THÊM MỘT NHẠC SĨ ÔNG TẠ TÀI HOA RA ĐI : NGUYỄN VĂN ĐÔNG (Cù Mai Công)

Facebooktwitterredditpinterestlinkedinmail

Nhạc sĩ NGUYỄN VĂN ĐÔNG (1932-2018)

Gia Đình Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông đang chuẩn bị Tang lễ Ông ( Ảnh: Cù Mai Công)

Thật ra, vị nhạc sĩ tài hoa này là dân “ngoại ô” Ông Tạ chứ không ở trung tâm chợ Ông Tạ trước khi dời về chợ Phạm Văn Hai. Cụ thể ông ở đường Nguyễn Minh Chiếu (nay là Nguyễn Trọng Tuyển) – cắt ngang đường Thoại Ngọc Hầu (nay là đường Phạm Văn Hai). Tên con đường này cũng là tên một chiến dịch quân sự năm 1956 của Quân lực VNCH ở vùng Đồng Tháp Mười, do tướng VNCH Dương Văn Minh làm Tư lệnh, còn nhạc sĩ khi ấy 24 tuổi nhưng đã là Trưởng phòng 3 (Tác chiến) của Phân khu Đồng Tháp Mười VNCH.

Sinh năm 1932 ở Bến Cầu, Tây Ninh; theo binh nghiệp từ năm 14 tuổi (1946) ở Trường Thiếu sinh quân Vũng Tàu và chức vụ cuối cùng trong Quân lực VNCH là đại tá Chánh văn phòng Tổng tham mưu phó Quân lực VNCH. Khi học Thiếu sinh quân, ông được học nhạc với các giảng viên âm nhạc của Học viện Âm nhạc Quốc gia Pháp; thành viên ban Quân nhạc Thiếu sinh quân, sử dụng thành thạo nhiều nhạc cụ và 16 tuổi đã có những sáng tác đầu tay: Thiếu sinh quân hành khúc, Tạm biệt mùa hè…

Trước 1975, tên tuổi của ông lừng lẫy một cách đằm thắm – như tính cách của ông, không phải bằng binh nghiệp (dù tướng Dương Văn Minh từng bắt tay ngưỡng mộ ông trong chiến dịch Thoại Ngọc Hầu) mà là những tác phẩm âm nhạc: Chiều mưa biên giới, Phiên gác đêm xuân, Bến đò Biên giới, Về mái nhà xưa, Niềm đau dĩ vãng, Hải ngoại thương ca, Khi đã yêu… (ngoài Nguyễn Văn Đông, ông còn ký tên Phượng Linh, Phương Hà, Vì Dân và Đông Phương Tử).

Tính cách nhẹ nhàng, yêu quê hương da diết của nhạc sĩ cũng khiến ông không chỉ viết tân nhạc mà còn cả cổ nhạc: viết nhạc, đạo diễn trên 50 vở tuồng, cải lương nổi tiếng ở miền Nam trước 75 như: Nửa đời hương phấn, Đoạn tuyệt, Tiếng hạc trong trăng, Mưa rừng…

Thập niên 1950, ở tuổi đôi mươi, ông là Trưởng đoàn văn nghệ Vì Dân; 25 tuổi, ông là Trưởng ban Ca nhạc Tiếng thời gian của Đài Phát thanh Sài Gòn. Ông từng nhận giải Âm nhạc Quốc gia do đích thân bà Trần Lệ Xuân, phu nhân cố vấn Ngô Đình Nhu trao.

Phía sau cuộc sống khói lửa binh nghiệp thời chiến, phía sau ánh đèn sân khấu, dù là đại tá Chánh văn phòng Tổng tham mưu phó Quân lực VNCH, ông lui về ngôi nhà nhỏ xíu trên đường Nguyễn Minh Chiếu vốn là một trong những ngôi nhà bị dân chiếm của Khu trồng trọt cây giống, bán lại và ở cho đến lúc ra đi. Nhà ông mặt tiền cách nhà của nhà thơ Bùi Chí Vinh trong hẻm – cũng dân “ngoại ô” Ông Tạ – vài bước chân. Sống lặng lẽ từ trước 75, sau 75 và cả khi cải tạo về năm 1985 cho đến lúc ra đi nhẹ nhàng – cô cháu kể trước khi đi còn uống ly nước mía…

Ông đạo Phật, con trai duy nhất một gia đình điền chủ lớn ở Tây Ninh, nơi có xóm đạo Tha La bao phen binh lửa (nhưng ông sinh ra và học ở quận Nhứt, Sài Gòn). Rồi sau đó gần như sống ở vùng “ngoại ô” khu “thủ phủ” Bắc di cư Công giáo Ông Tạ, thuộc khu nhà thờ Ba Chuông (Đa Minh) nên có nhiều nhạc phẩm Công giáo rất nổi tiếng: Bóng nhỏ giáo đường, Màu xanh Noel, Mùa sao sáng, Tình người ngoại đạo… Và viết lời Việt cho một số bản nhạc cổ điển, nhạc ngoại: Ave Maria, Đêm thánh vô cùng (Stille Nacht), Hồi chuông nửa đêm (Jingle Bells)…

Tất cả đều là những giai điệu êm ả, nhẹ nhàng – như tính cách của ông: khi hành quân ở Đồng Tháp, lính tráng thời chiến thường đi săn bắn ở vùng biên giới lúc đó còn hoang sơ, ông thú thiệt “săn một con vật về cũng thương, ăn không được”. Cô cháu ở cùng nhà bảo: “Chưa bao giờ thấy ông la ai một tiếng”.

