THIẾU TƯỚNG NGUYỄN VĂN HIẾU : VỊ TƯỚNG VNCH TÀI ĐỨC SONG TOÀN (Phạm Phong Dinh/Chiến sử QLVNCH)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Image may contain: 1 person, closeup

Trong cuộc chiến đấu anh dũng của quân dân Việt Nam Cộng Hòa chống lại làn sóng đỏ xâm lăng của khối cộng quốc tế, mà quân đội cộng sản Bắc Việt chính là con tốt, ngụy quyền Hà Nội là tay sai, xua người Việt giết người Việt, thì Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, nỗ lực chính đã nhận trọng trách bảo vệ phần đất còn lại của nước Việt Nam Cộng Hòa dù còn non trẻ, vũ khí thiếu thốn, đã chận đứng được những đợt sóng cuồng chiến quá hung hãn của binh đội Bắc Việt, nhiều lúc tưởng chừng phải ngã quị, rồi cũng đứng lên được và đánh những trận long trời vang danh chiến sử. Để có thể làm được những điều kỳ diệu đó, QLVNCH đã hun đúc và cống hiến cho tổ quốc không biết bao nhiêu là anh hùng hào kiệt, mà đã đem máu xương viết thành những trang lịch sử chói lọi. Những vị tướng lãnh xuất sắc nhất của QLVNCH đã chứng minh với thế giới, với những nhà viết quân sử và với những người có thiên kiến khắt khe với Việt Nam Cộng Hòa lẫn thân cộng, rằng quân đội Việt Nam Cộng Hòa khi đã được chỉ huy bởi những anh hùng kiệt xuất, thì quân đội đó trở nên một quân đội thiện chiến, có khả năng bảo vệ được đất nước.
Một trong những vị Tướng mà đã nhận được sự nể phục của đồng ngũ và của cả các giới chức quân sự cao cấp Hoa Kỳ tại Việt Nam chính là Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu, từng giữ nhiều chức vụ quan trọng trong QLVNCH, từng làm Tư Lệnh các Sư Đoàn 22 Bộ Binh và Sư Đoàn 5 Bộ Binh, Tham Mưu Trưởng tại các Quân Đoàn và làm Tư Lệnh Phó phụ tá cho những danh tướng khác của Việt Nam Cộng Hòa. Khả năng của Thiếu Tướng Hiếu không chỉ hạn chế trong chức vụ Tư Lệnh Sư Đoàn hay Tư Lệnh Phó Quân Đoàn, nếu cấp chỉ huy cao nhất Việt Nam Cộng Hòa không vì bè phái, tín nhiệm Thiếu Tướng Hiếu vào những vị trí Tư Lệnh Quân Đoàn, thì chắc chắn Thiếu Tướng Hiếu còn đóng góp được nhiều việc to lớn và có ý nghĩa hơn nữa cho đất nước.
Tên tuổi của Thiếu Tướng Hiếu và những đóng góp thầm lặng cho tổ quốc không được dân chúng biết đến nhiều. Chỉ mãi đến khi ông được Phó Tổng Thống Trần Văn Hương tin cẩn trao cho trách vụ Phụ Tá Đặc Trách œy Ban Bài Trừ Tham Nhũng Phủ Phó Tổng Thống. Với bản tính thanh liêm, trung trực, ông kiên quyết phanh phui và vạch trần vụ tham nhũng lớn nhất của tập đoàn tướng tá Bộ Quốc Phòng ra ánh sáng, về tội đục khoét, ăn chận tiền xương máu của chiến sĩ QLVNCH trong Quỹ Tiết Kiệm Quân Đội. Ông làm mạnh quá, thẳng quá, Tổng Thống Thiệu trước sự đã rồi, mặc dù ông muốn dàn xếp nhận chìm xuồng vụ án này, buộc phải cách chức Tổng Trưởng Bộ Quốc Phòng Nguyễn Văn Vỹ và nhiều nhân vật khác.
Cuộc đời binh nghiệp của Thiếu Tướng Hiếu chỉ lên đến mức cao nhất là làm Tư Lệnh Phó rồi đứng chựng lại, bởi vì ông không được lòng cấp lãnh đạo. Tuy nhiên nếu chúng ta biết rằng Thiếu Tướng Hiếu từng làm Tư Lệnh Phó cho lần lượt ba vị Tư Lệnh Quân Đoàn III là Trung Tướng Phạm Quốc Thuần, Trung Tướng Dư Quốc Đống và Trung Tướng Nguyễn Văn Toàn, điều đó chứng minh tài năng của Tướng Hiếu, một nhân vật chiến lược không thể thiếu được trong bộ máy điều hành cấp quân đoàn, mà lại là Quân Đoàn III quan trọng nhất.
