Bãi biển Quy Hòa khi hoàng hôn.
Mộ phần của Thi sĩ Hàn Mặc Tử ở Làng Cùi Quy Hòa nay trở thành đài tưởng niệm Hàn Mặc Tử do Nhạc Sỹ Trần Thiện Thanh, Nhật Trường và một số văn nghệ sỹ hải ngoại quyên góp và xây cất. Linh cửu của nhà thơ đã được cải táng ở Ghềnh Ráng.
Mộ phần của những nữ tu của bịnh viện phong Quy Hòa.
Căn phòng gần nhứt nơi góc là nơi Thi sĩ Hàn Mặc Tử đã sống những ngày tháng cuối cùng và qua đời nơi đây.
Văn hóa của người Pháp đã để lại. Một bịnh viện phong Quy Hòa, một ngôi giáo đường và tình người.
Con đường vắng lặng trước căn phòng của Thi sĩ Hàn Mặc Tử.
**************
Ai mua trăng, tôi bán trăng cho
Trăng nằm im trên cành liễu đợi chờ
Ai mua trăng, tôi bán trăng cho
Chẳng bán tình duyên ước hẹn hò.
Hàn Mặc Tử tên thật là Nguyễn Trọng Trí, sinh ngày 22 tháng 9 năm 1912 ở làng Lệ Mỹ, Đồng Hới, Quảng Bình . Ông bị mắc chứng bịnh nan y phong hay nôm na là cùi. Vào thập niên 20, 30 chứng bịnh này cũng đã gây điêu đứng bên trời Âu mà chưa có thuốc nào trị tuyệt nọc.
Khi có dấu hiệu bị nhiễm chứng phong cùi, Thi sĩ Hàn Mặc Tử đã bị những người chung quanh xa lánh hất hủi. Mẹ của ông phải đưa ông đi trốn và sống lây lất qua nhiều nơi. Vào thủa xưa ở nhiều quốc gia người ta rất sợ bịnh cùi vì da mặt sần sùi lở loét chảy nước vàng, ngón tay ngón chân rụng lần lần, nên nhiều bịnh nhân đã bị chôn sống hay bắt lên rừng cho cọp ăn.
Cuối cùng Hàn Mặc Tử đã được đưa về bịnh viện phong ở Quy Hòa do các bác sỹ người Pháp điều hành gần thành phố Quy Nhơn. Các bác sỹ Pháp đã hối tiếc cho rằng nếu nhà thơ được đưa vào sớm hơn thì ông đã không chết. Và bịnh cùi do vi khuẩn (bacteria) Mycobacterium leprae phát triển rất chậm và không dễ lây như nhiều người lầm tưởng.
Trong thời gian lâm trong bịnh và phải sống lây lất thiếu thốn qua nhiều nơi và được chữa trị bởi những ông lang băm cho uống đủ loại thuốc tiên nên nội tạng của Hàn Mặc Tử bị tàn phá hư hỏng. Thi sĩ Hàn Mặc Tử qua đời ở bịnh viện phong Quy Hòa ngày 11 tháng 11 năm 1940 vì chứng bịnh kiết lỵ, thọ 28 tuổi.
Hàn Mặc Tử ra đi khi còn rất trẻ nhưng ông đã để lại một di sản phong phú cho nền văn học nghệ thuật Việt Nam thời tiền chiến. Những bài thơ của Thi sỹ Hàn Mặc Tử rất mới vào thời ấy vì mang sắc thái nổi loạn. Có người cho rằng thơ của ông phản ảnh một nội tâm bất bình thường vì tuyệt vọng vì đau thương khi bị những người thân yêu xa lánh.
Nhà thơ là một người lãng mạn đa tình. Ông có nhiều người yêu, có người đã gặp gỡ ngoài đời, nhưng có người chỉ liên lạc qua thơ từ. Thời ấy mà có FB thì số người yêu của Hàn Mặc Tử sẽ đếm hổng hết.
Một trong những người tình mà Hàn Mặc Tử thương mến là bà Mộng Cầm. Hai người đã hẹn hò nắm tay đi chơi với nhau ở Lầu Ông Hoàng tỉnh Phan Thiết.
“Lầu ông Hoàng đó, thuở nào chân Hàn Mặc Tử đã qua
Ánh trăng treo nghiêng nghiêng, bờ cát dài thêm hoang vắng”
Và một người con gái tên Hoàng Cúc người Huế đã gởi tặng nhà thơ một tấm hình của nàng mặc áo dài lụa màu trắng. Hàn Mặc Tử đã rung động nên sáng tác một bài thơ có tựa đề “Đây thôn Vĩ Dạ” để tặng người mình thương.
Sao anh không về chơi thôn Vĩ?
Nhìn nắng hàng cau nắng mới lên.
Vườn ai mướt quá xanh như ngọc
Lá trúc che ngang mặt chữ điền.
Gió theo lối gió, mây đường mây
Dòng nước buồn thiu, hoa bắp lay
Thuyền ai đậu bến sông trăng đó
Có chở trăng về kịp tối nay?
Mơ khách đường xa, khách đường xa
Áo em trắng quá nhìn không ra…
Ở đây sương khói mờ nhân ảnh
Ai biết tình ai có đậm đà?
Tôi mở tấm bản đồ “hành quân” của Quy Nhơn ra bỗng chú ý một ký hiệu màu đỏ có dòng chữ Anh ngữ “leprosy colony”, tạm dịch là “Làng Cùi”. Cõi lòng bỗng thấy xôn xao muốn đi tìm lại một lịch sử văn học Việt Nam.
Bước vào Làng Cùi bên bờ biển Quy Hòa. Thôn xóm lặng lẽ êm đềm. Những người dân sống nơi đây là con em của những bịnh nhân của chứng phong cùi ác nghiệt năm xưa. Tôi có đọc kỹ những lời phê bình của du khách nước ngoài trên mạng Tripadvisor thì nơi đây những người viễn xứ sẽ cảm thấy tâm hồn mình chùng xuống tĩnh lặng và bỏ lại những rối rắm của cuộc sống hiện đại sau lưng. Quả đúng là vậy.
Không những chỉ hình dung ra những bước chân của Thi sĩ Hàn Mặc Tử đã từng đi trên bãi cát Quy Hòa ngắm trời chiều hoàng hôn sóng vỗ rì rầm, mà còn chiêm ngưỡng một nền văn hóa của người Pháp đã để lại trên quê hương này.
Mặt trời xuống. Trên biển có những ánh đèn câu mực lung linh như dãi hoa đăng thần thoại và những bài thơ tình đau thương ly biệt của một người tài hoa nhưng vắn số.
Bông Lau