu đi ngay. Từ mộ ra đến bến xe lại bị một nhóm địa phương chận lại và trấn lột. Đứa cháu xin lại một ít tiền xe và cái vé máy bay SG – Huế dọt lẹ trong khi thân nhân từ Mỹ về và cô ngoại cảm đứng chờ lấp đất. Đường đời như khép bóng thời gian, chạnh lòng hoang vắng Vàng Kim Khôi khóc lóc, kể lễ không ngờ gần nhau mà em để anh cô liêu, lạnh lùng. Giờ mới biết có anh xui khiến để em về đây bên cạnh, để anh nhìn thấy em hằng ngày trong cuộc sống, để thấy em quyện bước chân rã rời ở cuối hành trình cuộc tình mà ngày ngày trái tim hằng ấp ủ hình bóng anh, cả suốt một cuộc đời…
Xác Diệp nguyên Dũng được đưa về quê, yên giấc ngàn thu trong một nghĩa trang gia đình ở Quảng Trị giữa năm 1999.
Ba ngày sau tại Đà nẵng, trong lễ cúng tạ, hồn Dũng nhập vào người thân kể lễ:
– Địch công đồn, tung nhiều đợt vào giữa đêm. Đại đội trưởng tử thương, tôi cầm súng điều quân chống trả. Bất thần bị thương và cố đào thoát ra ngoài thì một tên địch truy kích hầm hầm chỉa súng vào và tôi la lớn: Hãy bắn đi.
Anh chết bên một bụi rậm, xác để sình thối nhiều ngày mới chôn.
So với lời dân làng và những đồng đội thoát được hơn 40 năm về trước thì ăn khớp là sự thật. Hồi đó, khi nghe tin mất tích, thân nhân nóng lòng cố tìm cho ra nên có vào nơi đây thuê mướn người địa phương dò hỏi thì đúng là Dũng bị bắn, xác không được chôn đến mấy ngày. Sau 75 mất nước, tình hình loạn lạc ly tán, vượt biên, kinh tế mới nên bẳng đi một thời gian không đi tìm xác được. Hơn nữa, anh trai của Dũng là Diệp nguyên Hùng, nguyên là sĩ quan QLVNCH – bị bắt tại cửa bể Thuận An ngày 26 tháng 3 năm 1975 rồi bị đưa đi tù ở Lao Bảo-Cồn Tiên cả mấy năm liền cộng thêm người chị cả biệt tích trên biển đông khi vượt biên tìm tự do làm gia đình thêm nhiều rối ren và người cha của Dũng bị quẩn trí. Nay hằng đêm, oan hồn Dũng rất linh thiêng cứ báo mộng tìm về làm gia đình bất an và nóng ruột. Cũng tại Rạch Giá-Kiên Giang nầy vào đợt đầu chiến dịch , trong một trận thư hùng với Cộng quân, có 3 SVSQ bị bắt khi bộ chỉ huy một tiểu đoàn bị tràn ngập. Thân nhân ruột thịt quá xót xa nên ra công tìm kiếm, bất kể sự an ninh vùng địch kiểm soát. Dân địa phương ở vùng giao tranh cho biết 3 anh tù binh vẫn còn sống, đó là Nguyễn thanh Triều, Võ văn Hùng, Hứa danh Lưu. Cả ba đều được trở về với gia đình sau năm 1975. Tại đồn Biện Mười -Kiên Bình nầy, dân quanh vùng cho biết ông nầy chống cự nên bị bắn chết và phơi thây.
Vàng Kim Khôi khẩn khoản mua vé máy bay và theo sự hướng dẫn, ra đến Quảng Trị, quỳ bên mộ chàng. Cô khóc lóc thảm thương, khóc bù cho mấy chục năm thương nhớ. Tiếng khóc rúng động, làm chạnh lòng bi ai khiến bao người quanh đó như sửng lại như để xót xa cho một cuộc tình làm nước mắt tuôn theo.
Sau một ngày, tiều tụy và rã rời như một cái xác biết đi, Vàng Kim Khôi lấy can đảm trở lại Huế lấy tàu vô nam để trở lại Giồng Riềng, Kiên Bình. Xe chạy ngang phố Huế, qua cầu Tràng Tiền và hướng về sân bay Phú Bài trên con đường Nguyễn Huệ. Người thân đưa tiễn chỉ nơi đây, khu Dòng Chúa Cứu Thế – Diệp nguyên Dũng lớn lên bên ngôi trường Thiên Hữu với muôn vàng kỷ niệm tuổi thơ mà Kim Khôi từng được nghe kể mỗi khi bên nhau trong những giờ phép hoa mộng cuối tuần của thời sinh viên sĩ quan. Vào lúc nầy, ai đó đi qua nghĩa trang dòng họ Diệp ở ngoại thành Quảng Trị có lúc đã nhìn thấy chiếc nón cô để lại trên nấm mồ với câu viết: “Anh ơi! thương anh mà chưa cho anh được những gì em có”.