Thiếu Tướng Nguyễn Văn Hiếu không có cái may mắn được sanh ra trên đất mẹ Việt Nam. Ông chào đời trên đất Trung Hoa và lớn lên tại Thượng Hải, sinh sống cùng gia đình trong phần đất tô giới của người Pháp. Tuy nhiên chàng thanh niên Nguyễn Văn Hiếu lại có cái may mắn hấp thụ nền giáo dục phương Tây lẫn phương Đông, giúp ông thông thạo nhiều sinh ngữ quan trọng như Anh, Pháp, Đức và Quan Thoại. Ông cũng hướng niềm tin của ông vào Chúa và hấp thụ rất nhiều nền giáo dục tâm linh thánh thiện của Dòng Tên. Năm 1949, quân Trung Cộng vào tiếp thu Thượng Hải, ông đang học năm đầu ngành kỹ thuật tại đại học Aurore do các linh mục Dòng Tên (Jesuit) Pháp điều hành, thì phải tạm thôi học theo gia đình hồi hương về Sài Gòn trên một chiến hạm Pháp. Kiến thức về khoa học trong trường Aurore và trong thời gian học trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt hai năm sau đã giúp cho ông có một căn bản vững chắc về các loại kỹ thuật áp dụng trong quân sự, từ truyền tin, công binh, pháo binh, cơ giới, chiến xa. Vì vậy khi đề cập tới bất cứ loại súng lớn nhỏ nào, bất cứ loại máy bay nào, loại máy truyền tin nào, loại xe tăng nào, ngay cả những máy dĩa hát hay những máy chụp hình Polaroid mới sáng chế hồi đó, Tướng Hiếu đều có thể chỉ vẽ tường tận cho người nghe mọi ưu khuyết điểm kỹ thuật của từng loại một.
Thân phụ ông là cụ Nguyễn Văn Hướng khi về đến Sài Gòn ở được vài tháng lại dọn ra Hà Nội và được tín nhiệm trao giữ chức Phó Giám Đốc Công An Bắc Phần. Về sau khi trở vào Nam, trong những thập niên 1950, cụ Hướng lại được cất nhắc làm phó cho Trung Tướng Nguyễn Ngọc Lễ, Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia. Năm 1950, chàng thanh niên Hiếu ghi tên xin học Trường Võ Bị Liên Quân Đà Lạt, ông được nhập học Khóa 3. Thuở đó các quân trường vẫn do hầu hết các sĩ quan và huấn luyện viên người Pháp giảng dạy. Sinh Viên Sĩ Quan Nguyễn Văn Hiếu đỗ điểm nhất, nhưng ông phải nhường chức thủ khoa cho một đồng đội gốc miền Trung đồng hương với Quốc Trưởng Bảo Đại. Tuy nhiên sau khi ra trường tân Thiếu Úy Nguyễn Văn Hiếu vướng phải bệnh lao, vì trong thời gian hoạt động thể dục thể thao ở trường ông đã cố quá sức và bị nhiễm lạnh, nên ông được cho nghỉ dưỡng bệnh. Các bạn đồng khoá một số lớn được gửi ra tham chiến tại Điện Biên Phủ và trên các chiến trường khác. Năm 1954, Đại Úy tân thăng Nguyễn Văn Hiếu lập gia đình, ông cùng với gia đình lần lượt di cư vào Miền Nam. Chính thức phục vụ trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, chính là ở môi trường này, tài năng quân sự và tham mưu của ông mới được dịp nảy nở và phát triển. Ông là một trong số vài vị Tướng đi lên chức vụ cao trong quân đội không phải vì những chiến công ngoài chiến trường, mà là do tài năng tham mưu từ cấp thấp và từ đơn vị nhỏ đi dần lên.
Trung Tướng Đỗ Cao Trí lúc còn làm Tư Lệnh ngoài Vùng I Chiến Thuật đã sớm nhận ra tài năng của Thiếu Tá Nguyễn Văn Hiếu, đã thăng cấp cho ông lên Trung Tá, sau khi Thiếu Tá Hiếu vừa mới đi học khóa Chỉ Huy và Tham Mưu Cao Cấp từ Hoa Kỳ về hồi tháng 6.1963, và cử Trung Tá Hiếu làm Tham Mưu Trưởng Quân Đoàn I. Một vị Tướng năng nổ xông xáo và dũng cảm ngoài chiến trường, nổi danh tài hoa trong giới thượng lưu là Tướng Đỗ Cao Trí, và một vị Tướng có cuộc sống đơn giản thanh bạch, không khoa trương ồn ào, điềm tĩnh và khiêm nhường trong bóng tối, lại là một cặp chiến tướng kiệt xuất hết sức ăn ý và tri kỷ. Hai vị Tướng đều nể trọng tương kính nhau và đã đưa quân đội Việt Nam Cộng Hòa gặt hái nhiều chiến thắng vang dội.
