Hôm nay lão vui. Mân mê mãi trong tay tấm thiệp mời đi dự hội Tết trường trung học Bông Mai, mồ hôi tay đã làm cho một góc giấy mềm đi, mà ngó tới ngó lui cái đồng hồ trên tường dường như chỉ có một cây kim làm việc, hai cây kia cứ nằm ì ra đó, thật dễ ghét.
“Trung học Bông Mai”, cái tên nghe quen lắm, gợi ra nhiều điều có khi mơ hồ, có khi gần gũi. Hình như cỡ đâu 50 năm trước, không nhớ là lão đã dạy, hay đã học ở đó. Cái trường trung học bé tí ở tỉnh, mỗi “đệ” chỉ có hai lớp.
Hiệu trưởng là ông thầy Nam kỳ, giáo sư dạy Toán, da ngâm ngâm đen nên đám học trò gọi ổng là “ông táo.” “Bữa nay ông táo bịnh, tụi mình được hai giờ, kéo ra đình chơi nhen bây?” Hay “Chào cờ sáng nay có ông táo nhen bây. Đừng có láo nháo ổng leo xuống quất cho mấy roi, quê lắm à!”
Giám học là một ông thầy Bắc kỳ 54, tên là Anh Hùng, người thanh mảnh đẹp trai, trắng trẻo nhưng lùn, tánh tình hắc búa nên học trò gọi là A Lùn. “A Lùn” phát âm nhanh nghe từa tựa như “Anh Hùng”.
Ông giáo dạy Pháp văn cao ráo, thanh lịch, tánh tình xởi lởi dễ chịu, học trò đứa nào cũng thương nên gọi ổng là “Nehru”, theo tên ông thủ tướng đầu tiên của Ấn Độ. Ông giáo có cái mũi to ngoại khổ, lúc nào cũng đỏ. Ổng dạy tiếng Pháp nên học trò dịch “mũi đỏ” thành “nez rouge”, nhưng gọi vậy nghe lộ liễu quá, lũ trẻ bèn thương mến gọi thầy là Nehru, nghe cho nó …sang.
*
Lão thương cái trường đó. Đó là trường công lập, học sinh hỗn hợp nam nữ ngồi chung lớp, nam đông hơn nữ. Cái tỉnh đó lại nằm xa biển nên ít người đi thoát vào thời cả nước vượt biên, vượt biển. Qua tới bên Mỹ này lão tìm hỏi mãi mới ra được vài ba học sinh cùng trường nhưng khác lớp, khác niên học. Tuần trước đột nhiên không biết có ai đó gửi cho lão tấm thiệp mời đi dự hội tết cựu học sinh Bông Mai, hỏi sao lão không mừng vui, háo hức!
Lão lôi trong tủ quần áo ra, chọn một bộ vừa vặn, đệp đẽ nhất, đem đi giặt ủi tử tế. Lại chọn một đôi giày đẹp, đánh xi sơ qua cho dễ coi. Từ ngày vợ chết, rồi về hưu, lão ít khi đi ra ngoài, hoặc nếu có đi đâu thì ăn mặc xập xệ, miễn sao lành lặn và sạch sẽ là được, không cần trau chuốt. Nhưng hôm nay khác. Bạn cũ trường xưa, bê bối quá sợ mắc công người ta thương xót hay chê cười, “tưởng mầy qua Mỹ học được củ gì”. Lão chịu khó lên cây lên cối một chút, lại còn soạn sẵn tờ giấy 50 đô mới tinh để trả tiền vào cửa bao gồm tiền ăn tối.
