TIỂU ĐOÀN 7 NHẢY DÙ TÁI CHIẾM CĂN CỨ ANNE (Địa danh ĐỘNG ÔNG ĐÔ)(Mũ Đỏ Song Ngư)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Lời Tác giả: Bài viết này, người viết ghi nhớ lại những gì đã qua cách đây hơn 40 năm, vì thế ngày tháng, đơn vị bạn có thể không chính xác, mong quí niên trưởng và các Mũ đỏ tha thứ. Xin cho tôi được thắp một nén hương lòng để tưởng nhớ các đồng đội, thuộc cấp của Đại đội 74 đã vĩnh viễn ra đi trong những trận đánh đầy cam go gian khổ này. –Song Ngư.

Sau sự việc Không Quân Mỹ thả bom lầm (có nhiều điều nghi vấn) vào hai đại đội làm nỗ lực chính của Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù đang dàn quân chuẩn bị tấn công vào Cổ Thành Quảng Trị. Quả bom “Định mệnh” này đã gây thiệt hại quá nặng nề cho hai Đại đội 51 do Đại úy Trương đăng Sỹ chỉ huy và Đại đội 52 do Trung úy Hồ Tường chỉ huy. Tiểu đoàn 5 Nhảy Dù gần như tan nát (Điều này đã gây nhiều tranh cãi cho đến bây gìờ, người viết ghi lại việc này là do “lầm lẫn hay cố ý” và cũng từ lý do này mà Sư Đoàn Nhảy Dù thay đổi vùng họat động chăng? Hay còn lý do nào khác nữa?!

Đầu tháng 8 năm 1972. Theo tình hình, Địch đã tăng cường hai Sư đoàn chính quy vào vùng Trường Sơn, vùng cận Tây của Tỉnh Quảng Trị. Mục đích gây áp lực dọc theo Quốc Lộ 1 và đồng thời tăng cường cho mặt trận Cổ Thành mà chúng đang cố thủ. Vì thế Trung tướng Tư Lệnh Quân đoàn I đã quyết định thay đổi lực lượng tấn công vào mục tiêu “Cổ thành”. Theo đó Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến chịu trách nhiệm mặt Đông (Khu vực duyên hải) và Cổ Thành Quảng Trị. Sư Đoàn Nhảy Dù chịu trách nhiệm mặt Tây (khu vực Trường Sơn) lấy Thiết lộ (đường rầy xe lửa) làm ranh giới.

Tiểu Đoàn 7 Nhảy Dù – Cổ Thành Quảng Trị

Sau khi bàn giao khu vực trách nhiệm Cổ Thành và thị xã Quảng Trị cho Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến. Sư Đoàn Nhảy Dù liền mở mặt trận tấn công quân CSBV vào vùng núi đồi hiểm trở cận dãy Trường Sơn nằm về hướng Tây của thị xã Quảng Trị và vùng phía Nam sông Thạch Hãn (vùng Động Ông Đô). Mục đích để khám phá và tiêu diệt những đơn vị pháo của địch, như các loại hỏa tiễn 107ly, 122ly, 130ly tầm xa mà địch đặt sâu trong dãy Trường Sơn, cùng với hai cứ điểm quan trọng bằng mọi giá Sư Đoàn Nhảy Dù phải lấy lại cho bằng được. Đó là Căn cứ Anne (Địa danh Động Ông Đô) và căn cứ Barbara.

Căn cứ Anne thật sự nằm về phía Nam sông Thạch Hãn cách Quốc Lộ 1 khoảng chừng 10 cây số đường chim bay. Căn cứ này nằm trên ngọn đồi trọc (cao độ 275) mang địa danh có vẻ huyền bí “Động Ông Đô”, nhưng thật ra đây chỉ là dãy đồi trọc, cao, ít cây cối, chạy theo hướng Nam–Bắc. Về hướng Tây nối tiếp với những dãy đồi cao trùng điệp tiếp giáp với rặng Trường Sơn. Về hướng Đông trải dài từ vùng đồi Trường Phước là những dãy đồi thấp, có nhiều cây cỏ tương đối rậm rạp và cao dần đến chân núi Động Ông Đô. Hướng Bắc là sông Thạch Hãn. Từ cao điểm này ta có thể kiểm soát toàn bộ vùng phía Tây thị xã Quảng Trị, dọc theo dòng sông Thạch Hãn và cả vùng phía Tây của thị trấn Ái Tử và chi khu Cam Lộ, Đông Hà.

Đứng về mặt Quân sự đây là căn cứ vô cùng quan trọng mà quân đội Mỹ đã thiết lập, được bàn giao lại cho Quân lực VNCH gồm có một Pháo đội 155ly để yểm trợ toàn vùng phía Tây của thị xã Quảng Trị. Khi thành phố Quảng Trị bỏ ngỏ, phòng tuyến cuối cùng được thiết lập về phía Nam sông Mỹ Chánh, hai Căn cứ Anne và Barbara cũng lọt vào tay quân cộng sản Bắc việt.

Đầu tháng 10/1972, Lữ Đoàn II Nhảy Dù bắt đầu điều động các đơn vị tái chiếm Căn cứ Anne (Động Ông Đô). Tiểu đoàn 7 Nhảy Dù được phân chia nhiệm vụ làm nỗ lực chính tấn chiếm lại căn cứ này. Sau khi rời thôn Như lệ. TĐ7ND rút về hoạt động vùng Tây Nam nhà thờ La vang và sau đó bung rộng về hướng Tây dãy đồi cao Trường Phước để bắt đầu cho cuộc hành quân tái chiếm lại Căn cứ Anne.

Mùa này, vào sâu vùng núi rừng trùng điệp cận dãy Trường Sơn, thời tiết khắc nghiệt với những cơn mưa dầm dai dẳng kéo dài thật là điều hết sức bất lợi cho các đơn vị tấn công. Bầu trời mây mù bao phủ suốt ngày làm cho việc tiếp tế, tản thương và yểm trợ Không Quân có rất nhiều hạn chế. Vì khu vực này là đầu nguồn cuả dòng sông nhưng mùa mưa khe suối sâu nên sự di chuyển rất ư là khó khăn, chậm chạp. Tôi nghĩ mục tiêu này có lẽ là mục tiêu có rất nhiều gay go thách thức đang chờ đón đơn vị chúng tôi. Hiện tại có 2 Trung đoàn địch đang phòng thủ sẽ đặt nhiều chốt để ngăn chận.

Diễn ảnh sẽ là những trân chiến ác liệt, một sự đối đầu, so tài giữa đoàn quân Mũ Đỏ với bộ đội chính quy Cộng sản Bắc việt. Điều thiệt hại không sao tránh được, nhưng điều này không làm chùng bước đối với những người lính Nhảy Dù. (Quân cộng sản gồm 2 Trung đoàn 66 và Trung đoàn 165 cuả Sư đoàn 324 CSBV).

Trong những ngày Tiểu đoàn 7 Nhảy Dù bám dần vào Mục tiêu (Động Ông Đô) theo như nhiệm vụ đã được giao phó. Theo lệnh Đích thân Khôi Nguyên, đại đội tôi (Đại đội 74) từ khu vực thôn Trường phước vào thay thế một đại đội của Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù nằm về hướng Đông Bắc của Động Ông Đô và từ đây làm bàn đạp để tiến chiếm mục tiêu.

Trên đường vào thay thế Đại đội 62 của Tiểu đoàn 6 Nhảy Dù, chúng tôi phải men theo những triền đồi sim, cây thấp và phải vượt qua một ngọn đồi cát trống trải được gọi là “Đồi tử thần” vì qua đây các đơn vị Nhảy dù thường bị địch bắn “sẻ” bằng loại súng phòng không 12.7ly, 37ly đặt từ những dãy đồi xa về hướng Tây. Điều này đã gây rất nhiều trở ngại và thiệt hại không ít cho các đơn vị. Vì thế chúng tôi phải di chuyển từng tổ rất là chậm chạp và tôi ra lệnh cho các trung đội không được dừng lại trên đỉnh đồi. Sau gần hai tiếng đồng hồ chúng tôi mới di chuyển toàn bộ đại đội qua được khu vực tử thần này.

Chiều ngày N đại đội tôi thay thế toàn bộ vị trí Đại đội 62 của TĐ6ND. Từ vị trí này đến mục tiêu (Căn cứ Anne) chúng tôi phải vượt qua nhiều dãy đồi hiểm trở. Những dãy đồi nằm về hướng Đông Bắc Động Ông Đô là một trong những dãy đồi nguy hiểm gây rất nhiều trở ngại cho ta, vì từ đây địch có thể theo dõi mọi hoạt động di chuyển của ta toàn vùng phía Nam sông Thạch Hãn kể cả thôn Như Lệ, thôn Tích Tường và cả phía Tây đồi Trường Phước. Điều vô cùng quan trọng: muốn tấn chiếm được Động Ông Đô bằng mọi giá chúng ta phải bứng được những chốt trên dãy đồi này.

Sáng sớm ngày hôm sau, tôi họp các Trung đội Trưởng nói rõ tình hình địch, nhiệm vụ của đại đội và những mục tiêu cần thiết phải tấn công, đồng thời ra lệnh chi tiết rõ ràng cho từng trung đội. Tôi sử dụng Trung đội 3 do Chuẩn úy Tần chỉ huy làm lực lượng chính để tấn công vào mục tiêu đầu tiên của dãy đồi này (xin nói rõ thêm, khi tôi về trình diện đại đội, Tần là hạ sĩ quan làm Thường vụ đại đội. Sau này được đơn vị cho Anh đi học khóa sĩ quan, Anh vừa mới tăng cường hành quân. Anh đứng tuổi, chững chạc, và có vẻ từng trải với nghề lính tác chiến).