Thiếu Tướng Hiếu hai lần được tín nhiệm làm Tư Lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh, một sư đoàn thiện chiến mà đã cung cấp cho Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa những sĩ quan trẻ ưu tú và nhiều triển vọng như các vị Đại Tá Trung Đoàn Trưởng Nguyễn Hữu Thông, Lê Cầu. Trong thời gian làm Tư Lệnh SĐ22BB, bản tính trung trực thẳng thắn và kính nể sĩ quan thanh liêm, Tướng Hiếu đã bày tỏ quan điểm bất phục về việc Trung Tướng Vĩnh Lộc thuyên chuyển Trung Tá Trần Văn Hai, Tỉnh Trưởng Phú Yên về làm Chỉ Huy Trưởng Trung Tâm Huấn Luyện Biệt Động Quân Dục Mỹ. Trung Tá Trần Văn Hai rất được lòng quân dân tỉnh Phú Yên, dưới sự chăm sóc tận tụy của ông, toàn tỉnh Phú Yên đã hưởng được những ngày thái bình. Bọn Việt Cộng địa phương không dám ngóc đầu dậy quấy phá, vì bị ngăn chận bởi những cuộc hành quân bình định rất hiệu quả của Trung Tá Hai. Trung Tá Hai chỉ có một “lỗi” là dám cưỡng lệnh vị Tư Lệnh Quân Đoàn II và Vùng II Chiến Thuật, không chịu đem công xa chở người thân của ông này và dùng công ốc để cho người này lưu trú trong thời gian ở Phú Yên.
Thiếu Tướng Hiếu có mối giao hảo rất tốt đối với các vị chỉ huy trưởng Mỹ trong vùng trách nhiệm của SĐ22BB và các vị Tư Lệnh quân đội Đại Hàn tại Bình Định. Có một lần, một Thiếu Tướng Tư Lệnh một sư đoàn Đại Hàn sang thăm Sư Đoàn 22 Bộ Binh. Trong cuộc nói chuyện với Tư Lệnh Sư Đoàn 22 Bộ Binh, ông này luôn tỏ vẻ tự hào là đã từng tốt nghiệp khóa Chỉ Huy và Tham Mưu Cao Cấp tại Hoa Kỳ, vì quân đội Đại Hàn rất ít người có khả năng theo học khóa này. Ông Tư Lệnh Đại Hàn hỏi Thiếu Tướng Hiếu trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa có được bao nhiêu sĩ quan đi học khóa này. Thiếu Tướng Hiếu nhã nhặn trả lời, rằng trong quân đội Việt Nam Cộng Hòa, ông không được rõ có bao nhiêu sĩ quan được gửi đi học khóa Chỉ Huy và Tham Mưu Cao Cấp, nhưng trong Sư Đoàn 22 Bộ Binh có ông và Trung Tá Lê Khắc Lý đã tốt nghiệp khóa này. Vị Tư Lệnh Sư Đoàn Mãnh Hổ ngạc nhiên cực kỳ, bỏ hẳn thái độ kiêu ngạo. Từ đó ông tỏ vẻ rất kính nể Thiếu Tướng Hiếu và các sĩ quan tham mưu SĐ22BB, mối giao tình giữa hai vị Tướng trở nên rất tốt đẹp. Cho nên trong cuộc chiến Mậu Thân 1968, khi có khoảng 200 tên Việt Cộng khuấy phá thị xã Qui Nhơn, nhận được lời yêu cầu giúp quân của Tướng Hiếu, vị Tư Lệnh Sư Đoàn Mãnh Hổ đã gửi ngay quân tới thanh toán nhanh chóng các vị trí VC.
Một chiến công lớn khác nữa của Thiếu Tướng Hiếu mà đã làm vị Tư Lệnh Sư Đoàn 1 Không Kỵ Hoa Kỳ nể phục tài chiến lược chiến thuật và cung cách chỉ huy rất mực binh thư bài bản trong cuộc hành quân Đại Bàng 800 phối hợp Việt-Mỹ-Hàn trong năm 1967. Theo kế hoạch thỏa thuận giữa các lực lượng, thì sư Đoàn 22 Bộ Binh nhận nhiệm vụ bình định bốn quận phiá Bắc đông dân cư nhất tỉnh Bình Định là: Tam Quan, Bồng Sơn, Phù Mỹ và Phù Cát. Khu vực phiá Nam gồm các quận: Qui Nhơn, Tuy Phước, Phú Phong và Văn Canh thuộc vùng hành quân của Sư Đoàn Mãnh Hổ. Bốn quận phiá Tây là An Khê, Vĩnh Thạnh, An Lão và Hoài Ân là vùng núi non hiểm trở, Sư Đoàn 1 Không Kỵ nhận trách nhiệm lùng và diệt địch. Lực lượng Hoa Kỳ rất xông xáo và hành quân trong ba ngày đầu và đã phá được rất nhiều kho lúa gạo dự trữ và khu hậu cần kiên cố của VC trong vùng Vĩnh Thạnh và Hoài Ân, nhưng Sư Đoàn 3 Sao Vàng của Bắc Việt đã tránh né đụng độ với quân Mỹ. Vị Thiếu Tướng Hoa Kỳ yêu cầu Thiếu Tướng Hiếu chuyển quân Sư Đoàn 22 về vùng An Lão bao vây SĐ3BV với SĐ1 Không Kỵ Hoa Kỳ. Tuy nhiên Thiếu Tướng Hiếu cương quyết từ chối, vì ông biết Sư Đoàn 3 Sao Vàng đang di chuyển về khu vực giữa quận Hoài Ân và Phù Mỹ. Trung Tá Trịnh Tiếu, Trưởng Phòng 2 Sư Đoàn 22 Bộ Binh đã khéo léo dùng tiền bạc mua chuộc được một người du kích VC để người này cung cấp tin tức cho Trung Tá Tiếu. Nhờ đó quân ta biết chắc SĐ3 Sao Vàng đang lảng vảng trong khu vực hành quân của SĐ22BB.