Đúng một tiếng đồng hồ trước giờ khai mạc, lão lò dò ra xe. Chỉ cần đi 30 phút là tới nơi, tính ra sớm nửa tiếng, và tính theo giờ cao su Việt Nam, ít ra sớm gần hai tiếng. Lão biết đồng hương của lão, mời “7 giờ” có nghĩa là … 8 giờ rưỡi hay hơn. Nếu là đám cưới, mời “7 giờ” thì sau 9 giờ mới bắt đầu. Đi đám cưới thì phải ăn trước ít nhất nửa bụng ở nhà, tới nơi mới đủ sức kiên nhẫn ngồi đồng chờ đợi.
Bảy giờ 35 phút tới nơi, chưa có ai, không thấy cả tấm bảng hay biểu ngữ chào mừng. Lão đi rảo một vòng chung quanh khu phố cho thoải mái. Hai mươi phút sau trở lại hội trường, may quá, đã có người.
Lão đóng tiền vào cửa, được gắn cho cái bảng tên có chỗ chấm chấm để ghi thêm năm học. Tên “Vũ” thì nói cho người ta viết vào, còn niên khóa nào, đầu óc lão lơ mơ quá, cười cười trả lời “hổng nhớ” khiến người làm bảng suýt nữa đã ghi vào là “không biết” thay vì để trống.
Bước vào trong, lão thấy có tất cả tám bàn tròn, mỗi bàn mười ghế. Vậy là người ta dự trù đông nhất là 80 người, kể cả ban tổ chức. Tính ra, có thể có khoảng phân nửa hay gần phân nửa là cựu học sinh hay cựu giáo sư của trường, còn lại là thân nhân. Đông đó chớ, đối với một trường nhỏ ở miền Đông Nam phần. Lúc chưa đi, lão nghĩ, chắc gặp giỏi lắm là mười hay mười lăm người là cùng. A! Đông hơn thì vui hơn. Ở xã hội nào cũng vậy, ai cũng nói “đông vui”, chẳng ai nói “vắng vui”, dù là tiếng của bất cứ nước nào!
Lão được xếp ngồi vào bàn đầu tiên trong cùng, lúc đó chưa ai ngồi. Nửa phút sau, ban tổ chức đưa tới người khách thứ hai, sau lão. Người đó mặc áo dài màu lụa trắng, tóc cắt ngắn vừa phải, dáng điệu thanh mảnh. Lão lịch lãm đứng dậy, kéo ghế cho phái nữ, đợi người ta yên vị xong mới ngồi xuống. Y như tây! Lão nghĩ thầm và mỉm cười.
Thật là khó đoán tuổi phụ nữ Việt Nam ở xứ này, phần lớn ai cũng sửa, cũng cắt, cũng bơm và cũng vừa trét vừa sơn đủ các loại mỹ phẩm, đủ thứ màu mè. Nhưng, may quá, cụ bà này có vẻ như chưa kịp tân trang gì nhiều, ngoài một tí son phấn để đỡ nhợt nhạt dưới ánh đèn đêm.
Bà cụ vừa ngẩng trông lên, liếc vội vào bảng tên lão đeo trước ngực rồi kêu lên:
– Anh Vũ! Em là Nga nè!
À! Tiện quá, khỏi phải tự giới thiệu, nhưng không tiện nhìn vào ngực phụ nữ dù chỉ để đọc kỹ cái bảng tên xem học năm nào. Lão thò tay ra định nâng bàn tay cụ bà lên hôn vào mu bàn tay, nói “enchanté” cho phải phép, nhưng sực nhớ đây là chỗ Việt Nam, không phải tây u gì, làm vậy không hợp cảnh, nên kịp né tay qua, cầm một cái ly lật ngửa lên, hỏi:
– Bà dùng chi?
Cụ bà nhắc lại:
– Em là Nga, Hồng Nga, em của anh Thành, Nguyễn Văn Thành, em học dưới anh một lớp.
Thì ra vậy. Bạch Nga, Hoàng Nga, Hồng Nga, Thiên Nga,.. nhiều ngỗng quá, em nào cũng là ngỗng mà sao lão chẳng nhớ ngỗng nào với ngỗng nào!
