THIẾU TƯỚNG NGUYỄN NGỌC LOAN, CON SÓI GIÀ CÔ ĐƠN (Nguyễn Phúc An Sơn?SaiGonTrongToi)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Kỷ Niệm Ngày Mất Của Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan 14-7-1998

May be a closeup of 1 person, outdoors and text that says 'Sài Gon trong tôi BVus Media Archives'

Thiếu Tướng Cảnh Sát Quốc Gia VNCH Nguyễn Ngọc Loan – Con sói già cô đơn.

May be an image of 4 people, people sitting, people standing and text that says 'Sài Gòn trong Û tôi'

Thiếu Tướng Cảnh Sát Quốc Gia VNCH Nguyễn Ngọc Loan – Con sói già cô đơn.

May be an image of 2 people, indoor and text that says '976 BVus'

Thiếu Tướng Cảnh Sát Quốc Gia VNCH Nguyễn Ngọc Loan cùng phu nhân tại nhà hàng của gia đình ông tại Burke, ngoại ô Virginia, năm 1976.

Cổ nhân có câu “Cái quan định luận”, có nghĩa rằng hãy đậy nắp áo quan cho một người nào đó, rồi sau mới có thể nhận định rốt ráo về con người ấy được. Nhưng có trường hợp đậy nắp áo quan rồi mà dư luận vẫn phân chia, kẻ khen người chê, không biết nghiêng về bên nào cho phải. Đó là trường hợp nằm xuống của Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan, người đã tạ thế ở Mỹ.
Khi ông còn sinh tiền, nói về ông có vẻ như tiếng chê nhiều hơn là lời khen. Ở trong nước giữa thập niên 60, đang là Tư Lệnh Phó Không Quân, ông nhảy sang làm Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, Giám Đốc Nha An Ninh Quân Đội, kiêm Giám Đốc Trung Ương Tình Báo.
Ông được coi như cánh tay mặt của ông Nguyễn Cao Kỳ lúc đó làm Chủ Tịch Ủy Ban Hành Pháp Trung Ương (Thủ Tướng), còn ông Loan làm “Sếp Chúa” của ngành An Ninh Trật Tự.
Đây là thời kỳ rất nhiều biến động. Đệ Nhất Cộng Hòa vừa được xóa đi, thể chế mới chưa hình thành, tranh chấp hiện ra ở mọi nơi, mọi lúc. Đây là thời gian kỷ lục về đảo chánh, về xuống đường, về bất ổn.
Tướng này loại tướng kia, tôn giáo đụng chạm, sinh viên học sinh biểu tình đập phá, Phật giáo đưa bàn thờ xuống đường.v.v… Chưa có lúc nào mà miền Nam lại “loạn” như thế. Người mạnh tay dẹp những bất ổn ấy là ông Nguyễn Ngọc Loan. Sự mạnh tay của ông gồm có: “Cảnh Sát Dã Chiến dàn chào, có hơi cay, có dùi cui, có việc “nhúp” những phần tử “trâu đánh”, có đổ máu, có nhà tù”.
Ông Loan được gọi là độc tài, quân phiệt, phản cách mạng, là tay sai đế quốc… Nhưng ít có ai nghĩ là ông Nguyễn Ngọc Loan đã đóng một vai trò tích cực trong việc ổn định tình thế, làm nền xây dựng cho một thể chế mới hợp hiến, hợp pháp Đệ Nhị Cộng Hòa.
Thời kỳ ấy ông được thăng Chuẩn Tướng. Nhưng người ta ít khi gọi ông theo cấp bậc, mà người ta quen gọi ông là “Sáu Lèo”. “Sáu” ở đây là quan sáu theo danh xưng bình dân thời Pháp gọi các võ quan, mỗi một vạch trên vai là một cấp bậc (Thiếu Úy một vạch là ông một, Trung Úy hai vạch là ông hai…).
Chỉ có năm vạch là cùng (Đại Tá), tướng là đeo sao rồi. Nhưng dân gọi Quan Sáu là gọi theo hình tượng cũng như dân ngoài Bắc ngày xưa gọi dinh quan Toàn Quyền là dinh Ông Bảy (còn trên ông Sáu một bực).
Nhưng sau chữ Sáu của ông Loan còn thêm tĩnh từ “Lèo”. Không biết từ này xuất xứ từ đâu, nhưng khi nó đi vào ngôn ngữ dân gian thì nó mang một ý niệm bỉ thử, dèm pha, tiêu cực. Tiền “lèo” là tiền vô giá trị, hay là tiền chỉ có trong tưởng tượng. Hứa “lèo” là hứa xuông, hứa hão, hứa mà không thực hiện bao giờ. Vậy “Sáu Lèo” có nghĩa là một ông quan sáu vô giá trị hay là một ông tướng hữu danh vô thực hay sao?
