Nguyễn Ðình Toàn – Dẫn Em Vào Nhạc
Quỳnh Giao
Ngày còn bé, Nguyễn Ðình Toàn không biết đánh đáo.// Ông đánh mạt chược thuộc loại đáo để và ăn nói còn đáo để hơn trên bàn mạt chược, nhưng Quỳnh Giao nghi là ông không biết đánh đáo. Hoặc có lẽ không thèm đánh đáo. Ở tuổi ấu thơ, Nguyễn Ðình Toàn ham mê chuyện khác, để ý đến chuyện khác, chuyện thi ca chẳng hạn, thơ và nhạc.
Người ta có thể kết luận như trên khi đọc tập bút ký của ông viết về 190 tác giả, có tựa đề là “Bông Hồng Tạ Ơn” vừa được ra mắt tại báo quán Người Việt chiều 28 Tháng Mười vừa qua. Quỳnh Giao không viết về ông trước ngày đó như để giới thiệu sinh hoạt này.
Tình Khúc Nguyễn Đình Toàn
Hỡi Em Yêu Dấu
Nguyễn Ðình Toàn là nghệ sĩ không cần được giới thiệu.
Nguyễn Ðình Toàn có lẽ không đánh đáo với chúng bạn đồng tuổi vì ông mải nhìn mây, nghe nhạc, đọc văn và tìm hiểu về thơ. Không vậy, ông đã chẳng có một ký ức đầy ắp về những nghệ sĩ đã nổi danh từ thập niên 1950. Ông biết về họ rất tường tận, trước khi chính mình bước vào thế giới đó.
Giới yêu văn học thì biết Nguyễn Ðình Toàn qua các tác phẩm văn chương. Ông là một nhà văn nổi tiếng, có độc giả và từng được Giải Thưởng Văn Chương với Áo Mơ Phai, tác phẩm làm ông bị khổ sở không ít sau năm 1975.
Ông còn khổ sở hơn vì không chịu cúi đầu, vẫn cứ ngang ngạnh khi gặp cảnh tù đày.
Sau khi được thả ra, ông còn ngang ngạnh (dùng chữ hiên ngang tất sẽ làm ông khó chịu!) và khi chế độ trong nước thay đổi, xin tái bản lại Áo Mơ Phai, ông vẫn ngang ngạnh: “Các anh muốn làm gì chẳng được, nhưng đã hỏi tôi khi muốn tái bản thì tôi chỉ xin các anh ghi vào lời tựa lý do vì sao đã kết án tác phẩm và bỏ tù tác giả!”
Ðược tái bản sách, nhiều người rất thích và đành nhịn. Nguyễn Ðình Toàn lại có cách từ chối đáo để như vậy thì… ai mà nhịn được!
Giới yêu thơ cũng từng mê thơ Nguyễn Ðình Toàn, đã được đọc lại còn được nghe.
Quỳnh Giao xin nói về chuyện nghe thơ này.
Thời ấy, vào thập niên 1960 trở về sau, các ban tân nhạc trên đài phát thanh đều có xướng ngôn viên của đài hoặc chính các ca sĩ tự giới thiệu lấy trước khi trình bày. Và người ta không có lời giới thiệu (tiền thân của giới EmXi MC thời nay) để cho tác phẩm một cái mũ, một cái “châpeau” dẫn vào tác phẩm và nghệ sĩ trình bày.
Ngoại lệ có tính chất tiên phong là chương trình “Tiếng Nhạc Tâm Tình” của Anh Ngọc, do Mai Thảo viết châpeau dẫn thính giả vào nhạc. Ông có cách hành văn rất tây, với lối dùng chữ mới lạ, dễ “bắt tai” thính giả. Hàng tuần, thính giả chờ đón để được nghe các ca khúc nghệ thuật mà người hát, hòa âm, và cả lời giới thiệu đều trau chuốt bóng bảy. Người đọc những dòng giới thiệu thường là Anh Ngọc, Mai Thảo, đôi khi Thái Thanh, Kim Tước, Mai Hương và cả Quỳnh Giao.
Người không đội mũ nhưng gắn hoa và thổi mây lên từng ca khúc nghệ thuật là Nguyễn Ðình Toàn, với chương trình gọi là “Nhạc chủ đề”.