Hồng Nga tiếp:
– Hồi đó anh hay tới nhà em để học luyện thi với anh Thành. Có lần.. có lần… anh nắm tay em… Anh quên em rồi sao?
Chết mụ nội chưa! Ngoài chuyện cầm tay em, không biết lão có cầm… chỗ nào khác không nhưng cũng không tiện hỏi lại, bèn giả lả bằng một lời ca của ông nhạc sĩ nào đó, trong hoàn cảnh này thì nghe rất chi là cải lương nhưng hạp cảnh:
– “Làm sao mà quên được! Ánh mắt với nụ cười!..”
Cụ bà có vẻ hơi hơi cảm động. Bèn hỏi tiếp:
– Anh… Thành giờ ra sao, thưa… em?
Chả nhớ là “anh Thành” nào, nhưng hỏi thì cứ hỏi.
Hồng Nga hơi cúi đầu, chớp mắt, giọng tự nhiên nhỏ xuống:
– Ảnh chết trong trại tù cải tạo ở ngoài Bắc. Ảnh và ông nhà em đi tù chung trại. Nhà em ra tù về nhà, bốn ngày sau mới chết.
Lão mím môi. Thảm cảnh xã hội. Nhà nào cũng có người đi tù, người chết, chết trong tù hay chết trên đường vượt biên. Tự nhiên lão đặt tay lên bàn tay cụ bà, vỗ vỗ rồi siết nhè nhẹ.
Cụ bà không rụt tay lại, mà chồng thêm bàn tay kia lên tay lão:
– Em không ngờ gặp lại anh ở đây. Em mừng quá. Còn chị đâu rồi anh, sao anh đi một mình?
Lão đáp nhẹ như tiếng thở:
– Bả bỏ tôi đi đã bốn năm rồi, ung thư gan.
Cụ bà đột nhiên rụt cả hai tay lại, hơi lúng túng:
– Tội nghiệp anh quá! Rồi anh sống làm sao? Có ở chung với con cháu không?..
Câu chuyện cứ thế mà nổ râm rang nho nhỏ giữa hai người bạn đồng hương đồng khói.
Có sao nói vậy người ơi. Lão sống một mình trong căn phố thuê trong một cao ốc. Lão không nói rõ là lão thích cái chỗ ở tươm tất ba phòng ngủ trong cái buyn-đinh nằm cạnh sân cù và mặt trước nhìn ra biển. Lão sống bằng lương hưu, con cháu có đời sống riêng, thỉnh thoảng có dịp thì gặp nhau.
Hồng Nga có vẻ bằng lòng với hiện tại hơn. Chồng sau của bà là một bác sĩ chuyên khoa người Mỹ, đã qua đời vì tuổi tác, để lại khá nhiều nhà. Bà chia cho các con mỗi đứa một căn, còn lại giao cho một công ty địa ốc cho thuê, kiếm thêm lợi tức để chi tiêu, không phải nhờ con cháu.
Câu chuyện tiếp tục rù rì rủ rỉ ấm áp. Hồng Nga mời lão lên sân khấu hát chung bài “Học sinh hành khúc” cùng với nhóm của bà. Lão mỉm cười lắc đầu. Hồng Nga thắc mắc: “Hồi đó anh đàn hát trong ban văn nghệ nhà trường mà?” Lão lại cười: “Ờ… Hồi đó…” Lão kịp nuốt ực nửa câu sau: “bây giờ khác, già rồi, ai lại leo lên đó làm trò!”
Hồng Nga lên hát. Lão đứng lên tiễn bà rời bàn. Bà hát giọng chánh, khá hay. Lão đứng lên vỗ tay rất lâu. Hồng Nga nhìn xuống, giơ tay hôn gió. Khi bà về lại bàn, lão kéo ghế cho bà, thầm thì bên tai bà: “Em hát hay lắm!” Hồng Nga cố tình hất má cho chạm vào môi ông, cười hích hích, bảo: “Anh nịnh đầm nha!”