Trung đội Chuẩn úy Tần vượt qua khoảng triền dốc, vừa bám vào đỉnh đồi tương đối cây cối rậm rạp thì chạm địch. Hỏa lực địch khá mạnh ngay đợt khai hỏa đầu tiên, đồng thời địch pháo kích dữ dội vào hướng di chuyển của đại đội tôi, may là không chính xác, tất cả đã rơi vào triền dốc bên trái, một vài quả rơi gần đại đội nhưng không gây thiệt hại. Tần báo cáo có một binh sĩ tử thương và một số bị thương. Tôi ra lệnh cho Tần cố bám vào vị trí đó và gọi Thiếu úy Giang Pháo Binh xin bắn phản pháo vào những điểm đã được tiên liệu. Tôi báo cáo toàn bộ tình hình địch lên tiểu đoàn. Đích thân Hồng Hà cho tôi biết sẽ có Fighter vào vùng yểm trợ khi đó Anh sẽ ngưng sử dụng Pháo Binh.

Tôi trả lời: Nhận rõ Đích thân.

Tôi gọi Chuẩn úy Tần trên đầu máy ra lệnh rõ ràng cho anh là sau khi phi tuần oanh kích xong, đẩy con cái chiếm ngọn đồi thấp trước mặt ngay. Vừa lúc đó, thật bất ngờ ngoài dự đoán cuả tôi, bất thình lình một phi cơ thả bom xuất hiện (không biết từ đâu bay đến). Từ trên cao lao xuống thật thấp theo trục Nam Bắc, quả bom được thả ngay vào trục tiến quân của đại đội tôi. Giờ đây trước mặt tôi là một cột khói đen ngòm, mịt mù bao phủ đầy bụi cát. Đội hình di chuyển của đại đội tán loạn. Trung đội 3 của Chuẩn úy Tần dạt về phía sau. Tôi vội vàng chụp ngay ống liên hợp gọi tiểu đoàn “check fire” (ngưng oanh kích) ngay nhiều lần, vì lúc đó tôi nghĩ rằng phi tuần này do tiểu đoàn điều động. Khôi Nguyên đang trên đầu máy. Tôi báo cáo rõ ràng sự việc bất ngờ vừa mới xảy ra. (Sự lầm lẫn này cho đến bây giờ người viết chưa tìm được câu trả lời. Có phải là sự “lầm lẫn” chăng? Tại sao Quan sát viên Phi cơ không liên lạc trực tiếp với tôi trước khi cho Fighter oanh kích…?). Quả bom này đã gây không ít thiệt hại cho đại đội tôi, Chuẩn úy Tần, Thiếu úy Đoái bị thương cùng với số lớn binh sĩ chết và bị thương, một mất tích (là một tân binh vừa mới bổ sung). Trung đội 3 gần như tan nát. Tôi cảm thấy quá ngỡ ngàng trước tình huống này. Thật là bom đạn không phân biệt bạn hay thù.

Tôi kiểm điểm toàn bộ đại đội, tản thương. Sau một ngày quá mệt nhọc, lòng đầy nặng trĩu lo âu. Quân số đại đội càng ngày càng ít đi, nhất là sĩ quan Trung đội trưởng. Tinh thần binh sĩ có vẻ dao động sau quả bom “lầm lẫn” này. Tôi biết rằng những mục tiêu mà đại đội tôi phải tấn công sẽ là những mục tiêu đầy “khó khăn” và phải trả giá bằng “xương máu”.

Qua một ngày dài lê thê, rã rời. Sáng sớm ngày hôm sau, đích thân Khôi Nguyên gọi tôi trên đầu máy. Tôi cũng trình bày những gì cần thiết cho đại đội, tình hình và địa thế trước mắt, Khôi Nguyên cũng nói rõ ý định là sẽ đổi hướng tấn công và đồng thời lệnh cho tôi biết, tôi sẽ di chuyển về hướng Nam, ở đây tôi sẽ bắt tay với một đại đội của Tiểu đoàn 2 Nhảy Dù sau đó sẽ có lệnh tiếp.

Tôi trả lời: Nhận rõ Đích thân.

Sau nửa ngày di chuyển, tôi cũng tìm được vị trí đóng quân của Đại đội 22/TĐ2ND. Trời ơi! Vị Đại đội trưởng này chính là Thái Doãn Anh, người bạn cùng khóa với tôi. Chúng tôi chia tay mỗi thằng về mỗi tiểu đoàn sau khi mãn khóa 142 Nhảy Dù. Mừng quá chúng tôi hỏi nhau đủ chuyện, nào là bạn cùng khóa ai còn ai mất, ai đã được thăng cấp rồi. Tôi hỏi anh tình hình hiện tại vùng này ra sao…? Trông anh không khác như ngày nào, với bộ râu quai nón đã bao nhiêu ngày không cạo. Tôi bàn giao với anh ở vị trí này, không ngờ đây là lần cuối cùng tôi gặp anh, (sau này nghe nói anh đã mất trong trường hợp nào tôi không rõ lắm).

Từ vị trí này đến mục tiêu mà đơn vị tôi sắp sửa tấn công không xa lắm, chỉ cần vượt qua một khoảng thông thủy là bám được chân đồi. Tôi đã cho trung đội mò mẫm đến chân đồi. Tình hình vẫn yên tĩnh. Đồi cao, dốc đứng, trống trải rất bất lợi cho việc tấn công ban ngày vì khi ta xuất phát địch phát hiện được ngay, địch sẽ tập trung súng cối gây cho ta rất nhiều thiệt hại. Tôi đề nghị với Khôi Nguyên xin tấn công “ban đêm” (đây là chiến thuật khởi đầu trong suốt cuộc hành quân mà Tiểu đoàn 7 Nhảy Dù tấn công tái chiếm Động Ông Đô). Khôi Nguyên đồng ý và quyết định Đại đội 71 sẽ là nỗ lực tiến chiếm đồi này thay đại đội tôi (có lẽ Đích thân Khôi nguyên nghĩ là đại đội tôi sau quả bom vừa rồi đã mệt mỏi).

Chiều nay tôi sẽ đón nhận một trung đội của Đại đội 71 đưa trung đội này đến chân đồi (Tuyến xuất phát). (Xin nói rõ Đại đội 71 hiện tại do Đại úy Cho chỉ huy, Cho trước kia ở Tiểu đoàn 11 Nhảy Dù. Một thời gian, sau khi căn cứ Charlie [Tân Cảnh, Kontum] bị thất thủ [căn cứ Charlie, chính địa danh này cố Đại tá Nguyễn Đình Bảo đã đi vào “huyền sử” mà mọi người ai ai cũng đều biết đến Ông qua bài hát “Người ở lại Charlie”] Đại úy Cho được thuyên chuyển về Tiểu đoàn 7 Nhảy Dù, mặc dù Cho khóa đàn anh trước tôi nhưng tôi không biết về anh nhiều).

Sau 12 giờ đêm, trung đội của Đại đội 71 đã vượt tuyến xuất phát. Mãi đến gần sáng qua hệ thống truyền tin của tiểu đoàn mới biết trung đội này đã bám sát vào mục tiêu, tình hình vẫn yên lặng có lẽ địch lơ là cảnh giác. Vào mùa này khí hậu vùng rừng núi khá lạnh, sương mù bao phủ dầy đặc trên đỉnh đồi vào buổi sáng điều này rất thuận lợi cho ta. Với yếu tố bất ngờ nhanh nhẹn, Đại đội 71 đã thành công chiếm trọn mục tiêu đầu tiên của đỉnh đồi và mục tiêu thứ 2 qua một yên ngựa nhỏ nằm về hướng Tây. Đây là mục tiêu đầu tiên mà Tiểu đoàn 7 Nhảy Dù đã tấn chiếm trong chuỗi mục tiêu đầy khó khăn kế tiếp.

Những ngày kế tiếp. Đại đội tôi cặp theo bờ phía Bắc của sông Nhung lần theo hướng Tây Nam để tiếp tục bám dần vào mục tiêu (Động Ông Đô). Vào mùa này những cơn mưa dầm dai dẳng, có khi kéo dài hơn cả tuần lễ không nhìn thấy ánh mặt trời, quần áo, giầy vớ ướt đẫm suốt ngày. Thời tiết thực sự quá khắc nghiệt, không riêng gì đối với người lính, mà còn cho cả người dân Huế và Quảng Trị, họ phải gánh chịu hàng năm. Binh sĩ vô cùng vất vả, chân của họ bắt đầu nở ra sưng phù, nhiều người phải bỏ giầy đi chân đất. Hình ảnh này thật dở khóc dở cười nhưng biết phải làm sao bây giờ. Có lẽ sự hy sinh và sự chịu đựng của người lính nhảy dù quả thật quá to tát vĩ đại, Tôi nghĩ không có từ ngữ nào đủ để diễn tả hết. Trong cùng một tâm trạng này, có lẽ tôi là cấp chỉ huy gần gũi nên thông cảm và hiểu họ hơn ai hết. Những khe suối sâu từ dãy Trường sơn đổ về đầu nguồn sông Nhung làm cho sự di chuyển rất khó khăn. Vùng này đồi thấp tương đối, cây cối và lau sậy rậm rạp nên chúng tôi tránh được sự quan sát của địch.

