THỜI GIAN VỚI NGƯỜI

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail
“Ta có bao nhiêu thời gian bên nhau, dành cho nhau,” bạn có bao giờ tự hỏi mình như thế. Để sống chan hòa với người mình yêu thương. Câu chuyện sau đây sẽ nhắc nhở bạn điều đó.

Ðã bao lâu rồi Jack không được gặp ông. Kể từ lần cuối cùng ấy, dễ cũng đã tới mười năm trôi qua. Mười năm, cuộc sống cuốn Jack trôi theo dòng chảy của nó. Trường học, đám bạn bè, việc làm thêm ngoài giờ…. Hết trung học, rồi lên tới đại học, Jack sống xa nhà. Và trong nhịp hối hả của cuộc sống ấy, Jack có rất ít thì giờ để nghĩ về quá khứ, và hầu như cậu không có ngày nghỉ để về thăm nhà. Những mộng tưởng, những hoài bão của tuổi thanh xuân ngày một đưa Jack đi xa.


Thế rồi…

Qua điện thoại, mẹ Jack nói: “Jack ạ, ông Belser mới mất tối hôm qua. Tang lễ của ông vào Thứ Tư này.” Nghe lời mẹ nói qua điện thoại, bỗng chốc những kỷ niệm ùa về trong tâm trí Jack, cậu thấy mình trở về lại những ngày còn bé tí. “Jack này, con có nghe mẹ nói không?”- “Dạ thưa mẹ, có ạ. Con xin lỗi mẹ,” Jack vội đáp. “Vì đã quá lâu rồi, mẹ ơi. Con cứ tưởng ông ấy qua đời từ mấy năm trước cơ. Nào ngờ…”

“Nhưng con ơi, ông Belser không hề quên con. Lần nào gặp mẹ, ông ấy cũng hỏi con học hành ra làm sao. ông luôn luôn nhắc lại những lần con sang nhà ông ấy chơi và ở lại đó cả ngày. Từ ngày cha con mất, ông Belser dạy dỗ con còn nhiều hơn là mẹ nữa cơ đấy. Ông ấy rất thương con!”


“Thưa mẹ, con sẽ về dự đám tang ông Belser, mẹ ạ…


Tuy hết sức bận rộn nhưng Jack đã cố gắng giữ lời. Cậu đáp chuyến bay sớm nhất về nhà. Ðám tang ông Belser rất đơn giản, vì ông không có con cái và rất ít họ hàng.


Về phần Jack, tuy trường đang kỳ nghỉ hè, nhưng cậu định quay lại ngay ngày hôm sau vì còn công việc làm thêm. Vả lại, ở lại đây Jack cũng không có việc gì để làm nữa. Trước hôm trở về lại trường, Jack sang thăm căn nhà cũ của ông Belser. Trong lòng Jack dâng lên cảm giác như đang trở lại với thời quá khứ, về lại một nơi không thay đổi qua thời gian. Căn nhà vẫn giống y như nhiều năm trước, không khác gì hình ảnh trong trí nhớ của Jack. Jack đi dạo quanh nhà, ngắm từng đồ vật, chạm lên từng tấm ảnh, bức tranh. Bỗng cậu dừng lại trước một chiếc bàn, đứng lặng yên. “Có chuyện gì vậy con, Jack?” Mẹ cậu hỏi. “Cái hộp đâu mất rồi… mẹ ạ…” Jack nói bằng giọng sững sờ đến nỗi mẹ cậu đâm ra lo lắng. “Hộp gì thế con?” “Có một chiếc hộp gỗ luôn luôn khóa để trên cái bàn này. Con đã hỏi ông Belser tới cả ngàn lần rằng có gì bên trong hộp nhưng ông chỉ nói: “Ðó là thứ mà ông quý nhất.”


Ðúng là tất cả mọi thứ đều y nguyên như ngày xưa ngoại trừ chiếc hộp là không còn đó nữa. Jack nghĩ chắc là có ai trong gia đình ông Belser đã mang nó đi. “Bây giờ thì mình chẳng bao giờ có dịp biết trong hộp ấy chứa gì.” Jack nghĩ thầm.


Thế rồi… Chỉ hai tuần sau khi ông Belser mất, Jack nhận được một bưu phẩm gửi đến trường đại học cho mình. Bưu phẩm trông cũ kỹ như thể nó được gửi đi từ một trăm năm trước. Phần tên người gửi khiến Jack giật mình: Mr. Harold Belser!


Tay Jack run lên khi mở bưu phẩm và thấy bên trong bưu phẩm là chiếc hộp gỗ ở nhà ông Belser kèm thêm một tờ giấy ghi: “Khi tôi mất, xin hãy gửi chiếc hộp này tới Jack Bennett. Ðây là thứ tôi quý nhất trong đời mình.” Một chiếc chìa khóa được đính vào tờ giấy viết thư. Jack bỗng thấy nghẹn ở cổ. Cậu cẩn thận mở cái hộp gỗ. Bên trong có một chiếc đồng hồ bỏ túi bằng vàng và một lá thư ngắn: 


“Jack, cám ơn thời gian cháu đã dành cho ông. 

Ðó là những lúc cuộc sống của ông hạnh phúc nhất. 
Thương yêu, 
Harold Belser.” 

Thì ra thứ mà ông Belser quý nhất là thời gian Jack ở bên ông. Jack giữ chiếc đồng hồ trong tay, rồi gọi điện thoại tới chỗ làm thêm xin nghỉ hai ngày.


“Ủa, sao lại thế?” Cô thư ký của công ty hỏi lại. “Tôi cần thời gian ở bên mẹ,” Jack trả lời. Và cậu nói thêm: “Vả lại, thế này Janet ạ, cảm ơn thời gian em đã dành cho tôi.”


*


Bạn ơi, một lần nữa xin được nhắc lại ở đây, cuộc sống không được tính bằng số giờ phút ta có mặt trên cõi đời này, mà bằng số giờ phút ta chia sẻ với những người thân yêu, đem đến cho họ sự an ủi trìu mến và những niềm vui.” Vậy, vào dịp Mùa Lễ, bạn hãy đi thăm một người nào đó – người phụ nữ cô đơn bên hàng xóm vẫn thường mỉm cười với bạn mỗi sớm mai, hay người thầy học cũ của mình, hoặc giả người cha già trong nursing home. Và đem đến cho họ một gói quà nhỏ hoặc một bông hoa. Ðó sẽ là tia nắng sưởi ấm hồn người giữa mùa Ðông băng giá này.


theo  Chicken Soup for the Soul