Rồi họ lại chụm đầu rù rì rủ rỉ. Hơi thở của bà thơm, phần lão thì không hút thuốc lại vừa nhai kẹo cao su xong nên chắc không tệ. Họ nói chuyện gia đình, con cháu, xã hội bên này, bên kia.
Khi câu chuyện từ từ tới lúc chín muồi, tình trong như đã mặt ngoài… hết e, lão cầm tay bà ân cần hỏi:
– Em sống một mình có trống trải quá không? Có bao giờ em nghĩ rằng em cần một… ai đó sống bên cạnh em?
Hồng Nga nhìn lão, ánh mắt hơi khác lạ:
– Có phải anh muốn hỏi, em có định tái giá lần nữa hay không chớ gì?
Lão gật đầu. Hồng Nga đáp:
– Em không có ý định đó, nhưng nếu trời cao đặt để, gặp người em yêu thì em sẽ… không chạy trốn. Còn anh thì sao?
Lão kéo vai Hồng Nga lại gần, hỏi rất nhỏ:
– Nếu người đó là anh, em bằng lòng làm vợ anh không?
Hồng Nga ửng hồng hai má, khẽ gật đầu:
– Em…
Lão kéo vai cụ bà lại gần hơn nữa. Rồi họ hôn nhau, ban đầu chỉ hơi chạm môi, rồi hôn nồng nàn, vừa đúng lúc tiệc tàn. Rồi họ trao đổi số điện thoại, địa chỉ vi thư và tạm chia tay. Ai cũng lái xe nên chẳng ai được đưa ai.
Trên đường về nhà hôm đó, lòng lão lâng lâng, đi xượt qua chỗ rẽ trên xa-lộ hàng chục dặm mới nhận ra, quay trở lại, lại lố exit một lần nữa. Về tới buyn-đinh, lão luống cuống tra chìa khóa vào cửa phòng người khác…
Đêm đó lão không ngủ được. Hình ảnh cụ bà nhí nhảnh cứ nhảy múa lung tung trước mắt ông kèm theo giọng hát dịu mềm “Học sinh là người tổ quốc mong cho mai sau, Học sinh là người”… gì gì đó. Nhạc xập xình. Tiếng hát ỏn ẻn vọng lên trong đêm.
Nằm lơ mơ dỗ giấc, lão hoang mang không nhớ chắc, cứ thắc mắc khi lão ngỏ lời cầu hôn, bà cụ đã trả lời sao, chịu hay không chịu? Đầu óc lão rối bung lên, lẫn lộn, không nhớ. Lão chỉ nhớ môi bà ngọt mềm và tình tứ quấn quít môi lão. Lão hơi giận mình, sao lúc đó không lôi cái cell phone ra ghi “note” như lão thường làm hàng ngày mỗi ghi cần ghi nhớ một điều gì.
Lão muốn gọi điện thoại hỏi lại cụ bà cho chắc, nhưng cũng không nhớ số điện thoại lúc đó ghi trên cái giấy khăn ăn rồi để đâu. Muốn liên lạc ban tổ chức thì không biết cả tên người gửi thiệp mời mình là ai, làm sao mà hỏi.
Cứ thế mà lão lay hoay trăn trở cho tới sáng banh mắt mới ngủ được một chút.
Suốt cả tuần lễ sau đó lão cứ bần thần ngồi đứng không yên, đêm biếng ăn ngày mất ngủ, người cứ gầy rạc cả ra, ngơ ngơ ngẩn ngẩn như vừa dò số thấy trúng độc đắc nhưng khi mang vé đi lãnh tiền, hãng xổ số xem lại bảo hàng số thì đúng nhưng ngày xổ thì sai, nên đi không rồi lại về không.