Sở dĩ cái danh xưng này đứng vững một phần là vì cái bề ngoài luộm thuộm của ông Loan. Ông rất ít khi mặc quân phục, mũ mãng cân đai, nghênh ngang giàn giá. Ông thường mặc quần áo “trây di” xộc xệch, không đeo lon lá gì, chân đi dép cao su lẹp xẹp. Ra ngoài thì ông ngồi xe Jeep bình thường, không có mang cờ quạt mà cũng không có xe mở đường, mô tô bảo vệ.
Ông nhiều khi còn đi xe “mobilet” lạch xạch đi làm. Có khi ông còn một tay cầm chai lade, một tay cầm súng M16 vừa đi vừa ực lade, vừa chửi thề loạn xạ. Bề ngoài của ông Tướng Loan đúng là xập xệ, là “lèo”, nhưng việc làm của ông thì lại không “lèo” một chút nào.
Một anh em kỳ cựu ở Tổng Nha Cảnh Sát Quốc Gia có kể lại rằng: “Thời ông Loan, không có câu nệ lễ nghi quân cách, không nề hà hệ thống quân giai, mà ông cũng không xía vào việc của các phòng, sở, nhưng giao việc gì là phải làm cho đúng, cho xong”.
Cảnh sát thời ông Loan không đơn thuần làm công tác trị an, mà còn là một lực lượng xung kích hữu hiệu. Vấn đề nội an, phản gián cũng được nâng lên một mức vì ông nắm trong tay cùng một lúc Nha An Ninh Quân Đội và Cơ Quan Trung Ương Tình Báo, nên công tác nó quy về một mối, nhịp nhàng hiệu quả hơn.
Có bữa một trực thăng đột ngột đậu xuống sân cờ Tổng Nha. Một số cán bộ phản gián đi xuống cùng một người bị bịt mắt. Nghe anh em nói lại đó là một tên cán bộ việt cộng cấp cao, bị bắt trên đường đi gặp một nhân viên “Xịa” gộc. Có lẽ ông Loan không muốn đồng minh lớn qua mặt mình trong địa hạt này, nên ông mới hốt tay trên, bắt tên cán bộ việt cộng kia về Tổng Nha tra cứu.
Ông “Sáu Lèo” không được các đoàn thể “Trâu Đánh”, các nhà chính khách “dấn thân” ủng hộ, mà đồng minh lớn Huê Kỳ cũng không có thiện cảm với ông.
Khi giải kết ở Việt Nam bắt đầu từ cuộc tấn công Mậu Thân, người Mỹ qua các phương tiện truyền thông của họ đưa ra những lời lẽ, những hình ảnh làm “nản lòng chiến sĩ” cũng như làm cho nhân dân Mỹ nghi ngờ, chán ghét chiến tranh Việt Nam.
Trong cuộc tấn công khủng bố của bọn phỉ quân cộng sản bắc việt năm Mậu Thân 1968, khi phóng viên Eddie Adams chụp được tấm hình ông tướng Loan tự tay cầm súng lục bắn vào đầu một tên khủng bố cộng phỉ, thì ông tướng Loan từ đó đã trở nên một biểu tượng của sự dã man tàn bạo. Cuộc chiến bảo vệ Tự Do của nhân dân Miền Nam, qua hình ảnh của ông Loan cũng đã vô tình trở nên phi nghĩa.
Truyền thông Mỹ đã tóm được một cliché đắc ý. Nhà báo ảnh Eddie Adams cũng nhờ đó kiếm được một cái giải Pulitzer. Hình ảnh ấy cũng như cuốn phim ghi lại cuộc xử bắn tại chỗ này là sự thực, nhưng tiếc thay chỉ là sự thực một nửa. Người ta không ghi lại hay là không cho biết vì sao ông Tướng Loan lại làm như thế.
Là một người chịu trách nhiệm về trị an Thủ Đô Sàigòn, ông Loan biết rằng chiến thuật của bọn phỉ quân khủng bố là tấn công và nổi dậy. Bọn phỉ quân bắc việt đi tới đâu là lũ tay sai nằm vùng nơi đó nổi lên, hướng dẫn bọn phỉ quân bắc việt chiếm đóng các vị trí hiểm yếu, tiếp tế lương thực và tiến hành tổ chức ủy ban. Đầu mối của những cuộc tấn công này là những tên tay sai khủng bố nằm vùng, vì không có lực lượng này, bọn chính quy bắc việt tấn công sẽ như rắn mất đầu.