Theo binh nghiệp cả đời nhưng nhạc của ông không hề hứng thú với chiến tranh, thậm chí tác phẩm nổi tiếng “Chiều mưa biên giới” (cùng với “Mấy dặm sơn khê” của ông và 15 ca khúc khác) từng bị chính quyền Sài Gòn cấm vì hơi hướng phản chiến, với ca từ bắt đầu trong hoang mang của một anh lính: “Chiều mưa biên giới anh đi về đâu – Sao còn đứng ngóng nơi giang đầu…” (những năm 1955 – 1956, ông đóng quân ở khu biên giới Đồng Tháp Mười).

Nhạc phẩm này thoạt đầu do ca sĩ Trần Văn Trạch (em nhạc sĩ Trần Văn Khê) hát với giọng Nam rặt; s/x, ch/tr… rõ ràng. Sau do ca sĩ Hà Thanh, người Huế nhưng hát với giọng Hà Nội xưa – trong veo, tròn vành rõ tiếng rất sang cả chứ không uốn éo như một vài ca sĩ Hà Nội hiện nay. Khác hoàn toàn giọng, nhưng cả hai ca sĩ đều hát với giọng ca rung động lòng người khi ấy và cả hôm nay.

Không hiểu sao khu làm ăn Ông Tạ lại là nơi tìm đến của rất nhiều văn nghệ sĩ miền Nam trước 75.

Cạnh nhà tôi và là bạn nhậu của ba tôi là nhạc sĩ “Ai về sông Tương”, “Hoa cài mái tóc”… Thông Đạt. Cách nhà tôi vài căn trước 75 là nhà cha mẹ hai nhà văn tuổi mới lớn nổi tiếng Sài Gòn xưa: Võ Hà Anh – Dung Sài Gòn. Bà mẹ Dung Sài Gòn rất thương tôi vì tôi chơi thân với Tí, con út bà; hai đứa cùng tuổi và nghịch phá như nhau.

Tôi học chung lớp 4, 5 với Hoàng Hải Triều, con nhà văn “Công tử Hà Đông đẹp trai nhất Sài Gòn” Hoàng Hải Thủy rất nổi tiếng trước 75 và cuốn sách đầu tiên tôi được đọc là bộ truyện tranh Tây du ký mượn ở nhà Triều – tôi với Triều là bạn rất thân hồi lớp 4, 5; những đêm giáp tết còn tới nhà nhau chơi. Rồi ca sĩ Giang Tử, Vũ Anh, hai anh em MC Nguyễn Ngọc Ngạn – nhạc sĩ Ngọc Trọng (“Buồn vương màu áo”, “Đêm cô đơn”…) ở cùng đường nhà tôi, cách vài trăm mét, ngày nào đi học cũng đi qua. Rồi nhà thơ Trung Quan Do (học cùng lớp với anh ruột tôi ở “trường làng”, giờ là trường cấp 2 Ngô Sĩ Liên trước 75); nhà văn Đoàn Thạch Biền, Cô Gái Đồ Long Lê Nguyễn Hương Trà… (có lẽ đến 30-40 tên tuổi).

Tôi quen và là “khách ruột” mua giò chả, phômai… mấy chục năm nay ở cửa hàng của vợ nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông, cô Nguyệt Thu. Cô Thu cùng quê Gò Công với hoàng hậu Nam Phương (nhưng như chú, quê Tây Ninh nhưng cả hai vợ chồng đều sinh ra và lớn lên ở Sài Gòn) và nét mặt cũng hao hao: mặt thon dài, trắng trẻo, mắt một mí lót, hơi xếch; vốn là quản lý Hãng dĩa hát Continental mà ông là giám đốc nghệ thuật. Cô Nguyệt Thu về với ông năm 1968, niềm vui hạnh phúc chỉ được vài năm. Sau 75, ông đi cải tạo. Cải tạo về năm 1985 với nhiều bịnh; cô phải bồng bế ông, chăm sóc từng chút. Ông không chịu định cư ở Mỹ theo diện HO. Cô Nguyệt Thu vẫn lặng lẽ một cách sang trọng chăm sóc chồng, từ cửa hàng nhỏ Nhiên Hương mà tôi đi qua hàng ngày, ghé mua hàng ngày và tết nào cô cũng lì xì tôi: khi hộp bánh, khi gói lạp xưởng…

Nhạc sĩ Nguyễn Văn Đông ra đi tối 26-2-2018 (11 tháng Giêng), sau giao thừa thứ 87 của đời mình. Thế là hết những “Phiên gác đêm xuân”: “Đón giao thừa một phiên gác đêm…”. Đến ngôi nhà rất nhỏ (chiều ngang chỉ khoảng 3m; do vợ chồng ông gom góp mua từ năm 1970, sau hai năm cưới) thắp nhang, cô Nguyệt Thu gương mặt vẫn sang trọng nhưng mắt đỏ hoe: “50 năm cô chú đã đi cùng nhau và 48 năm ở ngôi nhà nhỏ này…”.

Giờ ai gác những đêm xuân cho cô khi cô chú không có con?…

Nguồn : https://www.facebook.com/he.via.54/posts/414902492289143