Thiếu Tướng Hiếu rất sở trường về chiến thuật nhử địch lộ diện để đập. Những con chuột rất sợ ánh sáng và tiếng động, cho nên nhử chúng ra ngoài để giết là chuyện cực kỳ khó khăn. Thiếu Tướng Hiếu lệnh cho Trung Tá Bùi Thạch Dzần, Trung Đoàn Trưởng Trung Đoàn 41 Bộ Binh chỉ đem hai tiểu đoàn bộ binh và Bộ Chỉ Huy Trung Đoàn vào vùng hành quân thật sớm. Khi vào đến vị trí lúc gần 3 giờ chiều thì Trung Tá Dzần cho binh sĩ đóng quân, nấu ăn rùm beng và đào công sự ra vẻ ở đêm. Đây là vùng xôi đậu, bọn VC nằm vùng sẽ bò vào quan sát lấy phiên hiệu Trung Đoàn và bò trở ra báo cáo cho gã SĐ3 Sao Vàng. Từ đó gã sẽ điều quân tới đánh tiêu diệt Trung Đoàn. Thực ra, Thiếu Tướng Hiếu đã ém một tiểu đoàn và hai Chi Đoàn Thiết Vận Xa tại một địa điểm cách đó 10 cây số, chờ khi địch tấn công quân Trung Đoàn 41, ông sẽ điều lực lượng này đánh bọc hậu, bao vây và tiêu diệt địch. Đúng như tiên liệu của Tướng Hiếu, lúc 2 giờ sáng, một trung đoàn cộng quân tấn công vị trí của Trung Tá Dzần dữ dội, tưởng chừng có thể đánh tan tành Trung Đoàn 41. Lực lượng tăng viện của ta liền thần tốc tiến quân dưới ánh sáng hỏa châu sáng rực như ban ngày của SĐ1 Không Kỵ Hoa Kỳ thả yểm trợ và pháo binh của Sư Đoàn 22 Bộ Binh bắn dội lên đầu giặc. Quân SĐ22 áp dụng chiến thuật nội công ngoại kích, Trung Đoàn 41 đánh ép từ trong ra, lực lượng tăng viện đánh thốn từ ngoài vào, trung đoàn cộng quân bị kẹt ở giữa đành chịu chết. Chiến sĩ Trung Đoàn 41 đã canh súng chờ giặc từ lâu, nên khi những đợt biển người của giặc tràn lên ngoài đồng trống, đã là những cái bia sống rất tốt cho quân ta bắn hạ. Cuộc chiến đấu kéo dài đến 5 giờ sáng thì địch quân rút chạy tán loạn, bỏ lại trên chận địa hơn 300 xác, vũ khí gãy nát vì đạn và pháo cùng đạn dược nằm ngổn ngang ngoài chiến trường. Mười lăm phút sau, Tướng Hiếu và Tướng Hoa Kỳ đáp xuống trận địa quan sát. Đến lúc đó vị Tướng Hoa Kỳ mới thật sự thán phục con mắt chiến lược và tài điều binh thần sầu của tướng lãnh Việt Nam Cộng Hòa. Người Mỹ còn cần phải học hỏi rất nhiều ở người Việt Nam trên các chiến trường. Vị Tướng Mỹ cũng bắt tay khen ngợi Trung Tá Trịnh tiếu đã gài người và cung cấp tin tức tình báo thật chính xác. Như vậy chính Trung Tá Tiếu đã góp công rất lớn đưa SĐ22BB đến chiến thắng lớn vang dội này và làm cho Tướng Lãnh Hoa Kỳ khâm phục tài năng của sĩ quan Việt Nam. Người anh hùng Nguyễn Công Trứ ngày xưa khi đem quân đi đánh Nùng Văn Vân cũng đã cố ý cho quân sĩ lộ mục tiêu, ăn nhậu ngày này qua ngày khác, còn cụ thì rước ả đào lên ca múa inh ỏi suốt đêm dụ cho Nùng Văn Vân chường mặt dẫn quân đến đánh. Rất khó bắt Nùng Văn Vân vì ông này lủi trốn giỏi hơn cả chuột. Quân phục kích nhà Nguyễn đổ ra bao vây đánh tiêu diệt quân Nùng và bắt được Nùng Văn Vân. Tướng Hiếu nổi danh là người nghiền ngẫm binh thư Đông Tây, chắc ông rất thích thú và ngưỡng mộ tài hành binh thần sầu của cụ Nguyễn Công Trứ.