Cho nên việc chính của lực lượng Cảnh Sát Sài Gòn là tiêu diệt bọn khủng bố cộng phỉ nằm vùng. Trong một cuộc hành quân tảo thanh, lực lượng Cảnh Sát Dã Chiến bắt được một tên khủng bố việt cộng. Tên khủng bố cộng phỉ này vừa hạ sát dã man cả một gia đình sỹ quan Cảnh Sát thì bị bắt. Y đang thay chiếc áo đẫm máu bằng chiếc áo sọc rằn.
Cảnh Sát Dã Chiến đưa đến cho tướng Loan tên “hung thủ” man rợ cùng chiếc áo đẫm máu. Ông Loan liền cho mời báo chí tới thực hiện vụ hành quyết cảnh cáo “nằm vùng mà nổi lên là bị bắn không tha”. Ông nghĩ rằng “sát nhất nhân, vạn nhân cụ” và cũng để trả thù cho thuộc cấp của ông và gia đình vừa bị giết thảm thương.
Chiến tranh là như vậy, máu lại gọi máu. Truyền thông Mỹ chỉ chụp lại cảnh ông tướng Loan giơ tay bắn một tù binh bị trói, mà không cho biết trước đó tên khủng bố cộng phỉ khát máu kia đã làm gì, và sau đó bọn phỉ quân khủng bố việt cộng gọi là “giải phóng” kia đã hành xử như thế nào? Một số tên khủng bố phỉ quân đã tàn sát cả nhà Trung Tá Thiết Giáp Nguyễn Tuấn, gồm tất cả 8 người trong đó có bà mẹ già đã 80 tuổi để hy vọng lấy được mật mã thiết giáp.
Ỡ Huế, bọn phỉ quân cộng sản bắc việt xâm lược không phải chỉ giết một người, một gia đình, mà những tên giết người từ phương bắc đê hèn đã tàn sát man rợ hàng mấy nghìn người vô tội, lấp vội vàng trong những hố chôn tập thể khắp Huế, mà truyền thông Hoa Kỳ sau đó có nói gì đâu.
Truyền thông báo chí Mỹ đã không trung thực trong việc tường trình cuộc chiến Việt Nam. Họ chỉ nói ra sự thực một nửa, sự thực nào có lợi cho họ. Nủa cái bánh mì thì vẫn là cái bánh mì, nhưng một nủa sự thực thì không còn là sự thực, hay là sự thực đã biến dạng đi.
Ông Tướng Nguyễn Ngọc Loan là “một người không giống ai”. Ông hành động theo những điều mà riêng ông cho là phải. Ông là người bất quy tắc (non conformist) cho nên ông được gọi là Sáu Lèo.
Cho nên ông mới cho mời báo chí đến để trừng trị một tên Việt Cộng nằm vùng gây nên tội ác ghê tởm với người dân Miền Nam Việt Nam. Ông tưỏng như vậy là có lợi cho đại cuộc, nhưng không ngờ nó phản tác dụng khiến cho miền Nam bị tổn thương mà ông cũng thân bại danh liệt.
Ông là Tướng Tổng Giám Đốc Cảnh Sát Quốc Gia, việc của ông là ngồi mà ra lệnh, tại sao ông phải đích thân cầm quân đi dẹp loạn để đến nỗi ông bị mang tiếng xấu, bị bắn què chân phải đi nạng suốt đời.
Nghe nói sau tháng Tư đen 1975, phải vất vả lắm ông mới vào được Mỹ. Người ta không muốn tiếp nhận một mẫu người “tàn bạo” như ông. Làm tướng mà không có trương mục, tiền bạc nào đáng kể. Phải mở một quán ăn kiếm sống.
Như vậy mà vẫn không yên, có người còn đem chuyện cũ của ông ra bới móc. Vào khoảng đầu thập niên 80, nhà văn Huy Quang , tức Trung Tá Không Quân Vũ Đức Vinh cùng với Mai Thảo, Thanh Nam và một số anh em ra tờ Đất Mới ở Seatle.
Sau khi tờ báo đứng vững, Đất Mới có ra thêm phụ trương bằng tiếng Anh để hy vọng thẩm thấu vào dư luận Mỹ. Nhân ngày kỷ niệm Mậu Thân, Huy Quang có phone đến tướng Nguyễn Ngọc Loan, để xem ông có cần phải điều trần điều chi với người đọc Hoa Kỳ. Tướng Loan trả lời, “Cảm ơn, tôi không có điều gì phải giải thích cả!”. Ông sống trong im lặng. Ông tự tin trong niềm im lặng của ông.
Từ lâu ông Tướng Loan mắc bệnh trầm kha, và ông từ giã cõi đời vào trung tuần tháng 7 năm 1998. Biến cố Mậu Thân 1968 và tên tuổi ông Tướng Nguyễn Ngọc Loan bỗng nhiên sống lại trong ký ức mọi người. “Cái quan định luận” nên nghĩ thế nào về ông Loan? Phóng viên ảnh Eddie Adams người chụp bức hình xử bắn được giảii Pulitzer đã đến gia đình ông xin lỗi.
