THỦY QUÂN LỤC CHIẾN… BINH CHỦNG KIÊU HÙNG (Mũ xanh Phạm Vũ Bằng)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

No photo description available.

No photo description available.

May be an image of 4 people, people standing, outdoors and text that says 'Úy Trương Bá Hận trậnBình Bình Giả'

“Đầu xanh mũ đỏ thiên thần,
Sống hùng, sống mạnh, đếch cần sống lâu.”
Phạm gia Cổn
Y Sĩ TQLC: Những Người Không Thích Sống Lâu.
***
THỦY QUÂN LỤC CHIẾN QUÂN LỰC VIỆT NAM CỘNG HÒA “sống hùng sống mạnh nhưng không sống lâu”. Sống hùng sống mạnh thì ai cũng thích nhưng không sống lâu thì lại ít người muốn, TQLC chỉ nhận những người tình nguyện cho nên binh chủng này gồm toàn những người không thích sống lâu, điều này cũng đúng đối với Quân Y TQLC.
Trước khi viết bài này tôi xin cám ơn Y Sĩ Trung Tá TQLC Nguyễn Văn Thế, đã kể cho tôi biết về những niên trưởng Y Sĩ TQLC anh dũng hy sinh ngoài mặt trận. Tôi cũng chân thành cám ơn niên trưởng Y Sĩ Thiếu Tá TQLC Trần Xuân Dũng gần đây đã gửi cho tôi tập tài liệu về những niên trưởng Y Sĩ TQLC bị tữ thương và trọng thương ngoài mặt trận, tôi muốn nhấn mạnh là trọng thương còn bị thương lẻ tẻ thì không tính.(Tài liệu của BS Dũng sẽ được đăng trong ĐSST 2015)
Binh chủng TQLC được Tổng Thống Ngô Đình Diệm lý sắc lệnh thành lập năm 1954. Dưới thời cụ Diệm TQLC là đứa con cưng, mỗi khi có lệnh hành quân thì Bộ Tổng Tham Mưu phải nghiên cứu mặt trận kỹ và có kế hoạch rõ ràng cho nên TQLC đã gặt hái được nhiều chiến công lẫy lừng. Ngày 1/11/1963 các tướng phản loạn lật đổ và sát hại anh em Cụ Diệm, sau đó họ phá bỏ Ấp Chiến Lược, thả bọn Tù Binh Phiến Cộng, không lo việc nước mà chỉ tranh dành quyền lực với nhau làm cho Miền Nam mất an ninh, Việt Cộng nổi lên như kiến rừng, TQLC bắt đầu cuộc sống giang hồ “12 tháng anh đi” bốn vùng chiến thuật- hết Bến Hải lại đến Cà Mâu để đánh dẹp bọn chúng…
Mỗi tiểu đoàn TQLC có một Trung Đội Quân Y gồm khoảng 20 Quân Y Tá được phân chia đến cấp đại đội, tại bộ chỉ huy tiểu đoàn có một trạm cấp cứu gồm khoảng 5 Quân Y Tá, Trung Đội Quân Y do một Y Sĩ Trưởng Tiểu Đoàn chỉ huy trực tiếp. Người Y Sĩ này là một Bác Sĩ Y Khoa tốt nghiệp tại Đại Học Y Khoa Saigon hay Huế, ngoài trách nhiệm chỉ huy cấp cứu thương binh lúc tiểu đoàn đụng trận, người Y Sĩ Trưởng còn có trách nhiệm về Y Khoa Phòng Ngừa, Y Tế Công Cộng cho cả tiểu đoàn…
Trong cuộc chiến 1954-1975 Quân Y TQLC có số thương vong ngoài mặt trận cao nhất so với Quân Y các quân binh chủng bạn của QLVNCH. Điều này chứng tỏ rằng Binh Chủng TQLC đã tham dự những trận chiến ác liệt nhất tại chiến trường Miền Nam cũng như ngoại biên, vì lý do hạn chế của bài viết, tôi chỉ kể ra những trường hợp thương vong của các Y Sĩ TQLC.