Cố Đại Tướng Đỗ Cao Trí khi về nắm Quân Đoàn III đã dám cách chức vị Tư Lệnh tiền nhiệm Sư Đoàn 5 Bộ Binh và trao cho Thiếu Tướng Hiếu chức Tư Lệnh này. Một sự trùng hợp lý thú khác mà đã nâng cao tinh thần chiến sĩ Quân Đoàn III lên cao, góp phần dẫn đến những chiến thắng lừng lẫy trong chiến dịch tấn công qua đất Kampuchea năm 1970. Đó là sự có mặt của hai Vị Tướng xuất sắc cũng cùng Khóa 3 Đà Lạt với Thiếu Tướng Hiếu. Tướng Trí bổ nhiệm Thiếu Tướng Nguyễn Xuân Thịnh làm Tư Lệnh Sư Đoàn 25 Bộ Binh và Thiếu Tướng Lâm Quang Thơ làm Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh. Cả ba sư đoàn đều lần lượt gửi quân tham chiến bên xứ Chùa Tháp và đều đạt chiến thắng. Trong khoảng đầu tháng 1.1971, khi nhận lệnh Tổng Thống Thiệu ra thay Trung Tướng Hoàng Xuân Lãm chỉ huy mặt trận Hạ Lào, Trung Tướng Trí đồng ý với điều kiện TT Thiệu bổ nhiệm Thiếu Tướng Hiếu lên làm Tư Lệnh QĐ III, vì ông biết Thiếu Tướng Hiếu có đầy đủ khả năng thay thế ông tiếp tục dẫn dắt đoàn quân Tây chinh của ta. Lời yêu cầu không được đáp ứng, Trung Tướng Trí bị tử nạn trực thăng trên không phận Tây Ninh, Trung Tướng Nguyễn Văn Minh lên thay. Những chiến thắng huy hoàng của QĐ III bắt đầu có chiều hướng đi xuống. Tiếng nói của các vị Tướng Hiếu, Thịnh và Thơ không được Tướng Minh coi trọng. Hơn thế nữa, Tướng Minh còn tự tiện giải tán Lữ Đoàn 3 Kỵ Binh Xung Kích, một lực lượng đột phá hữu hiệu và kinh khủng lên các tuyến địch quân trong thời Tướng Trí. Quân Việt Nam Cộng Hòa mất đi một quả đấm mạnh để làm cho địch quân kiêng sợ. Đoàn quân Tây chinh của ta lục tục được điều động về gần biên giới.
Trung Tướng Trí mất đi, Thiếu Tướng Hiếu mất một người chiến hữu tri kỷ và mất một người đỡ đầu để ông thực hiện kế hoạch dụ địch, đánh một trận long trời lở đất và quyết định để tiêu diệt khối sinh lực địch. Theo như kế hoạch mà đã được Trung Tướng Trí đồng ý, cuộc hành quân Toàn Thắng 02/71 sẽ được tổ chức từ tháng 3.1971 đến tháng 6.1971, Thiếu Tướng Hiếu sẽ dùng Trung Đoàn 8 Bộ Binh của SĐ5BB nhử địch trong khu vực Snoul. Nếu Sư Đoàn 5 Bắc Việt chấp nhận giao tranh và tung các Trung Đoàn 174 và 275 đánh Trung Đoàn 8, Quân Đoàn III sẽ sử dụng lập tức từ một đến ba sư đoàn bao vây tiêu diệt SĐ5BV. Kế hoạch đang tiến triển thuận lợi, sau nhiều lần đánh thăm dò, SĐ5BV có dấu hiệu lọt bẫy Tướng Hiếu, chúng điều quân bao vây Trung Đoàn 8 Bộ Binh. Nhưng không may cho ông và cho QĐ III, Tướng Trí tử nạn, Tướng Minh không mặn mà với kế hoạch. Ông do dự giữa áp lực của phiá cố vấn Mỹ đòi thay đổi kế hoạch, vẫn nhử cho SĐ5BV lộ diện bao vây Trung Đoàn 8 rồi dùng B52 trải thảm tiêu diệt, thay vì dùng ba Sư Đoàn 5, 18 và 25. Thiếu Tướng Hiếu lưu ý Tướng Minh, rằng dùng B52 rải bom không những giết chết SĐ5BV mà còn tàn sát luôn Trung Đoàn 8, như vậy cái giá của chiến thắng là sinh mạng của hàng ngàn chiến sĩ Trung Đoàn 8 Bộ Binh. Đánh giặc theo cái kiểu giết người hàng loạt như vậy thì dễ quá, ấu trĩ quá và tàn nhẫn quá. Một người Tướng có tài là khi mà ông ta dùng một số ít chiến sĩ thiện chiến cộng với mưu lược mà có thể tiêu diệt được một quân số lớn của giặc, thì vị Tướng ấy mới xứng đáng được kính trọng là tướng tài. Thiếu Tướng Hiếu nhắc nhở nếu như Trung Tướng Minh không dứt khoát chọn được một giải pháp nào, thì nên rút ngay Trung Đoàn 8 về, kẻo khi SĐ5BV bao vây trùng điệp thì đã quá muộn.