Qua một tuần lễ, đại đội tôi đã bám được dãy đồi cặp bờ Tây sông Nhung. Để chuẩn bị cho những ngày kế tiếp, tôi đề nghị với Khôi Nguyên cho một trung đội bung rộng về hướng Nam để thử xem tình hình, đồng thời bảo vệ được sườn phía Nam khi chúng ta tấn công vào mục tiêu chính (Động Ông Đô). Trung đội này bị địch phát giác và bị pháo kích dữ dội, nhưng không chính xác, chỉ có 3 binh sĩ bị thương.

Những giàn hỏa tiễn 122ly, 130ly tầm xa và Sơn pháo cũng như súng cối địch thường đặt về hướng Tây sâu trong dãy Trường sơn hoặc dọc theo chân dãy núi Động Ông Đô (xin nói rõ thêm loại hỏa tiễn 122ly, 107ly phóng đi từ những giàn phóng tập trung, khi giàn phóng khai hỏa tiếng kêu xé gió, hớp hồn, vì thế ta có thể nhận ngay được hướng bắn dễ dàng, nhưng có điều thường không chính xác). Tôi ra lệnh cho Trung úy Dũng Trung đội Trưởng tiếp tục bám vào vị trí đó và cho con cái đào hầm hố phòng thủ, nhưng vài ngày sau Dũng cũng bị thương và được di tản. Hiện tại quân số là điều làm tôi lo ngại nhất. Đại đội hầu như không còn sĩ quan trung đội trưởng nữa. Giờ đây, khi tôi hồi tưởng để ghi lại những dòng chữ này. Thật sự trong lòng tôi những người lính hạ sĩ quan thật xứng đáng được vinh danh, và ghi công họ.

Lúc đầu, tôi có chút lo lắng nhưng lòng tin đã làm thay đổi ý nghĩ của tôi. Không phải một đơn vị đạt được chiến thắng trong mọi mặt trận là có được giàn hạ sĩ quan giỏi hay sao? Mặc dầu về lãnh vực địa hình họ có phần hạn chế nhưng chính họ là người tiếp cận với quân thù, gần gũi với binh sĩ, vì thế theo tôi họ có rất nhiều kinh nghiệm xứng đáng để cho ta tin tưởng. Họ chính là thành phần nòng cốt của trung đội, của đại đội. Tôi còn nhớ đến vị tướng tài ba của QLVNCH đã từng làm cho Cục R của bọn cộng sản BV run sợ, bằng những cuộc hành quân vượt biên thần tốc. Ông thường nhắc nhở với những sĩ quan chỉ huy ở cấp trung đội, đại đội nên quan tâm đến hàng hạ sĩ quan, vì họ chính là thành phần nòng cốt của đơn vị.

Nằm ém quân ở đây được vài ngày, đại đội tôi được tăng cường một số tân binh và hai vị sĩ quan một trung úy và một chuẩn úy. Qua tiếp xúc tôi mới biết Trung úy Quảng cùng khóa với tôi (Hình như anh vào ở giai đoạn hai của khóa). Anh từ lực lượng Lôi Hổ chuyển về Nhảy dù được bổ sung về đại đội tôi, tạm thời tôi để anh theo tôi không giữ chức vụ nào cả,(Hiện tại hình như anh đang cư ngụ ở Bắc Cali). Chuẩn úy Vinh vừa mới ra trường vì thế để cho anh làm quen với đại đội, tôi tạm thời để anh giữ chức vụ Trung đội trưởng Trung đội 4. Mặc dầu Vinh mới ra trường nhưng trông anh, khỏe rắn chắc, điềm đạm nhanh nhẹn, chịu khó học hỏi. Tôi nghĩ là trong tương lai anh sẽ là cấp chỉ huy giỏi. (sau 30/4/75 tôi không rõ về anh).

Để bắt đầu tấn công vào mục tiêu chánh, đích thân Khôi nguyên đến tận tuyến đầu của đại đội tôi, Khôi Nguyên cho tôi biết tình hình, ý định và mục tiêu cần thiết phải tấn chiếm trước. Theo Đích thân Khôi Nguyên:

– Đại đội 71 sẽ tiến chiếm ngọn đồi phía Bắc (Mục tiêu A).
– Đại đội tôi tấn công vào ngọn đồi phía Nam (Mục tiêu B).

Đây là 2 Mục tiêu cùng cao độ và cùng một dãy đồi chạy dài theo hướng Bắc–Nam, cũng là hai mục tiêu cuối cùng trước khi đến Căn cứ Anne (mục tiêu Động Ông Đô). Hai mục tiêu này là hai đỉnh cao, vì từ đây chúng tôi có thể quan sát toàn bộ Căn cứ Anne, cũng là điểm xuất phát tốt cho đơn vị.

Từ vị trí đóng quân của tôi đến mục tiêu B là một triền dốc thoai thoải chạy dài về hướng Tây khoảng gần hai cây số. Cây cối tương đối thấp, hai bên sườn có rất nhiều loại cây dương sỉ không cao lắm nhưng rất khó di chuyển. Dãy núi cao hơn bên kia bờ phía Tây đó là mục tiêu Động Ông Đô.

Tôi họp các Trung đội trưởng, đưa họ lên đỉnh đồi tìm vị trí an toàn có thể nhìn thấy rõ mục tiêu. Tôi chỉ rõ mục tiêu, nói rõ ý định và ra lệnh chi tiết cho từng trung đội, riêng Trung đội 1 hiện tại do Trung sĩ nhất Dũng chỉ huy. Tôi hướng dẫn chi tiết rõ ràng ngoài địa thế để cho anh nắm được, vì tôi quyết định sử dụng trung đội anh làm nỗ lực chính tấn công vào mục tiêu đêm nay. Tôi còn nhớ khi tôi về trình diện đại đội, Dũng mang cấp bậc hạ sĩ lại mang máy (hiệu thính viên) cho tôi một thời gian, vì thế tôi biết về anh rất nhiều nên phần nào an tâm hơn.

Giờ G (11:30g đêm) ngày N+ đại đội tôi bắt đầu vượt tuyến xuất phát. Tôi báo cáo mọi diễn biến rõ ràng lên tiểu đoàn. Đêm nay bầu trời trong, không mưa, dưới ánh sáng lờ mờ của màn sương mù dầy đặc, khí hậu khá lạnh. Đoàn quân yên lặng di chuyển, chỉ còn nghe tiếng khua nhẹ của bước chân lên cành lá khô. Người lính mang máy tiểu đoàn báo cho tôi biết Đại đội 71 cũng đã vượt tuyến xuất phát. Từ giờ phút này tất cả đều im lặng vô tuyến. Sau gần một tiếng đồng hồ di chuyển, tôi bảo Hạ sĩ Hoa mang máy đại đội gọi Trung đội 1 dừng lại chờ tôi. Tôi lên gặp Dũng điều chỉnh lại hướng di chuyển. Trong những lần tấn công đêm, tôi thường phải đi sát với Trung đội trưởng của trung đội đi đầu để hướng dẫn và điều chỉnh hướng đi, vì thế đại đội phải dừng lại nhiều lần nên sự di chuyển có phần chậm chạp.

Tôi nhìn đồng hồ đã 5 giờ sáng. Tình hình vẫn yên tĩnh. Đại đội đã bám gần đến mục tiêu. Bên ngoài trời vẫn lạnh, sương mù đã làm cho chiếc áo jacket tôi đang mặc thấm ướt, nhưng sao lòng tôi cảm thấy nôn nóng bồn chồn. Đại đội dừng lại. Tôi lên gặp Dũng lần nữa, chỉ rõ mục tiêu để anh nhận diện rõ ràng. Qua hệ thống liên lạc của tiểu đoàn, tôi được biết Đại đội 71 đã bám sát mục tiêu và sau đó đã chiếm trọn mục tiêu mà không chạm địch. Khoảng gần nửa tiếng đồng hồ sau, đại đội tôi đã bám sát gần mục tiêu. Dũng báo cho tôi biết là mục tiêu có địch. Tôi liền gặp Dũng, ra lệnh anh cho toán khinh binh bò sát mục tiêu sử dụng lựu đạn để tấn công. Dũng điều động toán khinh binh bò lên mục tiêu. Gần 15 phút trong hồi hợp, căng thẳng tiếng lựu đạn nổ liên tục, khoảng 10 phút sau toán khinh binh đã nhanh nhẹn chiếm trọn mục tiêu. Địch bung bỏ chạy chỉ để lại một số quân dụng. Tôi nghĩ có lẽ đây chỉ là chốt quan sát hay báo động thôi.

Nhìn qua khoảng thung lũng tương đối khá rộng. Giờ đây trước mặt tôi sừng sững một dãy đồi cao chạy dài theo hướng Bắc Nam, đỉnh cao tận cùng nằm về phía Bắc là Căn cứ Anne, chính là uục tiêu mà tiểu đoàn tôi phải tấn chiếm. Tôi báo cáo toàn bộ sự việc lên tiểu đoàn. Để được an toàn, tôi gọi Trung sĩ Liệt Trung đội trưởng Trung đội 2, đẩy trung đội bung rộng dọc theo triền đồi thoai thoải chạy về hướng Nam. Vừa băng qua triền dốc, trung đội chạm địch. Cùng lúc đó, địch bắt đầu pháo kích vào vị trí của đại đội, vì thế tôi gọi sĩ quan tiền sát xin bắn phản pháo vào những mục tiêu mà tôi nghi ngờ địch đặt súng cối nằm về hướng Tây dọc theo chân núi Động Ông Đô, và đồng thời bắn vào mục tiêu mà Trung đội 2 báo cáo địch đã tập trung bên sườn đồi nằm về hướng Nam. Những tràng bắn hiệu quả khá chính xác. Địch đã chém vè.