Qua tới ngày thứ mười hai, đột nhiên lão nhận được email của cụ bà. Hồng Nga không viết lời nào âu yếm hay nhắc lại chuyện lão cầu hôn, chỉ rủ Tết năm sau về nước dự họp mặt học sinh lớp 12 niên khóa năm con Vịt, hiện bạn bè còn sống gần phân nửa.
Lão đọc đi đọc lại email, muốn viết hỏi “cái hồi anh cầu hôn, em trả lời sao?” mà ngần ngại không dám hỏi, sợ thất thố làm buồn lòng người yêu. Cuối cùng lão chỉ viết rất gọn, hứa sẽ thu xếp để về nước trong cùng một khoảng thời gian đó để họp mặt bạn bè. Hẹn thì có hẹn đó, mà như trớt hơ!
Cụ bà nhận được email, cũng không thấy nhắc gì tới chuyện cưới xin nên chắc là hẫng, cảm thấy như nị hụt đõi. Hai bên tiếp tục “lạc” nhau thêm một tháng nữa. Cụ bà cảm thấy như bị đùa giỡn, hay nặng hơn nữa, bị phản bội, nên viết:
“Nga cũng vui khi gặp lại người anh trường cũ, nhưng hai đứa mình làm bạn thôi nha. Nga vẽ một đường làm ranh giới, ai bước qua sẽ bị chặt cụt chân.”
Không còn xưng “em”, và cụ bà trồi lên vị thế ngang hàng, “hai đứa mình” và vẽ ranh giới xác định mối giao thiệp bạn bè, kèm theo hình phạt cho bất cứ trong hai người vi phạm!
Lão đọc xong xây xẩm mặt mày. Lão nhớ lại rồi. Khi lão ngỏ lời cầu hôn, cụ bà vừa trả lời “Em…” thì bị môi lão vít chặt với nụ hôn, không nói tiếp được nữa. “Em… đồng ý” hay “Em không”? Thiệt tình! Nhưng rõ ràng sau khi lão cầu hôn, họ đã hôn nhau, hay ít nhất, lão hôn trước và cụ bà hưởng ứng, không đẩy ra. Không ưng thì đẩy ra chứ sao lại nhận nụ hôn như trao nhau một lời hứa hẹn nồng nàn? Tại sao? Đàn bà thật khó hiểu hay đàn ông thật ngây ngô? Một nhà văn đẫ viết trên sách: trên đời này không có đàn ông mà chỉ có …đần ông. Chữ “đần” có dấu mũ hẳn hòi.
Lão cũng biết, phụ nữ Việt ở bên này có thói quen tính toán thiệt hơn, nhất là khi bên nhà gái giàu có hơn, không muốn bị đào mỏ. Hay là cụ bà có đồng ý nhưng khi về nghĩ lại, hoặc kể chuyện cho con cháu nghe, không ai thấy thoải mái khi cụ bỏ con bỏ cháu để xuống thuyền đi tái giá với một ông cụ hiện không làm chủ nổi một căn nhà, phải đi ở thuê.
Cụ bà có thể không nghĩ xa xôi chớ con cháu cụ chắc lo nơm nớp, sau khi hôn thú ký xong, gia tài hai bên cộng lại chia đôi khi ly dị, thì chúng nó mỗi đứa sẽ mất vài cái nhà, chỉ còn sở hữu được mỗi một căn nhà mà chúng đang ở, đã sang tên xong xuôi đâu đó.
Lão càng nghĩ càng nóng mặt và tự trách tại sau trước đó, khi Hồng Nga kể chuyện có năm bảy cái nhà cho thuê, lão lại không nói là mặc dù lão đi ở thuê, nhưng nếu muốn mua, lão có thể mua một cái nhà trị giá bằng tất cả những căn nhà mà cụ bà có, cộng lại!