Tướng Minh vẫn lừng khừng không quyết, cho đến khi tình hình suy sụp trầm trọng, Trung Đoàn 8 bị bao vây tại Snoul và sắp sửa bị tràn ngập, ông đã phủi tay nói với Tướng Hiếu: “Anh muốn làm gì thì làm đi.” Thiếu Tướng Hiếu không còn chọn lựa nào khác, ông và các sĩ quan tham mưu sư đoàn đã dũng cảm đáp trực thăng bay vào Snoul, hạ xuống bản doanh Trung Đoàn 8, trong lúc ngoài vòng rào quân giặc đang mở những đợt tấn công dứt điểm. Một buổi họp chớp nhoáng được tổ chức, Tướng Hiếu trực tiếp ban lệnh và vạch kế hoạch triệt thoái ra khỏi Snoul. Sự có mặt của vị Tư Lệnh Sư Đoàn khả kính đã nâng tinh thần chiến sĩ Trung Đoàn 8 lên cao, thêm nữa hai vị Trung Đoàn Trưởng và Trung Đoàn Phó sẽ cùng rút theo đường bộ với các đơn vị. Các sĩ quan cao cấp của SĐ5BB đã nêu tấm gương quả cảm, không bỏ chạy trước và quyết sống chết với chiến sĩ. Cho nên quân sĩ Trung Đoàn 8 đã giữ vững kỷ luật không quăng súng đạp lên nhau chạy, theo kế hoạch rút, các đơn vị bình tĩnh yểm trợ nhau di tản. Cuộc rút quân của Trung Đoàn 8 giữa vòng vây áp sát và hỏa lực kinh khủng của địch dội xuống là cả một trang sử đẫm máu và bi tráng. Để về được bên này biên giới Bình Long, Trung Đoàn 8 Bộ Binh hy sinh 1/3 quân số, vị Trung Đoàn Phó bị tử trận. Thiếu Tướng Hiếu đã giữ được mức thiệt hại tối thiểu cho Trung Đoàn 8 Bộ Binh, nhưng ông vẫn bị đưa ra quốc hội chất vấn về cuộc bại trận của SĐ5BB. Thượng Nghị Sĩ Trần Văn Đôn hiểu nỗi lòng của người Tư Lệnh cô đơn và đã bênh vực hết lòng cho Thiếu Tướng Hiếu. Tuy vậy Tướng Hiếu cũng bị cách chức Tư Lệnh và được điều động về Bộ Tổng Tham Mưu. Sau đó ít lâu, Bộ Tổng Tham Mưu bổ nhiệm ông ra Miền Trung làm Tư Lệnh Phó Quân Đoàn I và Vùng I Chiến Thuật, phụ tá cho Trung Tướng Tư Lệnh Hoàng Xuân Lãm.
Thiếu Tướng Hiếu có dịp trở lại chiến trường Miền Đông thi thố tài năng và đóng góp nhiều chiến thắng cho QLVNCH sau khi Hiệp Định Ba Lê được ký kết ngày 27.1.1973. Trong năm 1974, Trung Tướng Phạm Quốc Thuần được Tổng Thống Thiệu bổ nhiệm làm Tư Lệnh quân Đoàn III và Quân Khu III thay thế Trung Tướng Minh. Tự biết khả năng hạn chế của mình, Trung Tướng Thuần hơn hẳn Trung Tướng Minh về con mắt nhìn người, ông quyết định xin cho bằng được Thiếu Tướng Hiếu về làm Tư Lệnh Phó cho mình. Tại sao ông không xin người khác cùng phe cánh mà lại xin đích danh Tướng Hiếu, điều đó chứng tỏ ông đánh giá rất cao tài năng của Tướng Hiếu. Trung Tướng Thuần cần một vị tướng chiến lược có khả năng chỉ huy quân đoàn để chống ngăn giặc. Ông không cần tướng tham nhũng bất tài, mà sẽ làm cho Quân Khu III đi đứt và đi luôn cái ghế Tư Lệnh Quân Khu của ông. Sự tín nhiệm đó còn được thể hiện thời kỳ Trung Tướng Dư Quốc Đống và Trung Tướng Nguyẽn Văn Toàn tiếp nối lên làm Tư Lệnh Quân Đoàn III.
