THƯƠNG ĐẦU TÓC MƯỢN (Hải Lê)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

May be art of one or more people

Bới tóc thông dụng kiểu miền Tây xưa, nguồn hình: Saigonvechai

Tối nay ngồi xe lửa về, tôi thấy một người đàn ông tóc bù xù dài tới giữa lưng ngồi đối diện, rất giống nhạc sĩ Kitaro, nên chợt nhớ về một nét ở quê tôi. Đàn ông đàn bà Nam Kỳ thời trước khi có cuộc Duy Tân, đều mặc đồ bà ba và bới tóc, tới lễ lạc thì cũng chỉ mặc thêm cái áo dài, đàn ông đội khăn đóng còn đàn bà thì đội khăn vuông xếp chéo, khéo léo bợ cái cục tóc tròn vo phía sau. Đàn ông đàn bà phục sức giống nhau, nên các ông chắc sợ nhìn giống đàn bà, nên dẫu mà râu ria có thưa như râu cá trê cũng ráng nuôi cho có cái mà ve mà vuốt và ra dáng tu mi.
Riêng cái khoản bới tóc, đàn ông đàn bà đều điệu đà bằng dầu dừa, vuốt cho tóc mượt mà không một cọng chỉa ra. Đàn ông và đàn bà chỉ khác nhau chỗ đàn bà có thêm phụ kiện là cái “đầu tóc mượn”.
Có lẽ không phải dân miền Tây, nghe tới sẽ thấy ít nhiều xa lạ. Xin được giải thích ngay nó là những mớ tóc giả của các bà các cô ngày trước khi còn thịnh hành kiểu bới tóc đằng sau. Nhưng đằng sau cái chữ tóc mượn này là một câu chuyện, mà tôi nghĩ tới là thương. Vì sao không kêu là tóc giả? Mượn là mượn của ai? Mượn bằng cách nào?
Không ai biết tóc mượn có từ đời nào, nhưng có lẽ nó có từ xưa lắm, khi các bà lớn hay các cô con nhà trâm anh thế phiệt bới những kiểu tóc cầu kỳ với những nhánh tóc được vuốt sáp như cái cánh bông, tóc trên đầu không đủ mà phải chắp thêm. Có lẽ ta dành một dịp khác tìm hiểu chuyện lịch sử này. Nhưng con gái miền Tây thời trước lớn lên đã thấy bà nội bà ngoại thấy má thấy cô thấy dì… của mình ai cũng có một hai lọn tóc mượn được cột chắc một đầu bằng chỉ đen và giữ gìn như báu vật, để khi bới tóc thì tháp vô cho tròn đầy một bới.
Con gái tuổi cập kê, được má dạy cho mỗi khi chải mà có sợi tóc dài nào rụng thì lượm lại, hay là khi gội đầu trong cái thau nhôm trắng mà thấy tóc rớt trong thau thì vớt ra rồi hong cho khô ráo, rồi gỡ rối và chải cho suông. Được năm mười cọng tóc thì nhập đôi nhập ba lại rồi cột hờ cho gọn, gói lại rồi cất đâu đó cho kỹ, có khi là trong hộc tủ thờ.
Lâu ngày chày tháng, mớ tóc thu gom đó cũng nhiều, áng chừng chải suông ra rồi bó lại mà được cỡ ngón tay cái thì cứ vậy mà cột thành một bó, chải suông, vuốt dầu dừa để dưỡng ẩm. Chừng nào xuất giá thì cũng đem theo như hành trang cuộc đời! Tại sao kỳ vậy?
Thời trước làm gì mà có xà bông gội đầu đâu! Con gái muốn đầu tóc sạch sẽ không bết bát, chỉ có nấu nước bồ kết hay là ngâm nước tro bếp thay xà bông mà gội sát trùng, cô nào tinh tế lắm thì chế thêm bông bưởi bông dành dành mà gội cho thơm, còn không thì cứ lấy dầu dừa thần thánh vạn năng mà vuốt. Nhưng có lẽ những liệu pháp thiên nhiên này không đủ giữ mãi tóc trên đầu. Thêm cái thời buổi thuốc men ít ỏi, cô nào xấu máu, qua một lần sanh đẻ rồi tóc rụng như mưa, bới tóc lớn sau đầu từ từ nhỏ dần nhỏ dần, cũng như tuổi xuân theo đó mà khô mà héo.
Bây giờ là thời của cái mớ tóc mượn năm xưa. Tháp vô mà bới tóc, thấy cục tóc còn tròn vo sau ót, níu lại chút thanh xuân, tóc thề năm đó của mình chớ có của ai đâu, mình mượn tóc của mình, mình nhớ thời xuân sắc của mình.
Con gái đi làm dâu, vừa làm vợ, vừa làm mẹ; vài năm sau cha mẹ chồng già yếu, lại thành bậc mẫu nghi trong nhà, lo lắng giỗ quải, cùng chồng quán xuyến ruộng nương, cái đầu tóc vẫn tháp những lọn tóc mượn từ thời con gái, không chải chuốt điểm trang, nhưng niềm kiêu hãnh làm đẹp vẫn ngày đêm nhớ kỹ.
Mà khi gấp rút phải vừa đi vừa chạy, tay bồng con tay giữ vú, đầu tóc bới siết tới đâu cũng bung cũng rớt. Riết rồi thành câu cửa miệng, các bà các mẹ trong lúc thở than chuyện làm lụng hay muốn nói quá lên một chút, thì ai cũng nói “mần muốn sứt cái đầu tóc mượn”!
Bởi vậy mà ở quê miền Tây ngày trước, nhiều bà ngoại già nua dù đầu tóc có thưa như gốc rạ, thấy cả da đầu từng mảng, tóc bới lại chỉ còn một cục nhỏ xíu như cái trứng cút, lưa thưa trật giuộc, tóc trên đầu không còn giữ đặng tóc mượn, vẫn giữ gìn mớ tóc đó lâu lâu đem gội rồi lau khô, rồi chải dầu dừa cho mượt mà đem cất.
Anh em tôi hồi nhỏ, in là đứa nào cũng lén lấy cái mớ tóc mượn của bà nội để mà giả làm râu tóc chơi trò gánh hát. Nội mà biết thì chắc cũng cho cả đám ăn cây vô đít hoặc mấy câu mắng “mồ tổ cha mầy”.
Không biết nội buồn ít buồn nhiều, mấy lúc nội nghĩ về thời mình mới mười lăm mười bảy, nghĩ về mẹ cha, nghĩ về những ngày chắp từng sợi tóc rơi thuở trước.
Thời buổi tân kỳ, nội và ngoại tôi đều đã hớt tóc ngắn cho gọn gẽ, nhưng hình ảnh nội ngoại với bới tóc sau đầu vẫn còn đó trong tâm trí.
Lâu lâu cực nhọc vẫn muốn nói vui, nội ơi giờ con cũng biết cái cảnh mần muốt sứt cái đầu tóc mượn rồi đây!