TIẾNG VIỆT NƠI XA (Lê Tạo)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Image may contain: one or more people, outdoor, text and nature

Một lần, đang đi giữa phố chợ đêm rất đông đúc ở Đài Loan, tôi chợt nghe giọng “nẫu” của một phụ nữ Việt phía đằng sau. Tôi dừng lại, vờ xem một món hàng của gian bên cạnh. Hai người phụ nữ trẻ Việt Nam đi lên, vừa cầm một que trái cây (xoài, ổi, cóc, v.v.). Trái cây được cắt ra từng miếng, xâu qua một que bằng tre, được bán rất phổ thông ở các chợ đêm tại Đài Loan. Họ vừa đi, vừa ăn vừa nói. Tôi nghe giọng và đoán là gốc gác Tuy Hòa hay Sông cầu, Qui Nhơn gì đó. Cái giọng không lẫn vào đâu được. Tôi tò mò theo sau. Tôi xem thử họ có phải là những người đi du lịch, hay họ là lao động Việt tại Đài Loan, hay là những cô dâu Việt trên xứ người. Tôi đi theo họ một đoạn, rồi thôi.

Lần khác, tại khu trung tâm thương mại ở Thấm Quyến, nằm ngay ranh giới của Trung Quốc và Hồng Kông, tôi cũng nghe tiếng Việt. Quay lại thử, không còn nghe nữa, mà bị chen mất vào tiếng ồn ào của người bản xứ, của từng đoàn người đi qua, đi qua. Tôi nhìn dáo dát xem tiếng nói của ai đó, cùng dòng máu VN với mình. Giọng nói ấy cất lên rồi bất chợt lạc mất giữa không khí ồn ào của khu thương xá xầm uất này.

Lần nữa, ở Cancun, trong lúc đi xem tháp cổ. Tôi lại nghe tiếng Việt phát lên từ sau lưng. Tôi đoán họ là những thành viên của một gia đình. Tôi nghe họ so sánh tháp cổ với những tháp Chàm tại Việt Nam. Tôi nghe họ kêu ca nóng nực, so sánh cái nóng và rin rít ẩm của Cancun vào tháng 8 với cái nóng tại VN. Tôi chỉ lắng nghe vậy thôi, chứ chẳng có chủ đích gì.

Mà lạ, hễ đi đâu, nghe tiếng Việt là tôi như dừng lại, nghe ngóng. Có khi như dò tìm một cái gì đó. Có khi đoán thử người này đến từ đâu: Quảng Trị, Bình Định hay Sài Gòn.

Tuy nhiên, cũng cái giọng Việt ấy, nhưng tôi rất hờ hững, thậm chí không quan tâm khi bước xuống sân bay Tân Sơn Nhất, rất ồn ào. Và lại càng ghét kinh khủng khi xếp hàng, trình giấy tờ. Một khuôn mặt căm căm, nhìn lướt qua, bảo: điền chưa đúng, ra kia điền lại… Đó là giọng Việt chính thống, phát ra từ một khuôn mặt thiếu hẳn nụ cười từ thưở Cha sanh, Mẹ đẻ. Đó là một trong những chất giọng khó ưa nhất trong đời của tôi.

Trong những chuyến công tác xa nhà, dù là trong hay bên ngoài nước Mỹ, tôi thèm được nghe giọng ai đó, nói vài câu tiếng Việt, bất kể là Nam hay Nữ, già hay trẻ. Trong những chuyến đi ấy, dù không thèm thức ăn Việt Nam, nhưng tôi cũng cố tìm một nhà hàng Việt, ghé vào. Ngon hay dở khoan tính. Cái được lời trước mắt là được nghe giọng Việt.

Tại sao tôi lại thích nghe cái giọng Việt Nam ở những nơi chốn xa lạ như thế?
Một phần, có lẽ, tò mò.
Phần khác, có lẽ muốn gặp một người Việt ở một nơi chốn xa lạ, xem thử có … quen không.
Phần nữa, có lẽ muốn biết người kia là ai, họ làm gì ở xứ này mà dùng ngôn ngữ của mình.

Nhưng, cái “có lẽ” mạnh nhất trong tôi, đó là lúc nào cũng thôi thúc hướng về nguồn cội. Cái thôi thúc ngấm ngầm nhưng đầy nội lực, không thể vượt qua, không thể dứt bỏ. Cái thôi thúc như muốn ôm trọn vào lòng cái tiếng nói kỳ diệu đó. Đó là thứ tiếng mà nhạc sĩ Phạm Duy từng viết: tiếng Mẹ ru từ thuở nằm nôi, hát cười theo mệnh nước nổi trôi…

Thèm nghe tiếng Việt ở một nơi xa lạ, dường như đó là một … căn bịnh không thuốc chữa.
Vậy, bạn có khi nào bị “bịnh” giống như tôi không?

Lê Tạo
#TuybutLeTao

P/S: Hình đẹp nhưng không biết tên tác giả. Thấy ở vài nơi trên net.