Ông viết lời giới thiệu như người ta làm thơ. Văn phong của ông cổ điển hơn, khác với lối viết của Mai Thảo hay lời nhạc Trịnh Công Sơn, nhưng là một loại thơ dẫn vào nhạc.
Chương trình ăn khách và thực sự tạo ra một trào lưu chính là nhờ giọng nói truyền cảm, như lời thủ thỉ, của Nguyễn Ðình Toàn. Ông dẫn thính giả vào nhạc bằng câu “Hỡi em yêu dấu” như chỉ nói với một người. Qua làn sóng điện người nghe thấy ông thầm thì với riêng mình về những cảm xúc do ca khúc gợi lên. Ông tạo ra một không khí tình cảm dịu dàng điệu nghệ để người nghe chuẩn bị đón nhận…
Lời thủ thỉ ấy đẹp như thơ làm thính giả phái nữ thấy lòng mình chùng xuống.
Ðáng lẽ, chương trình ấy phải được gọi là “Dẫn em vào nhạc” mới phải, nhưng thời ấy chúng ta chưa dám táo bạo như thế! Qua cách nói… “hỡi em yêu dấu”, rõ là Nguyễn Ðình Toàn chỉ nói với phái đẹp. Vào quãng thời gian ấy, ông còn quá trẻ để gọi thính giả nam phái là “em”!
Mà ông không cao ngạo như Ðinh Hùng khi xưng là “ta” với người đẹp, ông mộc mạc nhũn nhặn xưng là “tôi”.
Thế mới chết… chị Thu Hồng!
Nhớ lại thì nếu Tiếng Nhạc Tâm Tình của Anh Ngọc gồm những giọng hát thượng thặng của thời đó trình bày, được chính ông chọn lọc và bầy bán giới hạn tại cửa hàng Au Printemps gần thương xá Tax, đã dẫn tới một ngành sinh hoạt mới là các trung tâm thực hiện băng nhạc, thì chương trình Nhạc Chủ Ðề của Nguyễn Ðình Toàn đã là nơi báo hiệu hào quang lên những ca sĩ sau này là tên tuổi lẫy lừng, như Sĩ Phú, Khánh Ly, Lệ Thu…
Phải nói rằng nhiều ca sĩ thường xuyên cộng tác với đài phát thanh hoặc xuất thân từ các gia đình nghệ sĩ thì đã được… “lăng xê” từ trước và họ thực sự là những người chuyên nghiệp vì sự đòi hỏi của các đài phát thanh. Chương trình của Nguyễn Ðình Toàn lại khác.
Ông mời những giọng hát tài tử trong tinh thần “hát cho vui”, hát vì nghệ thuật.
Luật gia Khuất Duy Trác thuộc thành phần ấy và đóng góp rất nhiều cho chương trình này. Một thí dụ khác là kỹ sư địa chất Võ Anh Tuấn – người tham dự việc tìm ra mỏ dầu đầu tiên – được mời hát Dạ Khúc của Nguyễn Mỹ Ca với giọng Nam như Trần Văn Trạch. Theo Quỳnh Giao, bài thành công nhất của Võ Anh Tuấn là Giọt Mưa Thu của Ðặng Thế Phong. Miền Nam không có mưa Thu Hà Nội, Nguyễn Ðình Toàn khơi dậy Mùa Thu ấy trong tâm cảnh của chúng ta ở miền Nam qua cách trình bày của Võ Anh Tuấn.
Không có cái tai thẩm âm, ai lại dám làm điều ngược ngạo ấy vì thời đó và sau này, hát theo giọng Bắc mới được coi là hay!
Cũng qua chương trình Nguyễn Ðình Toàn, mà Khánh Ly, Lệ Thu, Duy Trác hay Sĩ Phú, v.v… đã là những tiếng hát vượt không gian. Ra khỏi các sân khấu thành phố mà vang vọng khắp bốn vùng chiến thuật và tạo ra một làn sóng ngưỡng mộ từ đó không nguôi.
Ngay cả những ca khúc đầu tiên của Trịnh Công Sơn cũng đã như cánh vạc bay, và bay mãi, là từ chương trình Nhạc Chủ Ðề, qua tiếng hát Khánh Ly và lời thủ thỉ của Nguyễn Ðình Toàn.