Lão không nói ra, vì lão vốn coi rất nhẹ chuyện tiền bạc và rất ghét mang tiếng khoe khoang. Hiện tại, khoảng lương hưu cộng với tiền lời nhà băng trong một tháng của lão đã đủ để lão tiêu pha thoải mái cả năm. Lão không hề nghèo. Tại sao lại không nói rõ để con cháu của người yêu phải lo lắng và gàn quải chuyện hôn nhân của hai cụ? Lão giận mình tê tái.
Một tháng trôi qua sau khi suy nghĩ đâu đó cẩn thận, lão mới thong thả trả lời Hồng Nga về lằn ranh biên giới “bước qua thì bị chặt chân”. Cụ viết ngắn gọn:
“Xin Hồng Nga yên tâm, tôi không có ý định rước một cụ bà cùng trường về bầu bạn.”
Thư đi nhưng không có tin lại. Thời gian lặng lẽ trôi. Hồng Nga như cánh ngỗng đã thiên di về trời. Mỗi lần chạnh nhớ, lão cũng bâng khuâng thơ thẩn, ôn lại lời mời về nước họp mặt bạn cũ trường xưa.
Lão chưa một lần trở lại quê hương. Bạn bè còn kẹt lại đông, thân nhân cũng không ít, nhưng lão “giang hồ quen thói vẫy vùng”, đang sống ung dung tự tại, không muốn cúi đầu khép nép chui qua khung cửa hẹp để cho một thằng nhóc hỉ mũi chưa sạch làm việc ngoài sân bay cũng có thể ăn hiếp được mình.
“Anh sẽ về”, về chứ, nhưng vốn quen đứng thẳng, lão không thể về trong cung cách “Bó thân về với triều đình, Hàng thần lơ láo phận mình ra đâu”, lúc nào cũng phải giữ gìn lời ăn tiếng nói, muốn cất tiếng gọi một tô phở cũng phải đánh lưỡi cho đủ bảy lần…
*
Lật bật rồi lại cuối năm. Lại nhận được thiệp mời họp mặt cựu học sinh trường cũ. Cầm tấm thiệp trong tay, lòng lão lại rộn ràng như năm ngoái. Lão lại lễ bộ quần áo giày giép chuẩn bị xôn xao, và lần nầy đến sớm hẳn tới một tiếng.
Ngồi yên vị khá lâu, cũng cái bàn trong trong cùng, đúng 7 giờ rưỡi tối, Hồng Nga tới, lần nầy đi với một bà sồn sồn cỡ dưới năm mươi, chắc là con gái.
Hồng Nga nhận ra lão từ xa, mừng rỡ bước nhanh tới:
– A! Anh Vũ, em là Nga em anh Thành nè. Anh còn nhớ em hông? Em học dưới anh một lớp…
A! Hay thật! Cũng cùng một câu tự giới thiệu mà cụ bà nói hồi năm ngoái, lần đâu gặp lại ông. Cụ bà sợ lão mang bệnh mất trí nhớ chăng?
Lão đứng dậy kéo ghế cho hai mẹ con. Hồng Nga giới thiệu:
– Hồng Loan, con gái em.
Hồng Loan chào bác, lão chào cháu, rồi buột miệng hỏi:
– Hồng Loan đây rồi, còn Đào Hoa đâu?
Hồng Nga hơi giật mình:
– Anh cũng biết Đào Hoa hả. Cái thằng đó chẳng bao giờ chịu đi với mẹ.
Lão mỉm cười. Lão thấy con gái mà bị đặt cho cái tên cấm kỵ là Hồng Loan nên hỏi chơi cho đủ cặp, đâu biết người ta đã có đủ. Lão hơi ngần ngừ một chút rồi nhìn sâu vào mắt Hồng Nga, hỏi thẳng một câu trong lòng muốn hỏi:
– Năm ngoái, cũng trong không khí này, anh hỏi cưới em, em còn nhớ em trả lời anh như thế nào không?