Khi được tin ông mất Eddie đã đích thân đến dự đám tang và nói: “Ông là một vị anh hùng. Cả nước Mỹ nên khóc thương ông mới phải, tôi không muốn nhìn thấy ông ra đi như thế này, người ta không hiểu gì về ông ấy”. (The guy was a hero, America should be crying. I hate to see him go this way – Without people knowing anything about him).
Tại sao Eddie Adams bây giờ mới nói? Ông Loan đã chết rồi. Nói trước khi ông mất có khi tên tuổi ông đỡ bị người đời đàm tiếu mà gia đình thân nhân ông cũng được ngẩng đầu. Nhưng giả thử ông tướng Loan còn sống không chắc ông đã cho Eddie Adams nói như thế đâu. Ông không cần giải thích với ai. Ông muốn nhấm nháp vết thương của ông trong im lặng. Ông là con sói già cô đơn và kiêu hãnh của A. de Vigny:
“Gào khóc, kêu than đều hèn yếu – Hãy dũng cảm làm cho xong công việc lâu dài và nặng nhọc của ngươi, trên con đường mà số phận đã đặt định, rồi như ta, đau đớn, chết đi mà không nói một lời”.
Crier, pleurer, gémir c’est également lâche,
Fais énergiquement ta longue et lourde tâche
Dans la voie où le sort a voulu t’appeler
Puis comme moi, souffre et meurt sans parler.
Alfred de Vigny
Một dịp nào nếu tôi có dịp may đến viếng ông Tướng Nguyễn Ngọc Loan tôi sẽ thắp hương, cúi đầu và khấn: “Hãy an nghỉ, con sói già cô đơn và kiêu hãnh. Những người lính thuần thành xin được nghiêng mình trước hương linh Thiếu Tướng Nguyễn Ngọc Loan”.
Phan Lạc Phúc
,,, Sau khi Sài Gòn mất vào tay bọn giặc cướp cộng phỉ bắc việt cuối tháng Tư năm 1975, như để chuộc lại lỗi lầm từ bức hình Saigon Execution, Eddie Adams đã chụp được những tấm hình nổi tiếng về cuộc vượt thoát đầy gian nguy của thuyền nhân Việt Nam vào năm 1977.
Loạt ảnh có tên‘Con thuyền không nụ cười’ (The Boat of No Smiles) trong đó nổi bật là cảnh bà mẹ ôm đứa con trai đã chết cứng và một đứa khác đang mệt lả sau lưng bà. Gương mặt của người phụ nữ diễn tả sự đau đớn tột cùng, và ánh mắt của bà nói lên tâm trạng của thuyền nhân: mệt mỏi, đau thương, kinh hoàng và tuyệt vọng.
Bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ đã gửi sang Quốc Hội những tấm hình này. Nhờ đó, gần 200.000 thuyền nhân Việt Nam đã được chấp thuận định cư ở Hoa Kỳ. Eddie Adams giải thích: “Tôi thà được biết đến qua những bức hình tôi chụp 48 người Việt Nam tỵ nạn trên chiếc thuyền dài 30 foot [15m], rồi bị Hải Quân Thái đuổi ra biển. Nhờ những tấm hình này, tôi đã làm được những điều tốt mà không gây đau khổ, oan nghiệt cho ai cả”.
Phóng viên nhiếp ảnh Eddie Adams với lương tâm và trách nhiệm, ông đã can đảm nhận lỗi và chuộc lỗi. Đã nhiều lần ông nói lên lòng mong mỏi là được mọi người biết đến tên tuổi của ông qua bộ sưu tập ‘Con thuyền không nụ cười’ gồm những bức hình giúp người, chứ không phải bằng ‘Hành quyết tại Sài Gòn’, một bức hình đã vô tình làm tổn hại đến thanh danh của một vị tướng anh hung của Việt Nam Cộng Hòa.
Eddie Adams qua đời năm 2004 tại New York do các biến chứng của bệnh Lou Gehrig. Tháng 9/2009, bà quả phụ Alyssa Adams đã tặng toàn bộ di sản của ông cho Đại Học Texas (UT) tại Austin để thành lập một thư khố dùng làm tài liệu giảng dạy cho ngành nhiếp ảnh.
(Sài Gòn trong tôi/ by Nguyễn Phúc An Sơn)