Riêng vị trí đại đội, cường độ pháo kích của địch càng tăng. Đây là vị trí trước kia địch đã chiếm giữ, nên sự điều chỉnh có phần chính xác. Tôi liền báo cáo tình trạng hiện tại của đại đội lên tiểu đoàn để xin pháo binh tăng cường phản pháo. Trước tình trạng khẩn cấp đầy nguy hiểm này, nhất là hiện tại hầm hồ của các trung đội chưa đủ an toàn, thật sự đã làm cho tôi vô cùng lo ngại. Trong tình trạng quá đột ngột như thế này, có lẽ tôi chưa tìm ra được một giải pháp nào tương đối đáp ứng ngay cho thỏa đáng, đành phải uống thuốc “gồng”. Sau nhiều đợt điều chỉnh phản pháo có hiệu quả, địch đã bắt đầu ngưng pháo kích. Đại đội bị thiệt hại tương đối nặng, một số tử thương và bị thương. Tôi quá sững sờ trước thiệt hại này, có phải đây là quyết định sai lầm của tôi chăng? Hay là những quyết định của tôi không kịp thời đúng lúc đã đưa đến hậu quả này. Tôi biết hậu quả sai lầm của cấp chỉ huy thường phải trả giá bằng xương máu cuả đồng đội, thuộc cấp của mình, nên lòng tôi ray rứt vô cùng. Tôi báo cáo lên tiểu đoàn tình hình hiện tại để tiểu đoàn nắm được và đề nghị với Khôi Nguyên để lại một trung đội ở tọa độ này. Đồng thời tôi cũng cho tiểu đoàn biết để đón nhận toán tản thương của đại đội sáng sớm ngày mai.

Bóng chiều xuống dần, sương mù bắt đầu bao phủ làm mờ dần dãy núi Động Ông Đô và hình ảnh đỉnh Căn cứ Anne. Khí lạnh vùng rừng núi bắt đầu lan rộng thấm lạnh vào chiếc áo Jacket chứa đầy bụi cát, đọng cứng mồ hôi, tạo thành những đớm trắng loang lổ mà gần tháng nay nó luôn ở trên mình tôi. Ngồi co ro trên chiếc mũ sắt, được kê đứng trong căn hầm chật chội, được đào vội vã vào sáng hôm nay, trong lòng nặng trĩu lo âu. Mặc dầu tôi đã dặn dò và hướng dẫn cẩn thận cho Hạ sĩ Giàu trưởng tổ khinh binh phá con đường về tiểu đoàn, để áp tải toán tản thương sáng sớm ngày mai.

Đúng 3 giờ sáng toán tản thương bắt đầu di chuyển. Sau một đêm, một ngày đầy thử thách, căng thẳng. Cơ thể rã rời mỏi mệt. Tôi muốn tìm quên trong giấc ngủ, nhưng cái lạnh càng lúc càng đè nặng qua chiếc áo Jacket, làm cho tôi không tài nào chợp mắt được. Gần sáng tiếng Hồng Hà vang trên đầu máy.

Song Ngư tôi nghe đích thân; tôi trả lời.

Khôi Nguyên lệnh cho anh để lại một trung đội còn toàn bộ đại đội qua thay thế Đại đội 71 ở mục tiêu A.

Tôi trả lời: Song Ngư tôi nhận rõ Đích thân.

Tôi gọi Trung sĩ Liệt lên để dặn dò phòng thủ khi ở lại. (Khi tôi về trình diện đại đội, Liệt chỉ là Binh nhất, qua nhiều trận chiến anh đã dầy dạn trong kinh nghiệm cho nên tôi phần nào an tâm hơn). Để tránh địch quan sát, tôi ra lệnh cho đại đội phải rời vị trí trước khi trời sáng.

Chiều nay, đại đội tôi đã thay thế hoàn toàn vị trí của Đại đội 71. Đây là đỉnh cao của ngọn đồi trọc, hầu như không có cây cối nhưng từ đây nhìn về dãy núi Động Ông Đô có vẻ gần và rõ ràng hơn. Giờ đây thật sự tôi mới có thì giờ để quan sát rõ ràng mục tiêu.

Nhìn từ đây qua một khoảng thung lũng khá rộng hoàn toàn trống trải. Động Ông Đô hiện rõ ràng dưới tầm mắt tôi. Đây chỉ là dãy đồi trọc, cao, ít cây cối, đỉnh cao nằm tận cùng về hướng Bắc–Tây–Bắc đó là Căn cứ Anne(cao độ 275), sườn mặt Nam nối liền với một sườn đồi thoai thoải phình rộng, bằng phẳng trải dài về hướng Nam gần một cây số, để rồi chấm dứt bằng một ngọn núi sừng sững thẳng đứng, đầy thử thách khiêu khích.

Trong một tuần lễ nằm đây chờ đợi, quan sát những điểm nghi ngờ. Địch vẫn tiếp tục pháo kích chúng tôi bằng loại hoả tiễn 122ly, 107ly và 130ly tầm xa mà chúng đặt sâu trong rặng Trường sơn. Thường những tràng đạn nổ ngắn tầm, trải rộng trên khoảng thung lũng. Điều này phần nào làm tôi an tâm hơn, vì không chính xác.

Hằng ngày đại đội phải tuột sâu xuống chân đồi để tránh pháo kích, và sinh hoạt nấu nướng, chỉ để lại một tổ quan sát, chiều lại phải mò lên. Suốt tuần nay trời mưa dầm có hôm khi lên đến đỉnh đồi quần áo thấm ướt, lều bạt không có. Tôi đành phải chui vào căn hầm nhỏ, kê nón sắt ngồi co ro chịu trận cho đến sáng. Nhiều lúc quá mệt mỏi chợp mắt hồi nào không biết, khi gựt mình thức dậy thì nước mưa đã ngập đến mắt cá chân.

Trước tình cảnh này. Thật sự chúng ta mới cảm nhận một điều. Người lính họ chịu đựng gian khổ gấp trăm lần chúng ta, cũng như sự hy sinh của họ gấp ngàn lần chúng ta nghĩ. Hình ảnh có lẽ trong đời tôi không bao giờ có thể quên được. Đó là hình ảnh của người lính đang còng lưng, quảy túi Ba–lô đầy ắp thực phẩm tiếp tế về cho trung đội. Họ men theo con đường thông thủy lầy lội ngập nước, với đôi chân trần lở loét rướm máu, vì nước mưa lâu ngày đã ăn sâu vào da thịt. Nhưng họ vẫn vui vẻ chịu đựng nỗi đau đớn mà không kêu lên một lời than vãn. Họ đã chấp nhận hy sinh tất cả những gì họ đã có: Bản thân họ và ngay đến cái chết. Họ không nghĩ là họ đang làm một điều gì cao cả, vượt qua bản thân của họ. Đó là “Tổ Quốc”. Họ đã vượt lên tất cả những thứ tầm thường. Đó là sự ích kỷ và lòng ham muốn cuả những kẻ lợi dụng chức quyền, tổ chức những cuộc “Nhảy đầm” thâu đêm suốt sáng. Thật đáng phỉ nhổ và khinh bỉ.

Trong những ngày chờ đợi ở đây. Đại đội tiếp nhận một số tân binh và sĩ quan cũ mới. Để chuẩn bị cho cuộc tấn công đầy thử thách sinh tử này.

Tôi quyết định chọn Chuẩn úy X… Anh vừa mới ra trường, được tiểu đoàn phân chia về đại đội tôi làm Trung đội trưởng Trung đội 1 (thành thật xin lỗi vị Chuẩn úy này. Tôi cố gắng moi sâu vào ký ức nhưng không tài nào nhớ tên anh được. Nếu anh có đọc được những trang hồi ký này, thành thật cho tôi xin lỗi). Chuẩn úy Vinh làm Trung đội trưởng Trung đội 2. Thiếu úy Có vừa mới tăng cường làm Trung đội trưởng Trung đội 3. (Có đã qua Mỹ rồi, nhưng lưu lạc tiểu bang nào không thấy xuất hiện). Tôi cũng nói rõ mục tiêu tương lai cho các vị Trung đội trưởng hiện diện để họ chuẩn bị. Riêng Trung úy Quảng tôi chưa cho anh một nhiệm vụ nào cả.

Để bắt đầu tấn công vào mục tiêu chánh, đích thân Khôi Nguyên họp các vị Đại đội trưởng tại vị trí đóng quân của tôi. Để dễ dàng nhận diện mục tiêu, tiểu đoàn sẽ đặt bộ chỉ huy nhẹ ở tọa độ này trong suốt thời gian tiểu đoàn tấn chiếm Căn cứ Anne.

Chọn tên mục tiêu. Để dễ dàng cho việc điều động, đích thân Khôi Nguyên và đích thân Hồng Hà đồng ý chọn mục tiêu Căn cứ Anne là mục tiêu “Alpha”, sườn phía Nam chỗ phình rộng ra là mục tiêu “Delta”, còn lại mục tiêu cuối cùng là ngọn đồi sừng sững đầy khêu gợi. Có lẽ mọi người cùng mang một tâm trạng như nhau nên đã đồng ý chon mục tiêu này một cái tên thật là hấp dẫn “Đồi Thẩm Thúy Hằng” (mục tiêu Vú Thẩm Thúy Hằng). Đây là sự thật người viết không tự phịa. Nếu quí vị không tin hãy hỏi đích thân Hồng Hà (Võ Trọng Em) sẽ rõ.

