THỜI ĐẠI KHÔNG PHÂN BIỆT CÓ HỌC VÀ VÔ HỌC (Chu Mộng Long)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Bài viết của tác giả Chu Mộng Long nói về thực trạng của tiếng Việt hiện nay trong nước Việt Nam

Thầy tôi, một ông giáo già thời Việt Nam cộng hòa được nhà nước trọng dụng sau 1975, hôm nay bỗng dưng đến thăm tôi. Tôi thường không uống trà vào ban đêm. Nhưng hôm nay pha một ấm thật đặc tiếp thầy. Ba bốn mươi năm nay, tôi không thăm thầy mà thầy lại tìm đến thăm tôi. Thật có lỗi với thầy!
Nhấp ngụm trà sen đứa học trò từ Huế gửi vào, thầy tấm tắc khen. Và thầy vào chuyện ngay:
– Em ơi, thời đại gì mà không phân biệt người có học với kẻ vô học…
Tôi giật thót, vì nghĩ thầy đang trách tôi. Có thể thầy trách tôi chưa một lần về thăm thầy, hoặc cũng có thể vì tôi viết khá trực ngôn, không có cái nhã của ông thầy xưa. Tôi im lặng chờ thầy nói tiếp. Tôi dặn lòng phải nghe thầy dạy, dù bây giờ tôi có bằng cấp cao hơn thầy nhiều.
– Ý thầy muốn nói là cái trình độ chữ nghĩa ấy.- Thầy vuốt chòm râu trắng và nói bằng giọng buồn thiu chứ không có chút gì giận dữ, trách móc – Thầy đọc em, rồi đọc sang trang Hoàng Tuấn Công thấy buồn thật sự. Giáo sư tiến sĩ Việt ngữ học mà không hiểu gì về tiếng Việt, có tệ hơn kẻ vô học không?
Thì ra là chuyện Từ điển Chính tả. Lẽ ra tôi phải lên giọng phang thẳng tay cái đám giáo sư tiến sĩ ấy, nhưng rồi cũng buồn lây theo thầy. Tôi trả lời thật nhẹ nhàng như bào chữa cho thế hệ chúng tôi:
– Thưa thầy. Chuyện sai chính tả thì ai cũng có thể sai. Trong lịch sử chữ viết tiếng Việt, một thế kỷ qua có những thay đổi nên có hiện tượng bất nhất dẫn đến nhầm lẫn, nhiều từ địa phương được phổ thông hóa, và cả những từ gốc Hán nhưng mất gốc… Em thỉnh thoảng cũng sai và phải tra lại gốc.
Thầy cười, nụ cười thật nhân từ:
– Chuyện sai chính tả như em nói thì kể làm gì? Nếu bắt lỗi như vậy thì thế hệ thầy sai nhiều lắm. Nhưng sai so với chuẩn bây giờ, tức chuẩn của sách giáo khoa hiện hành. Thời thầy học, sách giáo khoa ban đầu viết “quấc”, sau điều chỉnh là “quốc”, “xử dụng” sau sửa là “sử dụng”, “giòng” sau sửa là “dòng”… Sách giáo khoa là luật về chính tả, sách thay đổi thì người học thay đổi theo, tất nhiên do thay đổi đó mà khi viết sẽ có nhầm lẫn. Nhưng những trường hợp cái từ gắn với cái nghĩa thì không thể sai được. Chẳng hạn, “chia sẻ” và “chia xẻ”, “dứt tình” và “rứt tình”, “siêu tán” với “xiêu tán”… là những từ khác nghĩa, người có học không thể nhầm lẫn. Đến thành ngữ, tục ngữ là lời ăn tiếng nói của dân gian, dân cứ dùng cảm tính thì không chấp chứ người có học thì không thể dùng như kẻ vô học được.
Tôi im lặng lắng nghe thầy nói. Chỉ còn biết ngồi châm trà cho thầy. Thầy kể câu chuyện như tôi từng nghe ba tôi kể, về những thành ngữ, tục ngữ ấy. Chuyện của dân gian. Về cái anh nông dân vô học hay nói chữ. Anh ta nói: “Đứt cuống họng thì cổ lòi gân” Nhưng người kể chuyện dân gian vẫn giải thích được nguyên bản: “Đức trọng quỷ thần kinh”. Anh ta nói: “Gáo tra thì dài cán”. Nhưng người kể chuyện dân gian vẫn giải thích từ nguyên bản: “Giáo đa thành oán”. Thầy khẳng định: “Xem ra dân gian ít học nhưng không phải không biết chữ. Biết cái chữ cái nghĩa nên mới biết cười mỉa mai như vậy”. Nói đoạn, thầy quay lại cái từ điển của giáo sư, tiến sĩ Việt ngữ học thời nay:
– Không tưởng tượng nổi một giáo sư, tiến sĩ mà đưa vào từ điển những câu ngộ nghĩnh như: “Thâm nghiêm cùng cốc” (Thâm sơn cùng cốc), “Nghe gà hóa cuốc”, “Trông gà hóa cáo” (Trông gà hóa cuốc), “Trèo đèo lặn suối” (Trèo đèo lội suối), “Trái trứng trái nết” (Trái chứng trái nết), “Tu binh mãi mã” (Chiêu binh mãi mã)… Cái anh vô học mà loại vô học ngu xuẩn mới nói và viết như vậy, chứ nếu một anh dân quê vô học mà có cái đầu thì cũng không nói và viết như vậy!
Tôi cay đắng khi nghe thầy phán xét về giới khoa bảng của thời tôi đang sống. Tôi chỉ bình một câu cay đắng:
– Thôi thầy ơi… Sự không phân biệt giữa có học với vô học là xu thế của thời đại rồi. Lỗi tại nhà thơ Chế Lan Viên. Chẳng phải cái ông nhà thơ xách dép đi theo cách mạng ấy ngợi ca: “Những kẻ quê mùa đã thành trí thức/ Tăm tối cần lao nay hóa những anh hùng” đấy sao? Nay chính các bậc khoa bảng đã tự xóa cái ranh giới có học và vô học, tức họ làm cách mạng triệt để đấy thầy ạ!
Khi thầy ra về. Tôi tiễn thầy mà lòng rưng rưng. Buồn đến cay đắng về con đường khai dân trí mà tôi đeo đuổi. E chừng tối nay tôi lại mất ngủ, có thể vì trà, và vì cuộc trò chuyện với thầy tôi…
 
Chu Mộng Long