Tử Trận (tiết mục “tử trận” và “bị thương” được viết theo tài liệu của hai niên trưởng BS Nguyễn Văn Thế và BS Trần Xuân Dũng, bài của BS Trần Xuân Dũng sẽ đăng trong ĐSST 2015, chi tiết các trận đánh do phỏng vấn trực tiếp những TQLC tham dự trận và đọc Chiến Sử TQLC).
1-Bác Sĩ Trương Bá Hân- Trận Bình Giả.
TBhan-4
BS Hân (dấu X), Đại Uý Hoán.
Ngày 31/12/ 1964 Làng Bình Giả tại Bà Rịa bị quân Cộng Sản tấn công. TĐ 4 TQLC được lệnh đến giải vây, sau khi hoàn thành nhiệm vụ thì có một trực thăng Mỹ với phi hành đoàn 4 người bị bắn rơi trong khu vực cách làng Bình Giả hơn 2 km. Khi TĐ 4 được lệnh đi tìm chiếc trực thăng này thì bị 1 Trung Đoàn VC phục kích, bao vây chia cắt, kết quả là Thiếu Tá Tiểu Đoàn Trưởng Nguyễn Văn Nho, Tiểu Đoàn Phó Đại Úy Trần Văn Hoán bị tử thương, cố vấn Mỹ bị bắt.
Bác Sĩ Trương Bá Hân bị thương nặng, người mang máy của tiểu đoàn trưởng là Hạ Sĩ Vân cũng bị thương, anh cầu cứu Bác Sĩ Hân “Bác Sĩ ơi! Em bị thương”. Bác Sĩ Hân đáp lại với giọng yếu ớt “Chờ chút xíu, tôi sang ngay”. Thấy giọng nói yếu ớt, Hạ Sĩ Vân bò lại tìm Bác sĩ Hân thì thấy ông bị trọng thương và qua đời ngay sau đó. Sau này khi Bác Sĩ Trần X Dũng về làm Y Sĩ Trưởng TĐ 4 chính anh Hạ Sĩ này đã kể câu chuyện cho BS Dũng.
Theo Thiếu Tá Tùy Viên của Đại Tướng Viên thì Tướng Tư Lệnh QĐ III lúc bấy giờ là Thiếu Tướng Cao Văn Viên, chỉ huy Chiến Dịch Bình Giả là Đại Tá Lâm Quang Thơ. Tướng Viên cho đến năm 1963 vẫn là Đại Tá Chánh Võ Phòng của Tổng Thống Ngô Đình Diệm có nghĩa ông là một tướng văn phòng, sau đảo chánh vì lý do chính trị ông được đề cử làm Tư Lệnh Lữ Đoàn Nhảy Dù rồi năm 1964 ông được vinh thăng thiếu tướng và làm Tư Lệnh QĐ III.
Trận Bình Giả đã xẩy ra mấy tuần trước khi TĐ 4 TQLC lâm chiến, Cha Xứ Làng Bình Giả đã báo về Tiểu Khu Phước Tuy rằng quân số VC hơn 1 trung đoàn với vũ khí tối tân. Theo Trung Úy Trần Ngọc Toàn ĐĐT ĐĐ 1/TĐ 4 thì trước đó ngày 9/12/64 VC đã phục kích trong khu vực gần đó bắn cháy 14 Thiết Vận Xa , ngày 28/12/64 VC dùng 2 đại đội tấn công Làng Bình Giả để nhử quân ta, TĐ 38 BĐQ được trực thăng vận đến giải vây bị địch phục kích tổn thất nặng, TĐ 33 BĐQ đến tiếp cứu bị VC phục kích ngay bãi đổ quân bị tan hàng, tiểu đoàn trưởng tử thương, ngày hôm sau TĐ 30 BĐQ đến tiếp viện giao tranh ác liệt với VC và bị tổn thất nặng, không bắt tay được với TĐ 38 BĐQ, phải rút lui vào Làng Bình Giả. TĐ 4 TQLC là lực lượng trừ bị cuối cùng của QKIII nên phải tham chiến ngày 31/12/64.