Phân chia nhiệm vụ. Đích thân Khôi Nguyên ban lệnh. Mục tiêu “Delta” dành cho Đại đội 72. Hiện tại do Trung úy Đàm (Phạm gia Đàm) chỉ huy (Đại úy Đăng vắng mặt, tôi không rõ lý do, hiện tại Trung úy Đàm xử lý thường vụ Đại đội 72). Đàm dáng người cao ráo, giọng nói ấm áp làm người nghe dễ cảm mến. Anh về tiểu đoàn sau tôi, khi đó tôi còn là Trung đội trưởng giống như anh. Đại đội 71 do Đại úy Cho chỉ huy được hân hạnh ôm ấp mục tiêu “Đồi Thẩm Thúy Hằng”.(Đàm và Cho hiện tại định cư tại Nam Cali).

Riêng mục tiêu “Alpha”, đích thân Khôi Nguyên nhìn tôi và nói:

Mục tiêu này do Đại đội 74 đảm nhận.

Điều này thật sự không làm tôi ngạc nhiên, vì khi Khôi Nguyên hoán đổi vị trí này cho tôi để tiếp tục quan sát, theo dõi địch là tôi cũng đoán được phần nào nhiệm vụ của đại đội tôi trong tương lai. Trong những ngày chờ đợi ở đây. Tôi đã quan sát kỹ càng mục tiêu hơn để tìm cho mình một hướng tấn công tương đối an toàn. Vì thế tôi đã trình bày ngay với Khôi Nguyên ý định và hướng tấn công của đại đội tôi. Tôi đã chọn sườn phía Đông để tấn công vì sườn này chạy dài từ đỉnh đến tận chân đồi nối liền sát bờ thung lũng, gần tuyến xuất phát và dễ dàng di chuyển. Ngoài ra toàn là dốc thẳng đứng.

Đích thân Khôi Nguyên quyết định chọn ngày N+… giờ G… là ngày giờ để tấn công.

Giờ G (9:00g đêm) ngày N+… Tôi báo cáo lên cho tiểu đoàn biết. Đại đội tôi bắt đầu vượt tuyến xuất phát. Hình như Đại đội 72 vượt tuyến xuất phát sớm hơn giờ ấn định.

Sáng nay, Tôi đã họp các sĩ quan Trung đội trưởng. Nói rõ mục tiêu tấn công và cụ thể là lộ trình di chuyển ngoài địa thế thật rõ ràng, để cho các Trung đội trưởng nhận diện, vì đi đêm chúng ta dễ nhầm lẫn, hơn nữa các vị sĩ quan này đều mới ra trường chưa một lần thử lửa. Tôi chọn Trung đội 2 do Chuẩn úy Vinh chỉ huy làm nỗ lực chính đi đầu. Để tiện việc hướng dẫn tôi luôn bám sát Vinh, cuối cùng là Trung đội 1. Đại đội vượt qua khoảng trống thung lũng, bắt đầu bám vào chân sườn đồi.

Đêm nay bầu trời ít sương mù, ánh trăng yếu ớt, che mờ bởi màn sương mỏng. Khí lạnh của vùng rừng núi về đêm bắt đầu thấm lạnh qua chiếc áo jacket của tôi. Thật sự mục tiêu này quá quan trọng đối với tôi chăng? Hay là áp lực trách nhiệm quá nặng nề, đang đè nặng lên đôi vai tôi, vì thế cái lạnh không tài nào xóa tan đi sự bồn chồn lo lắng trong lòng tôi. Mọi vật chìm trong sự yên lặng, thỉnh thoảng cơn gió bắc lướt qua gây xào xạc bờ lau sậy. Đoàn quân âm thầm, ẩn hiện như những bóng ma trong đêm tối.

Gần đến đỉnh sườn đồi. Trung đội 2 bỗng nhiên dừng lại. Tôi vội vàng lên gặp Vinh. Được biết có địch. Qua ánh trăng lờ mờ nhìn từ sườn đồi lên đỉnh, xuyên qua khe lá. Tôi thấy rõ ràng chiếc đầu của tên bộ đội đang nghiêng về một bên cố ý nghe ngóng. Tôi nghĩ là hắn muốn xác nhận tiếng động của người hay là tiếng gió lùa vào lau sậy.

Đây là quyết định vô cùng quan trọng. Đối với tôi lúc này, có hai quyết định lựa chọn. Một là, tấn công. Hai là, chọn lộ trình khác. Thật sự đầu óc tôi lúc này căng thẳng, tính toán. Mục tiêu Căn cứ Anne là quan trọng hơn, vì thế cuối cùng tôi quyết định chọn lộ trình khác. Phải chăng, quyết định này đã đưa đến cho tôi hậu quả tồi tệ chăng? Cho đến bây giờ khi ghi lại những trang hồi ký này. Tôi cảm thấy trong lòng vẫn còn mang nặng sự hối tiếc.

Tôi ra lệnh cho Trung đội 1 quay trở lại, cặp bờ thông thủy về hướng Nam một đoạn rồi lấy hướng Động Ông Đô di chuyển. Đường đi càng lên cao càng dốc đứng, có rất nhiều bờ đá lởm chởm rất khó di chuyển, nhất là trong đêm tối. Đại đội bám theo con đường thông thủy chạy lên đỉnh đồi. Nhìn đồng hồ đã 3:00g sáng. Qua hệ thống truyền tin của tiểu đoàn, Đại đội 72 đã gần đến mục tiêu. Nhìn Căn cứ Anne còn xa diệu vợi. Có lẽ đây là quyết định sai lầm của tôi đã đưa đại đội đến con đường quá nguy hiểm. Sự lo lắng càng lúc càng đè nặng trong lòng tôi hơn. Đại đội không thể nào đến mục tiêu trước 5:00g sáng. Nếu địch phát giác được, đại đội hoàn toàn bất lợi, và có thể đưa đến sự thiệt hại rất nặng nề. Từ khi tôi quyết định đổi hướng, hình như chốt địch đã đánh hơi được, nên bắt đầu pháo kích thăm dò theo hướng tiến quân của đại đội tôi, điều này làm cho tôi càng lo lắng hơn.

Tôi báo cáo toàn bộ sự việc lên đích thân Hồng Hà. Trước tình trạng đầy khó khăn nguy hiểm này. Tôi xin Hồng Hà trình đích thân Khôi Nguyên cho tôi rút về tuyến xuất phát và sẽ trình bày với đích thân Khôi Nguyên sau.

Khi tôi bắt đầu rút quân ra khỏi đây, nhìn đồng hồ đã hơn 4:00g sáng. Tôi chỉ còn hơn một tiếng đồng hồ nữa là phải rút toàn bộ đại đội ra khỏi khu vực này. Tôi ra lệnh cho Trung đội 2 quay trở lại tuyến xuất phát và các trung đội nhanh chóng rời khu vưc này ngay. Lúc này địch vẫn tiếp tục pháo kích, nhưng càng lúc càng gần tôi hơn. Trong lúc này đầu óc tôi chỉ nghĩ một điều. Bằng mọi giá phải vượt qua khoảng thung lũng “tử thần” này trước 6:00g sáng. Điều này đã đưa đến cho tôi một hậu quả không thể nào tha thứ được.

Khi về đến tuyến xuất phát, kiểm điểm quân số thì mới phát giác đã lạc mất Chuẩn úy X. Trung đội Trưởng Trung đội 1, binh nhất Hà mang máy và 2 khinh binh. Tôi ra lệnh cho Hạ sĩ Hoa mang máy đại đội gọi liên tục Trung đội 1, nhưng không tài nào liên lạc được. Thật sự quá bất ngờ đối với tôi, lòng đầy ân hận.

Hiện tại tiểu đoàn đang hướng dẫn Đại đội 72 và Đại đội 71 chiếm mục tiêu như đã định trước. Đại đội 72 chỉ chạm địch nhẹ không đáng kể. Có lẽ địch không đặt chốt ở vị trí này nên Đại đội 72 vào mục tiêu thật dễ dàng. Đại đội 71 chỉ đưa một trung đội tấn công đồi Thẩm Thúy Hằng. Đồi cao, dốc đứng nên trung đội mất gần một tiếng đồng hồ mới chinh phục được đỉnh đồi. Ta hoàn toàn vô sự. Ngồi theo dõi trên hệ thống liên lạc với tiểu đoàn. Nhưng trong lòng tôi thật tình ngổn ngang trăm mối. Tôi tự trách mình sao quá xui xẻo, cho nên đại đội vạ lây, gặp quá nhiều gian nan, lận đận. Tôi bảo Hạ sĩ Hoa cứ 15 hoặc 20 phút thì gọi một lần may ra có thể liên lạc được.

Tôi đến gặp dích thân Khôi Nguyên. Điều làm tôi cảm thấy lo ngại vì đã không làm tròn nhiệm vụ trong đêm qua, nhưng Khôi nguyên không một lời khiển trách đã làm cho tôi càng kính phục ông vô cùng, Khôi Nguyên vẫn trầm tĩnh, chỉ nghe tôi trình bày tất cả diễn tiến trong đêm qua. Kết quả đã đưa đến sự thiệt hại mà đại đội tôi vấp phải. Quyết định cuối cùng của Khôi Nguyên, đồng ý cho tôi “bứng chốt” trên con đường tôi di chuyển đêm qua.