“Những bản tình ca không có hạnh phúc” qua tiếng hát của “nàng góa phụ của cuộc chiến này” là cách Nguyễn Ðình Toàn giới thiệu ca khúc Trịnh Công Sơn và Khánh Ly.
Có MC nào của đời nay làm chúng ta xúc động như vậy không?
Nguyễn Ðình Toàn là nhà văn, là thi sĩ và ông giới thiệu nhạc bằng cảm nhận của nhà thơ.
Ông cũng là nhạc sĩ đã sáng tác rất nhiều trong những năm về sau nhưng tác phẩm bị trùm lấp trong biến cố 1975. Khi ông ra đến ngoài này, sự thẩm âm của thiên hạ đã thay đổi. Người ta “hát giọng răng” (nói theo lối ví von của Phạm Duy, vì cô ca sĩ có hàm răng khấp khểnh) và giới thiệu ca khúc bằng vũ khúc…
Có lẽ vì vậy mà Nguyễn Ðình Toàn chưa cho ra mắt một tác phẩm đáng lẽ phải có tên là “Dẫn em vào nhạc Nguyễn Ðình Toàn”, mà lại viết về những người nghệ sĩ ông sợ là chúng ta sẽ quên.
Ông gửi tới họ những bông hồng tạ ơn qua tài năng cố hữu của ông, là dùng thơ dẫn người đọc vào ngôi vườn hoa của người khác.
Khi viết bài này, trong dư âm của một chương trình nhạc chủ đề của Nguyễn Ðình Toàn, (chủ đề cuốn băng là “tình ca”) Quỳnh Giao bồi hồi nghĩ là áo mơ chưa hề phai trong tâm khảm ông.
Nguyễn Ðình Toàn chỉ sợ những kỷ niệm cần trân quý của chúng ta bị phai lạt dần…
*
* *
* *
NGUYỄN ĐÌNH TOÀN Từ ĐỒNG CỎ tới ÁO MƠ PHAI – Ngô Thế Vinh
http://phailentieng.blogspot.be/2015/08/nguyen-inh-toan-tu-ong-co-toi-ao-mo.html
Hãy Thắp Cho Nhau Một Ngọn Đèn-Nguyễn Đình Toàn-Nam Lộc
Nhạc Chủ Đề Nguyễn Đình Toàn-Dạ Khúc
Nhạc Chủ Đề Nguyễn Đình Toàn- Bóng Chiều Tà
Nhạc chủ đề Nguyễn Đình Toàn-Mùa Thu không còn nữa-Tiếng hát:Khánh Ly
Nhạc chủ đề Nguyễn Đình Toàn-Một Chiều Thu-Tiếng hát:Khánh Ly
Căn Nhà Xưa-Nhạc:Nguyễn Đình Toàn-Tiếng hát: KhánhLy
Có Bao Giờ-Nhạc:Nguyễn Đình Toàn-Tiếng hát: KhánhLy
Nụ Vàng- Nguyễn Đình Toàn-Tiếng hát: KhánhLy
Tự Tình Khúc-Nguyễn Đình Toàn-Tiếnghát:KhánhLy
Xa Nhau Từ Đây -Nguyễn Đình Toàn-Tiếnghát:KhánhLy
Quê Hương Thu Nhỏ-Nhạc:Nguyễn Đình Toàn-Tiếng hát:Khánh Ly
Mưa Khuya-Nhạc:Nguyễn Đình Toàn-Tiếng hát:Khánh Ly
TÔI CỐ BÁM-NguyễnĐìnhToàn-Tiếnghát:HạtSươngKhuya
Sống Một Ngày-Nhạc:Nguyễn Đình Toàn-Tiếng hát:Khánh Ly
Một Cánh Hoa Rơi-Nhạc:Nguyễn Đình Toàn-Tiếng hát:Khanh Ly
Nhạc chủ đề Nguyễn Đình Toàn-Giọt Mưa Thu-Tiếng hát:Thái Thanh
Hãy Thắp Cho Nhau Một Ngọn Đèn-Nhạc:Nguyễn Đình Toàn-Tiếnghát:Nam Lộc
Em Đến Thăm Anh Đêm 30-Thơ:Nguyễn Đình Toàn-Nhạc:Vũ Thành An-Khánh Ly
Dòng thơ, nhạc Nguyễn Ðình Toàn: Câu kinh sử cho tuổi trẻ Việt Nam
Uyên Nguyên
1.