Trong thời kỳ phục vụ dưới quyền Trung Tướng Thuần, Thiếu Tướng Hiếu đã giúp Trung Tướng Thuần đánh thắng hai trận lớn. Sư Đoàn 18 và Sư Đoàn 5 của ta tiến quân đánh phá và hủy diệt mật khu Tam Giác Sắt và trận Svayrieng với SĐ5BB, Biệt Động Quân, Kỵ Binh đánh tan nát SĐ5BV. Cả hai trận đánh thắng vang dội này, Tướng Hiếu đều dàn quân tấn công theo nhị thức Bộ Binh-Thiết Giáp. Tuy nhiên nhị thức này thành công lớn trên địa thế rộng rãi ít chướng ngại vật trên lãnh thổ Miên hơn là trên địa thế rậm rạp của khu Tam Giác Sắt. Trong trận Svayrieng, được sự hỗ trợ và tin cậy của Trung Tướng Thuần, Thiếu Tướng Hiếu đã tung vào chiến trường toàn bộ 20 tiểu đoàn bộ binh và Mũ Nâu, 3 Chi Đoàn Thiết Kỵ bao vây các đơn vị của SĐ5BV trong vùng Mỏ Vẹt và đánh thẳng vào Bộ Chỉ Huy SĐ5BV, với hơn 1.000 cán binh bị giết, trong khi quân ta chỉ bị tổn thất dưới 100 chiến sĩ. Thiếu Tướng Hiếu đã có được cơ hội dụng võ trên chiến trường rộng lớn bên đất Kampuchea, thay vì bị gò bó bởi những khu vực nhỏ hẹp bên Việt Nam. Trung Tướng Vĩnh Lộc, từng là Tư Lệnh Thiết Giáp của QLVNCH, có nhận xét sau đây về việc sử dụng chiến xa trên chiến trường:

Địa thế và vị trí của nước ta trong phương vị hành quân tìm địch để tảo thanh không tạo được cơ hội để dàn trận một lúc đồng thời cả ba Trung Đoàn cùng các đơn vị yểm trợ. Xét lại từ khi thành lập Sư Đoàn cho đến ngày thất thủ Vùng Cao Nguyên, chưa thấy Khu Chiến Thuật nào hành quân sử dụng toàn thể sư đoàn, nghĩa là cả 3 Trung Đoàn Bộ Binh, Tiểu Đoàn Pháo Binh, Công Binh và Thiết Giáp v.v. Dù muốn cũng không có môi trường để dàn ra cả Sư Đoàn nếu không muốn nói đến hiếm hoi sĩ quan chỉ huy được huấn luyện nghiêm túc điều khiển Đại đơn vị.”

Theo quan điểm của Tướng Hiếu thì chiến thuật Kỵ Binh xung kích đạt được thành quả to lớn hơn chiến thuật trực thăng vận “Diều Hâu”. Với “Diều Hâu”, các đơn vị địch có thể tản quân chạy trốn từ khi nhác thấy hợp đoàn trực thăng của ta từ phiá chân trời. Nhưng với nhị thức Thiết Giáp-Bộ binh, quân ta tấn công thọc sâu vào tận đầu não địch, từ đó tỏa rộng ra bốn phiá đánh phá và tê liệt hóa hậu tuyến địch. Trong nhị thức Bộ Binh-Thiết Giáp, các đơn vị cơ giới có nhiệm vụ tập trung chọc thủng các tuyến phòng thủ chính của địch, trong lúc các đơn vị bộ binh đánh phá tạo hỏa mù và tập trung lực lượng đánh ngang hông địch. Không Quân được tận dụng tối đa để đánh phá các vị trí chiến đấu, các điểm tiếp vận của địch.
Trong những ngày đầu tháng 4. 1975, khi các quân đoàn của Bắc Việt rầm rộ theo các trục đường quốc lộ tiến vào lãnh thổ Quân Khu III, thoạt đầu Tổng Thống Thiệu định cử Thiếu Tướng Hiếu ra Phan Rang chỉ huy quân Dù, Mũ Nâu và Sư Đoàn 2 Bộ Binh, nhưng không hiểu sao ông đổi ý và điều Trung Tướng Nguyễn Vĩnh Nghi. Trong lúc quân Bắc Việt tràn xuống vùng Long Khánh, Thiếu Tướng Hiếu Tư Lệnh Phó Quân Đoàn III đang nghiền ngẫm kế hoạch dùng chiến xa phản công. Thật đáng tiếc, kế hoạch chưa được vị tướng tài năng này thực hiện thì ông đã bị tử nạn một cách bí mật trong văn phòng của ông tại Biên Hòa ngày 8.4.1975.