Khi về đại đội. Tôi nghĩ chỉ cần một trung đội là có thể bứng được chốt này. Tôi cho gọi Chuẩn úy Vinh lên gặp tôi. Tôi quyết định trung đội anh làm nỗ lực tấn công. Tôi cho anh biết kế hoạch tấn công, những trang bị gọn nhẹ, cần thiết cho mục tiêu này, nhất là lựu đạn, giới hạn sử dụng súng nếu thấy không cần thiết. Trên đường di chuyển đêm qua. Tôi đã phát giác được một lùm cây tương đối nhỏ nằm giữa thung lũng nhưng gần mục tiêu mà tôi sắp tấn công. Nếu ta bò từ tuyến xuất phát theo triền dốc thoai thoải, lùm cây sẽ che khuất, địch sẽ không phát giác được. Tôi và Vinh đã bò đến đó. Quả thật như đã dự đoán, mục tiêu hiện lên rất rõ ràng. Tôi hướng dẫn Vinh chi tiết ngoài địa thế. Theo con đường thông thủy đầu cùng của thung lũng hướng thẳng đến chân sườn đồi. Lộ trình này tương đối an toàn vì lau sậy rậm rạp, địch sẽ không phát giác được.

Sáng ngày hôm sau. Khi trời lờ mờ sáng, sương mù vẫn còn dầy đặc. Tôi quyết định tấn công giờ này, vì tôi nghĩ rằng giờ này địch sẽ lơ là cảnh giác. Trung đội Vinh bắt đầu vượt tuyến xuất phát theo như kế hoạch đã dự trù. Tôi cùng tổ khinh binh Trung đội 3 đã đến vị trí mà hôm qua tôi đã hướng dẫn Vinh và những tiên liệu cần thiết cho vị sĩ quan tiền sát.

Sau gần một tiếng đồng hồ yên lặng vô tuyến. Trung đội Vinh báo là đã bám sát mục tiêu.

Tình hình vẫn yên tĩnh. Điều này làm tôi vô cùng yên tâm vì biết chắc rằng địch đã không cảnh giác. Với lối tấn công lựu đạn, thật quá tuyệt vời của người lính Nhảy dù, không đầy 15 phút ngắn ngủi, trung đội Vinh đã đánh bật địch ra khỏi chốt bằng lựu đạn. Địch bắt đầu pháo kịch dữ dội bằng đủ loại hỏa tiễn, pháo tầm xa, súng cối. Nhưng đã quá trễ. Trung đội 2 hoàn toàn chiếm trọn ngọn đồi. Tôi ra lệnh Vinh cố bám vị trí, sử dụng hầm hố địch ẩn nấp, và đồng thời xin pháo binh bắn phản pháo.

Qua 15 phút chịu đựng. Tất cả trở về yên lặng. Tôi ra lệnh cho Vinh bung rộng lục soát. Kết quả địch bỏ lại 3 xác, 3 AK và 1 súng cối 61ly cùng với dụng cụ truyền tin. Có lẽ cây súng cối này địch đã dùng để pháo kích tôi đêm qua. Tôi ra lệnh Vinh cho con cái đào hầm hố phòng thủ, và tản thương binh về đại đội. Tôi báo cáo toàn bộ kết quả lên tiểu đoàn và trở về vị trí đại đội.

Trên đường về đại đội. Hạ sĩ Hoa mang máy báo cho tôi biết là, hình như Trung đội 1 đang gọi. Tôi cố nghe, nhưng chỉ nghe tiếng thổi vào ống liên hợp, niềm hy vọng đã loé sáng trong đầu tôi. Tôi liền gọi ngay.

Một, Song ngư gọi Một. Tôi nói.

Nếu anh nghe tôi nói, anh thổi vào máy hai tiếng. Đúng là hai tiếng thổi. Anh còn kẹt lại ở vị trí đêm qua đúng không? Tôi nghe một tiếng thổi. Không còn sai đâu nữa. Tôi báo cáo lên tiểu đoàn và đồng thời lệnh cho Thiếu úy Có dẫn toán khinh binh mang theo dụng cụ tản thương, cặp theo chân đồi Trung đội 2 vừa chiếm được, bắt theo con đường thông thủy mà đêm qua đại đội đã di chuyển. Thật sự trong lòng tôi đã có ý định bằng mọi cách, trở lại tìm họ ngày hôm nay.

Gần 2 tiếng đồng hồ. Trung đội 3 báo cáo: Đã tìm được 4 người thất lạc. Tất cả đều bị thương nặng. Thật sự, lòng tôi nhẹ nhõm hẳn. Tôi gọi Thiếu úy Có bằng mọi cách di tản họ ra ngay, càng sớm cáng tốt.

Tôi nhận rõ đích thân, Thiếu úy Có trả lời.

Gần 3 tiếng đồng hồ toán tản thương đã về đến đại đội. Tôi đến, trong lúc y tá đang băng bó vết thương. Tôi gặp vị chuẩn úy. Nhìn anh có vẻ hốc hác. Anh bị môt mảnh đạn xuyên qua đùi, sưng vù, may mà không trúng động mạch. Anh kể: Khi có lệnh rút ra, tôi và tổ khinh binh đi sau cùng thì bị một quả pháo rơi bên cạnh, tôi và người mang máy đều bị thương. Không thể đi được, nằm lại. Tôi bò tìm chiếc máy để liên lạc, nhưng chiếc máy đã bị hư, vì thế không tài nào tôi liên lạc được với đại đội. Quá thất vọng, tôi và người mang máy bò tìm hóc đá để trú ẩn, vì sợ địch phát giác, thì đã phát hiện có 2 binh sĩ cùng bị thương. Chúng tôi nghĩ là đại đội sẽ trở lại tìm chúng tôi, vì tôi biết là đại đội vẫn còn quanh quẩn gần đây. Sáng ngày hôm sau. Tôi nghĩ là, có lẽ ống liên hợp bị rơi xuống nước. Tôi mở ra lau khô rồi phơi nắng. Nhưng vẫn không liên lạc được. Thôi thì mọi việc đã qua, thật là điều may mắn cho tất cả mọi người. Tôi nói. Sau đó tôi liền gọi lên tiểu đoàn xin tản thương họ gấp.

Thời gian sau đó. Tôi mãi bị cuốn theo cuộc chiến, nên đã quên đi tất cả. Trong suốt mùa hè đỏ lửa. Đại đội tôi có quá nhiều thay đổi. Giờ đây ngồi ghi lại những dòng hồi ký này, tránh sao khỏi sự ngậm ngùi thương tiếc. Thời gian sẽ làm ký ức mòn dần theo ngày tháng, còn lại chỉ là sự hối tiếc trong lòng. Thành thật xin lỗi chuẩn úy nếu vô tình anh đọc được những trang hồi ký này.

Qua hai ngày sau. Tôi gặp Khôi Nguyên để chuẩn bị cho cuộc tấn chiếm cứ điểm sau cùng, đó là Căn cứ Anne. Khôi Nguyên đưa ra hai hướng tấn công, tùy tôi chọn lựa. Một là, theo hướng cũ. Hai là, mượn đường từ Đại đội 72. Tôi quyết định chọn hướng tấn công từ Đại đội 72. Vì tôi nghĩ rằng từ hướng Nam tấn công, triền dốc thoai thoải hơn, di chuyển tương đối dễ dàng và nhanh hơn.

Sáng sớm ngày hôm sau, đại đội đã đến vị trí Đại đội 72 chờ đến đêm là đại đội sẽ vượt Tuyến xuất phát. Đây là mục tiêu cuối cùng của tiểu đoàn. Tôi biết mọi người đang đặt hết niềm tin vào tôi, vì thế bằng mọi giá tôi phải “đạp” cho bằng được mục tiêu này. Thật căng thẳng, đầy lo âu đối với tôi.

10:30g đêm, đại đội bắt đầu vượt tuyến xuất phát từ Đại đội 72. Tôi đã ước tính sẽ mất khoảng gần một tiếng đồng hồ đại đội sẽ bám được chân mục tiêu. Nương theo màn đêm dầy đặc sương mù, đại đội di chuyển dọc theo sườn đồi tương đối rộng và trống trải. Vì mục tiêu này quá rộng lớn nên tôi quyết định sử dụng 2 trung đội làm nỗ lực chính để tấn công.

Theo kế hoạch: Trung đội 2 do Chuẩn úy Vinh chỉ huy sẽ làm nỗ lực chính đi đầu, kế đến là Trung đội 3 do Thiếu úy Có chỉ huy. Theo lệnh, khi Trung đội 2 bám được chân mục tiêu, Trung đội 3 sẽ bung rộng về bên phải men theo sườn đồi tấn công vào sườn phía Đông. Riêng Vinh tôi lệnh cho anh rất rõ ràng bằng mọi giá phải chọc thủng được phòng tuyến địch, tiến thẳng lên đỉnh đồi và từ đó sẽ bung rộng về hướng Tây.

Đêm nay, sương mù dầy đặc bao phủ toàn vùng cao độ 275. Trời rất lạnh, lòng đầy lo âu. Trước khi xuất phát tôi đã báo cáo lên tiểu đoàn, để đích thân Hồng Hà chuẩn bị những hỏa tập cần thiết khi tôi cần. Tôi nghĩ giờ này, tất cả mọi người đang chờ đợi trong sự lo âu, hồi hộp. Hiện tại trước mặt tôi là bóng tối sâu thẳm, là ranh giới giữa sự sống và cái chết, nó thật quá mong manh như ngàn cân treo sợi tóc. Sự tồn tại giờ đây được đánh giá bằng sự dạn dầy kinh nghiệm, và được đánh đổi bằng mồ hôi, bằng máu của từng cá nhân, của đồng đội và của cấp chỉ huy. Niềm tin “tất thắng” sẽ vượt qua tất cả!

