Một cuộc biểu tình phản đối trước tòa đại sứ Mỹ ở Baghdad ngày 02/01/2020. REUTERS/Khalid al-Mousily
“Nếu Mỹ lâm vào cuộc chiến ở Trung Đông sâu rộng hơn, sẽ bị phân lực ở khu vực Châu Á Thái Bình Dương. Tuần trước cả Nga và Trung Cộng tập trung viện trợ vũ khí cho Syria. Nay Mỹ trực tiếp đối đầu với Iran… Xem ra, tình hình Trung Đông khá sôi động trong năm 2020, đó là điều Trung Cộng mong muốn để Mỹ không dồn sức vào Biển Đông.” (VQ1)
Ba ngày sau vụ tấn công vào sứ quán Hoa Kỳ ở Baghdad, sáng sớm ngày 03/01/2020, viên tướng rất có thế lực, ông Qassem Soleimani, đặc sứ của Iran về các vấn đề Iraq, đã thiệt mạng trong một vụ oanh kích bằng trực thăng của Mỹ gần Baghdad.
Trong số 8 người khác bị giết chết, còn có ông Abou Mehdi al-Mouhandis, nhân vật số hai của tổ chức Iraq Hash al-Chabi, thân Iran.
Theo thông báo của Ngũ Giác Đài, chính tổng thống Donald Trump đã ra lệnh hạ sát Soleimani. Vụ oanh kích bằng trực thăng của Mỹ là nhằm đáp trả vụ tấn công vào sứ quán Hoa Kỳ ở thủ đô Baghdad của Iraq, cũng như các vụ bắn rocket vào các nhà ngoại giao và quân nhân Mỹ, xảy ra từ nhiều tuần qua.
Tướng Soleimani
Phía Iran đã xác nhận cái chết của tướng Soleimani. Từ Teheran, thông tín viên Siavosh Ghazi tường trình: “Trong một thông cáo, lực lượng Vệ binh Cách mạng báo tin là tướng Soleimani đã thiệt mạng trong một vụ oanh kích bằng trực thăng Mỹ gần sân bay Baghdad.”
Vốn đã gặp nhiều xáo trộn do phong trào biểu tình chống chính phủ từ ba tháng qua, Iraq nay có nguy cơ rơi vào hỗn loạn sau vụ trực thăng Mỹ oanh kích và sát hại tướng Iran Soleimani và cánh tay phải người Iraq từ bao thập niên qua Abou Mehdi al-Mouhandis.
Với vụ oanh kích này, Hoa Kỳ đã triệt hạ toàn bộ dàn chỉ huy các lực lượng thân Iran ở Iraq: Soleimani là tư lệnh lực lượng tinh nhuệ Al-Qods thuộc Vệ binh Cách mạng Iran, chuyên trách các vấn đề Iraq, còn al-Mouhandis là lãnh đạo lực lượng dân quân Hash al-Chabi thân Iran.
Trong một thời gian dài không có phản ứng gì với việc người dân Iraq nổi dậy chống chính quyền Baghdad, Hoa Kỳ nay đã can thiệp trở lại vào Iraq bằng quân sự, nhắm vào tướng Soleimani, người đang dàn xếp việc thành lập một chính phủ mới ở Baghdad theo hướng bảo vệ các lợi ích của Iran.
Một dấu hiệu cho thấy sự tê liệt của một quốc gia vốn vẫn cố giữ thế cân bằng giữa hai đồng minh lớn là Hoa Kỳ và Iran, nhà nước Iraq vẫn chưa có phản ứng chính thức gì về vụ sát hại tướng Soleimani. Quốc Hội Iraq sẽ họp lại ngày mai để xác định lập trường sau sự kiện này.
Nhưng thủ tướng từ nhiệm của Iraq Adel Abdel Mahdi ngay từ hôm nay đã dự báo là cái chết của tướng Soleimani sẽ « gây ra một cuộc chiến tàn khốc tại Iraq ». Chính quyền Donald Trump coi như đồng ý với dự báo này, bởi vì họ vừa kêu gọi các công dân Mỹ phải rời khỏi Iraq « ngay lập tức ». Còn đối với Ngoại trưởng Iran, Mohammed Javad Zarif, vụ sát hại tướng Soleimani là một « bước leo thang cực kỳ nguy hiểm ». Nhưng như vậy thì Iran sẽ đáp trả Hoa Kỳ như thế nào và khi nào ?
Theo các chuyên gia được hãng tin AFP trích dẫn, rất khó dự đoán được phản ứng của Teheran trước cái chết của một trong những nhân vật được người dân Iran mến mộ nhất, bởi vì sự kiện này chưa có tiền lệ. Nhưng một điều chắc chắn, theo nhà nghiên cứu Ramzy Mardini, Viện Mỹ vì Hòa bình (United States Institute of Peace), kể từ nay hai nước Hoa Kỳ và Iran sẽ đối đầu trực diện với nhau. Teheran nay không còn có thể sử dụng tay chân của họ ở Iraq để đe dọa và tấn công vào các lợi ích của Mỹ mà không bị Washington trả đũa quân sự như trong một cuộc chiến quy ước.
Từ nhiều năm qua, Baghdad vẫn cảnh báo hai đồng minh Mỹ Iran là không nên dùng lãnh thổ của họ như là chiến trường để thanh toán lẫn nhau, nhất là trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trong hồ sơ hạt nhân Iran. Theo giải thích của chuyên gia về Iraq Fanar Haddad, nếu Iran có trả đũa thì sẽ không phải là bằng các vụ bắn rocket vào sứ quán Mỹ, mà sẽ dưới dạng một cuộc xung đột lớn giữa hai nước ở Iraq.
Năm 2003, Hoa Kỳ đã lật đổ Saddam Hussein để lập ra một chế độ mới, nhưng chế độ này nay đang dần dần bị Iran kiểm soát. Vẫn theo chuyên gia Haddad, chính quyền Washington dường như đang cố gắng kéo chính trường Iraq ngả theo Mỹ trở lại. Nhưng nếu họ thất bại, Iraq sẽ rơi vào vòng xoáy của đấu đá nội bộ và Iran lại càng có cơ hội để gia tăng kiểm soát chế độ Baghdad.
Trước mắt, theo dự báo của nhà nghiên cứu Ranj Alaaldin, Viện Brookings tại Doha, sau cái chết của hai nhân vật có thế lực nhất ở Iran, rất có thể sẽ có thanh trừng nội bộ trong chính quyền Iraq, vì Iran rất muốn biết « làm thế nào mà Mỹ biết được tướng Soleimani đến Baghdad ? Ai là kẻ chỉ điểm ? »
Tóm lại, chưa biết là tình hình sẽ diễn tiến ra sao, sau vụ hạ sát tướng Soleimani, nhưng rõ ràng là không thể loại trừ nguy cơ một cuộc chiến tranh vùng Vịnh mới, mà Iraq sẽ là chiến trường chính.