Hồng Nga ngạc nhiên:
– Ủa, thì ra là anh đó hả? Em nhớ mang máng có ai đó tỏ tình, xin cưới mà không nhớ là ai, hóa ra là anh sao? Thiệt sao? Mà anh hỏi vậy thì em trả lời sao?
Cô con gái nhìn lão, muốn phân bua gì đó, nhưng thôi. Lão nói tiếp:
– Thì là anh chớ ai vô đây. Em thiệt vô tình. Sau đó em còn gởi email cho anh, dặn giữ tình bạn, ai tiến tới sẽ bị chặt chưn…
Hồng Nga chưng hửng:
– Em tuy có email nhưng có bao giờ xài đâu! Với lại, em có lòng thương mến anh, em có bao giờ viết bậy bạ vậy đâu? Anh buồn em lắm hả? Rồi anh có trả lời gì cho em hông?
Cô con gái lại định nói gì, nhưng một lần nữa, lại thôi. Lão ngập ngừng:
– Em nhứt định không viết, không đọc email thiệt hả?
– Hông có, thưa anh.
– Vậy bây giờ anh hỏi lại câu hỏi năm ngoái: “Em có bằng lòng làm vợ anh hông?
Hồng Nga thò tay qua nắm tay ông, giục giặc:
– Em thương anh nhiều, em muốn làm vợ anh lắm, nhưng em đang có chồng mà, làm vậy sao được?
Tới phiên lão sững sờ:
– Em mới tái giá hả?
Hồng Nga cười ra tiếng:
– Không anh. Lâu rồi. Mấy chục năm rồi.
– Vậy thì anh ấy đâu mà em đi với con gái?
Hồng Nga lắc đâu:
– Hôm nay ảnh trực bệnh viện, em nhờ con Loan đưa đi.
Hồng Loan chợt đứng dậy, chồm qua lão, nói nhỏ:
– Cháu xin phép thưa riêng với bác một chuyện…
Lão gật đầu bước ra gần bàn tiếp tân, Hồng Loan lửng thửng theo sau:
– Thưa bác, thực tình thì bố dượng cháu qua đời lâu rồi. Cháu không dám giấu bác, mẹ cháu trở bệnh Alzheimer gần đây, khi nhớ khi quên, càng lúc càng tệ hơn, cháu đã thu xếp cho mẹ vào viện dưỡng lão, có y tá và bác sĩ trực chăm lo chu đáo hơn ở nhà. Khổ lắm bác ơi. Hôm nọ cháu đi vắng có chút xíu, mẹ ở nhà tự ý nấu nướng cái gì đó, suýt làm cháy nhà, may mà cháu về kịp.
Lão ngạc nhiên nhìn người đàn bà đang đứng trước mặt, thắc mắc:
– Xin lỗi, xin bà tha lỗi, bà là ai và mẹ bà là ai? Tôi thấy quen quen mà tự nhiên bây giờ nhớ không ra?
Hồng Loan gần như chết điếng tại chỗ, chưa biết phản ứng làm sao, chợt nghe tiếng một người đàn ông trẻ thoảng bên tai, nhẹ như hơi gió:
– Ô! Xin lỗi chị. Ba tôi dạo này bắt đầu quên trước quên sau…
Không đợi cậu kia nói thêm, lão vui vẻ giới thiệu liền, tỉnh queo như chưa hề hỏi câu “mẹ bà là ai”:
– Đây là thằng Nam, con trai lớn của bác đó cháu, còn đây là… là…
– Dạ là Hồng Loan…
– Đúng rồi. Hồng Loan con riêng của… người ba yêu và xin cưới… Đầy đủ hết rồi nhe, “con em, con anh” đã đủ mặt, chỉ chờ “con chúng ta” ra đời…
Nói xong lão cười ha hả, thong thả trở lại bàn.