Trung đội 2, Vinh vừa báo cáo đã bám được chân đồi là chạm chốt đầu tiên của địch, hỏa lực địch lúc đầu rất mạnh từ ụ phòng thủ trong căn cứ. Trước hỏa lực này, trung đội bị khựng lại. Tôi gọi Vinh trên đầu máy và lệnh cho anh. Không tấn công chính diện, bọc hai bên hông dùng lựu đạn tấn công, bằng mọi giá phải đạt cho bằng được mục tiêu này, chúng ta không còn con đường nào để lựa chọn nữa. Vinh báo cáo một số binh sĩ bị “rách áo”. Tất cả binh sĩ bị thương, tử thương do Trung đội 1 đảm nhận. Tôi nói.

Vinh trả lời, nhận rõ Đích thân.

Tôi gọi Thiếu úy Có cho lệnh, theo y kế hoạch đã dự trù. Tôi hy vọng rằng: Nếu Vinh không chọc thủng được mặt Nam thì Trung đội 3 Thiếu úy Có sẽ là nỗ lực chọc thủng phòng tuyến từ mặt Đông. Gần 30 phút yên lặng, quá căng thẳng! Vinh đã làm theo như lời tôi nói. Tiếng lựu đạn nổ liên tục, 15 phút sau địch bung bỏ chạy, trong chớp nhoáng Vinh báo cáo đã chiếm được ụ đầu tiên. Tôi rất mừng vì từ đây sẽ là đầu cầu tốt cho bước kế tiếp. Tôi lệnh tiếp cho Vinh hãy tiếp tục tiến thẳng lên đỉnh đồi, càng nhanh càng tốt. Trung đội 3, Có báo cáo có ụ phòng thủ mặt Đông đang cho con cái bám sát để tấn công. Trở ngại trước mắt chúng tôi giờ đây không phải là địch, mà là những vòng kẽm gai quái ác chằng chịt, đang đồng lõa với kẻ thù, đang ngăn cản bước tiến và gây không ít khó khăn cho chúng tôi. Mất gần 30 phút trung đội Vinh báo cáo đã đến đỉnh và đang bung rộng về hướng Tây. Về mặt Đông địch chống cự thật yếu ớt nên Trung đội 3 đã chiếm hoàn toàn mặt này. Từ khi trung đội Vinh đánh bật ụ phòng thủ đầu tiên, tình hình trở nên yên lặng, địch bắt đầu chống trả yếu ớt hầu như đã bỏ vị trí, điều này làm tôi có chút ngạc nhiên. Địch muốn dở trò gì đây? Trong lòng thật sự có chút lo lắng.

Nhìn đồng hồ đã hơn 5 giờ sáng. Tôi báo cáo lên tiểu đoàn, đại đội đã hoàn toàn chiếm trọn mục tiêu, mặc dầu tôi biết tiểu đoàn đã vào hệ thống liên lạc của tôi để theo dõi mọi diễn biền mà đại đội đang điều động. Tôi nghĩ mọi người đang mừng rỡ, nhất là đích thân Khôi Nguyên. Hiện tại trước mắt, tiểu đoàn đã hoàn thành bước đầu nhiệm vụ mà cấp trên giao cho. Nhiệm vụ kế tiếp của tiểu đoàn là, phòng thủ và giữ được mục tiêu này. Điều này làm tôi có chút suy nghĩ, vì qua động thái địch có ý bỏ ngỏ mục tiêu này. Ý định của địch muốn gì? Đó là điều đối với tôi cần phải suy nghĩ. Điều tất yếu, ta biết rõ được ý định cuả địch thì mới mong nắm được phần thắng lợi. Với quân số hiện tại của đại đội, phòng thủ vị trí to lớn như thế này thật là điều khó xử cho tôi, nhưng cuối cùng tôi cũng phân chia trách nhiệm của từng trung đội rõ ràng. Tôi gọi Trung úy Quảng về ở vớí Trung đội 2, trách nhiệm theo dõi toàn bộ mặt Tây. Tôi cũng chọn được vị trí mặt Đông và chịu trách nhiệm mặt này.

Tôi ra lệnh cho các trung đội cho con cái đào hầm hố kiên cố vì địch có thề phản công lại ta. Trời vừa hừng sáng. địch bắt đầu dở trò bắn sẻ bằng loại súng phòng không đặt sâu trong dãy Trường sơn. Điều này gây rất nhiều căng thẳng cho binh sĩ. Hiện tại đại đội có khoảng hơn 10 binh sĩ bị thương gồm cả nặng, nhẹ và tử thương cần di tản. Đường về Đại đội 72 thì quá trống trải, địch chỉ chờ ta di chuyển là lập tức pháo hay bắn sẻ. Trước tình thế này, tôi đành gọi về tiểu đoàn gặp đích thân Hồng Hà, cuối cùng tiểu đoàn quyết định chờ đến đêm. Tôi gọi các Trung đội trưởng đến gặp để dặn dò, và ra lệnh mỗi trung đội cử 3 binh sĩ do Thiếu úy Có chỉ huy, cặp theo triền thông thủy chạy về hướng Đông Nam để tìm điểm nước, đồng thời nấu ăn cho trung đội và phải trở về đại đội trước 4 giờ chiều. Mãi gần một tiếng đồng hồ sau, Có báo là đã tìm được điểm nước. Tôi thật sự an tâm.

Tình hình hiện tại rất giới hạn đi lại, cũng như lục soát căn cứ, tuy nhiên tôi cũng tìm cách có thể quan sát một vòng căn cứ. Tất cả những bunker đều bị sụp đổ, ngổn ngang cây gỗ, những mảnh sắt vụn, thùng đạn, vỏ đạn vất đầy trên mặt đất, những khẩu 155ly trước kia của ta còn bỏ lại, nay đã chỏng càng siêu vẹo, chỉ còn một, hai khẩu còn nguyên, nhưng tôi nghĩ không còn sử dụng được nữa.

Điều nghi ngờ như một linh tính báo trước cho tôi sáng nay. Khi toán lấy nước của đại đội vừa về đến vị trí đóng quân. Địch bắt đầu pháo kích dữ dội vào căn cứ bằng đủ loại pháo, 130ly tầm xa, Sơn pháo, 100ly trực xạ từ xe tăng. Nhìn về hướng Đông Bắc, một rừng cột khói dầy đặc bốc lên từ những ụ đặt pháo của địch, cả mặt Bắc và mặt Tây. Cảm nghĩ đầu tiên của tôi là địch sẽ phản công. Tôi liền gọi các Trung đội Trưởng dặn dò hãy nhắc nhở và kiểm soát con cái quan sát địch, vì có thể địch dùng biển người để tấn công ta. Mặc dầu tôi đã chuẩn bị, sẵn sàng để đón nhận cuộc phản công nếu xảy ra, nhưng mãi 5 phút sau tôi mới gọi tiền sát phản pháo vì thật sự tôi có chút sững sờ, vì trước mặt tôi hiện giờ là một rừng vị trí pháo, mà tôi chưa tìm được quyết định nào cho thỏa đáng. Tôi liền gọi về tiểu đoàn thì được biết Hồng Hà và Khôi Nguyên đang quan sát theo dõi. Tôi đề nghị Hồng Hà hãy bắn vào những điểm cần thiết tôi yêu cầu, vì từ tôi hiện tại, không thể điều chỉnh được.

Tiếng đạn gầm như xé gió, tiếng nổ phủ đầy trên vị trí đóng quân của tôi. Cao độ 275 giờ đây là mục tiêu, là bia cho đạn địch. Tôi nhìn thấy rõ ràng, khi cột khói phụt lên, nhanh như ánh chớp là tiếng nổ đã đến tôi ngay, xé tan màn không khí, làm rung chuyển bờ đất, giao thông hào. Cả căn cứ đang chìm trong bom đạn. Tôi vừa cùng vị sĩ quan tiền sát viên (tôi nhớ không lầm vị này là Thiếu úy Giang, nếu không phải thành thật xin lỗi, nếu vị này tình cờ đọc được những trang hồi ký này) điều chỉnh phản pháo vừa gọi các trung đội dặn dò con cái ngóc đầu lên quan sát, địch có thể bám sát ta để tấn công. Mục tiêu 275 ngập tràn khói lửa, vỡ tung từng ụ đất, bao phủ một vùng bụi cát ngút trời.

Trước tình trạng dầu sôi lửa bỏng này. Niềm tin sắt đá thật sự đã làm cho tôi trở nên bình tĩnh vô cùng. Tôi sẽ không bao giờ bị ngã gục nơi đây. Đại đội đã bao lần phủ đầy máu lửa, đối diện với quân thù nhưng đều vượt qua tất cả. Tôi tin vào bản thân tôi, tin vào sự gan lì, quả cảm của đồng đội, thuộc cấp, và tin vào sự dạn dầy kinh nghiệm của người lính Nhảy Dù đã cùng tôi kinh qua bao trận chiến. Pháo địch vẫn tiếp tục nổ theo từng đợt nối tiếp, dồn dập… Tôi không biết đại đội đã hứng chịu cơn mưa pháo này kéo dài đến bao lâu. Khi sương mù phủ dầy ngọn đồi cao độ 275 là lúc cường độ pháo kích của địch giảm dần và chấm dứt khi màn đêm bao phủ đầy căn cứ. Điều mà tôi lo sợ không xảy ra, địch không tấn công. Tôi biết tương lai sẽ còn nhiều pha thử thách nữa.