Cái chết của Thiếu Tướng Hiếu vào thời điểm sôi bỏng của đất nước đã chìm dần vào lãng quên trong những tin tức chiến sự ngày càng bất lợi cho Việt Nam Cộng Hòa. Người ta vẫn còn nhắc lại nhiều câu chuyện về ông, trân trọng ông như là một vị Tướng thanh liêm trong sạch, có một cuộc sống giản dị và đạo đức. Như câu chuyện của Đại Tá Trịnh Tiếu lúc còn phục vụ dưới quyền Tướng Hiếu tại Sư Đoàn 22 Bộ Binh. Tướng Hiếu đã bảo anh tài xế đem trả thùng sữa Quân Vụ lại cho kho và chỉ nhận đúng tiêu chuẩn sáu hộp cho mỗi chiến sĩ mà thôi. Câu chuyện kể của Đại Tá Lê Khắc Lý, Tham Mưu Trưởng SĐ22BB trong những năm 1966-1969. Đại Tá Lý cho biết Tướng Hiếu sống như một nhà khổ tu. Tướng Hiếu rất trân trọng hạt cơm và thực phẩm của Chúa ban cho, ông thường xuống câu lạc bộ sĩ quan dùng cơm chung với mọi người và không nhận những biệt đãi của nhà bếp, lính ăn cái gì thì ông ăn cái đó, ông không hề khen chê món ăn. Dù có hôm món ăn nấu dở ông vẫn điềm nhiên ăn hết, luôn luôn không để mứa lại một thức gì. Có hôm ông ăn canh, thấy có một con ruồi trôi lềnh bềnh, ông im lặng lấy đũa gắp nó ra và ăn hết tô canh. Câu chuyện khác về sự ngoan đạo và kiến thức sâu sắc về Kinh Thánh của Tướng Hiếu. Trong thời còn làm Tư Lệnh SĐ22BB, một chúa nhật nọ, trong khi ông ngồi xem lễ trong nhà thờ, Cha chủ lễ bất ngờ mời Tướng Hiếu lên bục giảng nói vài lời cùng cộng đồng giáo dân. Thiếu Tướng Hiếu đã ứng khẩu một bài nói chuyện trôi chảy, khúc triết, với đầy đủ những đoạn trích dẫn Thánh Kinh, Tân Ước lẫn Cựu Ước. Câu chuyện kể về tấm lòng nhân đạo của Thiếu Tướng Hiếu dành cho những người cùi bất hạnh ở Trại Cùi Di Linh, ông thường đến thăm viếng trại cùi và an ủi những người bạc phước đáng thương ấy. Ngày 12.4.1972 Thiếu Tướng Hiếu đại diện Phó Tổng Thống Trần Văn Hương đến Trại Di Linh vào phòng nằm bệnh của Đức Cha Gioan Sanh (Jean Cassaigne) người Pháp, sáng lập viên Trại Cùi Di Linh, trao tặng Đệ Tứ Đẳng Bảo Quốc Huân Chương cho người.
Cùng với những vị Tướng Lãnh, những sĩ quan các cấp và những chiến sĩ vô danh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa tử tiết báo đền ơn nước, thà chết không hàng giặc, cái chết oan khuất và bí ẩn của Thiếu Tướng Hiếu đã gây cho tổ quốc và Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa một tổn thất lớn không gì bù bắp nổi.
Giờ đây, anh linh của những vị thần tướng nước Nam Phạm Văn Phú, Nguyễn Khoa Nam, Lê Văn Hưng, Lê Nguyên Vỹ, Trần Văn Hai, Nguyễn Văn Hiếu, Hồ Ngọc Cẩn, Trung Tá Cảnh Sát Quốc Gia Trần Văn Long, các vị Trung Đoàn Trưởng, các cấp sĩ quan, các chiến sĩ vô danh của Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa có hiển linh, hãy xin xót thướng cho nỗi khổ đau của dân tộc Việt Nam và ban phép màu cho những người còn đang sống trong nỗi khắc khoải triền miên và trong đêm đen mù mịt. Xin cho được một ngày, ánh sáng lại trở về với những người công chính, xua tan màn u tối của dối trá và bạo lực, để dân tộc Việt Nam ngẩng cao đầu đi vào kỷ nguyên mới của hạnh phúc, tiến bộ và no ấm.

Phạm Phong Dinh
Chiến Sử QLVNCH