Theo một anh bạn của tôi lúc đó là phi công lái Khu Trục Cơ AD6 đóng tại phi trường Biên Hòa thì lúc chiến trận Bình Giả xẩy ra tại Biên Hòa ta có 50 chiếc AD6 đủ sức để san bằng khu rừng Bình Giả nơi VC ẩn núp, nhưng QĐ III đã không sử dụng hỏa lực quyết định này mà lại dùng “chiến thuật” tiếp cứu nhỏ giọt từng TĐ một, TĐ này bị đánh tan thì cho TĐ khác vào nên ta thảm bại!.
2-Bác Sĩ Trần Ngọc Minh-Trận Việt An.
Tháng 4/ 1965 TĐ 3 TQLC được tăng phái cho SĐ 2.BB. Theo Tr. Tá TQLC Lê Bá Bình, người đã tham dự trận này thì chỉ huy chiến dịch là Trung Tá Nguyễn Văn Toàn sau lên Trung Tướng TL.QĐIII. Cuộc hành quân tại thung lũng Việt An tỉnh Quảng Nam là để truy lùng một trung đoàn của SĐ 3 Sao Vàng VC. Quân địch mang một cánh quân nhử quân ta tại Núi Chàm, Tr.Tá Toàn “ham mồi” ra lệnh cho TĐ 3 truy đuổi. Trong lúc TĐ3 tung các đại đội tiến xa tìm địch thì một cánh quân VC khác tấn công vào bộ chỉ huy của TĐ 3, trong số 26 TQLC bị tử thương có Bác Sĩ Trần Ngọc Minh, còn Tiểu Đoàn Trưởng TĐ 3 Thiếu Tá Nguyễn Thế Lương thoát chết.
3-Bác Sĩ Lê Hữu Sanh-Trận Mộ Đức-Quảng Ngãi.
Tháng 6/1965 TĐ5 TQLC hành quân tìm địch ròng rã cả tháng mà không thấy, đến ngày về thì Tiểu Khu Quảng Ngãi xin gia hạn giữ TĐ5 thêm 1 ngày và thiết kế lệnh hành quân “sáng đi chiều về” cho TĐ5 vào Quận Mộ Đức. Tại đây có 1 trung đoàn VC chờ đón, phục kích và tấn công TĐ5, Tiểu Đoàn Trưởng Thiếu Tá Dương Hạnh Phước và Cố Vấn Mỹ tử trận.
Bác Sĩ Lê Hữu Sanh bị thương ở đùi. Theo 1 TQLC sống sót kể lại thì khi Bác Sĩ Sanh bị thương, anh kéo ông vào trong bụi cây để trốn. Khi bộ chỉ huy tiểu đoàn bị tràn ngập thì VC đi tìm thương binh để giết, anh TQLC này trốn cách đó 10 thước nghe rõ VC nói với BS Sanh: ”Mày là bác sĩ à? Tao cho mày phát súng ân huệ”. Hôm sau xác BS Sanh được chở về Bệnh Viện Tiểu Khu Quảng Ngãi và được người bạn cùng lớp là BS Võ Thương khâu vá vết thương trên trán và sau ót. Anh TQLC sống sót này đã kể cho BS Võ Thương câu chuyện thương tâm trên.
Sự việc TĐ5 TQLC bị Tiểu Khu Quảng Ngãi giữ lại 1 ngày để hành quân vào Quận Mộ Đức “sáng đi chiều về” có nhiều uẩn khúc, phải chăng trong Tiểu Khu này có nội gián?