Tôi bắt đầu kiểm điểm quân số. Đại đội thiệt hại khá nặng, thêm một số tử thương và bị thương nặng, nhẹ, trong đó có Hiếu, anh là người gần gũi và giúp đỡ tôi trong những ngày mưa nắng, vì quân số thiếu nên tất cả mọi người đều phải ra nằm tuyến. Trước cơn mưa pháo như thế này làm sao tránh khỏi sự thiệt hại. Tôi biết điều này, nhưng sao trong lòng vẫn cảm thấy buồn buồn vì cũng có một phần trách nhiệm của tôi. Tôi đến gặp Hiếu, anh bị thương rất nặng, mất hẳn một bàn chân phải, lòng tôi quặn thắt nhưng biết nói sao bây giờ, chỉ biết an ủi và hứa sẽ tản thương sớm cho anh. Tôi đến tuyến đóng quân của Trung đội 3 gặp Thiếu úy Có hỏi xem tình hình trung đội và dặn dò mọi việc. Đêm nay trời rất lạnh, nhìn về phía Bắc sương mù dầy đặc, che kín tầm nhìn của tôi. Ngồi đây khoảng 15 phút, tôi vội đến tuyến Trung đội 2. Điều quan trọng trước mắt phải làm, đó là việc tản thương, cần phải thực hiện trong đêm nay. Ở đây, tôi nói rõ ý định của tôi và lệnh cho Chuẩn úy Vinh 5:00g sáng ngày mai dẫn toán khinh binh trung đội, đưa toán tản thương về tiểu đoàn. Trung úy Quảng sẽ sắp xếp việc phòng thủ lại mặt Tây.

Trở về căn hầm của tôi, mặc dù quá mệt mỏi nhưng tôi không tài nào chợp mắt được, bao nhiêu lo nghĩ, bao nhiêu tính toán đang chất chồng trong đầu tôi. Việc phòng thủ giờ đây thật là điều nan giải cho tôi, với quân số hiện tại thì làm sao có thể bao bọc vị trí này được an toàn, lòng đầy lo lắng. Nằm suy nghĩ mông lung, không có chiến thắng nào mà không trả giá bằng xương máu. Không có thành công nào tránh được sự mất mát, khổ đau. Chỉ có những mục tiêu mà ta đạt được sự an toàn nhiều nhất, thì những gì ta làm mới được đánh giá là thành công. Tôi chợt nhớ đến 2 câu thơ cuả nhà thơ lính Nguyễn Nhự Thức, vô tình tôi đọc được:

Khi chiến thắng đã đo bằng xương máu,
Người hân hoan trên thây chết ngậm ngùi
.”

nghe sao xót xa hờn tủi quá, còn quá phũ phàng hơn với câu nói “Nhất tướng công thành vạn cốt khô”. Sao Chiến tranh tàn nhẫn quá! Đã đưa đất nước tôi đến chết chóc khổ đau như thế này. Ai đã gây ra cảnh khổ đau này? Nếu không phải là những người bộ đội miền Bắc xâm nhập vào Nam gây ra cuộc chiến này, thì miền Nam đã sống trong thanh bình no ấm.

Gần 5:00g sáng, tôi đến gặp Vinh dặn dò cẩn thận, cố gắng đưa toán tản thương về tiểu đoàn càng sớm càng tốt, vì tôi tính thời gian Vinh trở về đại đội phải trước 4:00g chiều. Toán tản thương bắt đầu di chuyển. Tôi báo về tiểu đoàn và đồng thời báo cho Đại đội 72 tránh ngộ nhận. Gần tiếng đồng hồ sau. Trời vừa hừng sáng, cơn mưa phùn bắt đầu đổ nhẹ, sương mù vẫn còn che phủ, bỗng tôi nghe những tràng đạn nổ dòn về hướng toán tản thương, cảm nghĩ đầu tiên cuả tôi là sợ ngộ nhận với Đại đội 72, tôi liền gọi Vinh ngay. Vinh báo là chạm địch.

Thật tình tôi quá ngỡ ngàng, ngoài dự đoán của tôi. Địch đang dở trò gì đây? Muốn chơi trò đoạn hậu ta chăng? Tôi liền báo về tiểu đoàn mọi diễn biến vừa mới xảy ra và đồng thời gọi lại Vinh để biết tình hình hiện tại. Vinh báo, địch đang đóng chốt chận đường về của ta.

Cơn mưa phùn bắt đầu nặng hột, trời vẫn lạnh, tôi nghĩ với tình trạng hiện tại này kéo dài, thì những thương binh nặng không thể nào chịu đựng nổi, thật sự tôi rất lo âu. Tôi liền gọi ngay Vinh ra lệnh cho anh, hãy gom những binh sĩ tản thương dồn mọi nỗ lực, cố gắng đánh bật đuợc chốt này, vì đây là con đường huyết mạch của Đại đội.

Vinh trả lời, nhận rõ đích thân.

Mãi hơn 30 phút sau, tiếng súng nổ dồn dập liên tục, địch bung bỏ chạy. Vinh đã lia sạch con đường, có lẽ vì địch chưa thiết lập được công sự kiên cố. Vinh báo cáo toàn bộ sự việc cho tôi biết và thêm một số binh sĩ nữa bị thương. Tôi gọi về tiểu đoàn gặp đích thân Khôi Nguyên để trình bày rõ ràng: Tình hình và ý định của địch, tình trạng đại đội nhất là quân số, vấn đề phòng thủ cũng như con đường nối tiếp giữa tôi và Đại đội 72. Liền sau đó Khôi Nguyên quyết định ngay, lệnh cho Đại đội 72 thiết lập chốt giữa tôi và Đại đội 72. Riêng tôi sẵn sàng bàn giao vị trí này cho Đại đội 71 chiều nay.

Tôi trả lời, Nhận rõ đích thân.

Lòng đầy nhẹ nhõm, nhưng dù sao tôi cũng đã hoàn thành được nhiệm vụ mà tiểu đoàn đã giao phó. Tôi liền gọi Vinh, khi đưa toán tản thương đến tiểu đoàn thì ở lại, chiều nay cả gia đình sẽ đoàn tụ ở đó. Vinh báo cáo, một số binh sĩ bị thương nặng đã tử thương trong đó có Hiếu. Thật quá bàng hoàng trước tin này, tôi biết với thời tiết khắc nghiệt này thì làm sao có thể chịu đựng nổi, quá ân hận vì không thực hiện được lời hứa của mình.

Sáng sớm ngày hôm sau. Sau một đêm thật sự bình yên thì Hạ sĩ Hoa, người mang máy đại đội đến gần tôi nói nhỏ. Đại úy đến thăm anh Hiếu, ảnh đang nằm trên sườn đồi cạnh đây, có lẽ ngày hôm qua, tiểu đoàn không tản xác chết ra ngoài kịp. Bước qua những xác chết được đặt trong túi đựng xác, đang sắp hàng trên triền dốc. Lòng tôi chùn xuống. Tôi đang nghĩ gì về những người lính, những thuộc cấp của tôi? Họ đang nằm bất động nơi đây. Họ đã vĩnh viễn rời xa đơn vị, rời xa bạn bè, đồng đội, và người thân trong gia đình. Nhưng sao tiếng cười, giọng nói thật bình thản của họ ngày nào trên con đường thông thủy lầy lội ngập nước, hình như còn đang văng vẳng bên tai tôi. Hình ảnh ấy vẫn còn in sâu trong đầu tôi, thật lòng tôi quá xót xa. Họ đã chấp nhận cái chết không đắn đo, không suy tính và ngoài ý niệm cao cả đó là “Tổ quốc”. Với ý nghĩ đơn thuần của người lính, họ chấp nhận hy sinh không ngoài ý nghĩ là cho cấp chỉ huy và cho đơn vị. Các Anh đã làm tròn bổn phận của người lính, của một thuộc cấp đối với cấp chỉ huy và đơn vị, các anh đã chấp nhân hy sinh bản thân mình để cho người khác được sống, các anh chính thật là những chiến sĩ “vô danh”. Tổ quốc sẽ ghi ơn và mọi người sẽ đời đời nhớ ơn các anh. Xin vĩnh biệt những người lính can trường của Đại đội 74, mong rằng các anh sẽ tìm được một nơi Vĩnh Hằng, nơi đó không còn chiến tranh, không còn chém giết lẫn nhau. Cầu xin các anh hãy phù hộ cho đại đội vượt qua mọi thử thách trong tương lai.

Loay hoay, cuối cùng tôi cũng tìm được chỗ Hiếu, đúng rồi tên Nguyễn Hiếu được ghi ngoài túi nylon đựng xác, có lẽ anh là người miền Trung. Nhìn gương mặt xanh xao, đôi mắt nhắm nghiền với hai tay buông xuôi thanh thản, có lẽ anh đã chấp nhận cái chết cũng như bằng lòng với binh chủng mà anh đã chọn lựa. Anh ra đi trong thanh thản nhưng đã để lại cho đồng đội nhiều tiếc thương, gia đình vợ con anh quá nhiều đau khổ, mất mát. Mong rằng anh sẽ tìm được một nơi nào đó thật bình an không còn hận thù. Tôi cảm thấy mắt mình bị cay cay nên vội vã bước đi.

Tuần sau, TĐ6ND vào thay thế Tiểu đoàn 7 Nhảy Dù ra ngoài dưỡng quân và bổ sung quân số. Sau gần một tháng TĐ7ND đã vượt qua vô vàn khó khăn và cuối cùng đã hoàn thành nhiệm vụ mà cấp trên đã giao cho một cách tuyệt vời. Thế mới đúng là Nhảy Dù “cố gắng”.

MĐ Song Ngư
Mùa Đông vùng Tampa Bay