Ðêm nghe lại nhiều lần những ca khúc của tác giả Nguyễn Ðình Toàn, như bị thôi miên, cuốn hút theo, và thèm nghe thêm nhiều lượt nữa, cõi nhạc ông réo rắt, thăm thẳm, buồn hiu!
|
Nhạc sĩ Nguyễn Ðình Toàn. (Hình: Uyên Nguyên)
|
Có phải vì đêm nay, đêm tái hiện trong cơn mê sảng thời đại, những “oan hồn điên cuồng còn chảy tuôn máu chưa hề quên, khăn tang nào che ngang đầu, những kiếp người một đời giông bão…,” và có thật một nỗi buồn gan thắt nữa, trùm lấp vào “đêm thao thức trông trời, xa vắng tin người âm u tiếng đời vui… Sao rơi rớt lưng trời hay nước mắt đưa người…!”
Ðêm nay, ngồi chong màn hình máy vi tính để kịp thấy những hình ảnh từ quê nhà, chảy dài theo nỗi buồn hôi hổi, lồng ngực rân ran nóng vì máu đã chảy dồn hết lên tim, ngộp thở!
Người đi giữa Hà Nội, trên đôi chân bé bỏng xuân thì, chợt biết tuổi trẻ vừa đánh mất quê hương, ngay chính trên quê hương mình. Rồi người ra đi tìm vết tích sông núi, giữa hai hàng phố xá đã dựng thành những tòa cao ốc rét căm mùa lạnh, hun hút ngả đường dẫn đi tìm tình người, của thời vô cảm!
2.
Hầu hết những ca khúc Nguyễn Ðình Toàn tôi yêu thích, là những bài tiết tấu không hối hả, nhịp phách từ tốn khoan thai như bãi sương lân là đà trên mặt sông, huyền ảo đóm lửa ngọn đèn cheo leo lét, chong đêm. Có tiếng khua mái dầm đẩy nước mở đường con xuồng lướt tới và bầy ễnh ương rộn rã hai bờ lau lách. Nhạc ông có bóng quê hương hiền lành, người dân cũng hiền lành, nhưng sống giữa tai ương! Gần nửa thế kỷ, tuổi trẻ, tình yêu, và tình đồng loại, trong dòng nhạc của nhà thơ, nhạc sĩ Nguyễn Ðình Toàn, nghe “đã thành thiên tai.”
Nhạc Nguyễn Ðình Toàn, gần nửa thế kỷ và thế hệ tôi hôm nay, người nghe có chung một nỗi lòng để mường tượng trong thế giới nhạc của ông lấp loáng những cuộc tình vỡ, nhưng đầy thơ mộng, từ cuộc tang thương triền miên trên quê hương, người trước rồi sau những trận đổi thay, vẫn “đổ mồ hôi, đổ máu tươi để mong ở lại,” để “cố bám lấy đất nước mình.”
“Ba mươi năm cuộc tương tàn chưa đủ?
Người giết người, không kịp mở mắt trông
Ba mươi năm mạng người như rác cỏ
Giây hòa bình, còn thắt cổ người tin…”
(Tôi Cố Bám Lấy Ðất Nước Tôi)
Phận người như loài Chim Ðắng Ðót bỏ xa rừng, trên đường bay câu kêu khan, lạc lõng lạnh buốt đêm trường tiếng đập cánh trổ nhánh hơi đèn nhang. Nhạc Nguyễn Ðình Toàn hầu hết là những tấu khúc của nỗi buồn lay lắt nhiều hơn niềm vui hiếm hoi thoáng, chừng mực nghe thấy, dù không đến nỗi khiến lòng người rượi rã, nhưng âm ỉ ngấm, đau. Trong thế giới nhạc ông, những câu thơ đem trải tình thành tấu khúc của gần nửa thế kỷ thời gian đã còng trên đôi cánh chim bay, vọng hải đài câu tang thương của bóng quê nhà, xa ngái:
“Mai tôi đi, tôi đi vào sương đen
Sương rất độc tẩm vào người nỗi chết*
Quê hương ta sống chia dòng vĩnh biệt
Chảy về đâu những nước mắt đưa tin”
(Mai Tôi Ði)
Quê hương có mấy cuộc ra đi, triệu người đi từ đầu non về; và triệu người ùa nhau đi ra biển, “đổ về một phương nhớ” mông mênh. Nhưng rồi gần nửa thế kỷ sau, lại có hằng hằng triệu người ở lại hụt hẫng, bơ vơ bước chân trần đi tìm quê hương, mấy lúc kiệt sức khuỵu trên bóng mình, chợt so lại nắm tro cốt Tiền Nhân đang trở nặng cơn đau.