4-Bác Sĩ Đinh Quốc Bảo-Căn Cứ Sarge- Bá Hô- Tỉnh Quảng Trị.
TĐ6 TQLC, năm 1971 cánh A đóng tại Sarge, cánh B đóng tại Bá Hô. Giữa Sarge và Bá Hô có 1 ĐĐ trấn giữ đường giao thông. VC tấn công ĐĐ này và pháo kích cả Sarge và Bá Hô, một trái hỏa tiễn 122 ly lọt vào hầm trú ẩn của BS Bảo và lấy đi mạng sống của ông làm cho cả TĐ 6 thương tiếc vì BS Bảo là người vui tính dễ mến. Đặc biệt trong trận pháo kích vào căn cứ Sarge này không ai bị thương tích gì ngoại trừ BS Bảo tử trận. Tiểu Đoàn Trưởng TĐ6 lúc đó là Thiếu Tá Đỗ Hữu Tùng, sau này lên Trung Tá LĐP LĐ 147 ông đã kể cho tôi chuyện này và cho biết thêm BS Bảo rất đẹp trai và đào hoa. Thiếu Tá Cảnh TĐP TĐ 6 cũng cho tôi biết chi tiết giống như vậy.
Bị Thương:
1-Bác Sĩ Đinh Quốc An: TĐ6 TQLC hành quân tại Tân Uyên tháng 2/1967 BS An bị thương nặng vào chân, bệnh viện Cộng Hòa chê không chữa được nên phải chuyển về bệnh viện Bình Dân. Nhờ được Giáo Sư Trần Ngọc Ninh tận tình cứu chữa nên anh không bị cưa chân nhưng bị tàn tật vĩnh viễn.
2-Bác Sị Phạm Hữu Hảo: TĐ2 Trâu Điên TQLC. Năm 1966 miền Trung đại loạn. Nhóm phật giáo do tên Việt Cộng đội lốt nhà sư Thích Trí Quang cầm đầu làm loạn tại Huế- Đà Nẵng, chúng xui phật tử xuống đường đình công bãi thị, mang bàn thờ xuống đường để cản trở lưu thông, áp lực công chức, quân đội theo chúng đòi tự trị Miền Trung, không theo chỉ thị của chính quyền trung ương tại Saigon, bên ngoài Huế nhiều trung đoàn VC tụ tập để sẵn sàng tiếp thu thành phố.
Trước tình thế này, chính quyền trung ương ở Saigon cử 1 LĐ ND và Chiến Đoàn B TQLC gồm TĐ 1 và 2 của Thiếu Tá Tôn Thất Soạn ra Đà Nẵng – Huế dẹp loạn. Ngày 14/4/1966, sau khi dẹp yên nội thù trong thành phố, Chiến Đoàn B tham dự cuộc Hành Quân Lam Sơn 283 để tiêu diệt quân Việt Cộng đang tụ tập tại phía Đông Bắc thành phố Huế. Từ ngày 21/6/1966 đến ngày 23/6/1966 TĐ 1 chiếm Bích La Thôn phía Bắc, TĐ 2 chiếm “Hương Lộ Buồn Hiu” tại Gia Đẳng, Phù Lưu dồn Trung Đoàn 808 VC (hậu thân của Tr Đoàn 95 VC) dọc theo Hương Lộ 555 đến bờ sông Vĩnh Định, Bích La Thôn. Tại đây chúng hết đường chạy vì có TĐ 1 chặn, TĐ 2 tàn sát Trung Đoàn 808 xác chúng ngập sông Vĩnh Định. Sau chiến thắng này Tiểu Đoàn Trưởng/ TĐ 2 Thiếu Tá Lê Hằng Minh được vinh thăng Trung Tá.