Hồng Loan và Nam bắt tay nhau, kéo ra một góc tỉ tê trò chuyện. Lão ngồi thầm thì tình tự với Hồng Nga, mặc ai ca hát, diễn trò, xổ số hay nhảy nhót quanh họ…
Nam cho Hồng Loan biết, lão đã vào viện dưỡng lão mấy năm nay. Phòng lão rộng và đẹp lắm, có bao lơn nhìn ra biển Thái Bình. Tiền tháng rất cao, nhưng Viện có hoa viên và sân cù chung quanh. Các cụ đi bộ cả 45 phút mới giáp một vòng. Lại còn hồ bơi, phòng thể dục, phòng xem phim, phòng chơi game, hòa nhạc, thư viện,.. thôi thì đủ cả. Cơm nước thì ngày ba buổi tươm tất, đổi món luôn luôn. Nếu các cụ không xuống được phòng ăn, sẽ có người mang lên tận phòng, có khi tận giường. Việc lau chùi, quét dọn hay ngay cả tắm rửa, thay quần áo cho các cụ hàng ngày, có y công lo, nếu các cụ không tự làm được. Về y tế, có đủ y tá trực 24/24, 7 ngày trong tuần. Bác sĩ tới mỗi sáng một lần. Xe cứu thương thì cách đó 3 phút, bệnh viện lớn cách đó 10 phút. Mỗi tuần một lần, thân nhân tới đón các cụ ra ngoài du ngoạn, ăn nhà hàng hay về nhà thăm con cháu. Nếu thân nhân không đến được, có nhân viên trực lái xe đưa các cụ đi riêng, hoặc xe bus nhỏ chở một lúc bảy cụ đi ngoạn cảnh, ăn ngoài, mọi chi phí do Viện trả.
Trường hợp của lão năm ngoái, chưa bị nặng nên còn được phép lái xe. Sau lần lão quên mất đường về phải gọi cell phone cho viện dưỡng lão cho người tới dẫn về thì không được lái xe nữa. Đó là lý do tại sao hôm nay Nam có mặt đưa lão đến đây.
Hồng Loan ngập ngừng hỏi:
– Tiền trả hàng tháng có cao lắm không anh Nam?
Nam gật đầu:
– Cao hơn lương tháng của tôi, nhưng ba trả trước tất cả vào “trust fund” rồi, cho tới năm 100 tuổi, nếu thọ hơn, Viện sẽ tự trang trải. Tiền lời quỹ tín dụng đủ để trả bù vào tiền Viện gia tăng hàng năm, con cháu không phải lo. Nếu như ba có vợ hay bạn già tới ở chung, ba chỉ phải trả thêm năm mươi phần trăm. Ba lo được vì ba có tiền lời quỹ tiết kiệm ký thác ở ngân hàng. Ông già có tiêu gì đâu! Thế còn bác gái, mẹ của chị thì sao?
Hồng Loan cười buồn:
– Tháng sau tụi em cũng đưa mẹ vào viện dưỡng lão cho an toàn. Viện nầy nhỏ thôi, nhưng cũng đắt lắm so với lợi tức của tụi em. Chắc phải bán cái nhà của mẹ đang ở để lấy tiền chung vào. Mẹ buồn lắm anh. Mẹ chỉ muốn ở nhà. Mẹ khóc…
Nam và Hồng Loan trở lại bàn. Họ trố mắt ngạc nhiên khi thấy hai cụ đang hôn nhau đắm đuối như một cặp thiếu niên, bất chấp thiên hạ chung quanh thầm thì soi mói.
Thoáng thấy hai trẻ, lão ngẩng lên phân bua, môi còn dính son toè loe:
– Hồng Nga đồng ý lấy ba và dọn vào Viện sống chung với ba. Ba sẽ nhờ Viện tổ chức lễ cưới tại phòng tiếp tân, các con đưa hết con cháu, bạn bè tới dự nha! Hôm đó ba với Hồng Nga sẽ lên sân khấu song ca bài “Học sinh hành khúc” theo lời yêu cầu của cô dâu.