“Quê hương tôi, đã bao ngày chìm trong lửa khói
đến bây giờ chiến tranh tan rồi
nhưng người vẫn giết người
nhưng người vẫn khóc người
Những đêm dài ai thương nhớ ai…”
(Quê Hương Tôi)
Trong thế giới Thơ Nhạc của Nguyễn Ðình Toàn, nỗi buồn như cơn mưa vừa tạnh, chỉ rả rích đôi giọt buồn, nhẹ lâng. Người đau sẽ không đau lắm, nhưng niềm đau vì một nỗi nhớ dài, không chỉ là một cuộc tình vỡ, mà kéo, đuổi nhau theo suốt, làm trùng trùng thêm mối sầu kinh sử Việt Nam.
“Ôi, lịch sử Việt Nam xót xa
đã xui người ngày thêm cách chia
người bỏ đi xa,
người còn đây, chịu tội thay trên thánh giá đời
Ôi, hận thù đã che kín mây
đã treo người trên đỉnh đắng cay
Ðời dù xoay trăm chiều ngược xuôi
Tuổi trẻ tôi vẫn lạnh lùng phai.
Vâng, tuổi trẻ tội như phúc âm…”
(Kinh Cầu Cho Tuổi Trẻ)
Ðêm đã sâu hơn, ngồi chong mắt lên màn hình vi tính, quê hương thu về một cõi lòng đau đáu, kịp nhận ra còn có những anh em đang “lẻ loi như cây rừng đông, từng phen chết trong bão bùng,” mà vẫn dìu nhau qua hết những con đường đi tìm lại chút hơi người.
Thơ Nhạc Nguyễn Ðình Toàn, từ cõi xưa rồi kéo về bây giờ, bỗng thành nức nở hơn, vì:
“tuổi trẻ tội như phúc âm
……………….. vẫn lạnh lùng phai
Vâng, tuổi trẻ tội như lá thu
đã nửa vàng từ cơn gió đưa”
(Kinh Cầu Cho Tuổi Trẻ)
Thơ Nhạc Nguyễn Ðình Toàn đã vì thế mà thành kinh sử, người bây giờ đọc hoặc nghe dẫu thấy buồn, nhưng cứ tin vào đó, để sống!
…
Hãy thắp cho anh một ngọn đèn
Dù mịt mùng xa xăm
Một ngọn đèn trong đêm mờ ám
…
Cố thắp cho em một ngọn đèn
Dù mệt nhoài trông ngóng
Ðể nhủ lòng gắng nuôi niềm tin…
(Hãy Thắp Cho Nhau Một Ngọn Ðèn)
Ðêm sẽ còn sâu hơn, những giấc mơ chập chờn hiện, tan vào “cõi trăng lạnh riêng mình,” như bóng oan hồn xao xác trên những nhành cây đen đủi trong mảnh vườn sau, cũng kịp nhắc mình thêm một câu kinh nhạc nữa:
“Xin khấn nguyện cả mười phương tám hướng
Cho quê hương u mê ngày thức tỉnh
Ðể dù xa có chết cũng vui mừng.”
(Mai Tôi Ði)
Bấy giờ, mỗi câu đọc lên nghe buồn bã, mà người vẫn trọn tin, tin để mà sống!
California, 17 tháng 11, 2011
(Nguồn: nguoivietblog.com/uyennguyen)
http://phailentieng.blogspot.com/2016/07/tinh-khuc-nguyen-inh-toan-hoi-em-yeu-dau.html