Chưa kịp mừng xong chiến thắng, TĐ 2 TQLC được lệnh di chuyển lên Quảng Trị, vì có nội tuyến tại QĐI nên VC biết trước cuộc hành quân (tài liệu VC đã xác nhận điều này). Chúng tổ chức tuyến phục kích tại phía bắc cầu Phò Trạch, cây số 29 bắc Huế. Sau khi bị hoãn lại 1 ngày (có lẽ để VC củng cố tuyến phục kích) ngày 29/6/66 TĐ 2 được lệnh di chuyển lên Quảng Trị và bị phục kích tại phía bắc cầu Phò Trạch. Sa cơ vì nội thù Trâu Điên Chúa Lê Hằng Minh gục chết bên cạnh trên 40 xác Trâu Điên khác, Y Sĩ Trưởng TĐ2 BS Hảo bị thương tại đùi, may nhờ đệ tử cõng chạy thoát khỏi vùng phục kích nên thoát chết.
Cuộc phản công của TĐ 2 Trâu Điên và các đơn vị bạn được tổ chức ngay sau đó, địch bỏ chạy để lại trên 233 xác chết cùng rất nhiều vũ khí lớn nhỏ…
3-Bác Sĩ Ngô Quang Trung: TĐ 3 TQLC hành quân tại Tân An năm 1967, tiểu đoàn đụng trận rất nặng, anh bị một viên đạn bắn sẻ trúng đầu, may nhờ nón sắt viên đạn lệch hướng nên anh không chết mà chỉ bị thương. Từ đó BS Trung mang một vết thẹo trên thái dương bên phải, tóc không mọc được.
5-Bác Sĩ Lê Tấn Huỳnh Long và Bác Sĩ Nguyễn Trùng Khánh TĐ 1 TQLC: Tiểu Đoàn Trưởng/TĐ1 Trung Tá Nguyễn Thành Trí sau này là Đại Tá Tư Lệnh Phó Sư Đoàn, ông cho tôi biết:TĐ 1 hành quân tại quận Kiến Hưng, tỉnh Chương Thiện đêm ngày 30/4/1970, Bác Sĩ Long bị miểng đạn pháo kích gẫy cột xương sống, trực thăng đến ngay chở anh vào BV Cần Thơ. Ngày 2/5/1970, Bác Sĩ Khánh đến thay, trong lúc anh đang nói chuyện với Trung Tá Trí khoảng 15 giờ thì một TQLC trong toán Biệt Kích TĐ đạp phải mìn, BS Khánh bị trúng miểng mìn bị thương tại bụng và cột xương sống. Sự kiện 2 người BS bị thương cột xương sống trong 2 ngày liên tiếp tại cùng 1 tiểu đoàn là hy hữu và làm xôn xao dư luận y giới Saigon làm cho các BS “thích sống lâu” chê binh chủng TQLC.
6-Bác Sĩ Đỗ Mỹ Ánh: TĐ 7 TQLC. Năm 1971 trong trận Hạ Lào, BS Ánh bị miểng đạn pháo kích 130 ly mất một con mắt, Y Tá Trưởng Trung Sĩ Phước tử trận, các y tá khác trong ban cấp cứu đều bị thương.
7- Bác Sĩ Nguyễn Văn Hoàn, TĐ 1 TQLC, trận đổ bộ Triệu Phong, Quảng Trị, ngày 11/7/1972.
Khi nhận lệnh thay thế Sư Đoàn Nhẩy Dù để chiếm lại thành phố Quảng Trị , việc đầu tiên Thiếu Tướng Tư Lệnh TQLC Bùi Thế Lân nghĩ đến là phải cắt đứt đường tiếp tế huyết mạch cho đạo quân tử thủ Quảng Trị của Cộng Sản Bắc Việt tại Quận Triệu Phong 1 cây số Đông Bắc Quảng Trị. Nơi đây có Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn 66 CSBV cùng với ít nhất Trung Đoàn địch có cả thiết giáp và phòng không yểm trợ. Trọng trách đổ bộ trực thăng vận được giao cho TĐ 1 TQLC. Cùng lúc TĐ 2 và một thiết đoàn chiến xa áp dụng ”Nhị Thức Bộ Binh Thiết Giáp” tiến hỏa tốc trên Hương Lộ 555 tới Triệu Phong đánh ngang hông địch, TĐ 4 và TĐ 7 làm trừ bị. Hỏa lực yểm trợ gồm 1 TĐ pháo binh 105 ly, 1 pháo đội 155 ly, không yểm chiến thuật và chiến lược B52, hải pháo từ Hạm Đội 7, tóm lại Tướng Bùi Thế Lân đã dùng tất cả những gì ông có trong tay để cắt cổ giặc tại Triệu Phong.
Ngày 11/7/72 TĐ 1 TQLC được bốc từ nhà thờ Điền Môn quận Hương Điền bằng 32 chiếc trực thăng. Khi đến Triệu Phong thì gặp hỏa lực phòng không dữ dội của địch, 29 chiếc trực thăng bị trúng đạn phòng không nhưng không rơi, 2 chiếc bị rơi. Riêng trực thăng chở Trung Đội Quân Y lại chở thêm mấy chục quả mìn chống chiến xa, chiếc trực thăng này bị trúng hỏa tiễn tầm nhiệt của địch bốc cháy dữ dội, BS Hoàn may mắn nhảy ra khỏi trực thăng trước khi chiếc này phát nổ. BS Hoàn thoát chết nhưng bị phỏng nặng tại mặt và thân thể, anh theo tiếng nổ của đạn M16 để bò về đơn vị ngày hôm sau. Vết thương phỏng cấp độ 3 đã làm anh bị tàn phế vĩnh viễn. Để đổi lấy chiến thắng Triệu Phong, 1/3 quân số TĐ 1 tử trận hoặc bị thương, Tiểu Đoàn Trưởng Thiếu Tá Nguyễn Đăng Hòa cũng bị thương.
Hai ngày sau cuộc đổ bộ này, một chiếc trực thăng từ Hương Điền chở Bác Sĩ Huỳnh Trung Chỉnh vào Triệu Phong để thay thế BS Hoàn. Trực thăng vượt qua hỏa lực của 1 trung đoàn cùng với phòng không CSBV chật vật 3, 4 lần mà không đáp được vì hỏa lực phòng không của địch quá mạnh. Bị trúng đạn như tổ ong, phi công đành phải để BS Chỉnh nhảy khỏi trực thăng đứng chơ vơ trên đồng trống trong làn mưa đạn của giặc. Đại Úy Trần Quang Duật trưởng ban 3 kiêm ĐĐT Đại Đội Chỉ Huy TĐ 1 từ sau đống rơm nhẩy ra kéo BS Chỉnh vào tránh đạn, thấy BS Chỉnh chỉ mang theo ống nghe, Duật hỏi:
-Bs có mang thuốc men gì không?
Chỉnh buồn rầu đáp:
-Thùng thuốc trên trực thăng bị trúng phòng không vỡ tan tành rồi!
Duật an ủi:
-Thôi,có BS là quý rồi, thương binh và binh sĩ sẽ lên tinh thần khi biết có BS, biết đâu họ sẽ qua khỏi.
Nói xong Đại Úy Duật dẫn BS Chỉnh tới bãi đất chỗ thương binh nằm. Duật sung sướng nhìn các thương binh vui mừng khi thấy có BS đến thăm, nhất là ông BS này lại kiêm luôn ca sĩ nổi danh mà họ từng ái mộ.
Tôi không biết tâm trạng của Kinh Kha lúc qua Tần diệt bạo chúa ra sao, tôi cũng không biết tâm trạng của BS Chỉnh lúc đơn thương độc mã bay vào Triệu Phong để yểm trợ TĐ 1 TQLC giết giặc như thế nào, nhưng tôi có thể đoán cả hai đều có cùng một tâm trạng.”
(còn tiếp)
MX Phạm Vũ Bằng
tqlcvn